SỐ 84 - THÁNG 10 NĂM 2019

 

MỘT THỜI QUẢNG NGÃI

Năm 1960 ba tôi đổi về làm Ty Ngân Khố ở Quảng Ngãi.

Thành phố Quảng Ngãi là một tỉnh lỵ bé tí xíu, phố xá chỉ đi năm phút là hết. Ty Ngân khố ở kế bên Tòa Tỉnh, là một khuôn viên rộng lớn, một bên làm công sở và một bên là nhà ở, phía sau lại thêm một dãy phòng dài cho nhà bếp và phòng ăn thật tiện nghi. Trước mặt nhà có một khoảnh vườn nho nhỏ trồng cây trứng cá và mấy cây mãng cầu. Phía sau vườn trồng vài khóm chuối và hai cây dừa cao ngất bên cạnh một cái giếng nước trong mát…

Lũ nhóc nhỏ tụi tôi rất ưu ái mảnh vườn đằng trước vì cây trứng cá và mãng cầu lúc nào cũng chi chít đầy trái. Những trái sơ ri đỏ mộng trong đám lá xanh quyến rũ, chị em tôi trèo lên cây để hái ăn tại chỗ còn mãng cầu thì cứ lựa những trái có gai nở to hái đem vô bỏ thùng gao cho chín tới. Niềm vui chỉ đơn giản có thế mà ngày nào chị em tôi cũng leo trèo suốt buổi.

Buổi chiều khi đã tan Sở lũ nhóc lò mò ra ngồi nơi bậc thềm cạnh chú lính gác cổng, vòi vĩnh để được nghe chuyện lính tráng, chuyện ma, hết chuyện này đến chuyện khác, nghe hoài mà không chán. Đó là thời gian đầu tiên làm quen của chị em tôi nơi chỗ ở mới.

Trước mặt chênh chếch Ty Ngân Khố là một rạp hát bằng tôn nằm trên một bãi cỏ lớn kế bên công viên của thành phố. Ba tôi hay có giấy mời của các đoàn hát. Vì có vé mời nên từ Đại nhạc hội đến Cải lương gì tụi tôi cũng đi xem tuốt luột, không chừa một đoàn nào. Có khi đi theo với ba mẹ có khi đi theo với chị bếp nhà tôi. Tôi thích thú say mê được đi xem Đoàn kịch Kim Cương trình diễn có kèm thêm chương trình ca nhạc với những ca sĩ tên tuổi thời đó như Thanh Thúy, Lệ Thanh…Lòng cô bé 10 tuổi cứ vấn vương theo với từng vở kịch và với lời ca tiếng hát đêm đêm…

Một tuần lễ sau tôi mới bắt đầu đi học lại. Tôi vào lớp nhất Trường Nữ tiểu học. Trường nằm ở ngoại ô thành phố chung quanh bao bọc bởi lũy tre làng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ con đường đất ngoằn ngoèo dẫn vào cổng trường mát rượi bóng tre xanh. Ngôi trường nhỏ bé giản dị nên không làm tôi choáng ngợp mà chỉ có một cảm giác gần gũi thân thương.

Tại Trường Tiểu học này có một chuyện làm tôi nhớ hoài. Đó là ngày mới vào lớp tôi nghe các bạn nói chuyện với nhau bằng một thứ tiếng rất lạ. Sau này mới biết đó là các bạn đang nói lái.

Ví dụ như chữ tôi thì giữ chữ cái đầu tiên và thêm vào chữ ơ đằng sau thành Tôi tơ. Cứ vậy mà ghép lại nói cho thật nhanh. Lũ nhóc tụi tôi sử dụng lối nói này nhuần nhuyễn để nói chuyện với nhau hàng ngày mà cứ tưởng rằng sẽ không ai hiểu mình ngoại trừ mình mới hiểu được nhau thôi. Bây giờ nhớ lại thấy buồn cười vì hồi đó sao mà ngây thơ đến lạ…

Một năm trôi qua rất nhanh. Sau ba tháng học thêm tại Trường luyện thi và ôn lại bài vở tôi khăn gói để thi vào lớp Đệ thất Trường Trần Quốc Tuấn. Bao nhiêu lo âu, hồi hộp và căng thẳng vì đây là lần đầu tiên tôi biết cảm giác đi thi là như thế nào…

Sau khi thi đậu, tôi được mẹ may cho chiếc áo dài trắng để đến trường. Đi đứng ngượng nghịu nhưng tôi lại hãnh diện và tự hào vì từ nay mình đã là người lớn, bắt đầu bước chân vào trung học. Trường Trần Quốc Tuấn dạy lẫn lộn con trai và con gái. Đến khoảng nửa năm sau mới được phân chia lại. Từ lớp đệ thất tới lớp đệ tứ con gái được chuyển về học ở Hội trường gần nhà tôi hơn, đi học thật tiện.

Năm đệ thất mấy thầy cô chọn tôi và 1 cô bạn thân để dạy múa nhân ngày lễ gì đó mà tôi quên mất tên. Con bé bạn tôi ngượng ngùng tránh né nhất định không chịu tập, tôi thì dạn dĩnh hơn nhưng thấy nó như vậy tự dưng tôi lại bắt chước ngúng nguẩy. Lần nào như lần nấy đến nỗi mấy thầy bực bội đuổi cả hai đứa. Đuổi thì về, hai đứa hớn hở đi về chỉ tội nhìn thấy mấy thầy mặt buồn xo… Tụi tôi hí hửng vui cười vì khỏi phải múa men gì nữa.

Quen dần với tỉnh lỵ tôi thường ra phố một mình, đến mấy tiệm sách để mua sách báo đến nỗi quen thuộc gần hết người dân ở phố thị. Tại đây tôi có dịp gặp gỡ cô ca sĩ Hồng Vân. Ngày ấy cô chưa nổi tiếng và đang làm xướng ngôn viên cho Đài Phát Thanh Quảng Ngãi. Tôi gọi cô bằng chị. Chị tươi cười tới làm quen và hỏi tên tôi nhưng cuối cùng chị bảo :

- Chị gọi em là Duyên nhé vì em rất duyên dáng (hic hic…)

Chị khoe đã có nhiều lần hát trên Đài. Chị dặn tôi:

- Em nhớ đón nghe nhé.

Giọng hát chị nhẹ nhàng và điêu luyện rất hay.

Tôi còn nhớ dạo đó chị gầy như liễu, tóc thề buông xõa ngang vai, mong manh như một cô gái liêu trai…

Bẵng đi một thời gian tôi không nhìn thấy chị nữa. Hóa ra là chị vào Sài Gòn và đã trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng vì tài hát và ngâm thơ hay.

Sau này có dịp vào Sài Gòn tôi gặp lại chị đang bán dĩa nhạc ở đường Nguyễn Huệ. Bao nhiêu năm rồi tưởng chị đã quên, ngờ đâu chị vẫn nhớ tới con bé ngày xưa. Tôi hết sức cảm động.

Năm đầu tiên học Trung Học tôi quen thân với vài cô bạn thật dễ thương, tôi nhớ được tên bốn người là Ngọc Minh, Thu Thủy, Liên Hoa và Lệ Dung còn những người khác tôi chỉ nhớ mài mại hình dáng thôi còn tên thì quên không nhớ gì .

Ngọc Minh dạo đó hay viết truyện cho các báo thiếu nhi còn Lệ Dung đặc biệt có đôi mắt to tròn như hai hạt nhãn thật đẹp, Thu Thủy mủm mỉm trắng xinh. Liên Hoa người nhỏ nhắn ở gần trường  tôi…

Cô bạn Lệ Dung mời tôi đến nhà chơi. Nhà bạn ở tận trong một thôn xóm phải đi qua hai ruộng lúa mới tới. Nơi đó toàn là nhà vườn, nhà này nối tiếp nhà khác. Nhà nào cũng trồng những cây ăn trái như mít, dừa, chuối, ổi…

Nhỏ bạn đón tôi nhiệt tình, chiêu đãi tôi bằng những trái ổi xá lị thơm ngon và hái huê mít chấm với muối ớt đỏ cay xè. Ăn vô chát ngắt nhưng…ngon hết ý, ăn riết đâm ra ghiền!

Sau này tôi mới biết là những người trong thôn xóm đó phần đông theo Cộng sản. Từ đó ba tôi cấm tiệt không cho đi một mình vào trong xóm nữa. Nghe nói tôi sợ hết hồn. May mà không bị bắt đưa vô bưng…

Thời gian đầu lúc mới vô Quảng Ngãi thỉnh thoảng ba tôi đưa cả nhà đi thăm phong cảnh núi Ấn sông Trà, cuối tuần thì chở gia đình đi sông Vệ ăn mỳ Quảng ngon hết biết. Tuy nhiên về sau tình hình chiến sự ngày một gia tăng nên ông không còn cho chúng tôi đi chơi xa nữa. Ở nhà hoài buồn tôi vòi vĩnh chú Hóa, tùy phái của Ty Ngân Khố, làm cho tôi một đôi gióng và quang gánh để chơi trò buôn bán với bạn bè hàng xóm. Chú chìu tôi nên về nhà vót tre đan cho tôi bộ quang gánh đẹp như thiệt. Hàng để buôn bán là những trái mãng cầu ngọt lịm, những chùm sơ ri đỏ mọng và đôi khi là những trái chuối vàng hườm vừa chín tới... Tôi và mấy nhỏ bạn mê mẩn sa đà với những trò chơi bình dị dân dã đó...Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu biết, chia sẻ quan tâm đến nỗi lo âu về thời cuộc của người lớn… Nếu chiến tranh không lan tràn thì Quảng Ngãi sẽ là một thành phố hiền lành mà tôi có thể sống rất êm đềm và bình an .

Thời gian trôi qua sẽ không trở lại nhưng mỗi chúng ta có thể sống lại những ngày tháng xưa cũ với những trò chơi thời ấu thơ cùng cây lá, hoa quả…

Khoảng giữa năm 1963 ba tôi được thay đổi nhiệm sở chuyển vào Nha Trang. Tôi có cảm giác như ba má tôi thở phào nhẹ nhõm khi được rời xa Quảng Ngãi. Ngày chia tay bạn bè của ba má, những tiệm buôn dưới phố kể cả lũ bạn bè tôi kéo đến để tiễn đưa. Ai cũng nước mắt ngắn dài đến nỗi cả nhà đều chảy nước mắt theo. Dù có luyến tiếc cách mấy cũng đến lúc phải chia tay. Tuy chỉ ở Quảng Ngãi có ba năm nhưng khi ra đi chúng tôi đem theo nhiều ngậm ngùi thương nhớ…Dân tỉnh lỵ tình cảm chân chất dễ thương. Phố xá nhỏ bé nên hầu như ai cũng quen biết nhau và đối đãi với nhau bằng cả tấm chân tình.

Giờ đây ngồi ghi lại ký ức của một cô bé 10 tuổi mà thấy thương sao là thương khoảng thời gian êm đềm ngày xưa tháng cũ..

Khi viết về những kỷ niệm này tôi như sống lại cả một thời vô tư ngây thơ của tuổi trẻ. Tôi tiếc là ba tôi đã không còn nữa để có thể đọc bài viết của con gái về một thời Quảng Ngãi của ông.

Quảng Ngãi thành phố nhỏ dễ thương
Tình người chơn chất như rơm rạ
Làm sao quên được ngày xưa nhỉ
Kỷ niệm xa rồi vẫn thiết tha…

Thy-Mai
20.09.2019

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019