SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

Rừng, Người và Trí nhớ

Thi Vũ
Tạp ghi

1.
Bước xuống phi trường Dulles ở Washington D.C. Một hàng người nhốn nháo đón chờ. Qua nhãn lực chọn lọc, từng chấm mắt soi rọi, phóng tới gạt phăng bao hình dáng không quen. Đón nhau lòng vồn vã thanh cao. Quá khứ và sự đời xóa hẳn. Đợi chờ đón nhận cái mới, cái lần đầu xuất hiện. Quá khứ tiêu hao. Cha mẹ đón con. Người tình đón ngưòi tình. Bạn chờ bạn. Nhận ra nhau bằng mắt, bằng vóc dáng, bằng mùi da thơm thuộc.

Bây giờ xã hội tình thân mở rộng tới chốn không thân. Các công ty làm ăn hay tổ chức hội họp đón người xa lại. Đâu biết nhau mà đợi hay chờ. Người ta viết tên kẻ tới trên bảng cầm tay xin nhận diện.

Tôi lướt tìm tên mình trên hàng bảng ghi danh. Không thấy. Tôi dáo dác vào đám đông đung đưa trên chân nhón cổ giương, mong mỏi một người thân. Không thấy. Bỗng cười hắt vào lòng. Có báo ai đâu mà hòng lòng trông ngóng ? Rởm.

Bỏ cảnh huyên náo ra đường gọi ta xi. Ông chở giúp tôi về Thủy Tinh trấn. Ông biết chớ ? Cách đây chừng bảy mươi dặm... Ông biết chớ ? Thủy Tinh trấn... ờ ờ... Thủy Tinh trân gần sát Phi trường Quốc gia phải không ? Đúng đó!

Xe chạy êm ả. Chiều xuống theo nắng xế. Đỏ ối. Nắm lửa cuối cùng bốc cháy nền trời, mà ai đó nghịch ngợm vứt vào màn nhung đêm đang hạ. Rừng giăng từ phi trường Dulles về Thủy Tinh trấn. Hôm đó thu thổi vàng vào lá. Hàng chục loại sồi khác nhau vùng Bắc Mỹ tia những mũi lá thiên hình, nhọn, tròn, xoè, tung tóe, hồi quang. Ngó như trăm chục sắc vàng đóm đa. Vàng tằm, hỗ hoàng, hỗ phách, thạch lựu, mồng gà... ối a đậm nhạt. Xa lộ êm nhung chảy vào cõi tìm nhau, sắc rừng vàng đỏ níu ráng trời.

Không dưng màu nổ dội từng âm thanh đỏ chín. Như những tràng pháo vô hình nối nhau tung phá thinh không. Màu lên tiếng. Gọi dậy những cảm tình trầm ngâm. Màu kêu di những nhớ nhung bịn rịn bám hồn. Màu vỡ ra âm thanh trên dãy rừng thu Virginia.

Khi chiều đắm, xe vào Thủy Tinh trấn — Crystal City. Đèn đã trỗ hoa trên các cao ốc lưu cư. Tôi choàng chiếc áo đêm về nơi trú ngụ. Một mình bước theo lề đường, bên hàng xe vun vút. Pha chiếu vào mặt nhựa hỏi lối. Tôi bước đi hay đường chảy trôi ? Muốn hay không, đời kéo lôi ta vào nẻo thời gian bất tận. Cứ ỷ y vào quyền chọn lựa, đâu biết người là khối không gian bồng bềnh. Như những hành tinh xa.

2.
Nhớ là đã mất cho riêng mình. Dù người đó còn mãi nơi này hay cõi khác. Đâu đó một nơi không địa chỉ. Mới hôm qua còn nói cười, bỗng vù bay mất tích. Khác chi hạt nhụy chưa vui trọn nắng sớm, chợt gió đem đi xa tít bạt ngàn. Rễ cột chân cây vào đất làm nỗi nhớ xanh cao. Tôi gọi tên liên lỉ từng người từng người tôi thương nhớ, bắt lặng thinh đầu hàng, sự quên lãng quỳ thua. Tôi gọi mẹ khi hừng đông chớm dậy mỗi ngày — bốn ngàn bảy trăm bảy mươi chín ngày, kể từ ngày mẹ mất tính đến nay. Nhờ thế mẹ vẫn còn chăng ? Nhờ tục thờ cúng ông bà mà người chết không chết chăng ? Chứng minh cách nào đây. Tín ngưỡng dân gian không nói hoặc nói theo niềm tin chớ cãi. Tín ngưỡng đạo Phật lại có hai, người chết đi đầu thai tức khắc hoặc sau 49 ngày. Bởi thế mới có lễ thất tuần. Người chết còn mãi. Nhưng ở đâu ? Dưới dạng thái nào ? Đầu thai tức khắc hay sau bảy tuần, hình vóc mới ra sao ? Những câu hỏi đánh lên thành câu hỏi hỏi mãi. Mỗi nơi, mỗi người, mỗi vùng tin, là một cách thế trả lời. Mỗi cách trả lời đẻ ra hàng loạt chất vấn mới. Nhướng vào vô tận lặng thinh hỏi miết. Như mây bay tìm trời dù ở gọn giữa lòng trời.

Tôi nói gì với mẹ mỗi sớm mai trên bốn nghìn lần ngày kia ? Nói gì không quan trọng bằng biểu tỏ. Tiếng nói thầm theo hương khói nuôi dưỡng mẹ trong tôi. Người sống tự lo bằng hơi thở. Người chết gửi lẽ sống họ nơi người sống để sống mãi.

Về cõi âm hay cõi trời, hẳn còn lúc gặp lại. Nhưng nếu cõi ấy không thật ? Hụt hẫng trong đời có khổ đau chữa trị. Hụt hẫng trước hố đen hủy diệt khi lâm chung, tâm tình và ý lực một đời đặt để vào đâu ?

Chả lẽ sự sống chỉ riêng biệt nơi hành tinh này giữa nghìn nghìn tinh hệ ? Còn nhiều nơi chốn khác chứ ?

Có thể người chết chốn này là mở cuộc đi, về sống nơi khác, dưới dạng thái khác. Như kẻ bỗng dưng bỏ ta đi không lưu địa chỉ. Chỉ còn nỗi nhớ làm liên giao. Ngôn ngữ im câm, nhường tâm trí soi tìm qua nhớ tưởng.

Những kẻ thương nhau tha thiết mới tìm lại được nhau. Nhưng phải là hai cùng nhớ. Nhớ thương một mình là thất tình vĩnh viễn.

Biển mặn vì nhớ. Nhớ lóng nước ban đầu tiết ra từ suối núi ngọt ngào. Nước tuôn theo đời chảy. Nước vào sông, vào sương trong buổi sớm tới sương sa giọt chiều. Nước vào ấm nấu, bình tích, vào trà, vào canh, vào phở. Những dạng thái khác nhau, tuy chẳng mất mát cái ban đầu nguyên thủy của nước. Nếu mẹ là nước, ta cũng là nước, dù biến thái thế nào, tự thân cả hai đã là chốn gặp. Mẹ đâu còn nơi cõi khác. Mẹ ngự trị giữa lòng. Và đâu đó nơi chốn tinh hà vun vút kia, mối giao lưu thương nhớ kéo ta về với mẹ. Mẹ của đời trời.

Nhớ — kẻ canh gác tình yêu. Người đánh thức nỗi chết sống dậy. Nhớ là kéo hai cái xa về một.

3.
Mỗi lần đến Hoa Thịnh Đốn tôi thường đến ở căn nhà thuộc trấn Vienna. Hòn ngọc bích trên khoen rừng Virginia. Nơi có những đôi mắt giếng mát. Trở về cả những lần không ở. Khu nhà giấu mình dưới rặng sồi, có những cánh chim vàng tằm hay đỏ ối, và chậm chạp con rùa vàng đi vào rồi ở luôn nơi trí nhớ tôi. Từ đó căn nhà theo tôi làm mốc ẩn trú. Lâu lâu lẻn vào nằm khoanh như con mèo ngủ.

Tối nay hai bạn Long Thụy mời về tư thất. Một căn nhà khác miệt rừng. Chưa đâu cảm giác thanh bình của nhà an lạc như ở vùng Virginia. Lá, hoa, chim nắng, rồi tuyết vây lấy những căn nhà mộng mị trong trí nhớ bưu thiệp thới bé bỏng mỗi cữ Giáng sinh. Có lẽ quê hương tôi dầm dãi quá lâu trong ganh ghét và chiến tranh, nên nhà là nơi tốc gió? Nơi đây người ta xây cất chiếc tổ ấm bằng tay và tâm thương yêu. Vừa riêng biệt vừa liên đới. Một thanh bình người.

Mười năm trước tôi đã đến. Anh chị Long Thụy có người con trai tám tuổi đoạt giải thơ Haiku. Nay cháu cao lớn vượt tôi một cái đầu. Thời gian đi lên chứ không đi tới. Duy với kẻ già thời gian đi xuống. Anh Long vẫn vậy, một núi lửa lặng câm chưa nổ. Chị Thụy vẫn nét đẹp Bắc trong tiểu thuyết Tự lực, ngày ngày mơ màng ra chữ. Cụ bà Kim Y ngoài tuổi tám mươi vẫn minh mẫn như một cành mai soi hoa trên tuyết. Tôi có ý định thỉnh một tâm thủy mặc của cụ Tá Chi lưu niệm, nhưng cụ đã ngưng vẽ. Nay cụ ngồi yên lặng nắn nót hư vô trong tròng mắt.

Tôi không được mời thăm viếng gia đình, mà để tiếp tân người thi sĩ đất Thăng Long. Khối trí nhớ lạ kỳ. Nhà có hai anh em, người ở Bắc kẻ ở Nam, nhưng đều thống nhất trong nhà tù. Anh mười ba năm cải tạo, em ở cạnh mặt trời đảng lãnh hai mươi bảy. Vị chi bốn mươi năm nơi Phòng Đợi bên lề cuộc tử sinh. Chuyện thời sự của một gia đình mà kỳ thực là phó bản của bao triệu gia đình khác.

Dưới chụp đèn lung linh, hàng chục cặp mắt đổ dồn vào người thi sĩ. Thán phục. Trông chờ. Làm quen. Ưu ái. Tất cả quyến luyến, thân tình, tuy chưa thái độ. Thoáng đôi loé mắt phân vân, nghi ngờ, dò xét, xem coi ? Chẳng sao cả. Người thi sĩ đất Thăng Long thoải mái. Dường như ở đâu anh vẫn cá trong nước.

Tới đây chưa đầy tháng, anh hòa đồng lối sống Mỹ của người Việt. Chuông ren cửa mở, anh thoắt nhoài vào lanh lẹn tay bưng chiếc soong lớn thức ăn. Đầu đội mũ ni trùm tai phi công. Mùa thu ở đây rét. Người Việt có thói mỗi người mang một món lúc mời nhau hội họp. Vừa chia sớt vừa tiện công nhà chủ.

Câu chuyện hẳn nhiên quay quanh người đến từ Thăng Long. Bất cứ ai cất tiếng đọc một bài thơ trong tập Hoa Địa Ngục, anh liền phanh phách nói ra nơi giam giữ, khung cảnh, ngày tháng sáng tác. Anh khen Lãng Minh phổ nhạc nguyên thơ không thay đổi. Bài nào ai quên chữ, anh nhắc. Trí nhớ nguyên màu ký ức. Anh nói, tôi ra đi cộng sản không thể nào khám xét được tài liệu gì. Ngoại trừ chúng bửa đầu tôi ra. Tâ't cả ở trong này. Miệng nói tay trỏ gõ vào đầu. Óc não tôi như chiếc máy thu thanh, băng nhựa lưu trữ tất. Vặn lên là thơ tuôn.

Cõi tù đày cộng sản không chi giam hãm. Cõi ấy chà xát nhân phẩm, cá tính. Đè diệt thân người xuống lồng thú. Ta không có gì hơn ngơài trí nhớ để sống còn. Giấy bút không, thư thả cũng không. Thơ hiện lên như động tác phòng ngự, chống trả từng đợt tử thần tấn công.

Có lúc hàng tháng đứng dưới mưa rừng tôi nhẫm học từng nghìn câu thơ mình sáng tác. Thơ như mưa đọng ngọc vào lòng. Thơ như hạt trai giữa bập bùng sóng bể. Duy một lần bệnh nặng, bình phục thì trí nhớ tổn thương. Năm trăm bài thơ chỉ còn nhớ ba trăm. Một ngày tù là một ngày luyện trí nhớ.

Nhà tù là Quán Cháo Lú. Nó chỉ thị người quên hết tổ tiên làng xóm, truyền thống. Nhào người thành người máy, tên nô lệ vô hồn. Phép diệt chủng tân kỳ thời Gulag là đưa người  xuống vượn. Không cần giết. Người là tập thể ký sinh. Bao nhiêu người chết dưới cực hình, ngược đãi, bệnh tật. Họ vĩnh viễn mất trí nhớ. Mất quê hương.

Nhờ thơ và trí nhớ tôi sống sót. Thơ tôi toàn sự kiện, không hư cấu văn chương. Sự kiện không thêm không bớt. Có phải thế không nào ? Vì sao đặt tên Hoa Địa Ngục ấy à ? Ảnh hưởng Baudelaire đấy. Tôi nhái cái Fleurs du Mal — Ác Hoa của chàng. Hẳn nhiên thơ tôi khác.

Chuyện  này tôi chưa hề tiết lộ. Người thi sĩ cho biết lúc vào xin tị nạn ở Sứ quán Anh ở Hà Nội. Một người Anh đuổi tôi ra đường bằng tay trỏ và ba tiếng “au” ngắn đục (Out, out, out! ! Cút đi, cút đi, cút đi!).

Đời người nghiêng ngửa trong ba tiếng lệnh cụt.

Tôi muốn cho anh biết một điều biết đâu anh đã biết. Vì từ Luân Đôn một giáo sư người Anh khác dự phần tung tập thơ ra thế giới. Dù tờ Văn Nghệ Tiền Phong nhận được thơ đầu tiên, đã dìm chết tập thơ trong cảnh hàng thịt nguýt hàng cá. Nhưng thơ xa lánh đứng lên như rừng, bước những bước chân núi trên bình nguyên phố chợ. Nhạc hiệp vào, rồi lòng người mở ra đón nhận từng đóa khổ đau liên đới. Thơ vĩnh hằng trên sạn đá tiểu tâm.

Người thi sĩ đang được vây quanh, những bạn cùng thù. Ngợi ca và bẫy sập.

Quê hương còn chập chững trong thời tiêu xài phí phạm kẻ hiền tài. Quê hương chưa biết tích lũy, chưa tính cuộc trăm năm. Chế độ cải tạo thành công quật ngã những kẻ cứng đầu, oanh liệt thuở trước. Biến họ thành kẻ sống không bầu máu nóng, gặm nhắm ngờ vực, và xua đuổi những giấc mơ sống thừa. Kể cả thời gian sau cuộc trở về.

Hải ngoại, như chiếc nhà mồ lộng lẫy, giết họ lần thứ hai. Bao dự án thiết tha và niềm tin tưởng gây sinh lực họ trong tù, nay thoát đi chỉ còn chút cảm thức tủi hờn cay đắng. Phải chăng họ chỉ quen phục vụ nên không biết tự làm ? Chờ hoài một minh quân không thấy tới, hệt như đối thủ họ, chờ “ngày mai ca hát”. Nên bây giờ họ thổ lộ theo sự hằn học hay làm “đạo sư”. Cả hai tiếp tục sống trong dự phóng như chú A Q, sống theo cách kẻ thù mong muốn: chớ biến cải thực tại đen, hãy khoán trắng việc quê hương cho kẻ khác. Ba vạn mấy ngàn ngày là mấy... Gánh nặng văn chương làm mụ mẫm đầu óc.

Trách sao được, khi nhà nước thừa sai trước kia cho đến cái đảng cầm quyền to sụ ngày nay, sống dầm trong khuôn dự phóng, theo chỉ thị từ cao, từ xa. Chưa tự chủ. Mất tự cường. Khoa học tới đâu, biện chứng cách mấy, hiện thực rao truyền của Xã hội Chủ nghĩa chỉ thực hiện những màn ảo hóa, chiếc bánh Vẽ ? Ít ai sống với thực lại nhân sinh. Ít ai sống cùng trái đất. Mỗi kẻ trú ẩn nơi thiên đường họ. Thiên đường người này là địa ngục ké khác.

Người cứ lơ là với trái đất ngon giêng người thi sĩ.

Giữa Quốc hội Hoa Kỳ đông người hôm 8-11-1995, người thi sĩ đất Thăng Long vụt đứng lên tiến về phía tôi cầm tay nói một lời ưu ái cảm tạ trong lần gặp đầu.

Tối nay tôi đến đáp lòng. Muốn nhắc nhở anh sự chết thảm của bao người khi ra tới hải ngoại. Nhưng cuộc vui đang nổ dòn... Với lại tôi chợt nghĩ.

Kẻ có trí nhớ sẽ không quy hàng. Vì trí nhớ là Người đánh thức. Đánh thức sự chết sống dậy. Như nhựa cây mùa xuân gọi lá hoa gìn hương giữ sắc.

Thi Vũ
Hoa Thịnh Đốn, 3-2-1996
(Trích Gọi Thầm Giữa Paris, Thi Vũ, NXB Quê Mẹ, Paris, tái bản lần hai, 2015)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019