SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

Bồ công anh

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

Người hàng xóm mới dọn tới Á đông, có hai con gái thiếu niên. Mẹ nhỏ con, đứa lớn trắng cao tóc nâu mắt xanh, đứa nhỏ y chang mẹ. Mấy người đàn ông tây tàu chỉ thấy ngày dọn nhà.

Thường tình cũng cần biết về người sẽ chung một ngõ ra hai cửa vườn sau hai nhà, một sân cỏ phía trước và một cây lớn thành phố trồng gần đường, mùa đổ lá vàng quét hốt mấy bận, mua cả tá bao giấy dồn bỏ xe rác; tò mò chính đáng (và không).

Bước ra thấy, tính “chào cô, nhà cô mới dọn tới”, nhưng phản xạ chắc ăn bằng tiếng Anh:

- Oh, hi! Welcome! Welcome to the neighbourhood!

Cô ta chững lại, vẫn hướng bước vô nhà:

- Oh hi!

Chưa kịp tự giới thiệu tên tiếng Anh hoặc Việt thì cô đã bước quá tầm. “ah, người khó chịu đây”. “Đi làm đã, hơi đâu thắc mắc”.

Nhìn thì Việt nhưng bộ điệu khác. Phụ nữ Việt thì có thể giữ ý khi chào hỏi đàn ông lần đầu, mà nhu hoà chứ đâu có khinh khỉnh. Phớt tỉnh Ăng-lê không nhằm lúc. Hay tại mình Hi, welcome nên cô ta nghĩ mình không phải Việt Nam. Tưởng Phi? Phi hay ai thì cũng đâu cụt ngủn vậy mà được, cứ bước là bước. Mình thế nào mà Phi. Bộ dạng, tuổi tác, tiếng Anh tiếng u rất dễ nhận ra thằng cha refugee năm nào. Tức là không phải Việt. Vậy thì chỉ có thể là Tàu Hồng Kông, Tàu lục địa chứ nước da ngăm đó không thể là Hàn hay Nhật. Mà dù là ai thì cũng là dân nhập cư chứ có phải con nhà lập quốc đâu mà lên mặt.

À, single mom mà kham được nhà thì phải có job khá, thôi đúng rồi chắc chắn là người Tàu, dân IT, thân thiết với computer hơn là xã giao với người thường. Sống ở đây cũng nhiễm cái lối nhìn mặt đặt tên theo công thức. À mà đâu chả vậy. Hai đứa con hai màu da, phức tạp.

Tuần kế bà ta hỏi:

- Tôi đồ chừng là ông có máy cắt cỏ?
- Có.
- Ông có thể cho mượn? Tôi muốn cắt phần bên tôi nếu ông không phiền.

Chưa kịp trả lời thì:

- Hay nếu ông có trở ngại whatever tôi có thể cắt hết cho ông.

Nói vậy nghe được không! À không, cái nhìn nghi ngại còn diễn ý rõ hơn. Nếu bà ấy đang nhìn một con còng gió thì bà quên mình là một con còng khác, nhỏ bằng nửa.

Đề nghị nghe lịch sự thì phải đáp lại cho đúng điệu:

- Sao bà phải cắt hết. Tôi sẽ làm.
- Hôm nay?
- Không, không hôm nay. Bà thấy đó: hoa vàng đẹp quá.
- Đó không phải là hoa. Là cỏ dại. Chúa ơi, chỉ tổ gây dị ứng.
- Dị ứng? Dị ứng gì!
- Vậy ông không biết phải tốn hàng tỷ đô mỗi năm để diệt chúng?
- Tôi biết. Bây giờ đã cấm dùng thuốc xịt độc hại đó.
- Thì phải cắt thường xuyên. Tôi thật không hiểu sao ông có thể gọi là ‘hoa’. Chắc vợ ông còn đem vô nhà chưng!
- Trong nhà chưng hoa trồng, hoa dại ở ngoài trời mới đẹp.
- Tóm tại, ông sẽ cắt?
- Đúng, tôi sẽ cắt.
- Cám ơn ông. Tôi chúa ghét cái loài răng sư tử phiền hà này.
- Không vấn đề.

Coi như một loại hợp đồng. Đằng nào thì mình cũng làm hết, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, mình chủ động là OK.

Anh hàng xóm trước tự phán đoán rằng boat people như tôi có máu canh nông gia truyền, bằng cớ có nhiều giống dân ban đêm đeo đèn lội đồng bắt trùn nhưng chỉ có mấy cha làm giàu, làm chủ; bằng cớ là dân trồng cỏ vàng nâu đỏ trắng đủ các màu mà chỉ mấy ông nổi tiếng, lên báo (ờ thì giết nhau lẻ tẻ cũng có). Gặp được người siêng chăm sóc vườn tược nên anh trân trọng nhường việc cắt cỏ cho tôi. Tôi ậm ừ chớ không lẽ nói ‘no’ khi anh nhã nhặn xưng tụng như thế. Vã cũng đâu nhiều. Thích thì làm không thì để ngắm. Cỏ không tốt cũng xanh xanh. Điểm thêm hoa bồ công anh vàng tươi đẹp mắt. Tới độ gieo giống, bung dù tròn xoe, nhỏ nhẹ hơn bông gòn, để gió dìu đi, đi đâu cũng được; nó thanh thoát lãng mạn thế nào ấy. “Anh thấy nó đẹp không? khả năng truyền giống của dandelion hơn hẳn tụi mình. Chúng ta đừng nghĩ tới chuyện diệt sạch chúng”. Anh ta “vậy nên tụi này kêu ‘make a wish!’ Ha Hà!”

Rồi nếu thấy tôi cứ ngồi tam cấp mà ngắm mãi cái mà anh ta có thể coi là nham nhở, dandelions đã đầy lại còn thêm cỏ cao trĩu hột, cái mà tôi cho là sẽ rụng xuống nẩy mầm thành cỏ mới, khỏi mua hột về dặm mấy chỗ bị thưa. Rồi còn phà thêm khói thuốc cho tiền cảnh thêm mơ màng thì anh có thể bàn lại hợp đồng bất cứ lúc nào mà, đâu sao.

Anh to con, lại vai u thịt bắp; mùa hè nắng tốt thích xoay trần phơi cho da trắng căng đỏ như trái táo Kanzi, luôn đẫm nước, chắc là từ những lon bia anh xoẹt xoẹt. Nhâm nhi trên ghế gỗ bành ky, anh thường bắt chuyện với bên nầy, tào lao tứ đế vui vẻ; không bao giờ đề cập tới mảnh vườn trước mắt.

Không lần nào. Có thể là anh đã thấm cái triết lý “nó như thế thì là nó như thế” mà tôi truyền qua anh những lúc cả hai hết đề tài. Nói ‘thấm’ nghe không sát tình hình. Chắc phải dùng tới chữ ‘ngộ’. Người giải đáp tiếng Anh ba rọi, dù lúc đó tỉnh táo, vừa hút thuốc vừa suy tư (nhớ vocabulary); người hỏi và nghe thẳng lưng nghiêng vai chú tâm, đã dục không biết bao nhiêu lon vô thùng rác (rủ bỏ) chẳng phải là hoạt cảnh tối ưu để đàm đạo ư.

Một trong những câu anh nói khi ngừng chuyện là “Oh you guys, dreamers!”. Không biết ám chỉ nội dung trao đổi hay con người cánh Việt. Sao cũng được. Có điều anh không kết nối được là cũng những người mơ mộng đó lại là những nông dân đầu tắt mặt tối, những người đánh giết nhau trường kỳ, những người chất nhau trên thuyền mỏng manh để vượt biển.

Thực ra là thời ấy tôi có cắt, thỉnh thoảng. Ở mức độ thưa, thỏa mãn cho mình: không chịu cắt nhặt vì thích bồ công anh; không chịu cắt thường xuyên vì không thích cái cực đoan ở đây, nó chưa ra trọn lá là xén toẹt, cỏ chứ có phải thảm trong nhà đâu mà bắt cứ phẳng lỳ; thứ đến là có một giai đoạn trong đời hoa răng sư tử dandelion này tôi ngứa mắt, ngày những cánh hoa vàng óm lại không nở ngày ngày như trước, chuẩn bị theo gió, cọng xanh nâng nụ hoa bỗng dưng vọt lên một khúc, cao hẳn không giống ai, đố biết lúc nào, cái gì làm nó đứng thẳng thêm cả tấc, xanh muốt mà mạnh mẽ, dâng hiến bông dù lộ liễu. Khi dù theo gió đi rồi, cọng ấy trơ lại. Vài anh không sao, một đám cùng ngẩn ngơ, thảm lắm, bèn cắt sạch. Anh hàng xóm ra ngồi, thấy, nhấp, nhấp, xoẹt.

Vợ anh đổi job, gia đình dọn qua thị trấn kế cận, anh nói thêm, khi ổn định tôi sẽ mời ông lên bbq. Thiên lý nhãn không cho tôi thấy cảnh hội ngộ đó. Trước mắt buồn bể hợp đồng. Ừ, không tệ.

***

Lúc này mỗi lần ra cắt cỏ, cái máy đẩy không mát mái, cứ gục gặc kẹt bánh xe; tuy vẫn theo ngày giờ của mình để tề đầu những cọng hoa trơ trẽn là chính, làm bằng mặt cỏ là phụ; nhưng vẫn vướng trong bụng là mình phải làm, làm cả vạt, không do thiện nguyện mà bị thúc, bị kích. Giá như nói lời nhờ vã thì có sá gì. Giá như ngang cơ, chia đôi hay chia tuần như tây cũng hay.

Tháng kế, bà hàng xóm cho biết tên ba mẹ con. Cả ba dị ứng đủ thứ. Đã từng có nhà to vì chồng tây là một doanh nhân thành công. Công việc ông ấy căng thẳng thường xuyên. Sau khi có đứa đầu ông ấy phát phì và nghiện rượu. Mới đây bất đắc kỳ tử ngay trong văn phòng. Bán nhà to mua nhà nhỏ. Hàng tuần gặp bác sĩ tâm lý. Con chị giống cha, con em giống mẹ. Mẹ sinh đẻ ở đây cha Nhật mẹ Tàu. Coi như cái khó chịu có thể là do hoàn cảnh phải bảo hoàng hơn vua, phức tạp thật, chỉ có ở xứ này.

Sinh hoạt, giờ giấc này nọ tự nhiên khiến việc cắt cỏ rơi vào sáng thứ Bảy, rồi thành hàng tuần, thành thói quen, thành chu kỳ đúng giờ giấc. Ủa sao không còn cái bực bực thường lệ. Riết rồi chỉ thấy vài hoa vàng thấp nhỏ giữa tuần về sau. Bông dù thì họa hoằn. Lãng mạn hay không. Quên luôn ông thần bia Kanzi, xoẹt xoẹt mà lại tò mò về tập quán, nếp nghĩ của người Việt; vì sao làm boat people, anh không hề nghĩ là thế hệ trước của anh cũng rứa. Nay thấy tôi xuất hiện đều đều mỗi thứ Bảy, thỉnh thoảng cô phức tạp bước ra nói chuyện này chuyện kia, những chuyện xung quanh xóm mà tôi không biết vì để ý chi cho phức tạp.

Năm kế:

- Tôi mất việc.
- Cô làm gì?
- Kế toán công nợ. Bị đánh giá là không đạt.
- Thúc trả tiền thì lúc nào cũng căng. Biết thế nào là đạt.
- Thế! Nản.
- Kiếm việc khác.
- Giới hạn lắm vì tôi yếu. Cancer.
- Sorry! Bad?
- Đang xạ trị. Không tệ lắm.
- Đã bệnh thì việc làm không phải vấn đề chính nữa.
- Đúng. Thực sự tôi không cần phải đi làm. Ông ấy để lại khá.
- Vậy.

Đi làm về có xe cẩu lâu không thấy đang đậu ngoài cây lớn trước nhà. Trên xe bước xuống anh Kanzi, áo quần đầy đủ nhưng ngắn nên cánh tay, bắp giò đỏ xậm. Anh ta tới vỗ vai đồm độp.

- Sao, khỏe chớ ông bạn?
- Sao ở đây? Mọi sự tốt đẹp chứ?
- Chở bả qua đây shopping, nhớ xóm này chạy qua thử. Tưởng ông cũng dọn đi rồi, tính đề máy, may gặp ông về tới.
- Ở đây chớ dọn đi đâu.
- Thì thấy cỏ láng bong nên đoán không còn ông. Không có được một cọng hoa. Sao thế? Chủ mới cắt thường xuyên à.
- Không, tôi làm. Bên đó single mom.
- Chúa ơi! Cái gì thay đổi? Cái gì xảy ra! Ông có làm sao không, dreamer?
- Không sao cả! Không hiểu sao. Trông cũng OK phải không?
- OK. Ông phải thấy mấy mẫu đất của tôi. Cắt đẹp như sân golf. Có xe hẳn hoi. Ông có thể lái thử chơi, trời oi hạ càng vừa rù rù vừa nhấp, thú vị lắm.
- Ông biết hưởng lạc.
- Có hôm xong rồi mà cứ lòng vòng. Bả nhìn trùng trục lâu quá, bước ra sân dang chân hú dài như moose độ tháng Chín ”errrrrrrrrrrrrrrrrrahh…” “errrrrrrrrrrrrrrrrrahh…”
- Ông làm tôi mơ hồ. Vô nhà không?

Kanzi cười hô hố, nện cánh tay đô vật lên hết bề ngang lưng tôi, tay kia móc túi áo:

- Tôi không hề cố dịch khi nghe ông nói nhưng hiểu, ông cũng thế mà. Vầy đi, thứ Bảy tới ông lên tôi, địa chỉ đây, giờ nào cũng được. Tôi kêu mấy hàng xóm. Tôi nướng thịt. Mấy ông uống gì thì mang vừa đủ cho mình. OK không? Mình tha hồ tán dóc. Tôi khoái nghe mấy cái mơ hồ của ông.

Trước lời mời xưng tụng như thế không lẽ nói No. Trước khi lên xe anh ta còn chỉ đám cỏ, nhìn tôi lắc đầu.

Năm kế nữa:

- Tôi sẽ dọn về thị trấn nhỏ phía bắc. Bác sĩ nói khung cảnh nhịp sống ở đó sẽ giúp tôi khỏe ra. Khỏi theo sát hai đứa nhỏ như ở đây. Lại nữa giá nhà chỉ một phần ba, điện nước, bảo hiểm rẻ. Tiền tôi có sẽ kéo dài hơn cho hai đứa nhỏ.
- Mong mọi sự tốt lành như cô muốn.
- Ở đó rộng rãi, không chừng tôi để cỏ dại, hoa dại mọc tự do.
- Dĩ nhiên phải cách xa nhà, phải không! Dandelions chúa nhảy, đâu cũng tới.
- Dứt khoát!

Lại hàng xóm mới, một gia đình tây trẻ mấy đứa con dại. Họ có thân nhân ở chỗ khác, lớn tuổi hơn tôi muốn có cơ hội hoạt động nên hàng tuần đến cắt cỏ, cắt hết chẳng cần hợp đồng hợp điếc gì với tôi. Đã nghỉ hưu lại thất nghiệp vườn, sáng sáng tôi cầm cái tuộc-vít dài bước lui bước tới, thấy bụi răng sư tử nào là cạy nguyên gốc bỏ thùng rác. Cứ thế tôi tém hàng ngày, ông già kia tới chỉ thấy toàn cỏ lúp xúp, chẳng có hoa bỏ công anh nào phất phơ ngóc đầu khoe sắc, phải gió.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020