SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

Áo Mẹ Ngày Nào

Thời gian trôi vùn vụt. Tháng năm chồng chất tháng năm. Tuổi đời chồng chất tuổi đời.  Thoáng cái tôi đã vượt qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà ở vào tuổi đôi mươi sẽ không ai nghĩ tới, hoặc đắn đo, thắc mắc tự hỏi con đường mình đi đến đó như thế nào? Sẽ gặp bao nhiêu chông gai, bao nhiêu gian truân, trắc trở? Sẽ sống lâu bao tuổi? Bây giờ nhìn lại mới thấy rằng chẳng ai đoán trước hoặc tính toán mọi sự theo ý muốn của mình cho tương lai được cả. Mọi việc dường như đã được viết ra chi tiết từng diễn biến, vẽ sẵn mô hình từ lúc khởi đầu đời cho đến khi kết thúc, sắp đặt sẵn sàng theo thứ tự lớp lang rồi ghi lên sổ sách như một vở bi hài kịch, cứ đến ngày giờ là sẽ tuần tự xảy ra như đã dự định trước vậy. Dẫu mình có tính toán tài giỏi cách nào thì tính một đường nó cũng ra một nẻo khác mà thôi. Nói thế không có nghĩa là cứ nhắm mắt đưa chân, mặc cho con tạo xoay vần. Nhưng nhẩm lại, đường dài cuối đời có mấy chuyện do người tính? Có mấy chuyện người tính không bằng trời tính? Chuyện sống chết nay mai chưa biết ra sao nói chi đến chuyện có thể ì ạch leo lên đến hàng bảy mươi ngồi chễm chệ trên đó cách nửa vòng trái đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  Cứ xem chuyện đi vượt biển làm điển hình, rõ ràng nó giống như con người mò mẫm đi trong đêm tối của định mệnh, như đem đánh cuộc sự sống còn với tử thần vậy. Một sự “cá cược” cuối cùng bằng sinh mệnh của con người! 

Tuổi càng cao, trí nhớ càng mai một, quên đầu quên đuôi, quên trước quên sau. Thế nhưng có những chuyện xảy ra, những cảm giác xúc động vào thời điểm nào đó, hoặc những vật dụng liên hệ đến ta mà suốt đời không quên được, không phôi pha. Và một trong những chuyện, những kỷ niệm tôi luôn nhớ như in trong đầu là những lần đi vượt biên cùng chiếc áo cũ kỹ, quê mùa của mẹ tôi đã khoác lên mình, để giả làm người buôn bán hàng chui, đeo xe đò từ Sài gòn tới lui các tỉnh ven biển để móc nối tìm đường vượt biên.

Ngày ấy tôi đen đủi và ốm yếu nên cũng chẳng gây được sự chú ý đáng kể của mọi người. Vì thế mà suốt mấy năm trường tôi cứ như con thoi lên xuống Sài Gòn, Rạch giá, Hà tiên, có khi Vũng Tàu, Bà Rịa. Mẹ tôi đã lấy bộ quần áo cũ của bà may thêm túi hò túi xê vào phía bên trong quần để tôi dấu diếm tiền bạc hay vàng thẻ. Còn chiếc áo làm vườn màu nâu già của mẹ tôi mặc lên mình thì cứ trông như cô gái lọ lem vậy. Thế là sau những lần vượt biên thất bại tôi lại an toàn trở về nhà mà không bị xóm ngõ hay công an phường nghi ngờ gì cả. Thậm chí lần vượt biên từ Kiên Lương, Hà tiên bị lộ tẩy và bị bắt tù sáu tháng ở U Minh Thượng, thuộc tỉnh Cà Mâu, ra tù về lại Sài Gòn tôi vẫn bình yên vì công an khu xóm không hay biết gì.

Quê tôi xa tít mãi tận Hà Tiên, một mõm đất cuối trời tây nam ven bờ vịnh Thái Lan, góc cùng của đất nước Việt Nam, có sông núi hữu tình, có biển cả mênh mông bàng bạc ánh trăng lấp lánh, lung linh vào mỗi đêm rằm. Mấy năm trước, chị Huê - chị thứ Ba - và tôi làm việc tại Sài Gòn, các cậu em tôi đi học ở Cần Thơ.  Mẹ tôi lên Cần Thơ ở để lo chăm sóc chúng. Bố tôi làm công chức cho sở Công Chánh tại Hà Tiện, rồi đổi sang tỉnh Kiên Giang, cuối tuần ông thường chạy lên Cần Thơ thăm vợ con. Cuộc sống bình lặng trôi qua cho đến sau tháng Tư năm 75 một thời gian thì tất cả các em tôi cùng nhập hết về Sài Gòn. Chỉ còn Chung ở lại theo học Đại Học Nông Nghiêp Cần Thơ. Bố mẹ tôi trở về căn nhà cũ ở Hà Tiên. Mục đích của ông bà là cố tình ở gần biển để tiện bề móc nối cho con cái đi vượt biên. Có đám ghe thuyền nào rục rịch tổ chức bố tôi đều quyết tâm thăm dò, liên lạc, thương lượng giá cả v..v... Một việc vô cùng khó khăn và nguy hiểm mà nếu không khéo léo hay không may bị bại lộ thì bị mất hết nhà cửa, bị bắt, bị đánh đập tra khảo cho lòi tiền, cho ra vàng, ra manh mối và bị tù tội rất nặng. Cứ nghĩ đến cảnh bố tôi đã cao tuổi đời, lại ốm yếu, mảnh khảnh mà lỡ phải bị bắt, bị hành hạ, bị tù tội...trong ruột tôi cứ xót xa như bị xát muối.

Bố tôi không có sức lực nhiều, nhưng ông có tình thương con cùng lòng can đảm vượt bực, ý chí kiên cường, sự thông minh và quyết tâm tìm mọi cách để đem con cái ra khỏi nước. Vì ông hiểu rất rõ là không thể sống trong xã hội chủ nghĩa được. Thế nên ông luôn cố gắng hết mình để thương lượng giá cả, số người và tìm giao kèo qua trung gian tin cậy để gửi con cái đi. Đến khi có sự thỏa thuận xong thì bố nhắn tôi về chồng tiền hoặc mang các em đến địa điểm phát hành để tham dự chuyến đi. Sự ngã giá bằng vàng, hay tiền mặt rất gian nan và bấp bênh, chủ tàu nào cũng muốn lấy tiền cao và đòi trả trước. Thường khi bị lừa gạt và mất mát rất dễ dàng.

Tội nghiệp bố tôi, nhà đông con, đứa nào ông cũng muốn gửi đi mà tiền bạc do chị cả Nguyệt, em Tân, sau có thêm Chung và Phương hổ trợ từ Mỹ gửi về dạo ấy hạn hẹp và khó khăn vô cùng. Phải tìm mọi cách khéo léo để dấu diếm tiền, thường là giấy 100 đô la Mỹ được các em tôi cuộn tròn rồi nhét vào giữa cục xà bông, ống kem đánh răng, phong kẹo chocolat.v.v… rồi lấp kín lại sao cho không để tì vết đáng nghi ngờ. Xong bỏ tất cả bỏ vào thùng lớn với nhiều hộp bánh kẹo, vải vóc, vật tiêu dùng và thuốc men để đánh lạc hướng. Lúc chưa được phép liên lạc về Việt Nam, em tôi phải gửi những thùng quà này sang Pháp rất tốn kém, sau đó nhờ câu sáu Viên đang ở Paris chuyển về dùm.  Sau khi có liên lạc được rồi thì gửi trực tiếp. Nhưng cũng có nhiều chuyến bị phát giác và bị tịch thu hết cả tiền.

Tóm lại, mọi hoạt động trong vụ việc vượt biên phải hết sức tinh tế, kín đáo, cẩn trọng, bí mật và nhạy bén như chuyện gián điệp vậy.

Khổ cho bố mẹ tôi, khi Hà Tiên bị Miên Đỏ pháo kích liên tục và nặng nề, ông bà phải bỏ nhà chạy qua Thuân Yên – một xóm nhỏ ven bờ biển, cách Hà Tiên mười mấy cây số - sang lại cái chòi lá nhỏ xíu chỉ đủ kê vài miếng ván nhỏ làm gường tạm một người nằm và một chiếc ghế bố đặt lấp lối di chuyển cho tôi ngủ khi tôi về thăm. Chòi bé, trống trước trống sau, đơn sơ như những chòi hoang trong đồng ruộng xa mà người ta dựng lên để tạm trú mưa gió vậy. Phía sau chòi sát với bờ biển hướng ra vịnh Thái Lan, một phần lõm vô sâu vào đất liền của Thái Bình Dương mà tuốt mù khơi phía bên kia bờ là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và xuống xa phía nam nữa là Úc Châu. Là những nơi mọi người mơ ước sẽ có ngày được đặt chân đến. Mái hiên phía trước có hai cánh líp bằng lá dừa chằm, ban ngày dựng ra hai bên bằng cây chống đỡ, ban đêm buông xuống làm cửa. Mặt ngoài ngó ra đường lộ liên tỉnh Hà Tiên-Kiên Lương và Rạch Giá. Phía trước mẹ tôi đặt cái lò sô nấu ăn và bố tôi đặt một cái ghế để hớt tóc. Bố tôi thật luôn biết cách xoay sở, thích ứng với hoàn cảnh một cách khôn ngoan. Ông lại khéo tay, hớt tóc đẹp nên có thể qua mắt công an địa phương được. Gọi là để kiếm tiền độ nhật sống qua ngày, thật ra đó chỉ là cái cớ để bố mẹ tôi cố bám trụ ở vùng gần biển hầu có thể tìm cơ hội cho con cái đi vượt biên thôi.

Cuộc sống của bố mẹ tôi trong thời gian này muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, cực khổ, khốn đốn, lo âu, sợ sệt, thiếu thốn tiện nghi, sức khỏe lại già yếu, bịnh tận. Không biết lúc nào bị pháo kích, lúc nào bị tấn công. Ông bà mấy lần suýt chết bởi những trận pháo kích như mưa của Khờ Me Đỏ vào Hà tiên, định chạy sang Thuận Yên với hy vọng sẽ có lúc yên ổn thì dọn trở về. Ngờ đâu không bao lâu Thuận Yên cũng bị pháo kích triền miên.

Không thể an toàn ở Thuận Yên được nên bố mẹ tôi lại phải dời xuống Kiên Lương cách đó khoảng 30 cây số. Tại đây bố tôi cũng tìm chỗ hành nghề hớt tóc để có cớ lưu lại vùng mà sớm muộn gì cũng có thể bị bất an bất ổn này. Ban đêm ông bà về tạm trú nhà bác Ngoạn, một người bạn nối khố lâu đời của bố tôi. Mấy chị em tôi tạm ẩn ở nhà bác Ba Khiêm trong Núi Trầu để chờ cơ hội. Núi Trầu là một làng nhỏ xa quận Kiên Lương chừng 5 cây số và nằm cách chợ ngã ba Kiên Lương một chuyến đò ngang, nơi đây chia ba nhánh sông, một đổ ra cửa biển Ba Hòn, nhánh thứ hai gọi là Kinh Sáng liên tục với nhánh sông chảy về Rạch Giá, nhánh thứ ba chảy thẳng lên cửa biển Đông Hồ, Hà Tiên. Núi Trầu nằm dọc theo nhánh thứ hai này. Hữu ngạn kinh này khi qua khỏi Đông Hồ là kế tiếp với Trà Phô, một làng nhỏ sát biên giới Miên. Có lẽ đây là con đường Miên tràn sang Việt Nam. Từ Kinh Sáng, gần khúc sâu bên trong của Thuận Yên, có con kinh đào Vĩnh Tế nối liền với Châu Đốc. Tả ngạn là đất rộng chạy dọc ra tới bờ biển và có đường liên tỉnh nối liền Hà Tiên-Rạch Giá. Khi có tin khẩn, bố tôi thường liên lạc với chị em tôi vào ban đêm. Ông hay mang theo cây đèn dầu con cóc đi bộ tới lui từ chợ Kiên Lương – Núi Trầu trên cả 10 cây số khi cần. Tuy rất nguy hiểm, dễ bị công an bắn lầm. Nhưng lại tránh được nhiều cặp mắt tò mò, nghi ngờ của nhiều người vào ban ngày. Từ địa điểm nhà bác tôi, Chung và Phương đã ra đi an toàn với một chuyến tổ chức khởi hành ngoài bờ Kinh Sáng tương đối chu đáo. Chị em chúng tôi thật đội ơn hai bác và các anh chị vô vàn vì đã cưu mang và che chở cho, dù hết sức nguy hiểm, có thể bị tù đày và tịch thâu nhà cửa về tội liên lụy, chứa chấp người vượt biên.

Bố mẹ tôi cố lưu lại Kiên Lương cho đến khi bị Miên Đỏ tràn sang Núi Trầu và chặt đầu vô số người Việt thì lúc đó mới chịu theo đoàn người còn sống sót chạy bộ ra Rạch Giá, cách Hà Tiên gần trăm cây số mà lòng dạ không yên, xót xa, lo lắng cho sự sống chết của hai đứa con là tôi và cậu em út - Tuấn - đang bị cầm tù tại Kiên Lương vì bại lộ trong một chuyến vượt biên khác. Muôn vàn hiểm nguy và gian nan cực khổ chỉ vì tương lai và sự sống còn của con cái. Làm sao nói hết được sự hy sinh trời biển của bố mẹ tôi!

Rồi bước kế tiếp là cuôc hải hành. Thật ra kể không sao siết nổi sự vất vả, gian truân, nguy hiểm trên bước đường trốn thoát, vượt biên dù trên đất liền hay biển cả. Dẫu bằng phương tiện nào thì mọi người cũng đều ý thức được rằng sự lựa chọn nào cũng là thừa chết thiếu sống, là một đi không trở lại. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ tìm đường lo cho con cái đi càng hiểu rõ điều này. Họ đau đớn, quặn thắt từng khúc ruột, xót xa tâm cang. Chẳng ai đành lòng sô con vào chỗ chết. Thế nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác hơn, họ cố tin vào số mệnh, cố bám víu vào tia hy vọng nhỏ nhoi để sống, để làm một việc ngoài ý muốn. Hiểu như vậy nên tôi càng cảm kích, kính phục tình yêu bao la và sự hy sinh vô bờ bến của các bậc cha mẹ đã trải qua những nỗi đoạn trường này để con cái có một tương lai khá hơn hiện tại nếu may ra chuyến vượt biển thành công.

Bố mẹ tôi đông con, mỗi lần lo cho đi từng đứa, từng đứa… Mấy đứa em tôi đi rồi, suốt đêm bố mẹ tôi thức để cầu nguyện, để lo âu hồi hộp. Ban ngày bố tôi tới lui nghe ngóng tin tức, dò la chuyện may rủi, phúc họa của chuyến hải hành. Mẹ tôi cứ như người mất hồn, thờ thẫn, lờ đờ như một bóng ma, đứng ngồi không yên. Mãi cho đến khi có tin đến nơi đến chốn an lành rồi, lúc đó bố mẹ tôi như sống lại, mới hoàn hồn. Mỗi lần chứng kiến sự thống khổ, lo âu đến thất thần của bố mẹ tôi khi gửi từng đứa con đi tôi thật đau lòng, đứt ruột, xót xa cho sự chịu đựng tột cùng, vượt bực, vô biên của họ. Nhất là khi chuyến đi bị thất bại và càng không thể ước lượng được bố mẹ tôi đau khổ cũng như lo lắng đến mức nào cái lần tôi và đứa em út bị bắt tù ở U Minh Thượng. Bố tôi lặn lội đường xa qua bao chặng đổi xe, đổi tàu đò để đi thăm nuôi chị em tôi. Không còn cảnh nào đoạn trường, xé lòng, tan nát cả con tim hơn cảnh này. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không tin rằng tôi đủ can đảm, nghị lực làm được những chuyện như bố mẹ tôi đã làm. Ai lại không yêu thương và muốn gần gũi con cái? Có ai muốn sự bất hạnh xảy ra cho con cái mình chứ? Nhưng họ đã phải hy sinh quá to tát, chịu đựng nghìn trùng vất vả chỉ vì tương lai của con. Mấy ai đi rồi mà hiểu được cảm giác lo âu, nỗi niềm thống khổ, tâm trạng não nùng của cha mẹ, của người ở lại như thế nào?

Tôi và Tuấn bị bắt trên sông Núi Trầu gọi là Kinh Sáng. Đang lúc ghe lòi nhỏ chở từ tuyến đường Kiên Lương ra cửa biển Hà Tiên để ra tàu lớn, mới qua khỏi Cờ Trắng, gần tới Cảng thì tàu tuần công an nghi ngờ rồi chận lại. Thế là họ bắt chiếc ghe có khoảng trên mười người vào khám xét, tóm hết, chở lên Thuận Yên, rồi giải xuống nhốt ở nhà tù Kiên Lương. Vào cái đêm Miên Đỏ tràn sang Núi Trầu, lính Miên đang còn ở bờ sông bên kia, sắp tràn qua chợ Kiên Lương, nơi bố mẹ tôi đang trú ngụ để lo sếp đặt cho chị em tôi trốn thoát. Họ kinh hoàng, bấn loạn khi nghe người chạy thoát kể ra những ai đã bị Miên cáp dùi. Bố mẹ tôi càng sợ điếng hồn hơn vì chị em tôi còn kẹt trong trại tù Kiên Lương. Thật là tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng không thể đình trệ được nữa họ đành theo đoàn người còn sống sót chạy bộ khoảng gần 100 cây số sang Rạch Giá, nấn ná vài ngày ở đây để theo dõi tin tức của chị em tôi. Sau khi biết được tất cả tù phạm ở Kiên Lương đã được chuyển về Rạch giá an toàn ngay trong đêm khủng khiếp đó thì bố mẹ tôi lần về Sài Gòn luôn. Chị em tôi bị nhốt tại Khám Lớn, Rạch giá khoảng một tháng chờ phương tiện chở vào trại tù ở kinh làng Thứ Bảy, gọi là Miệt Thứ, U Minh Thượng, Cà Mâu.

Sáu tháng sau ra tù, tôi trở về Sài gòn. Rồi lại tìm đường đi tiếp. Một buổi tối, đã gần khuya, có người đến báo tin với mẹ tôi là có chuyến đi gấp từ Rạch Giá ngay tối hôm sau. Tuấn đang kẹt với nhóm tổ chức khác tại Long Xuyên. Thành về do bố và tôi lập mưu bắt cóc từ trại đóng quân của bộ đội Việt Cộng (Thành bị bắt đi nghĩa vụ) nằm sát biên giới Việt Miên. Trong chuyến này tôi định gửi Tuấn và Thành đi. Nhưng vì Thành không có giấy tờ hợp lệ nên tôi phải theo đến Rạch Giá rồi định sau đó sẽ đeo xe lên Long Xuyên để mang Tuấn xuống. Nào ngờ xe đến chậm trễ, khi tôi trở ra bến xe thì họ cho biết giờ đó không còn xe đò đi Long Xuyên nữa.  Tôi đành quay lại Rạch Giá với hy vọng mong họ dời chuyến đi vào ngày khác. Người móc nối nói nếu không đủ hai người thì gửi một cũng được nhưng phí mất một chỗ đáng tiếc và chị đề nghị tôi trám vào. Tôi chưa chuẩn bị để đi nên không mang theo thứ gì cần thiết ngoài bộ quần áo của mẹ tôi đang mặc trên mình. Vả lại tôi chỉ muốn cho Tuấn đi vì nó cần hơn tôi, và nó có đi rồi thì tôi mới nhẹ được gánh lo. Vậy rồi tôi đi mà lòng hối tiếc mãi vì đã không tính toán chu đáo để Tuấn hụt mất cơ hội. Tôi cứ áy náy và ân hận mãi cho đến ngày Tuấn rời khỏi Việt Nam vào năm sau.

Đêm đó chị em tôi ngủ nhờ nhà bác cả, chị lớn của ba tôi. Họ ngỡ tôi dò đường về Hà Tiên thăm nhà mà thôi. Trời mờ sáng hôm sau có người đến dẫn chị em tôi tới mé cửa sông Rạch Giá, nơi tương đối vắng vẻ, đổ xuống bãi sình dốc và leo lên chiếc nghe nhỏ chở ra tàu lớn neo ngoài khơi bờ biển Rạch Giá. Cuối cùng tôi cũng trốn thoát được trên một chiếc tàu bé nhỏ, mong manh và chở quá nặng nề vì chứa nhiều người hơn so với sức tải của của nó. Miệng tàu chỉ cách mặt nước biển khoảng gang tay thôi. Đàn cá mập hộ tống hai bên hai hàng như sẵn sàng đón tiếp những sinh mạng sắp sửa cống hiến cho chúng một bữa ăn thịnh soạn trong tíc tắc. Những người trên tàu sợ hãi, không cho nhắc đến tên cá mập. Họ đốt nhang lầm rầm khấn vái, đốt giấy vàng bạc rải xuống biển. Ra khơi thì lại gặp sóng to, gió lớn, mưa bão liên tục. Tôi mặc bộ quần áo của mẹ trong lúc hứng chịu bão táp, mưa sa và nước biển tạt ướt đẫm trong mấy ngày mấy đêm liền. Lạnh cóng, rét run lập cập. Đói khát vì tàu không chuẩn bị đủ thức ăn và nước uống. Thế nhưng tôi luôn nhắc nhở mình phải ráng chịu đựng vượt qua để không phụ công lo lắng, hy sinh của bố mẹ. Và mỗi lần sờ vào chiếc áo tôi có cảm tưởng như mẹ vẫn bên cạnh tôi, vẫn nhắc nhở tôi không được bỏ cuộc. Rồi cuộc hành trình bấp bênh lại tiếp nối.

Lúc móc nối liên lạc với người tổ chức trước khi đi, họ hứa hẹn nào là tàu lớn, nào là bảo đảm an toàn, tổ chức chặt chẽ.v.v… Ghe nhỏ phát xuất từ cửa sông Rạch Giá, chở độ hơn hai mươi người ra xa bờ biển trên 50 cây số để đổ người sang tàu lớn. Ngờ đâu khi ra đến điểm hẹn mới biết đó chỉ là tàu nhỏ đi ven biển, rộng 2.5 mét, dài 5.7 mét và có tổng cộng 57 người trên đó. Thực trạng làm cho nhiều người muốn quay trở về. Nhất là khi ra đến đảo Thổ Châu thì gặp sóng to và gió lớn quá mức. Thêm anh tài công lúc đó hoảng sợ nên đã thú thật anh là Hải quân nhưng chỉ lo việc ẩm thực chứ không hề biết lái tàu. Vì muốn được mang cả gia đình và con cái đi không tốn tiền nên anh đã lừa nhóm tổ chức và anh đề nghị quay lại đất liền. Việc này càng làm cho mọi người nhốn nháo xôn xao đòi trở về ngay tức khắc. Lúc đó tôi chết điếng trong lòng, đi không xong, mà trở về sao tránh khỏi tù tội. Tôi vừa từ trong tù ra! Thành từ biên giớ Việt-Miên bỏ hàng ngũ trốn đi. Nếu nó trở về không vào tù thì cũng bị gửi trả lại bộ đội đi tác chiến cho đến chết. Đi tiếp cũng sẽ có cơ chết nhiều hơn sống. Tôi chợt nghẹn ngào, tim se thắt, lòng đau quặn vì bấy giờ mới ý thức rằng định đem em đi để cho nó có con đường sống còn, ngờ đâu lại đem nó vào chỗ chết.

Trong lúc mọi người còn đang hoang mang, chưa biết tính sao, tôi đưa ra một ý kiến quyết liệt: “phải đi tới, không trở về”. Tôi nhủ lòng hãy phó mặc cho Thượng Đế định đoạt số phận của mình. Rồi đề nghị em tôi lái tàu, và dặn cậu can đảm, không sợ hãi, cứ bình tĩnh lái cắt sóng và theo hướng tây mà đi. Ấy là tôi chỉ lập lại cái mớ lý thuyết đã nghiên cứu kỹ lưỡng khi chuẩn bị vượt biên nhiều lần chứ tôi nào có chút kinh nghiệm đi biển trên thực tế đâu. Tội nghiệp Thành, chưa từng một lần lái ghe thuyền nhỏ nữa nói chi đến tàu biển. Thế nhưng cậu nhận trọng trách này một cách lặng lẽ. Có lẽ môi trường vào sinh ra tử trong quân đội đã tôi luyện cậu thành một người kiên cường và tinh nhuệ trong mọi trường hợp nguy biến, khó khăn. Một số người phản đối, la ó đòi về. Tôi lớn tiếng nói ai đòi về thì tôi sẽ ném xuống biển. Tôi nhỏ con và ốm như cò ma, chắc chắn chẳng ai sợ tôi, họ có thể ném tôi xuống biển như ném một con gà tre. Nhưng họ ngỡ tôi là chủ tàu nên ồn ào một lúc rồi cũng dịu xuống.

Cuộc hành trình lại nối tiếp trên biển cả mênh mông, trong muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Tàu lạc vào giòng nước xoáy. Hết dầu, cạn săng, thiếu lương thực, thiếu nước uống và đầy sự vô vọng. Có nhiều lúc con tàu cứ như sắp chìm đến nơi, sắp bị chôn vùi dưới cơn sóng cao như núi, rồi lại ngoi lên, lại tròng trành, lênh đênh, không còn định được phương hướng vì máy đã chết từ lâu. Chúng tôi gặp vài chiếc tàu lớn chạy ngang qua không xa lắm. Giăng khan trắng, vẫy ngoắc, la hét, làm đủ mọi cách để họ chú ý, nhưng họ vẫn bỏ đi. Trong lúc này mọi người sợ hãi, lo lắng và tuyệt vọng đến tột cùng. Họ chỉ còn biết cầu nguyện, khấn xin đấng bề trên ra ơn cứu độ. Chưa bao giờ mọi người đặt hết niềm tin cậy và sự kỳ vọng vào tôn giáo như lúc này.

Sau 3 ngày vật vã với sóng gió, mưa bão và tử thần, đến lúc chúng tôi ai cũng chọn tư thế sẵn sàng chấp nhận cái chết hiển nhiên trước mắt vì con tàu sắp chìm trong tíc tắc thì… như có phép lạ, một chiếc tàu đánh cá lớn ở cách xa con thuyền vô vọng của chúng tôi vài dặm, nó không bỏ đi như những tàu khác mà cứ loanh quanh trong tầm mắt khoảng vài tiếng đồng hồ, cuối cùng nó đâm nhanh ngang hông con thuyền nhỏ đến lúc thật kề cận như muốn đụng nát, cắt đứt con thuyền bé nhỏ của chúng tôi ra làm hai thì đột ngột ngừng lại tức khắc. Mọi người đều nhắm mắt chờ chết. Khi thấy yên ắng, tôi mở mắt ra thì thấy một con tàu đánh cá Thái Lan lớn sừng sững như ngọn núi đang chắn ngang chiếc thuyền chúng tôi một cách bất động. Một lúc sau chủ tàu dồn mọi người lên tàu lớn. Họ khám xét thật kỹ chiếc tàu nhỏ. Lại thêm mối hồi hộp, lo lắng không biết việc gì sắp xẩy đến, lành dữ ra sao. Ai nấy chưa kịp mừng vui về việc còn sống sót thì đã băn khoăn, nặng trĩu trong lòng về chuyện sợ hãi khác.

Nhưng rồi, thật cám ơn Thượng Đế, Chúa, Phật, các đấng bề trên, tổ tiên, ông bà... đã ra tay che chở, không có một việc nhỏ đáng tiếc nào xảy ra. Ông chủ tàu cho mọi người ăn uống, tiếp tế săng dầu, giúp sửa chữa tàu và giải thích ông phải cẩn trọng trong lúc sáp lại gần tàu nhỏ của chúng tôi vì ông nghĩ không ai có thể dùng một chiếc tàu bé nhỏ như thuyền đi trong sông để vượt biển cả. Ông nghi ngờ rằng chúng tôi dùng tàu nhỏ trang bị vũ khí với mục đích cướp tàu lớn để đi tiếp. Xong ông chỉ hướng cho vào cặp ngay bến cầu tàu của một đồn cảnh sát mà em trai ông làm cảnh sát trưởng của một quận nhỏ sát biên giới Thái Lan và Mã Lai Á. Mọi người chúng tôi chỉ biết lạy tạ ông chủ tàu tốt bụng gốc người Tiều Châu này một cách chân thành mà không biết nói gì hơn. Quả thật chỉ khi có biến mới thấm thía được hai chữ “quới nhân” là gì.

Tàu chúng tôi đã hoạt động trở lại và nhắm theo hướng được chỉ dẫn đi tới. Trong đêm tối như mực bỗng mọi người reo hò và thở ra vì đã thấy được ánh sáng lung linh, mờ ảo từ xa xa. Thế là có hy vọng gặp đất liền trước mặt, có thể hết chết, có thể được cứu rỗi. Họ bàn bạc nên ghé lên đảo hoang gần đó chờ sáng rõ mới vào bờ. Thật may tàu cập bờ đảo mà không gặp san hô, đá ngầm, không bị cướp bóc. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy việc trấp vào đảo hoang thật nguy hiểm, như là đi tìm thêm rắc rối vậy. Cũng may là an toàn. Mọi người lên bờ tới lui cho dãn gân cốt, họ leo lên cả dốc núi để tìm hột bàng rụng ăn cho đỡ đói khi trời sáng rõ. Hột trái bàng lúc ấy thật quý và ngon vô cùng. Lúc ở dưới tàu Thành rất sáng suốt, trầm tĩnh, tỉnh táo nhưng khi vừa đặt chân lên bờ cậu ta ngã lăn đùng ra bất tỉnh. Có lẽ vì đói khát và mệt mỏi bởi phải thức liên tục mấy ngày đêm để làm việc nên kiệt lực.

Chuyến đi lại tiếp tục trong niềm phấn khởi và hy vọng của mọi người.  Khi thấy có một cầu tàu nhỏ và dài bắc ra xa bờ một cách lờ mờ là tàu lái đâm ngay vào hướng đó. Vì có sự gửi gắm của ông anh nên ông cảnh sát trưởng ở đây tiếp đãi hết sức tử tế và liên lạc báo với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc về nhóm người vượt biên chúng tôi. Độ hơn tuần sau CUTN cho xe xuống rước tất cả về trại ti nạn Songkhla – nằm ven biển phía Nam của Thái Lan - sau khi điều tra kỹ càng về chuyến hành trình trên biển vừa qua. Họ cũng có chút ngờ vực là chúng tôi đã nhận chìm tàu lớn rồi dùng tàu nhỏ xáp vào gần bờ để dễ có cơ hội đươc cứu vớt nên phải tìm hiểu cho thấu đáo.

Chị em tôi ở trại tị nạn Songkhla một thời gian ngắn, trong lúc này có một sự may mắn tình cờ hết sức cảm động đáng nhớ là gặp bạn đồng nghiệp anh Lung, chị Hương và gia đình đã vượt biển mấy ngày trước thành công và cũng lót tót vào cùng trại với tôi. Không thể nào kể hết sự mừng vui và xúc động khi biết rằng mình như người về từ cõi chết, lại đang sống bình an mà còn gặp được bạn bè nữa. Giống như thêm một dữ kiện chắc chắn chứng minh cho sự hiện hữu của mình là thật vậy. Sự sống quả là quá tốt đẹp!

Những ngày ở đây tôi cũng được nghe kể lại vô số những câu chuyện bi thảm, bất hạnh, đau lòng về số phận của một số con tàu và người vượt biển. Tàu có chiếc chìm, chiếc mất tích, chiếc bị cướp kéo vào đảo san hô bỏ cho chết dần… Có tàu lạc lênh đênh trên biển lâu ngày đến nỗi đói quá người sống phải ăn thịt người chết để sống còn. Có tàu đàn bà, con gái bị cướp biển hãm hiếp, bắt cóc mang theo, đàn ông chống cự bị đập đầu thả xuống biển.v.v… Ôi!  Thật khủng khiếp! Thật đau lòng! Tôi tự hỏi nếu biết trước chuyện thảm khốc như vậy, liệu những người dự định trốn thoát có bị chùng chân, bỏ cuộc không? Hay ai cũng cân nhắc chữ “Tự Do” quý hơn mọi thứ trên đời, kể cả mạng sống hay sự trinh tiết đáng giá ngàn vàng của người đàn bà, con gái? Hàng triệu những mạng người đã chết âm thầm, chết oan uổng, chết tức tưởi ngoài biển khơi đã trả lời hùng hồn cho câu hỏi trên. Xin tạ ơn thượng đế đã ban cho chúng tôi sự bình an may mắn tột cùng này. Xin được tưởng miện và cầu cho bao hương hồn vất vưởng ngoài đại dương được yên nghỉ vĩnh viễn.

Rồi bạn tôi đến báo có tên tôi được gọi lên văn phòng làm việc của trai tị nạn. Tôi cũng có nghe văng vẳng nhưng không nghĩ là tên mình vì biết bao nhiêu người ở trong trại lâu cả 4, 5 năm mà vẫn chưa được gọi tới. Có lý nào mà mình được nhanh chóng như vậy chứ. Xong khi nghe anh Lung đến báo tôi cũng bán tín bán nghi bèn lò dò lên văn phòng hỏi. Một nhóm người tị nạn Việt nam ở trong trại lâu ngày và có khả năng nên họ vào giúp việc văn phòng, họ hỏi tôi vào trại bao giờ, tôi nói mới vào được vài hôm, họ đuổi tôi về và phán rằng phải chờ vài năm, hay sớm lắm cũng vài tháng. Tôi trở lại thêm mấy lần nữa, lần nào cũng bị đuổi ra. Cuối cùng tôi giằng co với họ đòi cho tôi được gặp đại diện CUTN, trong lúc cả hai bên cùng lớn tiếng, bỗng có một ông người Mỹ chạy ra hỏi tự sự. Tôi bảo tôi nghe gọi tên mình nên muốn hỏi cho rõ xem có đúng không. Không ngờ ông ấy hỏi tôi phải tên vậy vậy không. Rồi ông bảo ông mừng quá vì tìm tôi mấy ngày rồi mà không thấy nên hôm nay ông định trở về Bangkok. Nói xong ông xúc tiến việc làm giấy tờ cho hai chị em tôi chuyển lên Bangkok ngày hôm sau và hứa sẽ tiếp tục hoàn tất thủ tục cho chị em tôi sang Mỹ sớm tại đây. Thật hú vía, suýt chút nữa là hỏng chuyện lớn.

Hành trình từ trại tị nạn Songkhla lên Bangkok là một đoạn đường dài thật xa từ nam lên bắc Thái Lan. Tôi còn nhớ xe khởi hành từ hừng đông sáng cho mãi đến chiều mới tới nơi. Hai bên đường đất khô khan cằn cõi, cây lưa thưa, cũng có đoạn thấy vườn tược xanh xanh từ những vùng đất ở xa hai bên lộ cái. Rất ít khi thấy được xóm nhỏ ven đường. Không ai buôn bán nước uống hay thức ăn khô. Thật cám ơn anh chị Lung Hương đã biết lo xa mà chuẩn bị sẵn cho chị em tôi mỗi người môt khúc bánh mì kẹp lạp xưởng lấy bớt ra từ phần mua sắm cho ngày Tết sắp đến. Ở trại ai cũng nghèo cả, nhất là tôi mới đến, chưa có tiếp tế từ nước ngoài gửi sang. Có thể ví “một nắm khi đói bằng một gói khi no” trong lúc này rất chính xác. Đã vậy chị Hương còn thu xếp cho tôi một túi sách nhỏ lấy của vợ chồng cậu Bảy - em chị - để tất cả tài sản mang theo gồm hai ổ banh mì, bộ quần áo cũ của mẹ tôi mặc trên tàu lúc vượt biên (vì đã xin được bộ mới khá tươm tất từ trong đống quần áo của người từ thiện ở các nước ngoài gửi cho trại tị nạn). Anh chị cũng không quên dúi vào tay tôi 50 đồng đô la Mỹ, bảo để phòng thân nơi xứ lạ quê người. Đó là tất cả tài sản quý báu của chị em tôi trong cuộc hành trình dài và quan trọng sắp tới. Mà thật ra anh chị cũng không dư giả gì, lại còn con cái phải lo cho trong những ngày dài vô định ở trại, chưa biết lúc nào có tiếp tế, không biết bao giờ mới được đi định cư. Đó là sự chia sẻ của một tấm lòng tử tế thắm thiết, của một tình bạn hữu sâu xa hơn cả tình đồng nghiệp cho tôi. Chúng tôi từ giã nhau trong nghẹn ngào, bịn rịn. Lòng tôi mang theo một ân tình sâu đậm khó quên đối với anh chị Lung Hương.

Xe buýt tuy lớn và chở rất đông nhưng toàn người xa lạ và họ đã ở trong trại rất lâu nên gần như biết nhau hết. Rốt cuộc chỉ có hai chị em tôi là bỡ ngỡ, lủi thủi đi trong vui mừng lẫn hoang mang, lo sợ vu vơ, không biết ngày mai ra sao. Khi đến Bangkok chị em tôi ngủ một đêm trong trại chuyển tiếp. Tất cả mọi người tị nạn phải ở đây một thời gian để làm thủ tục giấy tờ, khám sức khỏe và chờ chuyến máy bay. Tôi mừng rỡ vì sáng sớm hôm sau có một anh người Thái đến tìm. Anh giải thích là đang làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok. Theo lịnh của xếp, anh ta chở chị em chúng tôi đến toà đại sứ để hoàn tất giấy tờ cho thủ tục sang Hongkong, một tuần sau đi tiếp sang Mỹ. Sau đó sẽ chở đi khám sức khỏe, đi ăn uống và đi một vòng lanh quanh thành phố Bangkok cho biết.

Kể từ thời điểm này thì chuyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của chị em tôi đã đổi khác rồi. Không còn phải đương đầu với tử thần, hay gặp khó khăn, trở ngại gì nữa. Số là chị Nguyệt, chị cả của tôi đang làm việc cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Hongkong và chồng chị làm việc cho tòa Đại Sứ Mỹ tại đây, họ gửi gắm một người bạn ở tòa Đại Sứ Mỹ Bangkok lo cho mọi sự nên chị em tôi mới được bốc ra từ trại tị nạn Songkhla nhanh như vậy. Đồng thời anh chị tôi đã làm thủ tục bảo lãnh cho cả gia đình đi theo diện di dân mấy năm rồi mà hồ sơ bị ngâm tôm, không xúc tiến ở Việt Nam được, cho nên khi vừa đến Thái Lan là hồ sơ di dân của chị em tôi đã sẵn sàng. Vì thế chuyến đi thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn ở Việt Nam nhiều.

Chị em tôi sang Hongkong ở chơi với gia đình chị Nguyệt một tuần thì bay sang Mỹ ngày 29 tháng Hai năm 1980. Mặc dù chị Nguyệt đã mua sắm cho đầy đủ quần áo mùa đông nhưng tôi có thể cảm nhận được cái lạnh khi nhìn từ trên máy bay xuống thấy mênh mông một màu trắng xóa, sáng ngời suốt dọc từ dãy Colorado sang đến phi trường O’hare, Chicago, thuộc tiểu bang Illinois. Ra khỏi máy bay tôi đã bắt đầu run lập cập. Rồi vừa co ro cúm rúm đi vừa rên rỉ, than van cái lạnh cắt da chưa từng trải qua. Chung và Phương đi đón rước nhưng không nhớ rõ là đã đậu xe ở tầng lầu nào nên cứ đi lòng vòng quanh tầng một, tầng hai, rồi tầng ba… trong nhà gửi xe trống trải bốn phía của phi trường. Đó là kinh nghiệm nhớ đời đầu tiên của một người từ xứ nhiệt đới quanh năm mùa hè ấm áp sang mùa đông của vùng tuyết giá, lạnh buốt dưới zero độ F.

Những thảm họa xảy ra trên biển cả có trăm ngàn kiểu, muôn vạn cách khác nhau, không ai có thể lường trước được. Sau một chuyến vượt biển gần như mọi người phải trải qua một cuộc sàng lọc, tuyển chọn tùy thuộc vào số mệnh của mình vậy. Sự Sống hay Chết đều nằm trong tay Đấng thiêng liêng đầy quyền uy tối cao quyết định. Con người quá bé nhỏ và bất lực!

Chiếc áo của mẹ tôi mang theo và gìn giữ cho đến ngày nay. Nó luôn nhắc nhở tôi đến đoạn đời gian nan, khó khăn mà ranh giới giữa sự sống và chết nhập nhằng, lẫn lộn bởi một lằn ranh vô hình và mong manh nhất mà con người cần phải có sự hổ trợ về tinh thần lẫn vật chất của lòng nhân đạo, của tình thương từ mọi phía để vượt qua, để sống còn. Và nhất là niềm tin tưởng vào đấng tối cao của tôn giáo. Quỹ thời gian của tôi không còn được bao lâu. Mà đời sau các con tôi không thể cảm nhận hết ý nghĩa cũng như tình cảm gắn bó của tôi vào chiếc áo thô sơ, cũ kỹ và tầm thường nên tôi đã gửi “áo mẹ ngày nào” cho Viện Bảo Tàng Việt Nam ở Los Angleles. Đây là nơi chốn lưu giữ kỷ vật liên quan đến những sự đào thoát của người Việt Nam chỉ vì hai chữ Tự Do.

Tôi cũng tha thiết mong mỏi những thế hệ sau này có thể nhận thức được rằng “Tự Do” phải đổi bằng sự sống chết của con người, bằng một giá vô cùng đắt đỏ của thế hệ trước họ.  Nên “Tự Do” quý biết ngần nào!

Hy vọng những dòng chữ này nói lên đươc sự biết ơn chân thành của tôi về công khó nhọc và sự hy sinh vô bờ bến của bố mẹ tôi. Muôn vạn lời đa tạ và cảm kích tấm lòng cao cả, quảng đại của chị Nguyệt – người lúc nào cũng là nơi nương tựa, che chở và bảo bọc cho các em từ bé đến lớn, từ trẻ đến già.  Hết sức trân trọng sự đóng góp quý báu của em Tân, đã yểm trợ tiền bạc, nối tiếp hoàn tất giấy tờ bảo lãnh của chị Nguyệt để chị và các em có điểm đến, có nơi nương tựa khi chị Nguyệt còn ở nước ngoài. Và sau này có Chung, Phương cũng phụ họa lo toan gửi tiền bạc, quà cáp về Việt Nam để mọi người trong gia đình có phương tiện sang hết bên Mỹ. Ghi nhớ công lao Phương đã đổi giấy tờ và chuyển địa chỉ từ hồ sơ bảo lãnh của chị Nguyệt sang tên cậu để lo cho Bố mẹ, chị Huê và cháu Nguyên sang California và có cuộc sống ổn định về sau. Không có ơn trên, không có tình yêu thương của mọi người, của gia đình thì chúng ta không thể có được cuộc sống ngày hôm nay. Cũng xin cám ơn tất cả những người liên quan đến việc xắp sếp, tổ chức cho những lần vượt biên của chị em chúng tôi dù thành công hay thất bại.

Nguyễn Thị Thu                 



Phụ lục:
Website cùa VHM là Vietnamesemuseum.org
Địa chì là 12641 Hoover Street, Garden Grove, CA 92841
Số phone toll free là 833-VHM-VIET hay 833-846-8438 hay 714-846-8438
Bài viết của Thu trên website có cà tiếng Việt và Anh có link là:
https://vietnamesemuseum.org/p151a284/ao-me-ngay-nao

Áo Mẹ Ngày Nào

Chết - hoặc là được Tự Do. Đó là sự chọn lựa đưa tôi đến quyết định đi vượt biên rất nhiều lần dù mãi thất bại, mất mát, hiểm nguy và tù đày. Ở tù ra tôi lại tiếp tục đi nữa…
Mỗi lần đi như vậy tôi phải ngụy trang thành người buôn bán, chạy hàng lẻ từ Sài Gòn về tỉnh hay ngược lại. Và để che mắt công an, qua mặt cảnh sát, tôi luôn mượn những bộ quần áo tầm thường, cũ kỹ nhất của mẹ để mặc vào người. Lần cuối tôi đi trót lọt vào dịp lễ Giáng Sinh tháng 12 năm 1979 trong một chuyến ra khơi đầy gian truân, hiểm nghèo. Tàu nhỏ, chở đông người, không đủ săng dầu, thức ăn, nước uống. Bão to sóng lớn. Lọt vào giòng nước xoáy. Tàu cứ bập bềnh ngày đêm, sắp chìm. Mọi người cầm bằng như chết là cái chắc… Nhưng cuối cùng cũng vào được bờ. Mấy ngày đêm mưa gió lạnh căm xương, người ướt như chuột lột, tôi run lẩy bẩy, rét mướt nhưng vẫn cố kiên trì cầm cự trong bộ quần đen và chiếc áo nâu duy nhất của mẹ trên cơ thể. Hành trang tôi mang theo chỉ có vậy.
Bao năm qua mẹ đã về bên kia thế giới. Nhưng tôi vẫn giữ chiếc áo của mẹ bên mình. Áo mẹ đã che chở, bảo bọc tôi được an toàn trên bước đường vượt biên, đã truyền hơi ấm cho tôi đủ sức chống chọi phong ba bão táp ngoài biển cả. Và những tháng ngày lưu lạc nơi xứ người, chính chiếc áo nâu của mẹ đã ấp ủ tình yêu bao la vây phủ kín cuộc đời tôi. Còn chiếc áo, như còn mẹ. Mẹ đã luôn bên tôi theo từng bước chân, theo mọi hướng đời phiêu bạt.

Nguyễn Thị Thu


My Mother’s Brown Blouse

Death or Freedom. Those were the choices I faced when I made the decision to  step foot on that boat to leave our homeland, only to fail several times before finally succeeding. The unfortunate possibilities that came my way were countless: rape, pillaging, jail time, and even death. Even though I was imprisoned several times, the moment of I was released, the only thought on my mind was how to escape this war-torn place.  

Every time I tried to escape, I utilized the routes under the guise of a merchant to avoid arousing suspicion from the communists. In order to slip underneath the communists’ ever watchful eye, I donned my mother’s oldest, plainest clothes. My final and only successful escape fell on the Christmas season of 1979. That final trip proved to be very dangerous. The small boat that carried us was over capacity, low on fuel, food, water, and other basic necessities. There was a big storm with high waves, and the small boat found itself tossed like a ragdoll in the unforgiving sea. The boat shook harder with each crash of the wave, and we were on the brink of sinking. Everyone thought that death was inevitable at this point. Fortunately, we were able to make it to the harbor. Upon arrival, everyone was completely drenched. We spent many nights on the sea, braving freezing temperatures so cold that our bones ached. I spent the nights shivering uncontrollably, but I fought to be strong, holding onto my only material possession, my mother’s tattered clothes. The brown shirt and black pants survived the storm and the perilous journey, and so had I.

Many years have gone by, and my mother has passed. However, I continue to hold onto her old, brown shirt, keeping it close to me. My mother’s shirt had protected me through my most harrowing moments in life. Her blouse brought me warmth and enough strength to withstand the treacherous storm on the way to freedom. Being alone in a foreign country for years on end, it was my mother’s brown blouse that has enveloped me in warmth and kept me from despair. Having her brown blouse is like having her here with me. My mom has always been there with me for every step of the way, and this blouse, no matter how plain, will forever be an heirloom to respect and appreciate.

Nguyễn Thị Thu
Translated by Thu Trang
Edited by Khanh Le 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020