SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 22

THÁNG GIÊNG 1989

Một ngày lạnh lẽo tháng giêng năm 1989, ba tháng trước khi nó 11 tuổi, Laila cùng với ba má và nhỏ Hasina đi xem một trong những đoàn xe Liên Xô cuối cùng đang rời thành phố. Khán giả đứng cả hai bên con đường chính bên ngoài câu lạc bộ quân sự gần Wazir Akbar Khan. Họ đứng trong bùn tuyết và theo dõi hàng dài những xe tăng, xe hàng bọc thép và xe jeep, trong khi tuyết đang nhẹ rơi trước ánh đèn pha của đoàn xe đang qua. Có nhiều tiếng la phản đối và nhiều lời nhạo báng. Lính A Phú Hãn không cho đám người tràn ra đường. Lâu lâu họ phải bắn cảnh cáo.

Má Laila giơ cao khỏi đầu một bức hình của anh Ahmad và anh Noor. Ðó là hình hai anh ngồi đâu lưng nhau dưới gốc cây lê. Có những người khác cũng giống bà, những người đàn bà giơ cao hình chồng, con, anh em của họ đã chết.

Có người gõ nhẹ lên vai Laila và Hasina. Chính là Tariq.

“Mày lấy đâu ra cái đó vậy?” Hasina kêu lên.

“Tao nghĩ phải ăn mặc cho thích hợp chứ.” Tariq nói. Nó đội một cái nón Liên Xô khổng lồ bằng lông thú với đầy đủ hai miếng che tai nó kéo rủ xuống. “Thấy được hông?”

“Dị hợm quá,” Laila cười to.

“Cố ý mà.”

“Mày ăn mặc như vầy mà ba má mày ra đây với mày hả?”

“Ba má tao ở nhà.” Tariq nói.

Mùa thu năm ngoái, người chú của Tariq ở Ghazni qua đời vì một cơn đau tim, và sau đó mấy tuần  chính cha của Tariq cũng đã bị một cơn đau tim khiến ông trở nên yếu và mệt, bị những cơn suy tinh thần và trầm cảm ập đến, mỗi lần như thế cả mấy tuần liền. Laila mừng khi thấy Tariq như thế này, khi thấy Tariaq đã trở lại vui như xưa. Cả nhiều tuần sau khi ba nó ngã bệnh, Laila chỉ thấy Tariq rầu rĩ đi quanh, mặt mày nặng nề, ủ rũ.

Ba đứa lẻn ra xa trong lúc ba má của Laila đứng coi đoàn xe Liên Xô. Tariq mua của một người bán dạo cho mỗi đứa một dĩa đậu luộc trên có tương chua ngọt với ngò. Tụi nó đứng ăn dưới miếng bạt của một tiệm thảm đóng cửa, rồi sau đó Hasina đi tìm gia đình nó.

Trên chuyến xe buýt về nhà, Tariq và Laila ngồi phiá sau ba má Laila. Má Laila ngồi sát cửa sổ, mắt nhìn trừng ra ngoài, tay ôm chặt tấm hình vô ngực. Bên cạnh, ba nó bình thản lắng nghe một người đàn ông đang lập luận rằng quân Liên Xô kéo đi nhưng chúng sẽ gởi vũ khí cho Najibullah ờ Kabul.

“Ông ta là con rối của chúng. Chúng sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh qua ông ta, tôi dám cá đó.”

Có người nào ngồi hàng ghế bên kia lên tiếng đồng ý.

Má lầm bầm những kinh cầu nguyện dài thòng mãi cho tới má đứt hơi, phải cố lắm mới phát ra hết những chữ cuối trong tiếng rít nhỏ chát tai.

Cuối ngày hôm đó, hai đứa nó, Laila và Tariq đi đến rạp hát và xem một phim Liên Xô với tên tiếng Ba Tư thật buồn cười. Có chiếc tàu buôn và người thuyền phó yêu con gái của vị thuyền trưởng. Cô ta tên Alyona. Rồi một cơn bão dữ dội kéo tới, sét, mưa, biển động tung con tàu lên xuống. Một người trong đám thủy thủ điên cuồng sợ hãi gào lên điều gì đó. Một giọng nói bình tĩnh đến phi lý dịch ra tiếng A Phú Hãn: “Thưa ông, ông có thể vui lòng chuyền sợi dây thừng cho tôi?”

Nghe tới đây, Tariq bật ra tiếng cười nhẹ. Rồi ngay sau đó, cả hai đứa không ngăn được một trận cười to. Cứ mỗi lần đứa này mệt sắp nín được, thì đứa kia lại phì hơi, và thế là hai đứa lại cười tiếp. Một người đàn ông cách hai hàng ghế phía trên quay lại, xịt tụi nó. 

Gần cuối phim, có một cảnh đám cưới. Vị thuyền trưởng đã mủi lòng và đồng ý cho con gái lấy chàng thuyền phó. Cặp vợ chồng mới cưới đang nhìn nhau mỉm cười. Mọi người đang uống rượu vodka.

“Tao sẽ không bao giờ lấy ai,” Tariq thì thầm.

“Tao cũng vậy,” Laila nói, sau một lúc bồn chồn do dự. Nó lo ngại giọng nói của mình đã để lộ sự thất vọng trước lời Tariq nói. Tim đập thình thịch, nó tiếp lời, lần này mạnh dạn hơn, “Không bao giờ.”

“Ðám cưới là ngu ngốc.”

“Toàn là phiền toái”

“Toàn là tốn kém.”

“Cho cái gì?”

“Cho quần áo mình sẽ không bao giờ mặc lại.”

“Ừ!”

“Nếu tao phải làm đám cưới,” Tariq nói, “thì phải có chỗ trên sân khấu cho ba người. Tao, cô dâu, và một tên cầm súng chĩa vô đầu tao.”

Người đàn ông ngồi hang ghế đầu lại cho hai đứa một cái nhìn khiển trách.

Trên màn ảnh, Alyona và người chồng mới cưới gắn chặt môi nhau. Nhìn họ hôn nhau, bất chợt Laila cảm thấy một sự thật lạ lùng. Nó cảm thấy thật rõ trái tim nó đang đập thình thịch, tai nó lùng bùng, Tariq ngồi bên cạnh nó cũng cứng người lại và trở nên im lặng. Nụ hôn kéo dài. Bỗng nhiên nó thấy nó cần phải ngồi thật im và không được động đậy. Nó có cảm giác Tariq đang quan sát nó - một mắt nhìn người ta hôn nhau, còn mắt kia nhìn nó - cũng như nó đang quan sát anh ta vậy. Có phải anh chàng đang lắng nghe tiếng thở dồn dập của nó hay không, nó tự hỏi, hay đang chờ đợi một chút do dự, một sự bất thường sẽ tố cáo những ý tưởng của nó.

Và cảm giác sẽ như thế nào nếu nó hôn Tariq, nếu những sợi râu mờ mờ trên vành môi trên của anh chàng sẽ làm nhột môi nó?

Rồi Tariq nhúc nhích một cách không thoải mái trên ghế. Bằng một giọng căng thẳng, Tariq nói, “Mày có biết nếu mày hỉ mũi ở Si-bê-ri thì sẽ đong lại thành nước đá xanh lè trước khi chạm tới đất không?”

Cả hai đứa đều cười to, nhưng lần này tiếng cười ngắn và căng thẳng.

Và khi phim chấm dứt hai đứa ra khỏi rạp hát, Laila nhẹ nhõm người khi thấy màn đêm đã buông xuống, nó sẽ không bắt gặp đôi mắt của Tariq nhìn nó trong ánh sáng chói chang ban ngày.

Chương 23

THÁNG TƯ NĂM 1992

Ba năm trôi qua. Trong thời gian đó, cha của Tariq đã bị một loạt những cơn đột quỵ, để lại cho ông bàn tay trái vụng về và giọng nói hơi đớ. Khi ông bị kích động, điều này xảy ra thường xuyên, giọng càng đớ tệ hại.

Tariq lớn thêm, cái chân giả không còn vừa, và được Hội Hồng Thập Tự phát cho một cái chân mới, sau sáu tháng chờ đợi.

Ðúng như nhỏ Hasina lo sợ, gia đình đã đưa nó đi Lahore để gả cho người anh họ có tiệm sửa xe hơi. Buổi sáng họ đưa nó đi, Laila và Giti đến nhà nó để từ giã. Hasina kể anh họ nọ, cũng là chồng sắp cưới của nó, đã tiến hành thủ tục để di dân qua nước Ðức, nơi mấy người anh của y đang sống. Chỉ trong vòng năm nay, Hasina nghĩ, vợ chồng nó sẽ đến Ðức. Thế là ba đứa ôm nhau khóc. Nhỏ Giti buồn thê thảm. Lần cuối cùng Laila nhìn thấy Hasina là lúc Hasina được ba nó cho lên ngồi ở ghế sau của chiếc taxi chật ních.

Liên Bang Xô Viết tan rã một cách nhanh chóng không ngờ. Hình như Laila thấy cứ vài tuần, ba nó lại mang về tin tức một nước cộng hòa vừa mới tuyên bố độc lập. Lithuanie. Estland. Oekraine. Lá cờ của Liên Xô ở điện Cẩm Linh đã được hạ xuống. Nước Cộng Hòa Nga đã ra đời.

Tại thành phố Kabul, tổng thống Najibullah thay đổi chiến thuật và cố gắng tạo ra cho mình hình ảnh của   một người Hồi Giáo mộ đạo. “Quá yếu và quá trễ,” ba nó bảo. “Không thể nào ngày hôm trước là xếp sòng mật vụ, rồi ngày hôm sau đến giáo đường Hồi cầu nguyện cùng với thân nhân của những người đã bị mình tra tấn và giết chết.” Najibullah cảm thấy sợi giây thòng lọng xiết lại quanh thành phố Kabul nên cố gắng đi đến thỏa thuận với phe kháng chiến Hồi Giáo, nhưng bị họ từ chối.

Nằm trên giường, má nó nói, “Hay lắm.” Bà tiếp tục thức đêm để chờ kháng chiến quân Hồi Giáo về diễn hành. Chờ đợi ngày kẻ thù của con trai bà sẽ sụp đổ.

Và cuối cùng, ngày ấy đã đến. Vào tháng Tư năm 1992, năm Laila tròn 14 tuổi. Najibullah cuối cùng đã đầu hàng và được cho vô trú ẩn trong trại của Liên Hiệp Quốc gần điện Darulaman, ở phía Nam thành phố.

Cuộc thánh chiến của Hồi Giáo đã kết thúc. Các chế độ cộng sản nắm quyền kể từ cái đêm Laila ra đời đều đã bị đánh bại. Những người hùng của má nó, những chiến hữu của hai anh Ahmad và Noor, đã chiến thắng. Và giờ đây, sau hơn một thập kỷ hy sinh tất cả mọi thứ, lìa bỏ gia đình lên núi sống và chiến đấu cho chủ quyền A Phú Hãn, những người kháng chiến quân bảo vệ Hồi giáo, những con người thật bằng máu, bằng xương thịt rã rời vì chiến tranh đó, sắp về đến Kabul.

Má biết hết tên của họ. Này là Dostum, vị chỉ huy trưởng rất nổi, gốc người Uzbek, lãnh đạo đảng  Junbish-i-Milli, người có tiếng làm chuyển đổi sự trung thành về phe ông. Rồi Gulbuddin Hekmatyar, vị lãnh đạo gốc Pashtun cực kỳ nóng tánh của đảng Hezb-e-Islami, đã từng theo học ngành kỹ thuật và đã từng giết một tên sinh viên theo chủ nghĩa cộng sản. Rabbani, gốc Tajik, lãnh đạo đảng Jamiat-e-Islami, người trước dạy môn Hồi giáo học tại Ðại học Kabul thời chế độ quân chủ. Sayyaf, ở Paghman, một người Pashtun  cường tráng theo đạo Hồi, có nhiều mối quan hệ với dân Á Rập, chỉ huy đảng Ittehad-i-Islam. Abdul Ali Mazari, chỉ huy đảng Hizb-e-Wahdat, được các đồng chí gốc người Hazaras gọi là Baha Mazari, là người theo quan điểm Shia của Hồi giáo ở Iran.

Và dĩ nhiên còn có người hùng của má nó, đồng minh của Rabbani, là vị chỉ huy trưởng đầy suy tư và lôi cuốn Ahmad Shad Massoud, con sư tử của Panjshir. Trong phòng của má có gắn tấm bích chương của ông này trên tường. Gương mặt điển trai, suy tư của Massoud, với cặp chân mày xếch và cái mũ len đội lệch đặc trưng của ông, sẽ được nhìn thấy khắp nơi ở Kabul. Từ những bảng quảng cáo, những bức tường, cửa sổ tiệm, từ những lá cờ nhỏ gắn trên ăng-ten xe taxi, đôi mắt đen có hồn của ông sẽ đáp lại cái nhìn của mọi người.

Ðối với má, đây là ngày má mong đợi. Ðây là thành quả của tất cả những năm tháng đợi chờ cũa má. Cuối cùng, má đã có thể chấm dứt những đêm thức trắng, và những người con trai của má có thể yên nghỉ trong hòa bình. 

Ngay hôm sau ngày Tổng thống Najibullah đầu hàng, má ra khỏi giường như một người đàn bà mới. Trong suốt năm năm kể từ ngày anh Ahmad và anh Noor hy sinh, đây là lần đầu tiên má không mặc màu đen. Má khoác lên người một chiếc áo đầm bằng vải gai màu xanh có chấm trắng. Má đi lau chùi cửa sổ, quét nhà, mở cửa cho thoáng và tắm thật lâu. Giọng của má cao vút lên vì vui.

“Phải có một bữa tiệc,” má tuyên bố.

Má sai Laila đi mời hàng xóm. “Bảo họ ngày mai nhà mình làm bữa ăn trưa thịnh soạn.”

Ðứng trong nhà bếp má chống nạnh nhìn quanh và nói bằng giọng trách móc thân thiện, “Con làm sao với căn bếp của má vậy Laila? Eo ơi. Thứ gì cũng đổi chỗ hết.”

Rồi má bắt đầu dời đổi nồi niêu xoong chảo một cách đầy kịch tính, như thể má muốn đòi lại, muốn chiếm lại lãnh thổ của mình. Tốt nhất Laila tránh chỗ cho má vì biết má rất cục tính khi vui cũng như khi nổi giận, không thể nào cản được. Rồi với một sinh lực đáng ngại, má bắt tay vào việc nấu nướng: mì nấu với đậu và thì là khô, thịt vò viên, bánh xếp có nhân nóng tẩm sữa chua và rau húng.

“Con nhổ lông mày à,” má nói trong lúc mở một bao gạo to trong bếp.

“Dạ, chút xíu thôi.”

Má đổ gạo vô cái nồi nước to màu đen. Má xăng tay áo lên và bắt đầu vo gạo.

“Tariq thế nào rồi?”

“Cha ảnh bị bịnh,” Laila nói.

“Bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?”

“Con không biết, chắc khoảng 60.”

“Má hỏi thằng Tariq.”

“Ồ. 16.”

“Thằng nhỏ dễ thương đó chứ nhỉ?”

Laila nhún vai.

“Chẳng còn nhỏ nhít gì. Mười sáu tuổi. Sắp là đàn ông rồi, phải không?”

“Má muốn nói gì vậy má?”

“Không,” má nói và cười ra vẻ ngây thơ. “Không có gì hết. Có điều con… Mà thôi, chẳng có gì. Tốt hơn  má không nên nói.”

“Con biết má muốn nói mà,” Laila bảo, nó khó chịu bởi cái lối buộc tội vòng vo, đùa cợt này của má.

“Ừ,” Má đặt tay lên mép nồi. 

Cái cách má nói “Ừ” rồi đặt tréo bàn tay, Laila chẳng thấy tự nhiên chút nào mà còn như đóng kịch. Nó sợ lại phải nghe má lên lớp.

“Hồi đó hai đứa còn con nít, chạy chơi với nhau, là chuyện không sao hết. Dễ thương lắm. Còn bây giờ. Bây giờ. Má thấy con mặt áo ngực.”

Laila bị bất ngờ.

“À mà chính ra con nên nói với má về chuyện áo ngực. Má đâu có biết. Má thấy buồn vì con không cho má biết.”

Như biết lợi thế của mình, má tấn công thêm. “Dù sao, đây không phải chuyện về má hay cái áo ngực. Ðậy là chuyện về con và Tariq. Nó là con trai, con thấy không, mà con trai thì sợ gì mang tiếng. Còn con? Tiếng tăm của người con gái, nhất là một đứa con gái đẹp như con, là một điều tế nhị, Laila à. Như giữ con chim sáo trong tay vậy. Chỉ cần sơ sẩy một chút là nó bay mất.”

“Thế còn những chuyện má leo tường, lén lút với ba trong vườn cây ăn trái thì sao?” Laila nói và cảm thấy hài lòng vì đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh.

“Ba má có họ hàng với nhau. Và ba má đã lấy nhau. Anh chàng đã hỏi cưới con chưa?”

“Anh ta là bạn. Một người bạn thân. Tụi con khác.” Laila nói như tự bào chữa, và cũng không thuyết phục lắm. “Con coi anh ấy như một người anh,” Laila nói thêm, mặc dù biết điều đó không thật. Ngay sau khi nói, cả trước khi mặt má tối xầm lại, Laila biết mình đã sai lầm.

“Ðó không phải là anh của con,” má nói thẳng. “Con đừng bao giờ so sánh cái tên một chân, con nhà thợ mộc đó với các anh con. Không ai bằng hai anh của con.”

“Con đâu có nói anh là …Con đâu có muốn nói vậy.”

Má thở dài và nghiến chặc hàm răng.

“Dù sao đi nữa,” má tiếp lời, giọng không còn vui và nhẹ nhàng như vài phút trước, “điều má muốn nói là nếu con không cẩn thận, người ta sẽ đồn đãi không tốt.”

Laila mở miệng định nói điều gì. Không phải má nói không có lý. Laila cũng biết những ngày tháng ngây thơ, tự do vui đùa ngoài đường với Tariq đã qua rồi. Lúc sau này, Laila đã bắt đầu có cảm giác kỳ kỳ mới mẻ khi hai đứa ở chỗ đông người. Cảm giác đang bị nhìn, bị quan sát, bị nhỏ to phê phán, mà trước giờ nó chưa hề có. Hay sẽ không bao giờ có, ngay cả bây giờ, nếu không phải một điều chắc chắn: đó là nó đã thương Tariq. Một cách vô vọng và tha thiết. Lúc ở gần Tariq, nó không thể nào cưỡng lại được có những ý tưởng điên rồ nhất về thân hình thon và trần trụi của hai đứa quyện với nhau. Ban đêm, nằm trên giường, nó tưởng tượng hình ảnh Tariq hôn lên bụng nó, và kinh ngạc trước sự mềm mại của môi anh, của bàn tay anh trên cổ, trên ngực, trên lưng nó. Mỗi khi nghĩ đến Tariq như thế, nó cảm thấy thật tội lỗi, nhưng đồng thời trong bụng nó, một cảm giác rất đặc biệt và ấm áp bỗng dâng tràn làm nó cảm thấy như mặt mình ửng hồng lên.

Không. Má nói đúng. Ðúng hơn má nghĩ nữa. Laila nghi là một số người hàng xóm, nếu không nói hầu hết, đã bàn tán về nó và Tariq. Nó đã để ý thấy họ cười ranh mãnh, họ xì xào rằng hai đứa cặp bồ với nhau. Như có một hôm, nó và Tariq đang đi với nhau ngoài đường thì gặp Rasheed, người thợ giầy, với người vợ mặc áo trùm kín người tên Mariam lẽo đẽo theo. Lúc đi ngang, Rasheed đã tinh nghịch nói, “Ðúng là Laili và Majnoon,” ý muốn ám chỉ cặp tình nhân trong bài thơ lãng mạn nổi tiếng thế kỷ thứ 12 của Nezami, mà theo ba nó nói là một phiên bản bằng tiếng Ba-Tư của Romeo và Juliet. Ba còn nói thêm là Nezami đã viết câu chuyện tình bạc mệnh này cả bốn thế kỷ trước Shakespeare.

Má nói đúng. Nhưng điều làm cho Laila buồn là đúng ra má không có quyền nói đến chuyện đó. Nếu ba là người đề cập đến vấn đề này, thì là chuyện khác. Còn má? Bao nhiêu năm má xa cách, má khép kín chỉ biết có mình, không màng gì đến Laila, mặc nó đi đâu, gặp ai, nghĩ gì… Thật không công bằng. Laila cảm thấy mình chẳng hơn gì mấy cái nồi niêu, xoong chảo, người ta quên bẵng đi, để rồi bất cứ lúc nào muốn, bất cứ lúc nào thích thì đòi lại quyền sở hữu.

Tuy nhiên hôm nay là một ngày trọng đại cho tất cả mọi người. Nếu làm hỏng đi vì chuyện này thì nhỏ mọn lắm. Nghĩ thế nên Laila bỏ qua.

“Con hiểu ý má,” Laila bảo.

“Tốt!” má nói. “Như vậy coi như xong. Còn Hakim đâu rồi nhỉ? Cái ông chồng nhỏ bé đáng yêu của tôi đâu rồi hả?”                       

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019