SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

NẮNG PARIS

Nhân kỷ niệm 200 năm Cách Mạng Pháp, phái đoàn VN khăn gói quả mướp đi Paris theo thư mời của giám đốc công ty cung cấp thiết bị dây chuyền sản xuất Bột Giấy để tìm hiểu về các loại máy công nghệ và du ngoạn xứ Tây.

Sau chuyến bay dài cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt và quá cảnh Thái Lan, chiếc AIR FRANCE hạ cánh êm ru xuống phi trường Charles De Gaulle (CDG) lúc 6 giờ sáng tinh mơ.

Ngày 14 tháng 7 năm 1989, ngày Quốc Khánh và kỷ niệm 200 năm Cách Mạng của Pháp, ngày lễ lớn rơi vào ngày thứ sáu, dân Tây được 3 ngày nghỉ nên phố xá vắng hoe, dân Mít chộn rộn khám phá thủ đô ánh sáng.

Paris đang vào hạ mới sáng sớm trời đã lên nắng, chúng tôi xếp hàng qua cổng quan thuế (hải quan là quan thuế ở bến cảng khác với phi trường, vixi dùng chữ tối nghĩa), hành lý gọn nhẹ chỉ mất 30 phút chúng tôi được đại diện đối tác đón và đưa về nhà khách của sứ quán VN quận 6 Paris.

Sau khi nhận phòng tắm rửa thay quần áo, chúng tôi lang thang trên đại lộ Montparnasse tắm nắng theo dòng người đổ ra đường đông nghẹt, đi mỏi mệt nhưng chúng tôi vui với Paris mừng lễ lớn. 

***

Chuyến đi hy hữu đầy bất ngờ lẫn trắc trở này bắt nguồn từ công trình xây Phân Xưởng Bột Giấy của Nhà Máy Giấy Tân Mai do Pháp viện trợ cho CHXHCN VN.

Ông F. Polack giám đốc Công ty SOGEE trong quận 8 Paris trúng gói thầu lớn của chính phủ, ông thần trên bẩy mươi tinh anh, tính toán giỏi không thua dân chơi xì phé.

Ông sinh trưởng trong gia đình Do Thái lớn lên tại Ba Lan, năm 17 tuổi ông qua Pháp xin một chân công nhân trong xưởng tái chế giấy cũ, lâu ngày lên chức cai trông coi nhóm thợ máy.

Nhờ tính ham mê học hỏi đủ thứ trên đời nên được ông chủ trọng dụng giao thêm cho ông thu mua giấy vụn kiêm thủ kho, phụ trách sổ sách…

Chủ xưởng Giấy thích anh nhân viên trẻ có chí lớn nên trước khi về hưu ông bán rẻ xưởng giấy cho anh mong anh tiếp tục phát triển cơ ngơi của gia đình ông.

Ông thần Polack mơ không thấy nổi dịp may chỉ đến một lần trong đời, gật đầu bừa, mất ăn mất ngủ cả tuần ông mới định thần mình thật sự làm chủ một xưởng giấy nhỏ.

Làm chủ vài năm, ông chà xi đánh bóng xưởng giấy ngon lành rồi bán lại, một vốn bốn lời.

Từ đó ông chuyển qua nghề mua hãng cũ tân trang bán kiếm lời, sau vài thập niên kinh doanh ông nổi tiếng trong ngành giấy, kiêm thêm chức cố vấn ở Á Châu đã vực dậy vài hãng giấy đang tuột dốc tại Thái Lan, Singapore, Ấn Độ….

Chương trình viện trợ chuyên gia kỹ thuật hoặc xây cất công trình sản xuất giấy của chính phủ Pháp được con gái ông là nhà báo tuồn tin nóng hổi cho ông trước khi phát hành báo, nhờ đó ông mới trúng thầu phân xưởng Bột Giấy Tân Mai.

Làm việc với Tân Mai hơn 5 năm, mỗi lần trà dư tửu hậu ông hứa và hẹn sẽ mời cán bự Tân Mai du lịch xứ Pháp cho biết với người ta, ông thần đổi họ Hứa hồi mô mà nói hoài không sợ thụt lưỡi.

Tỉnh rượu, hứa với hẹn bay theo mây gió, khổ nỗi cán bự cứ ghi tạc tâm can nên nỗi niềm, « nỗi lòng người muốn đi » cứ ray rức mãi trong tim, hễ gặp ông thần Polack là tim gan cán bự lộn nhào.

Bữa tiệc cuối năm 1988, Tây Ta cụn ly tiễn năm cũ sắp qua chúc năm mới đạt nhiều Thắng Lợi.

Tôi run vì biết rượu vào thế nào ông thần lại hứa bừa như thông lệ, tội thân tôi thích uống rượu nhưng rượu bỗng chát chúa mất ngon khi phải chuyển lời « đòi nợ đi Tây » của xếp.

Y như rằng xếp bự ực hết Ly Đỏ, bảo tôi dịch thẳng thắng cho ông thần thông suốt ý xếp như ri :

- Ông nghĩ gì ngày lễ quốc khánh Pháp vào tháng 7 năm sau ?

Ông thần nhíu mày rồi trả lời lãng xẹc :

- Dĩ nhiên tôi sẽ về Paris trước tháng 7 nghỉ hè với gia đình, và trở lại VN vào tháng 8.

Xếp tức cành hông, hạ quyết tâm đòi nợ một lần cho xong kẻo lại nghẹn như những lần trước thì hỏng chuyện đại sự :

- Thế ông không nhớ ngày 14 tháng 7 sang năm Pháp kỷ niệm 200 năm Cách Mạng sao, giá chúng tôi được tham dự ngày lễ đó thì thật là vinh quang (vinh hạnh) cho chúng tôi lắm.
- Ừ nhỉ, thế mà tôi không nghĩ ra.

Ông thần phán một câu ngắn ngủn dễ giận thật, không bỏ cuộc, xếp rót thêm rượu vào ly, cụng ly ông thần một cái, tiếng pha lê va vào nhau nghe lạnh gáy.

Xếp nhìn tôi hạ lệnh, cháu dịch tận tình ý của chú nhá, tôi hiểu mình phải uốn lưỡi 77 lần 7 nếu không muốn bị đuổi việc vì « không hoàn thành nhiệm vụ », sinh nghề tử nghiệp là đây.

Xếp cười, giọng đanh lại :

- Ông còn nhớ mấy lần ông hứa mời chúng tôi đi Paris chứ, ngày lễ lớn 200 năm của Pháp lần này nếu ông không mời chúng tôi, ông sẽ hối tiếc nếu sau này ông có ý mời chúng tôi sẽ dứt khoát từ chối.

Nghe giọng trịnh trọng của xếp, ông thần Hứa Lèo nhìn tôi đăm đăm, tôi thầm mong ông giải quyết món nợ lèo cuội này để tôi tránh phải lạng lách giữa hai lằn đạn.

Tôi nhìn ông thần cười như mếu, bố bảo tôi chả dám khai thật xếp đưa tối hậu thư, tôi thỏ thẻ :

- Xếp tôi chờ mòn mỏi chuyến đi Tây ông hứa mấy năm nay, thôi thì một công đôi việc, thay vì chờ thêm 100 năm nữa mới có con số trăm tròn trĩnh 300 năm Cách Mạng Pháp, lúc đó chúng ta đều ra người thiên cổ, chi bằng ông mời xếp tôi ngay kỷ niệm 200 năm như xếp tôi nhắc nhở còn gì quý hơn.

Tôi tin đề nghị của xếp tôi là một sáng kiến hay không chê vào đâu được, hơn nữa công trình cũng sắp hoàn thiện, đâu còn cơ hội nào tuyệt hơn.

Xếp lại nhìn tôi vì thấy tôi lắm lời, rồi nhìn ông thần đang đăm chiêu, tôi chơi lá bài cuối cùng:

- Tội xếp tôi cứ hy vọng mấy năm liền làm tôi cũng nôn nao, tôi cũng muốn đi Paris một chuyến cho biết với người ta, bảo đảm tôi sẽ có quà đặc sản VN biếu bà nhà, ông đồng ý chứ.
- Bà nói đúng, nhờ bà nói lại tôi sẽ mời phái đoàn Tân Mai sang Pháp vào dịp quốc khánh năm tới.
- Cảm ơn ông vạn lần, tôi rất vui báo tin mừng với xếp tôi.

Dứt lời tôi cầm chai rượu rót thêm cho mọi người, mời tất cả cụn ly mừng chiến thắng chuyến đi Pháp sắp tới, xếp Tây Ta nhìn tôi cười vui vẻ không ngờ tôi tự động « cướp lời » của mấy xếp.

Xếp của tôi ôm chầm ông thần cảm ơn rối rít, quay sang tôi, xếp khen :

- Phải thế chứ, lời nói có gan có thép Tây mới ngán, cháu giỏi lắm.
- Cảm ơn chú, cháu chỉ làm đúng nhiệm vụ được giao phó đó thôi.

Tôi cầm ly rượu ra góc phòng tiệc nhâm nhi tự thưởng một mình ên, làm việc lâu năm với cán cuốc tôi biết mình phải « chuyển ngữ » cho phù hợp để hạ hỏa khi đôi bên bất đồng ý kiến.

Dân Tây phương nói năng lịch sự, kiểu cách nghe êm tai lắm nhưng nói vậy mà phải vậy, người nghe phải biết ranh giới « hư thật » mà liệu hồn, Đông Tây không gặp nhau ở điểm ni.

Hú hồn tôi vừa giải quyết xong bầu tâm sự nặng trĩu của xếp trước khi tôi bể bầu thằng út dù cái bầu của tôi tuy nặng ký mà không rối rấm như xếp, thôi thì ba mặt một lời cho xong giấc mộng lớn của xếp cũng là cơ hội ông thần chừa cái tật hứa lèo.

Đầu năm tôi sinh thằng út, được nghỉ 6 tháng ăn lương vì chấp hành tốt luật của nhà nước sinh con cách nhau 5 năm, tôi lịch sự chán, thằng em sinh sau thằng anh đến 8 năm.

Đang nghỉ ở nhà, cô thông ngôn thay tôi làm việc trên Tân Mai đến nhà tôi báo cáo « sự cố ».

Thư mời phái đoàn VN đi Pháp ghi rõ, chuyến đi hai tuần lễ, đến Paris vào ngày 14 tháng 7 năm 1989, sau đó đi tìm hiểu một số hãng cung cấp máy công nghệ cho quy trình sản xuất Bột Giấy Tân Mai ở Lille, Rouen, Grenoble…

Cán cuốc chưa kịp mừng vì đính kèm thư mời ông thần chơi trác mua 5 vé máy bay khứ hồi đi Paris để cho cán cuốc tự chia chác, tự xử với nhau.

Ai còn lạ gì cán bự, cán bé đi « nước ngoại » để làm kinh tế (kinh doanh) là chính, công tác vui chơi là phụ, khổ con số 5 không là con số chẳn để chia chác đồng đều mới sinh chuyện.

Ông thần Polack chơi ác liệng lựu đạn nổ banh xác tình đồng chí đồng rận của cán cuốc Bắc Nam.

Cán cuốc Bắc Bộ là cơ quan ngoại thương Hà Nội đã ký hợp đồng với chính phủ Pháp đòi 3 vé nhờ công trạng của họ Tân Mai mới có Phân Xưởng Bột Giấy.

Cán bự Nam Bộ cũng đòi 3 vé vì mấy năm nay Tân Mai « lao động » cần cù với Tây, trong khi Hà Nội chỉ ký hợp đồng một lần vểnh râu ngồi chơi, thỉnh thoảng có cớ vào Sàigòn ăn nhậu xả láng.

Hai đầu Bắc Nam cãi cọ ỳ xèo vẫn chưa ngã ngũ, thế mà Passport của mấy xếp Bắc và Nam đã làm xong, visa xuất cảnh VN, nhập cảnh Pháp đều hoàn tất, vậy là vé thứ 5 dành cho ai ?

Trước khi ra về cô thông ngôn hỏi đố tôi :

- Chị đoán được người thứ 5 là ai không ?
- Chuyện dài XHCN khó đoán lắm, họ toàn làm chuyện ruồi bu không giống ai nên chị chịu thua.

Đầu tháng 6, xếp gọi tôi lên Tân Mai, chìa cho tôi tập hồ sơ hành chánh phải làm để đi Pháp với phái đoàn VN.

Tiễn tôi ra cửa xếp cười tươi rói :

- Nhờ cháu dịch hết ý của chú mới có kết quả hôm nay, ông Polack này ghê thật, đưa 5 vé với ý đồ rõ ràng mà chả ai chú ý, Nam Bắc 4 vé, vé thứ 5 phải dành cho thông ngôn chứ bốn mạng đi Paris mà không nói được tiếng Pháp thì hỏng việc.

Cầm tập hồ sơ tôi chạy lên sở Ngoại Vụ xin giấy xuất cảnh, may gặp một cô bên Anh Văn trong lớp Ngoại Ngữ sau năm 75 nhận ra tôi học cùng ĐH Văn Khoa nên hai hôm tôi có con dấu xuất cảnh.

Chạy qua Lãnh Sự Quán Pháp nhờ giấy giới thiệu bên Công An và thư mời của công ty SOGEE, tôi nhận hồ sơ về nhà điền để hôm sau mang đến nộp.

Nhân viên xem thư mời, lục tập hồ sơ của đoàn VN ra xem rồi thắc mắc :

- Đoàn này làm xong hết giấy tờ lâu rồi, sao bây giờ bà mới nộp đơn ?

Làm sao bà đầm hiểu chuyện đi buôn ở hải ngoại là chuyện sống chết của cán cuốc, ngay tôi còn không tin mình được chọn đi công vụ vào giờ cuối, nói chi bà.

Tôi thành thật khai báo nhưng chỉ một nửa sự thật thôi :

- Tại tôi đang nghỉ sinh con không có mặt tại sở làm, hơn nữa tôi là dân VNCH làm sao được tiêu chuẩn ưu tiên như cán bộ đảng viên.

Bà cười ra điều hiểu chuyện nên tha cho tôi không hỏi thêm câu nào nữa, hôm sau tôi trở lại nộp đơn, một tuần sau vào Lãnh Sự Quán phỏng vấn, chờ thêm một tuần tôi mới có con dấu nhập cảnh của Pháp.

Ngày lên đường chúng tôi 5 mạng có mặt sớm tại phi trường Tân Sơn Nhất, 4 cán bộ đảng viên Bắc Nam có ba ông và chị Kim làm việc tại Sàigòn tôi quen chị trong mấy buổi họp ngành giấy, chị là đồng minh của tôi trong chuyến đi này.

Nhờ tiêu chuẩn « đi công vụ » nên thủ tục được giải quyết nhanh gọn lẹ, cả đám kéo nhau vào phòng chờ đến giờ qua cổng quan thuế, ngồi chưa nóng mông, loa phóng thanh gọi tên chị Kim ra ngoài kiểm tra giấy tờ.

Chị sợ mất vía, mặt xanh lè thất thểu đi ra ngoài sảnh phi trường, một lúc sau chị trở về mặt tươi rói, giải thích chị quên ký tên vào sổ của công an Tân Sơn Nhứt.

Ngồi bên tôi chị tâm tình :

- Bồ biết không lúc bị gọi tên mình run lắm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây.

Tôi ngớ người, nhìn chị đăm đăm :

- Chuyện gì là sao hả chị ?
- Ai biết được giờ chót có người thay tớ đi chuyến này.
- Sao lạ vậy, làm sao người ta biết chị đi Tây mà lấy chỗ của chị.
- Bồ ngố thật, chuyện bị lấy xuất đi nước ngoài vào giờ chót xảy ra hoài đó thôi.
- Mà ai biết chị đi mà thay chỗ ?
- Chán bồ thật, thì nhân viên cùng cơ quan, con ông cháu cha chứ ai.

Tôi gật đầu thông cảm với chị đồng thời nhận thấy mình ngố như chị nói, may mà dạo đó thông ngôn Pháp ngữ hơi hiếm nên cái vé của tôi không lọt vào tay cán cuốc nào đó.

Chuyện cũ hơn 30 năm rồi, nghĩ lại tôi hay cười một mình, cũng nhờ xếp tôi « kiên trì chiến đấu » ăn thua đủ với ông thần họ hứa tôi mới được hưởng sái, rong chơi phơi nắng Paris suốt hai tuần.

Một lần nữa ngày Quốc Khánh Pháp lại trở về với cơn nắng kéo dài cả tuần nay, Paris lúc nào cũng đẹp, lãng mạn trong mắt du khách dù trời mưa hay nắng,

Mùa hè gợi nhớ thuở ban đầu lưu lạc xứ này và những ngày hè nhiều năm sau này tôi rong chơi khắp phố xá với bạn bè đến từ phương xa, cố chụp tấm hình ngập nắng để bạn mang về nhà một chút Nắng PARIS làm kỷ niệm.

14 Juillet 2020 / Đoàn Thị

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020