SỐ 80 - THÁNG 10 NĂM 2018

 

A Thousand Splendid Suns 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 19

“Tôi cần nói chuyện với ba má cháu,” người đàn ông bảo khi Laila ra mở cửa. Ðó là một người đàn ông chắc nịch, với khuôn mặt sắc nét và dãi dầu mưa nắng. Ông ta mặc áo choàng màu khoai tây, đầu đội nón bê rê len màu nâu.

“Bác tên chi ạ?”

Ngay khi đó, bàn tay của ba nó đặt lên vai Laila và đẩy nhẹ nó qua bên.

“Con lên lầu đi Laila. Ði đi.”

Lúc nó đi về phía cầu thang, Laila nghe người khách nói với ba rằng ông ta có tin tức từ Panjshir. Má nó lúc đó cũng có mặt trong phòng. Bà đưa bàn tay lên bụm miệng, đôi mắt bà nhìn qua lại từ ba nó đến người đàn ông đội nón bê rê.

Tuốt trên cầu thang, Laila lén nhìn xuống. Nó thấy người lạ mặt đó ngồi xuống với ba má nó. Ông ta nghiêng người về phía họ. Nói vài tiếng nho nhỏ. Rồi mặt ba nó tái đi và càng lúc càng tái hơn, và ông nhìn vào hai bàn tay của mình, còn má nó thì thét lên, la hét, và bức tóc.

***

Sáng hôm sau, là ngày bắt đầu đọc kinh, một đám phụ nữ trong khu phố kéo đến nhà Laila để lo việc chuẩn bị cho bữa ăn tối sau tang lễ. Má nó ngồi trên chiếc ghế dài suốt buổi sáng, mấy ngón tay cứ mân mê chiếc khăn tay, mặt sưng húp. Có hai bà sụt sùi thay phiên nhau vỗ về bàn tay của má, như thể bà là con búp bê quý hiếm và mỏng manh nhất trên đời. Má nó dường như không nhận biết được sự có mặt của họ.

Laila đến quỳ bên má và nắm lấy tay bà. “Má ơi.”

Ðôi mắt của má nó thẩn thờ nhìn xuống và khẽ chớp.

“Chúng tôi sẽ chăm sóc cho chị ấy, cháu Laila thân mến.”

Laila đã từng đi đám ma nên nó đã từng thấy những người phụ nữ như thế, họ thích tất cả mọi thứ liên quan đến cái chết, họ chuyên đi an ủi và không để cho ai xâm phạm vô cái trách nhiệm mà họ tự giao phó cho mình.

“Mọi sự ổn cả rồi. Con gái cứ đi làm việc khác. Cứ để má con yên.”

Bị đuổi đi, Laila thấy mình thật vô dụng. Nó qua lại các phòng. Nó lẩn quẩn trong nhà bếp một lúc. Nhỏ Hasina, với vẻ hiền dịu bất thường, đi với má nó đến. Nhỏ Giti cùng với má nó nữa. Lúc nhìn thấy Laila, Giti chạy đến dang hai cánh tay xương xẩu ôm Laila thật lâu và mạnh không ngờ. Lúc nó buông Laila ra, nước mắt nó ràn rụa. Nó nói: “Mình thành thật chia buồn với Laila.” Laila nói cảm ơn. Ba đứa ngồi ngoài sân cho tới khi một bà sai tụi nó rửa ly và chồng dĩa trên bàn.

Ba nó cũng thế, cứ đi ra đi vô chẳng có chủ đích, như thể muốn tìm việc gì đó để làm.

“Ðừng cho ổng lại gần tôi.” Suốt cả buổi sáng, đó là lần duy nhất má nó mở miệng.

Cuối cùng ba nó đến ngồi một mình trên cái ghế xếp ngoài hành lang, trông ông thật cô đơn và nhỏ bé. Rồi một bà nói ông cản trở lối đi. Ông nói lời xin lỗi và biến vô phòng làm việc của ông.

Trưa hôm đó, các ông đi đến căn phòng lớn ba nó mướn ở Karteh-Seh để đọc kinh. Các bà thì đến nhà. Laila ngồi vào vị trí của mình bên cạnh má, kế bên cửa ra vào phòng khách, nơi mà theo thông lệ, gia đình cũa người quá cố thường ngồi. Những người đến chia buồn cởi giầy để ngoài cửa, họ gật đầu chào người quen khi họ bước vô phòng và đến ngồi trên những chiếc ghế xếp đặt dọc theo tường. Laila trông thấy bà Wajma, bà mụ khá lớn tuổi đã đỡ đẻ khi nó sinh ra. Nó cũng thấy má của Tariq, bà đội chiếc khăn đen trên mái tóc giả. Bà gởi cho nó cái cúi đầu và một nụ cười mỉm chậm và buồn.

Vẳng ra từ máy cát-xét, giọng mũi của một người đàn ông đọc kinh Koran. Xen kẽ là những tiếng thở dài, tiếng di chuyển và tiếng xụt xùi của các bà. Tiếng ho cố nén, tiếng thì thầm và cứ từng chập, tiếng nấc não ruột đầy kịch tính của một người nào đó.

Vợ của ông Rasheed bước vô. Bà ta đội khăn trùm đầu màu đen. Vài lọn tóc lạc khỏi khăn, lòa xòa xuống trán. Bà tới ngồi trên ghế dọc tường đối diện với Laila.

Ngồi bên cạnh Laila, má không ngừng đong đưa thân hình. Laila đưa hai tay ôm lấy bàn tay của má, nhưng dường như bà không để ý.

“Má uống miếng nước nhé?” Laila nói nhỏ vô tai bà. “Má khát không?” Nhưng má nó chẳng nói gì. Bà không có phản ứng gì ngoài việc cứ đong đưa người tới lui, đôi mắt xa xăm vô hồn trừng trừng nhìn xuống thảm.

Ngồi bên cạnh má, nhìn những gương mặt ủ rũ, buồn rầu chung quanh, lâu lâu Laila lại cảm nhận được tầm quan trọng của thảm họa đã giáng xuống gia đình nó. Những cơ hội đã bị cướp mất. Những hy vọng giờ đã tiêu tan.

Tuy nhiên cảm giác này không kéo dài. Thật khó để cảm nhận, thực sự cảm nhận được sự mất mát của má. Khó có thể gợi lên nỗi đau đớn, sự thương tiếc khóc than trước cái chết của những kẻ Laila chưa bao giờ thực sự nghĩ đến như những người từng sống. Ðối với Laila, hai anh Ahmad và Noor trước giờ chỉ là một truyền thuyết. Tựa như những nhân vật trong truyện ngụ ngôn. Những ông vua trong sách sử.

Tariq mới là người có thật, bằng da bằng thịt. Tariq, người đã dạy cho nó những tiếng chửi thề trong tiếng Pashto, người thích ăn lá cỏ-ba-lá muối, người hay cau mày và phát ra âm thanh rên rỉ mỗi khi nhai, người có cái bớt màu hồng nhạt hình cây đàn măng-đô-lin lộn ngược ngay dưới xương đòn gánh bên trái.

Cho nên Laila ngồi bên má và nghiêm trang thương tiếc hai anh Ahmad và Noor, nhưng trong thân tâm nó, người anh thật sự của nó vẫn còn sống và khỏe mạnh.     

 

Chương 20

Những chứng bịnh vặt, sẽ theo má nó từ đây cho tới già, bắt đầu xuất hiện. Những cơn đau ngực, đau đầu, đau khớp, vã mồ hôi đêm, những cơn đau tai làm lịm người, những cục u chẳng ai sờ thấy ngoài má. Ba đưa má đi bác sĩ, thử máu, thử nước tiểu, chụp quang tuyến, nhưng chẳng tìm ra bịnh gì cụ thể.

Hầu như ngày nào má cũng nằm trên giường cả ngày. Má cứ bức tóc và gặm cái nốt ruồi ở dưới môi. Những lúc má thức, Laila bắt gặp má đi loạng choạng khắp nhà, để cuối cùng luôn luôn tới phòng của Laila, làm như sớm muộn gì má cũng sẽ chạm mặt với hai cậu con trai nếu cứ tiếp tục đến căn phòng nơi hai người đã từng ngủ, từng địt và từng đánh nhau bằng gối. Nhưng bà chỉ chạm trán với nỗi thiếu vắng hai người con trai. Và chạm trán với Laila. Hai điều mà Laila tin chắc, đối với má đã trở thành một.

Công việc duy nhất má nó không bao giờ xao lãng, là đọc kinh năm lần mỗi ngày. Má kết thúc mỗi buổi kinh bằng cách cúi đầu thật thấp, hai bàn tay mở ngửa đưa ra trước mặt, miệng lẩm bẩm cầu xin Thiên Chúa mang lại chiến thắng cho thánh chiến quân Hồi giáo. Laila phải đưa vai gánh vác những công việc nhà càng ngày càng nhiều. Nếu nó không dọn dẹp thì đi đâu nó cũng sẽ bắt gặp quần áo, giầy dép, những bao gạo mở, những lon đậu và quần áo dơ vung vẩy khắp nơi. Nó giặt quần áo của má và thay khăn trải giường cho má. Nó dỗ ngọt má dậy đi tắm rửa và ăn uống. Nó là người ủi áo và xếp cất quần của ba. Và nó phải lãnh việc nấu ăn, ngày càng thường hơn.

Có đôi lúc, sau khi làm xong việc nhà, Laila chui vô giường nằm với má. Nó vòng tay ôm má vào lòng, đan những ngón tay mình với má, vùi đầu vô tóc má. Má sẽ cựa mình, thì thào điều gì đó. Và chắc chắn mà sẽ lại bắt đầu kể một câu chuyện mới về hai cậu con trai.

Một hôm, hai má con đang nằm như thế thì má nói: “Anh Ahmad chắc chắn sẽ thành một nhà lãnh đạo. Anh có sức thu hút mà vai trò đó đòi hỏi. Có những người lớn tuổi gấp ba anh con mà họ vẫn phải nghe anh một cách đầy kính trọng, Laila à. Hay thật. Còn anh Noor của con, Noor yêu quý của má. Lúc nào cũng thấy anh vẽ nhà cửa, vẽ cầu. Con có biết không, anh sẽ thành kiến trúc sư. Anh sẽ thay đổi cả thành phố Kabul này bằng những sáng kiến thiết kế của anh. Vậy mà bây giờ, hai đứa đã chết hết, hai đứa con trai của má đã thở thành hai vị tử đạo.”

Laila nằm yên lắng nghe, thầm ước gì má nó biết rằng nó, Laila, chưa tử vì đạo, rằng nó còn sống, và ở ngay đây, nằm trên giường với má. Rằng nó cũng có những niềm hy vọng và một tương lai trước mặt. Tuy nhiên Laila biết tương lai của nó không bằng cái quá khứ của hai anh. Lúc còn sống, hai anh đã làm nó lu mờ. Bây giờ chết, hai anh sẽ xoá tên nó hoàn toàn. Má bây giờ là người bảo quản cái bảo tàng viên về cuôc đời của hai anh, còn nó, Laila, chỉ là người khách viếng thăm. Là nơi tiếp nhận những huyền thoại về hai anh. Là tờ giấy cổ để má in thấm lên đó huyền thoại của hai anh.

“Cái ông đến đưa tin nói là khi hai anh được mang về trại, chính Ahmad Shad Massouh đã đích thân theo dõi việc chôn cất. Ngài đã cầu nguyện bên mộ của hai anh con. Hai anh con là những  thanh niên dũng cảm như thế đó Laila, mới được ngài chỉ huy trưởng Massoud, con sư tử của Panjshir, Chúa che chở cho ngài, đích thân trông coi việc chôn cất.   

Má xoay người nằm ngửa. Laila đổi thế, tựa đầu lên ngực má.

“Có nhiều bữa,” má nói giọng khàn khàn, “má lắng nghe tiếng gõ nhịp của cái đồng hồ ngoài hành lang. Rồi má nghĩ tới tất cả những nhịp đập, tất cả những giây phút, tất cả những giờ và những ngày và những tuần và những tháng và những năm đang chờ đón má. Tất cả, mà không có hai anh con. Và má không thở được, như thể có ai đó đạp lên trái tim của má khiến má không còn sức lực gì nữa. Má chỉ muốn quỵ xuống ở đâu đó thôi.”

“Phải chi con giúp được gì cho má,” Laila nói với tất cả sự thành thật, nhưng sao nghe chung chung, chiếu lệ quá, chẳng khác chi lời an ủi của một kẻ lạ tốt bụng.

“Con là một đứa con ngoan,” má nói sau tiếng thở dài thật sâu. “còn má đã thiếu trách nhiệm đối với con.”
“Má đừng nói vậy.”
“Không, thật mà. Má biết và má xin lỗi con.”
“Má ơi?”
“Gì con.”

Laila ngồi dậy và nhìn xuống má. Tóc má đã có nhiều chỗ bạc. Và Laila giật mình nhận ra má đã ốm đi nhiều, dù trước giờ lúc nào má cũng tròn trịa. Hai gò má xanh và hốc hác. Cái áo má đang mặc xệ xuống tới vai, cổ áo rộng thùng thình. Nhiều lần Laila đã nhìn thấy cái nhẫn cưới tuột khỏi ngón tay của má.

“Lâu nay con định hỏi má một điều.”
“Ðiều gì?”
“Má sẽ không…” Laila mở đầu.

Nó có nói chuyện này với nhỏ Hasina. Theo gợi ý của Hasina, hai đứa đã đổ hết lọ thuốc Aspirin xuống cống, dấu hết mấy con dao làm bếp và mấy que xâu thịt nhọn xuống dưới tấm thảm trải dưới ghế dài. Hasina đã tìm thấy một sợi dây thừng trong sân. Khi ba nó không tìm thấy dao cạo râu của ông, Laila phải nói cho ông biết về nỗi lo sợ của nó. Ông buông mình xuống ghế, tay thõng giữa hai đầu gối. Laila chờ đợi ông sẽ trấn an nó bằng cách này hay cách khác, nhưng nó chỉ nhận được một cái nhìn hoang mang và trống rỗng.

“Má sẽ không … chứ. Má ơi, con sợ.”

“Má có nghĩ tới điều đó cái đêm mình nhận tin,” má nói. “Má không dối con, từ đó má cũng có nghĩ tới điều này. Nhưng mà, không. Laila, con đừng lo. Má muốn được nhìn thấy giấc mơ của hai thằng con của má trở thành sự thật. Má muốn được chứng kiến cái ngày bọn Liên Xô ôm đầu chạy về nước, cái ngày thánh chiến quân kéo về Kabul trong chiến thắng. Má muốn có mặt khi chuyện đó xảy ra, khi A Phú Hãn được tự do, để hai anh con cũng được nhìn thấy. Hai anh con sẽ được nhìn thấy qua đôi mắt của má.”

Chẳng bao lâu, má chìm vào giấc ngủ, bỏ Laila một mình với những tình cảm xâu xé nhau: yên tâm là má muốn tiếp tục sống, đau xót vì lẽ nó không phải là lý do má muốn sống. Nó sẽ không bao giờ để lại dấu ấn trong lòng má như các anh nó đã để lại, bởi vì trái tim của má giống như một bãi biển bạc bẽo, nơi đó dấu chân Laila mãi mãi sẽ bị xóa đi bởi những đợt sóng dâng tràn rồi tan vỡ, dâng tràn rồi tan vỡ.     

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2018