SỐ 86 - THÁNG 4 NĂM 2020

 

KÍNH DÂNG BA MÁ


Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Chúa nhựt ngày nghỉ lao động, cùng thằng bạn tù một thời là Đại đội trưởng ngồi quán cóc bên bờ kinh, ly cà phê đen đắng, điếu thuốc vấn khét mùi lá khô, kể chuyện “Hổ nhớ rừng”

...Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?...

Thả mắt nhìn dòng kinh, bờ đất, chợt thót người dừng mắt lại: Ba tôi những bước chao đão trên bờ đê gập ghềnh hai tay bận túi xách, mắt nhìn quanh, tim đổi nhịp. Ba tôi, Người đã lặn lội mang cho tôi thức ăn, thơ của vợ và tờ giấy bảo lãnh của một tên thắng cuộc nào đó. Hân hoan đón nhận thực phẩm và thơ, nhưng con xin lỗi Ba: từ chối tờ bảo lãnh (chắc Ba tôi phải mua nó) và nói gia đình mình đâu có thân nhân Việt cộng. Ba tôi im lặng cầm lại tờ bảo lãnh, ông có điều gì muốn tỏ nhưng lại thôi. Ký ức trở về trong tôi, có lần ông đã nói ông là con của địền chủ. Thuở thanh niên Ba tôi đã đứng lên đáp lời sông núi gia nhập Thanh niên Tiền phong chống Pháp. Sau một thời gian nhận ra những tiểu nhân, gian xảo của Việt minh đối xử với những nhóm kháng chiến bạn để giành độc tôn, ông ngao ngán bỏ bưng về thành (bỏ vùng kháng chiến về thành phố).

Ba ơi con kính lời xin lỗi vì con mang trong người dòng máu của Ba.

Sau khi Ba tôi rời quán, bọn du kíck đã ập đến khám xét. Không tìm được thơ, họ hạch hỏi tôi vẫn chối (tôi lanh tay nhét thơ vào kẽ bàn) nhưng không may một anh du kích ngồi xổm nhìn lên thấy được lá thơ. Thật tình tôi không nhớ lúc bấy giờ phản ứng ra sao (nhưng chắc là không hèn lắm, hình như tôi giữ im lặng). Nhờ thằng bạn tù nhắn vợ nó đi ngay về nhà báo cho Ba tôi biết lá thơ đã bị tịch thu để chuẩn bị tinh thần. Bây giờ mỗi khi nhớ đến tôi hối hận vô vàn, đã mang thêm lo âu đến gia đình. Riêng tôi bọn quản giáo buộc tôi viết lá thơ hồi âm cho vợ trình họ kiểm duyệt và họ sẽ gởi đi... Mọi viêc đi vào lãng quên. Tôi chỉ biết sau đó gia đình vẫn sinh hoạt bình thường.

Biển mặn Kiên Giang, nước ngọt Long Hồ, bước trên dèm pha dị biệt, vượt khỏi những tầm thường, định hướng tương lai mới. Sài Gòn vùng đất hứa cơ hội tiến thân. Thiên định kết hợp.

Túi hành trang “Tuổi trẻ và con tim” với vỏn vẹn “chân đất tay trần” bằng nhiệt huyết và bằng hữu. Vấp ngã, đứng lên một đền bù sau bao năm miệt mài.

Hơn 50 năm chàng trai Biển mặn nhuốm chút Tây học vẫn là sao Bắc Đẩu trong tim Má, Má vẫn mãi mãi hoa khôi nước ngọt trong vòng tay Ba.


Angkor Wat 1956

Má chỉ có ơn đền, không oán trả, Má thả oán trách theo dòng Hậu giang ra biển. Để Ba làm tròn chữ hiếu với Mẹ già và cưu mang đám cháu mồ côi những ngày Quê hương chao đảo, dân bỏ ruộng ra thành. Má về Long Hồ trùng tu ngôi nhà thờ phượng, giúp em một cha khác mẹ học lấy nghề. Để trả lời cho những người một thời quay lưng với Má. Người bạn đã mở rộng vòng tay những cơ hàn. Má đem về săn sóc những ngày cô đơn cuối đời với bịnh ung thư phổi.

Ba vẫn mơ một ngày “Vẽ chân mày cho Triệu Minh”

Hậu giang mang phù sa bồi đắp miền Tây với những cánh đồng ngút ngàn xanh mướt, nặng chĩu bông lúa vàng nuôi cả quê hương. Ba Má là phù sa nuôi tôi lớn khôn.

Ngày miền Nam thất thủ gia đình tôi mất mát, cơ sở Má bị đóng cửa, ngưng hành nghề, tịch thu căn biệt thự tôi đứng tên, phong toả trương mục ngân hàng...

Má tôi rưng nước mắt nhìn tài sản ra đi, để đổi lấy bình yên, còn được căn nhà và hai đứa cháu nội trân quý trong vòng tay Bà, thằng con duy nhứt giao cho “cách mạng nhuộm đỏ” nhưng vẩn còn đâu đó trên quê hương...

Ngày tôi dẫn vợ và hai đứa cháu chính tay Bà đem ra khỏi bụng mẹ nó và nuôi dưỡng, Bà thêm một lần rưng nước mắt. Không còn lựa chọn, không muốn nhìn tôi cứ đôi ngày phải trình diện và vì tương lai hai đứa cháu, Bà đành chấp nhận.

Cám ơn Trời gia đình tôi bình an vượt thoát cơn bão biển, nhưng mãi hơn 3 tháng gia đình mới nhận tin. Sau 2 tháng Má tôi không còn kiên nhẫn Bà đã quyên sinh, Bà trong hôn mê và thở bằng dưỡng khí, một linh thiêng giúp Má hồi sinh. Đón tin vui con cháu đã đến bến bờ Tự Do. Con đang rưng nước mắt nghĩ đến những ngày Má hôn mê, con chỉ cuối đầu nhận tình thương của Ba Má mà chưa bao giờ đền đáp (dù Ba Má không mong đợi)

Tôi bảo lãnh nhưng Má chối từ. Má không muốn chút cuối cơ nghiệp Ba Má đã khổ công trao tay cho những người bị che mắt bịt tai, bị xâm vào đầu “giải phóng miền Nam nghèo đói” lùa vào địa đạo, đường mòn. Trước một miền Nam thịnh vượng, đỉnh cao thanh trừng tranh chia quyền lực, tóm thu tài sản Quốc gia, bán tài nguyên lãnh thổ cho ngoại bang, những con ngưạ thồ ngỡ ngàng một miền Nam giàu sang trân tráo trở mặt vơ vào, vét vội, người còn nhân cách im lặng nhận cuả đút lót.
Mãi hơn 15 năm, Ba mất đi Má vẫn vương vòng tay vạn dặm mong được ôm con vào lòng.


 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020