SỐ 85 - Xuân CANH TÝ - THÁNG 1 NĂM 2020

TƯƠNG TƯ THẢO

Lần đầu tiên nghe cái tên lãng mạn tương tư thảo khiến tôi tưởng tượng đến hình ảnh “Em gầy như liễu rủ trong thơ cổ” của một nhà thơ nổi tiếng diễn tả về người tình của mình, nhưng khi quen “chàng” tức là ông xã bây giờ tôi mới biết là không phải. Năm ấy chiến trường sôi động với mùa hè đỏ lửa trong khi bàn hội nghị bốn bên đang “ì xèo” chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định Paris. Đáp ứng với tình hình mới, các hoạt động quản trị hành chánh dân sự ở địa phương trên toàn quốc đều phải đặt song song với quân sự. Mỗi quận ở đô thành giờ do quân đội điều hành mang tên gọi đặc khu, vị chỉ huy đứng đầu là Trung Tá Đặc Khu Trưởng, bên cạnh đó Bộ chỉ huy lực lượng Nhân dân Tự vệ cũng được thành lập thuộc quyền đặc khu điều động. Vô tình bên cạnh các công việc bình thường như quản lý dân số, chứng nhận khai sinh, khai tử, di chuyển nhân sự trong tờ khai gia đình, các nhân viên lại kiêm nhiệm thêm phần nhận công văn, công điện, quản lý và báo cáo bằng văn bản tên tuổi tổng số thanh niên hợp lệ tình trạng quân dịch gồm những người được miễn hoãn gia nhập quân đội vì lý do học vấn, sức khỏe, đang là thanh niên duy nhất trong gia đình có anh đang tại ngũ và cha mẹ già trên sáu mươi tuổi cư ngụ tại địa phương. Hàng dọc thuộc đặc khu, hàng ngang lại thuộc bên Tổng ủy dân vận bổ nhiệm. Kèm theo là việc phải hợp tác riêng rẽ với viên cảnh sát đặc biệt của bên ngành Cảnh sát quốc gia, giúp đánh máy báo cáo “mật” về những cựu can cứu chính trị phía bên cộng sản được tha về ngụ tại địa phương mà người này có bổn phận theo dõi. Mỗi tháng phải báo cáo định kỳ việc quản lý số lượng vũ khí gồm các loại súng đạn cấp phát cho lực lượng xung kích Nhân Dân Tự Vệ cho sĩ quan đặc khu thanh tra kiểm soát.

Bởi vì có dính líu đến quân đội nên đương nhiên văn phòng tôi đang ngồi bỗng trở nên “dương thịnh âm suy” so với quân số hiện diện. Ra vào hầu hết là phái mạnh, chỉ có hai “mống” là liễu yếu đào tơ. Tôi còn là con gái “hơ hớ”, chị kia lại lớn hơn tôi vài tuổi nhưng ham vui sớm nên đã có gia đình chồng con xem như đã yên phận. Giữa hai người đương nhiên tôi được chiều chuộng hơn, chị thường ra vẻ người lớn bảo vệ tôi bằng kinh nghiệm của mình : 

– Gớm, cái đám con trai ra vào cứ xà vào bàn của em ngồi phì phèo thả khói um trời mà mày chịu được à. Nhiều tên nói chuyện với ẩn ý của nghĩa bóng mà ngươi lại cười ta thấy rõ là ngây thơ quá.

Tôi cười khổ sở :

– Không lẽ họ đến ngồi chơi tán gẫu em lại đuổi họ đi.
– Ta nói cho mà nghe nhá, ngày nào cũng vờn chung quanh nhà ngươi toàn khói thuốc, về nhà tóc mi sẽ ám mùi thuốc lá dễ sợ lắm ! Y học đã nghiên cứu thuốc lá là mầm mống của ung thư phổi đấy nhỏ.
– Thì về nhà gội đầu, xịt nước hoa là xong, nhưng ngày mai lại vẫn như cũ em biết chạy đi đâu bây giờ ?

Hiện tại tôi vẫn chưa “thấy dễ sợ” khói thuốc như chị nói vì từ nhỏ đến giờ đâu có dịp tiếp xúc với thuốc lá. Ba tôi không hề hút thuốc mặc dù hồi tôi còn nhỏ xíu trong một lần đấu cờ tướng giao hữu ông đã đoạt giải nhất cờ tướng của hãng thuốc lá Bastos. Tôi còn nhớ ông mang về cái cúp thủy tinh có khắc tên hãng thuốc sau này má tôi dùng cắm hoa chưng trên bàn trong mấy ngày Tết cạnh cái gạt tàn thuốc chế tạo theo hình tượng hãng thuốc là con chuồn trong lá bài. Vô số là tập vở học sinh ba dành để cho chị em tôi đi học và dĩ nhiên không thiếu phần thưởng quan trọng là mấy chục cây thuốc lá. Đã nói là ba tôi không hút thuốc nên ông mang biếu hết cho các bạn đồng sở.
Người xưa có câu : “Cha làm thầy, con đốt sách”. Ba tôi không hút thuốc nhưng lại dính ngay anh con rể đầu tiên là chồng tôi một tín đồ thuốc lá. Khi mới quen nhau anh đang ở đơn vị xa, những ngày về phép hai đứa gặp nhau đi chơi chắc anh đã cố gắng hạn chế ý thích không động đến việc thả khói để thể hiện cử chỉ lịch sự “galant” khi nghe tôi nũng nịu than :

– Anh biết không, em làm việc chung với cánh đàn ông, người nào cũng hút thuốc nên tóc em cứ bị ám khói.

Chị bạn làm chung đe dọa lúc tôi nhờ chị “gồng” việc trong những lần tôi trốn về sớm để đi ciné khi anh có mặt ở Saigon :

– Này chị bảo đảm hai đứa vào rạp nếu em để “chàng” hôn tóc hắn sẽ tưởng em là điếu thuốc vì nó toàn mùi thuốc lá.

Tôi quay mặt đi chạy vù ra ngoài không trả lời cười thầm khi nghĩ : “Anh ấy đâu có thèm hôn tóc của em đâu!”.

Đầu giai đoạn “một thời để yêu và một thời để nhớ” của cả hai, bỗng tôi tình cờ đọc được trong tạp chí văn một bài thơ rất dễ thương nên hỏi anh :

– Tương tư thảo nghĩa đen là cỏ tương tư, nếu trên đời có loại cỏ này anh có thích khi em mang tặng anh một nhúm như trong lời bài thơ này không ?

Ngày ấy anh là dân Toán học nên chúa ghét văn chương thơ thẩn, điều này mãi về sau tôi mới biết. Có lẽ để chiều chuộng người yêu lúc đó anh vui vẻ hớn hở nghe tôi thì thầm bên tai :

Nàng trao tôi nhúm tương tư thảo,
  Và dặn những chiều xuống nhớ nhung.
  Đốt cỏ tương tư bằng lửa ảo,
  Hồn bay theo khói đẹp vô cùng…”

Câu hỏi thật “khờ và ngốc” đến khi yêu nhau đậm sâu tôi mới hiểu. Bất cứ người con trai nào đang hẹn hò với người yêu thường hay có tâm tư, cử chỉ giống nhau trong lúc chờ đợi :

“…Hẹn chiều nao sao không thấy em,
  Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.
  Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
  Tôi nói khẽ: ‘Gớm sao mà nhớ thế’.”

Nhà thơ Hồ Dzếnh là một anh lai Trung hoa nhưng tâm tư tình cảm không khác mấy người Việt Nam rặc ròi khi viết như thế, những ai đang xa người thân đều có cùng một hành động … “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây.

Con gái vốn lãng mạn yêu văn chương nên tôi mau chóng xí xóa và thích nghi ngay chuyện anh gởi tình theo khói cho tôi. Bởi gặp nhau mỗi lần rút gói thuốc châm một điếu anh hay chỉ cho tôi chữ CAPSTAN trên bao thuốc giảng giải ý nghĩa đây là bằng chứng lúc nào anh cũng nhớ em để cuối cùng tôi chỉ còn nhớ được vỏn vẹn một câu. :

“Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng”.

Những tưởng hệ lụy của thuốc lá chỉ xảy ra giữa anh và tôi ! Vậy mà có hôm một ông đồng nghiệp cùng phòng mang cho tôi một xâu chuỗi trang sức làm bằng ốc biển và nói :

– Của thằng Tài tặng cho cô đó, nó vừa đi Nha trang mua về. Nghe tôi nói cô rất thích biển.

Ngạc nhiên tôi nghĩ thầm trong dạ. Trời ạ ! thật tình tôi đâu có để ý đến em họ của ông. Tôi chỉ gặp một lần khi anh ta đến trình tờ chứng chỉ được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, mặt mày anh ta ra sao tôi còn không nhớ nữa nói chi đến chuyện cảm tình. Chỉ vô tình có vài lần ông mang biếu tôi mấy bánh trái đặc sản địa phương nói là của em ông mang về, vốn thảo ăn tôi đã mang chia hết cho mọi người thưởng thức bởi đâu có ngờ. Thời còn đi học có lần nghe cô giáo giảng về tâm lý của sự ngộ nhận. Cô nêu ví dụ con gái nếu không yêu thì đừng bao giờ nhận quà vì nhận quà tức là một cách gián tiếp chấp nhận tình cảm người ta trao. Lần này tôi từ chối thẳng thừng, lý do tôi thích biển vì người yêu tôi là lính biển chỉ đơn giản vậy thôi.

Thế nhưng sau đó khi em ông khám phá tôi đã có người yêu không biết anh ta than thở thế nào, ông này gặp tôi cứ rên rĩ kể lể về đứa em :

– Thằng Tài bây giờ hút thuốc như ống khói xe lửa, nó bảo gói thuốc CAPSTAN giờ là người yêu của nó vì cô đã “Cho Anh Phát Súng Tim Anh Nát”.

Tôi tức cười trong bụng nhưng ngoài mặt thản nhiên đến độ lạnh lùng và có hơi tàn nhẫn trong ý nghĩ :

“Em của ông ghiền thuốc lá đâu phải là tội lỗi của tôi, tại anh ta yêu đơn phương thì đành chịu vậy thôi.”

oOo

Tháng 4/75 đến “Lâu dần đời mình cũng qua !” Cũng như bao nhiêu người khác tôi chen chúc gửi quà qua bưu điện khi anh được phép liên lạc với gia đình bằng thư, trong gói quà đơn sơ giới hạn vài ký lô, ông anh rể xin chiếc áo ấm, ông xã tôi lại xin bánh thuốc lào. Phải mất ba năm sau khi được phép thăm nuôi gặp mặt, chúng tôi mới biết chiếc áo ấm không cánh mà bay khi đến tay người nhận, bánh thuốc lào “888”của tôi gửi chỉ còn một góc nhỏ, anh kể sở dĩ bảo tôi gửi thuốc lào vì trong tù thuốc lào hút được lâu hơn và dễ dàng trao đổi các thứ cần thiết với nhau. Ví dụ như vài bi thuốc anh có thể đổi được cái bao đựng cát công sự phòng thủ để may cái quần đùi.

Đời sống xã hội bên ngoài cũng khó khăn cùng cực không kém ! Một gói thuốc lá giờ trở thành hàng xa xỉ chỉ được bán theo tiêu chuẩn cung cấp cho cán bộ công nhân viên, may mắn lắm vài tháng được mua hai gói. Cái khó giờ đây không bó được cái khôn, trong túi người ghiền thuốc lúc nào cũng có một gói nhỏ thuốc rê Gò vấp xắt sợi và mấy tờ giấy quyến dành riêng cho tín đồ hút thuốc, “Bốc, lăn, xe, le, liếm” đã trở thành hành vi phổ thông. Vài năm sau văn minh theo thời thế lên được một bậc, người ta chế ra dụng cụ vấn thuốc điếu bằng tay và gói thuốc rê vấn tay ra đời bán rộng rãi tự do cho người hút, đỡ thấy hình ảnh khắp mọi chỗ, mọi nơi người người móc túi ny lon bốc dúm sợi thuốc, lăn lăn xe thành cuộn rồi lè lưỡi liếm trước khi bật lửa phì phèo khói thuốc.

Thời gian bay “vèo” giống như chiếc lá thu phong của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đêm nay ở trên cành cây trước nhà ngày mai thức dậy đã thấy nằm bên sân nhà hàng xóm. Trước khi vợ chồng con cái xách valy bay vèo một cái sang tận bờ bên kia Thái Bình Dương bỏ lại nỗi khổ tận cam lai gần hai chục năm được “may mắn sống trong thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Sau khi có kết quả khám sức khỏe chờ đợi lịch bay, mỗi buổi sáng phụ giúp quán cà phê đứa em bán trước hiên nhà, rảnh việc tôi ngồi nhìn về phía bàn cà phê anh đang tán gẫu với các bạn trong khi tất cả đang chờ đi diện HO. Bây giờ tôi mới khám phá ra, điếu thuốc không lúc nào ngơi trên tay hoặc trên môi anh phì phèo. Cả ngày anh đốt gần một gói, chép miệng tôi cũng đành thôi vì nhiều lần thấy bà chị chồng cấm ông chồng bà hút thuốc, mỗi ngày ông chỉ được vợ phát cho vài điếu, tôi nói với anh,

– Tôi thà rằng khi cả hai sống với nhau bị thiệt mất vài năm tuổi thọ mà sống được thoải mái hạnh phúc, còn hơn nhiều năm bên nhau lại bị gò ép, thèm khát, cấm cản ý thích, sống khổ sở như vậy kéo dài cuộc sống để làm gì ?

Cũng giống như nhiều gia đình khác bắt đầu từ con số không. Ban ngày tôi đi làm hãng, con tôi đi học. Ban đêm anh đi làm nhà hàng, vậy là vợ chồng con cái ít khi gặp nhau. Có lần anh khoe biết một chỗ mua thuốc lá “lậu” rẻ gần một phần ba giá chính thức thế nên anh ôm về mỗi lần vài cây để dành hút dần. Nói là thuốc lậu thật ra cũng cùng một loại ; nhưng ở các tỉnh bang bên bờ Đông hay các khu tự trị của người da đỏ phía gần Bắc cực giá thuốc rẻ hơn rất nhiều vì được đánh thuế rất ít hoặc là miễn thuế, bởi mỗi tỉnh bang chính phủ có quyền quy định thuế hàng hóa riêng cho địa phương. Người ta lén chở qua các tỉnh vùng bờ Tây để bán vì ở nơi này thuốc lá bị đánh thuế rất nặng. Việc buôn bán này xem như bất hợp pháp và hay bị cảnh sát xét bắt.

Thật may mắn khoảng một năm sau chồng tôi xin được công việc tại một hãng làm giờ giấc ban ngày. Buổi sáng anh đi sớm, chiều về trước tôi nên đa phần anh lái xe đến đón tôi về chung.

Một hôm chị bạn làm cùng chỗ nhưng nhà ở thành phố khác nhờ chúng tôi cho quá giang một đoạn ra Skytrain. Ngày hôm sau trong giờ cơm ngồi chung bàn chị ngần ngại nói riêng với tôi :

– Tôi xin lỗi chị đừng buồn, xe của chị hôi thuốc lá quá.

Tôi ngỡ ngàng không đáp lại. Nhiều lần anh kể những sinh hoạt khi làm việc nên tôi biết, thời gian nghỉ giữa giờ hai lần sáng và chiều cũng như sau giờ ăn trưa anh đều ra xe ngồi hút thuốc. Sống cạnh nhau gần hai mươi lăm năm tôi đâu nghe mùi hôi khói thuốc lá của anh nói gì đến không khí trong xe. Có thể khứu giác tôi đã bảo hòa sau nhiều năm cận kề khói thuốc. Dần dần sau này tôi biết được ở xứ lạnh cấm kỵ hút thuốc trong nhà, nhiều nơi chủ nhà thường đặt điều kiện chọn người thuê nhà không có hút thuốc và nuôi súc vật.

Ai cũng biết văn hóa ở nước ngoài không cổ xúy việc hút thuốc lá nên bảng cấm hút thuốc được đặt nhiều nơi ngoài công cộng. Các tín đồ thuốc lá giờ bị công khai “kỳ thị” mà không dám lên tiếng. Vì không những người hút thuốc bị ung thư mà những người ở cạnh chung quanh hít phải khói lại bị ảnh hưởng nặng hơn.

Mùa hè năm thứ tư sống ở xứ người, tỉnh bang chúng tôi ở khí hậu ấm áp nhất nước, mùa đông không lạnh lắm, tuyết rơi nhưng chỉ một, hai tuần là có trận mưa xuống nên tan ngay. Mùa hè cũng rất nóng, ngôi nhà chúng tôi thuê ở basement tầng dưới có cửa sổ nhìn ra khu đất trống đầy cỏ bên hông nhà. Buổi chiều gió thổi hiu hiu mát, tôi mở cửa sổ thò đầu ra thấy khoan khoái dễ chịu nên xui ông chồng làm theo. Mấy hôm sau nhà tôi bắt đầu ho rũ rượi, tôi đổ thừa chắc tại hút thuốc nhiều, ông cãi :

– Hút gần ba chục năm đâu thấy ho hen gì, chắc không phải do hút thuốc. Có lẽ bị cảm ho.

Sang tuần lễ thứ hai càng ngày ho càng dữ dội, ngay cả ban đêm khi ngủ. Đi bác sĩ gia đình phán bị cảm cho các loại thuốc cảm. Một tuần lễ vẫn không thấy bớt, trở lại Bác sĩ gia đình phán tiếp có lẽ cảm nặng bị virus phải cho trụ sinh vào. Vậy là sau khi uống thêm trụ sinh ông chồng tôi ho thiếu điều tắc thở, đứt hơi. Khò khè dữ dội. Gần một tháng hai vợ chồng không đêm nào yên, tôi cũng bị mất ngủ theo từng cơn ho của anh khi thấy anh ngồi hổn hển thở sau mỗi cơn ho kéo dài. Chịu đựng không nổi chúng tôi đổi sang vị bác sĩ gốc Tầu nhưng mang tên có hơi hướm Việt Nam. Khám xong ông này lại phán :

– “Ông bị dị ứng nặng chuyển sang hen suyễn, bệnh này mà uống thuốc cảm không ăn thua gì đâu, lại tống thêm trụ sinh vào, đến giờ còn thở được là may mắn vì bệnh này kỵ dùng thuốc trụ sinh.”

Thế rồi ông cho thuốc trị dị ứng cộng thêm hai ống thuốc xịt mũi, miệng khi bị ho, đêm đó anh bớt ho hẳn, theo cách trị liệu mới vài ngày thấy có hiệu quả ngay tức thì. Khi hết bệnh tôi không thấy anh hút thuốc nữa, hỏi anh sao không hút anh nói :

– Bệnh làm thở ra không nổi lấy sức đâu cầm điếu thuốc hít vô ?.

Ngày ấy chưa có internet nên không hiểu nhiều về chuyện bị dị ứng. Chỉ nghe mọi người nói có nhiều loại dị ứng, nào là phấn hoa, cỏ cây, lông súc vật, thảm lót nhà và nhiều loại thực phẩm v…v… Bệnh nặng có thể gây chết người.

Qua mùa dị ứng vẫn không thấy ông chồng tôi cầm lại điếu thuốc, hỏi tiếp thì ông trả lời :

– Tự nhiên thấy không thèm hút thuốc nữa, bỏ luôn càng tốt.

Trong tủ còn gần hai cây thuốc lá ông nói với tôi bây giờ làm gì với nó, bán lại thì ai thèm mua. Tôi bảo :

– Thì anh xem quen ai có hút thuốc tặng cho người ta.

Ông ngần ngại nói :

– Mình sợ bệnh đã bỏ thuốc lá giờ cổ xúy người ta hút nhiều bằng cách tặng cho không thấy hơi kỳ kỳ sao đó !
– Anh không cho người ta cũng phải bỏ tiền mua, trong chuyện này anh cũng đâu có tội lỗi gì.
– Ừ em nói nghe cũng phải. Từ ngày mới sang đây anh cũng nghe thằng Hậu kể nó đã cai thuốc lá mấy lần cũng không xong dù đã làm hết cách, ngậm kẹo, dán thuốc dán, uống thuốc cai nghiện theo cách bác sĩ chỉ dẫn cũng không ăn thua. Có một lần không hút được gần một tháng tưởng đâu đã bỏ được dè đâu hút lại còn nhiều hơn. Tại nó thấy người ta hút cảm giác thèm nổi dậy thế là trở lại từ đầu.

Nghe thế tôi phỏng vấn ngay :

– Vậy thì anh có cảm giác thèm khi thấy mọi người chung quanh anh hút không ? Anh nghe mùi khói thuốc cảm thấy ra sao ?
– Bình thường thôi, không có chút xíu quan tâm hay cảm giác thích thú nữa.

Tuy trong bụng rất vui nhưng tôi giả vờ luyến tiếc ca bài ca con cá sống vì nước :

– Vậy là anh quyết định từ giã không thèm “nâng niu” tương tư thảo nữa, bỏ luôn không chút luyến lưu.

oOo

Thế là nhờ cơn bệnh dị ứng bất đắc dĩ khiến nhà tôi dễ dàng, tự nhiên thoải mái chấm dứt việc hút thuốc lá đã hơn hai mươi lăm năm. Chuyện đơn giản nhưng có lẽ không nhiều người làm được. Sống bên cạnh anh không còn ngày ngày vương khói thuốc tôi trở nên nhạy cảm với nó. Khứu giác trở nên sắc bén hơn xưa. Đứng bên cạnh hay đi phía sau người đang hút thuốc tôi thấy khó chịu khi ngửi được làn khói đang ẻo lả bay trong không gian, đành phải nín thở đi qua nhanh hay lùi lại thật xa. Bây giờ tôi mới hiểu cảm giác của người bạn khi xưa nói với tôi khi chị một lần xin quá giang xe. May mắn thay ngày ấy xa rồi chỉ còn là quá khứ.

Cỏ Biển
Tháng giêng 2020

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020