SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

Thư Tết

Cao Vị Khanh

Rồi tết đến rồi lòng em nhớ quá
(Nguyễn Đình Toàn)

Em xa xôi,

Trưa nay, mùng một tết, cái tết thứ hai mươi mốt của tôi ở xứ người. Trời đổ tuyết từ ban sáng. Mùa xuân đâu không thấy, chỉ thấy lạnh và buồn. Tôi chắc em cũng như nhiều người Việt khác đang mài miệt trong những xưởng thợ hay văn phòng ở đâu đó trên khắp cùng mặt đất, có thấy gì là tết đâu dù rằng trong lòng mình không thiếu một nụ xuân. Sao tôi thấy thương em, thương Lý, Lê, Trần, Nguyễn… thương hết thảy những người Việt đang ngậm ngùi đón tết ở một nơi không phải chỗ của mình. Sao tự dưng tôi như thấy em đang ngẩn ngơ, thấy chị đang thờ thẫn, thấy anh đang nôn nao như chờ đợi nghe thấy lại một cái gì đã có lần rạo rực dấy lên tự lòng đất, loáng thoáng trong khói hương, chập chờn giữa trời rộng khi chúng ta còn ở đó, quê nhà. Nhớ không em cái lao xao của cây cỏ, cái náo nức của phố phường, cái lung linh của khuya im đêm trừ tịch. Tôi chắc mọi người đang thấp thỏm sống lại cái tình tự của một tết năm nào. Nhưng mà nhớ thì có nhớ nhưng gặp lại thì chắc không bởi vì mình có ở quê mình đâu. Mình đang ở xa quá, xa tới gần nửa thế kỷ, cái quê hương mù mịt cứ nghĩ tới là mủi lòng. Cho nên dù có bắt chước anh con trai trong một bài hát cũ hỏi lầm thầm… xuân đã về chưa … thì cũng chỉ thấy đọng lại một chút vị cay trên khóe mắt. Bởi vì xuân có kịp về đâu ở một cõi trời cõi đời quá lạ.

Buổi sáng hôm nay, em thức dậy chắc cũng giống như nhiều buổi sáng khác khi trời còn mờ tối, ngoại ô còn ngái ngủ trong lớp áo đọng sương. Em dậy sớm hơn chồng con vì còn phải sửa soạn thức ăn cho mọi người đến trường sở. Vội vội vàng vàng em đâu thấy kịp mấy đốm sao thưa còn lấp ló ngoài cửa sổ. Em còn phải nhanh tay sửa soạn để kịp chuyến xe điện ngầm thứ nhất. Khi em ra khỏi nhà thì đốm sao đã buồn bã bỏ đi. Một mình em vừa đi vừa chạy, tay quấn vội cái khăn len quanh cổ, tay kéo sát cái áo ấm chùng kín tấm thân bé bỏng co ro. Mùa đông còn lạnh và dài lắm. Bầu trời nhem nhuốc và phố xá còn lấm lem cơn bão tuyết cuối tuần. Chung quanh em bắt đầu có thêm nhiều người khác, cũng đang vội vã chạy theo sau cái tia sáng đầu ngày. Và như vậy, em đi đến hãng tự nhiên như những buổi sáng bình thường khác. Một buổi sáng bình thường như trăm ngàn buổi sáng khác của em, của chồng con em, của bạn bè em, của những người đang sống một mùa xuân giả bộ. Cho nên tôi biết, sáng hôm nay ở trong sở , đầu óc và tay chân thì bận bịu với công việc mà lòng em thì buồn quá đỗi. Bởi vì giữa lòng em nguyên đán đã rộn rịp ngay từ nửa đêm hôm qua khi trời đất ở đây còn đương tối mịt.

Từ một hai tuần trước mỗi lần ra chợ em đã cố tình mua sắm nhiều hơn lệ thường. Thịt cá, dưa kiệu, dưa chua, bánh mứt, cái gì cũng nhiều hơn chút chút. Bề gì cũng ngày tư ngày tết phải cho chồng con nếm chút hơi hướm quê nhà. Em còn cẩn thận dặn tiệm hoa đầu phố để dành cho em một chậu cúc vàng mặc dầu vẫn chép miệng than đắt loại hoa trái mùa. Em ân cần và chu đáo lắm. Em muốn tạo một không khí tết cho gia đình và cho riêng em. Mới chạng vạng, em đã thu dọn lại nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên và cũng đã bày mâm cơm cùng chồng con chờ cúng rước ông bà. Vậy mà giữa hương khói sao có lúc em như thấy cô đơn hơn ngày thường. Giữa lòng em như có gì trống trải. Nhìn quanh em sao như thiêu thiếu một cái gì. À thì ra, ở đây đất trời lạ lẫm làm em không bắt gặp lại được cái lung linh của tối giao mùa thuở trước, khi còn bao bọc chung quanh những tấm thân tình, và nhất là cả nước non đều mang chung một nỗi rạo rực như ngay chính lòng em đang rạo rực. Ở đó, mỗi lượt giao thừa, cỏ cây lay lắt như muốn chuyển mình, sông núi cũng động đậy bừng tỉnh, đừng nói gì con người, hết thảy đều như say say, thấy như vừa nếm một chút rượu nồng cất bằng thứ men cay của trời đất. Người ta như thấy có một cái gì thôi thúc, chộn rộn khiến ngồi đứng không yên, có một cái gì đó bảng lảng lao xao ngay trong không gian lắng đọng làm cho mọi thứ trở nên tươi tỉnh hơn và hơn nữa như xúi bẩy mọi người gần gũi nhau hơn. Ở khắp mọi nơi, người ta như nghe thấy từng nụ mầm đang lật bật trỗi dậy, mới tinh, khỏe mạnh và nhất là như truyền nhiễm cái niềm vui trong lành lên từng xó xỉnh của đời sống. Bỗng nhiên người ta quên phứt những phiền toái, những rắc rối, những mắc mớ của phận người. Bỗng nhiên người ta đổi mới trong phút chốc. Em cũng vậy. Có nhớ không? Em thấy em tươi như một nụ hàm tiếu. Em thấy em vui như một tiếng cười giòn. Và áo mới xúng xính. Và đồng tiền mừng tuổi. Rồi hoa đào hoa mai. Rồi bánh chưng bánh tét. Những năm em lớn lên, chiến cuộc dữ dằn quá, pháo bị cấm đốt. Nhưng có cần đâu, trong lòng em là cả một tràng pháo vô thanh nổ giòn giã, xác pháo đỏ vô hình rưới đầy tấm lòng em mới nguyên. Em mừng thêm một tuổi lớn, hồn mở rộng thênh thang, háo hức chờ đợi những bất ngờ…

Vậy đó mà tối hôm qua, trong ngôi nhà nhỏ rất ấm cúng mà vợ chồng đã tậu được sau nhiều năm cày cục, bên cạnh chồng con, ngay lúc em sắp sửa cúng giao thừa, bỗng dưng em cảm thấy như có một vẻ gì tẻ lạnh quá, cứ quạnh quẽ quanh đây. Nước mắt chực hờ nhưng rồi em cố giữ lại. Làm như em linh tính được mọi ước nguyện chân thành của em trong buổi tối thiêng liêng này rồi sẽ chìm mất vào một cõi lặng vô tình. Chậu bông cúc, vàng mấy đốm lẻ loi, không thắp nổi một niềm vui lẻ mọn giữa cái màn ẩm đục và mốc thếch của khí trời bị đọng kín lâu ngày. Còn mấy dĩa đồ cúng nữa, dù em đã lo lắng nấu nướng sẵn từ ngày nghỉ cuối tuần trước, dọn ra rồi sao càng làm lộ thêm cái vẻ lạc lõng như bày ra không phải chỗ. Tội nghiệp em, em đâu có rảnh rỗi. Ở sở về, em vừa đi vừa chạy, ghé qua rước con ở nhà trẻ, về tới nhà chỉ kịp cởi vội khăn áo xùng xình rồi là lúi cúi xào nấu cho kịp bữa tối. Bởi vậy, em đã bắt chước mẹ kho sẵn một nồi thịt với lon nước dừa Đài Loan dù lạt lẽo vẫn cho ra vẻ đúng điệu, nấu một tô canh khổ qua dồn thịt với dĩa đồ xào hải sản. Em nhớ mẹ cũng đã làm giống như vậy. Bới thêm ba chén cơm trắng, dọn đủ muỗng đũa sắp dài hai bên cạnh bàn. Em còn làm giống như ba, khui chai rượu quý rót đầy ba cái chung nhỏ, rót thêm một tách nước lạnh để ông bà súc miệng trước khi dùng cơm, rồi em thắp cháy lung linh hai ngọn đèn cầy. Mâm cơm cúng dòm qua cũng tươm tất giống như của ba mẹ em đã làm. Vậy mà sau khi đã sửa lại quần áo bộ điệu ngay ngắn, thắp nắm nhang sắp sửa van vái nhưng chỉ mới vừa lẩm nhẩm trong đầu mấy chữ “đất nước ông bà cửu huyền thất tổ” như ba đã dạy là tiếng khóc em bật ra, tức tưởi. Đứa con lẫm đẫm bên chân thấy mẹ khóc cũng mếu máo khóc theo. Ngó lại thì mắt chồng cũng rươm rướm. Tết đâu không thấy chỉ thấy cả nhà ôm nhau khóc mùi mẫn. Em khóc mà biết mình không nên khóc. Dường như em tủi thân, dường như em tiếc nuối. Em thấy như không có ông bà nào chịu khó cất công vượt ngàn trùng qua đây với em. Đường sá xa xôi quá mà ông bà thì quê mùa làm sao biết ngõ đi lối về. Còn đất nước, đất nước em thì bị kềm kẹp bởi lũ người vong bản thì làm sao thoát được mà rong ruổi. Cha mẹ và bầy em nhỏ thì đang lây lất đón cái tết nghèo đói chắc cũng đang nhớ em mà phải bấm bụng cho quên. Đêm vây chung quanh thì tối mịt, đặc quánh hơi lạnh mà lại trống hoang không một bóng người qua. Tết đó sao? Đâu phải mùa xuân của em như em đã chờ đợi và đã gặp gỡ khi còn ở bên nhà. Cả một tuổi thiếu nữ em sống ở đó, mùa xuân dậy thì như bông búp thẹn thùng, em theo mẹ đi chùa hái lộc đêm giao thừa, lòng thấy hoang mang sung sướng mà không rõ vì sao. Mà có cần biết lý do đâu, em thấy mọi người chung quanh hớn hở thì lòng em cũng nở rộ đóa hạnh phúc. Trong hương trầm nghi ngút, mọi tấm lòng như mở ra cho tiêu vong hết mọi uẩn khúc và thay vào đó nỗi cảm thông bắt nhịp với người và với trời đất. Trong một tích tắc người ta như bắt gặp lại hồn thiêng sông núi, người ta thấy mình hòa tan vào cái thăm thẳm của vũ trụ không cùng. Phút giao thừa như sát na hội ngộ. Gặp lại lòng mình, gặp lại lòng người và còn tìm gặp lại cái nguồn cội sâu xa của chính đời mình nữa.

Vậy mà ở đây em không cảm thấy gì hết. Em chỉ thấy lòng mình trống trải như một cõi không mà lại nặng nề như mộ địa. Cái gì chớ cái này thì chồng con em không an ủi được gì cho em hết. Tội nghiệp V. Nó cũng thẫn thờ như em vậy thôi. V đưa tay vỗ nhẹ vai em rồi ôm em và con siết chặt. Cặp mắt V sụp xuống như có cả núi sông đè lên đó. Phải rồi, từ lúc nãy chính V cũng thấy như thiêu thiếu một cái gì. Nó đã cẩn thận kiểm soát lại gian phòng, bàn ghế, chậu hoa, tấm lịch Tam Tông Miếu mua ở chợ tàu đã gỡ tới tờ lịch cuối cùng, bức hình gia đình ở quê chụp chung lúc lên mười tuổi đã vàng ố … tất cả vẫn y nguyên vậy. Kể cả mâm cơm cúng mà em đã sửa soạn với hết lòng thành khẩn. Có thiếu gì đâu. Ba chén cơm với ba đôi đũa, mấy cái muỗng, mấy cái dĩa đồ ăn bốc khói, nhang đèn … tất cả đều ở đó. Có thiếu gì đâu. Vậy mà sao V vẫn thấy thiếu. Cho đến khi nó thấy em bật khóc nó mới nhận ra cái thiếu sót đó, nằm ngay chính trong lòng mình, vả bây giờ phả ra váng vất trong không gian tù túng của căn nhà đóng kín cửa. Có một sự vắng mặt lớn lắm mà dường như V đã mường tượng đâu từ chiều hôm qua khi lái xe về ngang con dốc ở đầu bên kia thành phố. Từ vị trí đó, V thấy cái xóm nhỏ của họ đạo Tin Lành với mấy chục căn nhà nằm xúm xít như úp mặt vào nhau dưới cái bóng núi đe dọa. Xa hơn một chút, con sông nhỏ chạy loanh quanh giữa cánh rừng thông tua tủa rồi bỏ đi mất hút đằng sau khúc ngoặt cuối đảo. Lúc đó chiều chưa tắt hẳn, đêm còn vung vẩy vạt áo choàng đen dùng dằng với chút nắng cuối ngày vừa kịp cho V thấy mấy làn khói mỏng vất vưởng bốc lên từ những mái nhà trắng tuyết. V đã dửng dưng qua lại nhiều lần đoạn đường đó, lúc mới tới có lần cũng đã thấy giông giống một góc cảnh xưa. Rồi thôi, rồi quên khuấy dưới lớp lớp lo toan của đời sống tất bật. Vậy mà buổi chiều hôm qua, ngay đúng lúc đang nhớ lại câu nhắc của người bạn về chuyện bên nhà lúc cuối năm thì xe vừa trờ tới đỉnh đồi ngó xuống khu nhà quen thuộc, sao bỗng dưng V nhận diện được rõ ràng cái quen thuộc ở đây đã từng quen thuộc lâu lắm, lâu đâu từ lúc còn ở quê nhà. Có một cái gì tiềm tiệm góc phố xưa, nơi V đã sống một tuổi ấu thơ êm đềm, với cha mẹ anh chị bạn bầy… Chiều u tịch, khói bay từ một góc tối xa xăm, cộng thêm cái âm vang buồn bã của mấy chữ “cuối năm” làm lòng V quặn nhớ. Sao tự dưng V thấy như ai đó cắc cớ vừa bứng nguyên phố nhỏ quê mình đem sang dựng lại y hệt ở đây, ngay phút này, lúc buổi chiều một ngày cuối năm sắp tắt. Sao tự dưng nó thấy giống đến thê thiết cái xóm nhỏ ở một tỉnh vùng cao nguyên nước Việt, nơi nó đã được sanh ra và lớn lên giữa bao nhiêu là thân thích ruột rà. Thành phố với những con dốc mù sương đi về lẩn khuất, với lọn nắng sương mai màu hổ phách mà có lần nó đã ví von với tia nhìn trong vắt của người yêu dấu đầu đời. Thành phố mà V đã bỏ lại để đi xa dù có bao giờ thôi thương nhớ. Lây lất gần hai mươi năm ở xứ người tưởng đã quên lâu. Vậy mà không. Vậy mà chiều hôm qua V bỗng nhớ lại. Nhớ như mới bỏ đi đâu chừng mấy bữa. Nhớ như mới hôm nào cắt ruột bỏ đi. Nhưng sợ em buồn lây, nó giữ kín trong lòng. Rồi lu bu chuyện sở, rồi hấp tấp dọn dẹp cho kịp buổi cúng giao thừa, nó cứ nghĩ thấy bần thần là tại trời trở gió. Mãi đến khi thấy mấy giọt nước mắt tủi hờn của em, V mới bàng hoàng cảm lại nỗi hụt hẫng trong lòng mình. Chút lao đao trong lòng dìm lại từ hôm qua, bỗng chốc vực dậy, dựng lên hình ảnh cái xóm nhỏ đìu hiu từ độ bỏ đi, thoáng chốc rõ ràng như trước mặt. À thì ra, có quên được đâu, cái phố cũ buồn vui một thuở. Góc quê hương bị vùi nông dưới mấy lớp tâm tư, giấu mặt đằng sau tầng tầng ngày tháng, nép mình giả bộ như xác bướm khô bỏ quên giữa mấy trang sách ố vàng. Người ta cứ vô tình sống, làm ăn, vô tình đi tới lui loanh quanh trong cõi tạm mà không ngờ vẫn mang theo bên mình cái xác bướm xác xơ mà vẫn chực chờ hồi sinh. Để rồi, một khuya im trở mình bất chợt, một tiếng chim kêu lạc cuối chiều, một vệt nắng vàng sót quên trên ngõ lá, một bước chân lạc lõng giữa chợ đời… từng ấy thứ, tưởng chẳng ăn nhằm gì với cố hương đã xa mù xa mịt mà oái oăm lắm em, thứ tình cố thổ nó giăng nhện không ngờ. Nó níu, nó kéo, nó ép người ta ngoảnh lại, nhìn lui, từ một nét, một chấm, một góc, một cảnh đời đã thấy, đã sống, đã hạnh phúc, đã trầm luân… từ một thuở nào, khi còn ở đó, quê nhà. Từ đó, những hình ảnh đã quên sâu, những kỷ niệm đã lặn chìm, những phần đời đã ngủ yên, những khuôn mặt vóc dáng, những con đường góc phố, những bờ bãi hàng lau, những bến nước cầu ao, nhịp mùa thời tiết… mọi thứ mọi điều tưởng đã quên lâu nhưng rồi ra vẫn nhớ, nhớ hoài. Nó có thể nằm đó, im hơi lặng tiếng, vài ba năm, mười mươi năm, có khi suốt cả đời không chừng. Để rồi có khi chỉ là một hơi gió nhẹ làm lung lay một ánh trăng khuya, một tiếng chim trời kêu lẻ bạn, hay có khi đơn giản hơn nữa, chỉ cần mấy tiếng “cuối năm” ai đó thốt ra giữa khi chiều đang rưng rưng sắp tắt mà chân đang bước lỡ một độ đường, bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm động đậy đôi cánh mỏng đang thúc thủ, chấp chới bay lên và xô dạt chao đảo cả những tâm hồn đã từng phen gió bụi. Cái tình quê cay như gừng như quế, mặn như muối nồng như ướp tiêu thấm sâu trong tận cùng xương tủy, óc não, tim gan… có khi nó loãng ra nhẹ nhàng như sương như khói, bảng lảng như có như không, có khi quánh đặc như mạch nha kẹo dẻo nhùng nhằng nhũng nhẵng không chừng không đỗi, tưởng như dính không chặt mà lại bứt không rời… Khổ một nỗi, người ta càng lơ là thì nó càng đeo đuổi trêu ghẹo, y như bóng chơi đuổi bắt với hình. Ngày qua ngày, tháng theo tháng, năm tàn năm, cái bóng quê hương lấp la lấp lửng có đó mà như khuất mặt, chấp chới chực chờ bên cạnh một niềm vui, trong cuối một nỗi buồn và chắc chắn, trong một lúc không ngờ nhất, sẽ chường cái bộ mặt thảm sầu của nó ra trong một ngày cuối năm, một ngày đầu năm … khi chân còn đang lỡ bước giữa một độ đường lữ thứ.

Vậy đó em. Trong suốt con đường lưu lạc tìm đất sống hơn ngàn năm của nhân loại đã có bao nhiêu lần dòng đời đang bươn chải bỗng nhiên bị khựng lại, một giây, một phút, một thoáng … chỉ vì bất chợt người ta nhận ra… dấu dạng một quê hương. Một thoáng thôi cũng đủ làm buồn một đỗi. Từng chút đó thôi nhưng sẽ làm người ta ray rứt hoài hoài. Tôi nhớ đã có lần kể em nghe chuyện của hai chàng du tử, mải vui đường mà lạc cảnh tiên, tưởng sẽ sung sướng ở cõi đào nguyên, nhưng rồi ai đời lại cứ nhong nhóng đòi về trần. Cái trần gian của họ, thật ra cũng chẳng có ý nghĩa triết lý gì hết mà chỉ là quê nhà của họ đó thôi em. Cái cõi quê mùa luộm thuộm, người ngợm lôi thôi, nẻo đời trắc trở mới chính là quê hương đích thực của kiếp người. Người ta chỉ thấy an lòng ở giữa đồng loại. Cũng như chúng ta vậy thôi. Chúng ta cũng chỉ là mấy chàng Lưu Nguyễn lạc lối thiên thai nên lòng trần cứ bứt rứt, uống nước suối tiên trong vắt mà cứ thèm thuồng con nước đục phù sa, coi điệu múa nghê thường lại thấy lòng cứ vấn vương mấy câu hò thôn dã. Nhưng biết làm sao hơn khi túi nhau ta đã lỡ chôn dưới gốc một cội tre già thì cả đời ta sẽ mắc míu hoài với mấy nhịp cầu tre lắt lẻo. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm lòng ta thắc thẻo rồi em. Mặc dầu ở xa, tôi cũng biết em buồn ra sao. Bởi vì nỗi buồn của em cũng chính là nỗi buồn của tôi, từ hơn mấy chục năm nay.

Em biết đó, có ai đếm được nỗi sầu đâu. Vậy mà mấy ông thi sĩ vô danh hồi xưa cứ giả bộ như rành rọt lắm. Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu. Làm như mỗi một nhịp cầu là chừng ấy lần sầu. Làm như mình có thể hỏi thăm nhau một cách rạch ròi như vậy chớ mấy bữa nay em sầu bao nhiêu nhịp. Vậy chớ mấy bữa nay em nhớ nhà dài bao nhiêu dặm. Khổ một nỗi là giữa chúng ta và quê hương có chiếc cầu nào đâu mà đo dài đo ngắn. Giữa chúng ta và quê nhà có khoảng cách nào đâu mà tính được thiên lý đây em. Bởi vì thật ra cái ngàn trùng đó nằm ngay chính trong lòng ta. Ôi tấm lòng xa cách lớn rộng hơn trời biển làm sao dang chân ra mà thâu ngắn lại đường dài.

Mùng ba tết năm ngoái, ngồi trơ trọi một mình nhìn mâm cúng tất nấu dọn sơ sài sao tôi thấy buồn quá đỗi. Cho tới chừng nào chúng ta mới ăn được một cái tết vui vầy. Nhắp ngụm rượu thừa tôi viết mấy câu thơ, dẫu tết mà nghe cay đắng lắm:

Rồi tết qua đi, buồn ở lại
Quê nhà xa huốt một đường bay
Rượu xuân sao bốc mùi quan ải
Để thấy xa thêm những dặm dài

Vậy đó em. Mấy chuyến bay hình như vẫn bay qua bay lại nhưng đâu phải vậy mà nối được lòng ta với quê hương. Khoảng cách đâu còn là không gian nữa. Khoảng cách chính ở lòng ta đó. Đâu phải chúng ta ruồng bỏ một quê hương nghèo nàn, chúng ta chỉ không thể chấp nhận một chế độ bất nhân vô đạo. Làm gì mà mấy chục năm sau khi bức tử một quốc gia, cướp đoạt cả linh hồn một dân tộc, với tất cả oai quyền tột đỉnh sinh sát trong tay mà họ không dựng dậy được một quê hương đủ sánh vai cùng thiên hạ. Kẻ thù như họ đã rêu rao không còn một mống ở đó. Những kẻ-bị-chối-bỏ đã tống khứ ra biển dữ. Đất nước thâu về một mối nắm gọn trong tay. Bao nhiêu vốn liếng có sẵn trong nước cộng với bao nhiêu tiền bạc của đám con tha phương cầu thực bị bắt chẹt gởi về nuôi cha nuôi mẹ, rồi cả cái mớ đô-la muối mặt ngửa tay xin xỏ khắp cùng thế giới… mà không cứu nổi một đất mẹ tang thương. Đến lúc ngay cả những kẻ dễ dãi nhất hoặc khờ dại nhất ngoại trừ bọn đồng lõa cấu kết cũng phải nghi ngờ sự lương thiện của mọi kẻ cầm quyền ở bên đó. Họ làm gì mà sau khi giết chóc tàn phá để cướp cho được trọn phần đất nước, mấy chục năm sau mà đất nước vẫn èo uột như con bệnh nan y bất trị, và con người, đại đa số con người ở đó vẫn gầy héo như từng niềm tuyệt vọng.

Vậy đó em, chúng ta không trốn chạy một quê hương nghèo đói. Chúng ta chỉ không thể thỏa hiệp với một chế độ bất công, độc đoán, miệt thị giá trị con người và phỉ báng truyền thống nhân ái của dân tộc, và thêm nữa… bán nước đợ dân …

Vì vậy mà giờ này chúng ta không có một chỗ để về, chúng ta phải đón thêm một cái tết trong dáng vẻ thờ ơ của người và trời đất quanh đây. Tôi biết em buồn lắm. Tôi biết em hờn em tủi. Tôi biết nhiều người Việt đã ứa nước mắt trong đêm qua, sáng hôm nay khi thấy mình thêm một lần lỡ hẹn với quê hương. Tuy nhiên chúng ta có làm khác được đâu em. Chúng ta đã chọn tự do làm lẽ sống thì chuyện sinh ly chỉ là một cách thế chẳng đặng đừng. Sự chọn lựa nào cũng có mất mát. Ăn miếng cơm nhờ chúng ta còn biết hổ thẹn thì làm sao chung đụng với những kẻ chỉ biết ăn chặn miếng cơm đói của người đồng chủng. Có khóc bữa hôm nay chúng ta vẫn còn may mắn hơn ngàn lần bạn bè chúng ta còn khóc hận từng ngày, ở đó. Bởi vậy hãy khóc cho nguôi đi em rồi lau khô nước mắt. Giọt lệ ly hương dẫu sao vẫn là giọt lệ chung tình. Chúng ta khóc nhớ vì chúng ta thương tiếc lắm. Chớ em thấy đó, còn rất nhiều kẻ sống ngay tại chính quê hương mình mà vẫn đành lòng ghét bỏ quê hương.

Xin cho tôi được khóc cùng em những giọt nước mắt nghịch thường này.


Cao Vị Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020