SỐ 83 - THÁNG 7 NĂM 2019

 

Giới Thiệu Sách Mới

Văn Nghệ Biển Khơi vừa nhận được tập tiểu luận “Đuổi Bóng Hoàng Hôn” của anh Trương Vũ. Thành thật cám ơn anh Trương Vũ và xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:

ĐUỔI BÓNG HOÀNG HÔN

Tuyển tập tiểu luận của Trương Vũ

Du?i Bóng Hoàng Hôn

Trích từ “Mặt Trời Phía Sau”, Trần Vũ, Da Màu, July 1, 2019:

“Luôn bắt đầu bằng một hình ảnh. Điểm xuất phát phải là một hình ảnh trong đầu mà tôi muốn người đọc nhìn thấy. Hình ảnh ấy mang một xúc động, một cảm giác mà tôi cố gắng tường thuật trên giấy. Tôi chưa rõ nội dung khi bắt đầu viết, tôi không biết liệu sẽ tạo ra một câu chuyện hai trang hay một trăm năm mươi trang, hay cuối cùng sẽ không thành gì hết – chỉ một đoản thiên rồi không đi đến đâu, không khai mở điều gì…”

Eduardo Halfon, cách đây nhiều năm kể về cách hình thành văn bản của chính mình. Halfon chuyên truy lùng căn cước di dân qua trôi giạt rồi tìm về cội nguồn bị áp bức. Có gì giống giữa Trương Vũ với Halfon, một nhà văn Do Thái sinh tại Guatemala?

Giống ở sự trôi giạt. Sự ly tán gia đình. Nhìn cách này, Trương Vũ gần với Halfon: “Nhiều thứ đã đi vào quá khứ nhưng vẫn để lại những dấu vết sâu đậm trong tim mình. Tôi muốn nói về một câu chuyện thật, được kể lại để làm nền cho tác phẩm The Bridge on the Drina (Chiếc Cầu trên sông Drina) của nhà văn Nam Tư (Yugoslavia) Ivo Andric’, người đoạt giải thưởng văn chương Nobel 1961. Tác phẩm lấy bối cảnh của thành phố Visegrad của Bosnia từ thế kỷ 16 trở về sau. Đây là nơi thường xuyên chứng kiến những tranh chấp tàn bạo giữa hai đế chế Thổ và Áo-Hung, và cũng là tranh chấp giữa Hồi Giáo với Thiên Chúa Giáo (gồm Công Giáo và Chính Thống Giáo) liên tục suốt 400 năm. Để ngăn chận sự phát triển của Thiên Chúa Giáo, người Thổ tổ chức bắt cóc những đứa con nít thuộc gia đình Thiên Chúa Giáo, thường là những gia đình nghèo, đưa sang vùng cai trị của Thổ, bên kia sông Drina. Những đứa bé này được cải sang đạo Hồi và lớn lên như người Thổ. Rất nhiều bà mẹ đưa con đi chợ với mình, quay nhìn lại không thấy con đâu, rượt theo kẻ cướp cho đến bờ sông Drina, dừng lại, ngơ ngác nhìn theo chiếc phà chở con qua sông. Lúc đó, phà là phương tiện duy nhất để qua sông. Bên kia là vùng cai trị của đế quốc Thổ.

Thời gian đầu ở Mỹ, cả gia đình tôi còn lại Việt Nam. Hình ảnh những bà mẹ đứng ngơ ngác bên này sông Drina luôn ám ảnh. Có nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy dẫn các con đi chơi, đang ngồi ăn uống vui vẻ, chợt nhìn lại không thấy con mình đâu.” [Trương Vũ/ Mưa Ướt Vị Thành]

Halfon không khác, trong sự phát tán: “Bốn ông bà tôi sinh ra: một ở Liban, một ở Ba Lan, một ở Ai Cập và một ở Syrie. Tình cờ tất cả đều đến Guatemala vào giữa thế kỷ 20, bằng lang thang du mục không có gì khác ngoài Do Thái giáo. Nhưng tôn giáo không đủ lấp mất mát và ngơ ngác. Họ đánh mất người thân trên các lục địa khác. Đánh mất vì nhiều lý do mà tôi chưa biết hết. Khổ đau và cô độc thì tôi đã nhìn thấy trong mắt họ.”

Eduardo Halfon và Trương Vũ còn chung cách hình thành văn bản từ một hình ảnh.

Ở Halfon, là trận nắng: “Khi viết Tu Viện, hình ảnh mà tôi có trong đầu là cảm giác khó chịu của một ngày về đến Israël, không muốn về, nhưng bị thúc đẩy bởi một thứ bổn phận đầy phiền toái bắt buộc tham dự đám cưới của chị mình. Bên trong tấm ảnh ký ức còn tất cả sức nóng ngột ngạt của sân bay Tel Aviv. Là hình ảnh đầu tiên khi tôi đặt bút viết.” [Eduardo Halfon/ La Fiction m'aide à passer de l'Individuel à l'Universel].

Ở Trương Vũ, là trận mưa: “Tôi nhớ những cơn mưa ở Việt Nam, Nha Trang hay Sàigòn. Mưa Sàigòn thường đến ào một cái rồi ngưng. Mưa Nha Trang kéo dài lâu hơn, nhiều khi dầm dề, và cái cảm giác ướt át lành lạnh nó để lại thường dai dẳng. Tôi nhớ những buổi tối, ở xa về, tôi lang thang trên bãi biển dưới mưa, nhiều đêm mưa tầm tã vẫn không muốn về. Tôi nhớ những ngày còn ở trung học, ngồi trên thềm nhà đọc sách, nước mưa rơi xuống từ mái hiên, thỉnh thoảng những giọt mưa tạt nhẹ vào người. Tôi nhớ những đêm mưa tôi dạy học trong một lớp luyện thi. Học trò từ nhiều trường khác nhau, Lê Quý Đôn, Võ Tánh, Nữ Trung Học... Lớp học mượn của đình Phương Câu, trống một bên. Khi gió lớn, cả thầy lẫn trò đều ướt. Bốn mươi lăm năm đã qua rồi, tôi vẫn còn nhớ rất rõ nét mặt một số học trò trong lóp đó. Tôi còn cảm nhận được cái lành lạnh của nước và mường tượng âm vang tiếng cười giòn của các em khi cố lách mình tránh mưa.” [Trương Vũ/ Những Cơn Mưa Ngày Cũ].

Đến đây chấm dứt sự giống nhau, vì Halfon truy tìm nguồn gốc của thảm kịch, còn Trương Vũ tìm sự lạc quan sau bi kịch. Trận nắng của Halfon là trận nắng của thực tại bực bõ khi về quê. Cơn mưa của Trương Vũ không phải mưa bi lụy mà mưa qua lớp học, với học trò. Halfon xây cất tiểu thuyết trên sân phi đạo Tel Aviv của một Do Thái kiều hồi hương, Trương Vũ xây cất tiểu luận trên nền gạch ướt mưa của sân trường cũ. Hai tâm thức. Hai hướng đến.

(ngưng trích)

oOo

Sách dày 202 trang, khổ 6" x 9, bìa cứng hai lớp
Tranh bìa của chính tác giả
Trình bày: họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp
Kỹ thuật: Lê Hân và Tạ Quốc Quang
Biên tập: Trần Thị Nguyệt Mai
Nhà xuất bản NHÂN ẢNH, Hoa Kỳ, tháng 5/2019.

Trên internet, các bạn có thể mua sách
ở AMAZON hoặc BARNES & NOBLE.
Bấm vào các đường dẫn dưới đây để vào:
AMAZON 
BARNES & NOBLE.

Muốn mua sách trực tiếp ở nhà xuất bản, liên lạc:
Lê Hân,  han.le3359@gmail.com

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019