SỐ 84 - THÁNG 10 NĂM 2019

 

Ghiền Cà phê

1
Bố tôi có anh cả, con Tata Thìn là con trai độc nhất cũng là cháu đích tôn của dòng họ Nguyễn Phúc nên chị em tôi thuộc loại hàng trang trí, có nếp có tẻ cho vui nhà vui cửa.
Con gái thế hệ chúng tôi, thập niên 50 rẻ hơn bèo, có cụ bỏ đến mấy bà vợ để tìm cho ra một thằng nối dõi tông đường, bố trúng mánh ngay mẻ đầu, đám tóc dài chúng tôi cũng được bố cưng nhưng không chiều.

Ngay như tên gọi bố cũng chọn tên đệm rất con gái đơn sơ " Thị " đi kèm với tên gọi, điều này khiến tôi mặc cảm mỗi lúc thầy điểm danh cả lớp, tên mình " trơn lu " chả hoa mỹ như các bạn có tên đệm Ngọc Diệp, Ái Khanh, Phương Thảo…

Tôi ấm ức hỏi mẹ :

- Răng tên đệm của con tầm thường thế ?
- Bố mi đặt mà.
- Mẹ không có ý kiến ?
- Bố nói đặt tên hoa hòe hoa sói cho lắm vào, sau này có khi chả ra ôn gì đấy.

Tôi ngậm nghe câu trả lời của mẹ, mới mười mấy tuổi biết tương lai mình ra sao mà dám cãi với mẹ, thề trong lòng tên con gái của tôi sau này chắc chắn sẽ không có chữ " Thị ".

Đầu thập niên 70 chị em tôi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ, ông thầy GI ngoài giờ dạy rủ đám học trò đi uống sinh tố để thầy học tiếng Việt.

Chúng tôi xin phép bố đi với các bạn gặp thầy, bố ra lệnh cấm ngay, vì bố không thích con gái của bố giao du với lính Mỹ hay người Mỹ dù bố đang làm việc với USAID.

Tôi bất mãn nhưng phải vâng lời, bố thương các con theo cách của bố, con gái không bồ bịch lăng nhăng, không rượu chè, không la cà quán café, tóm lại bố rất thủ cựu nên tôi cù lần dữ dội.

Vào Đại Học tôi với anh bồ đầu đời rong chơi khắp Sàigòn, cũng vào quán café với anh nhưng uống sữa đậu nành, sữa ca cao, nước cam…, có lần tôi hớp thử một ngụm café của anh, đắng nghét, đắng như thuốc bắc.

Tôi thấy bố đúng, café là thứ của đàn ông con trai, thứ nước đắng không thể sánh với nước sinh tố xoài, bơ, mãn cầu, dứa…, thế là tôi không thèm chơi với café.

Anh bồ thứ hai của tôi cũng giống tôi, không café, ngoan hiền hơn đàn ông VN vì không rượu, chè, thuốc lá, cờ bạc độc nhất hào hoa thôi, chàng bảnh bao vui tính nên dù có đeo nhẫn cưới vẫn có vài em nhỏ bu lấy chàng.

Mỗi nơi một em, trẻ hơn chàng chục tuổi " gái mười bẩy bẻ gẫy đủ thứ ", chàng bối rối bỏ không đành thôi cứ cơm với phở mà xơi, dù anh bảo đã sắm " gánh hát tại gia " mà mấy em vẫn muốn hùn vốn lập gánh mới. May mà sau đó chúng tôi đi định cư bên Pháp chứ nếu còn kẹt lại VN giờ này chắc chàng làm bầu đến mấy gánh hát đấy, diễn viên mẹ, diễn viên con đếm không xuể.

2
Năm 1990 tôi đầu quân vào  Hollister Incorporated có đối thủ đáng gờm là Abbott cả hai đều là hãng Mỹ chuyên cung cấp bao chứa phân, nước tiểu và phụ kiện cho bệnh nhân lớn tuổi mà bộ phận tiêu hóa bị hư hao, hoặc hậu quả sau cuộc giải phẫu tuyến tiền liệt (Prostaste).

Dạo đó 1 Dollar đổi ra 5,2 Francs (từ năm 2000 một Euro bằng 6,55 Francs), hãng trả lương theo tiền Mỹ nên lương khá cao khi quy đổi ra đồng Franc, trụ sở tại avenue D’Iéna, nằm song song phía sau đại lộ Champs Elysées.

Nhân sự Hollister đa số là dân Tây chính cống, chỉ độc nhất có ba đứa ngoại quốc, Amanda Smith thần dân của Nữ Hoàng Anh nhân viên Marketing, Patricia Faro gốc Phi Châu phụ trách cung cấp hàng mẫu (Echantillons) cho khách và tôi nhân viên hành chánh.

Khách hàng của Hãng gồm các bệnh viện khắp nước, ba " chủ chành " lớn OCP, CERP, Phoenix Pharma phân phối dược phẩm cho các tiệm bán thuốc (Pharmacie) và vài tiệm bán lẻ sản phẩm y khoa như nạng, xe lăn, mền sưởi bằng điện…

Hãng dùng hệ thống vi tính AS 400 của Mỹ bằng tiếng Anh cho tất cả phòng ban, ma mới tui đây mới nhập trại được giao nhiệm vụ nghe điện thoại và chuyển Fax.

Thời đó chưa có Internet nên đơn đặt hàng, khiếu nại của khách hàng đều được gọi qua điện thoại đến phòng khách hàng (Service Clients) hoặc kế toán sau đó hai bên trao đổi qua Fax.

Bộ phận khách hàng vỏn vẹn hai nhân viên " bao sô " hết xứ Tây, kẻ lo miền Bắc, người miền Nam, phía Bắc nhộn nhịp ồn ào vì thủ đô Paris nơi có trụ sở chính của các hãng phân phối lớn, và các bệnh viện nổi tiếng.

Mợ Annie ôm thủ đô nên lắm mối sộp, doanh thu nhiều nhưng cũng lắm trắc trở khi mợ hoặc khách hàng ghi sai ký hiệu sản phẩm nên giá không chính xác sai ben bét, hoặc ghi lộn địa chỉ bán lẻ của đại lý, chuyện rối ren cũng từ đây mà ra.

Thầy Michel phụ trách miền Nam rảnh việc hơn khiến mợ Annie tủi phận nữ nhi ôm đồm lắm việc mà lương chả hơn lão kia nên mợ sinh ra bì tỵ lang man ra các phòng ban khác.

Mợ có vài năm thâm niên trước khi tôi vào hãng, mợ nắm hết tính nết nhân viên, coi mặt đặt tên nên những ngày đầu nhập trại dù tôi thuộc quân số Hành Chánh vẫn bị mợ lên mặt kẻ cả, hách dịch.

Từng làm việc với vixi trên 10 năm trước khi qua đây, bị kiềm kẹp, kỳ thị đến chai lỳ nên ba cái vụ  ra oai của mợ chả nhầm nhò gì với tôi.

Mỗi lần chuyển fax cho khách hàng, mợ để tờ A4 một cái kịt trên bàn làm việc của tôi với nụ cười hạn hẹp, ra lệnh " chuyển gấp đi " rồi quay lưng biến mất không thèm nghe tôi trả lời, yes Madame.

Fax của mợ gửi cho khách hàng đơn giản vài câu quen thuộc như :

1/ Thưa quý khách đơn đặt hàng của quý hãng có một, hai loại hàng đã hết, chúng tôi sẽ giao hàng ngay khi được Dublin cung cấp tiếp (xưởng sản xuất tại Châu Âu).
2/ Thưa quý khách vì đơn đặt hàng ghi lộn ký hiệu nên chúng tôi sẽ thu hồi hàng đã giao đồng thời cung cấp đúng sản phẩm yêu cầu.
3/ Thưa quý khách địa chỉ giao hàng khác với địa chỉ ghi trên hóa đơn nên lô hàng bị từ chối…

Mợ viết tay chữ to như con gà cồ, chỉ vài hàng mà mợ rải ra gần đầy một trang A4, ký tên rõ như ban ngày, rứa cũng đỡ khổ cho dân cận thị.

Tôi không cận chưa bị viễn thị mà đọc tờ A4 của mợ trước khi chuyển đi cứ phải dụi mắt đến hai ba lần, dù mợ không viết dối như bác sĩ, chữ nào ra chữ đó hẳn hoi, lạ chưa.

Đây rồi tôi nắm được tẩy rồi, mợ nói tiếng Pháp như Tây, mà viết tiếng mẹ đẻ hơi khác người, câu cú của mợ không đúng văn phạm như hay quên chia động từ, ngữ vựng viết thiếu chữ, lộn chữ…

Tôi chuyển fax đi như chuyện chả có gì mà ồn ào, nếu khách hàng có cười chê thì mợ cũng không hay biết, thôi cứ để mợ tự cao tự đại, khi nào đụng chuyện tôi sẽ xuất chiêu.

Sau ba tháng làm việc, mọi người coi tôi như đồng nghiệp, mợ vẫn khinh khỉnh ra vẻ kẻ cả với chức xếp khách hàng một nửa xứ Tây, vẫn để fax một cái kịt xuống bàn của tôi.

Ngoài việc nghe điện thoại, gửi fax, nhận fax của ai phải giao tận tay người đó thế mà mợ tài lanh bảo tôi đưa mợ cầm chuyển cho đương sự, giời ạ sao bỗng mợ từ bi bất ngờ thế kia.

Tôi cảm tạ lòng tốt của mợ và thi hành nhiệm vụ của mình, giao fax cho mợ khác nào giao trứng cho ác, rủi tờ fax khiếu nại cung cách làm việc của ai đó mà mợ tung hê tùm lum chắc chắn tôi sẽ bị mất việc

Thỉnh thoảng tôi đặt vé xe lửa, khách sạn cho các xếp đi công tác hoặc nhân viên kiểm toán (Audit) bên Mỹ qua Paris duyệt sổ sách, mợ vồn vã hỏi xem xếp nào vắng nhà đi xa, Mỹ nào sang đây ?

Tôi để ngón tay trỏ lên môi, nói khẽ " bí mật nghề nghiệp ", mợ nguýt tôi một cái rồi biến, thế đấy tình đồng nghiệp đôi ta chỉ thế thôi.

Mợ có tật hay tìm sơ hở của người khác tâu lại cho xếp của họ để lấy điểm, lấy uy, Patricia thường xuyên xuống kho ở tầng hầm lấy hàng mẫu gửi cho khách hàng theo yêu cầu của họ.

Con nhỏ cấn bầu ba tháng hay bị buồn ngủ bất tử trong ngày nên sau giờ cơm cô xuống kho lấy hàng và đánh một giấc, mợ rình con nhỏ mấy ngày liền và kéo bà xếp của cô đến nơi bắt tại trận.

Patricia xấu hổ sau đó tâm sự với tôi khóc như mưa, tôi chưa bị mợ " chơi cú nào " nhưng cũng rùng mình khi nghe chuyện của Patricia và tự hỏi khi nào đến phiên tôi bị mợ bắn tỉa ?

Tuy tôi không làm điều gì sai, nhưng trong công việc ai dám chắc mình không sai sót, hơn nữa cung cách hách dịch của mợ cho thấy tôi là con mồi trong tầm nhắm của mợ như cô Phi Châu kia.

Amanda Smith cũng không hơn Patricia bị mợ tố ra sân hút thuốc trong giờ làm việc, bàn làm việc của cô ta ngay sau lưng tôi, chuyện hút thuốc của Amanda không nhầm nhò gì dù đôi khi tôi phải bắt điện thoại của cô ta đề nghị khách gọi lại cho cô sau, rồi báo cô biết.

Hôm đó tôi lên phòng xếp của tôi nhận hồ sơ để đánh máy, mợ đi ngang bàn của Amanda chụp điện thoại trả lời thay cô rồi mét với xếp của Amanda.

Ai chứ gặp phải dân phớt tỉnh Ăng Lê thứ thiệt thì xong tuồng, Amanda giải thích cô ra ngoài hút thuốc sau khi trao đổi với đối tác và chờ họ trả lời. Nếu họ gọi sớm hơn dự định và không gặp cô thì đàng nào cô cũng phải gọi lại cho họ để hoàn thành bản báo cáo.

Để tránh hậu họa, hôm đó sau khi đẩy cái fax lổm chổm lỗi chính tả của mợ cho khách, tôi cười mỉm chờ đến lúc mợ lấy lại bổn chính và tờ biên nhận fax đã chuyển đến khách.

Tôi hạ giọng :

- Annie này, hình như fax của bà có vài lỗi nhỏ, mấy chữ tôi gạch đít nè.

Tưởng mợ sẽ nhăn nhó cãi bừa, mợ nói khẽ :

- Thế bồ đã sửa lỗi cho tôi trước khi chuyển cho khách chứ ?
- Làm sao tôi dám sữa, vã lại chữ của tôi đâu có giống chữ của Annie.
- Tiếc thật, lần sau bồ báo cho mình biết trước khi gửi fax nhe.
- Yes, madame.

Từ đó mỗi lần đưa tôi chuyển fax mợ nhờ tôi liếc qua, nếu ok mới gửi đi, ôi lúc này trông mợ dịu dàng quá thể, chỉ vài con chữ đủ quyền lực biến mợ thành người dễ gần đến thế.

Hãng có máy tự động pha café, trà, súp mặn đặt trong phòng nhỏ cạnh sảnh tiếp tân, nhân viên sử dụng miễn phí tùy thích, mỗi ngày nhân viên có ba cữ café, sáng lai rai từ 8 đến 9 giờ, sau giờ cơm từ 13 giờ, chiều 16 giờ trước khi tan sở.

Tôi không uống gì ngoài nước lã, từ ngày tôi có thêm việc " ê đít " mấy cái fax của Annie, mợ hết trịch thượng, không còn dằn fax một cái kịt như xưa và vui vẻ rủ tôi đi uống café.

Tôi lắc đầu từ chối, phân bua :

- Tôi không biết uống, café đắng lắm, uống vào lại bị mất ngủ, cảm ơn Annie.
- Bồ không phải lo mất ngủ, uống " Déca ", thứ này nhẹ uống vào vẫn ngủ như thường, phải tập uống cho vui với mọi người sẵn xả hơi một chút, tội gì cả ngày cắm cúi cày bừa, đi uống với tôi.

Mợ lôi tôi vào phòng café làm cho tôi một ly Déca pha thêm sữa và đường, ừ thì uống cũng được nhưng đêm đó tôi trắng đêm chả dám tâm sự với chàng mình thử uống " thuốc đắng ".

Uống Déca quen rồi tôi ngủ ngon lành, Annie lại dụ tôi uống thử café, ừ thì uống thử cho biết đời, ngày đầu hơi khó ngủ, sau tôi đâm ghiền, cuối tuần ở nhà thấy nhớ nhớ café chứ không phải mợ Annie đâu nhé.

Vài tháng sau tôi được chuyển lên phòng khách hàng thay thầy Michel về hưu, tôi soạn sẵn và đánh máy một số fax mẫu để mợ chỉ điền tên và địa chỉ khách hàng trước khi đưa cho cô tiếp tân mới.

Hai năm sau tôi được đưa qua bộ phận kế toán phụ trách thu tiền, đòi nợ khách hàng, mỗi ngày tôi gặp Annie hai lần ở góc café của hãng, thỉnh thoảng tôi nghe mợ chê bai người này người nọ.

Tôi cười mỉm không trả lời, tôi không còn ác cảm với Annie và thương mợ vì cái tính lảng nhách tự dưng ôm chuyện của bá tánh vào lòng chi cho phiền thân mình.

3Tôi rời Hollister hơn mười năm rồi, thỉnh thoảng nhớ đến Annie tôi cười một mình, thoáng nhớ đến tờ fax mợ đặt một cái kịt trên bàn và tách Déca ngày nào tôi tập tành uống café

Nhâm nhi café thứ thiệt rồi đâm nghiện từ lúc còn làm việc ở Hollister cho đến bây giờ, gần ba mươi năm gậm nhắm thứ đăng đắng mà bố tôi từng cấm đoán, nghĩ lại bố cũng có lý.

Thứ ma mị có sức hấp dẫn thần sầu mỗi ngày tôi dùng hai cữ, sáng sớm và sau bữa cơm trưa, có đi chơi xa nhà cũng ôm theo hộp café ruột, ghiện café nhiều hay ít đơn giản là ghiền đó thôi.

Sept  2019/ Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019