SỐ 84 - THÁNG 10 NĂM 2019

 

Những Mùa Lá Rụng

Bài hát “Nhìn những mùa thu đi” đang xem trên truyền hình lời nhạc buồn quá, gì mà “em nghe sầu dâng trong nắng, và lá rụng ngoài song nghe tên mình vào quên lãng nghe tháng ngày chết trong thu vàng …” Nhạc của ông TCS lúc nào cũng rũ rượi buồn chết đi được! Cả nhà đang ngồi trước cái TV chờ xem chương trình cải lương mỗi tối thứ sáu, một mình Thu đứng dậy bỏ lên trên tầng lửng phía trên nhà bếp, đây là giang sơn riêng của Thu và bà Sáu giúp việc. Mỗi tối sau khi cơm nước phụ dọn dẹp xong Thu chui lên đây ngồi học bài và đi ngủ.

Tầng gác lửng khá rộng, một bên kê cái giường cho bà Sáu, bên kia ngoài cái gường đơn giống nhau Thu có thêm cái bàn học trên đó đặt chồng sách vở và cái đèn bàn. Cái tủ đóng theo kiểu “mẹ bồng con” trong góc dành riêng cho hai người, bên cao treo áo dài đi học, phía dưới Thu xếp một chồng quần áo của mình. Ngăn kế tầng thấp hơn là của bà Sáu.

Đêm nào cũng vậy, học hết bài vở cho ngày mai Thu mới vào giường. Từ khi anh Minh vào lính Thu lại có thói quen mỗi đêm khuya đón nghe Chương trình Dạ Lan thường phát trên radio cũng tầm giờ này, vặn thật nhỏ kề bên tai để nghe giọng đọc nũng nịu của cô này “thủ thỉ” với “Các anh chiến sĩ thân mến …” rồi thiếp ngủ. Trong mơ màng nghe giọng đọc truyện của cô Dạ Lan Thu chỉ nhớ câu cuối trước khi cô này hạ giọng trong hơi thở chấm dứt câu chuyện của hai anh chiến sĩ nói với nhau :

-  “... kỳ này về phép tao sẽ dẫn mày về nhà giới thiệu đứa em gái của tao, nó là một cô thợ may áo dài xuất sắc với chiếc áo có... tà úp bâu tươi...”

Nhạc nhẹ êm êm chấm dứt chương trình đọc truyện đêm khuya.

Bỗng Thu giật mình bị đánh thức khi giường bên kia một giọng Bắc the thé chua lòm của người phụ nữ vang lẫn với âm thanh rú rít nhiễu sóng, ồn ào. Bà Sáu này đêm nào cũng lén mở đài phát thanh của phía bên Cộng Sản cho dù không thể nghe rõ điều gì. Lúc này Thu phải vùi đầu vào mền bịt chặt hai tai, thông thường rất nhanh làn sóng này bị lấn át bởi chương trình Gia đình Bác Tám của đài phát thanh Saigon với những nhân vật có tên ông Tám, bà Tám, Hiền, Lành, giọng ông Chín ơi ới gọi bà Năm Trầu hàng xóm gợi lại nếp sống hiền hòa an bình nơi thôn dã.

oOo

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ tan trường, bầy nữ sinh như đàn bướm trắng tung bay khắp nẻo. Nhập theo Thu cũng đều chân nhịp bước dọc theo đường Bà Huyện Thanh Quan xuôi về đường Hồng Thập Tự. Hàng cây sao bên đường lá theo gió đong đưa đánh rơi những vệt nắng thi nhau nhảy múa trên mặt đất. Hôm kia khi đi tìm quyển The Old Man and the Sea của Ernest Hemingway nguyên tác, để làm bài theo yêu cầu của giáo sư Anh văn, Thu phải lục lạo hết các quán sách dọc đường Lê Lợi vẫn không thể tìm được. Bất chợt nhìn thấy quyển “Bắt nắng” của ông nhà văn kiêm nhà thơ Vũ Hoàng Thư đang bày trên giá sách, Thu đoán chừng ông này chắc là đồ đệ của tiền bối Vũ Hoàng Chương đang dạy ở Văn khoa. Nhìn thấy tựa sách khiến Thu nghĩ tưởng mình đang trở về hình ảnh một thời buồn rầu quanh quẩn trong quá khứ, hai tay quơ lấy những vệt nắng phất phơ in bóng, cố gắng vờn chụp những kỷ niệm của gia đình giờ chỉ còn là bào ảnh chốn hư không, vĩnh viễn không bao giờ gặp lại! Riêng tác giả của thi phẩm nếu có cơ may hạnh ngộ Thu sẽ hỏi ông định làm gì khi bắt được nắng? Có “Nhốt nắng” giống như ông Bình Nguyên Lộc “Nhốt gió” trong quyển truyện Thu mượn trong thư viện của trường mới vừa đọc đêm qua?

Buổi trưa đi học về, thay xong cái áo dài xuống bếp đã nghe bà Sáu phán một câu :

- Bữa nay cậu Minh về phép đó, Thu nè, chiều nay mày dọn cơm giùm Dì Sáu nghe, dì về “Thủ” thăm dượng chiều mai chủ nhật dì về.

Mỗi tháng bà Sáu xin phép Dì Tư chủ nhà được về thăm chồng một ngày. Thời buổi khó tìm được người giúp việc, mặc dù bà có hơi lớn hơn dì Tư khoảng chục tuổi nhưng được cái vẫn còn khỏe mạnh và sạch sẽ, bà hơn những người trẻ ở chỗ nấu ăn khá vừa miệng và biết cách nịnh chủ. Biết dì Tư cần người nên một người bạn của dì Tư giới thiệu và nhường lại khi bà đang là người ở cho nhà này.

- Bà Sáu nhớ về sớm nha, tuần tới con phải học ôn để thi lục cá nguyệt, năm nay là năm con thi Tú tài nên bài vở nhiều lắm, Anh Minh về nhà nếu muốn ăn những món anh ấy thích, con không thể nấu ngon cho bằng bà đâu.
- “Cẩu” về có hai ngày chứ đâu có về lâu, con khỏi phải lo chuyện đó.

Bà này cần nhờ vả Thu thì nói ngọt lắm, bà hơi khinh thường Thu vì bà là người làm mỗi tháng còn được lãnh lương. Thu chỉ là một con bé mồ côi ăn ở nhờ, ngoài giờ đi học còn lại là Thu tự nguyện làm thêm công việc nhà để trả ơn dì đã cưu mang và thương mình như một thành viên trong gia đình.

Thu gọi Dì Tư là theo tuổi tác chứ thật ra hai bên chẳng có bà con với nhau. Má Thu là bạn học trường Nữ công học đường rất thân với Dì. Dì Tư góa chồng lúc còn trẻ, Dì có hai đứa con, một gái, một trai. Chị Liên là giáo sư đã có chồng. Anh Minh học xong Y khoa sắp phải trưng tập vào lính, nghe nói anh sẽ chọn quân chủng Hải Quân. Dì Tư làm chủ một nhà may thuộc loại khéo tay nên rất đắt khách. Năm Mậu Thân Thu mới học Đệ Ngũ, nhà bị cháy nên Ba má gởi Thu ở trọ nhà Dì Tư để về quê bán bớt mấy mảnh ruộng của ông bà mang tiền về dựng lại nhà, nào ngờ trên đường đi xe đò bị mìn. Thu tưởng mình phải kết thúc việc học về quê ở với chú thím! Còn đang buồn đau chưa biết phải tính sao! Dì mở lời trước với chú thím Thu :

- Cháu Thu phải học mấy năm nữa mới thi Tú Tài. Giờ không lẽ cho con Thu nghỉ học theo chú thím về làm ruộng, hay làm vườn thì tội nghiệp nó quá. Tôi tính như vầy: “Hai người cứ để nó ở đây tiếp tục đi học, nó học trường công đâu phải tốn kém gì. Phần ăn ở tôi không nhận tiền bạc gì hết đâu, chỉ muốn giúp cháu vì tình nghĩa bạn bè với mẹ cháu.”

Những năm còn thơ ấu, thỉnh thoảng má hay dẫn Thu ra nhà may của Dì Tư ở chơi cả ngày nên Thu đã quen thân với hai con của Dì. Thu thích nhìn mấy chị thợ may trong tiệm làm việc, lần nào về nhà Thu cũng xin một mớ “bọng” vải dư của khách để dành may áo cho búp bê. Thu cũng hay mon men đến cạnh bàn học của con dì Tư. Nhìn thấy sách vở và bức tranh treo góc tường kế bên, tò mò Thu hay hỏi :

- Eo ơi, hình gì vẽ thân thể người ta toàn là xương với gân. Nghe dì Tư nói anh đang học làm bác sĩ hả?. Người ta nói nghề này phải đi gác nhà xác anh có sợ không? Anh có bị ma nhát chưa?

Anh tủm tỉm cười :

- Con nhỏ này hỏi chuyện dư thừa. Nếu sợ làm sao theo học được.
- Tại em nghe nhỏ bạn nói chị của nó mới vô học bị ma nhát hoài nên nghỉ học luôn.

Thời gian qua nhanh, mới đó mà Thu đã trở thành cô nữ sinh bước chân vào trung học. Hôm đi xem kết quả Thu thi đậu Đệ Thất ba má dẫn Thu ghé tiệm may Dì Tư, Anh Minh nhìn Thu cười cười nói :

- Thi đậu rồi hả nhỏ, mai mốt có tính vô ngành Y giống anh không?
- Em sợ ma thấy mồ, em chỉ muốn làm cô giáo dạy học như chị Liên thôi, oai hơn.

Anh Minh rất tốt có lẽ vì y đức nghề nghiệp, mang sứ mạng trên vai phải làm điều gì đó giúp xoa dịu cơn đau, quan sát hỏi han người bệnh nên khi thấy Thu buồn anh luôn cảm thông an ủi; Thời gian đầu có những đêm trong tâm trạng một đứa con gái mới lớn bỗng trở thành mồ côi không nhà nhớ cha mẹ, Thu hay lên sân thượng, trốn trong góc nhìn xa xa trên bầu trời khóc một mình! Nhiều lần anh Minh bắt gặp Thu đang đứng rơi lệ đã đến bên cạnh khuyên nhủ; kể nhiều chuyện vui xảy ra trong khi thực tập làm cho Thu cười. Theo thời gian mãi rồi nỗi buồn cũ cũng hơi nguôi ngoai nhường chỗ chuyện buồn mới âm thầm xuất hiện. Vốn là người nhạy cảm Thu co mình trong cô đơn không muốn kể lể, tâm sự những đổi thay niềm vui nỗi buồn giống nhau của những đứa con gái đang tuổi dậy thì. Thu không thể chia sẻ với ai cảm xúc vừa nhen nhúm: “Lòng ta chôn một khối tình. Tình trong giây phút mà thành thiên thu. Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu. Mà người gieo thảm như hầu không hay.” Những tưởng chỉ là một nhà văn nổi tiếng Thu không ngờ Khái Hưng lại là tác giả viết bài thơ lần đầu đọc tưởng rằng của những nhà thơ quen tên như Huy Cận hay Xuân Diệu.

Người ta hay nói những đứa trẻ sớm mất cha mất mẹ thường khôn ngoan hơn bởi phải tự thân một mình chống lại nghịch cảnh. Có khi chỉ một lời dè bỉu bóng gió ganh tị của vài chị thợ lén nói với nhau khi những người khách cứ gọi Thu là cháu bà chủ khiến Thu buồn mất mấy ngày :

- Cháu chắt gì, cháu mà đại bác, cà nông bắn cũng không tới.
- Cháu hả, cháu ở đợ ….

Cũng may, cứ gần Tết chú thím Thu lại mang trái cây, gà vịt từ dưới quê xa lên tặng cho dì Tư. Lúc ấy nàng đem chia bớt trái cây cho từng người nói rằng “ăn lấy thảo”, vì hồi còn nhỏ má hay dạy Thu tính thảo ăn bằng câu “người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết”. Ai cũng khen cây trái trồng ở đất cồn, vùng cù lao ở Cái Mơn thật ngọt. Nhờ vậy sau này không còn những lời nói vô tâm khiến Thu đau lòng nữa, dường như để chuộc lỗi họ sẵn sàng dạy cho Thu cách may đo áo dài khi Thu rảnh rỗi.

Đôi khi anh Minh về phép thăm nhà, anh dẫn Thu đi ăn kem, dạo phố và xem xi nê là khoảng thời gian Thu vui vẻ nhất. Buổi tối lên sân thượng anh hay kể cho Thu nghe chuyện trong đơn vị. Trình luận án xong anh về phục vụ trong quân chủng Hải quân, được thuyên chuyển về các căn cứ, ở đó anh làm việc tại các trạm xá, y viện. Thỉnh thoảng phối hợp cùng đoàn công tác dân sự vụ của đơn vị đến khám bệnh phát thuốc cho dân chúng ở các đảo xa đất liền.

Không chỉ là dì Tư vui mừng khi anh về, vô tư tíu tít vui theo là Thu dường như còn hơn dì. Bà Sáu đi cùng Thu ra chợ lăng xăng mua những thứ cần thiết nấu thêm những món anh thích. Chỉ là tình cờ Thu cũng thích những món ngon đó, thấy bà làm nhiều Thu nói :

- Bà Sáu làm nhiều quá anh Minh ăn không hết đâu.
- Còn lại cho mày ăn đó trong bụng “khoái” thấy mồ mà còn làm “bộ”.

Thu ngớ người không phân tích được hàm ý của câu nói. Bà âu yếm, mỉa mai hay ganh tị? Có lần dưới bếp bà nói trống không lúc nhóm lửa trong khi có dì Tư đứng gần đó :

- Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.

Thu không biết dì Tư nghĩ gì chỉ thấy dì im lặng quay đi. Lần này về phép anh Minh ở nhà lâu hơn, anh nói chờ tàu về bến anh đi trình diện tân đáo đơn vị mới. Thu ngạc nhiên hỏi :

- Ủa? Anh không còn ở căn cứ Rạch Sỏi nữa sao?
- Bên Hải Quân của anh cứ khoảng hơn hai năm là phải thuyên chuyển đi nơi khác không được ở lâu một chỗ.
- Vậy lần này anh đi đâu, hôm kia nghe anh nói là đi tàu mà.
- Ừ, anh về HQ 401, bệnh viện hạm có tên là Hàn Giang.

Năm ngoái lúc anh còn ở Kiên Giang anh tâm sự nhiều chuyện với Thu như một đứa em ruột cho nên Thu biết anh đang quen một cô gái ở đó, cô này rất yêu anh. Là con bà chủ nhà trọ anh và các bạn thuê bên ngoài căn cứ. Lúc đó tò mò Thu phỏng vấn liền:

- Biết cô ấy thương mình anh có yêu lại cô ấy không?

Anh Minh thú nhận :

- Anh cũng có cảm tình với cô ấy nhưng khi anh hỏi dò ý của má, má nói không thích anh cưới vợ dưới quê vì ở nơi đó xa lắm đối với Saigon.
- Em đọc sách diễn tả nơi đó có phong cảnh hữu tình, người Kiên Giang can đảm yêu nước có đền thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực “ Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần “. Giờ anh đổi đi tàu cô ấy biết không?
- Biết chứ, hôm anh đi trời mưa tầm tã, cô ấy che chiếc dù ướt lướt thướt đứng tiễn anh đi !
- Chắc cô ấy khóc dữ lắm, còn anh thì sao? Em tưởng tượng buổi chia tay của hai người giống như hai câu thơ trong chinh phụ ngâm khúc: “ Nhủ rồi tay lại trao liền. Bước đi một bước lại vin áo chàng “. Mà anh có nói cho cô ấy biết

Dì Tư không đồng ý hay không?

- Anh không nói ra, chỉ nói rằng thời buổi chiến tranh, đời lính anh rày đây mai đó chưa biết được tương lai, yêu nhau lại bằng mười phụ nhau.
- Trời, anh nói thế coi như anh từ chối luôn rồi. Vậy là tình yêu của anh chưa đủ lớn.

Anh liếc nhìn nghi ngờ :

- Em có yêu chưa mà biết tình yêu bao lớn giống bà cụ non quá.

Thu cười hì hì trong khi anh buồn buồn :

- Em ơi, thà rằng như thế để cô ấy đừng hy vọng chờ đợi cho cô còn đi lấy chồng nữa.
- Thanh niên đàn ông các anh thật ác, nói dứt là một cái rụp không lê thê kéo dài, rất ít người cao thượng biết nghĩ cho người ta giống như anh. Em hiểu nếu em là cô ấy em cũng buồn đứt ruột tiếc ngẩn ngơ khi rụng rơi giấc mộng tương lai được làm bà bác sĩ.
- Con nhỏ này còn nói đùa trước đau khổ của người khác.

Thu đùa nhưng bộc bạch chân thành “nỗi lòng” bằng giọng buồn bã :

- Tuy chưa có người yêu nhưng nếu là em trong hoàn cảnh có lẽ em sẽ “Yêu ai yêu cả một đời, tình dẫu có đắng cay khiến cho hồn ta, đau tủi cả đời. Vì yêu ai mà lòng hằng nhớ …” Giống như lời lẽ của bài nhạc này. Nghe anh kể nhiều về đời lính, biết nhiều thứ em có cảm giác giống như mình đang có người yêu trong quân chủng Hải Quân.

Anh về đơn vị rồi Thu mới hiểu vì sao dì Tư im lặng khi bà Sáu nói câu lửa gần rơm. Dì biết con dì đâu có để ý đến Thu chỉ xem Thu như cô em gái “ruột dư”.

Chủ Nhật gia đình chị Liên ghé thăm nhân ngày giỗ dượng Tư, cả nhà ngồi chơi ở bàn ăn. Bà Sáu đang dọn dẹp cùng Thu gần đó, cao giọng dì Tư nói to hơn bình thường :

- Liên à, thằng Minh cũng lớn rồi, để má xem đám nào quen có con gái lớn cưới cho thằng Minh. Còn con Thu nữa có tính học lên nữa hay đi lấy chồng?

Nghe nhắc đến tên mình, Thu lên tiếng :

- Con hả, chắc chưa đâu. Anh Minh cưới vợ trước đi. Anh ấy hứa sẽ làm mai một người bạn trong đơn vị cho con. Ảnh nói, bạn ấy thích có vợ làm thợ may, bởi vậy con đang tập may áo dài nhưng chỉ mới luông được tà sao cho úp thôi. Đợi chừng nào con học được hết nghề của dì Tư con mới lấy chồng.

Nói xong Thu cười thật tươi che giấu cảm giác đau buồn.

Thật tình chuyện bạn anh Minh chỉ là Thu bịa chuyện chứ đâu có ông bạn nào của anh muốn cưới vợ thợ may. Thu nói cốt yếu để mọi người hiểu nhất là bà Sáu đừng nghĩ khác và lo lắng chuyện lửa rơm. Sự thực trong lòng Thu chỉ một mình nàng biết. Thu hiểu thân phận của mình làm sao dám trèo cao, cho dù mọi người đều cảm thương Thu nhưng nàng biết chỉ là thương hại một con bé mồ côi. Còn tình yêu đôi lứa là điều khác cách biệt rất lớn. Môn đăng hộ đối là chuyện ai cũng chỉ trích cho rằng giờ đang gần cuối thế kỷ hai mươi không còn những tư tưởng thời phong kiến, nhưng thực tế nó vẫn đang tồn tại, chỉ là nếu không ở trong hoàn cảnh người ta mới mạnh miệng lên án mà thôi.

Cơn gió lốc tháng 4/75 kéo tới nhanh quá. Tháng giêng đầu năm khi nghe mất tỉnh Phước Long bà Sáu xin về thăm nhà vài tháng lấy cớ chồng bà đau ốm cần chăm sóc, tiệm may giờ còn một chị thợ ở lại cùng hai dì cháu, Tết đã qua mấy tháng nên không còn nhiều khách dồn dập đến nhờ may áo.

Chung quanh khu phố và các hẻm phía bên trong nhiều nhà có bà con từ miền Trung di tản vào ở nhờ. Thu đi chợ về đã thấy gia đình chị Liên từ Hóc Môn kéo xuống đang ở trong tiệm, Saigon có lệnh giới nghiêm nhưng không thấy người ta sợ hãi. Ai cũng xôn xao với linh cảm dường như sắp có biến cố lớn lao. Chiều ngày 28 cuối tháng Anh Minh chỉ kịp ghé nhà bảo mọi người trong gia đình đi theo anh, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Dì Tư bảo Thu ở lại trông chừng nhà cửa, thay mặt dì giao nhận áo cho khách và chờ dì về. Căn nhà phía trước là tầng trệt bình thường giống như các căn khác cùng dãy phố nhưng bên trong phía sau là ba tầng lầu giờ chỉ còn một mình Thu. Lúc nào Thu cũng cẩn thận khóa cửa không dám mở hé dù chỉ để nhìn ra ngoài. Trong nhà đồ ăn, thức uống còn đầy trong tủ lạnh trước mấy ngày giới nghiêm dì Tư và Thu đã khệ nệ mua về tích trữ, giờ một mình Thu ăn một tháng vẫn chưa hết.

Sáng sớm đã nghe tiếng đập cửa, Thu ghé mắt nhìn ra thấy ông hàng xóm dẫn đầu mấy đứa nhóc ở hẻm phía trong mang băng đỏ tay cầm súng gọi mọi người đi “mít tinh” mừng chiến thắng. Bấy giờ Thu mới biết Saigon đổi chủ. Ra ngoài đường trông thấy nhiều nhà khác không còn người ở bị dán băng giấy trước cửa ghi “nhà vắng chủ” đã đi di tản. Thu mừng thầm vì nhà dì Tư còn có Thu nên không bị niêm phong. Trong không khí chộn rộn mới mẻ, đám thanh niên đeo băng đỏ người ta gọi là mấy ông “cách mạng ba mươi” khiến ai cũng sợ hãi kiêng dè bởi xã hội không còn tôn ti trật tự, luật pháp đang trong tay những ai đang cầm khẩu súng có được do tình cờ họ lượm đâu đó rồi vỗ ngực tự xưng là người của “cách mạng”. Không biết từ đâu họ lúc nhúc chui ra, những khuôn mặt háo thắng non choẹt, đá cá lăn dưa đầu đường xó chợ trước kia, chen lẫn trong đó vài đứa sinh viên học sinh trốn quân dịch, nguy hiểm nhất là những thanh niên mới lớn cùng ngụ trong xóm, chúng thành thạo nhà nào có ai đi lính, ai là sĩ quan nên chỉ cần một tên bộ đội chính quy cần biết thông tin là chúng chỉ điểm ngay. Khi họ đi kiểm kê lập hộ khẩu Thu khai rằng gia đình dì Tư sợ bị pháo kích nên đã kéo nhau về quê ở vài tuần.

Vậy mà vẫn không xong, chưa được một tháng Thu thấy bà Sáu trở về đi kèm là một người đàn ông mặc đồ Việt Cộng đầu đội nón cối chân đi dép râu. Bà giới thiệu đây là con trai ở vùng giải phóng mới về tiếp quản Thủ dầu Một là tên gọi của tỉnh lỵ Bình Dương thời Pháp. Hèn gì năm nào, tháng nào bà cũng xin về “Thủ” thăm chồng, mỗi tối rà cái radio để tìm đài Cộng Sản. Nhà dì Tư lầm lỡ thuê nhầm một bà giúp việc có con đối nghịch với con mình. Thu có cảm giác mình là một nàng Mỵ Châu bị lừa gạt bởi đêm đêm ngủ cùng phòng với “giặc”. Còn nhớ lúc học tiểu học nghe chuyện kể Trọng Thủy Mỵ Châu phát thanh trên radio của trung tâm học liệu bộ giáo dục Thu nhớ hoài câu: “Giặc ở sau lưng nhà ngươi đó” Thu đã không được thần Kim Quy mách bảo dù là trong giấc mộng để giờ cay đắng nhớ lại: “giặc ở bên kia giường đang ngủ cùng phòng với nhà ngươi đó!”.

Cũng vì vậy Thu không thể nói dối, bao che với địa phương rằng gia đình dì Tư còn ở lại không di tản. Thu rất căm hận khi bây giờ phải hàng ngày đối mặt với những người biết đâu là kẻ đã đặt trái mìn trên quốc lộ năm xưa giết cha mẹ Thu. Người ta hô hào đả đảo tội ác của Mỹ Ngụy vậy họ có dám đả đảo kể tội những kẻ đã giật mìn xe đò, đắp mô phá hủy đường sá, cầu cống, pháo kích vào thường dân giết những trẻ em người già tay không vũ khí đang bỏ chạy trên quốc lộ. Sao không thấy họ mang những hình ảnh ấy, kể lại sự thật và đem vào trưng bày trong các gian nhà họ gọi là “Bảo tàng cách mạng”.

oOo

Nếu là tuồng cải lương hay một chuyện phim trên màn ảnh, người ta hay chú thích… “Rồi mười lăm năm sau..” Để lý giải một quãng thời gian dài không cần kể lể chuyện xảy ra. Cuộc đời của Thu cũng vậy, nhưng qua mỗi mùa lá rụng Thu đã chịu đựng, có rất nhiều thứ chưa kể vì bởi tìm đâu người biết chuyện sẵn sàng nghe.

Nhìn thấy nhà không còn ai, bà Sáu tự động ở lại sẵn sàng thay thế dì Tư làm bà chủ vì thời thế thay đổi, từ chân lý dân là chủ nên vai trò người giúp việc cũng lên ngôi. Thằng con bà hơn Thu chừng chục tuổi lấy cớ thăm viếng mẹ cứ dăm ba bữa ghé nhà tìm cách bắt chuyện với Thu. Có lần hắn còn đề cập xa gần ý định “đăng ký quản lý đời em” với tổ chức để xin cưới vợ. Giả vờ không hiểu Thu lấy cớ về thăm chú thím dưới quê, lên Phường xin giấy phép đi đường và tạm vắng nơi cư trú vài tháng để tránh mặt con bà Sáu. Về quê nhìn mấy đứa em họ con chú còn thấy cực khổ hơn, cả nhà giờ sống nhờ vào vườn trái cây bé tẹo, trong khi tất cả ruộng phải vào hợp tác xã lấy công điểm mới được chia lúa. Nuôi con heo, con gà cũng không được tự do mang đi khỏi địa phương bởi chủ trương ngăn sông cấm chợ của nhà nước. Cuối cùng Thu cũng đành phải trở lại nhà dì Tư vì nơi đây còn có hộ khẩu ghi tên nàng, có giấy chứng nhận này người ta mới có thể sống bám vào thành phố, mua gạo thóc nhu yếu phẩm, xin công việc làm trong các xí nghiệp. Chính quyền cách mạng kiểm soát rất chặt chẽ từng con người bằng chế độ hộ khẩu. Bởi vậy căn tiệm của dì Tư bị tịch thu với lý do nhà vắng chủ, giờ thuộc quyền quản lý của phòng công nghiệp quận để thành lập tổ hợp may mặc. Tạm thời Thu chưa bị đuổi khỏi nơi đây thế nên ngẫu nhiên trở thành một công nhân của hợp tác xã may của địa phương.

Trải qua nhiều tháng năm căn nhà được trao qua đổi lại với nhiều quyết định của các cấp chính quyền, cho đến khi quyền quản lý nhà giao về cho một đơn vị cấp thành phố với sắp xếp từ quận tất cả thành viên ở đây phải được nhận vào làm trong xí nghiệp khi tiếp quản, do đó Thu trở thành công nhân viên và bị chuyển vào ở trong khu nhà tập thể. 

Trước dãy nhà của Thu ở là một hàng me già, mỗi ngày qua lại ra vào ít khi quan tâm hay để ý mặc cho mưa nắng, hết đợt lá vàng rơi rụng lại tới chồi non xanh mướt. Thu trở thành một bà cô lỡ thời, không phải cô không có ai yêu nhưng Thu sợ cảnh dị mộng đồng sàng bởi đời nàng đã trải qua toàn trong cô đơn, giờ để hiểu nhau giữa hai người xa lạ là một điều khó, nhất là không đồng quan điểm chính trị. Có những đôi vợ chồng sống với nhau mấy chục năm còn chưa hiểu hết tính tình nhau, đến khi chợt một ngày nào đó bộc lộ tâm tính khiến ngỡ ngàng chỉ còn biết chịu đựng lẫn nhau nếu không lâm vào cảnh đường ai nấy đi như nhiều gia đình đã xảy ra.

Ngang qua bàn bảo vệ, bị gọi giật ngược :

- Cô Thu có người gởi thơ nè.

Mân mê chiếc phong bì trong tay phân vân hỏi :

- Ai gởi cho tui mà không thấy tên hay dấu bưu điện vậy kìa?
- Của một ông trung niên ăn mặc bảnh bao lắm.

Cầm lá thơ lên lầu về phòng cứ thắc mắc, ai biết được địa chỉ nhà tập thể này Thu đang ở. Trong thơ chỉ có tờ giấy ghi vỏn vẹn hàng chữ: “ Chiều nay anh ghé nhà gặp em lúc sáu giờ. Anh Minh “. Chỉ một dòng vài chữ lại khiến Thu run rẩy hai tay, trong mơ hồ nhớ lại quảng đời đã trôi qua như một giấc mộng Thu tưởng chừng không còn gặp lại những nhân vật giờ thành trong mơ. Không ai khác hơn là con trai dì Tư và thành viên trong gia đình. Hai đứa em con của chú thím dưới quê lên ở cùng nhà dọn cơm không thấy Thu ăn nên cứ thúc giục :

- Chị Thu, ăn cơm đi chứ! Sao trông chị thẩn thờ vậy?
- Tự nhiên chị thấy no ngang, thôi mấy đứa ăn rồi dẹp để học bài. Chắc ban nãy tụi bạn làm chung rủ chị đi ăn trứng vịt lộn nên còn no.

Thu đi ra đứng ngoài hành lang nhìn xuống đường, ngày xưa có lần Thu được anh Minh kể chuyện mỗi khi đòi đi khu Nguyễn Tri Phương ăn trứng vịt lộn. Anh nói :

- Mấy bệnh nhân bị mắc bệnh cùi hồi xưa chưa có thuốc đặc trị của giáo sư Bửu Hội phát minh, họ hay lấy lá rau răm này nè, vò nát xát vào chỗ ngứa.

Thu nhìn anh nghi ngờ khi thấy anh Minh cười với vẻ bí mật sau câu nói :

- Anh nói thật hay gạt làm em hết muốn ăn để anh ăn một mình, em không tin đâu.

Nhớ chuyện bỗng nhiên kỷ niệm ùa về khiến Thu tưởng như mình được hồi sinh.

Gặp nhau Thu cười mà nước mắt ràn rụa. Anh vỗ nhẹ lên bàn tay nàng và nói câu gì bằng Anh ngữ khiến Thu không hiểu :

- Anh nói tiếng Việt đi, em không hiểu anh nói cái gì.
- Xin lỗi, tại phản xạ tự nhiên như vậy. Anh vừa nói là em trấn tĩnh cảm xúc lại đi.
- Làm sao anh biết địa chỉ này của em, dì Tư bên ấy mạnh khỏe không? Qua bên đó dì với anh làm gì, còn chị Liên nữa.
- Em hỏi anh! còn anh cũng muốn hỏi em nhiều thứ nè.
- Chuyện của em dài lắm, anh kể chuyện bên đó trước đi.
- Thì cũng đại khái giống như mọi người, anh đi học rồi đi làm nhưng anh không trở lại làm bác sĩ đâu vì bên Mỹ làm bác sĩ trách nhiệm nhiều lắm, anh lại không còn trẻ. Về gia đình chị Liên ở riêng ngay từ đầu. Anh vẫn ở chung với má, năm năm sau anh lập gia đình và có một con. Thời gian đầu thỉnh thoảng má vẫn nhận may áo cho những người quen, sau này anh dọn về Cali má có rất nhiều khách làm không hết việc, má nói phải chi có em phụ giúp với má. Người Việt ở đây rất thích mặc áo dài.

Tôi ngắt ngang hỏi :

- Vợ anh là người Mỹ?
- Không, là người Việt Nam, em biết tính má anh mà. Nhưng qua đây má cũng dễ dãi nhiều lắm rồi. Anh muốn lấy ai má không ý kiến nữa đâu.
- Vậy cũng tốt thôi.
- Gia đình cũng biết nhiều thay đổi bên Việt Nam nhờ sau này có rất nhiều người vượt biên qua. Má vẫn nhớ đến em, muốn biết tin tức bên nhà nhưng thư từ không có hồi âm. Má thấy người ta qua nhiều nên cũng muốn em đi theo nhưng không biết làm sao. Mãi cho đến gần đây anh gặp vài người bạn qua Mỹ theo diện bảo lãnh đoàn tụ sớm nhất, họ biết khu nhà mình ở hồi trước nên kể rằng chỗ này không còn, người ta giải tỏa để xây khách sạn mất rồi. Vậy là không thể liên lạc với em được nữa. Tự nhiên sau này má nhắc em hoài, nói chắc con Thu đã có chồng con, không biết sống giàu nghèo ra sao? Bỗng má nhớ em có chú thím của em dưới quê, nhưng hồi ấy không hỏi rõ địa chỉ, chỉ biết có vườn trái cây bên cồn. Tên tuổi hai người cũng không rõ chỉ gọi là chú Út Thôi.

Tôi thắc mắc ngắt lời :

- Nhưng làm sao anh tìm được địa chỉ này của em?
- Anh thấy nhiều người về họ nói bây giờ Việt Kiều không bị quản lý chỗ ở theo đoàn với tư cách du lịch như trước kia, được phép về sống chung với thân nhân trong gia đình ở bên ngoài nên anh theo một người bạn về thăm nhà ở Vĩnh Long, nhờ anh này mới tìm được chú Út của em. Qua chú anh mới biết tình trạng em hiện giờ và em vẫn chưa lập gia đình.
- Em già rồi đâu ai chịu lấy em. Anh nói đúng đó, những năm trước em có tiếp xúc với một chị của nhỏ bạn làm chung xí nghiệp. Chị này làm tiếp tân ở quầy một khách sạn gần Hồ Con Rùa kể: “Khách phải đi theo đoàn có nhân viên quản lý hướng dẫn chỉ định nơi thăm viếng. Thân nhân được phép gặp mặt tại khách sạn nhưng chỉ ở sảnh phòng khách, chị này kể buổi tối chị trực đi kiểm soát nghe tiếng cười trong một phòng té ra thân nhân họ lén trốn để gặp nhau trong đó. Nghe vậy mới biết quy định khách sạn không cho người bên ngoài không phải khách thuê lên phòng, kể cả thân nhân của họ. Bây giờ thì chính sách nhà nước thoáng rồi chứ trước kia hễ khách Việt kiều về thăm nhà bị xét lý lịch trước đó rồi. Họ sợ tình báo CIA và phản động tìm cách thu thập bí mật quốc gia.
- Trời họ làm như CIA giống như đậu phộng, đậu xanh rải đầy khắp chốn.
- Anh không ở lại nên không biết, sau bảy lăm ai mà có liên lạc với người ngoại quốc hay đi học nước ngoài về đều bị nghi là CIA hết đó. Em có nhỏ bạn chồng là lính Hải Quân du học bên Mỹ, nó có thằng anh họ cũng làm lớn lắm nghe đâu là chính ủy một trung đoàn, thằng anh này nói với con em họ: “Tao đang thắc mắc chồng mày đi học bên Mỹ có phải là tình báo CIA không đây”. Nó tức quá chửi trong bụng đồ ngu dốt vậy mà cũng làm chính ủy, nhưng về sau ông này mang quân qua Kampuchea bị pháo chết queo rồi. Bởi vậy cho đến giờ này đã mười mấy mùa lá rụng em không muốn lấy chồng, chung quanh em toàn gặp người giống như con bà Sáu giúp việc thế nên em xin “vái” cả nón.
- Để anh làm ông mai tìm một người nào đó mang em sang bên kia chịu không?
- Thôi anh ơi, giờ anh mới nói thế đã muộn rồi. Em thấy Việt kiều về đây toàn tìm các cô trẻ đẹp nhỏ hơn mình hai ba chục tuổi. So tuổi, nếu người lớn hơn em giống như vậy bây giờ cũng phải hơn bảy chục, qua bên đó em chỉ có nước làm ôsin phục vụ cơm nước, giặt giũ cho người ta thôi.
- Anh có phone qua nói đã tìm được em nên má mừng lắm. Má đòi về Việt Nam chơi, mấy bà bạn cùng tuổi má về hoài nên bà cũng muốn, ngặt một điều là bên này không còn ai. Má còn muốn về ở luôn nữa kìa.

Thu tròn xoe mắt ngạc nhiên :

- Dì Tư chỉ có anh là con trai duy nhất làm sao dì chịu sống xa anh?
- Em không biết đâu, có khi đời sống trái ngược. Ở nước ngoài con cái thường không muốn sống chung với cha mẹ khi đã thành niên. Dâu rể ít khi nào muốn ở chung, thà rằng sống xa thỉnh thoảng về thăm đỡ phải mệt lòng
- Nói chuyện với anh làm em có cảm giác trở lại ngày xưa thời con gái. Hơn mười lăm năm em mới có dịp được tiếp xúc với người sống trong thế giới tự do văn minh lịch sự.        
- Em đừng buồn nữa, xã hội trên đà tiến hóa càng ngày sẽ càng thay đổi. Bất kỳ chế độ độc tài nào cũng không thể bưng bít tất cả sau bức màn sắt hay màn tre. Sự thật là điều bất biến.

Thu ngậm ngùi nghĩ đến tuổi xuân của mình đã qua theo năm tháng, cuốn theo những mùa lá rụng, dòng đời trôi lăn cũng là bất biến.

Cỏ Biển
Mùa Thu 2019

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019