SỐ 84 - THÁNG 10 NĂM 2019

 

Tháng chín, mùa thu,
...ở hai đầu nỗi nhớ

Tháng chín. Tháng của rỉ rả mưa đêm, của lả chả cánh phượng và hiu hiu mùa chuyển.

Tháng chín. Tháng của líu ríu chim sẻ rủ nhau bỏ đi và xôn xao học trò rủ rê nhau trở lại.

Tháng chín... khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc.

Tháng chín bây giờ, xứ lạ đã thành quen và tháng chín hồi đó, rất quen mà như chừng đã lạ.

Tháng chín ở một thành phố nhỏ, giữa miền Nam nắng cháy mưa lầy, nơi tôi đã sống lụy như tình nhân và tấm tức bỏ đi như người bị ruồng rẫy.

Tháng chín ở đó với không biết bao nhiêu là kỷ niệm của những mùa thu giả tưởng. Phải rồi, làm gì có thu đến thu đi như mấy bài hát nghêu ngao làm người ta tưởng như mùa màng cũng theo chân mấy người tình tới tới lui lui mà thay hình đổi dạng. Thật ra có gì khác lạ đâu ở bên ngoài lòng người, chỉ là hai mùa mưa nắng. Vậy mà mỗi lượt nghe ai cất giọng rầu rĩ... thu đi cho lá vàng rơi ... là lòng dạ cứ nao nao ... làm như nghe được tiếng chân thu đang chuyển dịch sẽ sàng. Chắc tại mình quá mơ mộng. Hay tại vì nhịp mùa có chuyển cũng chuyển từ trong tâm tưởng. Trời đất thay đổi rất vô tình. Tại mình kiếm chuyên mới có chuyện. Xứ sở đâu có bốn mùa vẫn cứ cố bày ra cho được. Trời miền Nam quanh năm suốt tháng nắng nướng đến dòn da mà cái đầu thì cứ mê muội bày đặt đủ thứ tứ thời bát tiết. Hết xuân-hồng-ta-muốn- cắn-vào-ngươi đến anh-vẫn-thấy-em-ngồi-đâỵ-tóc- ngắn-mà-mùa-thu-dài-lắm-ở-chung-quanh... Mình lợi dụng trời đất vào tình riêng riết rồi lậm lúc nào không hay. Đến nỗi hễ nghe xuân tới là rậm rật hy vọng mà hay tin thu về thì lại đâm ra buồn ngẩn buồn ngơ.

Truy cho ra nguyên ủy chắc cũng đã xa lăm lắm, đâu từ đời Đường đời Tống ở bên Tàu, có thể gần hơn một chút thì Lamartine với Chateaubriand ở bên Tây. Gần hơn chút nữa thì cũng cỡ những năm hai mươi khi bà Tương Phố viết Giọt lệ thu buồn đến ngất ngư làm cái đám sinh sau đẻ muộn lỡ thuộc nằm lòng rồi cũng đâm ra sầu thu đến chảy nước mắt, từ đó. Ai biểu.

Vài chục năm sau, ở một thành phố nằm ngay trên vĩ độ 45 bắc, đột nhiên giữa một buổi chiều cuối tháng chín, tôi thấy mùa thu trở lại thật sự. Đúng ra, chắc cũng đã rục rịch từ mấy ngày trước mà không ai hay, từ bên kia dãy núi chắn ngang phía bắc thành phố. Ở đó rừng núi mênh mông, cây lá mênh mông, mặc tình cho trời đất xun xoe làm dáng. Ở đó trên những chỏm núi ngất ngưởng cao đã thấy quầng thâm những ngụm mây xam xám. Và chắc ở đó cây lá cũng đã len lén đổi màu từ khi mặt trời cứ bỏ đi ngủ sớm. Ở dưới này, giữa lòng phố, ngày đã ngắn lại đâu từ giữa tháng, mỗi ngày một chút. Và gió cũng đã đổi hướng, mỗi lúc một lạnh lùng. Lòng người ta bén nhạy còn hơn đài khí tượng, đánh hơi mùa ngay từ khi máy móc chưa kịp tính toán xong.

Vậy đó, một buổi chiều cuối tháng chín, tôi bỗng thấy mùa thu trở lại, dù mùa hè còn vụt vặt chưa chịu bỏ đi.

Bắt đầu là một cơn gió lạ. Cũng không biết từ đâu thổi tới. Chỉ biết khi tôi thấy thì nó đã ra tới giữa lòng đường. Lúc đó đâu khoảng giờ cơm nên lòng đường trống trơn, duỗi dài như một cánh tay mệt mỏi sau khi đã vật vã mệt nhoài với mớ xe cộ hối hả qua lại khi nãy lúc vừa tan sở. Mặt đường xám ngắt, mệt lì giữa hai hàng cây im sựng. Cơn gió lách tới bất ngờ, quợn qua quợn lại một chút rồi bốc thẳng lên, mang theo một chút bụi đường và một chiếc lá vàng đã nằm sẵn đó tự lúc nào, thổi ngược vào lề thả lá bay vất vưởng một đỗi rồi bỏ đi bất chợt để lại chút gai gai lạnh trên cánh tay trần của người khách bộ hành vừa trờ tới. Một chút động đậy thôi trong một giờ chiều rất tịnh bỗng nhiên làm quậy lên lao xao một cái gì rất lạ. Một cái gì rất mơ hồ, nhẹ hẫng, chẳng đâu ra đâu vậy mà như đủ sức khều dậy giữa lòng người một ý niệm hay đúng hơn, một ấn tượng ... Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu.

Vậy đó rồi đâm ra buồn ngang, buồn ngửa, buồn ngất trên vai áo theo kiểu của thi sĩ du tử họ Lê.

Mà buồn cái gì ? Mùa thu ở đây, ở vùng đông bắc này rồi sẽ đẹp gần chết mà buồn nỗi gì ! Trời hanh nắng, gió hiu hiu lạnh, khoác chiếc áo dạ len thả hở hàng nút, kéo cao cổ áo phủ ót, một tay đút túi, một tay quơ quơ hốt nắm sương la đà, chân thả lang thang coi trời đất làm duyên. Xanh vàng tím đỏ rồi xanh xanh vàng vàng tím tím đo đỏ có loạn thị cách mấy cũng phải chịu là đẹp. Vậy tại sao lại còn đòi buồn đòi tủi. Vâng thì đẹp. Mà điều cái đẹp là cái bây giờ, ở đây. Còn cái buồn là cái hồi đó, còn vận đến chừng này, trong tâm tưởng.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi, nghe gió thoảng mơ hồ, trong mưa thu ai khóc ai than thở ...

Đố ai đã từng nghe Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong một lần mà không thấy ngậm ngùi tới xót ruột. Nhất là ở cái thời mới lớn.

Rồi dọc theo cái thời tập tành yêu-đương-phụ-tình- tình-phụ đó là không biết bao nhiêu mùa thu nữa lãng đãng theo mấy nốt nhạc làm phông cho chàng tình nhân trẻ tuổi thả trái tim ba chìm bảy nổi theo mấy dòng tóc mây thu. Dĩ nhiên là chắc chìm nhiều hơn nổi cho nên rốt lại cứ nghe tới thu là đâm ra rầu miết.

Đến khi Phạm Duy đem nhạc phổ thơ Appolinaire thì ôi thôi chắc mẽm thu ơi sao mà buồn lắm vậy I

Em ngắt đi một cùm hoa thạch thảo. Em biết cho mùa thu đã chết rồi. Mùa thu đã chết...

Nhạc đã vậy, còn văn thơ thì khỏi nói. Trong một chục bài văn thu với thơ thu thì đã có tới chín mươi chín phẩy-chín mươi chín phần trăm nói về thu buồn, thu nhớ, thu sầu, thu khổ ... nước mắt ngắn nước mắt dài ... đến nỗi mới nghe tới hơi thu là đã ngửi ngay mùi ẩm mốc, dẫu rằng có thiếu chi những ngày thu khô ráo !

Thử nghe bà Tương Phố ở cái thời đàn bà chỉ biết có kim chỉ mà cũng đem thu ra than van thảm thiết về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh cũng lại mùa thu, cho nên mỗi năm cứ đến độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước tưởng xưa mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu ... thì đến đá tảng khi đụng tới mùa thu cũng phải rụng rời nói chi trái tim thanh niên mềm như lá liễu.

Tới ông Tản Đà thì thu quả nhiên buồn đến hết nói.

Trận gió thu phong rụng lá hồng. Lá rơi tường bắc lá sang đông. Hồng bay mấy lá năm hồ hết. Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không. Đâu mà toàn là chuyện trắc trở với lại phòng không chiết bóng. Nghe mà nhão cả người.

Rồi Nguyễn Bính giang hồ rất mực ra bắc vào nam như ăn cơm bữa mà lại cũng chọn cho được mùa thu để ... thất tình. Tôi về gom hết ba thu lại. Đốt hết cho cô khỏi thẹn lời.

Thậm chí tới mấy cái chuyện cổ tích cũng vậy. Mới nứt mắt ra là ngốn không biết bao nhiêu chuyện tình oan trái. Mở đầu là câu chuyện anh chàng Ngưu Lang với cô nàng Chức Nữ . Yêu chi mà yêu khổ. Yêu chi mà mỗi năm chỉ cho gặp gỡ có một lần. Mà còn phải có đám chim ô thước thương tình bắt cầu cho qua sông Ngân tái ngộ. Đêm mùng bảy tháng bảỵ. Khóc mừng hay khóc tủi mà lụt lội thế gian. Nước mắt mùa thu khóc duyên phận người...

Lớn lên chút nữa, mới học được đâu ba chữ u chữ tây mà lỡ nghe Yves Montant hát Les feuilles mortes rồi là không ít thì nhiều cũng sẽ lụy cái mùa thu có gió cuốn đi hàng đống lá vàng, mang theo cả mớ kỷ niệm và hối tiếc khi sóng biển đang xóa dần dấu chân trên cát của những cặp tình nhân một thưở đến lúc phải lìa nhau ....

Kể ra thì cũng oan ức cho cái mùa thứ ba của trời đất. Mùa nào không lấy cứ đè mùa thu ra mà gán ép bao nhiêu oái ăm ngang trái tương tư thất tình phụ bạc anh-đi-đường-anh-tôi-đường-tôi cho đành đoạn. Bộ yêu nhau rồi phụ nhau vào mùa xuân không được sao? Hay mùa hè? Hay mùa đông? Mà cũng lạ. Thiên hạ yêu nhau hồi nào đâu không biết mà hễ tới hồi rẻ rúng là cứ kéo cho được mùa thu ra làm cảnh và làm chứng. Cả cái cô Thúy Kiều và ông thương gia Thúc Sinh cũng một điệu. Người lên ngựa, kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san... Riết rồi ai nấy cứ khăng khăng mùa thu là phải buồn dẫu là tôi-buồn-không-biết-vì-sao-tôi-buồn, là phải nhớ dẫu là nhớ vẩn nhớ vơ hay nhớ có nơi có chỗ, nhớ đọc chiếc hay là nhớ song phương, nhớ tam giác hay ngũ lục giác gì cũng được. Miễn là có mùa thu cho ra cái điệu ... nhớ.

Bởi vậy mà dầu muốn hay không, thì ở đây, nơi mùa thu được coi là mùa lộng lẫy nhất trong năm, người khách tha hương vẫn cảm thấy buồn buồn ngay khi mùa thu vừa trờ tới.

Giữa khi trời đất vàng rực huy hoàng thì lòng người bỗng chùng xuống, tối mịt những kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì không vui. Kỷ niệm chỉ co buồn thôi vì kỷ niệm là cái đã mất. Giống như mùa thu chỉ để buồn thôi vì mùa thu chỉ là sự gắng gượng làm vui của trời đất khi sắp lịm vào cơn mê thiếp. Cũng kỳ. Ở đậu xứ người mà không chịu vui với người. Người ta tổ chức hết lễ lá đến lễ màu. Mà lòng mình thì chỉ có mỗi một lễ duy nhất. Lễ nhớ. Mà hễ nhớ thì buồn. Mà đã buồn thì lại nhớ. Tại cái mùa thu đó, nó gợi nhớ. Hay tại mình, mình không chịu quên.

Không dưng mà lại nhớ đến một câu trong bài tùy bút của Đinh Hùng viết đâu từ vài chục năm trước về một mùa thu trở lại. Lâu quá đã quên gần hết chỉ còn loáng thoáng, hình như là ... nắng ở đây vẫn là nắng ấm ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước.

Ờ linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Năm nảo năm nào. Mà có cần xác định một thời điểm chính xác trong cái chuỗi nhớ thương dằng dặc đó. Năm nào mà chẳng được. Khi đã là quá khứ thì ngày tháng cũng mù sương. Trí nhớ thì chập chùng mà kỷ niệm thì trùng điệp. Nhưng vẫn có đó. Đôi khi lộn trước lộn sau. Nhưng có cần không một thời biểu rõ ràng cho mớ hình sương bóng khói.

Mùa thu. Mùa của năm học mới bắt đầu. Những buổi tựu trường. Tiếng trống giục giã. Áo trắng quần xanh. Tóc rẽ bảy ba. Sách vở, viết mực, hàng chữ nắn nót... Rồi phấn trắng bảng đen, thi cử, ly cà phê trắng mắt, lá thư tình thứ nhất...

Mùa thu. Mùa của trăng đêm hò hẹn. Của giận hờn. Của xin lỗi. Của vụng dại dễ thương như lần đầu lầm lỡ.

Mùa thu. Mùa của biệt ly. Của cửa sông đen ngòm. Của ngọn đuốc lập loè. Của bỏ cha bỏ mẹ, bỏ bầy bỏ bạn, bỏ nước bỏ quê.

Mùa thu. Mùa của điêu tàn. Của nát tan. Của khúc ruột đứt lìa. Của ngón tay vuột mất.
Ôi mùa thu thương khó từ trong tâm thức. Có nhớ có thương năm nay thì cũng chỉ là nối tiếp cái thói quen thương nhớ từ năm kia năm kìa. Mà sao cứ nhớ thương hoài vậy? Rồi không chừng lại nhớ tiếp luôn tới năm sau, - năm sau nữa I Bộ khoảng giữa của hai đầu thương nhớ nó nhủn nhắn nhùn nhằn như cao su vậy sao mà kéo dài tới chừng nào cũng được.

Bộ chỉ có cái trí nhớ là đức tính cần thiết và dai dẳng nhất của con người sao?

Còn đến chừng nào thì lãng quên sẽ là đức tính cần thiết hơn nữa...?

Cao Vị Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2019