SỐ 84 - THÁNG 10 NĂM 2019

 

Mùa thu đã cũ trên đồi Montmartre

nhớ PK và Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng

Bước lại những bước đi người ấy. Thở lại nhịp thở người ấy. Chậm rãi. Trở về. Ngày người ấy đi rồi, lá vàng hực lộng. Dáng trắng thánh đường trên cao hắt xuống lũng dài thị trấn Paris một tiếng hét chới với. Như tiếng gọi con sông xanh xé rách giải đất buồn triền khô quánh.

Xuống trạm métro Chateau Rouge, phát sang đường André del Sarte, rồi bước lên đồi theo dãy tam cấp ngõ Paul Albert và ngõ Maurice Utrillo, thốc tới đỉnh đồi Montmartre. Từ cao, Paris dàn quanh chi chít xóm nhà như một bức tranh thời Phục Hưng. Buổi chiều, sương đục. Chân trời đỏ ửng thành vòng đai. Cảm giác lạ lùng thoát tục, đồng với sức kéo ghi một quá khứ nguyên trinh mặt đất.

Quán cà-phê Au Clairon des Chasseurs nằm ngay trên khuôn đất hồi 1790 còn là xã lỵ thôn Mont-martre. Nay bớt cũ càng phong vị quán cà-phê Pháp thuở trước, vì làm dáng đỏm đang như những thiếu nữ tới tuổi bon chen. Nhưng duyên dáng vẫn còn. Ngồi đây bao quát khắp sinh hoạt công trường Tertre. Người người lớp lớp khắp năm châu vầy tụ. Vài chục họa sĩ đủ sắc tộc bày giá vẽ, vừa vẽ vừa bán tranh cho du khách. Tranh đồi, tranh vương cung thánh đường Sacré Coeur, tranh Paris, tranh truyền thần ngồi vẽ lấy ngay. Ta mừng tìm thấy năm, sáu họa sĩ Việt Nam đặt giá vẽ cạnh tranh với giới họa gia năm châu. Làn sóng Vượt Biển đưa cao bốn phương trời những lượn bọt tinh anh đang biến thành hỗ phách. Riêng quê hương chịu thiệt thòi vì những người ấy bỏ đi...

Tỉếng Kèn săn (Au Clairon des Chasseurs) mở cửa rất khuya. Có khi tùy khách, kéo tới ba, bốn giờ sáng. Đủ hạng người tấp nập. Một phần là du khách đến từ Đức, Hoa kỳ, Nhật, Châu Mỹ La tinh... phần khác là giới nghệ sĩ, họa sĩ. Ở đây ta đụng chạm hơi hám Paris thời thịnh trị giữa hai thế chiến — la Belle époque. Ngày nay, số đông quán cà-phê ở Paris đã mất nhiều chất lang bạc, chất thân tình xóm ngõ, chất thi tứ êm đềm của đời người không vội vã. Bây giờ, các quán trang hoàng lộng lẫy, người bồi bàn xa lạ, đến đi gấp gáp, chẳng khác chi khách.Clairon des Chasseurs. Giữa khói thuốc um mờ, lời chuyện vãn ran âm, mùi bia và rượu mạnh ngan ngát, tiếng đàn nhấn láy tài hoa, khi réo rắc, khi dập dồn, tạo nên không khí xa vời lữ quán thời Trung cổ. Ta nhấp chén cà-phê đắng ấm, hay uống lóng Vodka dội trên vuông cuội nước đá như ngọn dao sắc, lòng kinh động lứa bừng. Phúc có một người nhỏ to trò chuyện. Phúc cạnh kề mùi hương nhẹ tỏa lan. Bằng không, một mình giữa quán đêm, giở từng trang mộng cũ cho các hình bóng khua về dỗi hờn ly biệt.

Sinh hoạt bình dân nhất nơi quán cà-phê lộ vào sáng chủ nhật. Áo quần tươm tất, con người mới hẳn ra, sau đêm ngũ kỹ không lo công sở. Ở thị trấn, con người sáng chủ nhật là con người biết mình có mặt trong đời. Thứ hai, thứ tư, thứ sáu... họ là bánh xe lăn. Thợ thuyền, công chức, người dân Paris có thói mê đánh cá ngựa. Sáng chúa nhật tấp về các quán cà-phê mang phù hiệu củ cà-rốt đỏ, nơi bán thuốc lá và thu tiền cá ngựa, chọn ngựa đua. Giàu hay nghèo, đồng lương là món tiền còm phải toát mồ hôi giành lấy, sao bằng đang nhiên thu vào một khoảng kếch sù tiền ăn cá ngựa? Khỏe ru trong rủi may. Kết quả tới ngay trong ngày.

Sáng chủ nhật, ngồi xem lớp người bỏ tiền mua chút hy vọng hão hay thực. Hàng triệu người nuôi cơn hy vọng, nhung chỉ vài người ấp ra mảnh giây có giá trị ngang với vàng! Cứ thế tuần này sang tuần nọ, hàng triệu người ấp ủ nỗi kỳ vọng không-tin-nhưng-vẫn-đợi qua trò cá ngựa hay Loto. Họ diễu nhau về sự hão huyền nhưng vẫn hùng hục đánh vào. Mất gì tí tiền lẻ ? Dần dà nếp sống chờ mơ hão ấy thành thói quen, thành cuộc sống tán vong, mỏi mòn, hủy lực.

Hàng triệu người trên toàn nước Pháp chen vào các quán cà-phê sáng chủ nhật, đeo hy vọng mình vào vó ngựa ở trường đua.

Dường như mấy chục thế kỷ qua, nỗi mộng mơ, niềm hy vọng của nhân loại đã treo vào chân ngựa. Từ mơ ước nhỏ của Triệu Tử Long trên vó ngựa mong bảo toàn con Chúa, tới vó ngựa Thành Cát Tư Hãn khua khắp cõi Á Âu, hay vó ngựa Alexandre Đại đế dập dồn từ Âu sang Ấn-độ. Mãi tới Mùa Thu Cách mạng 45, dân Việt còn hát vang « bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường... » theo tiếng «ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang rn trời...».
Ngựa đưa ta về nơi ước mơ không đạt.

Và niềm hy vọng, nỗi mộng mơ loài người như mảnh da sầu sũng nước, ngày càng bé choắt. Từ nghìn dặm trải dài, vó ngựa thu hẹp về khoanh đất nhỏ cỏ hoe nơi trường đua. Dù mang tên Phú Thọ, hay Longchamp, những giấc mơ lớn tàn theo những giấc mộng con. Và niềm hy vọng mong manh, ngắn ngủi theo đường ngựa. Sẽ đến lúc trường đua ngựa bị dẹp đi, vó ngựa dừng đứng. Lúc ấy con người sẽ tìm thấy gì trước mặt ? Nỗi mong manh ? Niềm hy vọng ? Thoáng mong manh cao trời ? hay mong manh bóng bọt ? Niềm hy vọng sáng ngời ? hay cõi vong thân tơi tả ?

Có thể chân lý không là lý tưởng treo lên vó ngựa, cột cuối đuôi cờ, hay tiếng gọi gầm thúc dục mỗi ngày. Vì biết đâu chân lý chỉ là sự vươn tới, hay nỗ lực vượt qua. Như con đường không ở dặm dài, mà là sức bước của chân đi.

Rời đồi Montmartre trở về phòng trọ nồng mùi hương quen thuộc của người tôi vừa tiễn về quê hương. Từ cửa sổ chồm ra, vói theo những lóng nắng đuổi đùa theo đuôi lá. Rực rỡ. Không trí nhớ. Nhưng bỗng nhiên khối vàng không trí nhớ động đậy, một trận mưa đời rập xuống, những hình ảnh dồn về. Tại sao trí nhớ là quá khứ, mà không là tương lai hay hiện tại ? Nhớ người, nhớ cảnh, là đang sống với người ấy, cảnh ấy, hay đang dàn ra cảnh sống sắp tới với người ấy, cảnh ấy. Có thể lắm chứ !

Duy ta có cầm nắm, nói năng thẳng mặt ? nhìn ngó, thở hít khoan khoái cảnh ấy chăng?

Câu hói đầy lý, khiến ta bải hoải, bất lực, đến phải qụy hàng quá khứ. Ta quên mất hiện tại đầy ắp tương lai.

Bi kịch là giới-hạn đã khuôn lại cái không-bến-hạn của người. Lý nào thấy nhau chỉ bằng mắt ? nắm nhau chỉ bằng tay? Vì thụ động chấp nhận giới hạn đó, nên ta đánh quên cái thấy không bằng mắt, cái ôm không bằng tay. Một người mắc bệnh thấy vàng thành đỏ, đâu vì vậy mà thế gian mất màu vàng? Trời đặt để vào đáy mắt ta, nơi võng mạc, ba lớp nhạy để phân màu và so sánh thể tích. Nhưng vũ trụ mênh mông, thể xác muôn hình, lẽ nào ba lớp nhạy nơi đáy mắt võng mạc nắn dựng đủ hết cuộc đời và muôn thuở ?

Người chỉ là kẻ đi đêm với ngọn đèn bão. Trái đất chỉ là con quay theo sức đấy một mặt trời. Ngoài kia, ngoài kia còn tới ba vạn lần ba nghìn thế giới không bóng người, không mặt trời, không võng mạc, nhưng vẫn lung linh muôn hình sắc vô hình.

Ngoài kia thu chớm tới lá phong rồi. Nhìn xuống khóm trúc, bỗng nhớ Hán Thu. Một ngày nào tới thăm, anh cứ nhỏm nhìn ra cửa sổ và nói: « chỗ này giống Bến Ngự quá ! ». Hồi ấy, tôi ngờ anh nói đưa cho vui, hay có thể là nói theo nỗi nhớ chốn cũ của anh. Xưa tôi có ở Bến Ngự, chánh quán Thừa Thiên, nhưng sinh ra trên biên giới Việt Hoa ở Hoàng Liên Sơn, giữa đáy Nhị Hà và rặng núi Fan- xi-pan. Quê tổ ở Bình Định. Nhỏ lớn rày đây mai đó, từ Hà- nội tới Saigon, Nhatrang, Qui Nhơn, Huế... bây giờ ai hỏi không biết mình người gì? Bắc? Trung? Nam? Nghĩ mãi chẳng ra, nên tự thấy mình rất Việt.

Bây giờ Hán Thu đã nằm trong đất lạnh ở một nghĩa trang vùng Nam Paris, cách xa nghìn dặm với mối tình quê Bến Ngự. Vói tôi, anh thuộc lóp đàn anh. Mười mấy năm trước, tình cờ gặp anh trong nhóm nghiên cứu Việt học ở Trường Cao đẳng Thực hành, đại học Sorbonne, tôi hỏi một câu đầy kính trọng, giữa lúc chiến tranh ngút trời quê hương : « Cụ không làm gì giúp anh em? ». Anh mỉm cười khinh bạc :« Tôi là Việt gian, làm được gì! ». Như gáo nước lạnh xối. Lời đáp chặt đứt cầu đối thoại. Tôi ngơ ngẩn bất ngờ. Nhiều năm sau, câu ấy đuổi đeo, ám ảnh tôi khốc liệt theo tấn bi kịch quê hương.

Hồi 45-46, tôi có đi dự phiên xử ở Tam Toà trong Thành Nội Huế. Hán Thu không chỉ viết văn hay, anh là nhà hùng biện. Nhờ nói hay và bào chữa khéo, anh thoát án tử hình. Hai người khác trong phiên toà bị Ủy Ban Nhân dân đem ra bắn ngoài cửa Chánh Tây.

Hán Thu không bị bắn, anh vào vùng kháng chiến, viết văn bằng tiếng Pháp cho đài Tiếng Nói Việt Nam chương trình ngoại ngữ, dịch truyền đơn kêu gọi quân Pháp đầu hàng. Đến thời Đảng chỉnh phong năm 50, số lớn trí thức dân tộc bỏ đi. Hán Thu cũng thoát theo tìm sự thực của lòng mình. Không bị bắn, nhưng cái án tử hình vô hình trung siết lấy tim anh. Một năng lực tài hoa vữa ra, héo đi, rụng mất! Người ấy chết đi từ đó.

Với ý thức nào, chủ nghĩa nào, và nhân danh gì, người ta tự quyền đặt vào trái tim người một con rắn lục? một mặc cảm tội lỗi? cái án chết xử từng giờ?

Làm sao xây dựng đời với những người không vui, không hứng cảm? những người phải buộc lòng mang chiếc gông « tội lỗi » trong lòng?

Hoa sinh ra cùng thời với loài có vú trên mặt đất. 60 triệu năm qua, hoa chẳng nói, hoa chẳng lên mặt thầy đời dạy bài luân lý nào. Thế mà hoa và hương cứ phả vào ta, làm cho người thêm tươi, thêm yêu đời và hoà khí. Chim cũng thế, những sinh linh không biết nói, mỗi sáng cứ hót reo, khiến lòng ta phơi phới.

Song người với người...

Sau này, quen biết Hán Thu, càng ngày tôi càng mến trọng sự chân thành, lòng yêu nước, nỗi nhớ quê ray rức trong anh. Anh đích thực là một Thi sĩ. Một thi sĩ không ồn ào. Anh đích thực là một Tiếng Chim. Tội thay con chim ấy lỡ bay qua xưởng nấu thép trên đường về Rừng.

Qua Hán Thu, tôi biết rõ thêm Tản Đà. Anh làm thư ký cho Tản Đà thời còn Annam Tạp chí, và là người trong gia đình nên càng hiểu biết nhiều về người Thi hào dân tộc ấy.

Nhớ Hán Thu, tôi nghĩ tới những vị đàn anh đã một thời làm ngọn hải đăng tình cảm cho kẻ lạc loài như tôi: một học giả và một nhạc sư.

Vị học giả từng làm Bộ trưởng ngay thời đầu độc lập. Lúc ấy chúng tôi còn bé, nghe kháo nhau ông ấy tài giỏi đến đỗi gõ tay vào cầu hay tường nhà là biết ngay còn bao năm nữa cầu và nhà ấy sẽ sập. Ông cũng là người sáng kiến dùng rơm chế bánh rơm cho học sinh đỡ xót lòng, giữa lúc đất nước bị đói kém vì quân đội Nhật thu lúa đốt thay than đá.

Còn nhạc sư kia đã làm tôi thán phục khi nghe tin ông đoạt giải nhì trình diễn nhạc quốc tế khi sử dụng cây đàn bầu ở Đại hội Varsovie những năm 50. Thán phục câu nói tự hào qua cuộc phỏng vấn trên báo Đời Mới ở Saigon: « Tôi là sinh viên nghèo, nhiều lúc cơ cực ở Paris muôn xách đàn ra đường đàn kiếm tiền, nhưng sợ làm hại thanh danh Việt Nam, nên đành chịu muôn bề thiêu thốn ». Tấm lòng cố quốc đẹp dù kiêu hão.

Năm tháng trôi qua. Hán Thu và bao nhiêu Hán Thu đã chết nỗi chết Trương Chi ôm mối hận lặng câm xuống tuyền đài. Người đẹp phũ phàng của Hán Thu không mang tên Nàng Mỵ, vì nàng là Đất Nước của thời tao loạn, cuồng si.

Nhưng những người cùng thời, cùng xuýt xoát trang lứa Hán Thu vẫn còn sống. Những người, may mắn hơn Hán Thu, không bị xử bắn từng giờ trong tâm khảm, họ đã làm gì? Họ đang làm gì để đem lại sự chân thật vào đôi mắt Mỵ nương chỉ biết nhìn hư ảnh loè loẹt, song chẳng thấy tâm tình qua tiếng sáo, và hào khí nơi tâm thân cô lậu kẻ chài?

Vị học giả, người nhạc sư nay ở đâu? Trong những ngày tăm tối, thảng thốt, giữa đám dân đen đói khổ, chúng tôi không tìm thấy các ông.

Nếu các ông chỉ là những kẻ phụ tùy phù thịnh, những người a dua dự yến nơi đình triều gác tía, các ông đã tắt ngọn hải đăng trong lòng chúng tôi!

Tuy nhiên, xin hãy yên tâm. Chúng tôi không là Nàng Mỵ, không biết xử án lúc hiện tiền, bắt người phải chết ngay, chết thảm, hay chết mòn. Chúng tôi sẽ vẽ chân dung các ông nơi trái tim đời, ngày các ông xuôi tay nhắm mắt.
Ôi những ngọn hải đăng trôi nổi cánh bèo.

Từ một bãi tinh tú ven trùng sao ngun ngút, nhìn về trái đất thấy Mùa Thu đã cũ... Quá cũ.

Gennevilliers, tháng 10, 1983
Thi Vũ

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, Tạp ghi Thi Vũ, nxb Quê Mẹ Paris, 1986, tái bản 2015)

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019