SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

CHUYỆN NGƯỜI GỠ LƯỚI

Nghe xong cuộc điện thoại không kịp khóa cửa nhà, tôi leo lên chiếc drem cà tàng của mình, phóng như bay đến nhà chị Hồi Xoa nằm cuối bản.

Dựng xe bên đường cạnh bụi sim to như con nai tôi chạy nhanh hết sức có thể đến chân núi sau nhà, nơi bao nhiêu người tụ tập đang ồn ào đủ loại âm thanh thét la gào khóc.

Rẽ đám đông tôi lách vào trong, nơi người ta vừa đặt thi thể chị Xoa đã quấn một cái chiếu kín mít xuống, chỉ còn chờ ông Tào trưởng bản(đang giằng co thằng bé sơ sinh trên tay với hai đứa con gái lớn của chị) bỏ thằng bé xuống chôn sống với người mẹ đã qua đời nữa là có thể lấp đất

- Ông thả em cháu ra, không được chôn em ấy! Trả đây! Nó là em cháu, nó có quyền được sống mà! Trời ơi! Sao các người nhẫn tâm vậy?
- Hai cái đứa này, đầu óc chúng mày ăn phải thuốc lú rồi hả? Không chôn nó đi con ma cái sẽ về tìm con, gieo tai họa cho bản làng, hiểu không? Thằng Sòn đâu rồi? Có ra giữ con mày cho tao bỏ thằng bé xuống không? Nhanh lên không có qua giờ đẹp, con ma cái nó biến thành quỷ về hại cả nhà mày bây giờ!

Nhưng Sòn chưa kịp đứng lên thì tôi đã nhanh tay giật lấy đứa bé trên tay ông Tào và bảo:

- Ông và bản làng hãy để tôi đưa đứa bé đi thật xa, cho những người hiếm muộn làm con nuôi. Đừng giết người mà Giàng phạt, không cho mưa xuống nữa đấy. Ông còn nhớ hè năm ngoái không? sau khi cả bản chôn sống đứa bé con nhà Sẻo Mây cùng mẹ nó chết vì băng huyết, Giàng đã tức giận trừng phạt ba tháng không mưa, ngô lúa chết khô, người làng không có gạo nấu ăn, đám giỗ không có xôi mà thổi đấy... Tôi đem đứa bé đi xa, con ma sẽ đi theo con nó về xuôi, không trở lại rừng quấy dân làng đâu!

Nghe tôi nói xong ông Tào im lặng một lúc rồi gật đầu, khoát tay cho mọi người để tôi đi.

Thật may mắn là năm ngoái trời nắng hạn đúng lúc dân bản vừa bức tử một đứa bé sơ sinh theo mẹ nó bị chết vì đẻ khó. Lúc đó tôi về quê thăm nhà nên không can thiệp được. Nghĩ lại thấy ân hận vô cùng!

Tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội với tấm bằng đỏ trong tay tôi được nhà trường ưu tiên giữ lại công tác. Nhưng khát vọng tuổi trẻ và sự lãng mạn của một kẻ thích văn chương cùng một nỗi đau âm ỉ đã đưa tôi về với nơi này, từng ngày xóa mù chữ cho con em người dân tộc. Có lẽ một phần vì nể tôi, một phần vì sợ Giàng lại giáng họa xuống nên ông ta mới đồng ý phá lệ.

Điều tôi không ưa nhất ở nơi này là những hủ tục quá man rợ và cuồng mê. Ba năm trước khi mới lên đây tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh mồ côi không nơi nương tựa của hai chị em con nhà anh Bản chị Tre cách nhà cũng là lớp học của tôi một quả đồi. Không biết nguyên nhân là gì mà trong cơn say rượu ngô nhà tự nấu, anh Bản đã dùng con dao chặt củi chém chết vợ, sợ tục làng '' mạng đền mạng" nên khi tỉnh rượu anh liền vào rừng treo cổ. Dân làng tin hồn anh sẽ biến thành con ma khổ về quấy rối cuộc sống của họ nên tất cả cùng kéo đến phá nhà, đốt hết tất cả những thứ làm bằng vải như chăn gối áo quần...của cả nhà khiến hai đứa con không có nhà ở cũng chẳng còn quần áo tất mũ...mà dùng. Bao nhiêu tài sản của bố mẹ chúng đều bị phá hỏng và thiêu rụi theo.

Cẩn thận đặt đứa bé vào chiếc chăn bông dày chuyên dùng cho trẻ sơ sinh mang theo, tôi đi về trạm xá của Thị Trấn.

Chị ôm đứa bé vào lòng, cười tươi: Chào bé con! Mẹ sẽ chăm sóc con thật tốt và tìm cho con một gia đình tử tế nhé! rồi quay sang tôi: Cảm ơn em! May mà em đến kịp! Chẳng biết đến bao giờ thì cái đầu dân bản mới sáng ra đây? Điện đã có, xe máy đã nhìn thấy và sử dụng, tivi cũng được xem mà cái văn hóa của người Kinh vẫn chưa làm sáng họ như cái bóng điện làm sáng đêm được, cái đầu họ cứng như vỏ quả dừa rồi, ánh sáng chẳng len vào trong được đâu. Tất cả chỉ biết trông vào cô giáo và bọn trẻ thôi! Chị Mây trưởng trạm y tế ngậm ngùi. Chị cũng là người con của núi rừng nhưng được đi học nội trú ở thị trấn rồi học cao đẳng y của tỉnh. Trường cao đẳng y và đại học sư phạm cách nhau không xa, nên khi hai chị em đang đi tìm nhà trọ thì tình cờ gặp nhau.

Mấy năm trời chị em trọ chung phòng, chia sẻ bao chuyện vui buồn của thời sinh viên nên rất thân nhau.

- Vâng, em sẽ cố ạ!
- Chiều nay em có đi đám cưới không?
- Đám nhà ông Diêu ạ? Có lẽ em không đi đâu chị ạ! Buồn lắm
- Chị cũng có vui đâu. Nhưng muốn hay không cũng nên đi, kẻo người bản nghĩ em không thật cái bụng với làng
- Vâng ạ! Khổ thân con bé mới mười bốn tuổi, đang tuổi ăn tuổi chơi đã phải lấy chồng.
- Tại trong nhà bà Mỳ chỉ còn mình nó là chưa lấy chồng. Chị gái nó không may chết sớm, theo tục nối dây nó phải lấy anh rể. Dù anh rể đã gần 50 tuổi và có 4 đứa con nheo nhóc đang chờ.

Tôi thở dài. Vậy là từ ngày mai sẽ không còn ánh mắt sáng như sao cuối lớp chăm chú nhìn lên bục giảng như muốn nuốt từng con chữ của tôi nữa. Em là cô học trò mà tôi cưng nhất. Tôi biết mình sẽ rất buồn khi không còn nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp và cái dáng khẳng khiu gầy gò như một cành cây thiếu lá ngày đông ấy nữa. Nhờ ơn của Đảng, bản đã khá hơn rất nhiều về cơ sở vật chất và đời sống tinh thần. Bản nằm gần thị trấn nên được quan tâm hơn những nơi xa. Lớp học của tôi là ba gian nhà ngói đỏ, gồm phòng học phòng ngủ và phòng bếp.Dân bản nhờ sự giúp đỡ của bộ đội, quân dân cá nước đã có nước giếng khoan uống và điện sáng nhà, buổi tối có ti vi xem. Nhiều người đã có điện thoại di động, xe máy để đi... Vậy mà vẫn chưa mới được cách nghĩ, cái bụng vẫn giữ những hủ tục lạc hậu, cái đầu vẫn u mê làm theo lời mấy ông thầy mo tuyên truyền mê tín dị đoan, chỉ khổ mấy đồng chí làm bên văn hoá, đi tuyên truyền mòn cả đường, chai cả chân mà kết quả vẫn như một cái cây còi giữa đại ngàn to lớn.

Không biết đến bao giờ những thiếu niên nơi đây mới được cắp sách đến trường vô tư như bao bạn bè trang lứa dưới xuôi đây? Đặc biệt là các em gái. Đời chúng như một chiếc lá nl đường đại học chúng tôi ít gặp nhau hơn, nhưng vẫn kết nối qua mạng với nhau mỗi ngày.

Khi biết tôi quyết tâm lên vùng cao xoá mù chữ cho các em, Hoàng cũng làm đơn về đây sau khi tốt nghiệp đại học quân sự, bất chấp sự phản đối gay gắt của bố mẹ. Hai tháng trước người con trai cao đẹp to khoẻ như con gấu rừng ấy đã ngỏ lời yêu tôi. Nhưng tôi chưa nhận lời thì anh lại bận rộn cùng đồng đội lao vào cuộc chiến với ma tuý nên chưa gặp nhau. Ở bản không thiếu những phụ nữ cô đơn sáng tối, mắt dõi ra đường xa cạn lệ xót lòng ngóng chờ người đàn ông trở về. Người chờ chồng, người chờ con đã bị bắt giam vì tội làm buôn bán, sử dụng và tàng trữ ma tuý. Đa phần họ là những người vận chuyển hàng quốc cấm cho những kẻ buôn bán ma tuý qua biên giới từ dưới xuôi lên.

Tôi cũng không biết mình phải làm gì nữa. Thật lòng tôi đã yêu anh từ lâu. Không phải vì bàn tay to thô như gấu luôn đưa ra những khi tôi cần, không phải vì vẻ bề ngoài đẹp trai hay những tài lẻ mà trời cho. Lại càng không phải vì chức vụ mà anh đang giữ. Tôi yêu anh vì sự nhiệt tình, tận tâm với tất cả mọi người. Anh luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ về mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Nhưng tôi vẫn chưa vượt qua được bóng ma quá khứ. Nó hiện về ám tôi những lúc cô đơn đêm dài.

-Em sao vậy?

Câu hỏi của chị đã đưa tôi trở về thực tại. Luống cuống như con khỉ lẻn vànương bẻ trộm ngô bị phát hiện. Tôi không biết trả lời sao liền hỏi lại:

- Dạ, em bình thường. Sao chị lại hỏi anh ấy ạ? Có chuyện gì à?
- Ừ. Em còn nhớ cái Hoa con ông Núi bị chết vì đau ruột thừa mấy tháng trước không?
- Có phải cái ông tin lời thầy mo ở nhà mổ bò làm lễ cúng tế hiến Giàng đuổi ma trong bụng, nhất quyết không ra trạm xá khám bệnh, rồi chết vì vỡ ruột thừa vào buổi tối không chị?
- Đúng rồi! Sau khi bố chết khoảng hai tháng con Hoa xuống xuôi theo một người họ xa quê mẹ nó lên thành phố làm quán bia ôm. Tuần trước nó về cả bản không nhận ra. Vàng đeo đầy người, tóc cắt ngắn nhuộm vàng hoe, da trắng nõn nà đẹp ngang diễn viên. Nó về hôm trước thì hôm sau mấy người hái măng sớm thấy nó lén lút đi xe máy vào rừng. Rồi lén lút bỏ cái bọc vải ôm trên tay vào miệng một cái hang nông rồi lên xe máy phóng đi. Họ đến lấy bọc, mở ra xem. Trong bọc quấn ba lần áo hai lần khăn là một bé trai mới đẻ còn chưa cắt dây rốn đã chết, toàn cơ thể tím bầm, mắt mở to như oán hận mẹ không cho nó cơ hội làm người. Ánh mắt ấy họ bảo không phải của trẻ con. Đó là mắt của ma rừng đầu thai, toả ra sắc lạnh và những tia máu loang khắp đồng tử, trợn ngược đầy căm phẫn bi ai. Nó khủng khiếp như lời nguyền rủa của Giàng. Họ suýt ngất xỉu. Không ai bảo ai mỗi người lấy dao quắm cùng nhau đào mộ chôn sâu lấp đá kín cho hài nhi xấu số rồi khấn nguyện xin nó đừng về quấy nhiễu dân làng. Và cái tin con Hoa xuống phố mất nết cũng được mọi người rỉ tai nhau theo gió lan khắp bản. Một số người bảo chị nhắn với các anh bộ đội là con Hoa đang đến nhà lôi kéo con gái họ đi làm với nó. Có vài đứa trốn bố mẹ theo nó rồi!

Nghe xong tôi giật mình, lạnh cả sống lưng. Hình ảnh hài nhi tội nghiệp với cái nhìn căm thù cả thế giới cứ lởn vởn trong đầu tôi không thể xua đi được.

Tôi đang bơi trong một cái ao tù, đen ngòm. Bốn bên xung quanh và giăng trên đầu tôi là lưới.Những mắt lưới đan dày nhìn tôi ngạo nghễ, thách thức. Chúng đang từ từ xiết chặt vòng vây đối với tôi. Chúng làm bằng cước nhìn thì có vẻ mỏng manh dễ đứt nhưng thực ra bền chặt vô cùng. Tôi khó lòng thoát được! Khi bán kính của vòng vây lưới chỉ đủ cho hai người nằm thoải mái thì lưới dừng lại. Từ trong mắt lưới hiện ra ba bóng trắng, qua ánh sáng lờ mờ còn xót lại của buổi chiều tàl tôi nhận ra bên phải mình là Linh, cô bạn thân người miền núi chung lớp đại học, đang học dở thì bố mẹ tham tiền nhà giàu bắt linh nghỉ học về lấy chồng. Mặc cho Linh và cậu người yêu là trai bản thoát li lên thành phố làm thợ xây khóc quỳ van xin vô ích. Ngày cưới Linh, hai người rủ nhau trốn vào rừng ăn lá ngón cùng nhau nối duyên vợ chồng ở kiếp sau. Cái chết của Linh là một cú sốc quá lớn đối với tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua cảm giác tổn thương vì mất người mình yêu quý. Và tôi đã nguyện ra trường sẽ về quê Linh dạy học, thay bạn thực hiện tâm nguyện. Linh đầu tóc gọn gàng mặc áo dài trắng đứng im tại chỗ mỉm cười nhìn tôi.

- Cảm ơn Nhi rất nhiều. Lưới vẫn còn dày lắm! Cố gắng gỡ Nhi nhé!

Bên trái tôi là một người phụ nữ có khuôn mặt hình lưỡi cày, tóc xoăn dài xoã xuống ngang lưng, loà xoà trước mặt như bà già điên ngày bé tôi vẫn gặp trên đường, gầy khô như mắm, tay ôm một đứa trẻ nhìn tôi nửa như van xin nửa như oán giận. Một tay ôm con một tay chìa ra trước mặt, từ từ lết về phía tôi, ả cất giọng của người hấp hối:

- Cô giáo sao không cứu con tôi? Sao để con tôi chết thảm thế này? Con tôi đói lắm, cô cho con tôi ăn uống với!

Tôi giật mình nhận ra chị Sẻo Mây. Toàn thân như đông cứng, một trận mưa đá lạnh như vừa dội xuống xương sống tôi, cảm giác rùng mình lan toả khắp cơ thể, lông tay lông chân dựng đứng. Mặt tôi lúc này mang màu sắc của lá rừng. Tôi sợ hãi, lùi dần, lùi dần về phía sau. Muốn chạy mà chân như đeo đá tảng, máu trong người như đông cứng lại.

Tôi lùi bao bước thì cái bóng tiến về phía tôi bấy bước. Đến khi lưng tôi áp chặt vào lưới, tôi quay mặt sang bên trái để tránh cái nhìn oán thán xót xa của Sẻo Mây chiếu vào mình thì chạm ngay mặt hài nhi với đôi mắt đỏ quạch không đồng tử, khuôn mặt trắng màu xác chết toả ra khí lạnh địa ngục rờn rợn, đủ để nuốt sống mọi cảm xúc và sự cử động còn xót lại của giác quan trong tôi. Nó đưa hai bàn tay tím đen nhỏ xíu giữ chặt hai má tôi rên rỉ những âm thanh thê lương như tiếng sói rú trăng:

- Tại sao... tại sao... tôi... không ... được ... làm người?

Óc tôi không thể điều khiển thân xác nữa rồi. Nỗi sợ hãi tột cùng khiến miệng tôi khô khốc, cứng đờ. Không thốt được dù chỉ là một âm tiết của chữ cái, mắt tôi không khép nổi, dính chặt vào đôi mắt vô hồn đỏ máu đang chiếu những tia nhìn man dại căm thù đau đớn kia. Tê liệt mọi cảm xúc trong mớ âm thanh quằn quại quái đản đang phát ra từ hai cái miệng của Sẻo Mây phía trước mặt và hài nhi bên phải mình không biết là bao lâu, rồi tôi không nhìn thấy nghe thấy gì nữa.

...

-Mẹ ơi! Mẹ tỉnh lại đi! Đừng làm con sợ

Tiếng thằng Lâm đã kéo tôi ra khỏi ác mộng. Tôi hoảng hốt bật dậy, người đẫm mồ hôi mà da gà nổi lên, bao nhiêu lông tay dựng đứng hết.
Thằng Lâm ôm lấy tôi lay nhẹ:

- Mẹ, mẹ mơ gì mà la hét khiếp vậy? Mẹ co giật cứ như bị con ma rừng nó vật ấy! Để con pha cho mẹ cốc mật ong rừng nhé?
- Ừ, con pha đi! Làm gì có ma rừng! Ma rừng chỉ là sự tưởng tượng của mấy ông thầy mo, đem hù doạ bản làng thôi! Đầu con đã chứa nhiều cái chữ của Bác Hồ mà còn nghĩ vớ vẩn vậy à? Đừng nhắc đến ma rừng nữa nhé! Mẹ mơ thấy cô Sẻo Mây!
- Vâng ạ! Con không nhắc đến ma rừng nữa đâu. Con sẽ bảo cả mấy đứa bạn và lũ con nít trong bản không tin ma rừng nữa Mẹ ạ! Mẹ nói đúng, cái đầu con và chúng nó đã chứa nhiều con chữ Bác Hồ rồi, phải bỏ con ma rừng ra ngoài cái suy nghĩ, thì mới không bị mấy ông thầy mo lừa!

Uống xong cốc nước ấm pha mật ong thằng Lâm đưa tôi tỉnh hẳn người. Đây là mật ong nguyên chất, được Khá- một cậu học trò trong bản, lấy từ trên ngọn của cây mai cổ thụ trên núi cao, thơm ngát hương hoa đọng nơi đầu lưỡi, uống xong sảng khoái khoẻ hẳn người.

Tôi vừa đứng dậy định đi ra vườn thì nghe tiếng reo vui của Lâm:

- A, bác Hoàng! Cháu chào bác ạ! Mấy con trăng rồi mới thấy bác đến chơi! Mẹ cháu đang ở trong nhà, bác ạ!

Tôi vừa mừng vừa lo. Hy vọng anh đến vì công việc. Lòng tôi có cảm giác nơm nớp lo âu, linh cảm mách tôi là anh đến vì muốn nghe câu trả lời tôi đang khất anh hai tháng trước.

...

Sau khi uống xong cốc nước mật ong rừng tự tay tôi pha cho, anh nhìn vào mắt tôi, im lặng không nói gì. Tôi cố tình ngó ra mảnh sân đất trước nhà, giả vờ ngắm mấy bụi dã quỳ gần đấy.

Bỗng một luồng điện chạy qua đem hơi ấm đến từng mạch máu, lan toả những cảm xúc rất mâu thuẫn trong tôi: vừa hạnh phúc vừa lo sợ, vừa mong kéo dài lại muốn buông lơi... Bàn tay tôi bé nhỏ mềm mại nằm trong lòng tay anh to ráp chai sần. Anh đã ngồi bên tôi tự lúc nào. Ôm chặt tôi vào lòng, khẽ nâng cằm tôi lên, anh nhẹ nhàng đặt lên môi tôi nụ hôn ngắn nhưng dài cảm xúc. Nụ hôn đầu đời của một con mọt sách chính gốc. Ngoài sách và công việc cùng các mối quan hệ thân hữu ra thì mọt sách này chưa nghĩ đến điều gì khác cho bản thân. Tiếng anh ấm áp đi vào từng nơ ron thần kinh làm não tôi ngừng hoạt động, người đơ như khúc gỗ một vài phút giây:

- Làm vợ anh nhé? Chúng mình đã đến tuổi lập gia đình lâu rồi em à! Đừng bắt anh đợi nữa!
- Em ... Em ...không... thể! Bây giờ...chưa phải lúc... Anh ...tìm ... người khác ...đi!

Không để tôi nói hết câu, anh khoá môi tôi bằng một nụ hôn thật sâu. Tôi như đường nấu trên bếp là kẹo đắng, tan chảy, mềm nhũn

Mọi giác quan đều cảm nhận được sự ngọt ngào. Cảm giác hoan lạc thấm vào từng tế bào của cơ thể. Khi Khí oxy chuẩn bị rời phổi tôi theo gió lang thang thì anh buông tôi ra. Mặt cả hai đỏ như gấc, anh nhìn tôi, ánh mắt khó hiểu mà da diết buồn:

- Em nói đi! Vì sao từ chối anh? Có phải vì cái Nương và thắng Lâm không?

Tôi gật đầu. Anh ôm chặt tôi dựa vào vai mình:

- Sao em lại nghĩ rằng anh không cùng em lo cho chúng chứ? Anh cũng có lòng thương người mà! Chúng cũng lớn rồi, mai này sẽ bay vào rừng đời, tìm cho mình một tổ ấm mới. Chúng có phải con đẻ em đâu! Sao em lại có ý định hy sinh đời mình để làm việc thiện như vậy chứ?
- Đúng là ban đầu em thấy chúng tội nghiệp mà sinh lòng trắc ẩn. Nhưng gần một năm nay sống với chúng em đã thật sự coi nó như con mình anh ạ!
- Anh biết mà. Anh yêu em một phần cũng vì vậy! Hãy cho anh được cùng em yêu thương chúng nhé!

Những giọt lệ lăn dài trên má, nóng hổi. Tôi khóc vì hạnh phúc. Bao nhiêu lo lắng bất an theo những giọt lệ rơi xuống nền nhà, ngấm vào đất.

Năm ngoái chứng kiến cảnh dân bản đốt đồ phá nhà, chỉ vì bố chúng nó giết vợ xong rồi tự vẫn, thương hai đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa tôi đã nhận chúng làm con nuôi. Những con người cô đơn Cùng dựa nhau rau cháo qua ngày mà sống. Những nỗi đau được chia sẻ cảm thông sẽ nhen lên ngọn lửa ấm áp vui tươi. Nhờ có chúng tôi không còn tủi thân khi ôm gối khóc vì nhớ nhà. Cũng không quan tâm đến những sợi tóc khô gãy rụng xác xơ trong những ngày mùa đông giá buốt, và tự hỏi lòng liệu có đủ sức ở lại nơi này nữa không...Chúng đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của tôi từ bao giờ chính bản thân tôi cũng không rõ. Chúng làm tôi quên mất ba hai mùa xuân đã trôi qua trong đời. Nương mười tám tuổi, bốn tháng trước mới được Hoàng lo cho đi xuất khẩu lao động bên Nhật xong. Sau bao lần khóc lóc van xin tôi hãy để nó đi kiếm tiền về xây lại nhà xưa và nuôi em ăn học, tôi đã mềm lòng mà nhờ anh.

Thỉnh thoảng nó điện về động viên em cố gắng học để trở thành thầy giáo, sau này đem cáo chữ về dạy cho dân bản giống mẹ. Điều này như một cơn gió mát thổi ý định về xuôi của tôi vào rừng sâu và ở lại nơi thăm thẳm đại ngàn.

Anh vụng về lấy khăn mùi xoa trắng lúc nào cũng mang trong người cùng với ít bông băng thuốc đỏ cứu thương và vài lọ dầu gió cùng một ít cao dán salonpas.

- Nín đi em! Anh không khéo dỗ đâu! Anh sợ nhất nước mắt đàn bà.

Tôi mỉm cười gục đầu vào vai anh.

- Ghét của nào trời trao của ấy! Anh sẽ phải lau nước mắt cho em cả phần đời còn lại đấy ạ!
- Bậy nào! Anh sẽ không để em khóc thêm lần nào nữa!

Ngoài sân nắng đã nhuộm vàng mặt đất, xua tan vết tích của sương mù đêm qua và toả ấm vào không khí. Những khóm dã quỳ vàng rực thắp lửa cả một quãng đường dài. Nó làm tôi liên tưởng tới bếp củi rực hồng ấm áp của ba mẹ con tết vừa qua! Năm nay tuy Nương không về được nhưng sẽ có hai bố con trông nồi bánh trưng cho mẹ rồi. Chắc bếp sẽ ấm hơn!

Vũ Tuyết Nhung

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020