SỐ 80 - THÁNG 10 NĂM 2018

 

Chuỗi ngọc bỏ quên:
Đọc tập Bắt Nắng của Vũ Hoàng Thư

Huỳnh Kim Khanh

1.
Tôi nhận được tập Bắt Nắng do tác giả tặng đã khá lâu, có lẽ đã tám năm. Cũng đã đọc qua và cũng đã cảm nhận những gì tác giả đã viết theo lối diễn dịch và cảm ứng cá nhân. Mãi hôm nay mới có dịp ghi nhận cảm nghĩ của mình trong một bài tạp ghi hoặc tản mạn, tùy người đọc thẩm định. Như bạn đọc có thể nhận ra ngay, đây không phải là một bài viết để lancer một nghệ sĩ tài hoa đã có sẵn một vị thế nào đó trong nền văn học hải ngoại mà chỉ là một lời trần tình cá nhân, để cống hiến cho độc giả một cái nhìn của một độc giả bình thường của tập Bắt Nắng. Tôi phải nói thêm rằng, tôi có cái tật ít khi đọc Lời Bạt của một người nào đó trước khi đọc một tác phẩm, dù lời bạt đó cũng chính của tác giả. Thế nhưng vì gần đây, nhân đọc Lời Bạt (Foreword) của Ayn Rand của quyển The Fountainhead của chính tác giả, tôi mới đọc lại lời giới thiệu của Thi Vũ viết về tập Bắt Nắng. Lý do mà tôi ít khi đọc lời giới thiệu trước khi đọc tác phẩm là vì không muốn bị lời giới thiệu làm ảnh hưởng sự cảm nhận trung thực của chính mình khi đọc tác phẩm. Người nghệ sĩ, không nhất thiết là thi sĩ, văn sĩ, hoạ sĩ hay nhạc sĩ, kịch sĩ v.v…khi sáng tác hoặc trình diễn là tự biểu lộ một sắc thái nào đó của con người mình cho độc giả hay khán giả thấy để mỗi người có thể cảm nhận được những sắc thái cá nhân đó. Có người nói văn tức là người. Câu này cũng có thể áp dụng với thơ và nhạc v.v… Tôi xin lỗi trước là rải rác trong bài này, thỉnh thoảng tôi sẽ tự nhắc về mình để “relate” chứ không có ý tự khen chê gì cả, xin độc giả thông cảm. Đọc thơ cũng giống như đọc kinh điển Đại Thừa, có cảm thì có ứng. Người thi sĩ sáng tác thơ hoặc người nhạc sĩ viết nhạc và lời phải cân nhắc từng chữ, từng câu cũng giống như khi những bậc dịch kinh điển từ tiếng Phạn sang chữ Hán, hoặc từ kinh bản chữ Hán sang tiếng Việt đều phải đắn đo, cân nhắc. Một bài thơ còn phải được viết theo vần, điệu và đúng luật trắc bằng. Có nhiều người cứ viết một cách hời hợt, bừa bãi khi làm thơ mà cứ tưởng mình cũng thành thi sĩ mà không biết rằng họ đã làm mất đi cái hay của thơ. Đành rằng trong văn chương có văn, có chất, thế nhưng khi viết văn và làm thơ cũng nên cố giữ quân bình hai yếu tố quan trọng ngang nhau đó. Trở lại cái tật không thích đọc lời giới thiệu trước khi đọc tác phẩm của tôi. Sau khi đọc lại lời giới thiệu của Thi Vũ về tập Bắt Nắng, tôi mới nhận ra rằng mình đã đánh mất đi một dịp hiếm có để nhận ra những nét đẹp trong văn chương của Vũ Hoàng Thư qua chính những lời trần tình quá tuyệt diệu của nhà thơ Thi Vũ. Phải đọc cả những lời giới thiệu đó mới hiểu ra rằng không ai hiểu thơ bằng thi sĩ. Tức nhiên, đã từng làm thơ thì sẽ hiểu thơ hơn khi đọc thơ của người khác. Nói thế không có nghĩa giới hạn thơ chỉ dành cho thi sĩ đọc. Bạn không cần là một nhạc sĩ sáng tác để có thể thưởng thức một bài nhạc hay. Ý tôi muốn nói có lẽ thi sĩ sẽ hiểu thơ dễ hơn khi đọc thơ. Một bài thơ hay cũng cò nhiều lý do. Có thể vì mô tả được tình cảm nào đó cho người đọc cảm nhận được qua sự lựa chọn lời hoặc sự diễn đạt của ý, hoặc giả vì cái âm điệu tuyệt vời nào đó. Tôi nhớ cũng lâu lắm rồi, có lần tôi viết khen cách dùng chữ tuyệt diệu của Vũ Hoàng Thư, lúc đó tôi chưa biết anh nhiều nên chưa biết anh chính là VAT của diễn đàn. Vì thế cho nên OC Đỗ Khang An mới cười hô hố. Làm thơ và đọc thơ có sự cảm và ứng cũng như khi đọc kinh điển. Có người đọc kinh chỉ hiểu nghĩa đen của từ ngữ thông thường nhưng không hiểu được ý của Phật hoặc Thánh dạy. Chính vì thế tôi hay ví những bài kệ trong kinh Đại Thừa có thể được ví như những chuỗi ngọc quí. Bạn không cần phải đọc và hiểu hết tất cả những kinh điển để “giác ngộ” mà chỉ cần hiểu một bài kệ hoặc một câu trong những bài kệ đó cũng có thể hiểu thấu mọi bài kệ trong kinh. Lục Tổ Huệ Năng khi nghe một câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong kinh Kim Cang mà đại ngộ. Cũng như có một vị sư nào đó đã từng nói bạn chỉ cần hiểu một kinh đại thừa là bạn có thể hiểu bất cứ một kinh điển đại thừa nào khác. Đọc thơ có cảm và ứng. Cũng giống như nghe nhạc. Nói đến cảm và ứng cũng nên đề cập đến tần số (frequency). Âm thanh, màu sắc, ánh sáng đều có tần số. Nhạc có bảy note. Sắc có bảy màu v.v…Cũng chính vì thế, người ta thường bảo hai người kia có cùng tần số có nghĩa hai người đó hạp nhau. Khi mình đọc mà thích thơ của ai, tức nhiên có sự đồng điệu giữa người làm thơ và người đọc thơ.Thế nên có người viết văn cũng có nhạc trong văn. Làm thơ cũng giống như viết nhạc, có nhạc, có lời và có âm điệu trầm bổng. Làm thơ mà quên âm luật chẳng khác nào lái tàu mà không có ý niệm gì về sóng gió, hải phận và địa dư hoặc ngay cả những cơ cấu và máy móc của con tàu. Đọc thơ Vũ Hoàng Thư bạn sẽ thấy phảng phất những nét chấm phá đơn sơ của tranh thủy mạc, những âm hưởng của thơ Haiku của Nhật, những vẻ đẹp đơn sơ nhưng sâu thẳm của thiền và cái tình người thắm thiết vấn vương, quấn quýt sương khói quyện trong khoảng vắng thinh không.

Chỉ trong văn chương Vũ Hoàng Thư, bạn mới để ý đến những khoảng vắng lặng trong một bản nhạc thay vì cứ chú ý hơn về những note nhạc trong bài như nhiều người yêu nhạc khác. Trong tình yêu, khi có nhau thì mình không để ý mấy đến những giây phút huy hoàng hiện tại, mà chỉ khi xa nhau mới thấy nhớ nhung ray rứt và mới thấy thấm thía cái thú đau thương của tình yêu. Phải khi xa quê hương mới thấy yêu nước, yêu dân của mình hơn. Phải xa vắng và mất mát những giây phút rất bình thường khi còn ở quê nhà, mới thấy thấm thía khi không còn nhìn được màu phượng vỹ ở sân trường ngày nào…Tôi đã biết kinh Kim Cang khi còn rất trẻ, khoảng mười một mười hai tuổi gì đó. Lúc ấy tôi có đọc đâu đó nói rằng nếu bạn chép kinh Kim Cang ra nhiều bản thì bạn sẽ được phước. Do đó tôi cũng chép tay kinh Kim Cang. Dĩ nhiên lúc đó tôi có đọc kim Cang nhưng chắc chỉ hiểu lờ mờ lời Phật dạy mà mục đích chính là chép kinh được phước. Bà dì tôi thấy tôi còn nhỏ mà đã đọc Kim Cang thì cảnh cáo là phải đợi đến lúc đủ tư cách hơn hãy dọc kinh đó. Mãi đến mười mấy năm sau đó, khi sang Canada, tôi mới có dịp đọc lại Kinh đó với dạng chữ Hán, cũng nhờ nhiều năm tự học chữ Hán để hiểu thêm tiếng Việt. Đọc văn chương Vũ Hoàng Thư tôi lại có dịp gặp lại kinh Kim Cang trong bài Những khoảng lặng:

“Tất cả quyện tròn trong một màn kịch câm, mơ hồ như bóng nắng, huyễn hoặc ở phía bên kia. Còn phía bên này ? Điều có thể thấy được, tưởng chắc là thật, hóa ra là sương mong manh. Chỉ còn sương, chút sương che là thật phía bên này,

Only the mist is real

Và khi màn sương tan, cái gì sẽ còn lại? Lời Nagārjuna như sấm động dội về giữa vùng sương khói cô liêu:

Như huyễn hóa, như mộng mị, như lâu đài của loài Càn thát bà, tất cả sự hiện khởi, tồn tục và tan biến đều như vậy.

Như huyễn diệc như mộng
Như Càn thát bà thành
Sở thuyết sanh trụ diệt
Kỳ tướng diệt như thị
(Madhyamika – VII, 35)”

Bài kệ trên của Trung Quán Luận làm ta nhớ đế bài kệ kết thúc kinh Kim Cang:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ, diệc như điện
Ưng tác như thị quán

(Tất cả pháp hữu vi
Như bọt nước, như mơ
Như hạt mốc như điện
Nên quán chiếu như vầy)

Trong bài Những lóng xuân, Vũ Hoàng Thư đưa ta vào thế giới của thi ca và thiền cùng Haiku.

“Những đám mây cuối năm ôm lấy vòng chân núi, chóp đỉnh xanh thẫm ẩn hiện sương mù vẽ vòng cong vào không gian trắng. Đỉnh vút như bờ ngực Aphrodite trải gió dập dìu một đêm hoang sơ Hy Lạp. Aphrodite là bọt biển hay sương trắng khi nàng trùm lấy Paris bao che chàng thoát khỏi tay Menelaus ? Câu hỏi ngàn đời cổ tích . Những ngọn gió sẽ làm tan đi bọt biển và sương. Thần thoại tan biến. Hy Lạp hoang tàn thành phế đài theo những ngọn gió mùa. Đông phong của thi ca Trung quốc, y cựu tiếu đông phong. Nhìn hoa nhớ đến hoa năm nào. Người xưa cũ, hồn ở đâu bây giờ ? Bâng khuâng trong hồn xuân thanh vắng, Thôi Hộ và Vũ Đình Liên gặp nhau.”

“Một ngày mùa xuân, Sư Huyền Quang tình cờ gặp một cô thiếu nữ ngồi thêu thùa bên cửa. Mấy chú oanh vàng líu lo trong lùm tử kinh hoa đang rộ. Bất chợt cô gái xuân dừng mũi kim lại. Không nói. Tận tại đình châm bất ngữ thì. Cả một vũ trụ đứng yên vì sự không nói của cô! Cô im lặng làm mùa xuân đâm rộng mênh mông. Thế rồi cô ngước lên nhìn, ô hay thì ra mùa xuân đang tràn đầy ngoài kia. Thừa chăng mọi tiếng lời.

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly(*)
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì
(Huyền Quang – Xuân nhật tức sự)

Lơi chậm làn thêu gái xuân thì
Tử kinh hoa rộ hót hoàng ly
Yêu xuân vô hạn ngàn xuân ý
Ở lúc dừng tay chẳng nói chi
(Tức cảnh ngày xuân – VHT chuyển Việt)

Hoa nở, chim hoàng ly ca, cô gái dừng tay thêu, thoạt nhìn như không dính dấp gì nhau. Nhưng tổng thể là một khung mùa. Xuân về. Xuân đến như thế. Như lai.”

(*) Trong bài này, có chữ “chuyển” rất đặc biệt mà có nhà dịch sai là nhảy nhót vì nếu không tra nguyên bản chữ Hán thì sẽ hiểu “chuyển” là nhảy nhót từ cành này sang cành nọ, mà phải để ý cái bộ “khẩu” là cái miệng bên cạnh chữ chuyển là thay đổi từ thể này sang thể nọ, do đó có nghĩa là “ca hót”.

Trong cùng bài Những khoảng lặng, ở đoạn 3:

“spring air
woven moon
and plum scent
(Basho)

hơi xuân dường chút mời đưa
lung linh trăng lụa
mận vừa thoảng hương

(VHT phỏng dịch)

Không có má, chỉ một mùi hương thoảng nhưng người cứ mơ để quên hiện tại. Tuệ Trung Thượng Sĩ đập nhẹ lấy vai, dậy đi thôi, có trăng hay hoa nào khác?

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố niên hoa

Nguyệt đêm qua cũng là trăng hôm nay. Hoa năm mới vẫn là hoa năm xưa. Chân diện mục nào ta đánh mất ?”

Lời văn của Vũ Hoàng Thư lướt nhanh từ những lời thơ cổ kính của Basho đến những dòng thơ của những bậc thiền sư khác như một dòng tư tưởng trác tuyệt vượt cả không gian thời gian đem dĩ vãng, tương lai, kết chùm với giây phút hiện tại. Tâm quá khứ, tâm vị lai và tâm hiện tại là một, là cốt tủy của nhất nguyên, là cái thủa ban sơ ngây thơ mộc mạc và cũng là chân tướng mà người thường hay đánh mất hoặc đã vô tình bỏ quên.

Đọc thơ Vũ Hoàng Thư bạn sẽ thấy cái đẹp tuyệt vời của thể thơ lục bát của Việt Nam mà chỉ có một số ít người điêu luyện mới đạt được trình độ thiên tài đó. Hồi nhỏ, tôi không thích thơ lục bát. Nhưng khi lên đến trung học, đệ tam đệ tứ gì đó, có ông thầy Việt văn khuyên tôi nên cố nghiên cứu và đọc Truyện Kiều để thưởng thức và quí thơ lục bát. Nhờ đó mà tôi đã khám phá ra thiên tài Nguyễn Du và áng văn chương trác tuyệt độc nhất vô nhị của Việt Nam. Cũng từ đó, tôi tự cảnh cáo mình là phải cẩn trọng khi làm thơ lục bát. Vũ Hoàng Thư có biệt tài về thể thơ này không hiểu vì thiên khiếu hay vì công phu, tôi cũng không rõ. Thế nhưng một điều chắc chắn là khi làm thơ lục bát, anh có tài dùng chữ mà ít thấy ai có được.

Gần đây khi đọc lại hai bài đoản văn Haiku và những cơn nắng hạ III tôi phải ngưng chậm lại để thưởng thức những câu lục bát cô đọng và súc tích.

“The tarnished gold
And the fresh greenery
Bring back memories of bygone days.
– Miura Chora
(1729 – 1780)

vàng phai
cùng với ngàn xanh
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.

(VHT phỏng dịch)

Con đường nắng và những hàng cây trải dài trên lối vào Đại Vực. Lá xanh thắm sáng rực trong nắng vàng, hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây. Tôi trở lại nơi đây một lần thứ hai với trăng và sương khói của mùa thu năm trước như còn lảng vảng trong đầu. Cái ấn tượng ban đầu thường khắc hằng trong trí nhớ. Ai có thể quên được lần thứ nhất hay thuở ban đầu...”

Giữa vùng nắng hạ rực rỡ đó, thi sĩ chợt nhớ đến tiếng hát Lệ Thu qua bài Hạ Trắng

Tôi đưa em về, chân em bước nhẹ…trời buồn gió cao…

“Tiếng hát Lệ Thu như gào vào tim cho ra từng sợi máu, tôi đưa em về, chân em bước nhẹ... trời buồn gió cao... Hình như phải có một chỗ về để chân được bước rất nhẹ và êm đềm. Mất chốn về, thân đâm ra hụt hẫng, cổ bỗng dưng đắng khô như cuống họng của đỗ quyên rỉ máu cuối hè. Những mùa hè đã khuất mà tôi cứ mãi che mắt ngóng tìm. Ở tận phương xa. Xa lắm. Nơi đó, tôi thường lặng ngắm những cánh chim lượn ở cuối bể vào những buổi chiều hè…”

“Không gì kỳ lạ hơn tiếng chim biển của những buổi chiều trên bến cảng. Giọng chim khàn đục nghe quen như tiếng kèn saxo trên phố mưa từ một quán rượu nào đó, chậm buồn, tức tưởi cho một nỗi đau bất chợt, vang vọng rồi nín bặt khi người khách vừa khép hờ cánh cửa. Phố đêm những ảnh thân mờ. Điệu Blues nấc nghẹn hững hờ chợt bay. Vòng lưng chưa nối đường tay. Mà nghe tình vội như ngày hạ qua...”

Đoạn văn đang khắc khoải, nghẹn ngào vì niềm nhớ nhung dĩ vãng được kết bằng bốn câu lục bát đong đưa dìu dặt của điệu nhạc Jazz, đưa ta vào những đêm tình tự mùa hè nóng bỏng qua nhanh. Từ văn xuôi chuyển sang văn vần mà không gượng ép. Nếu không để ý, có lẽ người đọc sẽ không biết mình đang đọc thơ giữa khi đọc bài văn.

Rồi tác giả nghĩ đến kiếp ve sầu ngắn ngủi như cuộc vui mùa hè. Cuộc đời ve chuyển hoá từ kiếp côn trùng nơi tăm tối, đổi lốt thành loài có cánh, cất tiếng hát vang rần rộ dưới trời hè rộng thênh thang, để rồi chết đi với thân xác võ vàng, khô héo.

“Calm and serene
The sound of a cicada
Penetrates the rock.
– Matsuo Basho
(1644 – 1694)

lặng yên qua mấy từng không
lời ve
gõ thấu vào lòng đá xanh.

(VHT phỏng dịch)”

Viết đến đây, tôi xin mạn phép tạm ngưng để trở về chương trước, để nghe những điệu Fado thống thiết của Bồ Đào Nha. Theo như một trong những nữ ca sĩ trình diễn Fado mô tả thì Fado có nghĩa là “longing”, mong mỏi, nhớ nhung. Cũng nhờ đọc chương này trong Bắt Nắng, tôi có dịp tìm tòi, học hỏi về những dòng nhạc Fado mà người ta gọi là nhạc quốc hồn, quốc túy của dân Bồ Đào Nha. Tôi nghe qua và nhận ra rằng, đa số những bài này đều có tone Major của những bài Tango nổi tiếng, tuy nhạc Fado ít viết theo điệu này mà lại theo điệu Fox trot. Từ những tiếng ve sầu kêu gọi tình yêu ve đực, chuyển sang những dòng nhạc Fado cung trưởng có một gạch nối vô tình. Đó là những nhạc theo cung trưởng đều dùng để diễn tả một tình cảm trọn vẹn và hoàn tất. Trong khi những bài nhạc cung thứ thì thường dành để diễn tả những tình cảm bị thiếu thốn, đánh mất. Thế nhưng vì sao ve đực lại phải chết khô trước khi mùa hè cáo chung và sau khi tình yêu đã cáo chung. Phải chăng cái chết của ve đực là một cái chết trọn vẹn?

Vũ Hoàng Thư đã dùng lời của một bài Fado nổi tiếng để tóm tắt về loại nhạc fado trong đó bao gồm những sắc thái của tình yêu bất tử, khoái lạc, tội lỗi, ghen tuông v.v…Có cuộc tình của nàng Kiều Maria Severa và chàng Bá Tước hào hoa De Vimioso. Cuộc tình đó chẳng khác một trong những cuộc tình của Đạm Tiên trong Kiều của Nguyễn Du, cũng kết thúc bằng cái chết của nàng khi vừa mới nửa chừng xuân xanh.

Gần xa nô nức yến anh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

Lang thang giữa kinh thành Lisbon, nghe nhạc fado réo rắc bập bùng, Vũ Hoàng Thư lại nhớ đến những dòng nhạc Khánh Ly mô tả một tình khúc Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn ngày nào…

từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...

… Ta là vì sao rơi xa hút đến cuối trời thăm thẳm vì bầu trời mang ta đã mất. Ta say loạn hết biết còn nơi cư trú. Lối ngõ là một cái gì xa xăm. Ðường về ư? Nhà ta đã mất từ dạo con người biết định nghĩa về một chốn nghỉ chân.

Sou estrela ébria que perdeu os céus,
Sereia louca que deixou o mar;
Sou templo prestes a ruir sem deus,
Estátua falsa ainda erguida ao ar...
(Estátua falsa, Thơ: Mário de Sá-Carneiro)

I'm a drunken star that lost its skies,
A mad mermaid that left the sea;
I'm a crumbling temple with no god,
A false statue still raised in the air...

tôi tinh cầu say lạc mất trời
mỹ ngư điên biệt biển xa xôi
miếu đền tan thần linh đánh mất
huyễn hư tôi tượng đứng chơi vơi...

(VHT phỏng dịch)

Ðã bao lần ta là tượng đá vô cảm trên xứ người? Quê hương xa thẳm như bầu trời lạc cho kẻ lưu xứ làm tinh cầu say đêm đêm. Huyễn hư tôi... Estátua falsa... Lời nhạc xoáy rúng đến thần hồn trên đường về khách sạn. Ðêm Lisbon sũng nước trên từng bước đi, nền đá nhỏ phản chiếu ánh đèn đường vàng vọt như hắt lên từng nỗi nhớ đã cũ và rất xa...”

Đến đây, tôi lại xin trở lại phần Haiku nói về hạ trắng đã bị bỏ dở ở trên.

Vũ Hoàng Thư, khi nói đến thể thơ Haiku, lại bàn đến sự khai sinh của vũ trụ trong Big Bang Theory. Anh nhắc đến từ khoa học Vật Lý nanosecond làm ta liên tưởng đến chữ sát na trong kinh đại thừ, và anh ví một bài thơ haiku như một bài kệ, một ý mà tôi đã rất ngại ngùng khi mô tả thơ ở đầu bài này. Phải chăng đây cũng là sự gặp nhau của hai “chí lớn” ? Hoặc giả đó cũng chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, hốt nhiên cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hoà của đất trời. Vũ Hoàng Thư đã đi xa hơn một bước nữa để mô tả sự cảm thông hay cảm và ứng giữa người làm thơ và kẻ đọc thơ. Do đó một bài thơ Haiku cũng như một công án thiền thu gọn. Người đọc và người viết thốt nhiên nhận ra nhau một cách đột nhiên, bất chợt như đã hẹn hò nhau từ muôn kiếp, chỉ chờ gặp nhau và nhận ra nhau trong một sát na hiện tại nhiệm mầu.

Young leaves
The sound of a waterfall
Heard from far and near.
– Yosa Buson
(1716 – 1784)

nụ non lá giú lên mầm –
thác reo
nghe thoảng xa gần đâu đây.

(VHT phỏng dịch)

Phải chăng thơ lục bát của Việt Nam cũng hàm chứa thể thơ Haiku của Nhật nhưng còn có vẻ smooth hơn là vì, thay vì ngắt đoạn 17 âm, ta gói ghém ý nghĩ trọn vẹn trong 14 chữ?
Vũ Hoàng Thư dùng hai câu thơ của Thi Vũ để chứng tỏ điều đó:

em đi để lại con đường
ta đem bóng đổ đo lường hình xưa

Hoặc giả hai câu thơ của Bùi Giáng:

ta đi còn giữ đôi dòng
lá rơi có dội ở trong sương mù

“Câu trả lời có chăng là niềm hư vô tuyệt đối mà người phải trăn trở đến tột cùng. Lá rơi còn dội mấy giòng, người đi có giữ gì trong sương mù?”

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du thì có rất nhiều câu lục bát gói ghém những triết lý sống sâu xa với những câu thơ mộc mạc

trăm năm trong cõi người ta
chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Tôi xin dẫn thêm:

bắt phong trần phải phong trần
cho thanh cao mới được phần thanh cao

Nói đến thơ Haiku khiến người viết chợt nghĩ đến sự tương đối của thời gian và không gian. Bao thế kỷ có thể dồn vào một sát na ngắn ngủi, những sự hưng phế trong lịch sử nhân loại rồi cũng để lại những đống tro tàn đá vụn rải rác đó đây. Những nền văn minh cổ huy hoàng đến bao nhiêu, giờ cũng chỉ là cổ tích. Tác giả đặt câu hỏi có gì liên hệ nhau giữa Inka Nam Mỹ và và Champa ở Việt nam hoặc Đế Thiên, Đế Thích của Miên? Ngôn ngữ của thế giới có trên sáu ngàn mà giờ đây, đa số đã trở thành tử ngữ. Những nền văn minh cổ giờ chỉ lưu lại với những hình vẽ thô sơ mộc mạc mà nhiều nhà ngôn ngữ học phải cố tìm tòi để hé nhìn vào tâm hồn của những người đã từng sống cả ngàn năm trước. Con người cũng không thoát khỏi cái lẽ vô thường của tạo hoá. Hai chữ tạo hoá cũng là tác phẩm của đầu óc. Cũng như những Thần Thánh chẳng qua cũng là sản phảm của đầu óc con người.

Fickering lights
of fireflies
forebode their short lives

Kawabata Bosha ( 1900-1941 )

chập chờn
thân đóm dường như
tiền thân đã gọi kiếp ohù du mang

VHT

Ah, summer grasses!
All that remains
Of the warriors dreams

Basho

nhấp nhô cỏ hạ kéo về
chút tàn dư lại
mộng hề! chinh nhân

VHT

Mộng chinh nhân của những chiến sĩ ngày trước giờ đây chỉ còn một đám cỏ mùa hè xơ xác.
Hai người lính đã từng đứng khác chiến tuyến trong mơ gặp nhau mà chẳng thấy nhau.

an old pond
floating up side down
a cicada’s shell

Shiki

một ao nước cũ lặng lờ
nổi trôi thân ngửa
vật vờ xác ve

VHT

Hai câu cuối của Vũ Hoàng Thư dịch hai câu chót của bài Haiku thật là trác tuyệt, đáng khâm phục.
Cuộc đời điên đảo giữa hai vùng mộng và thực. Con người đang bước trên nóc hỏa ngục mà không hay biết và vẫn mê mải ngắm hoa.

In this world
we walk on the roof of hell
gazing at flowers
Issa

chung thân dạo cõi trăm năm
A tỳ dưới gót
mắt đằm trông hoa

VHT

 

We humans –
Squirming around
Among the blossoming flowers

Issa

Ta người –
quằn quại đó đây
giữa muôn bông nở đã đầy càn khôn

Thi Vũ dịch



We flowers
bleeding petals
for the smiling humans

Vũ Hoàng Thư

Ta hoa –
Máu dậy cánh hồng
Chót môi cười nụ động lòng nhân gian

Thi Vũ dịch

 

In a drewdrop world
Singing at drewdrops
Summer cicada

Issa

Trần gian một kiếp sa mù
hát lời sương lạc
sinh phù kiếp ve

VHT

“Buổi sáng hè có sương hứa hẹn một ngày nóng. Nhớ về ve là nhớ về một nơi chốn đã mất, không gian cũng như thời gian. Tuổi trẻ đi không trở về, đất nước xa không được gần. Nhớ nung hầm nhiệt đới, dã dượi đợi chờ dưới hàng cây của sân trường im bóng. Tất cả như ảo giác, tất cả như không thật. Có chăng ve hát từ sương trong một buổi sáng có sương giữa thế giới mù sương? Thật chăng kiếp cầm ca ngắn ngủi, ve, hát về một kiếp sống còn ngắn ngủi hơn, sương?”

Câu hỏi cuối của tác giả khiến ta nhớ lại bài kệ kết thúc Kinh Kim Cang. Cái thế giới hữu vi của chúng ta quá ư là mong manh, kỳ ảo. Thấy đó rồi mất đó. Ai có thể nói chắc cái gì trường cữu? Ta thấy em trong tiền kiếp hay ta mới thấy em đây? Mà em là ai, là một hình ảnh yêu kiều của một thời quá khứ xa xôi nào đó, hay chỉ là hình bóng trong tâm ta khi ta mường tượng để tưởng nhớ về em?

Biting into a bitter weed
Alone I bear
My feelings

Shiki

cắn răng cỏ dại đắng ngần
mình ta cam lãnh
trăm phần nỗi riêng

VHT

Hai chương sắp tới, một nói về mùa thu, còn chương kia nói về hoa nắng và cả hai đều do hai thi sĩ nỗi tiếng viết cho nên mới đọc qua tôi thấy không biết có nên để dành bàn đến sau hay không. Thế nhưng sau khi đọc lại thêm một lần nữa thì tôi thấy mình có thể tiếp tục như thường. Sự đặc biệt về nội dung của hai chương này cũng liên quan đế ý thức thiền và Phật thức cho nên người viết cảm thấy phải đắn đo. Nhà thơ Phạm Thiên Thư đã nổi tiếng qua bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc Ngày xưa Hoàng Thị với những lời như Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ…Em tan trường đường mưa nho nhỏ, ôm nghiêng tập vở, áo dài vờn bay, vờn bay… Tôi nhớ ông còn có sáng tác một áng thơ dài gọi là Đoạn Trường Vô Thanh mà theo ý tôi có chủ ý viết tiếp và kết thúc Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du. Trong chương « Một tiếng đất trời thu » Vũ Hoàng Thư cũng nói về nhà thơ Phạm Thiên Thư và việc ông muốn thi vị hóa kinh Kim Cang. Cả hai đề tài Kiều và Kim Cang đều là hai đề tài lôi cuốn tôi ngay.

Viết đến đây, tôi chợt giật mình. Những lời tôi viết về VHT viết về một người khác, bất kỳ là một nhân vật quá khứ trong một điển tích nào đó, hoặc giả về một đế tài nào đó trùng hợp với những gì tôi đang liên tưởng lúc đó có thể làm người đọc ngỡ ngàng không biết đang đọc những chữ, những lời của ai…Điều đó có thể xảy ra lắm. Có nghĩa hai hoặc hơn những luồng tư tưởng sẽ quyện vào nhau làm mất đi dấu vết cái nguồn gốc ban sơ.
Thay vì nói dông dài, xin hãy đi thẳng vào « Một tiếng đất trời thu » của VHT :

“Sương nhỏ giọt lóng màu trời xám xuống bìa lá ủ nhàu một hè đã xa xăm. Con đường ngoằn ngoèo dài và hút lối rải rác vàng của lá. Trên lối đó nhớ một hạ nhanh thoắt ghé chân hài. Tiếng bước bật dậy âm khô về một không gian xa.

con đường hoàng hoa
em mang hài lục
(Guốc tía – Phạm Thiên Thư)

Hài xanh hẳn là của buổi ngày xưa vì những em gái bây giờ không còn mang hài, họ mang giày cao gót hối hả đi về phố thị nơi thương xá thời trang tấp nập đợi chờ. Con đường hoàng hoa bỏ lại xin dành cho thi sĩ lang thang một mình. Hài lục thuộc về một thoáng của huyễn mơ, thuở giày xanh làm nổi bật gót trắng thanh nõn. Vẫn con đường hoàng hoa đó, lá thẫm xuống khi màu trăng sao thức dậy gọi sương đêm. Thi sĩ nhớ về một hạ xanh mà hạ xanh vụt mất quá nhanh.”

Tôi cứ đọc mãi cái câu « Vẫn con đường hoàng hoa đó, lá thẫm xuống khi màu trăng sao thức dậy gọi sương đêm ». Qúi vị hãy để ý ở đây là « màu trăng sao thức dậy » chứ không phải « trăng sao thức dậy ». Vì sao? Là vì phải màu mới làm màu lá thẫm xuống. Một nhận xét quá tinh vi khi dùng chữ của VHT. Còn thi vị hơn thế nữa khi cái màu trăng sao đó thức dậy gọi sương đêm. Chẳng những màu trăng sao là sắc tức ánh sáng mà còn là âm thanh mới gọi được sương đêm.

”Em gái thôi không còn mang guốc mộc. Xa rồi tiếng guốc gõ êm đềm đi về bờ giếng đêm đêm, tiếng nước mát vang vang. Nước đêm luồn vào gáy tóc, trăng tràn xuống bờ vai. Đêm sâu thẳm những vực bờ ẩn mật lấp lánh ngời giếng mắt.

con đường sầu đông
em đi guốc tía
anh ngồi thấm thía
cội sầu trổ bông
(Guốc tía – Phạm Thiên Thư) ”

“Tiếng nước mát vang vang. Nước đêm luồn vào gáy tóc, trăng tràn xuống vai.”
Nước mát vang lên tiếng.
Nước đêm luồn vào gáy tóc
Trăng tràn xuống bờ vai
Đêm sâu thẫm những vực bờ ẩn mật
Lấp lánh ngời giếng mắt

Đang đọc về nước mát, cứ ngỡ tác giả nói về nước giếng, nhưng không phải, đó là nước đêm. Nước đây cũng như luồn gió, vì nước luồn vào gáy tóc…Hãy tạm quên trăng đang như giòng suối trắng chan hoà đang tràn xuống vai mà hãy để ý đêm sâu thẫm những vực bờ ẩn mật lấp lánh ngời giếng mắt. Tưởng là giếng nước, thì ra tác giả nói về giếng mắt. Luồng tư tưởng của thi sĩ chuyển hoá không ngừng đưa ta từ hình ảnh này đến bóng dáng kia để đưa ta sang bỉ ngạn của thơ. Phạm Thiên Thư cố thi vị hoá Kinh Kim Cang, gọi kinh đó là Kinh Ngọc Qua Suối Mây Hồng, ông bắt đầu như vầy:

Thân như sương đầu cỏ
tụ mười cõi trăng sao
nhập dòng thơ thâm dịệu
mộng thức dưới hoa đào

VHT bình luận hai chữ “mộng thức” của PTT như vầy:

“Ông thật khéo biết nói đùa. Mộng thức là biết mình đang mộng, Hay mộng đang còn thức?”

Theo tôi nghĩ thì chữ “thức” đây có nghĩa thức dậy hay tỉnh dậy như chữ “hiểu” trong câu “Trang sinh hiểu mộng nghi hồ điệp” ( tức là Trang Tử nằm mộng, khi tỉnh dậy tưởng mình là bướm – vì năm mơ thấy mình biến thành bướm nên khi tỉnh dậy không biết mình là bướm mơ thành người hay không? )
Nhưng nếu diễn dịch như VHT thì thức là chưa ngủ cho nên lúc đó thực với mộng là một, mông đang tỉ tê với hoa đào?

“Dòng thơ thâm diệu, nó là cái gì mà hàm tàng cả ba ngàn thế giới? Có chăng một dòng luân sinh nhỏ nhoi và mong manh như giọt sương rơi đầu cỏ, lại to lớn bao trùm mười cõi trăng sao, trong một, chứa muôn ngàn và đại thể nằm gọn trong một lẻ loi, như vậy thì thế nào gọi là giả, thế nào gọi là chân ? Cho nên thiền sư ngồi thức dưới cội đào, cứ coi như dự mà không dự vào cuộc chơi của chân mộng, để đặt triệu lời tra vấn lấy mình.”

“Mộng theo với mị cùng ta
Em mang guốc tía bước vào cõi không”

Thiền sư đang ngồi tỉnh tọa dưới cội hoa đào nghe tiếng guốc vang đâu đây của người em quá khứ, hay đang thiền định bên bờ giếng dưới ánh trăng, chợt nghe tiếng thét ngất trời, tiếng thét có thực hay không?

”Có hay không có một tiếng thét, nào ai biết, họa chăng đàn vạc ngủ đêm giật mình vỗ cánh, cất tiếng gọi giữa lưng trời. Sư lẩm bẩm, ’Cô thiềm độc diệu giang sơn tịnh, trường khiếu nhất thanh thiên địa thu.

Tháng mười bay về những cơn mây và vài trận mưa sớm bất ngờ. Có lẽ như thế thu theo qua. Gió heo may còn chăng chỉ là những nhớ nhung của sách vở. Rừng cây đang chuyển sang vàng, mùa thành mùa rơi. Không phải vàng chín ngát hương của cây trái, cái đó xin gởi trả lại cho hè. Vàng bây giờ ôm lấy lòng lá màu hỗ hoàng, chút nhựa dư như cơn thở hắt còn đọng nơi đầu cuống, sẵn sàng cho một chuyến đi. Lá đợi gió. Người chờ nhạn. Và thu an nhiên sang...

Thu sang không cần báo, nhạn vẫn về. (Thu lai bất báo nhạn quy lai –Từ Đạo Hạnh)”
...
”Người sẽ mất, vạn vật đổi dời trong cuộc tuần hoàn nhưng xuân, hạ, thu, đông vẫn còn đó và nhất là lá đỏ mùa thu sẽ mãi rơi...

Cái gì sẽ vẫn là di sản của ta?
Hoa mùa xuân,
Chim cu mùa hè,
Và lá đỏ
Của mùa thu.
(Ryokan Taigu)”

Viết đến đây, tôi xin mạn phép VHT ghi lại bài thơ Guốc Tía của Phạm Thiên Thư đã tìm tòi trên mạng trước khi bàn về chương sắp tới.

Con đường hoàng hoa
Em mang hài lục
Con đường bạch cúc
Em mang giày hồng
Con đường sầu đông
Em đi guốc tía
Anh ngồi ngắm nghía
Cội sầu trổ bông

(Ngày xưa người tình - Phạm Thiên Thư )

Chương kế tiếp VHT viết về Hoa Nắng của Thi Vũ.

Tức nhiên, tôi sắp viết về một thi sĩ nói về một thi sĩ khác về một tác phẩm của ông. Bao nhiêu đó cũng đủ thấy sự phức tạp về những gì mình sắp nói. Tuy tôi chưa biết nhiều về Thi Vũ, nhưng đã có dịp đọc một bài ông viết về Tô Đông Pha, cũng là một thi sĩ, trong điển tích « Hoàng khuyển ngoạ hoa tâm ». Mặc dù tôi đã từng đọc điển tích đó về Tô Thức, khi đọc Thi Vũ, vẫn thấy rất thú vị. Thế có nghĩa người viết có lối kể chuyện hấp dẫn người đọc, dù là chuyện đã từng đọc từ những bài viết khác. Hơn nữa, rải rác đó đây, tôi cũng có dịp thấy thi tài của ông trong thể điệu thơ lục bát. Do đó, đọc Vũ Hoàng Thư nói về một tác phẩm của Thi Vũ cũng chắc là một dịp hào hứng lắm. Cái nhan đề Hoa Nắng đã đủ thi vị để trí tưởng tượng của người đọc bắt đầu khởi lên.

”Tháng bảy vỡ nắng. Người nung nóng ẩm rịn cơn hầm. Mây ở tầng cao đen xám tích lũy điện áp cao thế đợi chờ một tia lóe để trở về lòng đất như cơn giông của ngày tháng cũ đang tìm lối băng về trong trí nhớ. Tất cả chỉ cần một cơn sấm. Một cơn sấm động vỡ tung những chờ đợi tràn đầy và thôi thúc cháy bỏng của hạ. Nhưng cơn giông chết vội khi chưa kịp thành hình. Đám mây đen bay đi mất, chỉ còn hè chói chan trên từng mảng lá.

Và như thế cơn giông không bao giờ đến, người ngồi ngóng trong sự không đợi chờ. Nhưng thế nào là đợi chờ trong sự không đợi chờ ? Vào giữa thế kỷ trước, khi Hiện Sinh là lý thuyết đầu môi, là thời thượng trong văn học và lối sống, Thi Vũ, một thi sĩ Việt tại Paris lên đường, không phải đi về hố thẳm tàn phá của hư vô chủ nghĩa, mà bằng những bước như nhiên trong hoa nắng,

Gió mai này trĩu nặng những chùm hoa.
Mấy lẵng hương lưng trời đưa vất vưởng.
(Hoa nắng) ”

Với bốn năm câu phức tạp đó VHT đã giới thiệu ngắn gọn và dễ hiểu về nhà thơ Thi Vũ.
VHT nâng Hoa Nắng ngang hàng với GitanJali của Tagore. Hơn nữa,

”Hoa Nắng, tên một loài hoa đầu thai từ thi tâm, đúng hơn từ một thiền tâm. Thi sĩ mượn bóng nắng vẽ hình hoa. Mượn ánh sáng phiếu chiếu hình hài. Như là phương tiện. Thơ bay cùng hoa nắng như mây Cirrus trắng phau thượng tầng, như cánh phượng chao vút vào không gian xanh. Hoa nắng tan, Thơ ở lại với người…”

Theo VHT, Thơ là một quá trình ẩn mật của suy tư chứ không giống loại thơ « mới » thời thượng chỉ hiện hữu theo trào lưu rồi sẽ phai nhoà đi khi thị hiếu của quần chúng thay đổi. Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại lời bạt của Ayn Rand cho tác phẩm Fountainhead của bà :

I do not mean to imply that I knew, when I wrote it, that The Fountainhead would remain in print after twenty-five years. I did not think of any specific time period. I knew only that the book ought to live. It did.

Do đó phải để thời gian chứng nghiệm một tác phẩm nhất là tác phẩm thơ. Thơ viết theo thời thượng sẽ chết theo thời thượng. Khi thời gian qua mà thơ còn ở lại mới chính thật là thơ.
VHT viết tiếp:

“Như thế ta không đọc Hoa Nắng từ thư viện và lôi kéo sách vở để đối chiếu, phân tích. Ta phải đọc Hoa Nắng trong nắng và trong gió. Có bướm bay, dĩ nhiên càng nên. Và bằng thi tâm. Có như vậy ta mới vào đến trung tâm Hoa Nắng. Thơ và người đọc thơ ở đây trở thành một.

Ôi cô độc như sợi nắng chiều trong rừng ngủ.
Quê hương vờn những đêm gấm. Bạn về trong chiều lụa.
(Nhớ Tưởng)

Ngôn ngữ nhấp nháy đầy ắp hình và màu. Và nhạc.”

Nói về Hoa Nắng dĩ nhiên phải nói về màu sắc và hình ảnh. Nhưng nhạc là một yếu tố quan trọng trong thơ, tôi định nói ra thì VHT đã viết ra rồi.

“Vàng lụa như sợi nắng chiều trong rừng. Ngủ. Im ắng hoàng mơ. Mơ gì ? Vờn trí nhớ những đêm đầy sao ở nhà, quê nhà. Chỉ có bầu trời sao ở quê hương mới là gấm, chứ không nơi nào khác. Với gấm đêm cùng tơ chiều đan áo đắp vào ngực, nơi trú ngụ của tim để "đón chào một dáng mới vào tim" (Nhớ Tưởng).”

“Thảnh thơi lật trang thơ thật ngẫu nhiên mà không cần phải theo một thứ tự nào vì mỗi bài là một thế giới riêng, kết tinh của trầm tư dài hạn. Cõi trầm tư mang hình đeo đẳng. Đeo đẳng của"lá sim khô màu mây trong rừng ô hồ ". Đeo đẳng là ôm mối đợi, là ủ kín hương xa trong lẳng lặng. Hương một cánh sen sững hạ từ hồ Tịnh Tâm. Hương một đêm không động đậy có lời kệ ngân không bằng tiếng,

Dĩ khứ vô hữu khứ
Vị khứ vô hữu khứ

Đã đi không có đi
Chưa đi không có đi”


“… Có lời thơ đeo đẳng quyện lấy từ kinh. Cái đang là và cái đang đi,
Ngày nắng đi rồi như ngày nắng chưa đi, bởi yêu hoài một buổi nhớ
(Đeo đẳng)”

Theo tôi thấy thì thi sĩ đang bị vướng mắc vào cái tâm quá khứ trong khi liên tưởng đến cái tâm vị lai. Theo VHT thì

"Thi Vũ không dùng thơ để chuyển tải tư tưởng Phật học. Tự lời thơ đã đánh thức diệu hữu nơi chân không. Như ngày nắng bừng lên. Như dáng hoa bung rộ. Rung động với bên ngoài không qua trung gian giác quan. Nghe thế giới bằng lời vô ngôn. Khởi từ Tuệ.

Hương không về qua khứu giác. Lời không vang trong âm thanh.

Tất cả nói năng bằng trí tưởng. Trí tưởng không là tưởng tượng mà chính là con đường in dấu hài đến tự trăm phương.

(Đeo đẳng)”

Trong phần giới thiệu ‘ Kẻ Lạ’ của Thi Vũ, VHT dùng những từ ngữ Phật học không kém kỳ bí như những lời thơ của tác giả.

… “Với trí tuệ, thi sĩ mở lòng, không ngăn ngại, cho dù đối với kẻ lạ. Bài thơ "Kẻ Lạ" dựng bầu khí hậu kỳ bí và siêu thực.

Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn. Bỗng chiều nay có kẻ lạ đến gõ cửa. Lòng xôn xao chan chứa mừng vui đón kẻ lạ đến từ xa.
Một kẻ lạ mà ta đã quen biết.

(Kẻ Lạ)

Một kẻ lạ mà ta đã quen biết! Sao vừa lạ lại vừa quen ? Có phải người chính là ta, cái ta đã đánh mất trong cô đơn và hiu quạnh ? Có phải người là tự thân của chính ta bị đánh mất trong lối sống vong thân?

Kẻ lạ nhếch môi cười rồi ra đi, một nơi nào rất xa.
Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn. Vì kẻ lạ đã đi rồi, một nơi nào rất xa.

(Kẻ Lạ) ”

“Người là khoảnh khắc bừng rộ của bản lai diện mục trở về. Người đã đến. Như thế. Dáng dấp Chân Như.”

Đây phải chăng VHT muốn nhắc đến hai chữ Như Lai?

“Cơn giông đi vắng, buổi trưa còn lại niềm im lặng của thinh không. Hiên nhà ngoài hanh nồng, khu vườn thành tụ điểm của bướm hè bay về đậu. Những cánh bướm lững lờ vô định trang điểm màu nắng lung linh. Người ngầy ngật chập chờn mộng mị. Biên giới giữa thực và hư mờ nhòe. Bàn tay muốn ôm chầm lấy mộng, người vươn tay bắt bướm. Bụi phấn của sắc màu là mộng, thân bướm là mơ hay chính bàn tay tự thể đã là cơn mơ ? Huyễn hoặc theo cánh bướm về đậu trên hoa xưa,

Bướm đến tự đâu ? Con bướm đẹp ngày đầu tháng mới mùa tươi, ngỡ như đã thấy ngày nào xa trong xa dĩ vãng : con bướm ủ hoa mơ nơi giấc mơ trắng thời xanh mượt mướt nhung vàng

(Hoa Xưa) ”

Ở đây, tôi cố tình trích một đoạn văn dài của VHT và một đoạn thơ văn của Thi Vũ để nêu ra một điểm về văn của VHT. Nếu bạn để ý, sẽ thấy trong văn có nhạc. Có sự trầm bổng tự nhiên của thơ. Đặc điểm đó cũng hiện hữu ngay trong lời thơ của Thi Vũ. Phải chăng đây là môt ngẫu nhiên kỳ thú, hay đây là điểm hội tụ của những thi tài?

(Còn tiếp)

Huỳnh Kim Khanh
2018.07.26

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018