SỐ 81 - Xuân KỶ HỢI - THÁNG 1 NĂM 2019

HEO TRONG THƠ, TRANH, TRUYỆN

(Sưu tầm của Vinh Hồ)

Image result for tranh đông hồ lơn
"Lợn ăn lá ráy", tranh Đông Hồ.

Trong văn hóa dân gian, heo biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục, sự nhàn nhã và sung túc. Đầu heo là món sính vật quan trọng trong mâm cúng tế, heo là món chính trong hội hè đình đám quan hôn tang tế. Heo cũng biểu tượng cho tính lười biếng, háu ăn, bẩn thỉu, ngu ngốc và ham nhục dục, hình tượng của nhục dục. Heo thuộc âm: ôn hòa, nhã nhặn, tính phồn thực được đề cao.

- Heo trong Lục Súc Tranh Công:

Truyện (tác giả khuyết danh) gồm 570 câu thơ "cổ thể" viết bằng chữ Nôm được Trương Vĩnh Ký (1837-1898) phiên âm ra Quốc ngữ năm 1887, nội dung có tính khẩu khí, trào phúng. Heo tự cho mình có công nhất không chỉ là thức ăn ngon mà còn là món chính trong hội hè đình đám quan hôn tang tế, ngay cả Vua khi cúng Nam Giao cũng phải có Tam Sanh (dê, trâu, lợn):

Vua ngự lễ Nam Giao đại đột, 
Phải có heo mới gọi tam sanh, 
Ðừng đừng quen lời nói lanh chanh, 
Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ, 
Kìa những việc hôn nhân giá thú. 
Không heo ra, tính đặng việc chi? 
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi, 
Cũng không thấy một người thấp thoáng. 
Việc hòa giải, heo đầu công trạng, 
Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù. 
Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu, 
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu. 
Làng xã tới lao đao, láu đáu, 
Nào thấy ai gỡ rối cho xong, 
Khiêng heo ra để lại giữa dòng, 
Mọi việc rối liền xong trơn trải. 
Phải chăng, chăng phải, 
Nghĩ lại mà coi, 
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi 
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước. 

(Trích Lục Súc Tranh Công)

- Heo trong tranh Đông Hồ:

Tục treo tranh Tết là nét văn hoá đẹp đẽ, là ước vọng tốt lành trong năm mới. Tranh "Đàn lợn âm dương” (cũng có tên là "Lợn đàn") vẽ đàn lợn con quây quần bên lợn mẹ, mỗi con mỗi vẻ: con thì muốn trèo lên lưng, con thì muốn rúc vào bụng mẹ, con thì hướng về lá khoai, còn heo mẹ thì đang đứng trước 1 cái máng đầy tràn thức ăn. Vòng khoáy âm-dương trên mình heo mẹ chỉ sự tốt lành, hài hòa, sinh sôi nẩy nở. Bố cục hoàn chỉnh, nét vẽ khoẻ khoắn, giàu chất sáng tạo, chuyên chở ước vọng được sống sung túc, hoà thuận, vui vẻ, con đàn cháu đống.

Còn bức tranh "Lợn ăn lá ráy" phác họa 1 con lợn háu ăn có nghệ thuật xuất thần cành lá ráy như đang động đậy trước mắt người xem. Nhìn chung tranh Đông Hồ về lợn rất đẹp, nét vẽ đơn giản tự nhiên, biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn vinh, hạnh phúc.

Trạng Lợn: 

Trạng Lợn là 1 nhân vật trong kho tàng truyện cười VN, đến nay vẫn chưa xác định danh tánh nhưng đều cho rằng Trạng Lợn sống vào đời vua Lê Thánh Tông. Trạng Lợn còn có tên là Trạng Bói (bói mò mà trúng), Trạng Dừa; gồm có 19 mẩu chuyện cổ tích thần kỳ, con đường thành Trạng "hay hổng bằng hên" gặp toàn may mắn luôn được siêu nhân phù hộ. Trạng vốn dốt lại lười, mỗi khi đụng chuyện, Trạng chỉ nói đại nói bừa nhưng đều trúng cả. Trạng Lợn đả kích thói hư tật xấu của quan lại, đồng thời tạo ra tiếng cười ngả nghiêng làm cho trong dân gian ai cũng khoái chí.

 

- Heo trong câu đối của Trạng Quỳnh và Tú Cát:

Truyện cười Trạng Quỳnh gồm 48 mẩu chuyện đả kích bọn sứ thần phương Bắc bảo vệ quốc thể, đồng thời chỉ trích đám vua chúa quan lại tham ô hà hiếp dân lành. 

Trạng Quỳnh là một nhân vật, một ông Trạng dân gian trào lộng thông minh tài trí. Có giai thoại kể ông Tú Cát bản tánh khoe khoang sau khi đỗ Tú Tài đã dương dương tự đắc ra 1 vế xuất:

-Trời sinh ông Tú Cát

Trạng Quỳnh đối lại ngụ ý chê Tú Cát dơ như bọ hung: 

-Ðất nứt con bọ hung

Tú Cát hiểu ý làm 1 vế xuất khác chửi khéo Trạng Quỳnh tham ăn như lợn:

-Lợn Cấn ăn cám Tốn 

Trạng liền ra 1 vế đối mắng khéo Tú Cát dữ như chó:

-Chó Khôn chớ cắn Càn

- Heo trong cuốn tiểu thuyết "Tây Du Ký":

Trong truyện có nhân vật tên Trư Bát Giới, nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên đình vì uống rượu say chọc ghẹo Hằng Nga mà bị đày xuống trần gian đầu thai trong bụng 1 con heo rừng. Lớn lên mê nàng Túy Lan đòi bắt về làm vợ, Tam Tạng đi thỉnh kinh ngang qua nghe chuyện sai Tôn Hành Giả đi đánh bắt về thâu phục làm đệ tử. Bát Giới dùng cái mõm dài ủi đường giúp Tam Tạng sang Thiên Trúc thành công, bạn đồng hành đều thành Phật, thành La Hán, nhưng Bát Giới thì không bởi lòng  chưa dứt bụi trần tham sân si:

"Bèo cám bê bết quanh mồm
Tai như chiếc quạt, mắt tròn vàng hoe
Răng nanh nhọn hoắt gớm ghê!
Mõm dài há ngoác đỏ khè đến kinh
Mũ kim khôi ánh lung linh
Áo giáp lấp lánh, quanh mình thắt dây
Đinh ba chín mũi cầm tay
Bên vai lủng lẳng một cây cung dài.
Oai như Thái tuế trên trời
Hiên ngang dữ tợn thần, người dám đương?"

- Heo trong thơ Nguyễn Trãi (1380 –  1442):

Tiến sĩ cuối đời Trần được Phan Huy Chú có lời nhận xét: "Ông Nguyễn Trãi tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả.", còn Lê Quý Đôn thì đánh giá: "văn thư thảo hịch giỏi hơn hết một thời". Thi hào N Trãi còn lưu nhiều cuốn sách, trong đó có 105 bài thơ chữ Hán và 254 bài thơ chữ Nôm. Ông dành nguyên 1 bài viết về lợn - được xem là bài thơ đầu tiên trong thi ca cổ điển VN nhắc đến lợn:

Lợn
(bị thất lạc câu thư sáu)

Dài hàm nhọn mũi cứng lông,
Được dưỡng vì chưng có thửa dùng.
Lỗi hoà đàn, tinh Bắc Đẩu,
Lang một điểm, thuỵ Liêu Đông.
Chân khi mặt nước chưa hay lạt,
................................
Tiện chẳng hay bề biến hoá,
Trương hai con mắt lại xem rồng.

(Trích trong Quốc Âm Thi Tập thơ Nguyễn Trãi từ Nguyễn Trãi toàn tập do Đào Duy Anh biên soạn, NXB Khoa học xã hội, 1976.)

Lỗi hoà đàn, tinh Bắc Đẩu (1)
Lang một điểm, thuỵ Liêu Đông (2)
-Câu (1) lấy điển tích: đời Đường có thiền sư Nhất Hàng giỏi thuật số, bắt một ổ lợn nhốt vào một cái ống rồi bịt lại làm chòm sao Bắc Đẩu không mọc được để cứu người tù, khi Vua đại xá, người tù được tha, Nhất Hàng thả ổ lợn ra khỏi cái ống, Bắc đẩu liền mọc lại.
Câu (2) lấy điển tích: ở Liêu Đông gặp lợn lang đầu được xem là “thụy” nghĩa là điềm lành.

- Heo trong thơ Phùng khắc Khoan (1528-1613):

Phùng khắc Khoan tục gọi là Trạng Bùng, năm 1597, trong chuyến đi sứ nhà Minh, sứ thần Đại Việt Phùng Khắc Khoan có gặp gỡ trao đổi thơ văn với sứ thần Triều Tiên là Lý Túy Quang. Trạng Bùng từng theo học Trạng Trình, có nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm và chữ Hán. Ông có nhắc đến "trâu bò gà lợn dê ngan" trong bài thơ dài "Đào nguyên hành" xin trích 6 câu:

Bông lau lông vịt lấy bông
Làm chăn làm đệm mùa đông ngự hàn
Trâu bò gà lợn dê ngan
Đầy lũ đầy đàn thả khắp mọi nơi
Ngày nhiều vật lạ của tươi
Che chở nghìn đời dân ấm dân no

"Đào nguyên hành" cũng có tên là "Lâm tuyền vãn" là bài thơ Nôm lục bát xuất hiện khá sớm tả cây trồng, cách chăn nuôi gia cầm gia súc.

- Heo trong thơ Nguyễn Du (1766–1820:

Nét nổi bật trong thơ dù chữ Hán hay Nôm là cảm xúc dạt dào, Thi hào Nguyễn Du uyên bác nắm vững nhiều thể thơ: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành... ở thể nào cũng xuất sắc. Ngoài Truyện Kiều, còn nhiều tác phẩm giá trị trong đó có 3 tập thơ bằng chữ Hán. Người nước ngoài xem ông là nhân vật kiệt xuất của thơ ca VN. Trong bài chữ Hán "Sở kiến hành" ông có nhắc đến heo: "mãn trác trần trư dương" nghĩa là: đầy bàn thịt heo dê, xin trích 1 đoạn:

Tạc tiêu Tây Hà dịch
Cung cụ hà trương hoàng
Lộc cân tạp ngư xí
Mãn trác trần trư dương
Trưởng quan bất hạ trợ
Tiểu môn chỉ lược thường
Bát khí vô cố tích
Lân cẩu yếm cao lương
Bất tri quan đạo thượng
Hữu thử cùng nhi nương
Thuỳ nhân tả thử đồ
Trì dĩ phụng quân vương (...)
(Trích Sở kiến hành trong Bắc hành tạp lục, thơ Nguyễn Du

Dịch nghĩa:

Ðêm qua ở trạm Tây Hà
Tiệc tùng cung phụng khoa trương quá mức
Gân hươu cùng vây cá
Ðầy bàn thịt heo, thịt dê
Quan lớn không thèm đụng đũa
Ðám theo hầu chỉ nếm qua
Vứt bỏ không luyến tiếc
Chó hàng xóm cũng ngán món ăn ngon
Không biết trên đường cái
Có mẹ con đói khổ nhà này
Ai người vẽ bức tranh đó
Ðem dâng lên nhà vua (...)

(Trích Những điều trông thấy, thơ  Nguyễn Du)

- Heo trong thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858):

 Ông có chí, làm quan nhiều lần bị giáng chức. Thích sống tự do phóng túng, tánh khí ngang tàng ngạo nghễ 80 tuổi rồi mà còn dâng sớ xin đi đánh giặc Pháp xâm lược.

Thơ văn của ông còn khoảng 150 bài. Ông có nhắc đến heo: "hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó", xin trích 1 đoạn trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú":


Đầu giường tre, mối dũi quanh co,
Góc tường đất, giun đùn lố nhố.
Bóng nắng dọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu,
Đầu giàn, chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

(Trch Hàn Nho Phong Vị Phú, thơ Nguyễn Công Trứ)

- Heo trong thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909):

Nhà thơ của "mùa Thu" có nhiều thi tập, riêng "Quế sơn thi tập" có khoảng 200 bài thơ chữ Hán và 100 bài thơ chữ Nôm. Ông có nhắc đến heo: "xôi bánh, trâu heo cũng gọi là" trong bài "Lên lão", hay "mấy ổ lợn con rày lớn bé" trong bài "Nước lụt hỏi thăm bạn":

Lên lão

Ông chẳng hay ông tuổi đã già,
Năm nay ông cũng lão đây mà.
Anh em, làng xóm xin mời cả,
Xôi bánh, trâu heo cũng gọi là.
Chú Đáo bên làng lên với tớ,
Ông Từ ngõ chợ lại cùng ta.
Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ,
Có rượu thời ông chống gậy ra.

(Nguồn: Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971)

Nước lụt hỏi thăm bạn

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn, bé?
Vài gian nếp cái ngập nông, sâu?
Phận thua, suy tính càng thêm thiệt,
Tuổi cả, chơi bời hoạ sống lâu.
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu.

- Heo trong thơ Tú Xương:

Nhà thơ thông minh từ nhỏ, lúc 10 tuổi đã biết đối, khách đến nhà ra một vế xuất: "Đình tiền ngũ sắc hoa" (trước sân hoa năm màu), bé ứng khẩu 1 vế đối: "Lung trung bách thanh điểu" (trong lồng chim bách tiếng), khách tấm tắc khen tài. Ông lấy vợ năm 16 tuổi, cuộc đời ngắn ngủi gắn liền với 8 lần thi cử lận đận, hiện còn lưu khoảng 134 bài thơ - là sự kết hợp giữa hiện thực, trào phúng, trữ tình. Ông làm thơ Nôm bằng các thể: Đường luật, thất ngôn bát cútứ tuyệtphúvăn tếcâu đối, hát nóilục bát, ở thể loại nào cũng trác tuyệt nên có người ca ngợi là bậc "thần thơ thánh chữ". Nguyễn Khuyến làm câu đối khóc Tú Xương (mất năm 37 tuổi): 

Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn. 

Tú Xương nhắc đến heo: "đời nào lợn cạo ngôi" trong bài thơ sau:

Than cùng

Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi.
Vợ lăm le ở vú,
Con tấp tểnh đi bồi.
Ai trói voi bỏ rọ ?
Đời nào lợn cạo ngôi ?
Người bảo ông cùng mãi
Ông cùng thế này thôi

Tú Xương

- Heo trong thơ Phan Khôi (1887-1959:

Phan Khôi học giả/nhà thơ/nhà văn/nhà báo/dịch giả... là cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại cổ vũ cho Thơ mới, bài "Tình già" 1932, được xem là bài thơ đầu tiên mở đường cho phong trào Thơ mới ở VN. Ông là Chủ nhiệm báo Nhân Văn Giai Phẩm (1956-1957). Ông nhắc đến heo bằng mấy câu sau:

Đánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm, bịt miệng
Trói chân, trói tay

- Heo trong thơ Bàng Bá Lân (1912-1988): 

Ông được hai nhà phê bình Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng tặng cho danh hiệu "nhà thơ của đồng áng". Thơ đồng áng của ông nặng tình. Ông từng "nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà" trong bài "Tết xưa": 

Tết xưa

Tết về, nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa,
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc đẹt: Nhớ... mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì...

(Trích Tết xưa, thơ Bàng Bá Lân)

- Heo trong thơ Đoàn văn Cừ (1913-2004):

Nhà thơ tả chân viết về thôn quê được hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân ghi nhận: "Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt". Tác giả Đoàn văn Cừ từng mô tả: "hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu" trong bài "Chợ Tết", hay " Thịt lợn đầy mâm thái miếng to" trong bài "Năm mới":

Năm mới

Cây đèn bóng dựng dưới trời đêm
Chiếc vỏ chai cưa giả chụp đèn
Ngọn lửa trong mưa vờn lấp loáng
Gió lùa chùm khánh động "leng keng"

Vài lá đa xanh giắt mái nhà
Để cầu phúc lộc đến đề đa
Ngoài sân ấn quyết trừ ma quỷ
Vôi vẽ hình tên nỏ trắng loà

Bên vách hòm gian đặt cúng thờ
Bát hương nõn chuối cắm lơ thơ
Vỉ buồm gạo nếp "tay giềng" họ
Thịt lợn đầy mâm thái miếng to

Cây nêu - dấu Phật đuổi hung thần
Cổ mũ trên bàn cúng Táo quân
Mùng bốn Tết xong làm lễ tiễn
Giấy tiền ông vải đốt đầy sân

(Đoàn văn Cừ, 1941)

Xin trích 1 đoạn đầu trong bài Chợ Tết:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

(Trích Chợ Tết, 1939 thơ Đoàn văn Cừ)

- Heo trong thơ Anh Thơ (1921-2005):

 Nữ tác giả thi tập "Bức tranh Quê" 1941  thuộc trường phái tả chân, nhà thơ của những bức tranh quê miền Bắc. Bà có nhắc đến lợn: "lợn chuồng ủn ỉn giục cho ăn" trong bài "Sáng hè", hay "mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống" trong bài "Họp chợ":

Sáng Hè

Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say.

Người dậy cả, bà già lần thổi bếp 
Thằng cu con rụi mắt quét quàng sân.
Cùng trong lúc gà lồng kêu chiếp chiếp,
Và lợn chuồng ủn ỉn giục cho ăn.

Bên ao nước bèo chen rau muống nổi,
Mẹ rồi con xắn váy cúi khom, và
Người vớt bèo, người khều rau hái vội,
Vì trên đường lên chợ đã người qua.

Anh Thơ

Họp chợ

Mới hửng sáng, đàn chim còn ngái ngủ 
Trên chòm đa buông rễ ướt bên đình. 
Hạt sương sớm đã trao tay gió rũ 
Khắp mái lều rung bóng mặt trời xinh. 

Mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống, 
Mấy bà già quẩy đến gánh bèo non. 
Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng, 
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton. 

Rồi gạo, vải, bún, quà, rồi bánh trái 
Lần lượt bày trong những tiếng lao xao. 
Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói 
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.

Anh Thơ

- Heo trong thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976):

Thi sĩ Vũ Chương Hoàng Chương có 1 bài Đường luật được truyền khẩu sau 1975 như sau:

Vịnh tranh gà lợn

Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành 
Gà lợn, om sòm rối bức tranh. 
Rằng vách có tai, thơ có họa 
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh. 
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng 
Lòng lợn âm dương một tấc thành. 
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn 
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.

Vũ Hoàng Chương, 1976.

Nguồn: www.thivien.net
(Nhà văn Đặng Tiến (Paris) trong bài viết “Thơ xuân Vũ Hoàng Chương” (2001) cho biết bài thơ trên được viết vào dịp Tết năm Bính Thìn 1976, bản ở trên do vợ của Vũ Hoàng Chương chép gửi).


Bài thơ trên thật cao tay, tràn đầy khí phách, có ý nghĩa thâm thúy, chỉ 8 câu mà sử dụng nhiều tục ngữ, thành ngữ, ca dao: "rừng có mạch, vách có tai ", "xanh vỏ đỏ lòng", "tranh tối tranh sáng", "mắt xanh", "mắt quáng gà", "gà cùng một mẹ", "lợn âm dương", "con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi". "thơ có họa" ở đây hiểu là thơ có tai họa, "khúc tân thanh" hiểu là  khúc đoạn trường. Nghe nói sau khi làm bài thơ này, tác giả bị bắt giam ở ngục Chí Hòa, khi lâm trọng bệnh được ra tù đưa về nhà, chỉ sau mấy hôm thì qua đời ngày 6/9/1976.

- Heo trong thơ Hoàng Cầm (1922-2010):

Tác giả bài thơ "Lá diêu bông" nổi tiếng, có nhắc đến lợn: "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong" trong bài thơ dài "Bên kia sông Đuống" xin trích 1 đoạn: 

Quê hương ta lúa nếp thơm đồng 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp 
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp 
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn 

Ruộng ta khô 
Nhà ta cháy 
Chó ngộ một đàn 
Lưỡi dài lê sắc máu 

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang 
Mẹ con đàn lợn âm dương 
Chia lìa đôi ngả 
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã 
Bây giờ tan tác về đâu? 
Bên kia sông Đuống

(Trích "Bên kia sông Đuống" thơ Hoàng Cầm)

- Heo trong thơ Bùi Chí Vinh:

 Nhà thơ trẻ hiện sống bằng nhuận bút viết truyện, soạn kịch bản phim. Ông làm bài "Ca ngợi lợn" tự trêu chọc mình rất hài hước ngộ nghĩnh thông qua hình ảnh lợn rất dễ thương: "Năm lợn chợt thấy mình mắt hí, miệng ngoác mang tai, mũi hếch trời", xin trích nguyên bài:

Ca ngợi lợn

Năm lợn chợt thấy mình mắt hí
Miệng ngoác mang tai, mũi hếch trời
Đuôi mọc ở phần thân thể dưới
Bụng trĩu, đầu khom tướng khó coi

Đoán mình lại giống Trư Bát Giới
Không thỉnh kinh, chỉ thỉnh đàn bà
Nên trời trừng phạt thay con gái
Đêm về ụt ịt suốt canh ba

Đoán mình lại giống con heo sữa
Quay một tua mấy chục đĩa mồi
Các em cười cợt chuyền tay gắp
Nhớ chìa ra nửa trái tim thôi

Đoán mình lại giống con heo nọc
Phủ giống mà quên lựa đất lành
Bốn mùa sương phụ cho ăn cám
Chưa già mà gối nổi gân xanh

Đoán mình lại gớm câu Kiều dạy:
"Thất tự ngoài rồi bát nghệ trong"
Chao ôi, cái số Trư Bát Giới
Vụng đường tu bởi khách má hồng

Năm lợn chợt thấy mình đỗ Trạng
Ngày xưa Trạng Lợn cũng ra trò
Còn hơn năm cũ đen như chó
Rửa bằng tiền mà mõm vẫn dơ

Bùi Chí Vinh, Thơ đời, Nxb Thanh Niên, 2007

Kết luận:

Nhìn chung qua thi ca tranh truyện, heo đã được thương mến ca ngợi:

Mấy ổ lợn con rày lớn bé,
Vài gian nếp cái ngập nông sâu

(Thơ Nguyễn Khuyến)

Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà

(Thơ Bàng Bá Lân)

Quê hương ta lúa nếp thơm đồng 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
 
(Thơ Hoàng Cầm)

...
Heo cũng bị trách móc nhưng nhẹ hơn chó rất nhiều:

Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn 
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.

(Thơ Vũ Hoàng Chương)

...
Có nhiều bài thơ về heo thuộc hàng tuyệt bút phản ảnh sinh động đời sống tâm linh, tinh thần của người VN, cũng là chứng nhân của các giai đọan lịch sử đen tối của VN.

Trước thềm năm mới kính mời quý đồng hương đọc bài thơ vui thay Thiệp Chúc Xuân Kỷ Hợi "vạn sự như ý" sau đây:

Đàn heo

Trong vườn cam bưởi quít sum sê
Béo nhất đàn heo ai dám chê?
Chạy nhảy vui đùa cùng mẹo dậu
Ra vào thân thiện với trâu dê.
Trại chuồng rộng rãi nằm khoan khoái
Cám tấm ê hề ăn phủ phê.
Cô chủ hiền từ yêu mến lợn
Rờ đầu gãi bụng mỗi khi về.

Vinh Hồ
8/1/2019
------------------------------------------------

THAM KHẢO:

https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_t%C6%B0%E1%BB%A3ng_con_l%E1%BB%A3n_trong_v%C4%83n_h%C3%B3a

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra cuu/trang_quynh_trang_lon_tam_ly_nguoi_viet_cuoi.html

https://hoamunich.wordpress.com/2012/03/02/phan-khoi-v%E1%BB%A5-an-nhan-van-giai-ph%E1%BA%A9m/

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019