SỐ 81 - Xuân KỶ HỢI - THÁNG 1 NĂM 2019

AI CHO EM MÙA XUÂN

“Anh cho em mùa xuân mùa xuân này tất cả lộc non vừa trẩy lá … đường lao xao lá đầy ….”

Má đang sắp xếp dĩa trái cây trên bàn thờ nghe tiếng tôi hát bà quay ra nói :

– Ban nãy có một đứa đến tìm con.
– Ai vậy má?
– Đố mày đó! Một con nhỏ nghe nói từ nước Úc mới về.
– Trời, má nói vậy ai mà biết. Hồi trước đến giờ con có bạn bè nào ở nước ngoài đâu! Việt nam còn đếm không hết một bàn tay nói gì tới Việt kiều Úc.
– Ậy, vậy mà có đó ban đầu má nhìn không ra đâu, tới chừng nó nói “Con là Ánh nè” má cũng chưa nhớ nên hỏi nữa “Ánh nào? Tui đâu có bà con quen biết cô là ai”.

Tôi ngắt ngang lời má cảnh báo bà :

– Gần Tết, bọn lường gạt, trộm cắp thường gọi thời gian này là “tháng củ mật”. Họ giả vờ vô nhà mình nhận là bạn bè của con cháu hoặc là người quen xa xứ nhắc chuyện năm xưa để đánh lạc hướng đề phòng của mình rồi ra tay.
– Thì má cũng biết chớ, dễ dầu gì qua mặt được bà già này, nó kể lại: "Hồi đó con chơi thân với cái “Giun” con của cô. Lúc mới vào Nam con là đứa đi cùng bác Hai gái đến ở nhà của cô một thời gian ngắn chờ bác Hai trai vào đấy”.

Nghe đến đây mới ngờ ngợ nhớ hình như nó là con nhỏ Bắc Kỳ sau tháng 4/75 khoảng hơn trăm ngày gì đó, chị Hai gửi nó ở lại nhà mình chờ bả trở ra Bắc đón ông chồng. Má nghe vậy mới nhìn kỹ mặt mày thấy đúng là nó, mà bây giờ xem tướng bên ngoài sang trọng đẹp đẽ lắm nghe.
Tôi vẫn nghi ngờ :

– Mình chết là vì tin vẻ bề ngoài đó nha má. Con nhớ là hơn ba chục năm mình không gặp họ, biết người ta ra sao má ơi!.

Mốc thời gian một trăm ngày khiến nhiều người chua xót khi nhớ đến ngày tháng tư bảy lăm miền Nam bị bức tử. Theo tính toán người ta hay cúng “thất tuần” bốn mươi chín ngày và tiếp đó là một trăm ngày cho người vừa qua đời. Giống như lời ông anh cả tôi hay nói như hát mỗi khi an ủi nỗi buồn của bà chị có chồng bị đi cải tạo: “Tổ quốc vấn khăn tang, mây che phủ trời trên thành phố thân yêu …” Bắt đầu những ngày này, tự do của đất nước, con người Việt Nam chết hẳn rồi!

Đến đây, không cần đào sâu ký ức tôi vẫn nhớ hình ảnh một con nhỏ Bắc kỳ độ mười sáu mười bảy cùng trang lứa như tôi vào năm ấy. Thời trang cuối cùng của thiếu nữ Saigon bọn tôi là quần ống loe chân voi, gọi là quần patt, đầu tóc được cắt uốn đủ kiểu. Con nhỏ này mái tóc đơn giản thắt bím kiểu đuôi sam. Trên người mặc chiếc áo vải cổ lật màu xanh nhạt, dưới là cái quần đen ngắn cũn cỡn trên mắt cá chân với ống túm tụm. Hầu như y phục của tất cả phụ nữ từ Bắc khi mới vào miền Nam chỉ có một kiểu. Áo quần toàn bằng vải màu trắng và xanh lơ, đen, nâu hoặc thêm màu xanh rêu cho thấy các nhà máy dệt ngoài ấy chỉ có bấy nhiêu màu sắc. Chân mang độc nhất một loại giày dép bằng nhựa hoặc dép lốp cao su quai chéo màu đen thường gọi là “dép râu”.

Nghĩ đến đây tôi mới bớt nghi hoặc đôi chút :

– Con nhớ rồi vì hồi đó nó cứ gọi tên con là “giun”. Sau này quen thân con chửi nó quá trời mà vẫn không sửa được giọng. Con nói tao là Dung, là dung nhan chứ không phải là con giun, con lãi nghe mậy. Tao mà nghe nữa là tao vả mày không còn cái răng húp cháo à.
– Phải con nhỏ mà ba với má nó nói tiếng Nam rặc ròi, nó lại nói tiếng Bắc mới “ngộ” chứ.
– Về sau con hỏi sao mày nói giọng Bắc khác với ba má mày vậy. Nó nói tại đi học chung quanh bạn bè nói giọng như thế, nó nói theo thành ra quen luôn.

Trao cho má bình bông vạn thọ đặt lên bàn thờ, nghe má tôi nói tiếp :

– Cũng lạ lắm nghen, hồi đó nhà mình tự dưng có một bà cán bộ dẫn theo một con nhỏ Bắc Kỳ tới thăm rồi ở luôn cả tháng. Ba mày gọi bả là chị Hai, vì ông chồng là bà con xa bên đầu ông cố nội tụi bay ở dưới quê. Bả mừng tíu tít khi tìm ra gia đình mình, tưởng ghé chơi vài ngày ai dè ở lại lâu lắc, mình nuôi cơm muốn chết!
– Bởi vậy má hổng nghe người ta nói: “Tự nhiên như người Hà Nội” sao?
– Lúc đó thấy bả với ba mày hai bên mừng mừng tủi tủi cảm động lắm, dù gì thì cũng hai chục năm mới gặp. Ba mày cứ nghĩ là ông chồng bả chết mất xác từ hồi đi “tập kết” ra bắc năm 54 rồi. Mấy tháng đầu “giải phóng” cơm gạo còn nhiều nên chuyện cho “ăn ké ở nhờ” hiếu khách của người miền Nam mình còn rộng rãi, phóng khoáng đâu có tính toán.

Được trớn tôi nhắc lại chuyện cũ :

– Con nhớ sau hôm ba má đi ghe di tản về Saigon có hứa cúng một con heo nếu đem được cái xe chở hàng từ Bình Tuy về nguyên vẹn. Được như lời khẩn cầu nhà mình bèn cúng một con heo sữa quay để trả lễ. Trưa đó con thấy hai bà cháu mừng quýnh hơn cả nhà mình, bà ấy còn nói với má :
– Em có thấy nãy giờ chị cầm bát nước mắm chạy tới chạy lui hoài không? Tại vì hai mươi năm rồi mới ăn được miếng thịt heo quay và lần đầu tiên mới được trông thấy cả nhà mua nguyên cả một con heo quay để ăn một mình! Ngoài ấy không có chuyện đãi đằng nhau đâu. Vì tiêu chuẩn gạo mua theo đầu người, đến nhà ai ăn ở vài ngày đều phải góp gạo thổi cơm, đi đâu xa lúc nào cũng kè kè cái ruột tượng gạo quấn quanh bụng.

Nghe tôi nhắc vậy má tôi dường như nhớ lại cũng phụ họa theo :

– Ừ, mình không biết ngoài ấy sống ra sao, chỉ thấy bà cứ trầm trồ tủ áo dài mấy chị em bây, tủ chén dĩa kiểu của tao mà ao ước. Bả nói: “vậy mà ngoài ấy cứ nói trong này toàn ăn muỗng vùa nên tao đem mấy cái bát sắt vào định làm quà. Bây giờ thấy mấy cái bát này còn thua bát cho chó ăn, uổng công tao cậy cục chạy mua ở chợ đen mới có đấy”.

Những chuyện dài về đời sống miền Bắc sau bức màn tre được nhiều người kể lại, nghe xong ai ai cũng kết luận như nhau: “Đất nước bị mất là vì mình thật thà, tôn trọng sự thật còn bên kia thì xảo trá, che giấu mọi thứ và tuyên truyền trái ngược. Chế độ tư bản và cộng sản khác nhau chỗ đó! Nhưng ác thay không ít người lại tin vào lời dối trá bịp bợm về một chủ nghĩa không tưởng”.

Chị tôi có chồng lính nên đi xa, khi ông chồng bị bắt tập trung cải tạo chị ôm con về ở cùng gia đình chúng tôi. Bà bác trở ra Bắc thu xếp để hai ông bà vào Nam ở luôn nên gửi con nhỏ ở lại nhà tôi. Chị cằn nhằn với ba mình :

– Tự nhiên có con nhỏ bắc kỳ lạ hoắc không dây mơ rễ má họ hàng bà con vô nhà mình ở, thiệt là “tự nhiên như người Hà nội”.

Ba tôi là đàn ông nên không hề tính toán chi li như phụ nữ. Má tôi lại nể nang ba cũng không nói gì. Công nhận con nhỏ rất khôn ngoan biết cư xử, không làm khách bằng cách cùng ăn, cùng làm công việc như người trong nhà giống như chị em chúng tôi, cộng thêm giọng nói hồn nhiên thân thiện nên khó làm người khác mếch lòng. Đã vậy nó lại có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu hai mí tròn vo. Cánh môi hình trái tim, một bên má lúm đồng tiền mỗi khi cười trông thấy hàm răng đều đặn. Nhìn chung con nhỏ trông rất xinh xắn, dễ thương, chỉ khuyết điểm là hơi lùn nên trông nó tròn quay giống hệt tướng mạo mấy bà cán bộ ở ngoài ấy khi vào trong này. Có người nói chắc ngoài ấy ít xe cộ nên đi đâu ngoại trừ thật xa mới dùng xe hơi quốc doanh, xe đạp là thứ quý hiếm; còn lại đa phần đều phải đi bộ và đội vác nặng nhọc nên khiến trẻ con khó phát triển chiều cao.

Đến tháng sau ông bà Hai ngoài Bắc được chuyển công tác vào Nam luôn. Trong khi chờ nhà nước phân phối nhà ở, ông bà tạm ngụ nhà tôi cùng con nhỏ Ánh này.

Ban đầu tôi tưởng nhỏ này là cháu hai ông bà nhưng không phải, nó là con một gia đình khác có cha mẹ cũng là người đi tập kết miền Bắc. Họ ở gian bên cạnh trong dãy nhà “tập thể” ngoài ấy. Ông mến nó vì có tên giống người cháu gái ông trong Nam, ông bà không con nên nhà cửa quạnh quẽ ra vào chỉ có hai người. Thêm nữa cả hai thuộc loại cán bộ trung cấp nên lương bổng và tiêu chuẩn thực phẩm được cung cấp khá hơn người bình thường. Thói thường “thóc lúa ở đâu, bồ câu ở đó” nên con bé cứ qua nhà ông bà kiếm miếng ăn lâu ngày xem như người thân. Bà đi đâu cũng lai dắt con bé theo rốt cuộc nó quấn ông bà hơn cả cha mẹ.

So về tuổi tác nó nhỏ hơn tôi gần hai tuổi nhưng xem ra cũng cùng trang lứa nên vẫn dễ thân nhau hơn những người khác. Năm ấy bắt đầu niên học mới tôi lên lớp mười hai, còn nó mới hết lớp chín. Ngoài Bắc hệ thống giáo dục khác hơn chỉ có mười năm nên vào đây nó lại học nhảy lên lớp mười hai bằng tôi.

Con nhỏ cũng lạ, cha mẹ và thằng em trai chuyển công tác về quê nghe nói tận Thủ dầu Một nhưng nó không theo họ mà lại ở với ông bà, cho đến khi hai người này được nhà nước phân phối nguyên một căn nhà trống của chủ trước bỏ đi di tản. Tuy cách nhà tôi một dãy phố nhưng sáng nào nó cũng vòng qua rủ tôi đi học vì đến trường ngang qua nhà tôi là con đường tắt gần nhất.

Thời gian ông bà Hai còn ở đậu cùng gia đình tôi, mỗi chiều khi cơm nước xong xuôi, ông Hai và ba tôi hay ra trước balcon nhà ngồi uống trà nhìn xuống đường. Dưới đất xếp hàng dài thật đông là một đám lố nhố trẻ con của toàn phường vùng nhà tôi ở, chúng tụ tập lao xao chòng ghẹo đùa giỡn chí chóe hòa lẫn cùng tiếng trống ếch của nhóm thiếu nhi dẫn đầu là những “anh chị phụ trách” khoảng mười sáu, mười bảy. Tôi và Ánh cũng được quàng cho chức vụ này trong đội thiếu nhi.

Vội vàng rửa qua loa đống chén bát, ba tôi nhờ mang thêm cho ông ấm nước trước khi tôi chạy xuống đường nhập bọn, tôi nghe ba mình nói với ông Hai :

– Anh có biết cái đám nhóc dưới đường nhờ ai nuôi lớn như vậy không? Là cha mẹ nó chạy gạo hàng ngày cho nó ăn no nên mỗi chiều có sức tụ tập ca hát nhảy nhót như thế, nếu không chúng đói ngồi cú rũ lấy sức đâu mà đi “sinh hoạt” theo lời Bác và Đảng gọi!

Không kịp để ông này trả lời Ba tôi nói tiếp :

– Anh thấy hai chục năm anh ra đi bây giờ trở về miền Nam thay đổi ra sao? Mặc dù trong cảnh chiến tranh nhưng nhờ giao thương với quốc tế tiếp xúc với đà văn minh thế giới miền Nam tiến bộ thế nào so với miền Bắc? Tại sao đường lối chủ trương của miền Bắc lại đóng cửa không chơi với các nước tư bản để cho dân sống giàu lên mà khư khư nói rằng chơi với tư bản nó bóc lột mình?. Miền Nam chủ trương “Dân giàu nước mạnh” đúng hay sai?

Ông Hai hốt hoảng nói :

– Chết chết, mày chỉ nói điều này với anh thôi nhé. Không cần biết đúng sai mày nói động đến chủ trương đường lối của đảng là chết không toàn thây! Đừng bao giờ hé môi nói điều gì mày nghĩ khác với lời Bác và Đảng nói, nhớ nhé.

Nhìn nét mặt ông tôi thấy lộ vẻ kinh hoàng khi nghe ba tôi nói thế. Không biết trong những năm tháng sống dưới chế độ Cộng sản ông đã thấy những gì mà bây giờ ông lại kinh sợ trong khi ông đã là đảng viên vào thập niên những năm ba mươi trong phong trào kháng chiến chống Pháp trước đó?

Lần cuối trước khi ông dọn sang nhà mới tình cờ tôi nghe ông quát với anh tôi, tay ông run run :

– Chúng mày là một lũ “cường điệu”. Thằng Tâm, thằng Tứ, thằng Hoàng và bây giờ đến mày nữa, toàn cường điệu. Chúng mày không biết những ai chống lại Đảng chỉ có con đường là chết thôi!

Nói xong giống như nhớ lại điều gì đó khiến ông buồn bã ngồi ôm đầu rũ rượi, trong khi ông anh tôi thản nhiên cười cười bỏ đi, tôi chạy theo hỏi :

– Anh nói gì mà ông Hai giận la lối, nói anh “cường điệu” em không hiểu?
– Có gì đâu, tụi anh chỉ hỏi “ngoài Bắc nói Miền Nam là tay sai của Mỹ” vì vũ khí của lính miền Nam do Mỹ viện trợ. Thế súng đạn lính miền Bắc có phải do Trung cộng và Nga sô cung cấp không? vậy miền Bắc đương nhiên là tay sai của Nga và Tàu rồi, lại là một cổ đôi tròng.
– “Cường điệu” là gì vậy, em mới nghe từ ngữ này.
– Anh cũng không hiểu luôn chỉ biết ba đứa cháu ruột của ổng, một người là lính Dù, một người là trinh sát còn người kia là ở giang đoàn xung phong, còn anh cũng là lính bộ binh. Chắc mấy chả cũng hỏi ổng giống như anh vì không trả lời được nên giận vậy thôi. Có lẽ ổng nói tụi anh cùng một giọng điệu như nhau, nhưng đó là sự thật đâu thể nói khác được.

oOo

Đi học ngoài những môn thông thường như Anh văn, Toán, Vật Lý, Hóa học, chương trình học hơi giống như trước còn các môn khác đều thay đổi toàn bộ. Sách giáo khoa theo giáo trình của miền Bắc. Nặng nhất là chính trị, tôi học không vô, những bài giảng, bài luận tôi nghe thầy cô giảng như vịt nghe sấm. Lớp học vơi đi phân nữa, đa số cha bị đi cải tạo nên phải nghĩ học phụ mẹ chạy gạo kiếm ăn, số còn lại như tôi học cầm chừng, tôi hỏi Ánh :

– Môn chính trị ngoài ấy mày học như thế nào, cô cho làm luận tao làm không được vì đâu biết từ ngữ của chính trị để viết vô. Mày có kinh nghiệm cả chục năm học ngoài đó chỉ tao với.

Nó thản nhiên đáp :

– Dễ lắm chị ơi, chị đâu cần phải viết gì khác, chị lấy mấy bài viết trong tạp chí Cộng sản, các bài tham luận của các Đảng viên lãnh đạo đăng trên báo tường thuật lại các phát biểu của họ, chị thêm bớt, ngắt đoạn đầu chép lại đoạn sau, bốc thêm vài từ ngữ “hồ hởi, phấn khởi, đoàn kết” thế là xong.

Tôi về lục lại chồng báo cũ, mấy đứa em chưa kịp mang góp cho trường làm kế hoạch nhỏ. Lúc còn ở đậu trong nhà ông Hai đưa cho tôi mấy cuốn tạp chí Cộng Sản và nói :

– Ông nghe nói chúng mày trong này không có sách báo để đọc, ông mang vào cho chúng mày đọc. Nhưng vào đây thấy mấy đứa lớn, đứa nào cũng có bằng Tú Tài, ít nhất là Trung học vậy là quá “tốt”.

Những ngày đầu nghe đến chữ “tốt” còn hơi lạ tai vì làm gì nói gì cũng có chữ này. “Học tập tốt, lao động tốt, người tốt, việc tốt” … thậm chí lái xe tốt, đường sá tốt, láng giềng tốt …. Ăn tốt và ngũ cũng tốt luôn!

Có lần ông này nói với tôi sau khi đọc hết cuốn báo Xuân Văn nghệ tiền phong để trên kệ sách in trước tháng 4/75, vì năm nào bà chị tôi cũng mua để đọc mỗi khi Tết đến :

– Báo này hay quá, trong Nam viết báo thật hay ngoài Bắc không có những thứ này. Vậy mà chúng bảo trong này không có sách báo để đọc!

Với tôi có lẽ đây là câu nói thật tận đáy lòng trong một phút giây xúc động khi ông chạm trán sự thật. Đánh rơi vỏ bọc cảnh giác của một cán bộ đảng viên ông trở về thiên lương biết phân biệt đúng sai của một con người khi chưa bị nhồi sọ.

May mắn thay năm học cuối cùng không dài so với con đường học vấn suốt mười hai năm của tôi. Những bài luận, bình giảng giáo viên ra đề, thấy cái nào hơi giông giống tôi toàn mang những bài viết trong sách, báo chép vào nên điểm môn học chính trị của tôi không tệ.

Tôi khám phá ra vì sao đa phần cán bộ cộng sản mười người như một mở miệng nói ra đều giống hệt như nhau. Cũng giống như tôi bây giờ, bài luận nói về “Ba dòng thác cách mạng” của cô giáo cho. Tôi mày mò chép nguyên một đoạn trong bài phát biểu của một nhân vật cao cấp thuộc bộ chính trị đọc trong tang lễ của ông Hồ, câu kết luận tôi viết nguyên văn … “Vĩnh biệt người, chúng ta thề theo bước chân người gương cao ngọn cờ cách mạng…” Tôi không biết cô giáo có đọc bài diễn văn đăng trong tạp chí hay không? Nhưng đa phần bài nào tôi chép lại đều được điểm cao với câu phê bình: “…Ý tưởng hay, kết luận đanh thép…” Cười thầm chỉ có tôi mới biết mình là một con vẹt chuyên chép đi, chép lại trong môn học chính trị không hơn không kém. Cũng may trong năm học lớp tôi được cô giáo cho khoảng bốn, năm bài luận nên tôi chưa có đủ thời gian thẩm thấu những ngôn từ hoa mỹ trong các bài phát biểu lừa mị, chưa tiêm nhiễm thành thói quen thuộc lòng những gì đã được nghe. Nhờ vậy khi mở miệng tôi vẫn chưa hoàn toàn trở thành một con vẹt.

Bây giờ tôi mới hiểu việc sao chép, lấy cắp tư tưởng, trộn lẫn nhiều thứ sau đó mang ra trình bày là sản phẩm của mình có lẽ chỉ có trong xã hội cộng sản. Không được tự do nói lên suy nghĩ, nhận thức của riêng cá nhân, mọi người chỉ được phép đi trên con đường mòn dẫn đến sự triệt tiêu tất cả những phát triển tư duy.

oOo

Mỗi tối sau khi cơm nước xong xuôi tôi vội vàng quăng mớ chén trên sàn nước bỏ chạy trong khi bà chị tôi bồng đứa con ngồi trên võng dỗ nó ngũ kêu giật ngược :

– Mày chưa rửa chén bỏ đó mà chạy đi đâu vậy??
– Em đi họp, lát nữa con chị ngũ xong, chị rửa đi.

Dù cố bỏ đi cho nhanh nhưng tôi vẫn nghe kịp những lời ca cẫm, than vãn của bà này :

– Hồi trước ba má khó với chị Hai và mình muốn chết! Hễ bắt đầu chiều tối là con gái không được đi đâu ra khỏi nhà, muốn đi mua cái gì gần nhà là phải có mấy đứa em đi kèm, còn bây giờ thì khỏi nói luôn …!!

Muốn đi đâu ra ngoài cả buổi tối, tôi chỉ cần nói em đi họp Đội thiếu nhi là bà chị tôi “tắc tị, ngậm hột thị”. Kể cả có mặt ba má tôi cũng vậy, may mà ông bà sau này theo xe rong ruỗi cả tháng mới về vài ngày. Má tôi bây giờ phải đi cùng vì phương tiện kiếm sống bỗng nhiên bị bắt buộc vào Công tư hợp doanh nhà nước quản lý hết tất cả hợp đồng thu nhập. Là nghiệp chủ bà phải đi theo cố gắng vớt vát chút hàng chở thuê qua hình thức cho quá giang từng đoạn ngắn kiếm thêm chút gạo nuôi gia đình.

Nhờ vậy tôi tha hồ đi chơi la cà đến nửa đêm theo ý thích. Mỗi tối sau khi giải tán bầy thiếu nhi là đến giờ họp học tập, kiểm điểm công việc do các anh chị em Đoàn viên, cảm tình đoàn thanh niên cộng sản cầm đầu làm chủ chốt. Tựu trung chỉ có vài ba nhân vật này thuyết giảng chính trị với nhau nhưng tôi chắc họ chẳng “thu hoạch” được gì khác hơn là cơ hội cho đám trai gái mới lớn mặc sức gặp gỡ, mắt la mày liếc với nhau khi không có cha mẹ kiểm soát cấm đoán. Vì vậy tối nào bọn tôi cũng hào hứng rủ rê tìm đến sinh hoạt Đoàn, Đội.

Tuy nhiên trong các chuyện tào lao thiên địa chúng tôi nói với nhau, đa phần đều có mặt anh chàng công an khu vực tham gia. Tôi nhận thấy anh ta lâu lâu hỏi đứa này một câu ai cũng nghĩ là vô thưởng vô phạt :

– “Ba em trước khi đi tập trung cải tạo chắc nhiều chức vụ lắm?”

Thế là con nhỏ vốn ngây thơ nên tuôn ra một hơi rằng :

– Ba em hả, ông giỏi tiếng Anh lắm nên được đi Mỹ học, là an ninh tình báo.

Thật ra theo tôi biết ông chỉ là một Đại Úy dạy trường Sinh ngữ quân đội. Vì câu nói ngây thơ của đứa con gái ông bị xếp loại nguy hiểm đày ra miền Bắc mười hai năm.

Trong thời gian nhà nước tập trung cải tạo tư sản thương nghiệp, một con nhỏ kể chuyện nhà với anh phụ trách là một Đoàn viên thanh niên trong cương vị cảm tình Đảng, anh ta đang phấn đấu và được “bồi dưỡng” để trở thành Đảng viên :

– Nhà em hả, ba má em rất quý hai cái chum to để phía sau bếp, ba nói nhà em sống là nhờ hai cái chum này, nó được truyền từ đời ông bà để lại bây giờ đến ba em.

Chỉ vài hôm sau khi bắt đầu chiến dịch cải tạo, nhà con nhỏ này bị khám xét tịch thu hai chiếc chum lớn đậy kín mít phải ba bốn người mới khiêng nổi. Mang về Phường, trước một hội đồng gồm đủ cả ban bệ của đội “X3 “(*). Hai cái chum được khui ra, khoắng lên mãi vẫn không tìm được thỏi vàng nào chỉ toàn là mớ đậu nành làm tương sắp trở mốc của gia đình chuẩn bị bỏ mối các chợ.

Không biết sau vụ này anh cảm tình Đảng có được trở thành đảng viên Cộng sản hay không, chỉ thấy trong đợt ra quân đầu tiên anh ta mang khăn gói “bị” đi đầu trong đoàn Thanh niên Xung phong với nón tai bèo, dép râu đi vòng qua các khu phố để lấy “khí thế” cho câu khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Vậy mà không biết tên “phản động” nào đó dám xuyên tạc câu nói lịch sử này thành “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó, khó có thanh niên”.

Đã vậy còn loan truyền hai câu thơ do các “thế lực thù địch” của tàn dư Mỹ Ngụy còn sót lại chống phá chủ trương đường lối của Đảng râm ran như ve kêu mùa hạ trong “nhân rân”(nhân dân) :

“Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ. Chiếc mũ tai bèo che khuất nẻo tương lai”.

Một cán bộ đã phải “bức xúc” kêu rên, thơ thẩn thế này đúng là  “cực kỳ phản động”.

Thấm thoát cũng hơn hai năm gia đình nào cũng quen dần chuyện Phường khóm hô hào đi lao động. Tôi là đứa con gái rảnh rang nhất  trong khi bà chị một nách con nhỏ, nên tôi hoàn toàn đảm nhận chuyện “xuống đường quét rác” tập thể hàng tuần! Một vài tháng tôi bị bắt buộc đại diện “hộ” nhà mình khăn gói đi đào kinh làm thủy lợi tập thể, xúc đất móc bùn hết công trường này sang công trường khác. Tôi không còn là đứa con gái trắng trẻo như ngày nào, tay chân nứt nẻ vì bị ngấm phèn khi đi đào đất ở khu Lê Minh Xuân, đào kinh An Hạ. Con Ánh thì thảm hại hơn vì lùn hơn tôi nên khi ôm chuyền cục đất bùn nó hay chụp hụt nên té nhào xuống vách bùn trơn trợt cạnh bờ kinh mới đào, mình mẩy đắp toàn là bùn. Phong trào ra quân đào kinh làm thủy lợi xẹp dần không thu được kết quả khả quan vì người tham gia không quen lao động! Để “chữa cháy” nhà nước cho phép mỗi nhà đóng tiền cho Phường, khóm mướn người đi thay thế nên tôi thoát được cảnh vài tháng “tắm bùn” một lần.

Không biết có phải do bà chị “ton hót” với ba má chuyện tôi hay đi họp Đội đến nửa đêm mới về nên ba tôi tìm gặp ông Hai, cậy nhờ ông xin cho tôi một chân công nhân viên trong một xí nghiệp, thuộc ngành tiểu thủ công nghiệp do ông quản lý. Tôi được cho đi học lớp Kế toán Vật tư nên không còn thời gian thức đêm đi sinh hoạt vì mai phải dậy sớm đi học, đi làm.

Kể từ dạo đó tôi không có dịp gặp Ánh cũng không biết gì về đời sống của nó. Thật ra trong thời gian sinh hoạt trên Phường nó thuộc loại nhiều anh chàng theo đuổi vì xinh đẹp lại dễ thương không như tôi là đứa “thương không dễ”. Gần hết năm trôi qua tôi về nhận công tác cho một xí nghiệp gần chợ Thiếc, mấy hôm trước bà bác Hai ghé nhà cho ba tôi hay ông chồng bà bệnh đang nằm viện. Sẵn dịp tôi hỏi thăm về Ánh bây giờ làm gì, bà đắc chí kể tôi nghe thành tích của bà :

– Nó đi về nhà ba má nó cả tuần lễ rồi.
– Ủa sao không ở lại thành phố, nhà nó tận Thủ dầu Một cơ mà.

Nghe vậy tôi hơi ngạc nhiên bởi người ngoài Bắc vào hay chủ trương phải sống bám vào thành thị vì là bộ mặt cả nước, có thiếu thốn vật chất ở thành thị vẫn được ưu tiên cung cấp hơn. Thủ dầu Một là vùng quê, tên gọi cũ thời Pháp ngày trước. Sau này VNCH đặt lại là tỉnh lỵ Bình Dương.

Bà Hai hào hứng kể cho tôi biết nguyên do :

– Mày có biết không? Con Ánh nó cặp bồ với một thằng trong khi đi sinh hoạt đội.

Tôi ngắt lời bà :

– Chuyện này hồi đi sinh hoạt con có biết, tại nó xinh nên nhiều đứa thích, tụi con chưa vợ, chưa chồng nên đâu có “mất quan điểm chính trị”.
– Mất chứ sao không? Thằng đó nó là con nhà tư sản hồi trước, ba má nó mua nguyên một căn nhà cho nó ở một mình. Tao nghe mấy chị em trong hội phụ nữ mét chuyện tụi nó cặp bồ, tao điều tra là do thằng khác ghen nên “xì” ra với má nó. Nhưng cái quan trọng là nó với thằng đó không cùng giai cấp. Nó là con cái của Đảng viên, được giáo dục từ trong trứng nước là cái nôi của cách mạng.

Tôi chán ba cái chuyện đấu tranh giai cấp của bà nên ngắt lời :

– Nhưng nó chỉ mới là Đoàn viên đoàn thanh niên cộng sản thôi! Mà làm sao nó lại bỏ đi?.

Hỏi thế nhưng tôi thừa biết thói quen xưa khi còn trẻ do bà kể lại: “Bà chuyên môn cắp rổ đi bán khoai lang, chuối, bắp luộc thăm dò các cơ quan chính quyền của người Pháp. Dưới rổ bà giấu lựu đạn nên bị bắt đày ra Côn đảo.” Giờ lớn tuổi cũng còn “méo mó nghề nghiệp” nên giỏi chuyện rình mò, báo cáo chuyện xảy ra trong Phường cho các ban ngành, đoàn thể “xử lý”.

Giọng sôi nổi bà nói tiếp :

– Tao họp nghe đoàn thể phụ nữ báo cáo như thế, tao đi rình hai đứa. Buổi sáng đó tao theo con Ánh, thấy nó đi vào một cái nhà đóng cửa. Hôm sau nó mới vừa nói đi ra chợ là tao đi theo liền, khi thấy nó vào nhà thằng đó xong là tao bóp cái khóa mang theo bên người nhốt hai đứa lại trong nhà và bỏ đi về cho đến buổi chiều tao mới trở lại. Tao chắc là tụi nó sợ chết khiếp rồi. Khi vừa vào nhà là tao thấy thằng đó quỳ lạy tao, thế là tao cứ lên gối nện thằng đó một trận, nó không dám đánh lại; tao quay sang nắm tóc con Ánh, nó ôm con này che chở van xin tao đừng đánh con Ánh. Tao điên tiết một tay xoắn tóc con Ánh, chân đạp thằng kia tơi bời. Tao cứ thế mà lôi con Ánh về nhà, hàng phố đổ xô ra xem tao như một anh hùng. Tao chưa kịp gọi Ba má nó xuống thì ông Hai phải vào bệnh viện, hôm sau nó nói với tao “Con cắt hộ khẩu về trên bố mẹ con xin việc làm”. Vậy là tao cắt rời được nó và thằng đó.

Tôi thở dài trong bụng thầm nghĩ. “Bà hùng hổ giống như đang đánh ghen. Nó đâu còn mặt mũi để ở lại khu phố này nữa. Bà đâu phải bố mẹ nó lấy quyền gì cấm đoán. Tâm trạng con Ánh thế nào cũng giống như câu: “Khi xưa ai cấm duyên bà. Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi”.

Đầu giờ của một ngày làm việc sau khi sắp xếp mớ sổ sách lên bàn “trình diễn” cho thấy có mặt để người của phòng hành chánh “chấm công”, tôi tà tà ra chợ ăn sáng. Đang đi có người kéo tay tôi, giật mình quay lại tôi nhận ra Ánh ngay. Nó trông vẫn vui vẻ xinh xắn như trước, tôi hỏi :

– Ủa, mày đi đâu đây.

Ánh cười, nụ cười có vẻ rạng rỡ nói với tôi:

– Em đi chợ với má chồng.

Tôi chưa kịp hỏi nó lấy chồng hồi nào và là ai thì nó vội vàng vẫy tay chào rồi len vào dòng người đông đúc phía trước. Đây là khu vực đa phần là người Việt gốc Hoa sinh sống. Nhìn thấy nét tươi cười hạnh phúc trên nét mặt của nó, tôi đoán rằng nó đang sống chung với người nó yêu. Và từ ấy tôi không hề gặp lại nó lần nào, cũng không hề nghe ông bà Hai nhắc đến cho đến cuối năm đó ông qua đời vì tai biến mạch máu não, còn bà thì vài năm về sau đâm ra lẩn thẩn nhớ nhớ quên quên không đầu đuôi.

oOo

Ba mươi năm không gặp lại Ánh. Con bé Bắc kỳ “tự nhiên như người Hà Nội” ngày ấy bây giờ trở thành Việt kiều Úc xênh xang võng lọng trở về. Có lẽ năm ấy nó theo người yêu vượt biên vì gia đình này là người Việt gốc Hoa, không phải là ngẫu nhiên khi nó gặp tôi ở khu chợ Thiếc vào thời gian rộ lên chương trình nhà nước cho phép ra đi bán công khai để thu vàng.

Ngày xưa khi đi sinh hoạt cả bọn hay hát bài “Đảng đã cho ta mùa xuân…” Một lần Ánh che miệng cười nói nhỏ riêng mình tôi nghe: “Với bác Hồ ta là người của Đảng. Trước tình yêu ta bỏ Đảng quên Đoàn”.

Có phải lúc đó thâm tâm nó đã quyết định quên Đoàn vì tình yêu dù rằng đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường bị Đảng Cộng sản chi phối toàn bộ. Chọn lựa của con bé cho tôi thấy nó hiểu rõ ai mới thật mang lại mùa xuân cho mình.

Cỏ Biển
Mùa xuân 2019.



(*) X3 = Đợt cải tạo tư sản thương nghiệp.
“…” Nguyên văn từ ngữ.

 

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019