SỐ 86 - THÁNG 4 NĂM 2020

 

Lời Trần Tình

Cao Vị Khanh

1.
… Lệnh đầu hàng từ Sài Gòn loan ra trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lời báo dữ như tiếng sấm trái mùa làm nổ tung giông bão đang giậm giựt giữa thinh không. Lòng người cũng giống thinh không buổi đó, ngầy ngật cơn nóng sốt thời cuộc, âm ỉ một niềm lo nghĩ không nguôi. Người ta chờ đợi một cái gì đó xảy ra, một cái gì mơ hồ không dám nghĩ tới vậy mà cứ lẩn quẩn trong đầu. Từ vài tháng gần đây, tin tức chiến sự và chính trị mỗi ngày mỗi tồi tệ. Mùa mưa sắp đến. Cộng quân chuẩn bị đánh lớn như mọi năm. Ở Sài Gòn thì năm phe bảy phái rình rập nhau tranh giành quyền hành. Rồi Cao Miên và Lào lần lượt thất thủ. Rồi miền Trung di tản. Cao nguyên bỏ ngỏ. Từ giữa tháng ba, những chiếc bè mỏng manh chở người lánh giặc từ vùng giới tuyến đã bắt đầu tấp vào bờ biển Phan Thiết, Vũng Tàu. Người ta xầm xì bàn tán về một giải pháp liên hiệp, những cắt đất chia ranh, hoặc tệ hơn nữa, một đảo Phú Quốc như trạm tự do cuối cùng cho đám người cùng khổ. Người ta lo lắng, nghi ngại, hy vọng rồi thất vọng, rồi lại tiếp tục lo lắng, nghi ngại… Những người có tiền của, quyền thế thì chộn rộn sửa soạn cho một chuyến đi xa. Còn đa số tiếp tục sống trong nỗi hoang mang, trì trệ. Trường học vẫn còn mở cửa nhưng chỗ ngồi đã thưa trống dần. Sợ chờ đợi kéo lê ngày tháng một cách mệt nhọc.

Cho đến buổi trưa ngày 30, trời đất bỗng như tan tành trong một giây một phút. Lệnh buông súng xắn xả như viên đạn bắn trúng ngay tim. Trong một chốc, cả miền Nam như ngừng thở. Người ta sửng sốt, bàng hoàng, ngây dại như tỉnh như mê. Người ta thử nghe đi nghe lại như cố nghĩ mình nghe lầm, như có một cái gì đó không thật. Mọi người chết điếng nhìn nhau, lẳng lặng, thất thần. Rồi bỗng như một cơn đau kích xúc mãnh liệt ùa tới, mọi người chợt hiểu. Cái không dám nghĩ tới đã tới. Tới thật. Đến lúc đó, nỗi sợ hãi như một cơn gió lạ thổi rút vào người, luồn theo mạch máu làm tê liệt châu thân, căng thẳng đầu óc, cổ khô, miệng đắng, chân tay rời rã. Người ta biết không phải chiêm bao, người ta biết mình đang ở giữa một sự thật, cái sự thật mạnh hơn cả đạn trái phá, nổ tung hết cả ước mơ của một đời người, giựt sập hết mọi niềm tin của bao thế hệ. Người ta cảm thấy chới với, hụt hẫng, ngơ ngác, bối rối … Người ta đổ túa ra đường, chạy vội về nhà, nhốn nháo một cách vô ích như chỉ để có một cái gì đó để làm, như chỉ để lấp đầy cái khoảng trống khủng khiếp vừa hiện ra giữa đời sống, trong lòng người.

Miền Nam chống giặc từ 30 năm không phân thắng bại, vậy mà tự dưng sụp đổ trong vòng 55 ngày. Dân theo quân kéo nhau chạy chết, dẫm đạp lên nhau, trong khi đạn thù xối xả đuổi sau lưng, xác bỏ sình thối bên vệ đường mù bụi hay trôi tấp theo sóng biển vật vờ.

Địa ngục ở một chỗ rất gần và rất thật!

Anh nghĩ gì, hỡi người lính trẻ, khi anh kê súng tự bắn vào đầu, buổi sáng ngày 30 bên chân cầu xa lộ? Có phải cái hình ảnh cuộc tháo chạy thảm hại của cả một chế độ đã làm anh hổ thẹn? Hay cái cao ngạo sừng sững của hồn thiêng sông núi đã không cho anh khuất phục? Cái chết của anh có phải là lời cảnh cáo hay chỉ là lời nhận lỗi của cả một thế hệ bị hy sinh?

Có ai còn nhớ không anh?

Vậy đó mà miền Nam mất.

Vậy đó mà dâu bể tang thương.

Người cộng sản vào thành phố với lời phủ dụ ngon ngọt không-đụng-tới-cây-kim-sợi-chỉ của người dân. Tuy nhiên thực tế khác xa cả trời cả vực. Ai cũng biết sẽ có nhiều thay đổi nhưng không ai ngờ sự thay đổi rốt ráo và tàn tệ tới vậy. Người ta bắt đầu một cuộc tàn phá mới sau 30 năm tàn phá đất nước và con người bằng súng đạn. Cuộc chiến tranh hủy diệt mới, ít ồn ào hơn, cũng không kém phần tàn độc. Bằng những âm mưu thâm hiểm và những tính toán xảo quyệt mà người ta đã tìm cách quân-bình-hóa hai miền nam-bắc, thay vì tìm cách nâng cao đời sống của miền Bắc, người ta lại kéo tụt đời sống của miền Nam xuống cho ngang tận mức kiệt cùng. Bằng cách nào thì cũng không che giấu được cái tâm lý hèn hạ nhỏ nhen vì ghen tức của đám lãnh tụ mất lương tri, sôi sục ý muốn trả thù trước một miền Nam phồn thịnh dù vừa xây dựng vừa phải chống giặc. Song song với những cuộc đổi tiền – một hình thức phá giá đồng bạc – những cuộc cướp giựt tài sản của tư nhân được ngụy danh là cải tạo kinh tế xã hội, gom hết mọi tài lực, vật lực và nhân lực của đất nước vào trong tay một nhóm người vừa ngu dốt vừa cuồng tín, người cộng sản tổ chức một cuộc tráo đổi “vĩ đại’’ và “ngoạn mục”. Hằng ngày, hằng đêm từng đoàn xe vận tải bít bùng, những chuyến xe lửa dài thậm thượt vội vội vàng vàng tháo gỡ máy móc, dụng cụ tân tiến cồng kềnh chở rầm rộ về Bắc, để rồi chở quay ngược vào Nam những đoàn bộ đội ngờ nghệch, những cán bộ xảo quyệt, những đám dân nghèo đói từ hai-mươi-năm-xã-hội-chủ-nghĩa, đổ xô vào những thành phố mới chiếm để tiếp tục cuộc vơ vét, xin xỏ, tráo trở, mua rẻ, hăm dọa… đủ kiểu đủ cách gom góp từ cái chén, đôi đũa, cái đồng hồ, chíếc xe đạp, cái ti-vi… đến căn nhà, dãy phố… Cùng lúc, nhà tù được ngụy danh là trại cải tạo mọc lên như nấm dại, trong thành phố, ngoài đồng hoang, hay tít trên những vùng rừng sâu nước độc. Bằng thông báo chỉ thị mập mờ, nhà cầm quyền mới lừa gạt đưa vào tù hàng trăm ngàn quân nhân công chức của chế độ cũ trong khi hàng giờ hàng phút, từ miệng những chiếc loa treo mắc khắp hang cùng ngõ hẻm ra rả những lời bao dung khoan hồng hòa hợp hòa giải… Sau những cuộc sàng lọc, kẻ nhốt trong Nam, người đày ra Bắc. Từng đoàn tù chất chồng trên những toa tàu chở súc vật chạy băng băng trong đêm tối kinh hoàng, từ Nam ra Bắc, đổ xuống và dẫn giải qua những xóm làng xa lạ và thù nghịch. Hai bên đường, dân chúng được tổ chức, xúi giục chửi rủa ném đá vào những xác người tả tơi thất thểu. Cuộc trừng phạt trả thù không kể ngày tháng, người tù không danh số, không bản án một khi bước vào trong cổng trại tự nhiên biến mất như chìm lẫn vào những rừng cây bạt ngàn, mất hút trong những đồi núi chập chùng, không còn lại chút dấu vết. Thế giới không hay biết – hay không muốn biết đến – dãy quần-đảo-ngục-tù nằm mênh mông ngay trong lòng đất nước như một vết chàm ô nhục. Ở đó người tù bị bỏ đói ngày này sang tháng khác đến độ phải ăn cả côn trùng, củ dại để sống sót, phải lượm mót từng bao cát mục nát để chắp vá che thân, phải lao động khổ sai bằng tay không và chân trần đến kiệt lực. Ở đó, bệnh hoạn không một viên thuốc, cô lập bít kín mọi tin tức bên ngoài, người tù còn phải chịu đựng một cuộc tra khảo tinh thần thường trực bằng những màn tự khai, tự thú, phản tỉnh… Đã không ít người còn có dịp trở ra.

Địa ngục trần gian có ở một nơi rất gần và rất thật.

…………..

2.
Có lẽ để chấm phá cho đủ nét bi-hài của vở-tuồng-giải-phóng, tôi và một số đồng nghiệp cũng bị bắt đi tù-cải-tạo với một tội danh hết sức ngộ nghĩnh : “dạy học trò thi đậu tú tài để đi sĩ quan đánh phá cách mạng (sic)”.

....................

Nhiều đêm, nằm trằn trọc trên tấm tôn lạnh buốt, trong ngôi đình làng được biến thành trại tù, tôi bật cười khan khi nghĩ tới tội danh “khôi hài” đến chết người này. Hóa ra từ mấy năm nay dạy cho học trò lòng nhân ái, nghĩa yêu thương, tình bằng hữu, biết thưởng thức cái đẹp, tôn trọng sự chân thực ... là một cái tội. Tội chi mà tội lạ. Như vậy nếu theo đà lý luận này thì phải sát nhân, căm thù, phản trắc, lật lọng mới là “cách mạng”. Nghĩ mà thương cho mớ chữ nghĩa của cha ông bị bóp méo vo tròn trong thời đại dối trá.

....................

Giữa đêm oan khuất mịt mờ âm khí của trại giam, tôi cứ thao thức, mắt mở trao tráo, lăn lộn với những thắc mắc không lời giải đáp. Tại sao cuộc chiến 30 năm ? Tại sao hòa bình ? Để làm gì đống xương vô định đó ? Chẳng lẽ để đánh đổi sự lệ thuộc này bằng sự lệ thuộc khác, tệ hại hơn cả vạn vạn lần ?

....................

Trong những lúc cùng quẩn nhất, sao tự nhiên tôi nhớ lại cặp mắt thất thần của người thi sĩ vô danh trong cuốn phim Docteur Djivago chiếu ở Sài Gòn mới vài năm trước. Trên chuyến xe lửa chở tù đi lưu đày xuyên Tây-bá-lợi-á vào thời kỳ cộng sản cướp chính quyền ở nước Nga, chen chúc giữa đám tù nhân nằm ngồi la liệt như cá đóng hộp, anh cố nhoi mình chen sát kẽ vách nhìn cho được con trăng cô đơn trắng lạnh, treo ở một góc trời. Cặp mắt mở trừng trừng mà như trống hoác, sâu thăm thẳm. Đôi con ngươi bất động như cố chụp bắt cho được con trăng đang chạy vun vút ngược đường tàu. Chắc anh nghĩ sẽ chẳng còn bao giờ thấy lại vầng trăng lãng mạn đó nữa khi đất nước anh đã lọt vào bàn tay của lũ sát nhân. Sao tôi không quên được cặp mắt đó dù nhiều năm đã qua. Cặp mắt ngơ ngác, buồn rầu, bơ vơ đến tuyệt vọng. Tia nhìn như hai ngọn đèn hiu hắt chiếu rọi qua dặm trường thất lạc, như một thú nhận cho sự bất lực của những giá trị tinh thần trước cơn bạo hành của lịch sử. Cặp mắt như một hoi hóp của lương tri, báo hiệu cho thời đại suy tàn của con người. Sao cặp mắt cứ nhìn tôi chòng chọc ngay trong cơn mê mệt rã rời. Tôi thấy mình hấp hối như con cá mắc cạn, chờ chết. Và dân tộc tôi, dân tộc tôi cũng đang hấp hối chờ chết trong mẻ lưới khổng lồ đó.

Những câu hỏi “tại sao” cứ tiếp tục dằn vật, làm khổ tôi trong cuộc sống tù đày vốn đã không có gì dễ chịu. Những ngày tù kéo dài lê thê nhùng nhằng một cách vô tội vạ. Đúng y theo chủ trương bắt-lầm-hơn-tha-lầm, những người cầm quyền mới không biết phải giải quyết ra sao số phận của chúng tôi sau khi đã bắt nhốt vào đây. Càng lúc tôi càng cảm thấy buồn bực chua chát. Có dịp tiếp xúc với những cán bộ chính trị và quân sự của họ, tôi càng thấy vô lý cuộc bại trận của miền Nam và càng thêm bi quan cho những ngày sắp tới. Mức độ học vấn ấu trỉ, trong khi ý thức chính trị vừa cuồng tín vừa nông cạn của họ sẽ đưa đất nước tới đâu ? Có lúc nghe họ nói chuyện, tôi có cảm tưởng đang đứng trước một đám người máy, lập đi lập lại y nguyên, không sai một dấu phẩy, không sót một dấu chấm những điều đã được cấy nhét vào bộ óc của họ, y như một con két nói líu lo mà không biết mình nói gì. Rồi ra chúng ta sẽ sống (hay chết !) ra sao với những người chủ mới, cầm quyền với mớ kiến thức cạn sớt, lòng hẹp hòi đầy mặc cảm và nhất là đường lối chính trị lỗi thời ? Rõ ràng chúng ta đang sống vào một thời kỳ oái oăm của lịch sử, mới hết tang thương này đã vội sang đoạn trường khác. Những trái ngang đã liên tiếp xô đẩy bao nhiêu thế hệ người Việt vào cảnh chết chóc phân ly và bây giờ gọi là hòa bình, chúng ta vẫn tiếp tục phân ly thù hận. Chúng ta sẽ tiếp tục ly tán như vậy cho tới bao giờ. Cái cảnh một người học trò cũ, trước giấu mặt như một kẻ nằm vùng nay là một cán bộ thành danh, tình cờ đến gặp tôi, đứng trò chuyện bên kia hàng rào kẽm gai một buổi trưa giáp tết có phải là tiêu biểu cho nỗi oan trái đó không ? Đứa học trò mà tôi đã dạy liên tiếp ba năm từ lớp đệ tam đến đệ nhất. Đứa học trò đã cùng tôi tranh luận về những chủ nghĩa chính trị xã hội khi ngồi đón mặt trời mọc ở bãi Đá bàn một buổi sớm cắm trại ngoài hòn Sơn rái. Nó có một cái tên khá đặc biệt mà tư tưởng và hành động đã làm tôi nghi ngờ - không, tôi biết chắc là có liên hệ với phía bên kia. Tại sao tôi giữ kín trong lòng mối bí mật đó ? Tại sao tôi không báo với nhà trường ? Với chính quyền ? Tôi đồng ý với nó ? Chắc chắn là không. Thương nó ? Có thể có. Nhưng ở cương vị một người thầy, tôi có làm công việc điềm chỉ đó được không ? Điều tôi giữ kín có phải không ? Và như vậy tôi sẽ nói thế nào về người em họ, 19 tuổi, chuẩn úy vừa ra trường được 6 tháng, lãnh nguyên một tràng đạn AK  trong đêm hưu chiến tết Mậu Thân, chết không kịp kêu lên một tiếng má ơi, chết mà chưa có được một người yêu để biết thương nhớ. Sự kín miệng của tôi có phải là một phản bội trắng trợn với những người bạn đồng lứa đã lặn lội ngày đêm trong những cánh rừng tranh dài bạt ngàn, những đầm lầy lún sâu tới ngực, cả tuổi thanh xuân nặng trình trịch ba-lô súng đạn, máu mồ hôi và nước mắt, ngày di hành tối nằm tiền đồn, để giữ an ninh cho một thành phố, một ngôi trường được yên lành học tập, một ngôi chợ được yên lành mua bán.

Tôi sẽ nói gì về người vợ trẻ mà cuộc sống lứa đôi chỉ là ngày tháng đợi chờ, về người góa phụ mới hai mươi tuổi ẵm đứa con sơ sinh đi nhận xác chồng, về những người mẹ người cha suốt đêm van vái khi nghe xa tiếng đại bác vọng về, về viên đạn trái pháo bắn ngay vào trường lớp Cai Lậy, về những hầm chôn người tập thể ở Huế, về trái lựu đạn nổ ngay giữa phiên chợ đầu xuân ... và sẽ nói gì với người bạn tù đang oằn oại dưới đòn thù tàn độc trong các trại lán cheo leo. Tôi sẽ trả lời ra sao với người phế binh đang lê lết ăn xin ngoài phố chợ ?

Có lời nào để biện hộ cho cái thái độ im lặng đó ?

Câu hỏi quái ác như cái mỏ nhọn hoắc của loại dị điểu quặp cứng trái tim của tôi, rỉa rói để tìm cho được câu trả lời. Nhưng có câu trả lời nào đâu em ! Ai nói được cho tôi thái độ của người học trò cũ, người cán bộ của tỉnh ủy bây giờ, nếu đổi ngược vai trò, có sẽ giữ kín “bí mật’’ của người thầy cũ dưới thời “công an trị”.

Ai sẽ giải thích giùm tôi về thái độ cầu an, thờ ơ, thụ hưởng của người-dân-hậu-phương suốt cuộc chiến 30 năm, cuộc chiến tranh gọi là toàn diện mà mỗi gốc cây là mìn bẫy, mỗi bãi cỏ che giấu một hầm chông tẩm độc, mỗi lời nói là một âm mưu, mỗi hình ảnh là một dàn dựng thâm hiểm ...

Ai sẽ giải thích giùm tôi những trác táng của đêm Sài Gòn xa hoa, những nhớp nhúa của tối Chợ Lớn trụy lạc, những đồng bạc mua nửa miệng cười gái nhảy bằng cả tháng lương của anh binh nhì gạo sấy lương khô ngày này sang tháng khác ...

Ai sẽ nói giùm tôi về ông tướng hối lộ, ông dân biểu buôn lậu, những ông trí thức ngồi xa-lông bàn chuyện quét dọn xã hội, những tuyệt- thực-tự-thiêu, những bãi-khóa-xuống-đường, những ký-giả-bị-gậy-đi-ăn-mày, những phong-trào-đòi-quyền-sống v.v... và v.v... Ai sẽ chỉ rõ cái trách nhiệm của tôi, của anh, của chị, của chúng ta trong cơn đổ vỡ này ? !

Có ai không ? Hay chỉ là những im lặng đồng lõa, những nín thinh cam phận, những lãng tránh vu vơ, hay chỉ là những đổ thừa tệ bạc, những trốn chạy hèn nhát ... Và tôi, tôi đã đóng vai trò gì trong vở tuồng trường hận đó ? !

Cái trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta đến đâu, làm sao tính toán đo lường được. Chỉ thấy rõ một điều là ngày hôm đó, người học trò đứng bên kia hàng rào, phía kẻ chiến thắng, và tôi bên này, phía bại trận, người thầy đã từ chối làm một-việc-cần-làm . Hằng hà sa số  công-việc-cần-làm khác đã bị bỏ lỡ, bị từ chối, bị trốn tránh ... Và bây giờ cuộc tháo chạy, sự đổ vỡ, cảnh tù đày, nỗi tiếc hận có phải là cái giá của một nền đạo đức mà tôi đã được nuôi dạy, của một tình tự mà tôi đã nghe ru từ thuở nằm nôi. Cái nhân nghĩa mà người bên này đã chọn lựa, đã chiến đấu để bảo vệ cho dù đó là một trong những đầu mối của cuộc thất bại trong cuộc chiến trường kỳ giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai .

Ai sẽ trả lời ? Và trả lời ra sao cho câu hỏi oái oăm đó ?

Những ngày cuối năm, trời bỗng trở lạnh bất thường, lạnh như miền Nam chưa từng có. Tối tối đám tù tụ năm tụ bảy nhúm củi khô mót lượm từ chiều để sưởi ấm. Ngọn lửa rọi chập chờn từng mặt người ủ dột. Ai nấy buồn thắt dạ bởi không ai biết được ngày về. Cái lạnh kỳ cục chui rúc vào xương tủy làm như để nhắc nhở con đường khổ nạn nằm ngay chính trong ta. Sân trại rộng mênh mông, rải rác vài đóm lửa hiu hắt, mập mờ mấy bóng người quấn khăn mền sùm sụp im lìm đi tới đi lui trông không khác gì cảnh âm ty mộ địa. Đó lại là lúc dễ chịu nhất trong ngày của một người tù, bóng tối trở thành người bạn thân thiết, đồng lõa, sẵn sàng che giấu giùm ta mọi điều thầm kín. Ban ngày, ngay cả những lúc cuốc đất đào mương dở rào phá cổng, những cặp mắt cú vọ của bọn vệ binh, quản giáo nhìn ta gườm gườm như đã thù nhau từ muôn kiếp. Mọi cử chỉ, mọi ý nghĩ đều phải thận trọng kềm giữ nếu muốn tránh khỏi bị cùm chân hay nhốt vào thùng sắt biệt giam. Đêm về, chỉ còn ta và bóng tối. Đêm về chỉ có ta và gió và mây và tất cả những gì mà chế độ mới cấm đoán. Và nhất là những câu thơ kêu gào trong đầu khi giấy bút đã bị tước đoạt, tự do đã bị cướp mất. Những ngày đó tôi làm từng câu thơ vụn vặt, rời rạc giữa hai nhát cuốc, giữa mấy gánh đá nặng còng lưng, lẩm nhẩm thầm trong đầu cho khỏi quên, đợi đến đêm về trong bóng tối chập choạng, tìm cách chắp nối gói ghém lại thành bài. Những bài thơ lóng lánh từng giọt mồ hôi và nước mắt nhục nhằn.

Tôi ba mươi tuổ̉i chế́t không mồ
Giữa trái tim nồng nhát chém khô
Đã khóc Khuấ́t Nguyên thời trẻ dại
Mắ́t giờ cay xé chuyện dời đô

Tôi viết điếu khúc cho tôi, cho anh em, cho bạn bè tôi, cho một dân tộc vừa bị bức tử. Tôi viết điếu khúc cho người còn sống hay đã chết. Tôi viết luôn cho người chưa sanh ra, bởi vì đất nước mà tôi để lại cho em sẽ không còn là cái quê hương hiền lành với tình người rạt rào như sóng lúa và đậm đà như sông nước phù sa. Tôi đã khóc không thành nước mắt hay chính là nước mắt đã chảy ngược vào lòng, khô quắt. Vì đúng ra có giọt nước mắt nào đủ mặn cho cuộc tang thương này.

Ôi vết thương sầu tận đáy tim
Năm năm vật vã nỗi đau chìm
Đêm đêm máu gọi trường thiên hận
Dậy lúc tàn trăng lạnh bóng đêm

Cái vết thương không bao giờ lành. Cái vết thương còn mưng mủ nhiều năm về sau nữa.

3.
Sau hơn một năm nhốt lên nhốt xuống và chuyển từ trại tù này sang trại tù khác tôi được thả ra khỏi cái nhà tù nhỏ để đẩy vào cái nhà tù lớn hơn ngoài xã hội, cũng vô cớ như khi bị bắt đi tù.

Kể từ hôm đó, tôi sống lưu vong ngay trên chính đất nước tôi !
..................................................
............................................
.....................................

Không ! Người ta không còn quê hương khi không còn thấy liên hệ gì nữa với mảnh đất vườn rau, công viên phố xá... nhất là với nếp tinh thần đang bị ép uổng theo một thứ chủ nghĩa vừa ngoại lai vừa quái đản. Cuộc sống từ đó bị hạ thấp xuống ngang hàng thú dữ.

Từ đó, bị dồn vào đường cùng, người Việt miền Nam bắt đầu tìm lối bỏ nước ra đi, bằng đường bộ hay bằng đường biển thì cũng chỉ là tuyệt vọng hóa liều, một kiểu đi tìm cái sống trong cái chết. Đi mà không biết chừng nào đi. Đi được rồi không biết chừng nào tới. Nếu tới cũng không biết tới đâu. Chưa kể những bẫy gài, những gạt gẫm, những mìn chôn ở bìa rừng, những đồn bót hiểm hóc, những dãy đá ngầm khôn dò, những mùa chướng không chừng đổi, đám hải tặc chực chờ và sau hết biển cả như một người tình phản trắc. Ở lại để chết dần mòn hay bỏ đi để chết dấp dúi ở một bờ bãi nào đó, người ta chọn cách thứ hai với chút hy vọng mỏng còn hơn sợi chỉ mành treo chuông. Vậy mà người ta vẫn tìm đủ cách để ra đi, bán nhà bán cửa, trốn chui trốn nhủi, nhịn đói nhịn khát để ra đi. Những người Việt mà nếp sống ngàn đời dính liền với ngọn rau tấc đất, với mồ mả ông bà, những người Việt mà đạn bom mấy chục năm không tách rời họ ra được khỏi làng xóm, mà thiên tai bão lụt chỉ làm họ nặng lòng hơn nữa với quê hương, đến cùng cũng dứt bỏ ra đi. Quả nhiên câu chuyện “Hà chính mãnh ư hổ” đâu phải chỉ có trong sách xưa thôi đâu. Đến cuối thế kỷ 20 người ta vẫn không sợ gì hơn sợ chính trị hà khắc. Người dân Việt vốn quen cực khổ như đã ngàn năm cực khổ với quê mẹ nghèo nàn, vẫn bám vào mảnh đất cằn cỗi như gốc tre già bấu rễ trong lòng đất có nghiêng ngã theo gió bão, nhưng vẫn ở đó, dẻo dai, bền bĩ, an nhiên tự tại. Có ai bỏ đi đâu, đời này sang đời khác, dính liền như núm ruột. Vậy mà lần này bỏ đi thiệt, cắt ruột mà đi.

Tôi đã thấy những cơn đau cắt ruột đó. Có thật trong mắt bà mẹ dặn dò gởi gắm đứa con trai 10 tuổi cho người quen dắt trốn. Có thật trong cái siết vai vội vàng của người chồng chia dẫn hai con đi trước để lại hai đứa cho vợ đợi chuyến sau. Có thật trong cái lạy tử biệt cha mẹ già. Có thật trong cái vuốt mắt cho đứa em kiệt sức giữa đường. Có thật trên xác thân trần truồng của em gái bị luân phiên hãm hiếp ở đảo Ko-Kra. Có thật ... Mà đúng ra làm sao tôi thấy hết được hằng hà cơn đau cắt ruột đó ? Hơn 10 năm, bao nhiêu người ra đi, bao nhiêu người tới được một bãi bờ nào đó, còn bao nhiêu người đi mà không tới, hay tới mà không kịp lên bờ vì thuyền lật chìm ngay nơi bãi đến!

Ở đảo Bi-đông, trên một góc đồi ngó cheo leo ra biển cả có một nghĩa trang sơ sài và những nấm mộ không tên. Ở đó ngày đêm gió heo hút thổi, cây cỏ lần lữa vàng,

Ở đó, trại đã đóng cửa, người ta đã bỏ đi hết, những núm đất chắc đã lạn mất, những mộng đời bỏ dỡ, giữa đường

...

Tôi cũng bỏ xứ ra đi năm 80. Thuyền ra bến khoảng 3 giờ sáng. Đêm mịt mù như tấm lòng bỏ lại. Tiếng máy chạy rì rầm không át được tiếng sóng vỗ ngược rập rền. Khi thuyền chui ngang Cầu đúc để ra biển, sao bỗng nhiên tôi nghe tim nhói đau. Có phải không, tôi đang chạy trốn lần nữa cái trách nhiệm của mình. Năm năm ở đó, dò la nghe ngóng, hy vọng rồi thất vọng, tôi chẳng làm được gì ngoài cái việc tự cứu mình. Đất nước của tôi, đất nước của em, chúng ta bỏ lại mặc dầu có ai không tiếc thương. Xứ sở bị kềm kẹp nghẹt thở, bên kia biển là tự do hy vọng. Mọi người bỏ đi là lối thoát cho mình. Nhưng còn đó nguyên vẹn một cơn đau, còn đó đầy ứ những uất nghẹn. Ai sẽ cởi ách giùm ta nếu không phải là ta ! Một vài nhen nhúm phản kháng bị dập tắt trong trứng nước. Rồi thôi, coi như một việc đã rồi, mọi sự đã an bày, mọi người đều yên phận. Gục đầu ở lại hay cúi đầu bỏ đi cũng chỉ là chấp nhận một tình trạng không chấp nhận được. Chắc tại ta bất tài thiếu đức. Hay tại ta không đủ niềm tin. Hay vì cuộc chiến đã kéo dài quá mức, dài hơn cả độ dài của những tấm lòng trung kiên nhất, đến lúc kể cả những cánh tay rắn chắc và dẻo dai nhất cũng đành bỏ mặc buông xuôi ... Nước mất, chúng ta đành làm kẻ thất phu bỏ trốn. Chúng ta lần lượt bỏ đi, kẻ trước người sau, bất kể nguy hiềm kề cận từng bước. Cả thế giới khâm phục nỗi nhục nhằn mà người ra đi đã gánh chịu. Tuy nhiên đi mà em thơ còn thiếu bầu sữa ngọt, đi mà cha mẹ già còn bữa cháo bữa rau, đi mà cả nước vẫn tiếp tục chìm đắm trong cảnh ngu dốt nghèo đói, vẫn tiếp tục sống trong sự đối đãi bất nhân ... thì quả thật có phải là đầu hàng thêm một lần thứ hai nữa ? Sao ngày trước có Việt Câu Tiễn nằm gai để đừng quên nỗi nhục mà nay kẻ sĩ ít người còn chịu nếm mật để nhớ hận xưa. Có phải tại phần số dân ta không ? Hay chính vì tại chúng ta là một dân tộc quá mau quên, lại còn nhẹ dạ !

Tôi cũng vậy, tôi đang bỏ đi xa đây, hởi quê hương khốn khổ !

Bốn ngày sau, thuyền tới đảo Bi-dong. Con thuyền nhỏ và mỏng như chiếc lá khô đổ lên bãi 90 người mất hồn, mệt lã. Chân lảo đảo vì say sóng, đầu còn lao đao giữa mộng và thực, bỗng nhiên tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy lá cờ cũ bay phần phật trên cổng trại giữa một ngày gió lớn. Màu vàng lợt lạt, vải tưa sút sổ như đã treo ở đó từ lâu lắm, chắc đâu từ ngày người tỵ nạn đầu tiên đặt chân lên đảo. Chỉ có ba lằn gạch đỏ là còn đậm nét, cuốn bay ngoằn ngoèo, vùng vằng như thể vẫn còn giận dữ. Cái màu vàng đã phai, mấy lằn gạch đỏ còn đậm sao bỗng làm tôi khóc. Có phải tại tôi nhìn thấy màu vàng xơ xác đó trên màu da của tôi, của những người bạn đồng thuyền đang bỡ ngỡ dắt dìu nhau lê lết lên bãi, của những người đồng cảnh đến trước đang nhốn nháo kéo đến hỏi han tìm kiếm, của hàng trăm ngàn người đồng tình đang lưu lạc lang thang trong các trại tỵ nạn, và của hàng triệu triệu đồng bào tôi còn đang oằn oại ở xứ ngục tù. Có phải tại tôi nhìn thấy mấy lằn đỏ đó như mấy vệt máu tươi trên xác anh xác chị nằm chết la liệt vì miểng đạn pháo dọc Đại lộ kinh hoàng, vì viên đạn bắn sẻ lẻ loi từ một gốc cao su bên đường 13, vì trái mìn bẫy hèn hạ và mù lòa không phân biệt được một quân xa hay một chiếc xe đò chở dân đi chợ sớm. Có phải tại tôi thấy màu đỏ đó giống như màu máu đang chảy mệt nhọc trong huyết quản tôi, cũng giống y như màu máu đã chảy lênh láng trên đất nước tôi suốt ba mươi năm qua một cách vô lý và vô ích. Có phải không chính màu cờ đó mà anh đã tập chào kính ngay từ tuổi mới đến trường, đã theo anh suốt những năm tháng dài đi giữ nước, đã gói ghém thi hài anh buổi đưa anh vào lòng đất, bây giờ đây lá cờ đó đang bay vật vờ trên một đảo hoang ở giữa chừng biển lạ. Sao tôi thấy có một cái gì thảm thiết lắm. Sao tôi thấy chừng như mình quá đỗi bội bạc. Những người đã chết không còn vui hay buồn. Nhưng những kẻ còn sống làm sao vui được


Tôi mang nặng cái tâm tình đó đi định cư ở một vùng đất lạnh. Ở đây có những tháng mùa đông dài như bất tận. Gió đồng không khô khốc thổi tuyết bay mù mịt. Trời xám ngắt làm thèm nhớ một giọt nắng tươi. Mỗi lần ra đường là áo khăn trùm quấn sùm sụp từ đầu đến chân, nhiều năm sau vẫn không quên được cái hơi nóng nồng nàn của trời đất cũ, đêm chiêm bao cứ thấy đi về ngồi quanh bếp lửa quê nhà. Nhưng riết rồi cũng quen, quen cả cái lạnh nứt da bỏng thịt, quen với mùa màng chộn rộn, quen với nếp sống tất bật đến nỗi không có thì giờ để buồn tủi. Ban ngày làm công cho một tiệm buôn của Tàu, tối chạy giao hàng cho tiệm ăn của Ý. Cuộc sống kể ra cũng tạm yên. Số tiền kiếm được nhín nhút cũng đủ cho mấy miệng ăn ở đây và một phần chăm đút cho cha mẹ còn kẹt ở đó. Nghĩ ra cũng đáng công băng sông vượt biển ! Mấy năm đầu qua mau như sợi giây đàn căng cứng, sống chẳng kịp đắn đo. Nhưng rồi càng sống càng thấy mình lệch lạc. Nhiều khuya một mình lái xe về qua mấy con phố vắng hoe, lòng bỗng nhiên chùng xuống như sợi giây đàn lỏng phiếm, có khảy lên cũng chẳng nghe được tiếng nào ra hồn. Chẳng lẽ trầy trật chạy chết thoát sang đây để suốt đời bương chải lo cho mấy cái miệng ăn, còn lời hẹn lớn ngày bỏ ra đi sao chẳng lo được cho trót. Theo đuổi lắm lần rồi cũng chỉ thấy còn lại toàn đắng cay. Những lời thề xưa nghe sao thơn thớt ở đầu môi. Bạn đồng tâm một ngày một vắng vẻ. Có lắm khi giữa buổi chuyện trò chợt lỡ lời nhắc chuyện ngày xưa cũng đủ làm đôi người khó chịu. Mấy năm lận đận gồng mình nuôi thân nuôi con và nuôi chí cả chỉ làm mình thành cô đơn hơn nữa. Dường như đã không ít người quyết tình quên cho đỡ phiền toái. Thật ra nói mà không trách được ai. Cái nợ nước nặng bằng non bằng biển, có một thời hình như ai cũng nhớ cũng mang. Nhưng rồi chuyện quê hương mà có lúc đem rao bán, đổi chác làm sao cho khỏi chán chường. Người thiên hạ cũng giống như chim bị tên sợ ná, đôi lần đem tấm lòng son gởi gắm, việc lớn đã không thành thì chớ, lắm khi lại thấy cảnh xôi thịt tranh giành, thử hỏi làm sao giữ cho bền chí được. Chắc tại căn phần của đất nước ta. Hay như đã nói tại chính chúng ta, chúng ta là một dân tộc quá mau quên. Có phải không, hãy thử nghĩ lại coi. Bỏ quê hương chúng ta bỏ cha bỏ mẹ đã xẻ thịt cho ta chào đời, đã vắt cạn bầu sữa lép cho ta kháu khỉnh, đã còng lưng cho ta đứng thẳng lên làm người, đến ta khôn lớn mẹ cha mòn mỏi mắt mờ chân yếu ta lại bỏ mà đi. Bỏ quê hương chúng ta bỏ trời bỏ đất đã che chở cưu mang, đã cho ta hạt cơm ngon, mùi hương lạ, đã cho ta biết tình đầu ngây ngất, biết nghĩa nặng vợ chồng, đã cho ta bạn bè chung thủy, dạy ta biết buồn vui, nhớ thương, hờn giận ... và còn bao nhiêu thứ khác nữa mà ta sẽ không bao giờ tìm được ở một nơi không phải là quê hương. Vậy mà đến chừng đất nước hoạn nạn, ta lại bỏ xứ mà đi. Đi như vậy đâu phải như người Tàu ở Đài Sơn Phúc Kiến đi tìm miếng ăn manh áo, rồi đến lúc phú quý thì “áo gấm về làng”. Dĩ nhiên không ai chối cãi cái chén cơm ăn từng bữa, nhưng đánh đổi hết núi sông bằng miếng thịt cá, thì kể ra cũng đáng thẹn thùng. Quên lửng món nợ mà ta đã vay là không tròn chữ “tín”. Tay bắt mặt mừng với kẻ thù hôm qua là không tròn chữ “nghĩa”. Làm người không có “tín nghĩa” thì lấy gì mà ngẩng mặt lên đối đãi với đời !

Rõ ràng từ 25 năm trước, chính chúng ta đã lên tiếng kêu gào vang dội bằng những cuộc vượt biên hãi hùng làm cả thế giới rúng động. Cuộc-bỏ-phiếu-bằng-chân như một trả lời dứt khoát ngay mặt lũ tuyên truyền láo khoét, mở toang cánh cửa khóa kín che đậy thực-tế- Việt-Nam cho nhân loại có dịp nhìn thấy mặt thật của cái-gọi-là-lương-tâm-loài-người mà người cộng sản vẫn luôn miệng rêu rao. Nếu chúng ta đã không trực tiếp đánh đuổi được bạo quyền thì ít nữa chúng ta cũng đã gián tiếp làm một việc cần-làm, biểu lộ tối thiểu ý thức phản kháng của một dân tộc tự trọng. Ít nữa cha mẹ ta cũng đỡ phần tủi hổ, bạn bè ta cũng có chỗ gởi lòng và đất nước ta còn có cơ hy vọng. Rõ ràng thế giới đã mở cửa đón chúng ta như những người trốn chạy độc tài. Rõ ràng lòng hào hiệp đó là một vinh danh cho ý thức tự do. Chúng ta đến đệ tam quốc gia như những người tỵ-nạn- chính-trị. Sao không giữ lấy niềm hãnh diện đó dù là một hãnh diện rất tội nghiệp. Bởi vì dẫu sao đó là chút liêm sĩ còn sót lại của một dân tộc có lịch sử và văn hiến lâu đời.

Tại sao lại kéo nhau về khi tình thế vẫn giống y như ngày bỏ ra đi ? Làm như vậy có phải chính tay ta bôi lấm cái hình ảnh đầy cảm tính của người-thuyền-nhân trong lòng thế giới. Chúng ta có đang làm bẽ bàng những ủng hộ trước đây hoặc gây ngộ nhận đáng tiếc rằng mọi sự đã thay đổi tốt đẹp ở đó. Mỗi bước đi về hôm nay là một bước đi xa thêm cái ước vọng mà mỗi người ở bên này hay bên kia đã thắc thẻo trông ngóng từ một phần tư thế kỷ nay.
Trở về như vậy có phải là đầu hàng thêm một lần thứ ba nữa !

Em thấy đó người ta đang lũ lượt kéo nhau về, thản nhiên như mới bỏ đi hôm qua hôm kia. Thản nhiên như không có gì đã xảy ra ở giữa lòng ta hay ở bên kia biển lớn. Làm như những nấm mồ la liệt đã lạn mất dưới ba tấc cỏ, những trại tù đã hết sạch, những hờn oán đã tiêu tan. Làm như xác tàu nằm chơ vơ trên bờ bãi hoang vu là bộ xương cá mục, những trinh tiết rơi rớt trên đảo hoang mọi rợ là cái giá phải chăng, những xác chết trôi dập rã rời trên đầu sóng dữ chỉ có trong ác mộng. Làm như chuyến vượt biên bán sống bán chết là cuộc du ngoạn đồng tình và lý thú. Làm như cái chuyện anh em ta, bạn bè ta bị đày đọa đến bỏ xác trong các trại tập trung sau khi đã buông súng là hợp công lý, cái chuyện nhẫn tâm mua bán xua đuổi hàng triệu người ra biển dữ là thuận đạo trời, cái sách lược chèn ép kềm giữ con dân trong sự tối tăm ngu dốt là hợp lòng người.

Tại sao lại hăm hở kéo nhau về khi mà mọi sự mọi việc mọi chuyện mọi thứ mọi lối mọi cách mọi kiểu mọi điều ... vẫn ù lì trì trệ như nước ao tù hãm đã ù lì trì trệ từ ngàn ngàn năm xưa năm xửa. Thử bình tâm mà xét coi. Từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn rặt một bài bản cũ xì, mốc thếch, lỗi thời mà thiên hạ bốn phương đã đào huyệt chôn bỏ từ đời nào. Cái đau lòng là ngay tại đất mẹ của nó, người ta cũng đã sáng mắt phủi bỏ cái chủ nghĩa tàn hại bất nhân đó như phủi bỏ một loài sâu nhặng ghê tởm thì tại Việt Nam những đầu óc cầm quyền già nua tối ám vẫn khăng khăng cứng đầu cứng cổ nhắm mắt nhắm mũi quơ quào bám riết lấy, cương quyết theo đuôi như chưa bao giờ cương quyết đến vậy. Trong khi cả thế giới đang hào hứng lên đường cho kịp vận hội mới, thì tại Việt Nam họ vẫn bịt mắt bịt tai tiếp tục chằng giữ dòng sinh mệnh của dân tộc, tiếp tục trì kéo dân lành đi cho hết cuộc trầm luân. Những chiêu bài “đổi mới”, “cởi trói” chỉ là những giả vờ làm mà mắt kẻ ngây thơ, còn thật sự thì tiếng nói của lương tâm chỉ có thể cất lên đằng sau những chấn song tù ngục.

Có ai nghĩ rằng về như vậy là mặc nhiên thỏa hiệp với độc tài, là tiếp tay bóp chết cái phôi dân chủ còn trong trứng nước.

Tại sao lại rủ rê kéo nhau về vô tư như một chuyến đi chơi xa. Làm như chốn đó là một nơi nào xa lạ lắm, chẳng có một chút liên hệ ruột rà. Làm như tai điếc mắt mù nên không thấy cái sinh hoạt “ồn ào và náo nhiệt” hiện nay chỉ là mặt nổi của một xã hội tuyệt vọng đến độ buông thả, cái kiểu ăn chơi “chết bỏ” chẳng cần biết đến ngày mai. Bên cạnh đó, đại đa số thì nghèo đến độ cũng thành ra buông thả, chạy ăn từng bữa nên cũng chẳng còn biết đến ngày mai. Bởi vì có một ngày mai nào đâu để lo, có một ngày mai nào đâu để chuẩn bị. Người ta sống qua ngày nào hay ngày nấy, không một mảy may hy vọng vào tương lai. Đó có phải là một trong những lý do mà chúng ta phải bỏ đi. Tại sao trước đó không chịu nỗi mà bây giờ trở về lại khứng chịu ? Hay tại cảnh tình lam lũ đó không có ta, chẳng dính dáng gì đến vợ con ta, nên mắt ta bàng quang, lòng ta thanh thản. Vậy chớ còn nỗi nhục của lần trốn chạy ? Nỗi căm hận cuộc bách hại cha ông ? Nỗi đớn đau thắt ngặt của nghèo đói và ngu dốt ? Chẳng lẽ 25 năm đã làm mòn trí nhớ để thấy thù là bạn. Hay thật sự ta chỉ là một đám cùng dân mòn đầu tha phương cầu thực, không ý thức chẳng lý tưởng, đến khi có đồng tiền rủng rỉnh thì tìm về khoe áo gấm, để thỏa mãn cái sở thích “sadique” chỉ khoái lạc khi thấy người chung quanh đau khổ.

Dĩ nhiên ai cũng có cha mẹ già cần về phụng dưỡng, em út cần bảo bọc. Nhưng có cần thiết và hợp tình không đi thưởng lãm vịnh Hạ Long, lăng tẩm Huế, phố xá Sài Gòn ... nhởn nhơ phè phỡn như một đoàn du lịch dư ăn dư mặc, khi hai bên đường sông núi vẫn xác xơ, cây cỏ còn buồn rầu và lòng người nặng nề uất hận. Anh hay chị có gặp không, dài theo tam cấp mấy ngôi đền, lấp ló sau mấy hàng cột, từng bầy trẻ nhỏ lang thang chờ đợi mấy đồng bạc bố thí của anh chị, mà lẽ ra giờ đó phải ngồi trong lớp học. Có một cái gì không ổn, có một cái gì trục trặc, phải không ? Anh hay chị có lần nào ăn uống linh đình trong một nhà hàng sang trọng mà trước cửa hàng chục đứa bé lem luốc đang chực chờ vét hột cơm thừa húp tô canh cặn của anh chị không ? Có một cái gì quá bất nhẫn, phải không ? Có khi nào anh chị thả dài nhởn nhơ trên bãi biển Vũng Tàu Nha Trang Phan Thiết để nhìn cái hoạt cảnh của những cô gái bán hàng rong và bán luôn cả thân xác. Có lần nào được nghe kể lại về những trò chơi của đám du khách Việt kiều trong các căn phòng khách sạn dành cho người nước ngoài chưa ? Những đồng đô-la được thảy ra để trả giá từng bộ phận trên tấm thân phụ nữ trần truồng giữa tiếng cười sặc sụa hơi rượu thịt. Ngay cả với một cô điếm thập thành, cái trò mua bán đó đã là một cái gì quá ư tàn nhẫn. Biết đâu cô gái đó đã không là nạn nhân của một chế độ mà chính chúng ta nhờ nhanh chân hơn, nhờ may mắn hơn đã chạy thoát. Đùa giỡn như vậy có phải là đùa giỡn trên chính sự tan nát của lòng ta không ? Dòm quanh coi có những lối rẽ nào cho những cuộc đời khốn khổ đó ? Vẫn những mặt người thờ thẫn, những cặp mắt u ám, những lưng còng tóc rối, những chân tay khẳng khiu, những xác thân gầy đét, những cuộc đời buồn hiu ... Xứ nào cũng có người nghèo đói, nhưng tại sao người nghèo đói ở xứ mình không có một chút may mắn nào để thoát ra. Dòm quanh coi những trường học, nhà thương, đường xá, cầu cống ... đã có gì là dấu hiệu của một sự phát triển đúng đắn có kế hoạch cho một tương lai lâu dài chưa ? Hay chỉ là những vá víu tạm thời, chụp giựt, những chương trình sớm thay chiều đổi hoặc là những bày biện vẽ vời cốt để trám cho đầy bảng thống kê, nhất là để trám cho đầy cái túi tham không đáy của bọn người man trá. Ngó suốt từ nam ra bắc có tìm ra được một dấu hiệu nào cho lòng thành khẩn, ân cần của kẻ cầm quyền lo cho con dân như những thời thịnh trị.

Như vậy tại sao lại rầm rộ kéo về ?

Có phải tại chúng ta là một dân tộc quá nhẹ dạ. Mới nghe giở cái giọng o bế đòi nối liền “khúc ruột ngoài ngàn dặm” là đã mũi lòng, mà không chịu nhớ đến hằng chục triệu “ruột thịt” khác vẫn còn đang tiếp tục bị chèn ép thắt buộc đến mức oằn oại ở trong nước. Tại sao họ không lo nối cho liền lạc những khúc đời tơi tả đó, mà lại phải tốn công vòng vo đi níu kéo những kẻ đã bỏ trốn, đã bị giáng cho cái tội phản quốc tày trời, đôi khi năm lần bảy lượt mới vượt thoát sau khi đã bị cướp hết từ vòng vàng đến nhà cửa, nhất là nhân phẩm của một con người. Hay là tại vì những kẻ đó đã “hết” phản quốc vì trong túi đã có chút đỉnh đô la sau nhiều năm cày cục ở xứ người. Và vì vậy, một sớm một chiều trở thành khúc “ruột tượng” của chế độ. Người ta nhân danh hai chữ dân tộc không ngượng miệng, kêu gào đến thảm thiết đám con dân đã bỏ trốn ở nước ngoài, vốn dĩ đã bị chèn ép xua đuổi không chút xót thương trở về để tiếp tế, hợp tác, xây dựng lại đất nước sau khi đã thẳng tay tàn phá và vẫn đang thẳng tay vơ vét, hưởng thụ trên đầu trên cổ của đám dân đen còn kẹt lại, những tài nguyên nhân vật lực đang có sẵn. Nghĩ ra thấy trân tráo, vô luân một cách thảm hại.Vậy mà vẫn có những chuyến trở về !!!
Vâng, vẫn có những chuyến trở về.

Người ta vẫn ngang nhiên đi về qua lại vui chơi, mua bán, làm ăn chẳng một chút bận lòng. Vẫn tiếp tục qua lại cửa quan với tờ giấy năm, mười đô-la kẹp giữa sổ thông hành, vẫn tiếp tục coi tờ giấy bạc như tấm danh thiếp “passe-partout”. Và như vậy, mặc nhiên tiếp tục thông đồng với nhà cầm quyền, phát triển và nuôi dưỡng một hệ thống tham nhũng hối lộ chằng chịt, tiếp tục nuôi béo cho những cánh tay bạo lực đang bóp cổ bịt miệng đám người thấp cổ bé miệng, tiếp tục nuôi béo cho những bàn chân bạo lực đang dẫm đạp lên những phận người vô tội – hay chính là thân phận của anh em bạn bè quyến thuộc của chính họ còn kẹt lại.

Điều đáng nói là người ta coi việc làm đó như một chuyện đương nhiên, không thắc mắc, chẳng bận tâm. Một chuyện tầm thường như trăm ngàn chuyện tầm thường nhất. Nhưng mà có thấy không, cái bi đát là đến một lúc cái tầm thường đó nổi tiếng như một đặc-điểm-việt-nam . Chúng ta có thấy ray rứt gì không ?

Hai mươi lăm năm đã qua, qua nhanh như một cơn lốc. Tôi đã già đi nhiều. Những mộng ước cũng theo tóc bạc dần. Chuyện nước non vẫn còn đó, nguyên vẹn. Mười lăm năm trước tôi đã kết thúc một bài thơ bằng cái hình ảnh tuy cay đắng nhưng nghe còn rạo rực :

Ta lơ láo giữa bầy chim múa rối
Làm sao về trổi kịp khúc hoan ca ?

Mới gần đây tôi lại viết, nhưng sao chỉ thấy buồn hiu :

Ôi đất nước có còn vui kịp
Một đời tôi héo úa từng giờ !

Thơ tôi cũng bắt đầu thấm mệt như đời tôi vậy. Hai mươi lăm mất nước. Hai mươi năm lưu lạc rồi còn gì. Chữ hiếu không tròn mà chữ trung cũng không trọn. Nghĩ lại còn thua kẻ thất phu ngậm than rửa hờn cho chủ cũ. Nhớ đến Bá Di Thúc Tề chẳng chịu ăn rau Chu mà thêm thẹn với đời.

Chuyện lớn không làm được, chuyện nhỏ càng thêm vụn vặt. Ngó quanh quất chỉ thấy lệ cũ đã đóng khô, xếp xó trong từng góc bụi nhòa. Sợ mai kia mốt nọ, đám nhỏ lớn lên có khi tự hỏi sao mình ở đây, ở một nơi không phải chỗ mình ? Có ai không để bắt đầu câu chuyện kể : “Ngày xưa, đã lâu lắm, có một lũ người bỏ xứ ra đi rồi ... không kiếm được đường về ...”

... Độ rày, trời sắp sửa vào thu. Ngày bỗng dưng ngắn lại và đêm, đêm thì cứ dài ra như không sáng nữa. Những cơn gió lạnh chiều chiều từ dãy núi xa ở bên kia con sông lớn đã bắt đầu thổi về thành phố mang theo cái mông quạnh của những đồng cỏ bạt ngàn ở mạn bắc, và đồng thời cũng mang đi mất bầy sẻ nhỏ thường làm vui góc phố quạnh hiu. Chỉ còn lại những dây thép đen xấu xí với hàng cột đèn trơ trụi. Công viên trước nhà vắng ngắt, bầy trẻ nhỏ đã rút vào nhà, bỏ trơ lại bãi cát vô hồn, chiếc cầu tuột xiêu vẹo và những dây xích đu im lìm.  Cái không gian vốn dĩ rất lặng lẽ của một góc phố nhỏ với những căn nhà kín cửa quanh năm lại càng lạnh lùng hơn khi gió bấc trở mùa. Khu vườn sau nhà xao xác gió, lá rụng sớm hơn mọi năm. Những chiếc lá úa nằm rải rác trên sân cỏ, buồn hiu như xác giấy hoa của một đêm vui vừa tàn. Trời đất đang sửa soạn cho một cuộc thay đổi lớn, bất tận. Và con người, con người ở đâu trong cuộc tuần hoàn miên man của vũ trụ ?

Sao bỗng nhiên tôi chùn tay, muốn ngừng viết. Có ích lợi gì không những điều tôi đã và sắp viết ra. Sao bỗng nhiên giọng văn của tôi trở nên sầu thẳm quá đỗi. Có phải tại đứa con trai út vừa đi nhập trường ở một thành phố xa, bỏ lại gian nhà đã trống lại còn trống hơn ? Tại nó mang đi mất một phần thân xác và tâm hồn tôi ? Hay tại vì cái khoảng trống lớn giữa đời tôi đã không lấp bớt được chút nào lại còn tiếp tục khơi rộng hơn nữa ? Có phải đó chỉ là sự tiếp tục bình thường của dòng đời miên viễn, chỉ là sự lập lại một lần nữa hàng triệu triệu biệt ly ?

Đưa con đi xa lần này, suốt con đường trở về hơn bảy tiếng đồng hồ lái xe, sao tự nhiên tôi như thấy lại và hiểu rõ ràng hơn lúc nào hết tấm lòng của ba tôi buổi chiều xuân năm mậu thân, khi con đường quốc lộ số 4 bị cắt đứt, ba tôi phải đưa tôi ra bến tàu xin quá giang một đoàn tàu quân đội về Sài-gòn nhập học. Năm đó, nhà cháy, của cải tan hoang, ba tôi 58 tuổi, tóc sương phơ phất, bộ quần áo bà ba trắng quen thuộc sao như rộng hơn thường khi. Ông đứng đó không nói một lời nào, tay xách túi quần áo của tôi, lo lắng bồn chồn, cặp mắt vắng vẻ... Rồi tàu rời bến, mặt sông rộng mênh mông, gió lên và chiều xuống. Ông đứng đó, đằng sau lưng một mặt trời tẻ lạnh, bỗng nhiên tôi thấy ba tôi giống như một pho tượng, im lìm, chịu đựng, nhẫn  nhục như suốt một đời đã nhẫn nhục nuôi lớn bầy con quá đông. Tàu xa dần, pho tượng vẫn im lìm, bất động. Và bỗng dưng, tôi như thấy một giọt nước mắt nào đó đọng mơ hồ trên khóe mắt ba tôi. Giọt nước mắt mà dường như ba tôi đã cố nén tự nãy giờ. Từ lâu lắm. Từ câu nói vói “thôi con đi”. Từ lúc móc đưa cho tôi xấp tiền cuối. Từ lúc nhà cháy. Từ lúc dắt tôi đi thi tú tài. Từ lúc dắt tôi đi thi trung học, tiểu học. Từ lúc ẵm tôi đặt tôi vào nôi ... Ba tôi có nói gì đâu ? Trời đất có nói gì đâu mà dòng đời vẫn sinh sinh diệt diệt !

Vậy tại sao tôi lại dài dòng kể lể ? Để làm gì ? Để em hiểu tôi hơn ? Để làm gì ? Có cần lắm không ?

Tại sao tôi bỗng trở nên sầu thảm thái quá !

Có cần thiết không em ? Người thiếu phụ đoan trang với gia đình gương mẫu, sau ít nhiều lận đận với vận nước nổi trôi, cũng đã vói được tới bờ hạnh phúc, thứ hạnh phúc bình thường, giản dị mà tôi vẫn thường cầu mong cho những người thân yêu của tôi, em có phải biết những điều tôi đã nói, những gì tôi đã sống ? Mà tại sao em phải biết ?

Những dòng chữ này rồi sẽ có một dịp may nào đến với em hay sẽ được xếp lại và cất vào một hộc tủ, bỏ quên như hàng chồng bản thảo đã bị bỏ quên, đâu đó, quến bụi trong những xó xỉnh của đời tôi. Tuy nhiên, lần này, nếu có cái dịp may hãn hữu đó, xin em hãy đọc một cách từ tốn, điềm đạm, từng chữ từng dòng. Hết trang này, rồi trang khác. Hết tờ này lật sang tờ khác. Rồi cũng sẽ đến trang cuối cùng. Cũng giống như những trang giấy của cuộc đời. Giống như tôi, tôi cũng đang lật tiếp, không ngừng tay, những trang giấy của đời mình. Sẽ đến một lúc chỉ còn những trang giấy bỏ không, lỡ dở ...

Nếu có đọc, hãy coi đây như tiếng kêu chót của loài thiên nga tuyệt vọng, một thứ trần tình của thế hệ đang tàn lụi dần, cái thế hệ của những người thầy sinh bất phùng thời. Cái thế hệ dở dang. Cái thế hệ oan trái. Tôi đã được hưởng rất nhiều ân huệ của người đi trước, nhưng không đáp đền lại được gì cho người đến sau như cái lý tưởng mà tôi đã được nuôi dạy. Mấy ngàn năm tình nặng nghĩa sâu của dân tộc đã un đúc tôi nên người, đã ru tôi bằng những vần ca dao trìu mến, đã âu yếm tôi bằng những điệu ầu ơ vỗ về, đã tắm mát tôi bằng dòng suối cổ tích ngọt ngào và đã nuôi tôi khôn lớn bằng bầu sữa mầu mỡ của lịch sử. Tôi đã làm gì được với tất cả cái vốn liếng quí báu đó đâu em. Tôi mơ mộng năm 18 tuổi, tôi rong chơi năm 25, tôi chững chạc năm 30 tuổi. Tất cả cái gia tài truyền thống đó, nét tài hoa ngùn ngụt đó, truyện Kiều với hơn ba ngàn câu thơ thăm thẳm, Chinh Phụ Ngâm là giọt lệ trong veo, Cung Oán đài các ngay trong hận tình uẩn khúc. Còn bao nhiêu câu ca dao tươi mát như rau cỏ ngoài vườn. Còn cuộc chiến cự Bắc phạt Tây, cuộc Nam tiến là thiên trường ca vô tận. Lịch sử máu xương đầy dẫy những nấm mồ vô danh, để cho ngọn tre già còn phơ phất tiếng ru trưa, để cho bụi lúa còn trổ đòng đòng tươm sữa, để bầy trẻ nhỏ ê a tiếng đánh vần, để mái đình còn thơm mùi hương khói. Những nấm mồ vô danh từ thuở Đống Đa, Ngọc Hồi. Những nấm mồ vô danh từ thuở Gia Định, Trấn Tây. Những nấm mồ vô danh ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Giả, An Lộc, Phước Long, Châu Đốc, đường số 9, quốc lộ 13 ... dấp dúi bên bờ cát duyên hải, chen chúc giữa rừng già cao nguyên, vùi dập dưới bùn lầy châu thổ ...

Tôi đã làm gì ? Thế hệ tôi đã làm được gì đâu em ! Chúng tôi đã bỏ dở một cuộc chiến. Chúng tôi đã đầu hàng một kẻ thù. Và như vậy có xứng đáng để phàn nàn hay không ? Cái cơ hội được đóng góp vào cuộc chiến dựng nước và giữ nước của cha ông đã bị bỏ lỡ một cách ngây thơ vô tội vạ, cái hạnh phúc tuyệt vời của tự do đã bị xem thường khi có nó trong tay, thì khi bị tước đoạt, người ta còn có quyền tiếc rẻ hay không ? Hay chỉ nên lặng lẽ cúi đầu và ... câm nín. Mặc kệ những khuya khoắc trở trăn ! Những sớm hôm thắc thỏm!

Tôi có nên viết tiếp hay không ? Có đáng để khươi lại một vết thương đã lành - hay tưởng như đã lành, gọi dậy một phần đời đã ngủ yên - hay tưởng đã ngủ yên, tiếp tục làm khó chịu, mệt mỏi thêm những cuộc đời đã quá sức mệt mỏi. Có đáng bắt mọi người phải nhớ lại, đau khổ, thương xót hoài hoài ngay khi cả chính mình cũng chỉ là một nỗi bất lực thảm hại. Dường như đã quá trễ nãi để nhắc nhở, đã đủ muộn màng để lãng quên ?!

Vậy hãy coi đây như một điều rất đỗi riêng tư, một món nợ mà tôi chưa kịp trả. Món nợ tôi đã vay 25 năm trước mà 25 năm sau vẫn chưa quên, thì câu trả lời của tôi hôm đó quả có vô tình quá hay không –“Thì tôi cũng đã sống như mọi người.”

Tôi đã trả lời giống như khi trả lời với mọi người khác. Điều đó có phật ý em không ? Em đâu còn là cô học trò nhỏ, dịu dàng và tinh quái, để tôi là ông thầy có thể bắt nạt dễ dàng. Em đã là một người lớn, chững chạc, điềm đạm và ân cần. Giọng nói tuy nhẹ nhàng trong trẻo nhưng dường như đã vẩn đục ít nhiều gió bụi của thời gian. Và cặp mắt, tia nhìn sao tôi thấy lao đao những dấu hỏi xốn xang. Cặp mắt đó, dịu dàng nhưng quyết đoán, tra vấn tôi ngay khi em không nói lời nào, sao tôi thấy có một vẻ gì chừng như ái ngại. Có phải bằng trực giác em đã nghe được từ đâu đó nhịp điệu của những bước tàn phai. Tôi có chủ quan quá không ? Sao từ buổi chiều hôm đó, tôi cứ bị ám ảnh hoài về cái tia nhìn có một chút ngơ ngác, một chút phiền muộn, một chút trách móc, một chút hờn giỗi. Như tôi đã không nói thật. Như tôi đã giấu diếm một điều gì. Em có quyền nói chuyện ngang hàng vì em cũng đã có những ưu tư của người lớn. Có thể trong tấm lòng rất nhân ái của em, hình ảnh người thầy già cỗi đồng nghĩa với điêu tàn, cái bất ngờ bao hàm sự mất mát, sự tình cờ có nghĩa rất mong manh và cuộc tái ngộ chỉ là mặt trái của chia ly.

Ôi biết thời gian có chịu ngừng

Tôi đã viết một câu thơ như vậy, sau khi chia tay. Và thêm nữa, một hẹn hò

Rủ nhau mai mốt về quê cũ
Giảng nốt bài thơ bỏ nửa chừng

Có phải chỉ là để tự an ủi mình trước vòng quay ác nghiệt của thời gian. Đâu còn một buổi học nào nữa. Làm sao em mặc lại áo lụa đến trường, tóc bay theo gió sớm và lòng mới nguyên như giấy trắng, đâu còn chiếc bàn học gỗ thô màu xám, viết mực tím và sách vở âu lo. Tôi đâu còn giờ trên bục giảng, với phấn trắng bảng đen, để cùng em mở cánh cửa đời vạn đại, đưa em vào thế giới gấm hoa của Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, của Nguyễn Du, Phan Huy Vịnh ... tìm bắt lại cái nhịp lòng đằm thắm của lớp người đi trước, khơi lại cùng em nguồn suối nhân bản của dân tộc để em và các bạn lớn lên, vững chải như ngàn thu và tươi tắn như tầm xuân mới nụ, chân thành với mình và rộng lượng với người, tạo dựng cái thế quân bình tuyệt diệu của tâm hồn Á Đông trước sức cám dỗ của văn minh Tây Phương. Tôi muốn sửa soạn cho học trò của tôi cái sức mạnh dịu dàng của ngọn tre Việt Nam trước bão táp, để mai sau dù-có-bao-giờ các em vẫn là người Việt Nam trong cái nghĩa thuần túy nhất của nó. Tôi có lý tưởng quá không em ? Tôi có làm được việc đó chưa ?

Công việc bị cắt ngang đột ngột. “Bài thơ bỏ nửa chừng” có phải là niềm tiếc hận khôn nguôi về một lý tưởng bị phản bội, một trách nhiệm không chu toàn, một giấc mơ không trọn vẹn. Cái nhìn của em, nỗi quan hoài của em có phải là đoạn nối dài của bài thơ dang dở đó !

Thôi thì, xin em hãy đọc ở đây như một cố gắng hết lòng của người thầy cũ để trả cho xong một món nợ tinh thần. Một lần rồi thôi. Món nợ mà tôi đã gây ra khi tạo cho các em niềm tín cẩn, lòng kính mến, sự cầu toàn ... trong những giờ giảng dạy trước đây. Nhưng mà tôi, tôi có làm được gì không ? Năm học đã chấm dứt một cách tức tưởi mà không chờ tiếng trống bãi trường.

Tôi chưa nói hết được điều muốn nói. Em chưa học đủ điều cần học. Tôi và em đều có một cái gì đó lỡ dở chưa làm, một cái gì ngang ngửa chưa xong. Chắc vì vậy, mỗi người đều cảm thấy bất an, thấy thiêu thiếu, thấy hụt hẫng ... Có thể cái gì đó mong manh quá nên mỗi người đều như ray rứt khi nghĩ lại. Có thể cuộc đổi đời phũ phàng quá nên mỗi người đều cảm thấy ngỡ ngàng. Giống như cơn mưa bóng mây chưa đủ ướt mặt người đã dứt. Giống như cơn mơ nửa chừng bị đánh thức. Giống như cuốn tiểu thuyết bị xé mất trang sách cuối cùng. Người ta bỡ ngỡ, bực tức hay tiếc nuối. Cái chờ đã không đến. Sự mong mỏi không được đền đáp. Người ta thấy xốn xang như đánh mất một cái gì quí giá lắm. Người ta cảm thấy chới với như bước lỡ vào khoảng trống bất ngờ. Người ta cảm thấy bối rối như bỏ quên một cái gì thân thiết lắm mà lại quá đỗi mơ hồ.

Tuy vậy cứ an tâm đi em. Cuộc đời tự nó rất giản dị. “Trời sẽ tối tiếc thương rồi sẽ hết. Và dấu giày mai sẽ lá sương che” Từ nhiều năm trước tôi vẫn thích câu thơ của Nguyễn Đình Toàn. Em thấy đó, có gì rắc rối đâu, cái cõi quạnh hiu này. Ngày đến rồi ngày đi, đêm tới. Và bóng tối sẽ trùm lên tất cả. Những dấu yêu, những ghét bỏ. Những đợi chờ cũng như những lỗi hẹn. Những khuôn mặt thân quen, những bóng hình xa lạ. Mặt đất này vẫn là nơi để người ta đến rồi đi. Cuộc đời này vẫn là chốn để người ta tụ hợp rồi ly tán. Tất cả sẽ mòn phai dần dần như dấu giày đã qua đây một ngày nào, sương sẽ cuốn đi từng lớp mỏng và lá sẽ lấp lên từng chiếc một. Con đường trước mặt cũng chỉ là một dãy mây trôi, ngã rẽ là những khúc quanh vô định, lời hứa hẹn chỉ là cơn gió thoảng và ước mơ cũng chỉ là những an ủi ngậm ngùi. Tất cả sẽ biến mất kể cả sắt son tưởng là thắm thiết, kể cả đá vàng đã tưởng là bền chặt.
Trời sẽ tối ! Có thời gian nào không trôi đâu em. Có dấu vết nào còn mãi đâu em. Những tiếc thương, đọng lại như vệt sương trên ngọn cỏ, cũng sẽ tan trong một phút một giây. Người ta náo nức gặp gỡ. Người ta rạo rực chia tay. Một tháng. Một năm. Rồi tất cả sẽ trở lại bình thường, rất bình thường. Cái mặt hồ im lìm chợt xao động vì một chiếc lá rơi sẽ trở lại im lìm như đã tự trăm năm. Mọi người sẽ trở lại với nếp sống thường nhật, với trách nhiệm bổn phận. Mọi người sẽ trở lại với văn phòng, với xưởng thợ, với tiệm buôn, với công việc của một người vợ, một người mẹ, một người chồng, một người cha. Người ta sẽ bận tíu tít với chợ búa, với đồng tiền kiếm được hay mất đi, với ngôi nhà mới tậu, với chức vụ mới thăng, với việc làm mới mất ...

Vậy đó em, trái đất vẫn tiếp tục quay đều cái vòng quay của nó. Một năm mười hai tháng. Một tháng ba mươi ngày. Một ngày hai mươi bốn giờ. Mùa hè đã qua. Mùa thu đang tới. Và mùa đông sẽ chực chờ trước cửa. Những người sắp tới, sẽ tới. Những người sắp đi, sẽ bỏ đi.

Tất cả cũng chỉ là những người khách vô tình trong cuộc tuần hành miên man của vũ trụ.
Và chúng ta, chúng ta cũng chỉ là những sơ sẩy của một toan tính định mệnh.

Em đừng khóc, đừng buồn đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giày, mai sẽ lá sương che 
(*)

Vâng, những tiếc thương rồi sẽ hết.

Và tôi, và em, và dấu giày trở lại, mốt mai sẽ chỉ còn là một vết sương che .

Bóng tối sẽ trùm lên tất cả.

Những tiếc thương rồi sẽ hết.

Những tiếc thương sẽ hết .

Cao Vị Khanh


(*) thơ Nguyễn Đình Toàn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020