SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

Hình bóng xa mù

Sáng nay mở facebook lại thấy một bài viết cách vài ngày trước tôi đã đọc trên báo điện tử ở Việt Nam. Bài báo đăng hình một người trong ê kíp tách rời hai đứa trẻ song sinh, cái tên ghi trên đầu đề khiến tôi nhớ ngay. Trước đó lâu lắm hình như vào năm 87, 88 của thế kỷ trước, cũng là người lương y này khi ấy đã được báo chí và mọi người trong nước ca ngợi về lần đầu tiên thành công trong việc mổ tách rời hai đứa trẻ sinh ra bị dính đôi, vì nhiều lần vài nơi trên thế giới qua nghiên cứu đã từ chối phẫu thuật chúng. Cùng thời gian đó tôi lại đọc được một bài trên báo phụ nữ phỏng vấn người vợ của vị bác sĩ này về cơ sở làm búp bê vải của gia đình. Chị kể lại ngày còn đi học hay nhận được những con búp bê vải mỗi khi người thân đi công cán nước ngoài mua cho làm quà. Sau năm 75 chị nảy ý tháo rời để xem và mày mò bắt chước làm theo, từ đó chị bắt đầu vào công việc sản xuất búp bê bằng vải.

Tên của chị và chồng bỗng khiến tôi nhận ra và nhớ lại những kỷ niệm về hình bóng thuở thần tiên thời đôi tám trên ghế nhà trường.

oOo

Năm ấy tôi bắt đầu làm em út của lớp buổi sáng. Lớp tôi học nằm trong dãy lầu đối diện chùa Xá Lợi, đứng ở cửa lớp nhìn xéo tay phải là giảng đường của trường. Gần Tết niên học nào cũng vậy, không gian nơi đây bỗng trở nên sôi động khi loa phóng thanh kêu gọi trưởng ban văn nghệ, khánh tiết và báo chí các lớp đến giảng đường để họp. Ban báo chí chuẩn bị bài vở ra mắt cho số báo xuân của trường. Ban khánh tiết cộng tác với vài bạn nam mượn được từ trường Kỹ thuật Cao Thắng đến gắn đèn màu chuẩn bị trang trí hội trường, đón quan khách đến xem triển lãm về nữ công, gia chánh của các lớp. Ban văn nghệ diễn đi, diễn lại đoạn kịch cho khớp với khúc thơ ngâm hòa cùng tiếng đàn sáo réo rắt. Giờ chơi nào tôi và nhỏ bạn cũng đều kéo nhau vào nơi này để xem. Một hôm hai chúng tôi suýt va phải một chị lớp lớn từ trong bước ra ngoài bởi chị vừa đi vừa lo sửa lại cái kẹp tóc phía sau. Đứa bạn bấm tay tôi nói nhỏ :

– Chị này là trưởng ban Khánh tiết kiêm Báo chí toàn trường.

Tôi suýt soa nói với nó :

– Chị này có cái kẹp tóc đẹp quá, khác với những cái kẹp bình thường. Nó được kết bởi một nhánh hoa vải có những cánh hoa nho nhỏ vừa hé nụ bao quanh nhiều búp hoa điểm xuyết trên đám lá xanh cũng bằng vải. Chiếc kẹp này là mode mới hình như từ ngoại quốc mang về.

Nhỏ bạn gắt nhỏ :

– Người không lo nhìn chỉ nhìn cái kẹp, có thấy chị này có dáng rất đẹp không ? Nhìn chị ấy thấy rõ nét đẹp “trong ngọc, trắng ngà” đài các.
– Ừ, mình công nhận là chị này có nét đẹp giống người con gái trong bài hát Mưa Saigon mưa Hà Nội ghê nơi đi.
“… Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường, cùng về chung lối đường …”

Hai chúng tôi đi theo sau lưng chị hướng về phía con đường nhựa, tà áo lụa Hà Đông màu trắng ngà tôn thêm nét thướt tha trong nắng, hình ảnh bỗng khiến tôi nhớ hai câu mở đầu của nhà thơ Nguyên Sa :

– Nắng Saigon anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

Không phải vì bài thơ mà đám con gái thời thượng chúng tôi thích lụa trắng Hà Đông, bởi nó rất hiếm chỉ những người có thân nhân bên Paris mới được họ mang về tặng. Chất lụa khiến người mặc có dáng mảnh mai nhẹ nhàng vì mỏng vừa phải, mềm mại không khêu gợi da thịt. Saigon có tiệm tơ lụa Hồng Hoa đường Phan Bội Châu nổi tiếng, chị em phụ nữ rất thích nhưng chất lụa nơi đây vẫn không giống.

Tôi nói với nó :

– Nhớ hôm qua giáo sư môn hội họa khen bọn con gái chúng mình không ? Cô nói nhìn các em đứa nào cũng là người đẹp hết, cô còn chỉ dạy về dáng đứng tướng đi sao cho uyển chuyển nhẹ nhàng để trở nên đẹp hơn trước mắt người khác.

Cũng giống như phần đông các nữ sinh trong lớp, chúng tôi hay thân với nhau từng đôi. Sau khi chia ban, ở năm Đệ Tam sẽ học chung với nhau cho đến năm cuối ra trường. Trở thành những thiếu nữ dậy thì, không còn chạy đuổi nhau nên giờ ra chơi giữa buổi học, từng cặp nữ sinh đằm thắm đi dạo dài trên con đường nhựa ngăn đôi vườn hoa, hoặc ngồi cạnh nhau trên ghế đá đặt chung quanh các bồn hoa, thỉnh thoảng đứng chụm lại dưới gốc mít trước phòng Tổng giám thị để đếm trên cây có bao nhiêu trái.

Trong trường cặp đôi của chị là nổi bật nhất đến nổi ai cũng biết tiếng, tuy không công khai bầu chọn nhưng mọi người đều ngầm đồng ý cho rằng chị là hoa khôi toàn trường. Con gái đẹp “nhất dáng nhì da”, cả hai chị đều có đủ.
Giờ ra chơi buổi học nào tôi và nhỏ bạn cũng nắm tay đi lòng vòng khắp sân trường. Cặp đôi của tôi cũng không kém cạnh đôi của chị, cũng được “hơi hơi” nổi danh. Nguyên nhân là nhỏ bạn tôi có mái tóc chải úp hai bên ôm lấy khuôn mặt trông giống cô ca sĩ Phương Hoài Tâm và lý do thứ hai được nhiều người chung quanh nhận biết vì tướng đi “điệu chảy nước” không giống ai. Tôi thường hay nghe nhỏ này kể nó được rất nhiều anh khen “Bé xinh quá” khi lần đầu tiên quen nó. Có bạn nhắc tôi coi chừng chơi với nhỏ này chỉ là cái bóng lu mờ làm nền cho hắn nổi bật. Trong lớp không ai dám làm bạn thân bởi sợ bị “lấn át nhan sắc” khi xuất hiện trước mấy anh con trai. Chỉ riêng tôi lại không hề quan tâm điều này bởi còn đi học ba má tôi tuyệt đối không cho quen bạn trai hay có bồ bịch. Với tự tin tôi đánh giá mình không xấu khi nghe cô giáo khen “các em đứa nào cũng đẹp hết, chỉ có con gái tự làm mình xấu đi khi không biết làm đẹp.”

Một bữa nọ lớp tôi được nghỉ hai giờ học cuối vì vắng giáo sư, nhỏ trưởng ban khánh tiết của lớp lôi tôi vào hội trường làm “thợ vịn”, giúp nó vẽ các biểu ngữ chào mừng quan khách đến tham dự lễ phát thưởng cuối năm. Lần này trường tổ chức rất long trọng vì có Tổng Thống và phu nhân chủ tọa. Đang hí húi cầm cọ sơn phết bỗng nghe có tiếng lao xao ngay cửa. Tiếng bà Tổng giám thị rầy rà một bạn mới bị gọi lên hỏi :

– Vì sao em đi đặt chuyện với nhiều người như vậy ? Sao em biết hai em Ngọc và Dung là “đồng tính luyến ái”.

Nhỏ kia lúng túng trả lời :

– Tại … tại em thấy khi ra về hai người nhìn nhau cười.

Chị đứng bên cạnh bà Tổng “mét moi” nói như muốn bắt đền :

– Bộ ai nhìn nhau cười đều là như thế hả. Bây giờ cả trường đồn rầm rộ đến tai fiancé của tôi thì làm thế nào đây ?

Một nhỏ khác đứng kế tiếp lời vào :

– Bịa chuyện xúc phạm danh dự người ta có thể bị thưa ra tòa phạt một đồng danh dự.

Phạt một đồng chưa thấy nhưng trước mắt thấy nhỏ này bị trừ điểm hạnh kiểm là chắc chắn.
Thời ấy ai cũng thấy chuyện chơi thân quàng vai, nắm tay, ngủ chung với bạn bè người đồng giới là bình thường. Đâu có vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức xã hội Việt Nam. Mà cái gì gọi là “đồng tính luyến ái” độ tuổi như bọn tôi ít đứa biết là gì, ra sao và trầm trọng thế nào?.

Sau này nghe “xã” nhà tôi kể : “Thời gian anh du học trường OCS bên Mỹ, khóa học lọt ngay vào giữa mùa Đông trời rất lạnh mặc dù trường có hệ thống sưởi ấm nhưng các khóa sinh chơi thân nhau hay chui vào mền ngũ cùng giường cho ấm. Không ngờ hành động này rất ‘kinh khủng’ đối với người nước ngoài, xem như là bệnh hoạn. Các Sĩ quan liên lạc đại diện cho các khóa sinh phải hết hơi giải thích hành động nắm tay, ôm vai, bạn bè cùng giới ngủ chung giường là thói quen chung của xã hội Việt Nam bắt nguồn từ gia đình chứ không do lệch lạc giới tính.”

Chuẩn bị tất bật mấy hôm cuối cùng cũng đến ngày trong đại. Tôi đứng bên cạnh cánh gà sân khấu nhìn xuống con đường nhựa dẫn thẳng vào phía khán đài. Quan khách được mời ngồi đầy các hàng ghế đợi chào đón nguyên thủ quốc gia và phu nhân đến để bắt đầu khai mạc.

Tôi thấy chị trong hàng ngũ tiếp tân, đi cùng một Trung Úy Quân y Quân chủng Nhảy dù và hớn hở ngồi cạnh anh này. Nhìn nét mặt rạng rỡ, ánh mắt hạnh phúc khi hai người nhìn nhau, tôi biết đây là vị hôn phu mà chị nói hôm nọ, thật là rất xứng đôi “trai tài gái sắc”.

oOo

Dòng đời đưa đẩy chúng tôi những thanh niên thiếu nữ bỗng chốc rơi vào cơn lốc xoáy. Chúng tôi mất đi tuổi trẻ với bao hoài bão hy vọng vào tương lai, giờ chỉ còn là mịt mù thăm thẳm với bóng tối vây quanh. Đành dắt díu nương tựa đi tiếp “Con đường tình ta đi, với bàn chân nhỏ bé …” Dẫu có thế nào vẫn không hối hận hay than van khi đã yêu và chọn lấy làm chồng dù biết “Đời lính chiến mấy người đi trở lại. Chỉ thương cho người vợ chờ bé bỏng chiều quê” trong bài thơ Màu tím hoa sim. Đọc thêm bài báo mới biết anh chị đã kết hôn và có hai con trai. Những ngày anh đi tù vẫn có chị sau lưng anh làm chỗ dựa. Từ những năm đầu thập niên 80 trở đi người người đổ xô ra biển cả sau thời gian năm năm rút kinh nghiệm sống với Cộng Sản. Người ta kháo nhau “Lương một ca mổ của Bác sĩ ngang bằng tiền công một người vá ruột xe đạp lề đường”. Một cán bộ lãnh đạo cao cấp trong chức vụ thủ tướng cố níu kéo, ngăn cản dòng chảy chất xám bằng cách “đổi mới tư duy”, cho phép đội ngũ trí thức được đào tạo trước năm 75 trở lại làm việc đúng ngành nghề với đồng lương hạng bét. Họ được phép ở lại thành phố cống hiến sức lao động tại đây thay vì phá rừng, cuốc đất, trồng rau tại các vùng quê hay khu kinh tế mới. Kể từ đó trí thức đỡ bị cán bộ công an tại địa phương của chế độ trù dập, chửi bới như trước kia.

Báo chí lúc này cho đăng bài thơ của một vị Bác sĩ khoa nhi nổi tiếng như một cách tuyên truyền biện hộ rằng vẫn còn người yêu chủ nghĩa xã hội ở lại phục vụ nhà nước. Bài thơ được đăng rầm rộ trên nhiều tờ báo ngoài ý muốn tác giả, mặc dù ông viết chỉ để trả lời với bạn bè là những nhà văn, nhà thơ. Bài thơ viết rất lâu đến nay gần bốn mươi năm nên tôi chỉ nhớ mấy câu đầu :

“Bạn bè hỏi tôi vì sao chưa ra đi ?
Và vì sao còn ở lại ?
Tôi trả lời : Vì ở đây còn nhiều nợ nhiều nần,
Còn nợ cha tôi một dòng máu đỏ ……”

Với bản chất là nhà thơ nên dùng lời hoa mỹ của văn chương. Nhưng lý do chính xác nhất vị bác sĩ này không dám đề cập khi ở trong hoàn cảnh bất cứ ai cũng vướng mắc.

Đó là tiền và vàng, ngày xưa hành nghề bằng lương tâm đa phần bác sĩ ít người giàu có. Mục đích học y khoa là vì yêu thích, làm bác sĩ để cứu người chứ không vì tiền, sống đời đơn giản, biết đủ là đủ. Niềm vui khi thành công sau ca mổ, cứu sinh mạng người, nhận lời cảm ơn của bệnh nhân và thân nhân họ đủ là vàng bạc, quý báu với các bác sĩ rồi.

Tôi có một người quen đi vượt biên đóng vàng cho nhà nước mỗi đầu người mười hai lượng, gia đình sáu người vị chi là bảy mươi hai lượng thời đó ! Muốn ra đi an toàn phải có khả năng cao như thế, còn đi chui nhủi đánh cuộc trên những chiếc ghe mong manh như lá me trên mặt hồ, khả năng bị bắt bị tù đày thì vô số. Ít nhất một người cũng phải trả năm bảy lượng vàng cho một lần đi. Đa phần sau thời gian không được phép đi làm, còn có rất nhiều người bị tập trung cải tạo, gia đình vợ con nheo nhóc thì tiền, vàng ở đâu ra ? Vì vậy đừng phiến diện đánh giá những trí thức ở lại tất cả đều yêu chủ nghĩa xã hội.

Hơn mười năm trước khi đã ra được nước ngoài và có internet tình cờ tôi đọc một bài viết nói về gia đình vợ chồng chị. Rằng chị đã qua đời vào năm sáu mươi tuổi vì bệnh ung thư.

“Mỹ nhân tự cổ như lương tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Bài viết còn nói chồng chị đã ở vậy nhiều năm, hai con năn nỉ ba nên tục huyền để có người lo cơm nước phục vụ cho mình, chăm sóc sức khỏe bản thân để có thể giúp cho bệnh nhân tuyệt đối an toàn trong các ca bệnh. Cuối cùng nghe nói sau vài năm trở lại đây chồng chị mới đồng ý kết hợp với một điều dưỡng đã làm việc với anh nhiều năm.

Đọc những bài báo trong nước ca tụng chồng chị. Chính sách chủ trương của họ, cướp lấy thành quả công sức cá nhân, công nhận và tung hô những thành công vượt bậc ấy là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, đè đầu quàng vào cổ người ta vòng nguyệt quế “đảng viên”. Đặt để họ ngồi vào chức vụ Đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Mặt trận tổ quốc thành phố, có người còn bị quét màu sơn đỏ lên đầu cổ bằng cách cấp giấy công nhận là cơ sở của cách mạng, bất kể quá khứ trước 75 đã được đào tạo và thành công từ chủ nghĩa tư bản phản động.

Cho dù có làm gì đi nữa mọi người đều thừa biết những chiêu trò người xưa hay nói qua ca dao tục ngữ ám chỉ “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nhưng dẫu hình thức bên ngoài ra sao tôi nghĩ từ trong sâu thẳm những người này họ biết mình là ai, sống thế nào để vẫn tự hào trước gió bão xô lệch, ngả nghiêng cuối cùng vẫn đứng thẳng hiên ngang là “một cây sậy có linh hồn”.

Trong phần tiểu sử cộng đồng mạng viết về chồng chị vào ngày tháng 4/75 mang cấp bậc Thiếu Tá quân chủng Nhảy Dù, sau đó bị tập trung cải tạo tại trại Suối Máu là một trong các trại khắc nghiệt tại miền Nam. Tôi có biết trại này vì vài tháng nếu má bận việc, tôi là người khăn gói đi thăm nuôi cậu thay cho bà. Từ quốc lộ băng vào đi vòng vèo qua các hàng rào kẽm gai, ngồi đợi ở trạm gác chỉ để gửi gói thực phẩm đa phần là khô mắm, có lần cậu tôi xin gởi một ký cám dùng nuôi heo. Sau này mới hiểu để trị bệnh phù thủng ở người không được vận động. Nhà tù là những dãy nhà thuộc trại gia binh khi trước, trong khi chờ đợi tôi nhìn quanh khung cảnh xa xa cố tìm hình bóng của con người nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng thê lương ! Lúc đó trạm gác mở cửa cho một tên cán bộ mặc quần xắn tới mắc cá bên thấp, bên cao như nông dân đang đi chăn trâu, cắt cỏ. Ngồi trên chiếc xe đạp đòn dông cũ kỹ, hắn chỉ có một con mắt, bên kia là chiếc lỗ sâu hoắm làm khuôn mặt rỗ thêm vẻ đanh ác. Bỗng mọi người giật mình khi nghe hắn quát :

– Tao thấy rồi nghe, đừng có chạy mất công.

Hắn phóng chiếc xe đạp vèo vèo như rượt đuổi ai đó. Có tiếng thở dài và nói nhỏ :

– Mấy anh trong đó lén núp nhìn ra ngoài này chắc là bị hắn bắt và trừng phạt quá.

Giới hạn tàn nhẫn cuối cùng lên ngôi đến nỗi một ánh nhìn khao khát xã hội bên ngoài cũng bị cấm đoán. Nhiều năm sau khi cậu tôi được thả về, thuật lại câu chuyện và hỏi vì sao ? Cậu nói :

– Hắn là tên tàn ác nhất trại, người bị hắn bắt sẽ bị quấn kẽm gai quanh người như đòn bánh tét không thể cựa mình và bị mang ra phơi nắng phơi sương.

Đó là lý do tôi nhìn thấy ven con đường mòn có vài nấm đất thấp lè tè đầu có đóng cây cọc gỗ nguệch ngoạc vết khắc tên người, trả lời thắc mắc của tôi thời gian ấy tại sao lại xuất hiện.

Cũng là lần khác, một chị bồng con đứng chờ gởi tiếp tế cho thân nhân, chị sụt sịt rơi nước mắt bị tên quản giáo quát mắng :

– Khóc cái gì, đáng lẽ đem ra bắn bỏ, được khoan hồng tha chết còn khóc hả ?

Nước mắt nuốt vào trong, ai cũng hiểu không bắn chết ngay để đày ải chết dần mòn, tinh thần và thể xác cái chết nào nặng nề hơn.

Bây giờ gần tám mươi tuổi, qua bài viết về người thầy dạy y khoa của một học trò gửi lên net. Tôi biết niềm vui hiện tại khi vắng bóng người vợ đầu ấp tay gối của chồng chị là mang toàn tâm, toàn sức chữa bệnh và dạy học, truyền bá kinh nghiệm cho thế hệ sau đúng như lời thề Hippocrates. Bên cạnh đó nổi bật hơn hết là những người đã từng khoác áo quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, họ vẫn ‘Can trường trong chiến bại’ (*) Ở trong mọi hoàn cảnh vẫn trung thành mang trên mình lời thề Tổ Quốc Danh Dự Trách Nhiệm.

Cỏ Biển
Mùa hè 2020.
Năm thế giới chống chọi với china virus.

(*) Tựa đề một cuốn sách của Hải Quân Đô Đốc Hồ văn Kỳ Thoại.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020