SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Văn Nghệ Biển Khơi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc hai tập thơ RằmDặm Thơ của nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái do nhà xuất bản Quê Mẹ, Paris ấn hành đầu năm 2019.

Rằm

1

 

Ghi chú về Thơ 14 chữ

Thơ ngắn trong thế giói là những hài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trung quốc, 28 chữ. Ngắn hơn nữa là ngũ ngôn tứ tuyệt 20 chữ. Ngắn nhất và được công nhận cho tới nay, là thể Haiku ở Nhật: 17 chữ.

Ít ai ngờ rằng thể thơ ngắn hơn nữa, là thơ Việt Nam 14 chữ, thơ lục bát. Kho tàng ca dao, với những người làm thơ vô danh nơi thôn dã, khi bắt chợt tứ thơ, ghi chụp hình ảnh, gợi mở suy tưởng, họ thể hiện ngắn gọn, sinh động và tràn đầy qua dòng thơ lục bát 14 chữ mà thôi.

Con người bước vào cuộc nhân sinh bằng một hơi thở chứa ngầm thi tính. Mỗi ngày chúng ta thở 21.000 lần. Nhưng lần thứ nhất, lần đầu khi sinh ra, hơi thở đầu dẫn dắt sự sống ra đi. Mỗi hơi thở là một câu lục bát. Những câu ca dao hay nhất, hàm ý nhất, hay những câu Kiều còn lại nơi trí nhớ gợi nhắc trong ta, bao giờ cũng chỉ hai câu 14 chữ. Phải vậy chăng?

Trừ khi cần kể chuyện, cần trình bày một tình tự, một ước mơ hay phê phán, người làm thơ mới vượt ra ngoài sự sống — là hơi thở — kéo dài thành nhiều hơi thở liên tục kể chuyện đời, chuyện nước non, tình tự, như một trường ca. Truyện Kiều là chứng cớ phát triển thiên tài ấy.

Trong cái giống có cái khác. Thơ 14 chữ bộc lộ sự sống, cách sống, thế sống. Nhuần trọn một hơi thở. Ở đó biên cương sinh tử được khép kín.

Khi 14 chữ ấy dùng vần chuyền dây thành một đoạn nhiều câu thơ, hay truyện thơ, thơ trở thành kể lể, nói năng. Sự thế hiện đổi ra cuộc trình bày. So sánh trên, không đánh giá cái nào hay hay dở, mà phân tích hai thế đứng của thơ.

Vào các thời đại an bình, lúc lòng người tự tại, tinh thần minh mẫn sảng khoái, thơ thường ngắn và cô đúc. Tình nồng nhưng đã nén, không cho nổ trên câu, mà để mỗi chữ gọi kêu giữa lòng người đọc. Khí mạnh đã được dằn, không ồn náo trên lời viết, vẫn khiến người đọc thấy lòng hồn nhiên phơi phới. Đó là chất vàng ròng trong thơ. Hai chiều sâu và rộng đứng xuống thơ, như đôi chân chim mảnh mai viết xuống cát phẳng những tín hiệu giải tích hư vô.

Gặp thời loạn ly, thơ thường dài và nhiều. Con người cần bộc lộ những cay đắng, tủi hờn. Họ biện minh. Họ chinh phục. Người làm thơ rời xa con tim ưu ái, xuống hạ lưu biến động của mười ngón tay. Viên than hồng vô ngôn tro bạt thành đống chữ lạnh lùng.

Xem thơ biết người. Nhìn người hiểu thời đại. Sự tác dụng qua lại ảnh hưởng nhau mà thay đổi, chuyển hóa. Cõi loạn tưởng và nỗi điêu linh kia, biết đâu không nhờ chất trầm tĩnh, minh khiết và phiêu nhiên của các nhà thơ mà thanh hóa, để sửa dọn cõi nhân sinh ?

Sao ta không tìm về nguồn lục bát 14 chữ khơi dòng? Gạn bớt những ồn động, để đáy lòng thức dậy tiếng nguyên đầu. Mỗi hơi thở tự nó chưa nói hết khúc nôi của đời và thế giới, như một bài thơ dài. Song lạ thay, dường như hơi thở đó ngang nhiên hà động suốt tử sinh. Như ánh đèn nhỏ, bước đi từng bước nơi vũ trụ không mặt trời. Ánh sáng chẳng là ngọn đèn pha nghìn lực chọc thủng màn đêm. Nhưng không gian đều được thắp sáng theo từng bước tràn suốt dãy hư vô tịch mịch.

Đó là ý nghĩ thời tôi sáng tác tập thơ "Rằm" năm 1973 ở Andalusia bên Tây Ban Nha. Nay đọc lại và chọn ra 108 bài trong số 203 bài đã viết để phát hành.

Xóm Linh Mai, ngoại ô Paris
Tết Đinh Dậu, 2017
Thi Vũ

 

Vũ Hoàng Thư đọc tập thơ Rằm trong BK 82:
 
chữ khơi, lời mở 
nguyên rằm,
ba nghìn thế giới
tơ tằm 
nguyệt gieo…

 

Dặm Thơ

2

 

3

 

Phạm Công Thiện
ĐỀ TỰA

Thi sĩ là người không nói, những buổi mai lúc sương đông chưa vờn qua thung lũng, thi sĩ đã thức và gọi chim trên núi.

Les Matinaux, không thể dịch chữ này ra ngôn ngữ Việt được, René Char thuộc về lớp thi sĩ, loại « matinaux », danh từ mà chính René Char đã gọi người thơ.

Thi Vũ nói cùng một tiếng nói với René Char, tiếng thơ cầu kỳ mà không phá huỷ tinh tuý của thi ca, những tiếng xưa, mới, cũ, xa lạ, những âm thanh đổ rót vào nhau, vừa bí hiểm vừa hiền lành, vừa uỷ mị vừa mạnh bạo, chới với trên nấc thang lơ lững của những buổi sớm thật sớm, những buổi tinh thơ, những buổi sớm thi sĩ, les matinaux.

Mùa thu là mùa rêu, mùa rêu là mùa đông, mùa đông nuôi dưỡng mùa xuân. Thi Vũ và René Char cùng nhau đứng trên đồi cao, báo hiệu cho những buổi tinh mơ thi nhân, les matinaux, và triêu dương chuyển động.

Phạm Công Thiện
Paris, ngày 22 tháng 10 năm 1966


Mua sách trên Trang nhà Quê Mẹ :
Website : http://www.queme.net

Địa chỉ liên lạc :
48 rue Parmentier
94450 Limeil Brévannes (France)
Tel. (33.1) 45 98 30 85 - Email : queme@free.fr

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019