SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

 Cậu tôi

Thằng bé ngẩng nhìn chiếc đèn lồng con cá treo lơ lửng giữa nhà rồi e dè trả lời câu hỏi làm quen vụng về của tôi, ông cậu Việt Kiều râu ria lạ mặt.

- Mưa quá trời. Trăng ướt nhẹp, con hổng đi rước đèn Trung Thu được. Mà trăng có sáng Má cũng bắt ở nhà để coi chừng Ông Ngoại say rượu ngủ khỏi bị té xuống đất.

Cô em họ nhìn mẹ tôi cười buồn:

- Chút nữa Ông Ngoại thằng Huy về nhờ Dì nói giùm. Tiền Dì gởi xuống sửa nhà Ba lấy uống rượu riết hết luôn. Má con thì nửa tỉnh nửa dại suốt ngày ngồi mơ màng lảm nhảm chuyện vàng son hồi nào đâu. Tối nào cậu Út nó không có ở nhà con cũng phải sai thằng Huy chạy qua canh chừng Ông Ngoại.

Mẹ tôi nhìn ra con đường ruộng quanh co vắng ngắt, chép miệng thở dài:

- Uống chi mà nhiều rứa không biết. Ngon lành chi mà uống cho cố vô rồi hành con cháu.

Nắng chiều yếu ớt rọi qua hàng tre trước nhà. Bóng nắng biếng lười nằm trườn trên nền đất trước mái hiên. Trong nhà mờ mờ tranh tối tranh sáng, mọi người ngồi với vẻ mặt đăm chiêu chờ đợi ngoại trừ Khoa, cậu em họ, đang chăm chú theo dõi trận túc cầu từ chiếc máy truyền hình nhỏ ở góc phòng. Ánh sáng xanh ảo từ màn ảnh truyền hình hắt lên khuôn mặt khắc khổ của Khoa trông như một bức tượng. Dưới chái bếp sau nhà, mợ tôi ngồi đun lửa nấu cơm. Đôi mắt mợ ngu ngơ nhìn ngôi đình làng đổ nát ẩn hiện sau lũy tre cuối thửa ruộng xa loáng nước. Đã nhiều năm, từ ngày bị sa thải vì có ý kiến chống lại ban giám hiệu, mợ tôi vì buồn ức đã thành người đãng trí. Nhiều đêm thức dậy, trong thế giới riêng xa của mình, mợ ngồi cặm cụi soạn bài cho buổi dạy trong tưởng tượng.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp mợ từ ngày nghe tin cậu Ngoạn cưới vợ, gần bốn mươi năm trước… Khuôn mặt mợ tuy hốc hác, dãi dầu vẫn còn phảng phất nét duyên dáng một thời. Nhìn đôi mắt sâu dại của người đàn bà đang ngồi bất động trước bếp lửa chiều tôi bàng hoàng nghĩ tới những cơ cầu mà một đời người phải gánh chịu.

Những ngày trước Tết năm bảy hai, chiến hạm đi tuần vùng biển ngoài khơi Cửa Việt về nghĩ bến Đà Nẵng, tôi nhận được thiệp cưới cậu Ngoạn gởi. Trên thiệp vội vàng mấy hàng chữ của người cậu phóng đãng. Cậu mày lấy vợ rồi. Cô giáo! Người đẹp Trữ La! Chiến hơn chị Hòa của mày nhiều! Tôi mừng và rất ngạc nhiên. Thư đi từ Quảng Trị vào tới Sài Gòn rồi theo dấu quân bưu chậm chạp bò ngược ra Đà Nẵng mất hơn một tháng tôi mới nhận được. Chiến hơn chị Hòa của mày. Tôi thầm nghĩ, lòng rộn vui như bọt nước nhảy múa đàng sau chiếc ca nô đang đùa với sóng sông Hàn trên đường về phố. Cũng thành phố này, mười mấy năm trước, tôi được gặp cậu Ngoạn lần đầu tiên trong đời. Mỗi câu chuyện Me tôi kể về Cậu với giọng bất bình lại là những điều lý thú tôi lắng nghe không sót một chi tiết rồi thêm mắm thêm muối kể lại cho bạn bè về ông cậu chịu chơi của mình. Chuyện cậu khi còn học ở Quốc Học, cầm đầu băng đảng Bến Ngự đánh lộn với băng Gia Hội, một mình đánh bại bốn năm người cuối cùng bị chém gãy vai vẫn là chuyện tôi xuýt xoa khâm phục mãi. Theo ông bà Ngoại và các anh lớn vào Sài Gòn, cậu Ngoạn ham chơi biếng học, thi mãi không đậu được bằng Tú tài Bán. Ngoại tôi bảo cậu lớn xin cho em vào học trường Cán Sự Vệ Sinh. Có việc làm để bớt ăn chơi lêu lổng. Ra trường đậu gần chót, cậu bị chuyển ra tận quận Quế Sơn, Quảng Nam. Bà Ngoại an ủi, thôi ra ngoài nớ cho gần chị Thu mi cũng được. Chính phủ ông Diệm cấp cho ông Cán Sự mới ra trường chiếc xe gắn máy để đi làm. Trước mắt thằng cháu đang học đệ ngũ, hình ảnh cậu, dân Sài Gòn cao lớn đẹp trai chạy xe Goebel, là một thần tượng đáng được tôn sùng. Có lẽ chị Hòa và những cô gái ở khu xóm trước đồn Cảnh Sát Hoàng Diệu, Đà Nẵng đều thầm lặng đồng ý với tôi điều này. Mỗi chiều cuối tuần tôi háo hức chờ tiếng máy xe Goebel nổ vang từ đầu hẻm. Chị Hòa gánh nước về hay dừng lại nghỉ chân trước nhà. Đôi khi chị đánh bạo vào nhà bâng quơ nói chuyện học hành với tôi. Chị Hòa là cháu của bác Y tá trong xóm, ở Huế vào học. Chị đẹp lắm, có hình rọi lớn chưng ở tiệm ảnh Lê Hậu và cả tiệm Huỳnh Sau ở Huế. Chị đẹp đến nỗi chuyện chị học dốt cũng thành dễ thương. Anh Nhứt, ở cạnh nhà, có lần tôi tình cờ bắt gặp đang đứng sau bụi bông trang say sưa lén nghe chị Hòa học bài. Anh phân bua, chị Hòa của mày học bài nghe như hát. Chị học bài ra rả suốt mỗi tối nhưng hầu như mỗi lần bị thầy cô gọi lên bảng trả bài, chữ nghĩa đều theo nhau bay mất. Chị đứng đó bẽn lẽn cười trừ, đôi mắt nâu to sâu lắng thu hồn. Năm trước chị thi rớt Trung Học nhưng vẫn được lên học đệ Tam để thi lại năm sau. Chị thường đạp xe chở tôi đi học. Tôi cầm chéo áo dài trắng của chị Hòa trong lúc chị luống cuống len lỏi đạp xe vượt qua bầy học trò con trai đang đứng chờ chị ở cổng trường huýt sáo trêu chọc.

Một buổi chiều ham đá banh về nhà trễ tôi hấp tấp chạy xuống bếp lục cơm nguội. Cậu Ngoạn đang ôm chị Hòa trong góc bếp. Mặt chị đỏ rần, áo không cài nút để hở cặp vú trắng phau. Chị Hòa mắc cỡ không dám nhìn tôi mấy ngày. Năm đó chị lại thi rớt Trung Học. Ngày khăn gói về lại Bao Vinh, chị Hòa khóc nhiều đến mọng húp đôi mắt đẹp. Cậu Ngoạn thì ngồi tư lự dưới bóng cây trứng cá, phả từng hơi thuốc Ruby bay lãng đãng trong loang lổ nắng trưa.
Cậu Ngoạn vào lại Sài Gòn bỏ mặc mấy cô gái Quảng Nam vẫn ngơ ngác tìm tới tận nhà hỏi thăm. Cậu không buồn trả chiếc xe Goebel lại cho quận Quế Sơn. Nhìn chiếc xe gắn máy ba tôi khóa chặt vào cây cột ở đầu hiên nhà, tôi nhớ tiếc ngẩn ngơ những lần cậu chở tôi chạy dọc theo bờ sông Hàn lộng gió đường về Trẹm.

Cậu cháu không còn dịp để gặp nhau từ đó. Cậu Ngoạn đi lính, Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến, đóng quân đâu đó tận trong Nam miệt Cà Mau, U Minh. Những năm tôi vào học ở Sài Gòn, cậu lại phải theo đơn vị ra Quảng Trị vùng Cam Lộ Đông Hà. Thời gian tôi vào Hải Quân, đi học xa Sài Gòn, sau đó lại nổi trôi theo chiến hạm tuần dương thì cậu về học khóa Sĩ Quan Đặc Biệt ở Thủ Đức. Ra trường Cậu Ngoạn xin trở ra chi khu Hải Lăng. Ngôi nhà ở hẻm Trần quang Diệu chỉ còn lại Bà Ngoại một mình một bóng với bàn thờ Ông Ngoại lúc nào cũng nghi ngút hương trầm. Ngoại ngồi thủng thỉnh nhai trầu.

- Cậu mi chắc là ưa cô mô ngoài nớ rồi. Rứa cũng được. Gốc gác nhà mình ở Triệu Phong. Ưa chỗ mô đó thì nói để Ngoại cưới hỏi cho. Cậu mi rứa là băm lăm băm sáu rồi chớ còn trẻ mỏ chi.

Cuối Hè năm bảy hai, Cậu Ngoạn mất cả hai chân trong một đêm Việt Cọng pháo kích vào chi khu. Trở thành phế binh cậu tôi ở lại nương náu với gia đình bên vợ ở Quảng Trị. Tấn về nội, thối về ngoại. Hơn mười năm thoái hoài trên vùng quê nghèo đất cày lên sỏi đá đã đưa gia đình Cậu Mợ tôi đến chỗ cùng mạt. Ông cậu cả đi tập kết về đã lặn lội ra tận Hải Lăng đưa gia đình em vào sống ở Gò Đen, Long An cho gần bà con. Mợ dạy học. Cậu thì hàng ngày lăn xe ra chợ Gò Đen bán vé số để nuôi bầy con năm đứa sống qua ngày. Thư cho tôi cậu nửa đùa nửa thật. Mỗi lần gởi thư, Cậu mày phải nghỉ cả chục cử mới có đủ tiền mua tem. Rượu đế Gò Đen mà phải nghỉ uống lâu ngày trong bụng bức rức lắm… Cậu tôi vẫn vậy. Vẫn lêu lổng an nhiên trong cảnh nghèo nàn. Cậu đùa bỡn khi thư cho tôi kể chuyện suýt bị giựt chiếc xe lăn vì say rượu. Cậu mày từ cảnh nhà cho tới người cái gì cũng cùi cũng cụt. Chỉ có cái xe lăn của thằng cháu Việt Kiều gởi về là láng cóng. Nhiều khi bán vé số ế vì đi cái xe lăn quá tốt. Cực nhất là lúc say mà phải ráng tỉnh để khỏi bị giựt xe.

Trời đã nhá nhem mà Cậu Ngoạn vẫn chưa về nhà. Khoa tắt truyền hình, khoác áo lên vai, bước ra cửa.

- Điệu này là Ba con ổng đo đất ngoài chợ rồi. Dì ngồi chơi con ra cõng ổng về.

Tôi dắt tay bé Huy theo Khoa đi về phía bờ mẫu dẫn ra con đường mòn ngoằn ngoèo về phía chợ.

Ngôi nhà vách phên khuất sau lũy tre trông nhỏ nhoi tội nghiệp. Tấm vải dầu sọc xanh tạm bợ đậy mái tranh cũ dột nát như một ấp ủ vụng về.

Bé Huy chạy lon ton trước mặt chúng tôi như chú chó con. Có lẽ những bước chân trần mát lạnh trên bờ mẫu nhẹp nước và cơn gió chiều đồng nội đã đưa bé Huy trở về với sự liến thoắng cố hữu của một đứa bé sáu tuổi. Nó huyên thuyên kể cho tôi nghe chuyện đêm Trung Thu mưa lụt và chiếc đèn lồng đầu tiên trong đời với vẻ tiếc rẻ. Bé Huy níu tay tôi chỉ về phía ngôi lăng mộ cũ nằm sát bờ ruộng.

- Cậu Hai có thấy cái mả có mái đó không? Đêm Trung Thu ông Ngoại xỉn quá trời mà cũng nhớ mua đèn lồng con cá cho con nữa đó. Trời mưa ông Ngoại phải bỏ xe lăn vô núp trong mả rồi cởi áo đậy cái đèn lồng lại cho khỏi ướt. Ông Ngoại xỉn gì mà khôn quá trời!

Khoa rầy cháu.

- Cái thằng nhóc này! Không được ăn nói hỗn hào.
- Trời mấy hôm đó mưa lụt dữ lắm. Miệt dưới Vĩnh Long, Trà Ôn, Mộc Hóa thì khỏi phải nói. Ở Bình Chánh, phía trong sâu có chỗ nước lên tới ngang ngực em. Gò Đen cao ráo nên đỡ hơn. Con đường này nước chỉ ngập lên tới bắp chân.

Ngôi mộ cổ xây bằng đá đen có rồng chầu chạm trổ cầu kỳ. Khoa chỉ về phía tấm bia lớn có mái che cong vút.

- Tối Trung Thu, ở quán rượu về, ông Ngoại để cái đèn lồng trước bụng lăn xe về nhà. Trời đổ mưa lớn, nước trên bờ mẫu ngập gần nửa bánh xe lăn. Chờ hoài nóng ruột quá em đội mưa đi tìm Ba. Lội nước ra tới đây chỉ thấy cái xe không làm em hết hồn. Nhìn vô trong lăng thì thấy ổng nằm ở trần co quắp trước tấm bia tay ôm cái đèn lồng quấn trong áo thấm nước mưa. Cõng ba về nhà xong rồi phải hơ cái đèn trên bếp lửa một hồi lâu giấy kiếng mới căng ra lại.

Khoa xoa đầu cháu.

- Đêm Trung Thu thằng nhóc này chạy ra chạy vô như gà mắc đẻ chờ mưa tạnh để ra ngoài đốt đèn với mấy đứa bạn. May có được cái bánh dẻo bà Ngoại cho cũng an ủi phần nào.

Ngồi trên nóc ngôi mộ cổ tôi thở dài nhìn bóng chiều đang lặng lờ phủ chụp xuống cánh đồng lúa hè-thu vừa trải qua cơn lũ lụt của trời. Cành lúa cong oằn nặng giọt tai ương nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong sự chịu đựng bền bỉ không chút phiền hà. Như những bóng đời người vẫn lặng lẽ qua đây lúc tỉnh khi say. Nghĩ suy về thân phận con người cũng là nhớ về những nỗi đời cũ. Dòng quan hệ rất tương đối, nhỏ nhoi mà tha thiết ân cần. Tôi buột miệng trong âm thầm địa danh nơi tôi đang ngồi đứng trong vài giờ ngắn ngủi với cao vọng tìm nối lại mối tương giao thương thuộc đời mình. Những địa danh thân thiết của kỷ niệm cũng là cột mốc đánh dấu từng cảnh đời cơ cực, bàng hoàng bao nỗi sinh ly. Vẽ làm sao cho hết những tam giác định mệnh không đều cạnh của mỗi phận người. Việt Nam Đại Dương Đất Khách. Hà Nội Huế Sài Gòn. Duy Xuyên Cam Lộ Gò Đen. Đà Nẵng Bao Vinh bến nước đục trong nào đó. Chị Hòa Bao Vinh của mày. Ông Cậu Sài Gòn của mi. Hơi thuốc lá Ruby ba đồng bốn điếu quyện bay dưới tàng cây trứng cá. Giọng nói mang nặng âm hưởng miền Nam của đứa cháu nhỏ. Tiếng Việt bập bẹ của con. Giọng Huế đài các của Mẹ. Giọng nói Hà Nội của ông cậu tập kết bị thất sủng ngồi nhà kể mãi chuyện Điện Biên. Giọng nói ngoại ngữ của chính mình hơn nửa đời vắt bán trí não để kiếm sống. Có gì khác nhau giữa tôi trên cao lộ tuyết giăng buổi chiều vội vã lái xe về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài và cô em gái nhích từng vòng bánh xe gắn máy trên đường Lê văn Duyệt cũ để về nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền sau buổi dạy? Nơi chốn. Bên này, bên kia. Khoảng cách nửa vòng trái đất. Những múi giờ vô tình làm phiền hà đôi mắt. Những điều còn lại thì rất tùy thuộc và cô đơn. Hạnh phúc. Khổ đau. Hoài bão. Hy vọng. Thất vọng. Có lẽ may mắn hay bất hạnh cuối cùng của con người là sự bình đẳng về những cảm nhận đó, chìm sâu và triền miên.

Bóng dáng Cậu hào hoa cao vời trong trí nhớ đã làm hình ảnh cậu già nua say khướt tật nguyền lăn xe đi trong mưa giăng bên bờ ruộng ngập nước thêm tả tơi xiêu lạc. Tôi bất giác đưa tay vỗ về đứa em họ mà tưởng như đang vỗ về chính mình.

- Những tối ngồi sau quán rượu học bài chờ cõng Ba về nhà, đôi khi em thầm mong sao Ba chết đi để không còn phải mặc cảm về người cha cùi cụt rượu chè. Nhiều khi em muốn bỏ đi xa, nơi không có ai biết được quá khứ để bắt đầu được sống đời mình... Đêm Trung Thu nhìn Ba nằm co quắp trước tấm bia mộ cố gắng che chở cái đèn lồng cho cháu, em chợt biết thật rõ rằng em không muốn bị mồ côi và thương Ba vô cùng.

Ánh đèn từ phía đầu chợ Gò Đen hắt những vệt sáng vàng vọt lên dãy hiên chợ cửa đóng im lìm. Bóng hàng hiên với những cây cột cong queo nằm sóng soài trên mặt đất loang lổ sình rác. Sinh hoạt ban đêm hầu như chỉ tập trung ở dãy phố chợ dọc theo quốc lộ. Người ngồi đứng tấp nập trong những quán bia có nhạc có đàn bà.
Bé Huy hấp tấp chạy ngược về phía chúng tôi, chỉ tay về cái quán nhỏ ở góc phố.

- Con thấy Ngoại đương nhậu với ông Năm Beo.
- Hèn gì giờ này Ba chưa về là phải rồi. Hai ông già này mà xáp lại thì chỉ khi nào Gò Đen hết rượu mới mãn đám được. Chú Năm là bạn bán vé số với Ba. Ổng đen thui như Miên nên có biệt danh là Năm Beo. Chú Năm hồi trước đi bộ đội, cũng cụt hai chân giống như Ba.

Quán vắng, sơ sài mấy bộ bàn vuông ghế đẩu liu xiu dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn ống. Dưới hiên quán, đong đưa cái đèn lồng Trung Thu hình con bướm, hai ông già đang ngồi gật gù xiêu đổ trên xe lăn mời mọc nhau ly xây chừng đong đầy rượu đế. Trên bàn lỏng chỏng vỏ chai và dĩa đồ mồi vỏn vẹn mấy lát ổi xanh. Tôi đứng lặng nhìn ông già tiều tụy trước mặt, không thể ngờ đó là cậu mình. Dằn cơn xúc động tôi cố gắng trấn tĩnh đứng yên lúc Khoa chỉ tôi hỏi cha.

- Ba có biết ai đây không?

Cậu Ngoạn đặt ly rượu xuống bàn nhìn tôi hồi lâu bằng đôi mắt mệt mỏi lạc thần, cố gắng lục lọi trí nhớ cằn cỗi, cùn mòn vì men rượu. Cậu lắc đầu nhìn Khoa dò hỏi.

- Con trai cô Thu đó Ba!

Có lẽ ấn tượng con-trai-cô-Thu đã giúp cậu liên hệ được hình ảnh thằng cháu ốm nhom mười hai tuổi và gả trung niên râu ria đang đứng trước mặt mình. Đôi mắt cậu sáng lên mừng rỡ.

- Thằng cháu Việt Kiều của tao đây mà. Ngồi xuống uống với cậu một ly rồi kể chuyện vợ con cho cậu mày nghe đi.

Với giọng nói chậm rãi cố hữu, cậu giới thiệu tôi với người bạn rượu. Ông Năm rót đầy rượu vào ly xây chừng.

- Chú mày phải uống cạn ly rượu phạt này mới được. Từ hồi chú mày gởi cái xe lăn mới về, lần nào đua xe với anh Sáu tao cũng bị uống rượu phạt hết. Uống đi chú mày. Quốc nhậu với Cọng quen rồi. Có Việt Kiều về uống cho vui.

Câu chuyện nhà dài bốn mươi năm của hai cậu cháu bị ngắt quãng bởi những tua rượu Gò Đen cay nồng giữa hai người phế binh già và chuyện đời chua chát của chú Năm. Lớn lên giữa vùng xôi đậu ven đô, người anh duy nhất của chú Năm đi quân dịch đóng đồn tận ngoài Trung quá xa xôi nên chú theo du kích cho gần mẹ. Chú Năm sống sót cuộc chiến tranh dài chỉ để rồi bị cụt cả hai chân trong trận chiến với lính Pôn Pốt ở Miên năm bảy bảy.

Chú Năm gục đầu xuống bàn, ly rượu sóng sánh trên tay run rẩy:

- Đời chó lắm. Uống đi anh Sáu. Tui hy sinh suốt đời để tụi nó chiến thắng, giành giựt nhau làm giàu, để rồi không ngó ngàng gì tới lớp lính phế tật như tui.

Người chủ quán từ trong bước ra nói với Khoa:

- Út, mày đẩy Ba về nhà đi. Để chú Năm đó tao lo cho.

Tôi đỡ ly rượu từ tay chú Năm muốn nói lời an ủi nhưng ngôn từ đã là điều không tưởng. Thôi thì hãy để chú Năm ở yên với nỗi buồn của mình. Cậu tôi ngồi gục đầu trong chiếc xe lăn. Mấy câu thơ Vũ hoàng Chương gãy đổ trên đôi môi lạc giọng rã rời say. Ôi ta đã làm chi đời ta. Ai đã làm chi lòng ta...

Bé Huy bước nhỏ nhoi bên cạnh cậu Út của nó. Bóng họ lao đao đổ dài trên con đường trở về nhà. Tôi hớp miếng rượu đế Gò Đen. Tôi muốn được nếm chút đắng cay mà Cậu tôi và chú Năm phải uống trọn mỗi ngày.

Phan thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020