SỐ 82 - THÁNG 4 NĂM 2019

 

Tôi tìm lại tôi trong muộn màng

Một người bạn, vốn là đồng nghiệp thuở xa xưa, gửi cho tôi một cái link để xem một số tranh vẽ tuyệt đẹp và bài tự thuật mà bạn của anh ấy đã viết về cuộc đời mình. Quả là một chàng nghệ sĩ bất cần đời, sống thật với mình, với người và với nghệ thuật. Tôi thật thèm được sống như anh ấy. Và tự cảm thấy mũi lòng, chua xót, xấu hổ vì tôi đã không thể sống thật như một người bình thường nữa, nói chi đến sống cho nghệ thuật, một món quà mà rất ít người được thiên phú như anh chàng này. Tôi bảo với anh có hai bức tranh của anh ấy tôi thích vô cùng, thật sự cảm xúc khi ngắm nhìn nó. Anh hỏi tại sao…

Tôi đã nhìn thấy tôi trong hai bức tranh này. Bao năm qua tôi miệt mài, thui thủi kéo chiếc xe đời mình lê thê trên những đụn cát nối tiếp, chạy chùi, trơn trợt… Càng kéo lên sức nặng càng trì xuống. Càng đi xa, đích tới càng vời vợi. Càng cố gắng bước lên, đôi chân mềm, yếu đuối càng lún xuống sâu… Dốc đời tôi là những đụn cát rời rạc, nối tiếp, nghiệt ngã và vô tình.

Tôi cũng chính là chiếc bóng lẻ loi, tiều tụy, âm thầm. Lẽo đẽo đi bên cạnh hình hài mỏi mòn, với đôi quang gánh oằn vai, trĩu nặng. Gánh gánh đời đi hoài đi mãi mà vẫn chưa tới đích, vẫn không biết sẽ về đâu. Chiếc bóng ngã dài, cách khoảng, không bao giờ thân thiết. Tuy trung thành không rời bỏ hình hài khốn khổ của nó nhưng đã trở thành vô cảm. Đã không quan hoài đụn cát cao, con dốc dài. Đi… Đi… Đi mãi. Nắng. Nóng. Gió. Mặc thời gian. Đó là tôi, một thiên thạch rơi, rơi vào ngày tháng chết của cuộc đời. Không còn một thoảng yêu thương, rung cảm trong cõi lòng sạn sỏi.

Ngày chồng tôi bị stroke lần đầu tiên, tôi như từ trên chín tầng mây cao rơi xuống đáy địa ngục. Bác sĩ cho biết hy vọng sống rất khó, hy vọng bình phục càng khó hơn. Chồng nằm đó không biết sống chết ra sao. Hai con còn nhỏ chưa quá tuổi 12. Tôi, chưa từng một lần biết đổ xăng cho xe của mình mặc dù đã lái xe nhiều năm. Chưa một lần ký check trả bills. Tiền bạc không biết trong ngân hàng có bao nhiêu, gửi những nơi nào. Một cửa tiệm chụp, rửa hình và đại diện bán máy móc rửa phim, rửa hình cho hãng Yokoyama của Nhật không người trông coi. Chồng tôi không nói, không cử động, không ăn, không uống đươc trong thời gian đầu. Tôi một mình quắn quít với bao trách nhiệm nặng nề trên vai. Lo lắng cho sự an nguy của chồng. Thương cảm cho hai con còn nhỏ dại. Trong bỗng chốc tôi trở thành một nữ tướng, xông pha ngoài chiến trường đời. Các con tôi trong một thoáng trở nên lớn trước tuổi nhiều năm. Con trai mới 12 tuổi đã trở thành người đàn ông rường cột trong gia đình. Con gái trong một sớm một chiều bỗng không còn là em bé hay nhõng nhẽo, khóc nhè. Chúng cùng lo âu, sợ hãi, hồi hộp không biết ba nó có qua khỏi sự chết chóc không. Tôi ban ngày tất bật, chạy đi chạy về, lo cho chồng trong bịnh viện, lo cho con, cho tiệm. Đêm đêm nhìn con với tuổi thơ vô tư, hồn nhiên của nó vụt biến mất mà xót xa, thắt thẻo ruột gan.

Những ngày nối tiếp bác sĩ gặp tôi chỉ thở dài, lắc đầu, ông bảo chồng tôi không có ý muốn sống, đang buông xuôi, bỏ cuộc. Tôi rụng rời. Bàng hoàng. Chồng tôi xưa nay là một người thật mạnh khỏe, tráng kiện. Chưa một lần phải đi bác sĩ. Chưa một lần phải vào bịnh viện. Có lẽ ông không thể chấp nhận sự tật nguyền hay khiếm khuyết của cơ thể vốn luôn quá toàn vẹn của mình nên đã chọn sự ra đi. Không thể được! Con tôi không thể thiếu mất người cha. Tôi đã trải qua những ngậm ngùi, đau xót khi thấy hai đứa cháu con của hai bà chị tôi, thường khi đi học về chúng hay khóc lóc, ăn vạ với cha mẹ tôi, chúng bắt đền ông bà, tại sao mọi đứa trẻ học cùng đều có cha mà nó không có. Những lúc như vậy, mọi người trong nhà đều nghẹn ngào, quay đi cố dấu đôi dòng lệ. Cháu tôi thiếu cha vì thời cuộc, vì chiến tranh. Còn con tôi đang sống trong một thế giới bình yên với bao nhiêu khám phá, phát minh mới mẻ. Tôi không thể để cho chuyện đau lòng ngày trước lập lại bây giờ. Tôi cũng biết chồng tôi vốn yêu thương hai đứa con vô vàn.

Tôi vào bịnh viện. Đúng lúc một số bác sĩ họp ngay trong phòng chồng tôi. Tôi bảo tôi cần nói chuyện với ông ấy với sự hiên diện của họ. Tôi cho chồng tôi biết ông không thể chết, không thể bỏ đi được vì con ông còn rất nhỏ, rất cần ông. Tôi không thể một mình nuôi chúng cho đến lớn khôn. Và nếu tôi có chồng khác thì sẽ không có người đàn ông nào trên thế gian này thương yêu chúng được như ông cả. Nếu tôi cùng đường thì đành mang chúng cho viện mồ côi thôi. Vậy ông phải vì con ông mà sống tiếp. Tôi không biết việc mình làm đúng hay sai trong lúc đó nữa. Có điều tôi tự biện hộ cho mình là không còn sự chọn lựa nào khác.

Sau lần nhận “Tối hậu thư” đó, dường như sức khỏe của chồng tôi có nhiều biến chuyển khả quan. Mấy bác sĩ mừng ra mặt. Họ bảo đó là một phép lạ chưa từng xảy ra. Mẹ con tôi còn mừng vạn lần nhiều hơn. Dần dần tôi ký hàng loạt các loại giấy cho phép bịnh viện được thử nghiệm trên cơ thể của chồng tôi tất cả những khám phá, phát minh về phương pháp trị liệu mới mẻ cũng như dược phẩm còn trong vòng đang nghiên cứu. Chồng tôi cố gắng, chuyên tâm vượt bực trong phần vật lý trị liệu. Dù đau đớn thế nào ông cũng không bỏ qua sự luyện tập. Thời gian sau, từ không nói được, chồng tôi đã nói ngọng nghệu, rồi tập lần cho đến khi nói rõ. Từ không nuốt được, trong 6 tháng phải chuyền thức ăn lỏng vào dạ dày qua đường ống cao su, cho đến khi ăn uống lại bình thường. Từ không đi đứng được cho đến lúc đi xe lăn, rồi walker, rồi chống gậy, và sau cùng đi bình thường. Chồng tôi không bị bán thân bất toại, tuy nhiên, nửa thân mình vẫn còn tê, không cảm giác.

Suốt thời gian qua chồng tôi có thêm 2 lần strokes nặng cọng với 3 lần heartattacks thừa chết thiếu sống và vô số những lần bị stroke nhẹ. Tôi quen dần, thông thạo và nhanh nhẹn với những phản ứng cấp cứu cần thiết, khẩn cấp. Nhiều năm liên tục tôi ngày ngày thức dậy thật sớm, lo cơm nước cho cả ngày. Chở con đi học. Về đưa chồng đi tập đi bộ dù mưa hay nắng. Ra chăm sóc tiệm. Tối về lo cho con ăn uống. Dạy con học hành, làm bài vở. Khi con cái lên giường hết rồi thì tôi bắt đầu dọn dẹp, chuẩn bỉ cho ngày mai. Lúc chồng tôi bị bịnh thì tôi đang học dở dang. Đành bỏ học. Mấy năm sau khi chồng tôi hồi phục kha khá thì tôi cũng kiếm dịp trở lại trường và tiếp tục hoàn tất việc học còn dang dở. Thành ra phải làm bài vở nên thường khi 2, 3 giờ sáng mới lên giường ngủ. Hai mươi bốn giờ trong ngày thật quá ngắn ngủi cho tôi!

Dần dần tôi biến mình thành cái máy biết đi, biết nói hồi nào không hay. Tôi tính toán giờ giấc, mọi chuyện thật chính xác, khít khao. Vì thời gian của tôi phải tính bằng phút, bằng giây chứ không phải bằng giờ như mọi người. Tôi không cho phép mình được suy nghĩ viễn vông, mơ mộng hão huyền. Không bi quan, ủy mị. Tôi như cây cột đồng, đứng sững , mặc gió mưa, bão táp. Trái tim tôi đã chai đá từ lúc nào rồi! Một người chỉ sống khi trái tim còn biết rung động, yêu thương. Hết rồi. Tôi không còn cảm giác đó nữa. Mười tám năm trôi qua! Một chặng đường kinh hoàng mà tôi nghĩ mình không thể vượt qua. Không thể trổi dậy. Rất nhiều đêm ước ao mình có được một giấc ngủ êm đềm, vĩnh viễn không bao giờ còn thức dậy. Tuy nhiên mơ ước chỉ là ước mơ vì tôi còn chiếc xe bò để kéo lên con dốc tuột ngược, còn đôi quang gánh nặng nề trên vai phải quảy đi trong nắng mưa dãi dầu.

Giòng sông định mệnh đẩy đưa. Lắm nghiệt ngã. Đúng lúc chồng tôi bị stroke lần thứ nhì thật nặng. Vào cái ngày chồng tôi xuất viện cũng chính là ngày tôi vào bịnh viện để mổ cột xương sống khẩn cấp. Xuất viện tôi đành dẹp tiệm. Nghỉ ngơi một thời gian rồi đi làm cho một hãng chuyên về sản phẩm có liên hệ đến tia sáng laser, cũng là ngành tôi theo học từ trước. Rồi qua bao đổi thay, thay đổi, cuối cùng tôi chui tọt vào một hãng cò con, sống lây lất qua ngày với cái nghề thảo chương trình cho mấy cái máy robot. Tôi vốn đã và đang là một cái máy biết ăn, nói, đi, đứng. Bây giờ quây quần bên tôi trong gần 10 năm dài đăng đẳng là những cái máy ngày ngày chờ lệnh tôi sai bảo. Cuối cùng rồi thì máy mẹ cũng sống cận kề với đàn máy con!

Liên tục nhiều năm, sức khỏe của chồng tôi phục hồi lại phần nào. Nhưng tánh tình ông cũng từ đó mà đổi thay. Ông vẫn mang tâm trạng chống đối, bất mãn với số phận đời mình. Mười mấy năm rồi ông vẫn chưa thỏa hiệp, chấp nhận sự đổi thay, bất hạnh, định mệnh cay nghiệt dành cho ông. Dần dần ông trốn tránh thực tế, trốn tránh cuộc sống bằng cách xây bức tường vô hình kiên cố và trốn vào trong như một chỗ trú an toàn, cách biệt thế giới bên ngoài. Ông từ chối giao tiếp với bạn bè, người thân. Sống trong thế giới cô lập, cách biệt lâu ngày khả năng thích ứng, xoay sở, tính tóan, giải quyết, đương đầu với những khó khăn từ từ biến mất. Chỉ còn lại sự tức giận, hằn học, la hét như người lên cơn điên mỗi khi gặp chuyện không vừa ý. Ngày xưa chồng tôi là một người rất ôn hòa, nhã nhặn, luôn biết kiềm chế, tự chủ, không bao giờ biết nổi nóng là gì. Giờ thì ông hoàn toàn thay đổi ngược lại. Càng ngày ông càng trở nên khó khăn, gay gắt, bẳng cẳng. Đôi khi trở nên vô lý, độc tài, độc đoán và hung bạo.

Con tôi trải qua những kinh hoàng, thất đảm, sợ hãi vì sự hung hăng, khủng bố, la hét, dữ dằn của cha nó trong nhiều năm. Cộng thêm mối lo âu, phập phồng, hồi hộp không biết cha nó sống chết lúc nào đã làm tâm hồn chúng luôn hoang mang, bấn loạn, bất an. Có một thời gian trường học phải gửi chúng đi gặp cố vấn tâm thần. Càng ngày tánh khí, cách cư xử của chồng tôi càng xô đẩy các con tôi xa dần, cách biệt với người cha mà nó đã và đang thương yêu vô cùng mặc dù tôi cố gắng đủ mọi cách để xóa bỏ khoảng cách này. Tình yêu cha con, sự gần gụi, gắn bó gia đình đã bị xoáy mòn, cuốn trôi theo dòng thời gian, theo tuổi tác của chúng. Chúng được nuôi dưỡng và lớn lên bởi những xót xa, cam chịu bất hạnh, hụt hẫng, bàng hoàng và xốn xang. Vết đau vì vận mệnh oan nghiệt của chồng chưa kịp lành thì lại thêm những vết xoáy trong tim ngày càng mở rộng khi nhìn các con phải lớn lên trong một gia đình kém may mắn, thiếu an bình và đầy ấp những biến cố bất thường.

Từ dưới đáy vực sâu thăm thẳm với đau thương, thống khổ theo năm tháng dài tôi đã không còn cảm giác yếu đuối, nhu hòa, xúc động. Hết rồi những rung động của con tim. Không còn nữa những mơ mộng, lãng mạn của tâm hồn. Tim đã khô cằn, đã buốt giá. Hồn đã tê dại.

Tôi cũng theo vết chân chồng tôi mà tránh né, xa lánh hết bạn bè, người thân, trốn vào cái vỏ ốc dầy khù của mình để gặm vết thương không bao giờ lành. Bạn bè, người thân ai cũng có gánh khổ ải của riêng họ rồi. Bắt họ chia xẻ thêm cái gánh của tôi để làm gì. Và cứ như vậy, tôi ôm ấp nỗi niềm riêng của mình trong suốt 18 năm qua. Nhìn lại đoạn đường dài đen tối mịt mù, tôi mơ ước đó chỉ là một đoạn bi kịch trên sân khấu, trong màn ảnh. Đôi vai gầy bé nhỏ của tôi đã mỏi. Thật mỏi!

Cuối cùng thì chồng tôi cũng phần nào làm hòa với số mệnh, sau nhiều năm chiến đấu và chịu đựng với bịnh tật. Ông chấp nhận hiện trạng. Tánh tình ôn hòa, chịu đựng và hợp lý hơn xưa. Nhưng tình cảm giữa cha con thì khó hàn gắn lại như cũ. Vì chim mọc đủ lông đủ cánh một khi bay ra thì ít khi bay về! Ước gì thời gian lùi trở lại.

Tháng Năm, năm 2010 tôi có dịp trở về VN sau 30 năm xa cách. Gặp lại một số bạn bè cùng trường. Tình nồng ấm của các bạn dành cho làm tôi thật xúc động. Tuy chỉ nói với bạn là không biết làm sao mà mình có thể vượt qua bao gian nan khổ ải trong thời gian qua. Nhiều lúc không dám nghĩ đến nữa. Nhưng cũng thấy lòng nhẹ nhõm, ấm áp vô ngần. Thật tiếc là tôi đã không chạy đến khóc trên vai bạn mình cho trút bớt những u uất, thống khổ từ những năm tháng trước.

Vào đầu tháng Bảy, năm 2011, khi được mời đi dự đại hội NLSBD tại Dallas, đột nhiên bao nhiêu hồi ức trong khoảng thời gian tôi dạy ở trường này, tưởng rằng đã được chôn chặt, đã bị lãng quên, bỗng đâu ùa về ngập tràn như nước lũ trong tôi. Nó thôi thúc, dày vò làm cho tôi xốn xang, bất an bất ổn. Nhu cầu phải thố lộ ra đã buộc tôi cầm giấy, viết và trải nỗi lòng mình trong đó. Câu chuyện “Nửa quả trứng” là một kỷ niệm trong một chặng ngắn của cuộc hành trình dài lê thê, mệt mỏi của tôi. Đây cũng là câu chuyện đầu tiên tôi bắt đầu viết sau hơn mười lăm năm quên lãng. Và bài thứ hai là “Tâm tình hậu đại hội”. Viết để gọi là, một chút tri ân đáp lại tấm chân tình của các bạn NLS.

Nhân đại hội này tôi đã gặp anh Vương thế Đức. Một mối “duyên hội ngộ” muộn màng.

Trước năm 75, chúng tôi cùng dạy chung trường trung học Nông lâm Súc Bình Dương. Tôi có dịp gặp và biết anh. Nhưng chưa từng quen nhau! Nhờ dịp này chúng tôi quen. Rồi trở nên bạn bè. Tôi và anh có nhiều điểm tương đồng. Tôi đã nhìn thấy một phần nào tôi trong anh. Kiếp trước nếu anh không vì mải mê rong chơi, ham đi “ăn chực” đâu đó mà đến kịp lúc để đi đầu thai cùng một chỗ với tôi thì giờ đây tôi và anh có lẽ đã trở thành anh em song sinh rồi. (Chỗ này thấy sang bắt quàng làm họ đó nhe!) Tôi được anh cho đọc qua những bài viết của anh và những bạn bè khác. Tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì đó thật quen thuộc, thật gần gũi với mình. Tư tưởng và nét văn của anh cũng như của bạn bè anh đã lôi cuốn tôi trở về thế giới văn chương, nghệ thuật. Một thế giới mà tôi từng mê mẩn, tôn sùng từ nhỏ, đã bị tôi bỏ quên thật nhiều năm tháng qua.

Tình cờ anh đã kéo tôi ra khỏi giấc miên trạng mà tôi đang trốn trong đó. Để tránh né những sự thật phũ phàng. Để lãnh đạm với cuộc đời đang bạc đãi mình. Tôi từ hình hài robot trở về kiếp con người.

Tôi mơ ước mình là chiếc bong bóng vuột thoát ra khỏi sợi dây đời trói buộc với bao hệ lụy. Bay vút lên trời cao. Trôi nổi bồng bềnh trong cõi hư vô. Nhìn xuống nét đẹp của đời. Không còn ngụp lặn trong những ngày tháng chết.

Hãy trả Thu về với cõi thu
Cho nghìn xưa lơ lững với nghìn sau

Nhờ anh ấy tôi đã được trả về.

Từ khi tiếp xúc với anh VTĐức, tôi như sống lại với con người thật. Tâm hồn sa mạc của tôi vừa có trận mưa thổi qua. Tôi nhớ lại mình cũng từng có những rung động với nét đẹp của tư tưởng, của văn chương, của tình cảm. Có những mơ mộng, tưởng tượng và cảm xúc hài hòa với thiên nhiên. Tôi chợt nhớ đến một lần mình đã viết…

Khoảng 15 năm trước tôi có viết hai chuyện, chuyện thứ nhất là “Muối mặn tình người” và chuyện thứ hai là “Tờ hôn thú”. Đó là nhờ luồng gió văn nghệ thoáng thổi theo tới cùng với một người bạn mà thật nhiều năm qua tôi mới được gặp lại. Anh Trần Thiện Hoài. Anh chợt đến thăm rồi chợt đi biệt. Như luồng gió này. Mang đến một khung trời đại học cũ cùng với bao kỷ niệm xa xưa yêu dấu, tình thâm bạn bè khó quên. Do bị nhiễm gió văn nghệ của anh khi đọc chuyện “Thằng Nèm” lúc anh nghé thăm vợ chồng tôi (tạ ơn mối thâm tình của anh trong những năm qua). Nên tôi cũng học đòi, bày đặt viết lách. Cả hai chuyện tôi đều nhờ đăng trong trang “Biển Khơi”. Sau đó, tôi quên bẵng luôn.

Khi viết chuyện cho trang NLSBD bỗng tôi nhớ lại mình có từng viết bài gửi đăng. Chỉ nhớ ở Biển Khơi mà không thể moi óc nhớ tên bài là gì và viết dưới bút hiệu nào nữa. Tôi bèn gửi email hỏi khéo anh Vũ Hoàng Thư, chủ biên trang Web “Biển Khơi” với chút hy vọng mong manh, may ra anh kiếm lại dùm. Không ngờ anh Thư sốt sắng tìm ngay. Nhưng chỉ thấy bài “Tờ hôn thú”. Anh trách tôi, sau “Tờ Hôn Thú” tôi đã “ly thân” với Biển Khơi luôn. Tôi trả lời anh chẳng những tôi “ly thân” với BK mà còn “ly thân” với chính mình trong nhiều năm qua. Anh gửi bài lại cho tôi. Thế là tôi mang món nợ văn nghệ với anh. Vì món nợ này, tôi cầm viết lên và viết… Nợ anh tôi có thể trả. Còn nợ của chính mình. Nợ đã đánh mất bao nhiêu năm tháng đẹp đẽ, quý báu. Nợ mình đã quên mình. Tôi còn trả kịp không ? Chiếc cổng thời gian của đời tôi sắp khép lại. Lòng tôi vẫn còn ướt sũng đau thương, khổ lụy. Đành mơ ước

Cho tôi về lại thời gian còn bỏ ngỏ
Vớt nắng hong lòng
Nắng gõ cửa hồn tôi.
(Cảm xúc từ “Bắt Nắng” của Vũ Hoàng Thư)

Còn bài “Muối mặn tình người” tìm không ra. Thư đi thư về, cuối cùng tôi được anh Thư tặng cho quyển tuyển tập “Bắt Nắng” của anh. Cảm xúc từ chuyện “Bắt Nắng”, tôi đi tìm “giọt nắng” sắp mất của mình. Anh đã bỏ nhúm men nồng xúc tác vào tâm hồn hóa thạch của tôi. Một “chút duyên văn nghệ” này xin nhớ mãi.

Tôi đang viết về tôi, về anh Vương Thế Đức, về anh Vũ Hoàng Thư. Cám ơn người. Cám ơn đời vẫn còn một chút tình yêu tôi.

Cỏ Hoang
Tháng 10, 2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019