SỐ 81 - Xuân KỶ HỢI - THÁNG 1 NĂM 2019

TRƯỞNG NAM CỦA ĐÁ

       
Xế chiều, chị Đậm vợ anh Nhựt chuyển bụng sinh con so. Bà mụ vườn tên là Bầu hối anh ra sân kéo mớ áo quần xơ tả vào. Nhựt chạy ra dây đưa tay rút, hắn thấy áo quần vẫn còn ướt  mèm, lấy làm lạ. Tại sao mấy cái tả lót xé bằng thứ vải mỏng như cánh chuồn, với mấy cái áo trẻ con, phơi cả ngày trong nắng gay gắt của mùa hè lại không chịu khô? Hắn ta tưởng trẻ con hàng xóm chơi nghịch bắn súng nước. Nhựt quay lại nhà hàng xóm tính chửi. Hắn chú ý tới một nửa cái sân đất có dấu nước  mưa và trên cành bưởi lá cây vẫn còn ngấn nước. Hắn nhìn trời thấy mây trắng từng khối đông cứng như vôi lấp lánh ánh sáng. Một phần mái ngói phía bên này đỏ tươi, có đôi chim câu gù nhau trong nắng. Hắn lẩm bẩm, không lẽ nơi đây mới xảy ra trận mưa một nửa mái nhà? Vô lý thực, trời mưa lúc nào mình không hay ?

Đến lúc ấy hắn nghe bên kia sông có tiếng người la ó. Rất nhiều người la, hốt hoảng như có nhà cháy, vỡ đê hay  ghe chìm. Hắn chẳng biết  chuyện gì, nhìn ra giữa sông thấy nổi lên khối đen lù lù, nước con sông Cái gợn sóng rất mạnh. Một lúc sau dân hai làng Ngọc Hiệp bên này, Ngọc Sơn bên kia kéo nhau ra đứng hai bên bờ chỉ chỉ cái vật lạ  nằm chính giữa sông. Một lúc sau người ta mới chuyền tai nhau cái tin lạ, không biết điềm lành hay dữ. Hòn Trứng là một hòn đá màu đen tròn như quả trứng, rất to, trước đây nằm lưng chừng sườn núi Mẹ Bồng Con bên kia sông, đang lúc xế chiều, trời không mưa, không gió, không nước lũ bỗng nhiên hỏng chân lăn xuống. Nó lăn như một quả bóng khổng lồ, đè bẹp cây rừng, hất tung những mô đất, chà nát mấy cái rẫy trồng chuối của dân Ngọc Thảo, rơi vào cái rãnh núi, đường phân thủy và cứ thế lăn ầm ầm xuống núi, băng qua đường cái rơi xuống sông, lăn thêm một đoạn nữa, ra nằm ở  chính giữa dòng nước .

Khi đá rơi xuống sông sức mạnh giống như  trời long đất lở làm bắn tung lên trời cao  khối nước rơi xuống  thành cơn mưa ướt dây phơi quần áo bên kia làng Ngọc Hiệp. Đá rơi làm con sông dậy sóng lớn như sóng biển, hất tung mấy chiếc thuyền nan của dân Côn Dê Ngọc Thảo dùng vào việc đi soi cá tôm. Cũng may, nhờ có sơn thần thổ địa, hà bá che chở nên con đường đá lăn không nhằm nhà cửa, ghe thuyền. Bây giờ hòn đá nằm giữa sông Cái,  nửa nổi  nửa chìm. Phần nổi lên giống cái chỏm trứng khổng lồ, màu đen, láng như sành. Hòn trứng to lắm, phải mười người lớn nối tay nhau mới ôm trọn chu vi của nó .

Đúng vào lúc đá lăn thì từ nơi cái chòi nhỏ cất bằng tranh tre sau góc vườn vang lên tiếng người gọi. Bà mụ vườn miệng lúng búng  nước trầu kêu to :

-  Bớ Nhựt, phúc đức ông bà nhà mi, con trai đầu lòng đây nè !

Nhựt nghe kêu mừng quá chạy ùa vào. Mụ Bầu chận lại, hét lớn: “Đàn ông con trai, làm nghề biển giả, chui  vô buồng đẻ làm chi? Mắc phong long bây giờ!” Nhựt vội lui ra. Hắn ta đứng nơi hiên nhà nhìn dòng sông loang loáng nắng chiều và cái vật lạ đen sì nổi giữa dòng. Hắn nghĩ, từ đây, trăm năm sau, ngàn năm sau, vật đổi sao dời, chưa chắc cái  hòn đá khổng lồ này di chuyển hay biến mất. Không biết có ai ghi lại sự việc này trong sách sử để con cháu sau này biết hay không? Nếu không thì làm sao biết đá từ dâu chạy tới chốn này? Không khéo rồi lại lọc lên bao chuyện hoang đường đá.

Sau này, lúc cúng đầy tháng đặt tên cho thằng bé, ông cụ Hồ Tào tám mươi  hai tuổi nói thằng bé là con của đá. Đá lớn sinh ra đá bé. Đá bé gọi tên là Sỏi. Ông cụ Hồ Tào đặt cho nó tên chữ là tiểu Thạch, gọi chơi ở nhà là thằng Sỏi hay thằng đá nhỏ cũng được. Có người thấy đặt tên theo kiểu đó, nói giỡn. Sau này thằng Sỏi có con đặt tên là Cát, thằng Cát có con đặt tên là Bụi. Ông cụ Hồ Tào tưởng nói thực, không chịu, nói tên Bụi xấu lắm. Rồi ông cụ ngùi ngùi đọc câu thơ: “Hồng trần một cõi gian nan đi về …”

Khi thằng Nhựt chạy vào chỗ vợ sinh bị đuổi ra hắn kịp trông thấy đứa bé giống như cục thịt đỏ lòm, ướt át, mình đầy nhớt nhau, bã trắng. Nơi bụng còn dính sợi dây rốn màu xám xanh, cong queo như khúc dồi chó. Lúc hắn đi ra ngoài đứng nơi hiên nhà nhìn dòng sông lấp loá nắng cứ phân vân mãi,  không biết tại sao cái đầu đứa bé dài như cái quả bí đao. Hắn hỏi, mụ Bầu nói, vợ mày rặn lâu quá, đầu nó dài ra chớ sao. Cũng may nhờ con vợ mày cái mông to như mông trâu nái, xương chậu rộng như miệng ghè, nếu không đẻ đứa con có cái đầu quá khổ như rứa chắc phải trổ nóc nhà cho nó chui ra. Ý  mụ muốn nói đem tới nhà thương cho người ta giải phẫu  lấy ra. Hắn hỏi sau này có tròn lại không? Mụ nói mai mốt nó thun lại. Cụ Hồ Tào xem tướng thằng bé nói cái đầu to quá không biết chứa cái giống chi trong đó, tốt xấu chưa lường được, Thôi lấy phước nhà mà đong…Quả nhiên khi lớn lên không có cái mũ nào nó đội vừa cả. Thằng Sỏi đầu lớn mình loắt choắt. Lúc bé nó thường bị trẻ con hàng xóm ăn hiếp. Đi học bị học trò trêu chọc. Năm học nào cũng bị thầy giáo cho lên bàn trên cùng với mấy đứa học trò gái. Hắn không dám chơi đùa với bọn con trai, vì tụi này chơi giỡn mạnh bạo quá, chiều nào đi học về hắn cũng bị bưu đầu, trầy trán. Sau này khi ra đời cũng vì cái thân thể nhỏ bé nên bị người khác coi thường. Chính hắn cũng căm ghét cái hình thù dị dạng mất cân đối của mình. Hắn nghe người đời nói có tật có tài, nhưng tài thì chẳng thấy đâu, giống như hộp sọ to quá não không choáng đủ nên đầu óc cứ chập chờn sương khói …                                

oOo

Buổi chiều mặt trời rụng trên đỉnh núi Mẹ Bồng Con. Trên đỉnh núi có hai ngọn cao thấp khác nhau, đứng dưới nhìn lên dáng núi mường tượng như người đàn bà bồng con. Trong năm, mặt trời chẳng ở yên, nó thay đổi chỗ ngủ thường xuyên, khi thì trên đầu người mẹ, lúc đầu đứa con. Năm này qua nắm khác, mặt trời cứ bò qua lại đầu mẹ sang đầu con.

Suốt ngày hè oi ả mặt trời như chiếc thuyền chở đầy lửa trôi ngang qua một đại dương màu xanh hình vòm. Đến chiều con thuyền cạn lửa, màu sắc dịu đi như quả chín rơi xuống thấp chìm dần vào một vùng không khí dày đặc, tối tăm hơn. Vào giờ đó thằng Sỏi thường neo con thuyền nan dưới chân hòn trứng ở giữa con sông cái, nó lấy phân người làm mồi câu cá dìa. Thằng Sỏi nhìn lên đỉnh núi Mẹ Bồng Con thấy mặt trời bớt chói chang giống như quả đào chín màu hồng, mình phủ đầy một lớp lông tơ mịn màng. Mặt trời đậu rất lâu chỗ núi tiếp trời. Nơi ấy có hàng cây, cây gì không biết mọc thành hàng dài nơi viền núi. Mặt trời làm cho hàng cây rung rinh, nhỏ đi tắm trong một màu lửa trộn khói, đầy chất huyền hoặc. Mặt trời bị cạnh núi sắc như lưỡi dao cắt dần đi, cuối cùng còn cái chỏm nhỏ màu đỏ đội trên đầu người mẹ đá. Từ hàng trăm năm nay kể từ ngày thành lập hai làng Ngọc Hiệp, Ngọc Sơn hai bên bờ con sông Cái dân cư nơi đây, thế hệ này sang thé hệ khác chỉ thấy được cảnh mặt trời  lặn sau núi Mẹ Bồng Con như thế. Không ai biết sau khi xuống núi mặt trời đi đâu, làm gì, tối lại ngủ với ai? Thế mà có một người dám nói đã leo tới đỉnh núi Mẹ Bồng Con trông về phía sau lưng núi thấy mặt trời đi ngủ như thế nào.

Có một người đàn ông trạc năm mươi từ trong núi đi ra, băng qua đám cỏ cây bụi rậm ven chân núi, băng qua con đường, vào làng. Lão ta lững thững bước vào quán nhậu chị Liễu. Đó là lão Thoại. Vào trong quán lão dựng cây rựa cán dài, đầu rựa có cột chùm phong lan. Lúc này quán vừa đỏ đèn. Lão tìm cái bàn trong xó, ngồi xuống. Lão vừa vào quán đã có nhiều người chăm chú nhìn  lão. Không hiểu lão làm gì, ở đâu mà mấy ngày nay vắng bóng, lúc trở về quần áo rách tả tơi, cháy sém nhiều chỗ, tóc tai xoăn lại như người ngồi bếp lửa bị táp, làn da lão vốn trước đây bị đen sạm nay  bị cháy bong ra, nhiều chỗ giống như người bị bệnh bạch tạng. Nghe người ta hỏi, lão không trả lời, ngồi yên kêu rượu ra rót uống, gần hết xị rượu, thứ rượu gạo pha với nước dừa xiêm rất dễ say, lão mới bắt đầu lên tiếng:

– Nắng đốt…

Có người hỏi nắng chi mà hung tợn thế?

Lão nói :

-  Ở sau núi Mẹ Bồng Con, chỗ mặt trời ngủ…

Người khác nói, hay là lão lén vào rừng chặt cây đốt rẫy. Tội phá  rừng, nặng lắm coi chừng. Lão nói :

-  Không phải mô. Tôi leo lên tuốt trên đỉnh núi, tới chỗ mặt trời ngủ. Tui cứ lần theo  mấy khóm lan rừng. Càng lên cao, càng nở hoa, càng đẹp. Cho đến lúc gặp loài lan quái dị. Mỗi bông hoa to như cái quạt mo, cánh hoa đen như than, bốc mùi khét như trấu cháy, ngửi một lúc đã xây xẩm mặt mày. Tui chợt nghĩ ra cái gì ở chỗ mặt trời lặn cũng bị thiêu cháy, cháy nhưng không chết. Cứ nhìn quần áo tóc tai  của tui đây thì biết. Có người hỏi mặt trời  to chừng nào? Lão Thoại nói mặt trời to như… lão đang cố tìm cái gì để so sánh với mặt trời  thì mấy đứa con trai bàn bên kia cười hô hố. Lão nổi xung nạt lớn: “ Tụi mi cười cái chi?”. có đứa nói, cười mặt trời rớt xuống núi Mẹ Bồng Con. Lão nói, mặt trời rơi xuống núi thì có cái chi mà cười? Rồi lão nói tiếp. Mặt trời thực to lắm, không phải kiểu như bà con mình trông thấy bấy lâu nay như ở dưới nước biển mới chui lên thấy to bằng cái mâm đồng, ở ngọn tre to bằng cái dĩa bàn, thứ kiểu dĩa vẽ hình cá gáy hóa long, ở trên ngọn cây to bằng cái chén ăn cơm. Có người nóng ruột hỏi, cứ nói đại “to lắm” cũng được. Lão không chịu, nói, nó em em cái nong đại. Thứ nong người ta đan bằng cật tre gốc dùng để nuôi lứa tầm gần chín. Thứ nong mà vợ chồng, tối lại có thể leo vô đó ôm nhau nằm ngủ thẳng cẳng được… Bọn trẻ  con không dám cười to nữa, chúng cười rúc rích, có đứa cào cấu nhau bảo yên để lão kể chuyện hoàng đường. Lão thoại nói, ví với cái nong là ví nó tròn nhưng nó không dẹp lép như cái nong, nó tròn đầy, mập mạp. Y lão muốn nói mặt trời hình cầu, nhưng lão không đủ chữ để diễn tả. Cuối cùng lão lại so sánh, nó tròn như quả bưởi. Da nó không trơn láng mà sần sùi  như quả na. Làm bằng thứ chi không biết, nhìn nó trong như quả chanh rim trong nước đường…Lão thoại mô tả mặt trời nhiều chi tiết, cụ thể, khiến những người nhà quê há miệng ra nghe. Lão nói phía sau ngọn núi Mẹ bồng con có cái hồ nước to lắm. Người ta hỏi to chừng nào, lão nheo mắt lại làm bộ tưởng tượng nói, ở trên cao ngó xuống khó mà nói, ước chừng cũng bằng bốn năm cái sân vận động. Hồ sâu lắm, nước xanh lè, xanh như cái áo con Liểu đang mặc kia kìa. Mặt trời rơi xuống hồ, nước kêu xèo xèo sôi lên bốc khói trắng  giống như lão Ba Câu thợ rèn nhúng cái lưỡi cuốc nung đỏ vào trong thùng nước. Bà con thấy buổi chiều nào sau núi Mẹ Bồng Con mây trắng cũng đùn lên, ấy là nước sôi bốc khói. Hơi nước nóng lắm, đứng trên đỉnh núi còn thấy rát mặt .

Lúc này thằng Tiểu Thạch to đầu đã được hai mươi tuổi, đã biết vào quán kêu rượu uống. Lúc đầu hắn chẳng để ý đến chuyện mặt trời của lão thoại. sau hắn nghe lão nói: “Mặt trời ở dưới chân tui” hắn giật mình hỏi :

-  Lão nói mặt trời ở dưới chân lão ?
-  Ừ!

Hắn ghi nhận cái ý ấy. Hắn nói mai tui cũng leo lên núi Mẹ Bồng Con. Lão thoại nghe hắn nói leo núi. Lão cản: “Đừng!”. Thằng tiểu Thạch nói: Lão nói đừng tui cũng đi !

oOo

Và hắn leo lên núi. Hắn chỉ đem theo cái rựa cán dài, cơm sấy với muối mè. Hắn men theo con đường phân thủy leo dần lên. Mấy ngày sau hắn đã đứng trên đỉnh đầu người mẹ. Hắn thất vọng vô cùng. Đến lúc này hắn biết  hắn là con người đầu tiên ở trong hai cái làng Ngọc Hiệp, Ngọc Sơn ven con sông Cái dưới chân núi chưa ai được trông thấy quang cảnh phía sau hòn núi Mẹ Bồng Con. Hoàn toàn chẳng như lão thoại nói, không có mặt trời rụng, không có hồ nước xanh. Sau núi là núi, núi chập chùng, núi tiếp núi và mặt trời đi ngủ ở nơi chốn mịt mù thăm thẳm có mà như không…

Trên đường xuống núi lòng hắn tràn ngập giận hờn. Hắn sẽ vào quán chị Liễu, đứng lên mặt bàn ở chính giữa quán vạch trần sự dối trá của lão Thoại. Hắn sẽ nói cho mọi người biết lão chẳng đi đâu cả. Lão là tên hèn nhác bày đặt chuyện mặt trời đốt cháy để tránh cái tội lên rừng đốt rẫy, làm cho mọi người thèm khát cõi bồng lai có thực ở bên kia núi. Hắn đi thêm một đoạn nữa, lòng dịu lại. Bây giờ hắn nghĩ khác, hay là thôi, không vạch trần sự láo toét của lão thoại. Lão nói như thế cũng chẳng hại gì. Trong cuộc đời thực buồn tẻ, nghèo nàn hy vọng này cần có một nơi để cho con người mơ mộng …

Hắn đến làng, lúc đầu hắn tính không vào quán chị Liễu, hắn sợ phải trả lời câu hỏi có mặt trời rụng sau núi không? Sau hắn thấy cần phải đến nơi đó  để củng cố thêm niềm tin cho mọi người. Và khi nghe hỏi, hắn nói: “Câu chuyện lão Thoại nói là hoàn toàn có thực “. Hôm đó lão thoại cũng có mặt trong quán. Lão nghĩ thằng nhỏ con cái nhà ai mà hư hỏng sớm thế? Mình già cả, mình phạm tội phá rừng đốt rẫy mình mới bày đặt cái chuyện nói láo, còn nó mới lớn lên, đầu óc còn trong trắng sao lại dựa vào lời nói khoác lác của người già để lừa mị thiên hạ. Lão Thoại giận lắm, phải trừng trị nó. Lão chờ nó trên đường về, chẳng nói chẳng rằng lão tống cho nó một đấm, máu mồm máu miệng nó trào ra. Thằng­ tiểu Thạch lúc đầu chẳng hiểu, sau nó hiểu ra, lẩm bẩm: “Lão này vẫn còn là người tốt”.

Hắn trở về nhà, đêm sau hắn đẩy con thuyền nan ra giữa dòng sông Cái, neo dưới chân Hòn Trứng, dùng phân người câu cá Dìa. Tới nửa đêm hắn không câu nữa. Hắn nằm ngửa trong lòng thuyền, đầu gối lên ống câu, ngước mắt nhìn trăng. Đêm khuya nước ròng đẩy con thuyền tấp vào chân đá. Hắn lấy một ngón tay tì vào hòn đá đẩy ra. Lạ quá, không phải chiếc thuyền nan nhẹ như cái lá tre này  bị đẩy ra mà chính hòn đá khổng lồ lại di chuyển. Hòn đá nặng nề trở nên nhẹ như quả bóng. Hắn dùng một ngón tay lăn hòn đá xuôi  theo dòng  sông một đoạn khá xa. Hắn nghĩ ngày mai dân hai làng Ngọc Sơn, Ngọc Hiệp thấy đá di chuyển, tưởng nửa đêm nước lũ về cuốn đá trôi. Cũng có người cãi rằng đá làm sao trôi được. Và thế là dân chúng hoang mang, sợ hãi, lại rước thầy trên chùa đến cúng. Hắn thấy từ ngày mình sinh ra trên đời  chưa làm điều gì tốt lành lợi ích cho người khác  nay lại di chuyển đá làm cho lòng người hoang mang, lo lắng. Nghĩ như thế hắn lại dùng ngón tay trỏ gí vào hòn đá  đẩy nó lại vị trí cũ. Hắn hỏi đá:

-  Hai mươi năm qua nằm một chỗ, có mỏi không ?

Đá chẳng ừ hử. Hắn nghĩ, người đời nói chẳng sai “Câm như đá”.

oOo

Sáng hôm sau hắn thức dậy rất sớm, nằm trên cái chõng tre mơ màng nghĩ ngợi về những chuyện đã qua, đầu óc hắn mang mang, không định tâm vào cái gì được cả. Hắn nhìn lên trần thấy có chú nhện nhỏ màu trắng giăng cái mạng nối từ đầu cây cột mùng qua mái lá. Con nhện chạy từ tâm ra thành mấy cái nan rồi chạy vòng tròn từ ngoài vào tâm. Nó cần mẫn đan tơ. Thằng Tiểu thạch đưa một ngón tay lên chạm khẽ vào sợi tơ. Sợi tơ nhện có chất keo  nằm vắt qua đầu ngón trỏ. Hắn đưa lại gần mắt nhìn cho rõ. Sợi tơ mỏng manh bám trên  những đường vân tay của hắn. Thằng Tiểu Thạch tự hỏi: Lẽ nào ngón tay yếu ớt này đêm qua đẩy được khối đá to như cái nhà di chuyển được sao? Nếu đó là sự việc chỉ xảy ra trong mơ tại sao bây giờ đầu ngón tay vẫn còn ê ẩm? Hắn lồm cồm bò dậy xuống bến chống thuyền ra xem. Bơi được mấy chèo hắn thả trôi con thuyền, chợt nghĩ mình cất công lên núi Mẹ Bồng Con làm gì để cho hỏng huyền thoại mặt trời rụng. Giờ đây chỉ còn lại nơi nầy để nuôi dưỡng ước mơ, đừng động chạm tới nữa. Nghĩ như thế hắn chèo thuyền trở vào, về nhà ngủ tiếp .

Quý Thể

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019