SỐ 83 - THÁNG 7 NĂM 2019

 

Am Cây

tặng Liên Thưởng

Con chim
hót

một tràng sông
Nụ cười bản trạch

thơm nồng
cõi xa.

Thi Vũ

Còn nụ cười nơi lữ địa thì sao ?

Người như hạt cải trong gió bay. Lưu lạc đâu đó dưới những chân rừng xa tắp, hạt cải mọc lên đơn độc. Sắc vàng vẫn thắm. Lõi cốt trung trinh trong nhụy. Lá xoè tay níu gió hỏi đường về vườn cũ. Ngọn cờ tín hiệu là hoa kia dang chỉ dẫn lối tìm cho nghìn trùng hạt lưu ly.

Giờ này trên rặng Carona, sơn lựu và đỗ quyên chập chùng nở rộ. Đủ màu khoe sắc. Trắng trong, vàng tằm, hồng môi, tím ngát... Mỗi màu trang hàng tầng đậm lợt, vọng tới  hồn sâu. Tất cả nổi trên sắc lục thông non. Gió góp từng chùm huơng thả bồng bềnh trong nắng.

Từ núi cao nhìn xuống mặt hồ Lugano bích biếc, nhìn qua các rặng San Salvatore, Cima della Piancaccia, Monto Generoso... chỏm mình vào mây trắng.

Sơn lựu, đỗ quyên, mộc lan... những loài hoa xưa ở Hy mã lạp sơn. Các đoàn thám hiểm nguời Âu mang về hồi thế kỷ XIX.

Chẳng như nguời, hoa không quổc tịch, ở đâu cũng muôn màu. Không là quổc gia, hoa không biên giới. Lúc nào vẫn tỏa hương. Từ ngày có mặt trên trái đất, sáu chục triệu năm hơn, chưa một lần các loài hoa gây thánh chiến.

Thần tiên, thoát tục phải chăng là nơi không giới tuyến, từ đất vào tới lòng ? Một nền văn minh phi tự ngã ?

Rời ngọn Carona xuống vùng thị trấn Lugano là đi vào vùng tự ngã. Dù Lugano kiều diễm, an bình hơn các nơi một bực. Vào thị trấn, là rời bỏ thinh không và thiên nhiên thác sinh vào cương vực của cái tôi. Chiếc xe của tôi, chức tước của tôi, sự nghiệp của tôi, tài sản của tôi... Đừng ai đụng tới!  Đụng là lãnh lấy tù đày, chết chóc ! Cái tôi phóng lớn thành chúng ta. Một chúng ta chúa động, như bầy sói đái một vòng quy định lãnh thổ trên cảnh vật hồn nhiên.

Xuyên thị trấn tôi về thôn Ô Châu thăm một Nguời Vượt Biển. Mười hai năm em sống trong góc núi. Ngày lao động kiếm cơm. Chiều trổng cây, tưới vườn. Nhũng ước vọng, uất hờn, nhớ nhung quê cũ, ngày cứ mọc dài ra lá non, hoa đóm. Lặng lẽ như cây. Vô ngôn mà hữu sắc. Mỗi thân cây một điệp khúc mùa, một xao động trăng sao, một thủy chung với mặt nhật. Một bài thơ trên cát đá.

Vui biết bao cho kẻ khát khô trên sa mạc thoáng thấy bóng cây xanh?

Mỗi người Vượt Biển lộ dấu quê hương qua thao tác mỗi ngày. Cho đến khi tâm hồn lợt sắc, tha hóa ra chùm tầm gửi, thành lá cỏ bồng bị gió tây thổi bứt — đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp.

Mỗi người là một nhà sư trước ngọn gió tây. Bốc bay hay đứng trụ. Cỏ bồng hay cành cao.

Mỗi ngày một trang kinh vô tự. Ý rừng dào dạt sau lớp sương mai ngủ ngái. Chữ rừng trào dâng lên vạt nắng. Giữa cảnh mông lung buổi sớm, các chậu cây thu bé thỏ thẻ tiếng nói đại ngàn.

Hàng trăm cây cảnh chăm chút từ mười mấy năm qua dựng lại một góc Trường Sơn thanh bình nơi khách địa. Vóc dáng của trường sanh.

Chơi Cây cũng là pháp môn tu luyện tâm hồn. Có việc gì không thế trong đời này ?

Người Vượt Biển chỉ vào cây thông đã hóa long nói : « Nó là thông trên núi. Mẩt ba năm mới đem được về vườn. Năm đầu cắt một trong ba nhánh rễ lớn. Năm sau cắt thêm nhánh nữa. Chờ rễ non xông đất, mói bứng đưa vào chậu nhỏ. Nay đang luyện cho cây thành rồng ».

Thông như ngọn bút viết vào trời xanh lời rừng. Thông như rồng lượn giữa lòng người đã câm bặt nỗi đời. Cách nào vẫn là tiếng nói vô ngôn mà hữu sắc của Cây.

Tôi bỗng nhìn Người Vượt Biển định nói rồi thôi.

Nói làm sao cho em hiểu cảm giác khu vườn em là Am Cây đang mọc dậy trong tôi như ngôi Chùa linh ẩn, một thánh thất nhiệm mầu ?

Thi Vũ
Lugano, 25-6-1996

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019