SỐ 83 - THÁNG 7 NĂM 2019

 

Cờ Vàng Phủ Lấy Giá Gương

Tôi đi HO10, định cư tại thành phố Saint Louis tiểu bang Misouri đầu tháng 6 năm 1992. Saint Louis là một thành phố tương đối sầm uất thuộc miền Trung Tây nước Mỹ, nằm bên dòng sông Mississipi như là một lằn ranh, phía trên là tiểu bang Illinois với thành phố Chicago rộn ràng.

Người Việt tị nạn tại Saint Louis không nhiều, khoảng 10 ngàn người trên 350 ngàn dân  bản xứ pha lẫn các sắc dân gốc Châu Phi Châu Âu Châu Á và Hispanic. Saint Louis thể hiện bốn mùa rõ ràng. Mùa xuân cây cỏ đâm chồi, mùa thu lá vàng, mùa hè nóng bức và mùa đông tuyết rơi.

Gia đình tôi đến Saint Louis vào lúc chớm hè, học sinh đã nghỉ học. Một tuần sau, các chiến hữu Không Quân mời tôi tham dự Ngày Quân Lực 19 tháng 6, được tổ chức tại một sảnh đường của một building trên đại lộ Grand (con đường chính của người Việt tại đây). 17 năm sau ngày mất nước, lần đầu tiên cảm xúc tôi dâng trào khi được dịp nghe lại quốc ca VNCH trỗi lên hùng hồn, được nhìn lại Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu được đặt trang trọng trên khán đài.

Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa (K9/ Võ Bi Đà Lạt, Cựu Tỉnh Trưởng Bình Thuận) giới thiệu tôi với mọi người tham dự. Tôi vui mừng gặp lại đồng đội đồng hương, nhưng điều làm tôi ngây ngất vẫn là được nghethấy lại quốc ca và quốc kỳ VNCH, như thể tôi gặp lại khung trời cũ, đồng đội xưa…

Sinh hoạt trong hội đoàn quốc gia trở thành một nhu cầu thiêng liêng của mọi cựu quân nhân QLVNCH trên quê hương mới. Tôi nhanh chóng hội nhập vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại đây. Một trong những thành tựu mà tôi hãnh diện được đóng góp tâm huyết của mình là Nghị Quyết Vinh Danh Cờ Vàng do Thành Phố ký và ban hành nhân ngày 30 tháng 4 năm 2004 tại tòa Thị Sảnh Saint Louis.

Được biết, Nghị Quyết Vinh Danh Cờ Vàng xuất hiện đầu tiên và có hiệu lực ngày 19 tháng 2 năm 2003 tại thành phố Westminster California, sau vụ Trần Trường, là nguồn cảm hứng cho hầu hết người Việt tị nạn khắp nước Mỹ và các nước Tự Do trên thế giới như Canada, Úc, Nhật, Pháp, Đức…, noi theo.

Tính đến nay, (08/31/2008 - chiendichcovang) đã có 14 Tiểu Bang, 7 Quận Hạt và 88 Thành Phố, công nhận Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng của người Việt tị nạn Cộng Sản tại Mỹ. Cờ Vàng cũng là lá cờ “Tự Do và Di Sản”, đại diện cho người tị nạn Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Chiến Dịch Cờ Vàng khởi sự đầu tiên từ năm 2003 tại Virginia và sau đó là Cali. Mong sao Chiến Dịch sẽ kết thúc chừng nào Ước Vọng của người Việt lưu vong được thành tựu. Ước vọng đó là:

- Lá Cờ biểu tượng của Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền tức Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sớm được tung bay trở lại trên đất tổ quê cha,
- Các thế hệ Việt Nam tiếp nối, quyết đấu tranh cho một Việt Nam không cộng sản cho mai sau.

Chúng ta vì hai chữ Tự Do mà bỏ nước ra đi. Chúng ta ra đi mang theo Quê Hương. Quê Hương chỉ còn là biểu tượng trong tâm tưởng. Biểu tượng đó chính là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.

Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thì:

” …màu vàng thuộc hành thổ và màu đỏ thuộc hành hỏa và vì hỏa sanh thổ nên hai màu này rất hợp với nhau. …, ba sọc đỏ nhỏ như những tia nắng rọi xuống một mặt đất rộng rãi làm cho mặt đất này ấm áp và có điều kiện thuận lợi cho cây cỏ mọc lên được”.
“…nền vàng tượng trưng cho quốc gia và dân tộc Việt Nam nói chung và ba sọc đỏ tượng trưng cho ba miền”. (*)

“…Trong gần 30 năm, từ 1948 đến 1975, người dân VN tự do cũng như người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh không biết bao xương máu chống cộng sản miền Bắc xâm lược không phải để bảo vệ một chủ nghĩa hay một chủ thuyết mà để bảo vệ cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Miền Nam. Vì thế ngọn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và bài Tiếng Gọi Công Dân không những là biểu tượng cho quốc kỳ và quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là biểu tượng cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, cho nguyện vọng tốt đẹp của quốc gia, dân tộc” (*)
(*) https://vinhdanhcovang.wordpress.com/2011/07/31/y-nghia-c%E1%BB%A7a-la-c%E1%BB%9D-vang-ba-s%E1%BB%8Dc-d%E1%BB%8F-va-bai-%E2%80%9Cti%E1%BA%BFng-g%E1%BB%8Di-cong-dan%E2%80%9D/.

Có thể anh, có thể chị không quan tâm đến ý nghĩa của Cờ Vàng. Không sao! Nhưng một điều chắc chắn là anh chị đều nuối tiếc một thời vàng son mà qua đó hầu hết mọi công dân Miền Nam (trong đó có anh chị) đều được hưởng một cuộc sống yên bình,  không bị sách nhiễu bởi bọn cán bộ chuyên chính vô sản, ác ôn tham tàn và bạo ngược.

Để có được một hậu phương yên bình như thế, trên ba trăm ngàn chiến sĩ Quân Lực VNCH đã hy sinh trên khắp các chiến trường, từ Bến Hải đến Cà Mâu kể cả ngoại biên. Hàng chục ngàn chiến sĩ đồng minh như Úc, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Tây Lan, Đài Loan…, cũng đã vùi thây nơi sông rạch, tại hốc núi ven rừng của miền Nam xa xôi, để bảo vệ nền Độc Lập Tự Do cho Miền Nam.  

Ngày nay, gần hai triệu người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, quê hương mới của họ, hẳn những công dân Mỹ gốc Việt đó sẽ không thể nào quên ơn 58 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam Tự Do, bảo vệ Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu!

Từ Bình Long Anh Dũng, Kontum Kiêu Hùng đến Trị Thiên Vùng Dậy, cái giá của Tự Do được tính bằng xương máu. Qua đó, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mang cả hồn thiêng sông núi uy linh trong đó. Để cắm được Ngọn Cờ Uy Linh trên Phu Văn Lâu Huế, hay trên Cổ Thành Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, “có mấy ai biết rằng trung bình mỗi ngày có tới hằng trăm TQLC (Thủy Quân Lục Chiến) được gói poncho để dưới chân tường thành làm nấc thang cho đồng đội tiến lên và tiếp tục gục ngã!” (Những Anh Không Quân – Captovan, Nửa Đường, sắp xuất bản).

Và ngay sau khi quân ta dựng lại ngọn cờ thiêng trên Cổ Thành Quảng Trị ngày 16 tháng 9 năm 1972, bản nhạc Cờ Bay Trên Quảng Trị Thân Yêu (Lê Kim Hoa & Trương Hoàng Xuân) ra đời và bài hùng ca được toàn dân toàn quân nhiệt liệt chào đón và trân trọng cho tận ngày nay:

Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
...
Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quỳ hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng

Hồi sinh rồi này mẹ này em
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời

Image result for cờ bay trên thành phố quảng trị

 …
Sau khi ổn định cuộc sống tại quê hương mới, ý thức được tính linh thiêng của Cờ Vàng, các Hội Đoàn Quốc Gia thường tổ chức lễ chào cờ mặc niệm trong các lễ lạc hoặc hội ngộ…Đây là dịp để người Việt tị nạn cùng chung một Ước Vọng, hướng tim óc của mình về lá cờ Tổ Quốc, về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền mai sau.

Để vinh danh và tiếp sức chiến dịch ý nghĩa này, đã có cơ quan (hoặc cá nhân) in hình Cờ Vàng lên tem bưu điện để gởi đi khắp nơi. Cũng có không ít đồng hương đồng đội mang khăn quàng cổ hoặc cà vạt in hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong các cuộc hội họp hoặc xuống đường bày tỏ quan điểm lập trường của mình.

Lòng trung kiên của quý vị với quê hương dân tộc thật đáng trân trọng.

Cuối năm qua, Đoàn Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu phát hành Lịch 2019 Vinh Danh Cờ Vàng, qua đó, hình ảnh các anh chị hậu duệ khắp nước Mỹ nâng niu Lá Cờ Vàng mà cha anh của các anh chị đã chiến đấu và đã hy sinh vì biểu tượng thiêng liêng đó! Các anh chị quả là Con Nhà Tông. Xin hoan hô!

Cón lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại quốc nội thì sao?

Bọn cầm quyền cộng sản vẫn còn lo sợ hình bóng của Lá Cờ nầy. Sau 44 năm (1975-2019) dưới chế độ chuyên chính vô sản, người dân đã nhận thức được tính nhân bản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Nhiều phụ nữ trong nước đã mặc áo dài trang trí Cờ Vàng trên vạt áo thướt tha trong các dịp hội hè. Một số thanh niên tại Hà Nội đứng ra tổ chức “Kỷ Niệm 60 Năm Ngày Quốc Khánh 26/10 VNCH”, các cháu trưng cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên cao và cùng hát Quốc Ca VNCH!

Các cháu thật can đảm.
Tôi thật sự cảm động và ngưỡng mộ tâm huyết của các cháu. (https://www.youtube.com/watch?v=yWtMzXEICsQ).

Điều làm người Việt trong và ngoài nước thán phục là câu chuyện Nguyễn Viết Dũng tức Dũng Phi Hổ. Cháu sinh năm 1986 (33 tuổi), tự tìm hiểu ý nghĩa của Cờ Vàng và tự thực hiện Cờ Vàng để treo trong khuôn viên nhà mình. Năm 2017, tòa án cộng sản tại Nghệ An tuyên án cháu 7 năm tù. Điều than phục nữa là, trước vành móng ngựa, Dũng vẫn mặc áo lót in hình Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ!

Cháu Dũng thân yêu, cháu can trường hơn là tôi nghĩ!
Tôi thật sự ngưỡng mộ lòng can trường mà tôi không thể sánh với cháu được!
(https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151120_voandon_dungphiho)

Và để hun đúc Chiến Dịch Cờ Vang bền lâu trên quê hương mới, nhiều đám tang được  tổ chức Nghi Lễ Phủ Cờ cho người ra đi là cựu Quân Cán Chính VNCH. Đây là vấn đề hết sức tế nhị, thuộc cảm nhận và suy nghĩ riêng của từng cá nhân. Một số đồng thuận việc phủ cờ, một số không . Một số không có ý kiến, để ngỏ cho gia đình quyết định một khi vô thường xẩy ra cho họ.  

Số không muốn phủ cờ, đa phần là các công chức hoặc sĩ quan cao cấp, giữ những trọng trách trong chính phủ hay quân đội, vì lòng tự trọng nên rất ái ngại khi đề cập chuyện nầy. Một lý do dễ hiểu khác là, nghi lễ phủ cờ chỉ dành cho những chiến sĩ hy sinh trên chiến trường hoặc hy sinh vì công vụ. Còn chết già chết bịnh nơi xứ người thì không xứng đáng nhận nghi lễ nầy:

“Mai tôi chết cờ vàng xin đừng phủ.
Xác thân này đâu chết cho quê hương?
Súng gươm xưa đã bỏ lại chiến trường!
Thân chiến bại nhục nhằn nơi đất khách!”

(BĐQ Nguyễn Ngọc Trân)

Xin trân trọng tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng của quý vị!
(https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/01/26/luan-ve-nghi-thuc-phu-co-do-ngoc-uyen/)

Bên cạnh nhóm không muốn phủ cờ đó, vẫn có một số cựu Quân Cán Chính (QCC) ngầm tỏ ý muốn của mình trong nội bộ gia đình. Cho đến khi người thân trong tang quyến trình bày ý muốn đó với bạn bè hoặc với hội đoàn liên hệ, thì lễ phủ cờ sẽ được cử hành theo đúng lễ nghi quân cách.

Lý do nên phủ cờ cũng rất đơn giản. Đó là, chỉ những người Việt Quốc Gia mới tị nạn cộng sản. Khi bỏ nước ra đi, họ chỉ mang theo quê hương. Nay họ chết già chết bịnh trên xứ lạ quê người, họ vẫn mang theo quê hương, đó là chính thể Việt Nam Cộng Hòa, đó là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Chính vì thế, lễ phủ cờ cho họ không có gì là quá đáng.

Khi tôi chết Cờ Vàng xin cứ phủ
Bởi chúng tôi chưa giải ngũ bao giờ

(Trần Kim Khôi)

Qua ý tưởng trên, chúng tôi xin được diễn dịch là, dù vận nước đen tối, nhưng những cựu quân nhân vẫn giữ một trách nhiệm vô hình trong tâm tưởng đối với quê hương dân tộc của mình, vẫn tiếp tục chiến đấu, không phải bằng súng đạn mà bằng một loại vũ khí mới, gọi là vũ khí mềm. Loại vũ khí mềm chính là quan điểm lập trường Quốc Gia Dân Tộc được chuyển đạt bằng chữ viết hay tiếng nói (nét vẽ, nốt nhạc, bài thơ…), góp phần vinh danh chính nghĩa của VNCH, lên án sự tàn ác gian xảo của chủ nghĩa cộng sản, tiếp tục phát huy chiến dịch Cờ Vàng cho đến các thế hệ tiếp nối…

Được biết, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là cờ của một dân tộc, của cả Quân Dân Cán Chính VNCH. Trong vụ thảm sát Mậu Thân 1968 do cộng sản khát máu gây ra, trên nắp quan tài của tất cả người dân vô tội Huế đều được sơn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ như thể một nghi lễ tưởng niệm của chính quyền địa phương đối với người dân xấu số. Bởi vì, người bị sát hại là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.

Image result for thảm sát huế tết mậu thân các thủ phạm

Từ những nhận định trên, nghi lễ phủ cờ tại quê hương mới xác định 2 ý nghĩa.

- Một là, người nằm xuống là một chiến sĩ quốc gia, vẫn giữ trong tâm tưởng ngọn lửa đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền.   
- Hai là, duy trì sự hiện hữu của Lá Cờ Chính Nghĩa, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên quê hương mới cho đến các thế hệ tiếp nối.

Chúng tôi đồng tình với tác giả Đỗ Văn Phúc trong bài tiểu luận ”Phủ Cờ? Nên Hay Không”. Nếu NÊN thì cần phải trang nghiêm và theo đúng bài bản để tôn vinh Lá Cờ.
(http://michaelpdo.com/2016/03/le-phu-co-co-nen-hay-khong/)

Các Hội Đoàn quốc gia tại miền trung Cali rất thuần thục về nghi lễ nầy. Dù vậy, chúng tôi cũng mạn phép nêu ra mấy gợi ý mà toán phụ trách nghi lễ cần để ý, là:

- Người được phủ cờ phải là  một chiến sĩ quốc gia, không hề làm điều gì xúc phạm đến thanh danh của tập thể Quân Cán Chính VNCH bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Điều kiện nầy rất quan trọng, nói lên tính xứng đáng của người nhận vinh dự nầy và nhân thể tôn vinh Lá Cờ của Tổ Quốc.

- Ngày xưa, Đơn Vị liên hệ phụ trách phủ cờ, ngày nay là Hội Đoàn liên hệ.

- Tuyên đọc Tiểu Sử của người mãn phần trước khi phủ cờ.

- Người phụ trách phủ cờ nên mang găng tay trắng; nếu là cựu quân nhân thì nên mặc quân phục, để nghi lễ phản ánh vẻ trang trọng.

Lẽ vô thường không chừa một ai. Không ít người trong số cựu Quân Cán Chính VNCH đã viết sẵn di bút cho ngày mình ra đi. Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Cựu Trung Tá Không Quân, ân nhân của thương phế binh VNCH tại quê nhà, khi ra đi (04/2017), Bà  để lại chúc thư “yêu cầu đừng làm lễ phủ cờ, mà thay vào đó chỉ xin đặt hai lá cờ nhỏ VNCH và Hoa Kỳ trên quan tài của bà mà thôi! “

Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình và cộng đồng đã tôn trọng ý nguyện của Bà.

Theo sau Lễ Phủ Cờ là Lễ Thu Cờ (hay Xếp Cờ) trước khi quan tài hạ huyệt hoặc đưa vào lò thiêu. Cờ Vàng xếp thành hình tam giác và trao cho thân nhân. Cách tốt nhất là thân nhân đặt lá cờ nầy trên bàn thờ của người quá cố.

Tại xứ người, do bận bịu công ăn việc làm nên việc lập bàn thờ để thờ cúng tại nhà không mấy hệ trọng như ở quê nhà. Mọi nghi lễ tôn giáo thường diễn ra tại chùa hay nhà thờ. Hơn nữa, việc làm thay đổi bất thường, nơi ăn chốn ở cũng thay đổi theo. Vì lẽ đó, các bậc làm cha mẹ không muốn làm phiền con cháu khi đau ốm, hoặc trước hoặc sau khi qua đời. Đa số cựu Quân Cán Chính muốn hỏa táng sau khi chết. Tro cốt rải trên núi hay xuống sông xuống biển, khỏi phải bận bịu việc thờ phượng hoặc tảo mộ.

Chúng tôi rất tâm đắc với ý nguyện cuối đời của Bà Hạnh Nhơn. Từ ý nguyện đó, chúng tôi liên tưởng đến câu ca dao:

Nhiểu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Trong hoàn cảnh hiện tại, đề nghị thay nhiểu điều bằng Cờ Vàng (hay Quốc Kỳ), câu ca dao mới sẽ thành:

Cờ Vàng phủ lấy giá gương,
Ngàn sau Hồn Nước còn vương Cờ Vàng.

Giá gương và Cờ Vàng tuy hai mà một, vừa tôn kính, vừa hài hòa, vừa thể hiện tính Trung Hiếu của người đã vĩnh viễn ra đi và những người ruột rà còn tại thế.

Hồn NướcCờ Vàng hòa quyện trong di ảnh của một Quân Cán Chính VNCH, phải chăng đó cũng là cách tôn vinh Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ?

Bắc Đẩu Võ Ý
Vườn Thượng Uyển,
Westminster, CA 03/2019

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019