SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

Chuỗi ngọc bỏ quên:
Đọc tập Bắt Nắng của Vũ Hoàng Thư (2)

Huỳnh Kim Khanh

2.

Quê nhà, biển và Odyssey

Nhắc đến biển là nhớ tới những chuyến phiêu du. Biển là mẹ nước. Biển gắn liền với dãy đất quê hương hình chữ S. Xa quê nhớ biển. Và nhớ những chuyến hải hành. Đời hải quân lênh đênh nhiều bến. Tình hải quân luôn hướng bến quê nhà. Đã lâu lắm khôn hướng về Đông Sơn. Hoa tường vi đã mấy lần hé nụ? Mây xưa có còn bay? Trăng giờ soi xuống nhà ai?

Người xa quê đôi khi nghĩ đến cảnh cũ, người xưa. Thấy hoa đây mà nhớ hoa xưa, rồi từ đó nhớ đến người xưa giờ đà biền biệt phương trời.

Bất hướng Đông Sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự thán
Minh nguyệt lạc thùy gia

Lý Bạch – Ức Đông Sơn

Non Đông xa cách bao xuân
Cây tường vi đã bao lần nở hoa
Mây xưa hẳn vẫn bay xa?
Trăng xưa biết rụng xuống nhà ai nao?

Ngô Tất Tố dịch

Lý Bạch cũng đã từng nhớ cố hương qua mấy dòng thơ sau

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương
.
Lý Bạch –  Tĩnh dạ tứ

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Tương Như dịch

Biển và quê nhà là là hai thứ gắn liền với nhau trong vùng trời kỷ niệm. Những con tàu xa bến rồi chẳng có dịp tìm về bến cũ, cũng giống như những người đã bỏ quê hương rồi ra đi biền biệt không về. Có những lúc đang lê gót quê người, nhìn nắng gió, nhìn biển, nhìn mây ở nơi xa lạ đó, lòng khách tha hương chợt nhớ lại cảnh cũ, người xưa cũng có nắng, có gió và có mây, thế nhưng cảnh thì giống đó mà lại khác đó, vì bóng người xưa đã biền biệt phương nào. Đất nước ta dính liền với biển. Nước ta cũng có nghĩa là nước như nước biển. Vì thế người Việt chúng ta dùng chữ nước với một ý niệm rất gần gũi với quê hương.

Odysseus trong thần thoại Hy lạp cũng từng dong ruổi đó đây trong những trận chiến oai hùng và những chuyến phiêu du đây đó trên vủng trời biển bao la rồi cuối cũng cũng bị lụy vì sự mê hoặc của đám ma nữ nhân ngư Sirens.
Mộng hải hồ của Odysseus cũng tan tành ở đó.

Những người Việt lưu vong đã từng ôm mộng hải hồ cũng không khỏi thoát khỏi những niềm đau xa xứ.  Sài gòn xưa bao giờ cũng nằm trong tâm khảm của người dân xa xứ lúc nào cũng  mơ một ngày về, như con tàu mong quay về bến cũ.

Và như thế, “như chim hồng, chim hạc... dù lưu lạc mười phương, chúng ta vẫn bay mãi trên vùng trời quê hương, đuôi xòe đóa sen, lưng chở núi, lòng ôm mặt trời, đôi mắt trừng trừng nhìn hư không xanh, và đôi cánh lộng làm rơi rụng nghìn dặm cách chia...” (Quê Mẹ, Paris)


Những bước chân sương

Sương về trên lũng núi. Mù là áo của sương. Tiếng chuông vọng xa vượt ngàn trùng từ chùa trên cao băng qua biển và núi non. Hải triều âm. Hơi sương pha mùi mốc của lá khô mang thu về trong hơi thở. Sương đôi khi nhẹ đáp xuống ngọn sen, tàng lục thoa phấn như trải thảm đón mời. Trong một thoáng bất chợt, sương rơi thân xuống mặt ao về lại với nước. Hình ảnh mơ hồ đó sao quá thi vị. Thiền sư nhìn hình ảnh đó nghĩ tới thân phân người cũng mong manh như sương. Thiền sư thốt ra những lời nhẹ như sương và ni cô góm nhặt những lời thơ đó toan đóng thành tập thì thiền sư liền ngăn lại và nhắc nhở rằng phải quên đi thơ là thơ mới có thể nói chuyện thơ. Cũng như phải quên đi sương mới nói về sương. Phải phủ định để vượt qua hai đối nghịch Có và Không. Lão Tử đã từng nói ‘Đạo khả đạo vô thường đạo ‘ (Đạo mà nói và tả ra được thì không còn là cái đạo trường cữu ) cũng như Danh khả danh vô thường danh. Ngôn từ chỉ là một dụng cụ tạm bợ dùng để mô tả sự vật. Phải rời khỏi ngôn từ mới nhận ra nghĩa chánh của sự đời. Nhân đó, ni cô chợt ngộ. Ba nghìn thế giới chợt tiêu tan trong phút nhân duyên trùng phùng. Ni cô lẩm bẩm,

Có thật chăng là Thầy
Em đã gặp
Hay niềm hân hỉ
Vương vấn trong em
Vẫn là mơ?

Was it really you
I saw
Or is this joy
I still feel
Only a dream?
Teishin

Những gì ta thấy cũng chẳng khác những cơn mộng, chợt đến, chợt đi.

Sư cũng đồng ý với ni cô về điểm đó, cho nên sư trầm mặc, an ủi trong lòng :

Ở trần gian huyễn hoặc
Người lim dim mắt
Hý luận về mơ
Này ni cứ mộng
Cho tràn mộng ước dâng

In this dream world
We doze
And talked of dreams --      
Dream, dream on
As much as you wish
Ryokan

Đó là con đường sương, một đoạn đường ngắn ngủi mà sư Ryokan đã đi chung với ni cô Teishin ở cuối đời sư. Ryokan xuất gia từ tuổi nhỏ, đã từng tu học ở nhiều thiền viện nổi tếng thời bấy giờ. Những thiền viện đó đã không giữ nổi cái tâm hồn phóng khoáng của sư là vì thật ra đi tu mà vẫn phải chứng kiến cảnh những tu sĩ phải chạy chọt đút lót để được chứng nhận là mình đã “ngộ”. Chùa chiền chẳng qua cũng giống thế giới ngoài đời cũng lắm tranh chấp về quyền lợi và thế lực. Cái bản ngã to tát vẫn chưa gọt bỏ được thì làm sao có cái tự do tuyệt đối chứ? Loài người làm sao hiểu được khi thơ không là thơ mới thật là thơ? Nhà sư thi sĩ Ryokan lang thang nhiều năm ở vùng Shikoku rồi Kyoto, cuối cùng về ẩn ở núi Kugami, sống đời giản dị, ngày ngày khất thực rồi đùa giỡn dưới chân núi với đám trẻ nhỏ. Năm 70 tuổi, sư gặp ni cô Teishin 28 tuổi. Hai người trao đổi nhau những vần thơ thơ mộng nhất nhân loại cho đến khi sư tịch diệt. Một cuộc đời không sở hữu ngoài lòng tự tại và lòng biết ơn đời đã hiến dâng những gì mình đón nhận.

Di sản ta –
Sẽ là chi?
Hoa xuân thắm
Chim gáy hạ  
Va phong đỏ
Của mùa thu…

My legacy
What will it be?
Flowers in spring
The cuckoo in summer,
And the crimson maples
Of autumn…

Đường lên núi Kugami mây trắng thong dong. Sư học sự phơi phới từ mây và tánh đơn giản nơi lá . Chuyện kể một vị tướng quân cùng đoàn tùy tùng lên núi mời Sư về trụ trì ngôi chùa mới trong vùng nhưng Ryokan đang bận đi hái hoa ở xa. Vị tướng quân và tùy tùng kiên nhẫn đợi cho đến khi Sư về. Sau khi nghe lời mời, Ryokan bỏ giỏ hoa xuống, không nói một lời nào. Lẳng lặng Sư lấy bút viết một bài haiku và đưa cho vị tướng quân:

Gió góp cùng ta                               
Vừa bao lá rụng                               
Nhóm đủ bếp hồng

The winds gives me
Enough fallen leaves
To make a fire

Một lần khác, một tên trộm lẻn vào lều ăn cắp những đồ sở hữu vặt vãnh của Ryokan. Vừa lúc đi về, nhìn thấy ánh trăng chiếu qua mành cửa, Ryokan viết:

Đạo chích bỏ quên                          
Vầng trăng                            
Lửng ở bên song

Left behind by the thief -
The moon
In the window. 

Sư ẩn ở Gogo-an an tĩnh giữa rừng thông, tùng già, mây, hoa dại và lá rừng. Trong chốn ấy, người ta dễ thành thi sĩ, nhưng thi sĩ trần gian vốn ưa thích đu dây giữa triền vực của lựa chọn hiện sinh mà lựa chọn nào cũng hiu hắt đoạn trường. Marilyn hay Brigitte, gái-lạ-thiên-thu-thánh-nữ-thấp-thoáng Adrienne hoặc nghìn-thu-thuần-nhiên Sylvie phơ-phất như Bùi Giáng sống chết trong từng giây phút một đời? Đó là cuộc chơi bi thảm của chọn lựa nhị nguyên. Ryokan không thế. Mẫu đơn phơi phới đùa trước gió, Ryokan an nhiên nhìn. Vào hay không vào cuộc chơi thân thiết ?

Chúng em mẫu đơn dại                             
Đang độ mãn khai hoa                               
Khoe dáng lộng rộ ràng:                            
Quý quá sao mà hái                                   
Quý quá sao không hái                              

Wild peonies
Now at their peak
In glorious full bloom:
Too precious to pick
Too precious not to pick

Hái hay không hái không còn là một sự lựa chọn. Thơ không còn ở chữ, nghĩa, vần, điệu, mà ở sự đối đáp với ý thức để đập vỡ ý tưởng. Hoa như là hoa, mẫu đơn như là mẫu đơn, hải đường như là hải đường, không thông qua trung gian nào cả. Như vậy thơ lắng đọng thành nguyên chất mà đồng thời cũng sống sượng công phá trong tâm thức cho nàng thơ mặc áo bước ra. Câu hỏi đặt ra không để trả lời vì câu hỏi không cốt được trả lời. Đó là một công án. Công án khiến con người như đi trên đầu ngọn tre trăm đốt.

‘Tâm trạng ấy được ví như tâm trạng của người leo lên cây cao, miệng cắn vào một cành cây, hai tay buông thỏng giữa hư không, hai chơn không vịn được vào đâu hết. Tình cờ dưới gốc cây có người hỏi vọng lên : “Ý của Tổ Sư qua Tàu là gì?”. Người trên cây không trả lời thì không được mà trả lời thì rơi chết hốt xương.’ 
Huệ Khai – Vô môn quan

oOo

 

Đỉnh Kugami muôn đời sương phủ trước cũng như sau Ryokan Taigu. Giọt sương ghé qua tàng sen không ghi lại dấu, có còn chăng là những lời thơ sương. Những lời sương có thật, hay không bao giờ có thật? Có hề chi. Issa, nhà thơ cùng thời với Ryokan, không nói gì hết mà nói hết, tiếng nói vô ngôn dậy đất trời như tiếng đại hồng chung âm vang đến ngàn năm...
cõi này
là thế giới sương
đúng rồi…
nhưng…

this world
is a dewdrop world
yes...
but...
- Issa 

Tiếng nhưng… cuối cùng, sắt ngọt dao chém haiku, không thừa không thiếu, như đường kiếm bén samurai múa tung máu kẻ thù mà cũng là con truỷ thủ nhọn hoắt xuyên suốt hara-kiri. Trong im lặng vô biên, hốt nhiên lục bát Việt trở về, êm đềm như giọt tròn lăn nghiêng xuống rèm mi cong Teishin thế kỷ trước, lệ hay sương ?
trần gian                                                        
một cõi mù sương                                       
ừ thôi là vậy...

thế nhưng có là...”

                
Tháng bảy và phượng tím

Tháng bảy và cơn mơ ngập ngừng buổi sáng và những tếng hải âu kêu oang oác gọi đàn đã khiến tác giả nghĩ đến một điều tưởng đã quên. Mùa hè là mùa gợi nhớ về một vùng biển xa,

Duy Tân trải dài về Cầu Đá, Hòn Yến lấp lánh mờ ở biển khơi. Nhào xuống sóng, một ngụm mặn chát để lại vị tê ở đầu lưỡi, bỗng dưng quên hết mọi sự đời. Chân hải đảo ngoài xa lúc bấy giờ ngang tầm mắt, lồ lộ thật to. Và ta như chìm xuống, nhỏ nhắn tan loãng trong từng cơn sóng vỗ. Mát rượi chạy rần theo thớ thịt cho đến khi nắng bắt đầu háp vào da. Màu nắng trắng chói chan nở thành hoa đốm lóe trên mặt vịnh, trên hàng dừa, trên bãi cát dài. Đưa mắt bâng quơ về cuối chân trời nhìn theo bóng ai thấp thoáng. Nụ cười ẩn hiện mênh mông biển. Mắt đầy hoa không trung long lanh từng chấm sáng theo làn tóc gió.”

Với bối cảnh đó, người ta tự nhiên muốn dấn thân vào mộng ước giang hồ.

Từ khung cửa, Santa Barbara nhẹ hẫng, lửng lơ trong màn sương đục. Tiếng mưa bụi thì thầm về một câu chuyện không đâu, chuyện một ngày tháng bảy thay vì nắng ráo thì lại âm u, chuyện nắng gió thất thường cũng như chuyện đời, nó cứ lên xuống quanh ta. Mưa nhỏ không đủ ướt đường nhưng làm hơi đất bốc lên, chút ẩm và nồng trong không khí buổi sáng làm mềm tôi, dẫn tôi vật rũ vào cơn ngủ nán. Mộng mị chập chờn. Hàng cây xóm Gennevilliers, vùng ngoại ô Paris vờn bay lá tinh mơ. Nghe rất gần tiếng xe rác và những người da đen đổ thùng vang động thanh âm quen thuộc của ngày.”  

Tác giả chợt muốn vùng dậy,

 “Thèm một ly café thật đậm với sắc đen quánh của sáng Paris dợn ánh trời ẩm đục trong chiếc tách sứ trắng tinh. Mùi bơ thơm lựng quyến rũ trong từng miếng baguette giòn tan mới mua từ lò bánh mì cuối đường. Đó là những buổi sớm Paris tôi còn giữ trong đầu. Chiếc bánh croissant đầu ngày vàng óng khêu gợi không kém gì tiếng nói líu lo của cô chủ quán liếng thoắng như loài họa mi chào hót nắng lên. Từ tiệm bánh thả bộ về nhà anh T.V., bước qua quán rượu có những chiếc ghế nghiêng ngã nơi góc phố lù mù. Tối qua quán đông ắp khách, ồn ào, náo động, bây giờ chỉ còn những chiếc ghế chổng gọng như muốn phơi bày hết phía bên kia của một bề mặt. Về một đêm đã qua. Về niềm vui đi ngủ sớm, khi không một nơi nào đủ sức quyến rũ cho chân bước về. Đêm hoang và sâu nhưng đêm mãi sớm. Đêm kể chuyện, đêm mơ hồ tiếng vọng. Men rượu càng khuya càng dâng cao ngút, xoáy tròn để ta băng vụt thành ánh tinh cầu rơi. Như thế, chỉ còn lòng đêm ôm gọn và làm nhân chứng cho sao di hành. Quán rượu Paris hay bất cứ quán rượu nào ở trên trái đất này vào giấc sáng cũng mang một nỗi buồn của niềm vui tức tưởi. Tôi bật cười về mối liên hệ vốn không có gì liên hệ giữa những chiếc ghế vô tri nơi quán rượu, những vì sao rụng hằng đêm, và tôi, đứng ở một góc phố, một buổi sáng nào đó vùng ngoại ô Paris, lơ đễnh tìm một mặt trời mất biến đàng sau bầu trời xám đục. Âm ỉ trong tôi những mảnh rời mọc cánh, bay đậu đó đây của loài bướm hè. Cánh bướm nhẹ và thảnh thơi, những con bướm nhởn nhơ suốt đời không muốn bay ra khỏi hàng dậu. Hủ hủ nhiên hồ điệp dã / Tự du thích chí dư . Phấp phới thân hồ điệp / Tự mình bay thích lắm thay! Con bướm Trang Chu làm thành những cơn mộng Đông phương có bướm bay vào giấc ngủ rồi bướm bay trở ra. Bay ra bay vào cho người đi từ mộng đến mị, đến quên khuấy ngay cả chính mình, từ đó tra vấn phải chăng đời là cơn mộng lớn.

Người thi sĩ đi trong nắng tháng bảy chợt nhớ dữ dội về những hàng phượng vĩ ở quê nhà và những tiếng ve sầu râm rang ở quê nhà. Hàng phượng xanh lá giữa hè nở rộ màu hồng máu nóng của huyết quản tô điểm những lối di của tình nhân và của đám học trò.

Đầu hè, hoa Jacaranda đã nở rộ và đã uá tàn. Cây Jacaranda có lá nhỏ và hoa màu tím thơm ngát giữa trưa hè làm khách xa nhà nhớ tới những cây phượng vĩ ở quê nhà. Màu tím gợi nhớ, màu của Huế. Đáng lẽ loài phượng tím phải mọc ở Huế…Hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngắt…Hương là hương của mùa yêu đương nơi dòng sông có tên Hương. Phải chăng màu phượng tím cũng chính là màu phượng hồng chìm đắm trong vùng lá xanh mà tạo thành màu tím như ánh mắt của tình nhân? Màu tím là màu sâu kín của đợi chờ trông ngóng của một sương phụ ngồi chờ đàn con ra đi nhưng không bao giờ trở lại.  Lòng khách tha hương nhìn hàng phượng tím nơi này để tưởng nhớ đến loài phượng hồn rực rỡ ở quê nhà. Yêu phượng và cũng yêu người có tên đó cho nên không có phượng hồng thì yêu phượng tím cũng là một sự tự nhiên.

 

Chuyện tháng tư

Hương tố hinh ngậy lên từ thung lũng.Con suối ngày nào ầm ỉ sau những trận mưa cuối năm,  giờ chỉ còn những giọt róc rách cuối , cạn dòng, kiệt quệ chờ đợi những cơn mưa của mùa xuân tới. Tháng tư bao giờ cũng có những đám may hiện thực bay trên bầu trời và mây ký ức, những cụm mây hải đảo vẫn cứ bay theo chiều đếm của 30 mùa xuân. Hàng năm cứ đến tháng tư, vết thương xưa cũ tưởng đã liền mặt lại tấy đỏ lên, tác quái. Phía đông và tây của biển Thái Bình, người làm quen với những nỗi ngậm ngùi. Bên này, bên kia. ự chia cách mà con người không hề được chọn lựa. Như câu chuyện của hai người bạn trung học, lớn lên trong chiến tranh. Học cùng theo học khóa thiền, cho đến khi cả hai bước vào quân ngũ.

Thỉnh thoảng, họ có gặp nhau trong những lần về phép. Rồi chiến cuộc tàn, mỗi người lưu lạc một phương. Rồi tình cờ, họ gặp nhau bên Mỹ. Bấy giờ X mới biết gia đình Y thuộc phe vừa chiến thắng. Sau những lần trà dư tữu hậu, có vài cuộc tranh luận rồi những buổi gặp nhau thưa dần. Cho đến một hôm, gia đình Y mời X đến nhà. Cuối bữa tiệc, Y mời khách một dĩa xôi bắp nhão mà vợ Y nấu theo kiểu đặc sản miền Nam. Món ăn bình thường đó làm hắn nghĩ ngợi miên man. Rồi những tiếng rao bán bánh mì, xôi đậu và bánh trái chợt nỗi lên rõ mồn một trong đầu hắn. Giờ hắn mới thấy mất đi những thứ yêu dấu đó, kể cả quê hương.Trong vị nghọt của bắp, hắn chợt nhận ra quê hương không phả là một thứ gì trừu tượng, cao xa mà nằm ngay trước mắt, đơn giản và đậm tình trong từng dĩa xôi, hạt nếp. Ta yêu những đĩa xôi và tức khắc ta cũng yêu những người xung quanh ta huống hồ những người ấy chính là bạn ta. Xúc động, X hứa sẽ gửi tặng vợ chồng Y bài thơ. Hôm sau, X gửi Y bài thơ sau :

Dĩa xôi bắp nhão
                  Gởi Y

Tôi có người bạn tên Charlie
Thời tiểu chúng Vạn Hạnh tràn đầy mộng mị
Ước nguyện cứu độ nhiều hơn tám vạn bốn ngàn cánh sen
Và cuộc đời dưới mắt chúng tôi, “sông núi là sông núi”…
Tôi không biết gì nhiều về hắn,
Mà thật ra có quan trọng gì điều đó
Một đêm cuối nằm hai đứa nằm ở góc chùa đợi tàu
Tâm sự lai rai những thằng con trai mới lớn
Cà kê đến mãi cuối khuya
Cũng từ đó tôi biết mình có thằng bạn tên Charlie...
Mấy năm khói lửa mịt mờ xôi ngược
Hắn nơi này, tôi ở nơi kia
Gặp mặt đôi lần, café, thuốc lá la cà
Những ly bia men chưa lên vội
Rồi cuộc chiến tàn, đổi dời dâu bể
Người tứ tán, sử lịch hỗn mang
Nơi xứ lạ một ngày tôi gặp lại
Thằng bạn từ phố biển xa xưa
Tay bắt mặt mừng
Đời lắm chông gai phía trước
Và những gánh nặng còn mang trên lưng
Những con song tên Gianh, Bến Hải kiếp đời
Chảy trên quê hươn và còn âm ỉ trong lòng người
Tôi nhớ nghĩ muôn điều trong vạn hạnh
Bây giờ đã đến thời chăng, “sông núi không còn là sông núi”…?
Bẵng một dạo
Tôi không nhớ bao lâu…
Tôi tìm gặp Charlie
Chiều L.A. nắng hung ám khói
Trận cháy rừng, mặt trời đỏ ối thời hoang sử
Cuống họng khô, buồng phổi nổ bưng
Bất ngờ được mời dĩa xôi bắp nhão
Mát
Mềm
Trắng mịn
Mùi dừa bào ngát lịm quê hương
Tôi bắt gặp vị hương của bắp
Và tình người nhen nhúm
Những con sông chia cách trở thành vô nghĩa
Đời thoáng chốc và hí luận bọt bèo
Tôi hứa sẽ làm bài thơ tặng vợ chồng Charlie
Trong bất chợt, miếng xôi bắp thành dòng pháp nhũ
Thì ra tôi muốn nói với Charlie
‘Sông núi vẫn là sông núi… ‘ sau cùng

Vài bữa sau, Y trả lời bạn với bài thơ :

Gặp bạn cũ, nhớ chuyện xưa
                  Gởi X
Vâng, tao là Charlie, bạn mày
Cùng những thằng bạn khác trong tiểu chúng Vạn Hạnh
Thằng Kh, thằng Th, thằng Ph…, thằng O
Đúng là cái thời sao mà khờ dại
Cái thời làm theo, không biết nghĩ suy
Nhắm mắt tôn sung những điều ngụy tạo
Răm rắp tuân theo những lời rêu rao
Có lẽ tao biết về mày nhiều hơn là mày biết về tao
Tao đến nhà mày nhiều lần
Còn nhà tao mày chưa đến
Nhà tao, căn nhà nhỏ tối om vơớ bà mẹ nghèo lo toan tram mối
Căn nhà mà tao không muốn các bạn đến chơi
Tao thường gặp tụi mày ngoài đường, đầu ngõ
Hoặc hẹn nhau ở quán tre, hầm gió
Nhâm nhi thuốc là, cà phê
Nghêu ngao nhạc tình, nhạc trẻ
Rồi thằng nào cũng làm như có vẻ
Ta đây là…khó hiểu
Ta đây là…cao siêu

Tụi mình gặp nhau la cà, tán gẫu
Rành rẽ các tên tài tử Tây, Âu
Thuộc lòng những bài hát tiếng Tây, tiếng Mỹ
Nhưn dường như chưa một lần cạn nghĩ
Sông Gianh, sông Bến Hải – vì sao?
Dường như chưa một lần khắc khoải
Tại sao Việt Nam hình chữ S gãy hai
Có bao giờ tụi mình thắc mắc
Đất nước ta sao không chạy từ Nam ra Bắc?
Có bao giờ tụi mình ước mơ
Một ngày kia đất nước sẽ liền bờ
Dường như trong ta có quê hương mà vắng tình yêu tổ quốc.
Chúng ta lớn lên ôm theo những điều không rõ
Chúng ta lớn lên không màng cạn tỏ
Chúng ta mặc cho gió cuốn trôi
Chúng ta mặc cho đời rong ruổi
Đúng là cái thời chúng ta đi trên mây
Cái thời dửng dưng mặc sông, mặc núi
Rồi núi song, dâu biển đổi dời
Rồi phận người xuống chó, lên voi
Và những thằng bạn - thằng còn thằng mất
Có thàng ra đi, có thằng ở lại
Có thằng bên kia, có thằng bên này
Có thằng ngồi trách phận, than thân
Có thằng cứ luyến lưu, không rời dĩ vãng
Có thằng quyết tâm ôm mối thù dai dẳng
Những thằng bạn của mình
Nhiều thằng còn đi trên mây
Nhưng cũng có thằng lớn khôn theo biển dâu
Mắt nó sang ra sau cuộc đổi dời
Nó nhìn thấy rõ đâu là chân chánh
Nó nhìn thấy rõ đâu là gian manh
Nó quyết từ nay không bị đánh lừa
Nó sẽ không bao giờ trông gà hoá cuốc
Tao gặp lại mày ngỡ ngàn sau trước
Tóc bạc, mắt mờ, gối mỏi, lưng cong
Cái chuyện núi song không dám đèo bồng
( Ta tư cách gì nói chuyện núi sông )
Hãy đẻ núi sông yên phần sông núi
( Sông đã liền sông, núi đã liền núi )
Ta học được gì những ngày tháng cuối

Y

***

Sau ba mươi năm vẫn mênh mông ơi những biên giới. Con người đắp những chiến hào và thành lũy. Và con người dựng lên những ốc đảo trong tâm hồn mình.

Có ranh giới bên này bên kia, có khẩu hiệu, danh xưng này nọ. Ai cũng dành độc quyền yêu nước mà có biết đâu đó là quyền của mọi ngươì, nên chỉ tổ đi đến chỗ bị lừa và tự lừa mình.

“Ta học được gì những ngày tháng cuối?
Câu hỏi của Y đã đánh động đến tâm linh Việt. Máu đã chảy thành sông. Nước mắt đã đổ đầy ra biển đông cho những tuyên ngông và nghị quyết rỗng tuếch. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải học từ những hạt nếp, đĩa xôi bình thường, học yêu thương từ những cái rất bình thường và từ đó yêu lấy những người bình thường xung quanh mà ta quen gọi là anh em, là đồng bào, những người cùng một bào thai.”

Những giọt trăng

“Nơi tôi trọ, căn gác quay mặt về hướng tây. Khung cửa sổ mở ra những chân đồi chạy thẳng vào phía núi ở xa. Một vài hàng thông đây đó sừng sững trong những sáng sương mù. Như là Đà Lạt của tôi, mộng mị trí nhớ xa xưa của một thuở thiếu thời đến thăm cao nguyên. Buổi chiều mặt trời lặn sau núi, ráng đỏ ối, Trường Sơn lại hiện về, cao tắp và tím thẫm cho đến khi làn ranh giữa đỉnh núi và trời là một màu xanh tím huyền hoặc. Đôi khi vài gợn mây đỏ vắt ngang nhắc nhở ánh dương đang đà thoi thóp. Ngày qua và hoàng hôn nhớ nhà...

Cũng từ khung cửa sổ đó, vài khi có tiếng rung đánh thức tôi dậy giữa đêm hay nửa đêm về sáng. Lại cũng có khi tôi chợt thức không lý do. Tôi chỉ biết trong chớp mắt, một vầng trăng thật sáng và tròn đang đứng chếch bên cửa sổ nhìn tôi. Giác lai bán sàn nguyệt, tỉnh giấc đã thấy nửa giường trăng,...”

Nhắc đến trăng là nhắc đến cả một bầu trời đầy thi vị của những thi hào kim cổ, từ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha đến Bạch Cư Dị. Ở đây, VHT chỉ nhắc đến một câu thơ của Bạch Cư Dị trong bài Tảo thu độc dạ ( Đêm đầu thu ngủ một mình ) và một câu nhạc Phạm Duy: nửa đêm trăng đến, đứng chờ ngoài hiên. Trăng đứng chờ ai ngoài hiên? Hay trăng đang chờ người cũng như người đang đợi trăng? Rồi tác giả lại nghĩ đến câu Khuyết nguyệt quải ngô đồng của Tô Tử mô tả hai hình ảnh trái ngược, một vầng trăng khuyết đang độ và một cây ngô đồng đã già héo khô cằng. Ai lại đem một cô gái đang tuổi xuân thì để ghép với một lão già gần đất xa trời? Thật là oái oăm! Thế nhưng cuộc đời cứ thế mà xoay vần cũng như bốn mùa xuân hạ thu đông, có sing có trưởng rồi có sự tận diệt, tái sinh và cứ thế mà tiếp tục không ngừng nghỉ. Cũng có đêm thức giấc, tác giả tìm hoài chẳng thấy vầng trăng ở đâu mà chỉ thấy trời đêm đen cùng giải ngân hà lấp lánh. Trăng có hay không sự thật chỉ là tương đối. Có thể trăng vẫn có nhưng lại ẩn núp bên kia bầu trời, xa hẳn tàm mắt của tác giả. Trăng đa lồng trong những bối cảnh hò hẹn yêu đương trong thi ca. Thôi Oanh Oanh phải tống biệt chàng Trương ở mái tây khi trăng chếch bóng. Romeo vội vã leo tường ra về, bỏ lại nàng Juliette đang nằm rạo rực bên gối nồng. Khi Kiều chia tay Thúc Sinh ở Lâm Chuy, một vầng trăng bỗng vỡ thành hai mảnh:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!

Thật ra trăng chỉ có một mảnh trên không nhưng vừa soi được gối chiếc của người cô phụ và đồng thời rọi đường cho kẻ chinh phu cho nên thi sĩ tưởng trăng đã xẻ thành hai mảnh. Từ một thành hai. Từ có thành không. Đó là hai hình ảnh khác nhau tùy người quan sát. Do đó trong cái thế giới hữu vi, những gì mình quan sát ngỡ là thật phải chăng chỉ là hình ảnh của vô thường, tương đối?
Đêm thu, cây lá rụi tàn, giàn mướp dạo hè đã ươm ả xum xuê bây giờ cũng úa tán trong lạnh lẽo. Ong bướm đã vắng bóng, chì có một mình thi sĩ già ngồi trong thư phòng, xếp sách. Chợt ông thấy một giọt sương đọng lóng lánh ánh trăng cho nên ông đứa tay bắt “giọt trăng”

Thu lạnh mướp tàn hoa
Vườn không ong bướm qua
Song khuya ngồi xếp sách
Sương lóng giọt trăng tà
Quách Tấn ( Khuya vắng )

Câu cuối mô tả một thé giới cô đọng nhỏ nhoi mà hàm chứa bóng trang cũng như ánh trăng ngoài kia đang chiếu sang xuống đồi núi, ruộng vườn và thế giới bao la bên ngoài. Giọt trăng sương là một tiểu vũ trụ, còn vũ trụ bao la ngập trăng là đại vũ trụ. Một và và Tất Cả, Tất Cả và Một. Hạt sương thanh khiết chợt trở nên đóa Hoa Nghiêm. Sương long giọt trăng tà là hình ảnh của trăng hiện tại, ngay lúc này, không có trước/sau hôm qua/ngày nay v.v…Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Hoa đào lúc bây giờ cũng giống như hoa đào của năm xưa đang cười với gió đông. Nhìn hoa dào này mà nhớ hoa đào năm xưa cho nên hoa trở thành hai, không còn là đóa hoa hiện hữu. Chỉ khi thời gian không còn phân biệt trước sau thì không gian mới không còn xa gần và cái hiện hữu mới là cái có thật.

Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố niên hoa
Tuệ Trung ( Đốn tỉnh )

Trăng rọi tối nay; trăng tối trước
Hoa cười năm mới: hoa năm qua
Huệ Chi dịch

Hằng đêm trong mùa trăng, dù có thi sĩ nhìn hay không, trăng cũng lẳng lặng xế tà. Có đêm thi sĩ nằm mơ thất trang, khi tỉnh dậy không biết là trăng có thật hay trăng trong mơ. Nhưng điều chắc chắn là những giọt trăng thoáng rơi trong đêm đôi khi rất thực, cũng có lúc như một giấc mộng.

Xuân nguyên thể

Tháng chạp lạnh.Gió mang mây đi khuất. Trời đâm cao hẳn..Mùa trăng chót cuối năm sáng vằng vặt soi đường đầy bóng lá. Trời mùa đông nơi xứ người làm gợi nhớ mùa trăng năm xưa với hàng tre in bóng lá nhỏ vẽ vời trên áo ai…Thời gian cứ đi qua không ngừng nghỉ. Mới nói cái bây giờ chưa xong thì lập tức nó đã thành quá khứ. Do đó khi ta muốn nắm bắt thời gian thì là một động tác vô ích để cuối cùng trong tay cũng chỉ là thinh không. Chút im lặng của ngậm ngùi. Mùa xuân, mùa đầu tiên của năm. Xuân Nguyên Thể, mùa Xuân đầu tiên của mọi sang tạo, khi con người vừa bước chân vào vườn Địa Đàng. Đó là Nguyên Xuân của Bùi Giáng ở Mưa Nguồn:

Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
Bùi Giáng ( Chào Nguyên Xuân )

Ly biệt mở ra trùng ngộ. Sa đọa đã hàm ẩn ơn cứu chuộc. Giải thoát bước ra ngay từ những khổ đau của cuộc đời. Phiền não tức Bồ Đề. Cứ bôn ba kiếm tìm ở « cõi trên » chỉ là hoài vọng.Nguyên Xuân là mùa xuân khởi đầu khi tình yêu vừa chớm, khi Kim Trọng gặp Thúy Kiều lần đầu trước khi dấn thân vào đời gió bụi mười lăm năm dài dẳng. Hội ngộ rồi biệt ly cứ thế mà xảy ra như những biến cố cuộc đời vô tình để người ta cảm thấy khổ đau, mất mát. Xa quê chợt nhớ đến lũy tre làng in bóng trên những mái ngói âm dương. Vương Duy một mùa xuân xa quê, tình cờ gặp bạn từ cố hương, hỏi bạn có một câu :

Quân tự cố hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai nhật ỷ song tiền
Hàn mai trước hoa vị?
Vương Duy ( Tạp Thi )

Người từ quê cũ về
Ắt biết được tin quê?
Ngày đi qua cửa thêu
Hàn mai nở ít nhiều
(Vũ Thế Ngọc dịch )

Đêm yên tĩnh, chỉ còn tôi và bóng trăng trên đường vắng. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao, chòm Hiệp Sỹ vẫn đeo đẳng theo tôi từ năm ngoái khi tôi về trọ ở đây. Đâu đó mùi dạ lý thoang thoảng báo hiệu xuân đã rất gần hay có thể đã về ở đây. Tác giả chợt nhớ đến hai câu thơ của vị sư già khi tiễn khách :

Khách khứ tăng vô ngữ
Tùng hoa mãn địa hương
Trần Quang Triều

Khách về tăng chẳng nói
Hoa thông rụng ngát vườn 
Nguyễn Lang dịch

Khách và tăng trở thành một trong cái bát ngát của hoa thông rụng khắp vườn. Ta với vặn vật hoà nhập trong cái mênh mông không phân biệt ngoài kia…

Mọi lời nói trở nên thừa thãi và vô nghĩa

Xuân đang về quanh đây
Tác giả chợt thấy không nên nhiều lời
Thưa rằng : nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Bùi Giáng ( Chào Nguyên Xuân )           

Về Mẹ

Trong một dịp lễ Mother ‘s Day, có người bạn Mỹ hỏi tôi Việt Nam có ngày lễ Mẹ không? Tô hơi lúng túng nhưng cũng nhanh nhẩu đáp, ở Việt Nam chúng tôi, ngày nào cũng là ngày lễ Mẹ. Câu trả lời mới nghe hơi quá đáng, thế nhưng nghĩ lại tình mẹ lúc nào cũng bao dung, bất tuyệt và hầu như cho ra vô điều kiện. Con cái có báo đáp hay không, mẹ chưa hề đòi hỏi.

Lão tử, khi bàn về chữ Đạo hay dùng hình ảnh Mẹ để diễn tả. Mẹ là đấng sinh thành của vũ trụ, là nguồn sinh lực của muôn loài. Mẹ có thể vì con tần tảo hằng ngày, không biết mệt. Tục truyền từ thời thượng cổ, những bộ lạc bắt đầu từ lối sống mẫu hệ trước khi có xã hội phụ hệ.

Trong xã hội mẫu hệ, người đàn bà giữ quyền bính then chốt. Cũng như trong xã hội của loài ong, ong chúa cầm quyền sinh sát. Các ong đực khác chỉ nắm quyền phụ thuộc và luôn luôn bảo vệ phục vụ ong chúa. Đời sống càng văn minh, chế độ mẫu hệ càng bị đẫy lùi vào quá khứ quên lãng. Người đàn bà ngày càng trở nên phụ thuộc trong xã hội. Xã hội Việt Nam cũng thế. Tuy nhiên, mẹ Việt Nam chẳng hề than van. Đôi khi người đàn bà Việt Nam còn gánh vác nhiều trách vụ quan trọng ngay cả việc chống quân xâm lược như Bà Trưng, Bà Triệu đã từng noi gương sáng chói. Lịch sử Việt Nam ta trải qua bao năm dài chinh chiến. Có biết bao người mẹ Việt nam đã từng âm thầm hy sinh cho những đứa con đi chiến đấu, nhiều đứa chết gục trên khắp chiến trường, chết nhiều đến đổi có người kêu than là sẽ đẻ không kịp để thay đám trẻ đã bỏ mình.

Quê hương mình đường Bắc Nam thăm thẳm
Từng đoàn quân chen chút tới tha ma

(Minh Đức Hoài Trinh)

Chết nhiều quá, đẻ không kịp. Lời than mới nghe tuy có phần bi thảm vừa mang tích cách chua cay khó tả của những bà mẹ đã lỡ sinh ra đám con ngổ nghịch chơi trò sát hại nhau mà không ai ngăn cản nỗi. Các bà chỉ biết cam chịu phần hẩm hiu cô độc và tiếp tục làm những gì mình có thể làm để tiếp tế nguồn lực chiến tranh.

“Lần đầu tiên nhận được  thư của ba tôi từ Việt Nam sau mấy năm im lặng, tôi hối hả đọc vội, buồn bã vì đời sống khó khăn của gia đình bên ấy. Tôi cố ý tìm thư của mẹ nhưng không thấy, bất giác một mảnh giấy nhỏ xé ra từ một bì thư cũ rơi xuống. Tôi nhặt lên thấy ở trên đó vỏn vẹn vài chữ nguệch ngoạc của mẹ tôi: “Má nhớ con lắm”. Tôi đã khóc òa như một đứa trẻ chỉ vì mấy chữ như vậy. Giây phút đó tôi thấy Mẹ thật lớn và bao la như không có gì trên đời này có thể so sánh được. Ngày mẹ mất, xa xôi không về được, tôi chỉ biết tìm lấy manh giấy cũ ôm vào lòng mà khóc thầm. Thì ra con người không cần biết ở tuổi tác nào, ta cũng có thể gục vào hình ảnh Mẹ mà khóc như trẻ thơ...”

Trung Quốc mùa thu

Quan thư thư cưu
Tài hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu

Chim thư cưu hót họa
Tại cồn bên song
Người thục nữ yểu điệu
Đẹp đôi cùng quân tử         

Kinh Thi bắt đầu như thế. Tôi mạo muội thay đổi chút câu dịch thơ thứ ba cho sát với nguyên văn. Như vậy Kinh Thi bắt đầu bằng sự mô tả tư cách của người quân tử và của thục nữ và không hề nói chi đến chuyện cao xa sơn hà, xã tắc. VHT cùng phu nhân lấy tour Trung Quốc Mùa Thu để có dịp thăm Mây Nước Tiêu Tương của xứ ông Khổng và lần lượt viếng thăm tám thành phố từ Bắc qua Tây rồi xuôi Nam, Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu, Nam Kinh, Trường An, Quế Lâm, Quảng Châu và Hương Cảng. Du lịch Trung Quốc, đi qua những địa danh lịch sử để so sánh những gì đã được mô tả trong lịch sử để so sánh với tình cảnh hiện tại, để nghĩ đến liên hệ lịch sử với Việt Nam đã từng chống ngoại xâm từ phương Bắc…Và để nghĩ đến những cuộc cách mạng thế giới 1789 ở Pháp, 1910 ở ngay đất Trung Hoa so với nhiều triều đại phong kiến ngày xưa.Thăm Tây An, nhớ đến Hoa Thanh Cung của Đường Minh Hoàng và người đẹp Dương Quí Phi thời ấy với những trang phục khá tiến bộ, cũng những mảnh vải mỏng manh phô trương từng đường nét gợi cảm trên cơ thể đàn bà, thảo nào Đường Minh Hoàng phải mê mệt, cuối cùng cũng không giữ được Quí Phi.

Phù du chi vũ
Y thường sở sở

Cánh phù du sớm sinh tối mất
Như áo quần màu sắc sáng tươi

Trước khi rời Trường An, chúng tôi ghé Tháp Đại Nhạn, tàng kinh các nơi giữ kinh Phật đời Đường do Tam tạng Pháp Sư thỉnh từ Ấn Độ mang về.Cũng nhờ tài dịch uyên bác trác tuyệt của Huyền Trang mà Phật Giáo Đại Thừa có cơ phát triển.

Tác giả nhắc đến đêm dạ yến đáng nghi nhớ ở Bắc Hải, Bắc Kinh với phần trình tấu nhạc của ba tiểu thư họ Tống, Bành và Trịnh từ nhạc viện Bắc Kinh biểu diễn khiến người thưởng thức không thể không nghĩ tới cảnh tượng tương tự trong Kiều :

Đại huyền tào tào như cấp vũ
Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ

Dây to nhường đổ mưa rào
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng

Hoặc giả:

Ngân bình sạ phá thủy tương bính
Thiết kỵ đột xuất đao thương binh

Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước
Ngựa sắt giong hét ngược tiếng đao

Khúc đâu đầm ấm hương hòa
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh

Có lẽ Hàng Châu là nơi để lại cho tác giả nhiều ấn tượng sâu xa nhất. Làm ông nhớ tới ‘Trong mắt em mùa thu về đây’ của Phạm Mạnh Cương và cũng gợi nhớ đế Tô Đông Pha khi bị biếm đã chọn Hàng Châu là quê hương thứ hai.

Ký thủ Tây Hồ tây bạn
Chính mộ sơn hảo xứ
Không thúy yên phi

Tây Hồ nhớ kỹ bờ Tây
Chính nơi đây núi chiều rất đẹp 
Trời trong xanh vướng vít khói sương

Tô Đông Pha cho Tây Hồ đẹp như Tây Thi. Tục truyền Tây Hồ là gương soi mặt của tiên trên thượng giới, rơi xuống trần gian làm thành Tây hồ.

Thủy quang liễm diễm tình phương thảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bả Tây Hồ tỉ Tây Tử
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi

Trời tạnh long lanh hồ đã đẹp
Mưa phùn mịt mịt núi càng xinh
Tây Hồ đâu khác nàng Tây Tử
Trang điểm cùng không nét vẫn tình

Hàng Châu tuy mới sơ giao mà tình đã nặng…

32 năm nhìn lại

hương xưa mộng vẫn xoay vần
nhớ người ta đợi tần ngân cõi xa

Trên kia đỉnh Yên Tử, trời xanh, mây trắng. Rồi mây đen từ đâu kéo đến như vẽ Phật vẽ ma. Như trong mấy câu haiky của Issa:

Khi làm ngạ quỉ
Lúc hóa Phật Đà
Những chòm mây hạ

Becoming demons
Becoming Bhuddas…
The midsummer clouds

Tác giả leo lên bảo tháp Hoa Yên thắp nén hương.
Đỉnh Yên Tử mờ trong màu trắng. Mây xà xuống rừng tùng rồi bay vụt đi

Yên Tử trắng mây ngàn
Phau phau cô đỉnh lặng

Người, những chuyến đò ngang
Yên Tử trắng mây ngàn

Rồi tác giả trở về Nha Trang, thành phố biển để khám phá ra những đổi thay đã làm mất đi vẻ thơ mông ngày xưa. Đường phố trở nên sầm uất hơn, những tên đường đã đổi thay…Nhưng những đổi thay hào nhoáng bên ngoài không che đậy hết những nghèo đói của dân miền Nam, Trung, Bắc sau trên ba mươi năm ngu muội, thua kém mọi nước láng giềng. Buồn thay!

3. Kết

Viết xong phần hai mới chợt nhận ra rằng không tính trước mà hai phần, mỗi phần đều có chín bài tản văn viết về đủ đề mục từ văn chương, thiền tông, haiku v.v…Sự trùng hợp tình cờ đó cũng có thể nói lên cái cảm tưởng chung của người viết khi đọc tập Bắt Nắng. Cái hay của những bài tản mạn rải đều khắp quyển văn nhỏ bé, cô đọng chỉ vỏn vẹn 156 trang. Cái khó của người viết là phải cân nhắc giữa sự trích dẩn nguyên văn và dùng văn riêng của mình để kể lại nội dung từng bài viết. Vì văn tự nó đã cô đọng rồi. Lại phải viết tóm lượt về nội dung thì càng khó hơn. Thấp thoáng đâu đó trong loạt bài này, có lần tôi đã nói đến cảm tưởng của một người đã từng làm thơ và viết văn, đọc tập Bắt Nắng thì có lẽ sẽ dễ cảm thông hơn. Nói như thế không có nghĩa tập tản văn này chỉ dành cho các thi văn sĩ. Nói như thế chỉ để nhấn mạnh rằng, nếu bạn đã từng làm thơ hay viết văn thì khi đọc tập Bắt nắng, bạn sẽ dễ cảm nhận những nét đẹp rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của lối viết văn Vũ Hoàng Thư. Bài Về Mẹ gần cuối tập, tôi đã đọc đi đọc lại ba lần mà lần nào cũng xúc động như nhau, không kém mãnh liệt như lần đầu mới đọc qua. Có những đề tài mà khi đọc xong mới thấy rằng đấy cũng là những đề tài mình từng suy nghĩ trong đầu nhiều năm mà không thố lộ ra với ai. Chỉ khi đọc đến mình mới nhận ra là đây rồi, đây cũng là một trong những nỗi ưu tư thầm kín mà mình ít thố lộ cùng ai. Câu chuyện trao đổi về thơ giữa một thiền sư già và một ni cô hay tín nữ trẻ khiến ta tự hỏi hai người có phạm giới luật gì không hay đây cũng chỉ là một sự thố lộ tự nhiên của tình người và nó đã vượt lên trên tất cả những giáo điều hạn hẹp thời bấy giờ. Một đoá hoa đẹp, mình chỉ nhìn và đón nhận tất cả nét đẹp tự nhiên của nó thì đó chính là trực giác tự nhiên của người nhìn hoa mà không hề có một sự ham muốn hay chiếm hữu. Cái đẹp của hoa hiện hữu ngay lúc ấy, không trước không sau, không thời gian.  Mọi lời giải thích sẽ trở nên thừa thải, vô ích. Cứ thế, những bài tản văn trong tập Bắt Nắng nằm rải rác từ đầu đến cuối. Người đọc có thể đọc theo bất kỳ một thứ tự nào mà vẫn cảm thấy cái hay của từng bài viết ngắn gọn, súc tích. Dù muốn viết nhiều hơn cũng chỉ có thể mô tả từng đó những cảm nghĩ ngắn gọn nhưng thật.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019