SỐ 86 - THÁNG 4 NĂM 2020

 

 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 26

Hôm đó là ngày nóng nhất trong năm. Các ngọn núi vây chặt cái nóng, khiến thành phố trở nên ngột ngạt. Ðiện bị cúp đã nhiều ngày. Khắp Kabul, quạt máy đứng chơi không, gần như chế diễu mọi người.

Laila nằm trên chiếc ghế dài nơi phòng khách, mồ hôi thắm ướt áo. Mỗi hơi thở như đốt cháy chóp mũi của nó. Nó nghe tiếng ba má nói chuyện trong phòng của má. Hai đêm trước, và đêm qua nữa, nó thức giấc và nghĩ mình nghe tiếng ba má ở dưới phòng khách. Lúc này, kể từ khi cánh cổng bị bắn lũng một lỗ, ngày nào ba má cũng nói chuyện.

Ngoài kia, xa xa tiếng đạn pháo nổ, và gần hơn, tiếng súng nổ liên hồi, hết đợt này tới đợt khác.

Trong lòng Laila cũng đang diễn ra một trận chiến: một mặt là cảm giác tội lỗi kèm theo xấu hổ, mặt khác nó vững tin rằng điều nó và Tariq đã làm không phải là điều tội lỗi; rằng đó là một điều tự nhiên, tốt, đẹp, thậm chí một điều không thể tránh, thúc đẩy bởi hai đứa biết có thể sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau.

Laila xoay người nằm nghiêng một bên và cố gắng nhớ lại: có một lúc hai đứa nằm dưới đất, lúc đó Tariq đã áp trán nó lên trán của Laila, rồi hổn hển nói điều gì đó, hoặc là Anh có làm em đau không? hay Có đau không?

Chỉ mới hai tuần kể từ khi Tariq ra đi mà nó đã quên rồi. Thời gian khiến cho ký ức không còn bén nhậy. Laila cảm thấy chán chường. Tariq đã nói gì? Bỗng nhiên Laila cảm thấy mình cần phải biết điều đó.

Laila nhắm mắt lại. Tập trung tư tưởng.

Rồi với thời gian trôi qua, nó sẽ dần dà mệt mỏi với bài tập luyện óc này. Càng ngày nó sẽ càng kiệt quệ không gợi lại được, không làm sống lại được những gì đã chết từ lâu. Thật sự, sẽ đến một ngày, nhiều năm sau đó, Laila sẽ không còn đau buồn vì mất Tariq, ít ra không đau khổ triền miên như vầy. Một ngày sẽ đến khi những chi tiết của khuôn mặt Tariq sẽ vượt ra ngoài trí nhớ của Laila, khi nghe một bà mẹ gọi tên con Tariq sẽ không còn cắt đứt hơi thở của Laila. Nó sẽ không còn nhớ Tariq như bây giờ, bây giờ sự thiếu vắng Tariq là một nỗi đau không ngừng theo nó, như nỗi đau ma quái của một người bị cưa cụt.

Ngoại trừ thật thỉnh thoảng, khi Laila đã trưởng thành, đang khi ủi một cái áo hay đẩy xích đu cho con, một điều tầm thường nào đó, như cảm giác của thảm ấm dưới chân trong một ngày hè nóng cháy hoặc vầng trán của một người lạ, sẽ chợt gợi nhớ buổi chiều năm xưa hai đứa với nhau. Ðể rồi tất cả kỷ niệm sẽ ào ạt kéo về. Sự hồn nhiên, thiếu cẩn thận, vụng về của hai đứa. Cái đau và sự khoái lạc, cũng như nỗi sầu theo sau hành động đó. Cái nóng của hai cơ thể quấn nhau.

Kỷ niệm sẽ như nước vỡ bờ, khiến nó mất thở.

Nhưng rối sẽ qua đi. Khoảnh khắc đó sẽ trôi qua, bỏ lại nó như cái bóng xì hơi, chẳng còn cảm thấy gì ngoài nỗi bồn chồn mơ hồ. Nó quyết định là Tariq đã nói Anh có làm em đau không? Ðúng rồi. Ðúng là câu nói đó. Laila mừng rỡ vì đã nhớ ra.

Rồi ba nó đứng ở bậc thang cuối trên lầu, gọi nó hãy lên nhanh.

“Má con đồng ý rồi!” ông nói, giọng run lên vì kìm hãm kích động. “Mình sẽ đi. Cả ba chúng ta. Mình sẽ rời khỏi Kabul.”

Trong phòng của má, ba người họ ngồi trên giường. Bên ngoài, đạn pháo kích rít ngang bầu trời trong lúc lực lượng của Hekmatyar và lực lượng của Massoud đánh nhau tơi bời.

Laila biết đâu đó trong thành phố có người vừa mới bị chết, và một màn khói đen đang lơ lửng bao trùm một tòa cao ốc sụp đổ phun khói bụi mù. Buổi sáng bước đi, sẽ phải tránh những xác người. Một số sẽ được lấy đi. Một số không. Và như thế mấy con chó ở Kabul tập ăn thịt người sẽ tha hồ mở tiệc.

Cho dù thế, Laila vẫn cảm thấy thôi thúc muốn chạy quanh các đường phố đó. Nó gần như không kềm giữ được sự vui mừng. Phải cố gắng lắm mới ngồi yên được, mới không hét lên mừng rỡ. Ba nói đầu tiên họ sẽ đi Pakistan để xin phép nhập cảnh. Pakistan, nơi Tariq đang ở! Laila háo hức tính, Tariq chỉ mới đi có 17 ngày. Phải chi má nó quyết định sớm hơn 17 ngày, thì họ đã có thể cùng đi với nhau. Có phải bây giờ nó và Tariq đã ở bên nhau! Nhưng không sao. Cả nhà nó sẽ đi Peshawar – Laila, má và ba – và ở đó họ sẽ gặp lại Tariq cùng cha mẹ. Chắc chắn sẽ gặp. Và họ sẽ cùng nhau tiến hành giấy tờ. Rồi sau đó, nào ai biết được? Âu châu? Mỹ châu? Biết đâu, như ba nó vẫn thường nói, một nơi nào đó gần biển…

Má nó đang nửa nằm, nửa ngồi dựa vô đầu giường. Mắt má sưng húp, tay bà kéo tóc.

Ba ngày trước, Laila ra ngoài để hít thở không khí. Nó đang đứng tựa vô hai cánh cổng trước nhà thì nghe một tiếng rắc rắc lớn, rồi một vật gì đó bay réo ngang tai nó khiến những mảnh gỗ li ti bay tứ tung trước mặt nó. Sau cái chết của nhỏ Giti, và hàng ngàn đợt và vô số đạn pháo bắn vào Kabul, chỉ khi nhìn thấy cái lỗ tròn đó trên cánh cổng, chỉ cách đầu của Laila chưa tới ba ngón tay, má nó mới sực tỉnh. Ðể thấy rằng cuộc chiến trước đã cướp đi của má hai đứa con, cuộc chiến này có thể đứa còn lại.

Trong phòng, từ trên vách tường, hai anh Ahmad và Noor nhìn xuống nhỏe miệng cười. Laila quan sát ánh mắt của má đưa qua lại từ bức hình này qua bức hình kia một cách tội lỗi. Như  muốn tìm sự đồng ý của hai anh. Muốn hai anh chấp thuận. Như muốn khẩn cầu hai anh tha thứ.

“Không còn gì nắm níu mình ở đây nữa cả,” ba nói. “Các con trai mình đã chết, nhưng mình còn Laila. Mình còn có nhau, em Fariba à. Mình có thể tạo dựng cuộc sống mới.”

Ba chồm người tới, và khi ông nắm bàn tay của má, thì má để yên. Gương mặt của má thoáng vẻ nhân nhượng. Hai người nắm tay nhau, nhẹ nhàng, và rồi họ lặng lẽ ôm nhau. Má vùi mặt vào cổ ba, má nắm chặt áo ba.

Ðêm đó, Laila nằm hàng giờ mà không ngủ được vì nôn nóng. Nó nằm trên giường, theo dõi chân trời sáng dần trong sắc màu cam, vàng sặc sỡ. Tuy nhiên, tới lúc nào đó, mặc dù vui mừng trong lòng và tiếng súng đì đùng bên ngoài, nó ngủ thiếp đi.

Và nó nằm mơ. Hai đứa đang ở nơi bãi biển, ngồi trên tấm phủ giường bằng vải ghép. Trời lạnh và u ám, nhưng ngồi bên Tariq dưới tấm chăn quấn quanh vai hai đứa, nó thấy ấm. Nó nhìn thấy được những chiếc xe hơi đậu sau cái hàng rào thấp vọp sơn trắng, dưới hàng cây dừa nước lộng gió. Gió làm nó chảy nước mắt, gió chôn vùi giầy của hai đứa trong cát, ném những lọn cỏ khô qua từng đụn cát nhấp nhô.

Hai đứa nhìn theo những chiếc thuyền buồm bấp bênh ở xa xa. Chung quanh, những con hải âu kêu quang quác, run rẩy trong gió. Gió lại thổi tốc cát từ những sườn dốc thấp lộng gió. Có tiếng gì nghe như tiếng hát, và nó kể cho Tariq nghe về cái điều ba đã dạy nó nhiều năm trước về cát hát.

Tariq phủi những hạt cát trên chân mày của Laila. Nó thoáng thấy lấp lánh cái vòng ở ngón tay Tariq. Giống y của nó - bằng vàng có khắc rối chung quanh.

Ðúng thế, nó nói với Tariq. Ðó là sự cọ sát của những hạt cát với nhau. Nghe đi. Tariq lắng nghe. Tariq nhăn mặt. Hai đứa chờ. Rồi nghe cát hát nữa. Một âm thanh rên rĩ khi gió nhẹ, một điệp khúc như mèo kêu the thé khi gió mạnh.

Ba nói chỉ đem theo những thứ tuyệt đối cần thiết. Còn lại, sẽ bán hết. “Cũng đủ cho mình cầm cự ở Peshawar cho tới khi ba tìm được việc làm.”

Hai ngày kế tiếp, họ gom góp những thứ để bán thành đống lớn. Trong phòng nó, Laila để riêng  một bên áo cũ, giầy cũ, sách, đồ chơi. Nhìn dưới gầm giường, nó thấy một con bò vàng bằng kiếng bé xíu nhỏ Hasina đã đưa cho nó trong giờ chơi hồi lớp Năm. Xâu chìa khóa có trái banh nhỏ, món quà của nhỏ Giti. Con ngựa vằn nhỏ bằng gỗ trên bánh xe. Phi hành gia bằng gốm mà nó và Tariq một hôm đã tìm thấy dưới rãnh nước. Năm đó nó lên sáu còn Tariq lên tám, Laila nhớ hai đứa đã cãi nhau một chút về ai là người đã tìm thấy món đó.

Má cũng gom góp đồ đạc của mình. Những động tác của má có vẻ miễn cưỡng, trong đôi mắt của má vẻ biếng nhác, chậm chạp, xa xăm. Má bỏ lại hết những dĩa đẹp, khăn ăn và tất cả nữ trang của má - ngoại trừ chiếc nhẫn cưới - cũng như hầu hết quần áo cũ của má.

“Má không bán cái này chứ?” Laila nói, vừa nhấc chiếc áo cưới của má lên. Chiếc áo xòe ra trên đùi nó. Nó mân mê hàng ren và ru-băng quanh cổ áo, những hạt ngọc trai kết bằng tay nơi trên tay áo.

Má nhún vai và đưa tay lấy chiếc áo, rồi thẳng tay ném nó vô đống quần áo. Như kéo toạc miếng băng keo ra vậy, Laila nghĩ.

Ba mới là người phải làm công việc đau đớn nhất. Laila trông thấy ba đứng trong phòng làm việc của ông, nhìn những kệ sách với nét mặt rầu rĩ. Ông mặc chiếc áo thung mua đồ cũ có hình cầu San Francisco màu đỏ. Sương mù dày đặc dâng lên từ mặt nước trắng và che mất đi những tháp cầu.

“Con biết câu chuyện,” ba hỏi, “một người đang ở trên hoang đảo, được chọn năm cuốn sách. Phải chọn cuốn sách nào? Thật chưa bao giờ ba nghĩ ba phải chọn.”

“Mình sẽ phải bắt đầu làm lại một tủ sách cho ba, ba à.”

“Ừm.” Ba cười buồn. “Thật không ngờ có một ngày ba phải rởi bỏ Kabul. Ba lớn lên ở đây, đi học, đi làm và lần đầu làm cha ở thành phố này. Thật lạ kỳ khi phải nghĩ đến chẳng bao lâu nữa ba sẽ phải ngủ dưới vòm trời của một thành phố khác.”

“Con cũng thấy lạ.”

“Cả ngày, cái bài thơ về Kabul ấy cứ vang vọng trong đầu ba. Nhà thơ Saib-e-Tabrizi làm nó hình như vào thế kỷ mười bảy. Hồi trước ba thuộc hết cả bài thơ, mà bây giờ chỉ còn nhớ hai câu:
“Người ta không thể đếm hết những vầng trăng lấp lánh trên các mái nhà,
Hay ngàn ánh dương rực rỡ ẩn mình sau những bức tường thành phố.”

Laila ngước nhìn và thấy cha mình đang khóc. Nó vòng tay ôm lấy ông. “Ba ơi, mình sẽ trở về mà. Khi cuộc chiến này chấm dứt. Mình sẽ trở lại Kabul, inshallah, nếu trời thương. Thật mà.”

***

Ba ngày sau, vào buổi sáng, Laila bắt đầu dời các đống đồ ra ngoài sân và đặt tất cả ở nơi cổng trước. Họ sẽ kêu taxi đến chở tất cả mọi thứ ra tiệm cầm đồ.

Laila nặng nề đi lại từ nhà ra sân để chuyển từng chòng quần áo, chén dĩa và hết thùng sách này đến thùng sách khác của ba. Ðến giữa trưa, khi những đống đồ đã chồng cao tới ngang bụng, đáng lẽ Laila phải kiệt sức. Tuy nhiên, cứ mỗi chuyến tới lui, Laila biết mình sắp gặp lại Tariq hơn một chút, cho nên, cứ mỗi chuyến như thế, đôi chân của nó trở nên nhanh nhẹn hơn, đôi tay bớt mệt.

“Mình sẽ cần một chiếc taxi lớn đó.”

Laila nhìn lên. Má nó đang nói vọng xuống từ phòng ngủ trên lầu. Má chồm người ra ngoài cửa sổ, hai khuỷu tay tựa trên khung cửa. Ánh nắng, tươi sáng và ấm, vương trên mái tóc bạc của má và chiếu rọi khuôn mặt gầy gò của bà. Má mặc chiếc áo đầm màu xanh biếc của buổi tiệc bốn tháng trước, một chiếc áo trẻ trung dành cho một người phụ nữ trẻ, nhưng Laila thoáng thấy má giống một bà già. Một bà già với hai cánh tay gầy gò, má hóp và đôi mắt chậm chạp nhăn nheo quần thâm vì mệt mỏi, một người hoàn toàn khác với người phụ nữ đầy đặn, mặt tròn, tươi cười rạng rỡ trong những tấm hình đám cưới.

“Hai chiếc taxi lớn,” Laila nói.

Nó cũng nhìn thấy ba nó trong phòng khách, đang chất những thùng sách lên.

“Chừng nào xong, anh lên ăn trưa nhé,” má bảo. “Mình ngồi ăn trưa. Có trứng luộc và đậu còn thừa của hôm qua. “
“Món con thích nhất,” Laila bảo.

Bỗng nhiên nó nhớ đến giấc mơ của nó. Nó và Tariq ngồi trên cái khăn vải nối. Biển. Gió. Những cồn cát.

Nó tự hỏi tiếng cát hát như thế nào nhỉ?

Laila dừng lại. Nó nhìn thấy con tắc kè xám bò ra từ một khe nứt dưới đất. Ðầu nó quay qua quay lại. Nó chớp mắt, rồi bò nhanh vô dưới một tảng đá.

Laila lại hình dung ra bãi biển. Có điều bây giờ tiếng hát vây khắp mọi nơi. Và tăng dần. Mỗi lúc mỗi to hơn, mỗi cao hơn và cao hơn nữa. Tràn ngập tai nó. Nhấn chìm mọi thứ khác. Những con hải âu giờ là những tên lông vũ diễn kịch câm, đang há và đóng mỏ không một tiếng động. Và sóng biển thì vỗ bờ, bọt và nước tung toé, nhưng không có tiếng gầm. Cát tiếp tục hát. Bây giờ nghe thật to. Tiếng gì như tiếng…leng keng?

Không phải tiếng leng keng. Không. Tiếng huýt gió.

Laila bỏ mấy cuốn sách xuống và ngẩng đầu nhìn lên trời, tay đưa lên che mắt.

Rồi một tiếng gầm dự dội.

Ðằng sau nó, ánh sáng trắng loé lên.

Mặt đất lắc lư dưới chân nó.

Từ phía sau, có cái gì nóng và cực mạnh đập vào người nó. Húc nó ra khỏi đôi dép đang mang. Nhấc bổng nó lên.

Và giờ nó đang bay và quay xoắn trên không, nhìn thấy bầu trời, rồi mặt đất, rồi lại bầu trời, rồi lại mặt đất. Một khúc gỗ bốc cháy bay quất ngang qua. Cũng như cả ngàn mảnh thủy tinh, và Laila có cảm tưởng dường như nó nhìn thấy từng mảnh bay chung quanh nó, chầm chậm trở lật, phản chiếu ánh nắng. Những cầu vòng tí hon, tuyệt đẹp.

Rồi người nó đập vô tường. Rớt xuống đất. Trên mặt nó và hai cánh tay, đất cát, sỏi và thủy tinh đổ xuống như mưa. Ðiều cuối cùng nó còn nhận biết là có cái gì rơi uỵch xuống đất gần đó. Một miếng gì đó đầy máu. Trên đó, chóp của cái cầu màu đỏ nhô lên trong sương mù dày đặc.

Những bóng người qua lại. Ánh đèn nê-ong tỏa sáng từ trần nhà phía trên. Một gương mặt phụ nữ xuất hiện, lởn vởn trước mặt nó. Laila lại rơi vô bóng tối.

***

Một gương mặt khác. Lần này của một người đàn ông. Mặt có vẻ bự và xệ. Môi ông cử động nhưng chẳng có âm thanh. Laila chỉ nghe tiếng ù ù trong lỗ tai.

Người đàn ông đưa tay vẫy nó. Ông nhăn mặt. Môi ông lại cử động.

Ðau. Thở cũng đau. Ðau khắp nơi.

Một ly nước. Một viên thuốc màu hồng.

Lại tối đen.

Lại người đàn bà. Khuôn mặt dài, hai mắt gần nhau. Bà ta nói gì đó. Laila không nghe gì cả, ngoài  tiếng ù trong tai. Nhưng nó nhìn thấy được những lời nói, như xi rô đen đặc, tuôn ra từ miệng bà ta.

Ngực nó đau lắm. Tay và chân cũng đau.

Chung quanh nó, mọi hình thể di động.

Tariq đâu rồi? Sau không có Tariq ở đây?

Tối đen. Một chùm sao.

Ba với nó ngồi ở một chỗ cao đâu đó. Ba đang chỉ tay về hướng một cánh đồng lúa mạch. Tiếng máy phát điện nổ lên.

Người đàn bà với khuôn mặt dài đang đứng nhìn xuống nó.

Thở làm nó đau.

Có tiếng đàn phong cầm đâu đó.

Lại viên thuốc màu hồng. Rồi im lặng hoàn toàn. Một sự im lặng hoàn toàn bao trùm tất cả.

(còn tiếp)        

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020