SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

 CUỘC NỔI LOẠN TRÊN TÀU CAINE

Điểm sách
Người đọc: Vũ Thất

Tháng 7 năm 2006, sau trên ba mươi năm xa tàu xa biển, sau nhiều tháng chuẩn bị và phân công, các cựu Sinh viên Sĩ quan Hải Quân Khóa 12 đã bất ngờ tập trung lực lượng thực hiện và hoàn tất… Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine. Đó bản chuyển ngữ của quyển tiểu thuyết The Caine Mutiny của nhà văn Mỹ Herman Wouk.

The Caine Mutiny xuất bản năm 1951, phần lớn tình tiết trong quyển sách là những trải nghiệm của chính tác giả khi lần lượt phục vụ trên hai trục lôi hạm USS Zane và USS Southhart trong suốt bốn năm cuối cùng của trận thế chiến II. Quyển truyện đã được độc giả khắp thế giới nồng nhiệt tiếp nhận và được thực hiện thành phim bốn năm sau đó. Tính đến nay, The Caine Mutiny đã được dịch trên hai mươi thứ tiếng nhưng có lẽ bản tiếng Việt này là bản dịch duy nhất với một nhóm dịch thuật hùng hậu nhất: 15 vị Đệ Nhất Song Ngư.

Đệ nhất Song Ngư, danh xưng của khóa 12 của Trường Sinh viên Sĩ quan Hải quân Nha Trang, tốt nghiệp năm 1964. Đó cũng chính là khóa đã xuất phát hai anh hùng của Tổ Quốc Việt Nam: Một là Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, người đã ở lại Hoàng Sa cùng với chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo  HQ 10 do ông chỉ huy ghi dấu chủ quyền lãnh thổ. Hai là Hải quân Thiếu tá Đặng Hữu Thân, người đã tập hợp lực lượng dân quân, tiếp tục chiến đấu chống bạo quyền Việt Cộng sau ngày miền Nam thất thủ và sau đó bị bắt, bị xử tử. Ở hải ngoại, tiếp nối công cuộc chống Cộng, những người nổi bật nhất của khóa là thủ khoa HQ Thiếu tá Trần Trọng Ngà, tức Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, HQ/TT Trần Văn Tâm, tức nhà văn Trần Quán Niệm, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Chính nghĩa Quốc gia và HQ/TT Nguyễn Tạ Quang, Hội trưởng Hội Hải Quân Hàng Hải Trần Quang Khải…

Trong việc chuyển ngữ, biên tập và in ấn tác phẩm, Khóa 12 phân thành từng nhóm có trách nhiệm riêng biệt: Nhóm Chủ trương, nhóm Tu thư, nhóm Dịch thuật. nhóm In ấn & Phát hành. Sự phân công cho thấy tinh thần trách nhiệm và tính chu đáo dành cho tác phẩm đoạt giải Pulitzer 1952. Về lý do chọn dịch quyển The Caine Mutiny, nhóm Dịch thuật đã giải bày trong Thay Lời TựaĐộng lực chính yếu để cuốn Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine ra đời chính là do sự “đồng cảm” của những người dịch với nhân vật chính của quyển tiểu thuyết hư cấu này”.

Nói đến Hải quân, trước hết -nhưng không trên hết- là nói đến những cuộc tình. Quyển Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa anh chàng đẹp trai giàu có sắp lên đường gia nhập khóa sĩ quan Hải quân và cô nàng chuẩn ca sĩ trẻ đẹp nghèo nàn. Thế là sự “đồng cảm” khởi đầu! Và nó càng lan xa khi tác giả chấm dứt câu chuyện bằng cách cho nhân vật chính giải ngũ nhưng cuộc tình đầy sóng gió lại dành cho độc giả nghĩ sao cũng được…

Việc “sao cũng được” đã tỏ lộ qua cảm nhận của 5 giới chức cao cấp viết Lời Giới Thiệu cho quyển truyện dịch này:
Vị cựu Tư lệnh Hải quân, Đề đốc Trần Văn Chơn phát biểu: “Sách đã đọc hết rồi nhưng tâm hồn của người đọc vẫn còn bâng khuâng xao xuyến, tự đặt câu hỏi: cuộc tình (của họ) đã tới hồi kết thúc rồi sao…hay chỉ là mới bắt đầu?”. HQ/TT Nguyễn Tiến Ích, giáo sư tiến sĩ cũng ghi nhận tương tự: “Tác giả lửng lơ chấm dứt cuốn truyện nơi đây để đọc giả tự tìm ra kết luận như Margaret Mitchell đã làm trước đây trong cuốn Gone With The Wind…” Nhưng HQ T/T Kỹ sư Trần Văn Sơn bi quan hơn: “Sau năm năm lăn lộn với chiến trường, đối diện với cái chết, thấy được cái bản chất thật của cuộc sống, chàng mới biết được giá trị của tình yêu. Nhưng đã muộn…

Riêng HQ Đ/T Dư Trí Hùng, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang thì đặc biệt lạc quan: “chàng đã nhất quyết theo gương Trương Vô Kỵ, quyết từ bỏ giang hồ trở về kẻ lông mày cho Triệu Minh Marie Minotti”. Còn giới chức thứ 5 thì không nhắc nhở gì tới duyên phận của đôi trai tài gái sắc …

Một chuyện tình mà kết cuộc hợp hay tan... tùy người đối diện thì nhất định phải là một biển tình đầy sóng gió. Nhưng đây chỉ là… chuyện tình như mọi chuyện tình của người đi biển. Còn có những “đồng cảm” khác sâu đậm hơn, như là những buổi tối “đi bờ” vui vẻ, những tháng năm hắc ám với vị chỉ huy, những ngày dài ngất ngư bão tố, những cuộc rà mìn ghê người, cuộc tấn công tự sát của chiến đấu cơ Nhật làm nổ tung chiến hạm và sự đồng cảm sâu xa nhất phải là… cuộc nổi loạn.

Hình phạt cho tội đào ngũ trong thời chiến đã luôn luôn là một hình phạt nặng nề huống chi nổi loạn. Vậy mà cuộc nổi loạn vẫn xảy ra, phải xảy ra, ly kỳ và hồi hộp. Phần thú vị nhất là các phiên xử của Tòa Án Quân Sự với những cuộc đấu lý thông minh, nẩy lửa giữa ông ủy viên công tố và ông luật sư bào chữa, cộng với sự can thiệp nhạy bén, kịp thời của ông thẩm phán. Bản án dành cho những kẻ nổi loạn ra sao, xin dành quyền trả lời cho… phần cuối truyện! Chỉ xin ghi thêm: Nhà văn cựu Hạm trưởng đã vượt lãnh hải của mình sang lãnh vực chuyên môn pháp lý. Vậy mà ngòi bút của ông vẫn lướt đi nhuần nhuyễn đến độ nguyên phần xử án này được soạn thành kịch sân khấu ba màn vào năm 1953 và được trình diễn khắp nước Mỹ một thời gian dài. Và các nhà chuyển ngữ Song Ngư cũng đã chứng tỏ mình thừa khả năng duy trì mức độ lôi cuốn cho độc giả qua tài dùng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt. Sự thành công được chứng minh qua cảm tưởng của năm giới chức được nhắc đến ở trên.

Đề đốc Chơn nhận xét: “Những hoạt động trên chiến hạm Caine được diễn tả thật chi li rành rẽ, chuyên môn, hấp dẫn khiến độc giả Hải Quân, Hàng Hải và thân hữu khi đọc hết trang này thì không thể không lật qua trang kế tiếp. Đặc biệt nhất là sự tranh chấp giữa kỹ thuật và kỷ luật khi tàu hoạt động trong vùng bão tố… Đọc sẽ thấy bút pháp kỳ diệu của tác giả Herman Wouk được phản ảnh trung thực qua bản dịch hoàn hảo…”.    

Đại tá Hùng phát biểu: “Qua cuốn truyện, tôi được các bạn cho cùng các bạn sống lại cuộc sống hải hồ trong những năm tháng chúng ta phục vụ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Các bạn Đệ Nhất Song Ngư đã dịch cuốn truyện The Caine Mutiny một cách khéo léo và rất công phu…. Tôi vững tin là quý bạn độc giả Hải Quân và ngoài Hải Quân sẽ thấy không uổng phí thời giờ cho cuốn truyện”.

HQ Đại tá Đỗ Kiểm, Hiệu trưởng Trường Sinh Viên Sĩ quan Hải quân cho cảm nghĩ : “Tôi rất đồng ý với các anh em Song Ngư đã chọn cuốn sách này để dịch ra Việt ngữ vì theo tôi cuốn sách này đã thật sự tiêu biểu cho cuộc đời của những người lính áo trắng… Không những các anh em đã cống hiến độc giả đồng bào Việt tài liệu quý giá giới thiệu kiếp sống hải hồ…và đồng thời còn tạo thêm cơ hội cho toàn thể anh em Hải quân chúng ta nhớ lại một thời ngang dọc đã xa xưa”.

Còn Trung tá Sơn, tức bình luận gia Trần Bình Nam thì rất chí tình với đám học trò dịch giả: “Bản dịch là một tuyệt tác mà không một ai không đọc một cách say mê”.

Và người cuối cùng giới thiệu quyển sách, Thiếu tá Ích ghi nhận:“Tuy có nhiều người dịch như vậy nhưng kẻ viết bài này không thấy có một sự bất liên tục hay thiếu mạch lạc nào cả”.

Tôi cũng muốn góp lời ca ngợi công trình dịch thuật tuyệt vời này nhưng thấy năm đại quan đã nhiệt liệt tán dương thì kẻ thường thường bậc trung như tôi dẫu có thêm lời đẹp đẽ nào thì cũng không đẹp hơn được. Cho nên tôi đành mạo muội ghi chép vài chuyện linh tinh.

Chuyện linh tinh thứ nhất dành cho Nhóm Dịch thuật. Đúng ra là dành cho dịch giả Chương 1. Nguyên tác mô tả đêm đầu tiên nhập ngũ của sinh viên sĩ quan Willie như sau: “Willie climbed into bed… He experienced a most curiously mixed feeling of adventurous coziness, as he were tented down for the night in the wilds, and sharp regret for his lost freedom”. Dịch giả chuyển ngữ rất ư là bay bướm: “Nằm trên giường, Willie cảm thấy háo hức băn khoăn trong cuộc phiêu lưu mới. Tâm hồn chàng thư giãn trong một đêm mới lạ hoang sơ, rồi lại chợt bừng lên hối tiếc sự tự do vừa mất”.  Đã “băn khoăn” thì làm sao mà “thư giãn” được! Nguyên tác không có từ ngữ nào mang nghĩa băn khoăn!  Chính vì loay hoay tìm từ mang nghĩa băn khoăn mà người đọc khám phá ra một điều bất ngờ. Đoạn văn tiếng Anh ở trên kết thúc Chương I của nguyên tác, nhưng ở bản dịch còn thêm một đoan nữa: “Willie mơ màng đi vào giấc ngủ, giấc ngủ trong đêm đầu đời tại quân trường. Ngoài trời, văng vẳng tiếng gió thổi rì rào vi vu trong rặng thông hòa với tiếng sóng biển ì ầm từng đợt đổ vào bờ”. Chính xác thì đó là những dư âm quanh quân trường Hải quân Nha Trang!

Chuyện linh tinh thứ hai xin dành cho nhóm Tu thư. Bài giới thiệu của Tiến sĩ Ích là một bài viết công phu. Hẳn ông phải đọc rất kỹ quyển truyện mới có thể lượt thuật diễn tiến câu chuyện một cách chính xác và rõ ràng như vậy. Chính ưu điểm đó lại trở thành khuyết điểm khi bài này được đặt ở phần mở đầu giới thiệu. Độc giả sẽ mất nhiều hứng thú khi quyển tiểu thuyết không còn chứa những ẩn số. Theo tôi, bài của Tiến sĩ Ích thay vì đặt trước câu chuyện thì nên đặt ở những trang cuối cùng như một Thay Lời Bạt, nhờ đó độc giả có dịp ôn lại câu chuyện và giúp thông suốt được các tình tiết rối rắm chằng chịt đan nhau trải dài trên bảy trăm trang giấy…

Chuyện linh tinh cuối cùng xin dành cho… nhóm Chủ trương.  Qua bài Thay Lời Tựa dịch phẩm Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine, tất cả quý vị đều nhìn nhận nguyên tác The Caine Mutiny đã làm xao xuyến một thời dọc ngang hồ hải, chứa đầy ắp hoài niệm về giây phút yêu đương và đau khổ, về tình gia đình và tình đồng đội, về gian nguy của hải nghiệp và hải chiến và về … cuộc nổi loạn là chủ đề của tác phẩm! Thế mà, qua tất cả các lý do được nêu lên gọi là “đồng cảm” quý vị không nhắc gì đến việc “đồng cảm” cuộc nổi loạn đó! “Cuộc nổi loạn” của các sĩ quan tàu USS Caine gợi nhớ “cuộc nổi loạn” của Hạm Đội HQVNCH…  

Ba câu chuyện linh tinh kể trên thật ra chỉ là chuyện… bên lề. Những sơ sót ngoài ý muốn đó không hề làm giảm sức lôi cuốn của nội dung bản dịch.  15 dịch giả của Đệ Nhất Song Ngư thật xứng đáng với những lời ngợi khen của các cấp chỉ huy.

Ngoài quyển Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine, nhà văn Herman Wouk còn là tác giả của nhiều quyển tiểu thuyết khác cũng viết về quân chủng áo trắng. Có hai quyển hợp thành một bộ: quyển The Winds Of War và quyển War And Remembrance mà ông tiết lộ là phải cần đến mười lăm năm mới hoàn thành. Cả hai quyển này đều được quay thành phim nhiều tập vào năm 1983 và 1988. Phí tổn thực hiện trên 200 triệu USD theo thời giá. Tôi đã bỏ ra tổng cộng trên 30 tiếng đồng hồ để say mê theo dõi đời sống đầy hạnh phúc và khổ đau của đại gia đình một quân nhân Hải quân Hoa Kỳ từ lúc còn là Trung tá lên dần đến cấp Đề đốc. Phim do tài tử gạo cội Robert Mitchum đóng vai chính.

Nhưng dù phim được diễn xuất bởi những diễn viên ưu tú, chắc chắn cũng không thể lột tả hết mọi góc cạnh phức tạp của tâm hồn của những người lăn lóc, trực diện với thế chiến thứ hai và trong các trại tập trung người Do thái của Đức quốc xã như qua ngòi bút của Herman Wouk. Tôi tin là nhóm Chủ trương sẽ tiếp tục cống hiến dịch phẩm giá trị của hai tác phẩm này và các quyển khác của nhiều tác giả Anh, Mỹ viết về các sứ mạng phi thường của Hải quân hiện đại, như quyển The Hunt For The Red October của Tom Clancy, Nimitz Class của Patrick Robinson, Sea Of Shadows của Jeff Edwards…

Sự mong đợi đang hướng về những con người tài hoa Đệ Nhất Song Ngư.               

Vũ Thất  
12/2019

Mời đọc bản dịch Cuộc Nổi Loạn Trên Tàu Caine:

https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntnvnnn0n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020