SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

Cô bạn thân người "Việt mình"

Nguyễn Khôi Việt

Chỗ tôi ở không có người Việt. Nghĩ vậy, vì từ hồi về nhà mới từ năm 99 không gặp ai. Nhưng sau khi ở đây vài năm, lúc đang cắt cỏ trước nhà, thấy cô đậu xe lại, hỏi tôi: ê, anh chị người Việt hả. Chúng tôi trả lời, và qua giọng nói, biết cô người Chợ lớn.

Chúng tôi thành bạn thân sau đó. Cô tên Lina, tôi cũng chưa hỏi tên Việt Nam của cô là gì, chồng tên Sang. Vượt biên bán chính thức năm 81 tới Mỹ năm 83. Như bao nhiêu gia đình Hoa kiều ở Chợ Lớn, dòng họ và gia đình cô hầu hết đều tán gia bại sản sau 75. Ông bà già tui mất bao nhiêu nhà cửa cúng cho chúng nó mà cũng không yên. Cô nói vậy. Tôi không hỏi thêm vì đã biết những đau khổ mà người Cộng Sản đã gây ra cho những người Hoa kiều ở miền Nam.

Lina và Sang đều thật thà, dễ mến như những người Tàu Chợ Lớn xưa chúng ta đã biết. Cha mẹ họ dân Đài Loan, qua Việt Nam ở Chợ Lớn trước 54, Lina sinh năm 65, nói tiếng Việt khá rành, tuy rằng khi nói về cha mẹ hoặc anh chị, cô thường gọi họ là "nó" hoặc "chúng nó". Trong nhà thấy Lina vẫn nói tiếng Tàu với hai đứa con trai. Còn khi nói chuyện với tôi, họ vẫn hay dùng chữ "người Việt mình" khi nói chuyện, nghe thật là cảm động. Tôi nghĩ họ gắn bó với đất nước mình, hơn nhiều người tôi gặp ở trong chợ Việt Nam, thay vì nói tiếng Việt với con cái hoặc người quen thì họ lại nói chuyện oang oang với nhau bằng một thứ tiếng Anh lọng cọng, nhát gừng, sai văn phạm mà đôi khi phải ngẫm nghĩ mãi mới hiểu họ nói gì. Những loại người này bây giờ gặp rất nhiều nơi trong quán hàng Việt Nam, chỉ cần nhìn và nghe tiếng là biết họ thuộc miền nào trong nước rồi.

Cả hai vợ chồng Lina họ đều nói tiếng Anh lưu loát, nhưng họ chỉ nói lúc cần thiết, không bao giờ họ nói chuyện bằng tiếng Anh với tôi. Mình là người Việt, phải nói tiếng Việt với nhau, không thì quên hết làm sao. Cô nói.

Lina trước kia có một nhà hàng bán Chinese food, nhưng bán full service, không phải bán buffet như những nhà hàng Tàu khác. Mỗi lần ghé thăm ở đó là bắt ăn uống linh đình, và mang đồ togo về.

Mới đây Lina cho một hộp togo tray đầy xôi Gấc, và rất nhiều đồ ăn khác nữa, than phiền Lina cho nhiều quá làm sao ăn hết, cô nói "thằng" Sang nó nấu cúng ông bà lúc nào cũng nhiều vậy đó. Phải mang đi cho, không thì cũng vứt thùng rác thôi". Tánh tình hiền hậu, thật thà đó tôi thấy cũng là nét đặc biệt của đa số người Hoa Chợ Lớn ngày xưa. Giờ mới nhớ hồi nhỏ tôi có rất nhiều bạn thân người Hoa.

Mấy năm nay những nhà hàng Tàu trong thị trấn ế khách dần, có lẽ khuynh hướng ăn uống người Mỹ bây giờ đã đổi khác. Họ thích ăn đồ ăn lành mạnh, ít bơ sữa hơn. Bây giờ nhà hàng Việt, luôn có phở đi kèm, đông nghẹt khách Mỹ suốt ngày. Vào giờ ăn trưa bạn đồng nghiệp của tôi hay rủ đi ăn phở, hoặc cơm bì sườn chả, cơm sườn tôm nướng là món yêu thích của họ. Cuối tuần họ còn dặn tôi nếu đi qua làng Việt Nam thì mua dùm "Vietnamese sandwiches", cho thấy bánh mì thịt nguội paté, giò, chả, nem nướng của Việt Nam được người Mỹ ưa chuộng như thế nào. Trong tiệm bakery của bạn tôi làm chủ bên làng Việt Nam thường xuyên là khách Mỹ, cuối tuần đông nghẹt, và nhìn thấy họ mua một lúc 10, 20 ổ bánh mì thịt thập cẩm, tôi gặp nhiều bà mua một lúc mấy chục ổ bánh mì không là thường. Hỏi sao mua nhiều dữ vậy? Họ trả lời cuối tuần con cháu về chơi, chúng nó thích Vietnamese bread lắm. Có một bà già thường xuyên gặp mua một bao 50 ổ bánh mì không mỗi sáng Chủ nhật, bà nói gia đình bà, ông chồng và đứa con giờ chỉ ăn bánh mì Việt Nam mà thôi.

Hồi xưa người Mỹ vào nhà hàng Việt Nam rón ra rón rén như gái mới về nhà chồng, giờ đi vào ồn ào ăn to nói lớn, thiếu điều muốn hất mình văng ra khỏi cửa luôn. Bây giờ người Mỹ rất quen thuộc và thông thạo các món ăn Việt Nam, hai vợ chồng bạn của tôi vào nhà hàng Việt Nam còn rành món ăn ngon hơn tôi nhiều, cầm đũa xoay trở gắp hai đầu nhanh như ảo thuật. Cuối tuần đến nhà chơi là gọi điện thoại trước, hỏi tôi có nấu phở, mì hoành thánh, hoặc gỏi cuốn không? Nếu làm gỏi cuốn đừng quên làm peanut sauce (gồm tương đỏ, tương đen và peanut butter). Tôi nói với họ, tao chỉ ăn với tương đỏ đen và đậu phụng giã dập thôi. Không biết họ học cách ăn tương có peanut butter ở đâu?

Nhà hàng của Lina thưa khách quá nên đành phải đóng cửa. Lina than thở, chắc tại người Mỹ không phân biệt được người Trung cộng với người Việt Nam. Có thể người Mỹ bắt đầu có cái nhìn ác cảm với Trung Cộng, và ghét luôn đồ ăn Tàu chăng?

Một lần nói chuyện với cô, hỏi sao thằng lớn của Lina sao chưa lấy vợ; cô trả lời, nó mới gần 30; tụi trẻ bên này hình như không nghĩ tới chuyện vợ con, chỗ mình ở lại không có người "Việt mình" nên kiếm vợ cho tụi nó sao khó quá.

Tội nghiệp và thương cô bạn tôi. Chất Việt Nam đã thấm vào trong máu, nên cô chỉ nghĩ mình là người Việt Nam.

Nguyễn Khôi Việt

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019