SỐ 83 - THÁNG 7 NĂM 2019

 

Viết Cho Một Người

Nửa đi đâu đã dửng dưng
Nửa còn ở lại giọt rưng lưng tròng
Neo buông, kiếm gác thong dong
Tà dương bóng khuất ráng hồng chân mây
Thương ai lối vắng vai gầy!




Hôm nay là một ngày nắng đẹp. Nóng. Ở xứ mưa nhiều lắm mây nắng keo kiệt đây, nắng là một hiện tượng thiên nhiên hiếm hoi. Vì thế, không nên ngạc nhiên với cảm giác lạ lùng, bỡ ngỡ khi nghe cư dân bản địa bất thình lình đưa “nắng” vào làm đề tài trong câu chuyện. Không phải chỉ để đẩy đưa. Thoáng nghe thì như người đối thoại không còn gì để trao đổi, nhưng kỳ thực lại là một cách bày tỏ, bộc lộ nỗi vui mừng thỏa mãn đợi mong; chưa nói, nó còn là một cách hỏi han, trong đó dấu diếm tính lãng mạn thi vị, tình tứ. Vâng, nắng và nóng. Nóng như những ngày hè hẹn hò ở Nice, cực nam nước Pháp, đám du khách lang thang trong gió mặn, thân trần, trốn mặt trời dưới những chiếc mũ rơm nhiều kiểu dáng. Nhớ tới cơn nóng phố biển, tôi vói tay lấy chiếc mũ mua năm rồi trong chuyến về thăm quê “dợ”, đội lên đầu, lững thững ra xe. Con đường 240th  trong ngày thứ bảy, đoạn Bắc 182th, còn vắng xe qua lại cho dù trời ngả xế trưa. Qua ngọn đồi thấp, nơi có một ngôi nhà bỏ hoang, những khóm hoa bồ công anh theo nắng vàng rực trên bãi cỏ xanh. Hôm nay, chúng tôi, bảy người bạn đồng môn hải quân của chương trình Trần Hưng Đạo có buổi họp mặt tại tư gia anh chị Nguyễn Đức Mậu để bàn bạc về chi tiết tổ chức Đại Hội XVII tại Seattle vào năm 2020.


“Chào quý bạn và quý chị thân mến. Sáng nay thức dậy đã nhận được tin nhắn của cả Group qua TEXT ..
Tôi vội email lại THƯ gởi lần trước để nhắc nhở anh em mình cho thống nhất.
Ngày họp mặt của chúng ta :
- Thứ Bảy ngày 11 tháng 05 lúc 1:00 PM. Trễ tí cũng Ok. 
- Tại tư gia Mậu Cúc: 9727  178th. AVE. SE. RENTON, WA 98059 
- Potluck please, chủ nhà lo các loại nước uống…”


Khi tin nhắn này đến, tôi đã không chút ái ngại nhận ngay lời mời đến nhà. 

Không biết bắt đầu từ lúc nào tôi tự dưng trở chứng, chắc già sinh tật, ngại ngùng khi đến nhà người khác, dù là nhà của anh em ruột thịt, trừ khi không thể không đến. 

Nhưng, hôm nay lại khác, có một cái gì đó vô hình khuyên tôi không nên từ chối. Tôi vui vẻ, gọi và hẹn với anh chị Minh hôm nay đến nhà cùng đi. 

Từ đỉnh ngọn đồi đường Central, xe lao xuống dốc vùn vụt, nhanh như tuổi già qua mau. Rồi, khựng lại, đứng im trước những ngọn đèn đỏ chớp nháy trên hai cây cổng dài nằm chắn ngang đường: xe lửa! Thành phố Kent có con đường sắt cắt ngang con phố, hụt hẫng những hẹn hò. Lúc mới dọn về đây, chưa quen, tôi rất bực bội khi phải nối đuôi rồng rắn ngồi chờ, nghe thời gian trôi.

Nếu không bị kẹt xe, tôi có thể đã đến nhà anh Minh rất sớm, có thể sớm hơn đến mười phút. Chiếc xe lửa khá dài. Chậm rãi, thong dong, như nhắc nhở rằng trên đường đời tốc độ xê dịch không mang lại như ý vì mau hay chậm gì, trước sau rồi cũng dừng lại cùng một điểm đến. Không đúng sao, tôi bây giờ cũng chỉ còn một bước là qua bên kia, biên giới của tử sinh? Ngồi đợi cả trăm cái toa xe đủ màu, kín mít, xình xịch băng qua con đường rầy cũ kỹ, tôi sực nhớ lại thời xa lơ, xa lắc, thuở còn học ở Nha Trang, mỗi cuối tuần đi xe lửa “cọp” về Ninh Hoà thăm nhà. Cái đầu máy, mấy chiếc toa, con đường sắt, ngay cả tiếng còi tàu khô khan, giục giã, tất cả của hôm nay đều giống như xưa cổ đại mịt mù, không gì khác. Có khác chăng là cái tôi của bây giờ ở tuổi bảy mươi mốt (71) dửng dưng và của xa xưa, mười bảy (17) cuồng nhiệt.

Nhà anh Chị Minh ở gần đây, trên đường số 3, phía đối diện tiệm ăn sáng Panera có cà phê espresso hột Arabia và món bánh mì grilled cheese bắt mắt. Tôi và Anh Minh thường cùng nhau đi bơi hồ mỗi sáng, ngoại trừ ngày thứ tư, cả hai đều phải rước cháu vì chúng tan học sớm. Những lúc vẫy vùng trong nước, chúng tôi như tìm lại được thời trai trẻ. Những địa danh, các bến cảng, hải đội, duyên đoàn... không lục lọi, tìm tòi mà cứ theo câu chuyện trở về từ miền quá khứ lẫn lộn với những con kênh nước mặn đục phù sa. Gần đây, sau khi quyết định thực hiện “ca” phẫu thuật thay đầu gối, Anh Minh chưa hồi phục hẳn, đi đứng hãy còn khó khăn, anh dành nhiều thì giờ nằm nhà dưỡng sức. 

Không còn thường xuyên gặp nhau, tôi tự sắp xếp lại giờ giấc giữa đi nhà gym và thăm bạn. Mỗi tuần, tôi dành ra khoảng một, hai tiếng đồng hồ đến nhà thăm. Tôi lại thấy thích thú với chương trình “Thăm dân cho biết sự tình” mới mẻ này. Vì như vậy, tôi được uống trà Nhật, được nghe kể những câu chuyện vui thời sau 75, lúc mới ra tù, túng quẫn, chạy gạo nuôi vợ con. Cái khó ló cái khôn, anh bạn tôi nghĩ ra cách nấu và bán rượu thuốc “lậu”. Hay thời làm chủ vận hành nhà máy xay gạo kiếm cơm, tậu nhà! Nhưng thích nhất vẫn là được ăn những lát táo ngọt lịm, như đường, được chị Minh cẩn thận gọt vỏ, cắt xén gọn gàng. Nhà anh chị Minh là một biệt lệ, ở đây không có từ khách sáo, vắng luôn cả sự giả tạo, màu mè.

Rất tiếc, hôm nay không kịp ăn táo, cũng không uống  trà Nhật chỉ vì chiếc xe lửa chậm chạp, ù lì, vô tình cướp mất thời giờ mà tôi đã cố ý giành giựt, làm trễ giờ lên đường. Vừa gặp mặt, chúng tôi đã phải vội vã ra xe, đi ngay.

Mặt trời tháng năm đuổi theo sau lưng. Câu chuyện gợi nhớ thời sông nước, tiệm sách nơi một người gặp một người ở xứ có lầu “Ông Hoàng” suýt làm tôi quên mất con Hương lộ 169 bắt mắt với hàng cây dương xí Lombardy poplar cao chất ngất và những bụi đỗ quyên bông tím thơ mộng đầu mùa lấp ló hai bên đường. 

“Turn left”! 

Một giọng nói từ chiếc máy chỉ đường phát ra êm ái nhưng quyết liệt: “Rẽ trái”! Chiếc xe chùng lại, chầm chậm rẽ trái. Đường bắt đầu lên dốc, chật lại chỉ còn hai làn xe lên xuống quanh co, nhiều ngả cong bất ngờ và gắt như cùi chõ. Rải rác dọc đường đó đây một, hai căn nhà bề thế nép mình dưới bóng râm của rừng xanh rậm rạp. Chúng tôi cuối cùng dừng trước một ngôi nhà cô đơn, trên đỉnh một ngọn đồi cao bạt ngàn tùng, bách. Đúng là một biệt thự.


Chủ nhà đón chúng tôi trước sân rộng. Mấy chậu cây cảnh, bonsai được cắt xén đẹp mắt. 

Vòng quanh sân trước, một lối đi sỏi trắng, nhiều chỗ sỏi nhỏ bằng hạt đậu tròn như những viên bi thời tuổi nhỏ nằm im lìm, bằng phẳng, tươm tất phản ánh bản tánh của chủ nhà. Trên lối sỏi, không một cọng cỏ dại lẫn lộn. Dọc theo bìa rừng, một hàng rào sắt kiên cố nhằm ngăn không cho đám nai vào ăn những nụ hồng vừa chớm. Hoa là của chị nhà, chăm sóc là công của chàng, ân cần, nâng niu như mối tình tuổi thu dành cho người một nửa của mình. Tàng ẩn trong dáng dấp một đô lực sĩ, Mậu là một con người nhẹ nhàng, nồng ấm, mang một tấm lòng thủy chung. “Anh Mậu thương vợ lắm, anh làm tất tần tật mọi thứ”, như lời của Chị Minh, khi ngắm nghía, trầm trồ những luống rau tươi tắn. 

- Đất nhà mình năm mẫu, mình rào một để bà xã trồng rau, hoa và những thứ bà ấy thích.
- Không có một cọng cỏ dại!?
- Mình làm đấy, mất ba ngày nhổ cỏ.

Lúc đó, chị Mậu đi ra từ căn nhà chính, đối diện vạt rau. Chị Minh ngạc nhiên, trầm trồ:

- Ô, rau kìa!!!
- Vâng, đủ thứ. Em sẽ nhổ cho chị một ít loại rau “cau kỷ”.

Mặc cho hai chị vui với đám rau, chủ nhà hướng dẫn chúng tôi vòng ra sân cỏ vừa được cắt xén, xanh mượt mà.

- Anh em có thể dùng sân cỏ này trong ngày picnic đại hội. Chúng ta sẽ đãi món thịt nướng tại đây. Người nào muốn đi dạo, có thể vào rừng theo lối đi kia. Ai muốn ca hát thì tự do, thoải mái trong nhà chơi, với dàn máy hát, hệ thống âm thanh đắt tiền và đèn khiêu vũ... đầy đủ. Mình dự tính đưa tất cả về đây chơi từ sáng đến chiều tối.

Mậu say sưa hoạch định một chương trình mà qua phát họa của anh, nghe thôi, đã thấy ấm cúng, thân thiện tuyệt vời. Nắng đã lên đỉnh. Ngọn gió rừng thổi hiu hiu qua cánh rừng thông mê ngủ. Giấc trưa trên đồi bị đánh thức và tĩnh mịch bị xáo trộn bởi những tiếng máy xe. Lần lượt những người bạn khác kéo đến, những Chương, Linh, vợ chồng Tuân và Hiền, Hải và người từ thành phố xa nhất, độc hành tận biên cương tiểu bang: Hanh. 

Khác biệt với khí hậu nóng bức bên ngoài, bên trong phòng nhạc mát lạnh, dễ chịu. Một sân nhảy bằng gỗ bóng loáng đang trống trải đợi chờ ngay dưới chu vi sân khấu vừa đủ rộng cho những đêm dạ vũ thân mật gia đình. Có cả một dàn âm thanh và máy chiếu hình cho những ca sĩ karaoke. Tất cả cho thấy lối sống của chủ nhân sung túc qua phong cách hưởng thụ. Qua rồi những ngày tháng lạnh lẽo băng giá của miền Alaska mù sương tuyến đầu đất nước tạm dung, thuở vợ chồng con cái bắt đầu cuộc đời tỵ nạn. Biển động, sóng to tôi luyện tay lái giỏi. Mậu đưa Gia đình kéo nhau về tái định cư nơi xứ lắm đồi nhiều dốc mưa hoài suốt năm. Không bao lâu sau, anh đã được biết đến qua cái tên quen thuộc: Mậu Bánh Mì Sài Gòn. Cái cơ ngơi mà vợ chồng Mậu Cúc có được ngày hôm nay là thành quả đến từ gian lao qua biết bao năm tháng quán xuyến, đảm đang, hy sinh, mồ hôi, nước mắt.

Lúc này, mọi người đã đến đầy đủ, chúng tôi không phân biệt chủ khách quay quanh hai chiếc bàn tròn lớn, loại bàn tròn thường gặp trong các nhà hàng Tàu. Sau một tuần Heineken, bàn cãi việc tổ chức đại hội, mục đích của buổi gặp mặt, ý kiến đóng góp... bắt đầu ráo riết và cởi mở. Những lúc sôi nổi cao đến đỉnh điểm, Mậu như một trung gian hoà giải, nhẹ nhàng góp ý. Rồi mọi chuyện cũng qua. Anh đi sửa soạn thức ăn do mọi người mang đến chung vui. Trà dư tửu hậu, Mậu bỗng dưng có vẻ đăm chiêu, trầm ngâm, khi kể về cuộc đời anh lúc còn trong trại tù cải tạo.

”Mình bị thương ở chân, nhưng bọn cai tù không cho chữa trị. Bọn hắn bắt được tin mình dự tính vượt biên, có ý trốn trại nên nghĩ cách giữ mình bên trong. Chúng điêu lắm, lấy cớ là mình bị thương tích cho miễn làm việc nặng cùng các tù nhân khác, nhưng thực tế là giam mình bên trong rào. Ngày ngày trong khi anh em bạn tù vác dao đi lấy gỗ, đào hố, làm đủ thứ chuyện nhọc nhằn, mình chả đi làm lao động bên ngoài, chỉ nấu cơm cho bạn tù và nuôi heo cho bọn cai. Một hôm mình bắt được tin nhà cho biết tàu vượt biên đã đóng xong, đang nằm tại Rạch Giá, gia đình và người đi đã sẵn sàng chỉ chờ một thuyền trưởng nên rất cần mình về. Kể từ khi biết tin, mình ngày đêm hoang mang, lòng như lửa đốt, lo không biết cách nào để đào thoát. Chỉ cần ra ngoài vòng rào đã khó, nói chi đến trốn trại. Nhiều đêm mình cầu nguyện mong được một phép lạ. Thật bất ngờ, vào một buổi sáng, anh em xếp hàng điểm mặt trước khi ra cổng làm công tác lao động, có một anh bạn bị ốm. Mình mau mắn đưa tay tình nguyện đi thế cho đủ “tiêu chí”. Bọn quản giáo chả nghi ngờ gì, đồng ý ngay. Mình tin tưởng rằng đã có ơn trên sắp xếp cho cuộc đời mình từ giây phút đó”. 

Nói tới đây, đôi mắt Mậu trở nên xa xôi, lim dim, giọng nói anh nhẹ lại, truyền cảm như một Thầy Phó Tế trên bục giảng trước đám đông tín đồ.

“Thế là sáng hôm đó, mình ngoan ngoãn theo đoàn người, dao rựa lên vai, một cách đàng hoàng ra khỏi cổng gác. Cũng quần quật cật lực như mọi người cho đến lúc nghỉ mệt, mình lén qua bên bìa rừng, âm thầm trốn đi luôn bất kể ngày đêm về đến Sài Gòn. Hôm sau xuống Rạch Giá, lên tàu, nhổ neo.”  

Mậu ngừng kể, đưa chai bia hớp một ngụm. “Thôi, chuyện đã qua cho qua luôn. Hát đi. Ai bắt bài hát cho vui.” 

Lúc này tôi nhìn lên màn hình, một dòng chữ trong một bản nhạc quen thuộc Mậu thường hát trong những dịp lễ lạc của hội Ái Hữu Hải Quân địa phương: “Chiều nay ra khơi, thoáng thấy mắt em nhuốm buồn...”. Tôi cười thầm cho ý nghĩ lạ lẫm vừa bén lên trong đầu: “Không biết đôi mắt của chị nào đang ngồi kia sao lại nhuốm buồn nhỉ?” 

Trả lời cho câu mời mọc của gia chủ, không một ai cất tiếng hát. Nhạc cứ trổi lên, người cứ như không bắt được xúc cảm, im lặng, ngột ngạt. Đĩa thức ăn vừa dứt, mọi người đã hối hả ra về. Vợ chồng Mậu bước ra sân tiễn bạn. Hứa hẹn. Bên ngoài nắng tháng năm vẫn bất thường như cái nóng muốn thiêu đốt ngày thứ bảy chưa chịu tàn.

Sáng thứ ba, chín giờ. Trời không mưa chỉ mây mù và gió nhẹ. Nhiệt độ trở về với khí hậu của Tây Bắc, se se. Chiếc xe school bus rước cháu Philip vừa rời đầu ngỏ, điện thoại rung bấn loạn trong túi tôi. Anh Minh gọi, giọng hốt hoảng: “Bạn nghe tin gì chưa? Mậu mất rồi! Trong diễn đàn, An từ Vancouver BC nghe tin, hỏi bọn mình có ai biết tin, xác nhận giùm.” Tôi lặng người vài giây, hỏi:

- Mất rồi? Không thể nào! Anh đã gọi chị Cúc?
- Gọi không được.
- Gọi Hội Ái Hữu Hải Quân?
- Ông chủ tịch đi xa, không trả lời.
- Ok. Tôi sẽ cố gắng gọi một vài người quen rồi liên lạc lại với anh.

Tôi hấp tấp trở về nhà, chân khập khiễng, vội vã, không biết phải làm gì và gọi ai trước cái tin đến một cách bàng hoàng này. Dù vẫn hoài nghi và trong lòng cứ mong sao đó là “tin tháng tư”, tôi lò mò gọi một vài người có tên trong contacts, danh mục điện thoại, quen cũng như chưa quen, có những người tôi chưa bao giờ nói chuyện trước đây. Không ai trả lời điện thoại, tôi để lại tin nhắn, rồi ngồi thừ người chờ. Chờ gì tôi cũng không rõ. Căn nhà của thằng con, tôi về ở với chúng nó hơn mấy năm nay, quen thuộc như nhà mình trở thành trống vắng hơn tôi tưởng. Tiếng máy cắt cỏ từ ngôi nhà tận cuối xóm mọi khi nghe rù rì qua cửa sổ thế mà hôm nay rõ ràng như kế vách. Phía bên ngoài vòng rào gỗ sân sau, cả một rừng thông đứng im phăng phắc như chờ gió gọi. Tôi bước ra ngoài, khóa cửa, theo thói quen mỗi ngày, lái xe đến trung tâm thể dục. Vào bên trong, đi vòng đến phòng thay đồ, phát hiện cái túi xách đã không mang theo, tôi quay trở ra xe, đầu óc trống rỗng.

Về đến nhà, tin nhắn và điện thoại đến tới tấp. Mậu bị heart attack. Anh bị đột quỵ trong lúc tập thể thao. Tội nghiệp, chị Cúc đang loay hoay dọn dẹp mấy thứ đồ lĩnh kĩnh trong phòng khách, linh tính đến một chuyện không lành, chị đột nhiên ngừng tay, quay nhìn lại: qua khung vách gương phòng thể dục, Anh Mậu, nằm gục trên bục ghế, im lìm tự bao giờ...

Sáng sớm phố Kent mặt trời chói chang, ánh nắng vàng và gắt như những buổi sáng ngày hạ ở quận Cam mà tôi đã nhiều lần đến chơi trong những dịp hội hè. Hôm nay thứ năm, bãi đậu xe của nhà thờ hãy còn lưa thưa vài chiếc đến sớm. Tôi lợi dụng cơ hội trống trải tìm một chỗ tốt, dừng xe dưới bóng một cây táo thấp với hy vọng mong manh khi ra về không khí bên trong xe  không biến thành một lò sưởi nóng thiêu đốt. Anh Minh hôm nay mặc một bộ đồ trắng, đi đôi giày trắng, chỉ thiếu cái kết, loại nón nhà binh là thành một bộ đại lễ Hải Quân quen mắt thời trai trẻ còn say sóng khi ra khơi. Lúc chúng tôi vừa đến đại sảnh, bên trong phòng sinh hoạt của thánh đường, đã thấy mấy người trong toán phủ cờ Hải Quân thao dợt, đi qua nghi thức. Tất cả ăn mặc chỉnh tề, bộ lễ phục dạ đen với vòng tay mang cấp bậc vàng sáng rực oai phong. Tôi nhìn lại mình, thầm nghĩ không biết tôi như thế nào nếu còn giữ được bộ đại, tiểu lễ ngày xưa? Anh Minh và tôi tiến đến bắt tay, chào hỏi cựu hải quân trung tá hạm trưởng Hùng và vài người quen. Ấm áp. Thân thiện. Có tiếng đọc kinh văng vẳng vọng ra từ thánh phòng. Vào hẳn bên trong thánh đường, chúng tôi chọn hàng ghế gần cuối. Hanh, Hải đã có mặt, cùng ngồi trước chúng tôi khoảng hai, ba dãy ghế. Thánh đường rộng lớn và tịch lặng, chỉ nghe được tiếng kinh cầu nho nhỏ. Tượng Chúa trên cao cuối nhìn xuống, thánh nhan hiền hòa, nét mặt trầm tư. Người tinh tế có thể nghe rõ tiếng nấc nghẹn ngào, hay tiếng thở dài nuối tiếc sâu lắng của người trong gia đình tang quyến từ những hàng ghế đầu. Cựu thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến tên Bảo, người điều khiển chương trình buổi lễ cất tiếng mời các gia quyến cùng các cựu sĩ quan đồng binh chủng lên phía trước lễ đường. Tôi cùng một số anh theo nhau tiến về hai hàng ghế phía trước. Tất cả an vị. Ngay lúc này, mọi người hướng về lối vào rộng mở. Toán phủ cờ tiến vào. Đứng đầu đội hình toán nghi lễ phía bên trái là một người thủy thủ mặc lễ phục trắng, bên phải, tôi nhận ra Anh Ly, một cựu sĩ quan và cũng là Ông Thủ Từ Đền Thánh Trần tại Seattle trên tay anh ôm lá “cờ vàng” Việt Nam Cộng Hòa gấp ngay ngắn trước ngực một cách trịnh trọng. Sáu người, đi hai hàng. Mắt họ nhìn thẳng, xa xăm. Gương mặt họ trang nghiêm, buồn vời vợi. Tiếng chân đi nhẹ và nhịp nhàng. Tiếng đếm bước thầm thì. “Một, hai, ba, bốn... một, hai, ba, bốn...” Họ đi về phía chiếc quan tài đen, xung quanh có những vòng hoa trắng. Rồi, toán người chia làm hai, đứng hai bên cái áo quan, đưa tay chầm chậm chào người đồng đội. Lá cờ trên tay người thủy thủ bây giờ được nhẹ nhàng trải ra, phủ phục lên nắp quan tài như để ủ ấp người con yêu của đất nước.

Chân dung Anh Mậu, tươi cười, hiền hòa, đứng trên giá vẽ kế bên chiếc quan tài lạnh lẽo. Trong lúc toàn bộ nghi thức phủ cờ ngắn gọn diễn ra từ bắt đầu đến khi trung tá Hùng giọng xúc động nói lời tạm biệt, Chị Nhạn, vợ Hanh đưa tay dùng điện thoại chụp hình, nước mắt chảy ràn rụa, nức nở. Tôi quay mặt ra sau tránh nhìn thẳng vào ống kính, che giấu cái yếu đuối của mình, bất ngờ lại kịp thấy Hanh gương mặt cũng đầm đìa giọt dài, giọt ngắn. Điều này cũng không mấy khó để giải thích về tình cảm mà vợ chồng Hanh Nhạn đã dành cho người bạn vừa nằm xuống, nhất là cái tình dành cho chị Cúc. Tôi nghe ai đó nói họ quen biết nhau từ xa xưa lúc vừa mới vào quân ngũ khi còn ở quê nhà. Họ vừa cùng khóa trong binh chủng, lại vừa cùng là những tín đồ ngoan đạo, sinh hoạt rất gần gũi trong họ đạo với nhau. Nhìn Chị Nhạn sướt mướt, Ông Hùng thiểu não trên bục chia buồn cùng tang quyến, tôi thật xót xa, cứ phải tự nhắc nhở và phấn đấu làm chủ cảm xúc kìm nén cơn bộc lộ dâng trào. Có một lúc tưởng đã không cầm lòng được. Khi người đại diện đến trao Chị Cúc lá cờ, trước đó được anh em đồng đội trang trọng phủ lên linh cữu, chị ngồi bất động, mắt long lanh ràn rụa, mặt trắng bệt, má ướt đẫm. Đôi bàn tay với những ngón dài xương xẩu  thừa thãi, run run đón nhận. Chị Cúc nhận lấy lá cờ áp vào ngực một cách tha thiết, trìu mến như ôm một di vật kỷ niệm thân thương cuối cùng của chồng.

Hôm nay lạnh se se, bầu trời đầy mây xám. Mảng trời trên ngọn đồi nghĩa trang Holyrood bị đám mây đen che kín báo hiệu một cơn mưa trên đường đến. 

Tôi dừng xe bên lề, trước văn phòng, vì bãi đậu xe nhỏ phía phòng tiếp tân đã đầy. Đã tắt máy nhưng tôi vẫn do dự chưa ra khỏi xe, vì còn lo lắng mình dừng không đúng chỗ. Rồi quay qua nói với Mai, phu nhân tôi:  “Mình dừng tạm đây. Hai giờ rồi sao không thấy ai quen cả.” Mai hỏi khẽ, giọng hoang mang:

- Có đúng ở đây không anh?
- Không sai được! Địa chỉ và giờ giấc, cả tên họ đều đúng như trên báo.

Vừa lúc đó một chiếc xe trờ tới ngừng ngay vào một trong hai chỗ trống của hai chiếc xe vừa đi ra. Mai mừng rỡ: “Xe anh chị Hải kìa! Hay là anh cho xe đậu vào chỗ kế bên.” Tôi chần chừ. Vừa định cho xe nổ máy, làm như Mai nói, thì một chiếc xe khác đã mau mắn vào chiếm mất chỗ trống. Tôi buông tiếng thất vọng: “Xì! Không kịp rồi”. Đây không phải lần đầu trong đời tôi bị lỡ dịp vì chậm trễ. Trái lại, đã có rất nhiều kinh nghiệm về do dự và chần chừ, đặc tính của một trong những nguyên nhân đưa đến thất bại, nói cho có vẻ to tát. Tôi trấn an Mai và tự an ủi: “Kệ! Chỉ dừng tạm. Chút nữa tất cả rồi cũng phải di chuyển lên trên đồi.” Ngọn đồi không xa lắm, chỉ  cách một đoạn cong cong lên dốc, băng qua một cánh đồng cỏ xanh, nơi có nhiều nấm mồ nằm thẳng tắp, ngay ngắn được đánh dấu bằng những bia mộ đá xanh lạnh lùng. Vài mộ còn có cả hình bên những tên tuổi người đã khuất .

Lúc xe chúng tôi, có cả cặp Linh Mai đi cùng, dừng trên đồi, đám tang đã bắt đầu. Đoàn xe limousine đen nối đuôi nhau. Tôi thấy chiếc quan tài của Anh Mậu màu đen theo sau là những người trong gia đình, mấy người con và anh em của anh mặc đồ đen. Tôi thấy những chiếc khăn tang trên đầu họ. Và tôi cũng thấy Chị Cúc trong màu tang trắng. Mặt chị trắng màu khăn…Tất cả di chuyển về hướng một huyệt nổi đang chờ tại ngôi nhà có vách tường đá cẩm thạch bóng loáng lạnh lùng trong im lìm, lặng lẽ, chầm chậm như muốn kéo dài chút thời gian trước khi vĩnh viễn cách biệt.

Mắt tôi bất chợt cay cay. Mưa bắt đầu lất phất. Hình ảnh bất chợt nhạt nhòa. Có những giọt mưa vô tình đã rơi vào đôi tròng kính mắt. Tôi nhìn, nhìn... nhưng chẳng thấy, chỉ còn nghe trong đám đông những tiếng thở dài não nuột nghẹn ngào và theo tiếng mưa rì rào lâm râm những bài hát, lời kinh cầu nguyện. Tôi tiếp tục lắng nghe cho đến khi vách huyệt mộ đóng kín. Trời đã về chiều, đầy mây xám ngắt. 

Vĩnh biệt bạn tôi, anh đã rời tàu, cuộc chơi đã hết. Và theo truyền thống của một tay thủy thủ già, tôi nói giùm người bạn đồng môn câu chúng tôi được dạy khi rời hạm kiều:

“Xin phép được rời tàu... lần cuối” 
“Request permission to go ashore ... last time“.


Đường Du Hào
Tháng sáu 2019

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019