SỐ 83 - THÁNG 7 NĂM 2019

 

VŨ ĐIỆU HIẾN TẾ

Ngày rằm, bầu Thê chủ gánh hát Đồng Au ra chợ ăn cơm chay, thấy một chị nhà quê gánh hai đứa bé đi bán. Năm đó hạn hán xong tiếp đến lụt lội. Dân tình đói khổ, người nhiều con nuôi không nổi phải đem đi bán bớt. Ông bầu Thê, không con, thấy thương, bỏ tiền ra mua. Số tiền cxng vừa đủ để chị kia mua hai thúng gạo lưng lưng gánh về.

Đây là hai đứa bé sinh đôi, một trai một gái. Mẹ nó nói ba tuổi, nhưng ông bầu chắc chị ta nói dối để bán cho được tiền. Ong thấy bọn nhỏ chỉ mới ngoài một tuổi, vừa thôi nôi xong. Có lẽ vì đói khổ quá nên bọn trẻ con không lớn nổi.
Bầu Thê đem hai đứa về gánh hát giao cho vợ nuôi. Mụ vợ thấy thương. Từ ngày về đoàn hát chúng nói được ăn no mặc lành, tắm rửa sạch sẽ và lanh lợi.

Dạo đó gánh hát đóng đô tại đình làng Cận Sơn. Cả đoàn ăn ngủ nơi cái chái đình lợp ngói âm dương, lâu năm ngói đã mục, vỡ rất nhiều. Ngày mưa đoàn không hát, không bán vé được. Cả đoàn húp cháo trừ cơm. Vua chúa, hoàng hậu, tì nữ ướt át như chuột lột. Cả bọn ngồi co ro dứoi tàu lá chuối. Ngày hè trời nóng nực, mặt trời lên hai ba con sào, bọn chăn trâu trên cánh đồng Cọ lùa trâu đi ngang qua sân đình, nhìn vào thấy mỹ nữ, tể tướng, đại thần, hoạn quan cởi trần , nằm sắp lớp như cá mòi trong hộp.

Hai đứa bé sinh đôi lớn lên trong khung cảnh ấy. Đào kép trong đoàn ai cũng thương bọn chúng. Họ đua nhau dạy nghề hát xướng cho chúng. Ông bầu không cho, ông nói, nhiều thầy quá làm hư bọn trẻ, sau này sửa đổi rất khó. Ý ông muốn đào tạo hai đứa thành đào kép trứ danh, để chúng thực hiện cái điều mơ ước khi ông còn trẻ. Cả hai cũng đã tập tành lên sân khấu cho nó dạn. Ông bầu ngồi bên dưới tấm tắc khen thầm:” Sáng sân khấu lắm!”

Hai đứa bé đã quen với cuộc sống gánh hát, ánh đèn sân khấu, lấy đêm làm ngày, rày đây mai đó, lang thang trên những con đường làng, ăn đình ngủ chợ, cái kiếp phong trần của bọn hát rong.

Mười lăm năm sau hai đứa lớn phỗng lên thành trang thanh niên thiếu nữ, nam thanh nữ tú, hát hay múa giỏi, diễn trò rất khéo.Chúng trở thành đào chính kép chính của đoàn.

Thằng con trai lúc nhỏ cha mẹ dặt cái tên xấu cho dễ nuôi, tên thằng Đực, bầu Thê đổi thành tên Hoàng Nhật Giang. Đứa con gái tên Chấu ( Chấu là châu chấu mất mùa ) nay ông bầu đổi thành tên Lâm Ai Châu. Kép Nhật Giang, đào Ai Châu đã nổi danh trong giới hát đình.

Người trong nghề nói, thằng kép này trời sinh ra để sắm vai Quan Vân Trường. Mặt nó to, đầy thịt, bôi son đỏ vào, mang râu năm chòm  giống hệt đức Quan Ngài. Nó có giọng nói , giọng hát sang sảng. Ở trên sân khấu, không cần gân cổ hát, mấy lão già ngồi bên dưới điếc lác cũng nghe. Nhật Giang mặc giáp trụ, đội mão mang hia vào thì rõ là vị chiến tướng thời Tam Quốc mà các nhà văn xưa thường viết:” Mình cao một trượng, lưng lớn mười vây!”

Đào Lâm Ai Châu tuy gốc gác nhà quê nhưng có khuôn mặt đẹp mà sang, mày ngài mắt phụng da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như son, làm cho mấy anh nhà quê đêm về cứ tơ tưởng.

Trong gánh hát còn có thằng hề Lé, trước đây cũng con rơiđược ông bầu đem về nuôi. Hề Lé, ốm nhom đen thui, có tài chọc cười. Mỗi lần ra sàn diễn, mấy chị nhà quê ôn bụng cười, đến chảy nước mắt.

Buổi chiều bầu Thê bắt ba đứa học trò ra miếng đất trước sân đình dựng cảnh ”Quan Công Khán Thư”( Quan Công xem sách) Hoàng Nhật Giang sắm vai Quan Công. Lâm Ai Châu vai Quan Bình. Hề lé vai Châu Xương. Quan Bình và Châu Xương là con nuôi và đệ tử của Quan Vân Trường. Cảnh này diễn lại tích Quan Vân Trường xem binh thư đồ trận. Quan Bình dâng bút. Châu Xương mài mực. Bầu Thê bỏ nhiều công sức tập cho thằng kép Hoàng Nhật Giang múa cây thanh long đao, đẽo bằng cây sao, cán sơn đỏ lưỡi sơn đen, có cột tua vải trên đầu. Bầu Thê tập cho Ai Châu với hề Lé dâng bút, mài mực. Tập tành công phu bài bản lắm.

Lần đầu tiên diễn cảnh Quan công khán Thư ông bầu bắt ba đứa học trò ăn chay nằm đất, giữ cho cái xác tinh khiết, cái tâm thanh tịnh, xin keo âm dương, ngài cho rồi mới được diễn.

Đêm đó , trưứoc khi mở màn sân khấu, đình làng ồn ào như cái chợ. Đến khi Quan Ngài xuất hiện bỗng mọi người im bặt. Quan Ngài mặt đỏ như trùng táo. Râu năm chòm đen mướt dài đến bụng. Tay cắp thanh long đao, tay dẫn con ngựa xích thố, oai phong lẫm liệt, cương nghị vô song. Toát lên cái thần thái quang minh chính đại đến quỉ thần kinh.
Mấy mụ nhà quê , thấy ngài khiếp vía, xếp bằng tròn,nằm mọp xuống, vừa lahy vừa xít xoa:” Muôn lạy ngài! Tấu lạy ngài! Hiển Linh độ trì, mớ lahy mớ bái…!”

Lâm Ai Châu, bạch bào bạch giáp dâng bút. Hề Lé áo đen quần đen râu tóc xơ xác, dựng ngược, mài mực. Cả ba dựng cảnh”: Xem binh thư” tuyệt đẹp, hào hùng làm cho mấy người nhà quê nổi da gà, lông tay llông chân dựng đứng!

Bầu Thê xuống rạp ngồi chung với khán giả, lắng nghe tiếng xít xoa khen ngợi, không cầm được nước mắt. Thực không uỗng công ông nuôi nấng ba đứa con rơi. Ông biết rằng sự nghiệp của chúng còn bay xa hơn, cao hơn tới tận chân trời nào chớ không phải chỉ quanh quẩn nơi cái gánh hát đình nghèo nàn này. Cũng trong giây phút đó ông quyết định…

oOo

Từ khi Hoàng Nhật Giang, Lâm Ai Châu thành danh, tiếng tăm lan tới thàng phố. Mấy gánh hát lớn đến điều đình xin chuộc. Bầu Thê thương tiếc lắm , nhưng vì tương lại bọn học trò nên đành hi sinh. Cả ba đứa học trò và cũng là con nuôi không chịu bỏ thầy bỏ gánh. Bầu Thê nói cách gì bọn chúng cũng không chịu xa ông. Cuối cùng ông làm mặt giận:

-  Tao không giao vai cho diễn đâu!
-  Không được lên sân khấu cũng được. Chúng con quyết ở lại với đoàn

Bầu Thê:

-  Ai nuôi bọn bây? Ở lại mà không diễn là bắt cả đoàn nuôi. Ai nuôi báo cô bọn bây mãi cho được?

Bầu Thê xúi mọi người cùng nhau xua đuổi. Ba đứa mới chịu rời đoàn. Ngày ba đứa lên đường Bầu Thê không đưa tiển. Ong chạy ra bờ sông ngồi một mình nhìn dòng nước mà khóc.

Về sau bầu Thê có dạy cho mấy đứa bé nhà quê ở cái xóm nghèo này thành danh , song chúng cũng bỏ ông đi cả. Gánh hát bầu Thê giờ đây chỉ còn đào già kép già, diễn cho mấy người nhà quê coi, kiếm sống qua ngày.

Một hôm bầu Thê tập họp cả đoàn lại, sai bọn chạy hiệu mang mấy cái rương đựng râu ria áo mão, mở ra chia cho mọi người. Bảo mọi người đi tìm đất sống. Còn ông với thằng hề Lé, lấy cây thanh long đao làm đòn gánh, quẩy đôi bầu đi bán thuốc dạo. Tới đâu hai thầy trò tìm mảnh đất trống. Bầu Thê múa cây thanh long đao theo bài” quá ngũ quan”. Hề Lé khua trống bán thuốc ghẻ, trừ giun, điều kinh, bổ thận…Gánh hát bầu Thê diễn vỡ cuối cùng thê lương đến thế.

Hoàng Nhật Giang, Lâm Ai Châu trước tha thiết với đoàn với ông bầu là thế, khi về thành phố lại quên ngay. Nơi đây cả hai được dịp phô trương thanh sắc. Chẳng mấy chốc tiếng tăm nổi như cồn. Giờ đây cặp này là hai ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật. Họ vào nam ra bắc, lên xe xuống ngựa, ở khách sạn, ăn nhà hàng, không còn cái cảnh chui rúc dưới mái đình như thời hát dạo nữa. Họ bận rộn đủ thứ nên cứ hẹn rày hẹn mai không về thăm thầy được.

Lúc này bầu Thê đã hơn bảy mươi, múa cây thanh long đao bằng gỗ không nổi nữa. Ông rất nhớ học trò. Một hôm thằng hề Lé đọc báo kêu vang:

-  Ông bầu ơi ông bầu ! Người ta “chạy nhật trình” thằng Đực với con Chấu qua bên Tây diễn tuồng đây nè!

Ông bầu nghe tin rất hả hê:

- Ước chi lúc này được thấy chúng diễn cảnh “ Quan Công khán thư” có chết cũng sướng !

Mấy ngày gần đây không hiểu sao Nhật Giang nóng ruột muốn về thăm thầy. Cả hai đã nghe tin gánh hát rã đám, ông bầu phải đi bán thuốc dạo. Hai người đánh ôtô về thăm, tính chuyến này đem thầy  về phụng dưỡng suốt đời. Không dè mới tới đầu làng đã nghe tin dữ: Ông bầu bị tụi Sơn Đông mãi võ giành chỗ diễn đánh chết rồi.

oOo

Hoàng Nhật Giang xuống xe, cầm cây thanh long đao của thầy đi tìm mấy thằng Sơn Đông mãi võ đánh cho một trận tơi bời, rồi bắt cả bọn dẫn giải lên quan trị tội giết người.

Chiều hôm đó Nhật Giang, Ai Châu đầu quấn khăn trắng, mình mặc áo tang sổ gấu, đi với hề Lé ra mộ cúng thầy. Cả ba quì trước nấm mồ đất còn mới khóc sướt mướt. Hề Lé nhắc lại chuyện thầy thương yêu nhớ nhung hai anh em ra làm sao.

Hề lé nói:

-  Nghe tin tụi bây qua bên Tây diễn tuồng. Ông bầu ao ước được xem bọn mình diễn lại cảnh Quan công khán thư, có chết cũng sướng !

Kép Hoàng Nhật Giang lạy bốn lạy ba vái, xắn tay áo, quấn vạt áo sô quanh bụng, cột chặt lại, trụ bộ, xuống tấn, bắt đầu đi một đường quyền chầm chậm mà đầy uy lực.

Không hẹn mà cả hai ngừơi Lâm Ai Châu, hề Lé liền đứng lên. Hề Lé nhập vai Châu Xương quì mọp xuống dâng binh thư. Ai Châu nhập vai Quan Bình mài mực nâng bút. Quan Vân Trường vuốt râu đưa mắt liếc xéo lên trời, vung tay bắt lấy cây thanh long đao tưởng tượng múa. Tiếng đao xé gió rít vùn vụt. Cả ba nghệ sĩ thượng thặng phút chốc nhập thần trong một vũ điệu ma quái tuyệt vời !

oOo

Trên đỉnh đồi trọc lóc, đất phấn trắng như sọ người, trong một buổi chiều lặng gió, đến cỏ cũng đứng yên phăng phắt như bị đóng đinh. Bỗng nhiên nổi lên cơn gió quái ào ào, vặn mình thành con trốt( gió xoáy) chạy vòng vo, xoắn mấy bụi cỏ tranh rồi chuyển hướng chạy băng băng lên đỉnh đồi tung lên cao bao nhiêu bụi hồng cùng với lá khô chấp chới như những oan hồn uỗng tử mang theo vũ điệu hiến tế về trời.

Quý Thể

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019