SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

Ngày Tháng Đổi Đời

Lê Minh Sang

Đó là khoảng thời gian chờ đợi ngày trình diện Ủy Ban Quân Quản sau 30/4/75 với lời chỉ thị, "Mang thực phẩm cho mười ngày học tập".

Một tài năng trác tuyệt của "đỉnh cao trí tuệ" cho phần chơi chữ nghĩa !

Người người ngậm ngùi cho những mất mát, chia lìa. Con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con. Bạn bè lưu lạc chân trời góc bể, đứa còn, đứa mất.

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị Quê Hương ruồng bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
(Vũ Hoàng Chương)

Tôi, một mình, đứng ngoài lề không khí hả hê, vênh váo, dzui mừng của những người anh em chiến thắng từ miền núi rừng với đôi dép râu, nón tai bèo và những khuôn mặt xương xẩu ghé “thăm” gia đình

Sài Gòn ơi! ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh nguồn
(N.Đ. Toàn)

Gần 3 năm luân lưu từ trại tập trung nầy qua cái gọi là trại cải tạo khác, bạn bè ly tán, đứa bỏ mình trong trại, đứa vượt ngục, may mắn trốn thoát được trại tù thì cũng chẳng dám mò về quê, phần lớn thì bỏ thây vì đói khát và kiệt lực giữa núi rừng, có một số bị bắt lại và dĩ nhiên không thể nào trốn thoát được những đòn thù của cán bộ.

Phần lớn những anh em cấp tá bị đưa ra núi rừng Việt Bắc. Thằng nào có vợ con rồi thì cũng bặt tin dần theo năm tháng. Bởi "người anh em" đầy lòng thù hận bên kia đã muốn chiếm đọat đến tận cùng tài sản của những gia đình " ngụy quân, ngụy quyền" Tất cả, hoặc phải đi vùng kinh tế mới tự khai khẩn đất hoang, núi rừng, nơi đất cày lên sỏi đá, hoặc phải bỏ tất cả tài sản, cửa nhà về quê sinh sống, ăn bám Nội, Ngoại. May mắn và có điều kiện hơn thì tìm đường vượt biên. Thê thảm hơn thì nhận được lời nhắn qua Mẹ già lên thăm nuôi, "mình chịu khó học tập tốt, thành khẩn khai báo, cố tìm kiếm tội lỗi tày trời nhét dzô bản kiểm điểm hàng tháng, rồi Bác và Đảng sẽ kíu xét cho dzìa sớm, nhưng không được đoàn tụ dzới dzợ con đâu đấy nhé. Xin mình tha thứ, em đành ôm cầm qua thuyền khác trước là để con anh không bị "ní nịch" xấu có cha là ‘Ngụy’. Vĩnh biệt tình anh..."

Có một lần, trong đời, sống trong tận cùng nỗi khổ đau, sống trong cùng cực của kiếp người mới đo được lòng nhân bản, mới biết được cõi đá vàng,

Có một lần mất mát mới thương người đơn độc
Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu
Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về
Có một đời khóc than mới hiểu đời đá vàng
(V.T.An)

Từ trại tập trung Long Khánh, sau lần kho đạn nổ, một số anh em lại lên xe bít bùng giữa đêm khuya về Trảng Lớn, Tây Ninh.

Vẫn là bản tự kiểm hàng tuần, lên lớp nghe mấy cán ngố lải nhải. Mãi hơn một năm sau mới được thăm nuôi và được đi ra khỏi trại lên rừng đốn củi. Thế nhưng sau đó có vài anh em lợi dụng tình thế trong rừng vắng, trốn về nhà và chúng tôi bị nhốt lại trong trại không còn có dịp ra ngoài hít thở chút không khí "tự do".

Cuối cùng tôi cũng nhận được giấy "học tập tốt" về với gia đình sau gần 3 năm bị giam cầm trong trại học tập. Trong lòng mở hội, sướng như điên. Tôi nghĩ chắc cũng "hồ hởi" cỡ Tố Hữu, nhà thơ lớn miền Bắc, thuở thiếu thời đã dạt dào cảm xúc sướng rêm mé đìu hiu, thốt lên lời tận trái tim,

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tìm
Hồn tôi là cả vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Thật là khác xa một trời, một vực với

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Giời ạ ! Ngay cả tiếng đầu lòng của thằng mắt xanh mũi lõ Liên Xô cũng nào biết Stalin là ông mô.

Tôi tự hỏi, bài thơ ni mà được dịch qua tiếng Nga, tới tay ông Trùm Stalin. (đã bị hạ bệ ở cái nôi CS), hẳn ông cũng cười ngất cho một tài thơ nịnh hót.

Tôi không dám về trại từ giã bạn bè, dù tiếc cây đàn guitar tự chế mà thôi đành. Không quay lui, nhìn lại. Tay giữ khư khư tờ giấy màu vàng nhạt có con dấu đỏ như ôm một báu vật.

Từ từ, chậm rãi từng bước một, cứ y như là đi dạo phố (mừng được thoát trại, và chỉ muốn ba chân, bốn cẳng chạy bay biến khỏi cổng rào nhưng không dám, bởi sợ mấy anh vệ binh tưởng mình trốn trại làm cho tràng AK thì ô hô, a ha...)

Tạc vội vào quán nước ven đường cách cổng rào vài chục thước, tôi nữa như muốn hội nhập làm người dân bình thường, nữa thèm quá ly nước đá chanh đường.

Dòng nước mát ngọt lịm thấm dần qua bờ môi, len lỏi qua từng kẻ chân răng vàng đục khói thuốc lào Cái Sắn. Rít và tận hưởng từng hơi thuốc thơm lừng. Ém hết khói cho la đà chạy vào buồng phổi vốn đã khô cằn năm tháng. Sướng hơn phê nàng tiên nâu và gối đầu trên đùi em Hà Tiên trắng nõn ngày nào.

Quẳng xuống hố thẳm, vực sâu tháng ngày qua. Tất cả chỉ là lẽ vô thường. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Đời người hữu hạn. Thôi chấp nhất và hết hận đời.

Nói như nhà thơ Tô Thùy Yên, không một chút oán hờn, trách móc, không một chút hận thù.

Ta về cuối mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
...
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Về tới nhà ba mẹ ở Gò Vấp rồi mà vẫn còn như người mộng du. Sợ, sợ, và sợ... sợ đủ mọi chuyện trong cuộc sống nầy.

Một mình, thui thủi trong tận cùng nỗi đơn độc bủa vây. Cứ như mình không còn người thân yêu nào trên cõi đời nầy và chẳng còn biết bám víu nương tựa nơi mô. Sống ru rú trong nhà chờ ngày rời Saigon, thành phố thương yêu mang nhiều kỷ niệm của “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”, những “con đường có hàng cây lá xanh gần với nhau”. “Em tan trường về, Anh theo Ngọ về...”

Thạnh Mỹ, một làng nhỏ nằm ven đường xuôi về Đơn Dương, Đức Trọng, đổ về Cam Ranh, Nha Trang. Hướng ngược lại, lên Ngã Ba Phi Nôm về Đà Lạt, hoặc xuôi Nam về Bảo Lộc, Sài Gòn.

Trước khi theo Ba Mẹ về xóm Thượng, tôi ở với gia đình bà chị thứ Sáu một thời gian. Sau đó qua sống chung với gia đình anh chi Năm và các cháu Tuyển, Oanh, Yến, Hùng Lân, Loan, Thông, Bình, Minh... Thời gian nầy tôi theo phụ lái máy cày cho ông anh con nhà Bác, cũng đỡ phải chân lấm tay bùn.

Thỉnh thoảng khi kiếm được chút đỉnh tiền càfê qua việc "cày chui", tôi vội vàng trốn lên Đalat ghé thăm gia đình thằng bạn (có mấy cô em gái dễ thương) cùng xuất thân từ quân trường Hải Quân OCS (Officer Candidate School) hoặc lan sang sân cù tìm lại chút hương xưa.

Ba Mẹ.

Hình như cha mẹ nào nhìn con cái chưa lập gia đình và cho dù chúng đã đến tuổi trưởng thành, hay đã lập gia đình rồi đều nghĩ là mình vẫn còn bổn phận phải chăm lo chúng.

Tôi thương hoàn cảnh Ba Mẹ tôi đã già mà phải rời bỏ ruộng vườn nhà cửa, giã từ làng quê mồ mả Ông Bà, để vào Saigon.

Tưởng an bình tuổi già nơi xóm Loon, Ba Mẹ lại phải theo gia đình anh chị về trông coi khu vườn nhà Gò Vấp. Vẫn còn long đong vì thằng con út không được sống ở thành phố sau khi xuất trại, Ba Mẹ lại lần nữa quay về Thạnh Mỹ vất vả vì con ở tuổi nhẽ ra Ba Mẹ được hưởng nhàn.

Trong một im lặng chừng mực nào đó, con cảm nhận được từ Ba một chia xẻ thương yêu cho những ưu tư muộn phiền, những lẻ loi, đơn độc nơi con. Con đọc được từ Ba Mẹ những xót xa, cam chịu nhọc nhằn với cảnh đời thay đổi của con.

Cho tới bây chừ, khi viết phần đời nầy, con vẫn tự hỏi tại sao con có thể sống một cách hồn nhiên như cây cỏ, không một bận tâm, lo toan ngay cho chính bản thân mình. Đã 27 tuổi đời, Ba mẹ đã già yếu, thế mà không hề để ý tới cuộc sống áo cơm hàng ngày. Lái máy cày cho hợp tác xã mà cũng không biết có được lãnh lúa gạo nào chăng. Không biết Ba mẹ lấy gạo lúa, mắm muối từ đâu cho bữa ăn. Cũng chưa hề bận tâm nếu một mai Ba mẹ qua đời thì cuộc sống mình sẽ thế nào…

Chắc là cũng một bất chợt nào đó, muốn kiếm đại “mụ dzợ chân lấm tay bùn” không cần chữ với nghĩa, chứ đừng nói chi tới chuyện chia xẻ tâm tình ấm lạnh.

Hèn người, đôi lúc, cũng muốn kiếm mảnh đất hình tam giác nào đó cày không công rồi "tiến nhanh tiến mạnh" tới chuyện đời thường.

Thế nhưng,tôi đã tìm thấy em trong cõi đá vàng nầy,

Bên em, tôi có thiên đường cạnh nỗi đau". Nói như TCS.

Biết thế, nhưng tôi cứ để bản ngã níu kéo cùng em bước xuống cơn đau.

cho nhau hết cả mê say
cho nhau chất ngất thơ ngây
trên cánh môi say,
trên ngón chân bước về tình buồn tình buồn
(LUP)

Tụi tôi, hai tâm hồn đơn chiếc tìm đến với nhau để trống vắng thôi không còn bủa vây, để bóng đổ không còn một mình và… để sống qua tháng ngày với cảnh đời thay đổi cho cả hai, nơi làng quê hẻo lánh nầy.

U.V., tên nàng như một định mạng. Mới lọt lòng V. đã mồ côi Cha sau cuộc đổi đời,

V. không đẹp sắc sảo như Đ. và cũng không kiêu sa như KA, (nằm trong nhóm CTY Gia Long, Saigon thập niên 70) nhưng ở V. có sức thu hút kỳ lạ ở nụ cười với chiếc răng khểnh cùng đôi mắt gợn chút u buồn xa vắng. Tôi gặp V. khi nàng đang hướng dẫn các em học trò trong làng ca múa cho lễ lộc gì đó. Cả hai, như đọc được và cảm thông sâu xa cho một tâm hồn lẻ loi ngay từ buổi gặp gỡ lần đầu tiên.

Ngay sáng hôm sau tôi tìm đến với V.

À thì ra ngày xa xưa, nàng đã từng là cựu học sinh trung học Nguyễn Bá Tòng, Saigon. V. đã thấp thoáng thấy và nghe nói về một Sĩ quan Hải Quân thỉnh thoảng về thăm Ba Mẹ trong xóm Thương.

Sau hai lần gặp gỡ và một lần đang ngồi uống càfe đầu làng chờ đi cày thì chợt thấy V. đang chờ lên chuyến xe đò đi Đà Lạt. Tôi ba chân bốn cẳng phóng theo cho kịp chiếc xe đò Lạc Lâm/Đà Lạt. Bỏ qua chuyện cuốc với cày. Theo em trước đã. Kể cũng vui vui, còn có dịp “theo em” ở tuổi không còn cắp sách đến trường!

Sau đó là những hẹn hò quấn quít không rời.

Yêu nhau giữa đám rong rêu
Bên gìong nước cuốn lêu bêu
(LUP)

Chúng tôi yêu nhau như thú hoang ngoài đồng. Có khi bờ sông bên ni, có lúc mé rừng bên kia, hoặc trong căn chòi hoang nào đó. Cây cỏ, chim muôn, thiên nhiên chứng giám cho cuộc tình ôm- em- trong- tay- mà- ngỡ- như- mình- sắp- mất.

Bởi khó lòng tìm được cho những lần đến với nhau, nên chi hễ gặp là quấn quít, là quên đời, là để yên cho những vùng thịt da nóng bỏng tìm đến nhau cấu cào, là môi hôn đền bù cho dại khờ nỗi nhớ, là hơi thở đứt khoảng nồng ấm cho nhau,

Cuộc tình vụng trộm, lén lút nào ở cái làng nhỏ bé nầy rồi cũng có ngày “bờ ê bê hỏi bể”

Dân làng đã bắt đầu thầm thì to nhỏ về "sự liên hệ bất chánh" giữa anh chàng S.Q. Ngụy và cô giáo dạy trường làng
Mẹ V. tìm gặp tôi khuyên nhủ. Chi tôi cũng tìm V. to nhỏ cho cuộc tình nầy. Tôi cũng đã hứa với Mẹ V. là sẽ cố gắng chấm dứt, rời xa V..

Thời gian nầy cả hai hình như cũng cố gắng gặm nhấm nỗi nhớ, tránh tìm kiếm nhạu. Năm khi mười họa, qua những buổi chiếu phim, văn nghệ ngoài trời mới có cơ may gặp nhau. Rồi vài lúc, cũng không kiềm hãm nỗi nhớ lại lén lút đến nhau. Chỉ cần một khoảnh khắc gặp cũng đủ cho những nụ hôn nồng cháy không rời, tê điếng thịt da cho đêm về day dứt nhớ thương.

Tôi nghiệm lại, hễ cứ mỗi lần lâm vào cảnh bế tắc mà bản thân không tài nào giải quyết thì cũng có một hanh thông diệu kỳ. Cám ơn đời.

Một lần vào Hải quân tưởng hụt mất, may nhờ chú Trợ cứu bồ.

Một lần sém bị mê hoặc bởi nàng tiên áo trắng ở Qui Nhơn, thì được lệnh thuyên chuyển về Phú Quốc.

Và lần nầy, đang rối bời với lời hứa danh dự, vĩnh viễn rời xa xứ nầy mà vẫn chưa biết cách nào thi...may sao được em gái bạn HQ cùng khóa từ Đà Lạt ghé nhà báo tin, có một tổ chức vượt biên từ Phan Thiết cần thuyền trưởng lái tàu.

Tôi như nắng hạn gặp mưa, như cá gặp nước. Không một đắn do, do dự tôi nhận lời ngay. Bởi đây là cách duy nhất vĩnh viễn rời xa V., tạ lỗi với Nh. người đồng cảnh ngộ, và cũng là con đường duy nhất đi tìm sự sống còn cho chính bản thân mình trong muôn vàn hiểm nguy chờ đón.

V....Vĩnh biệt tình ẹm.

Ngày, giờ X sẽ có xe đón tại ngã ba Phi Nôm về Sai Gon...

Đêm cuối cùng, tôi chui dzô nằm giữa Ba Mẹ như hồi còn bé. Hết tìm hơi ấm nơi Mẹ lại xoay người ôm Ba như một kiếm tìm niềm tin yêu và sức mạnh để ra đi.

Gà gáy canh một, núi rừng vẫn còn mê ngủ. Gà gáy canh hai, Ba biểu tôi chuẩn bị. Mẹ cũng đã gói sẵn nắm xôi cho tôi lót dạ để cuốc bộ ra ngã ba Phi Nôm.

- Dạ, Con đi.

Mẹ khoác lên người tôi chiếc áo ấm đã sờn vai.

Lần đầu tiên trong đời, Ba ôm tôi như chuyền sức mạnh và sự sống.

Tôi ôm Mẹ, tấm thân gầy bởi tháng ngày tần tảo.

Không dám quay lui, nhìn lại. Tôi, một mình, đếm từng bước chân xa lìa xóm Thượng.

Saigon,1979, Ngày tháng bụi đời, Vượt biển

Tôi được tổ chức vượt biên chu cấp giấy tờ tùy thân, tạm trú căn nhà sau Đại Học Vạn Hạnh. Mua hải bàn, hải đồ. Ôn bài vở hải hành, thọ giáo thêm ông thầy dạy Hàng Hải Thương Thuyền Phú Thọ chờ ngày giờ Y.

Ghé thăm chị Lan và cho biết ý định vượt biên. Chị rất vui và sẵn lòng che chở thời gian tôi ở Saigon. Chị có ý muốn gởi Diễm cho chuyến vượt biên nầy, "nhờ cậu Sang chăm sóc”.

Diễm đẹp, dễ thương và ngoan hiền ở tuổi 12 hay 13 bấy giờ. Chỉ cần chờ 5 năm nữa, Diễm sẽ tròn 18 và mình chỉ mới 32.

Nhớ tới bài thơ "Tuổi 13", tôi mỉm cười vu vơ.

Tôi biết em từ dạo
Em mới tuổi 13
Tôi "yêu" em từ dạo
Em còn tóc xõa vai

Saigon của những năm sau 75, những tổ chức ra đi bán chính thức của nhà nước muốn tống khứ người Trung Hoa khỏi VN, thì những thuyền trưởng Hải Quân rất chi là có giá. Được tổ chức vượt biên lo ăn ở, cư xử hậu hỉnh. Giá "thuê" thuyền trưởng thời bán chính thức là 13 cây vàng, nếu độc thân.

Gia đình nào cũng muốn "nuôi" thuyền trưởng" trong nhà để được "ăn theo". Không ít mấy em con nhà lành không có tiền thì đành dâng hiến đời mình để kiếm tìm bến bờ tự do. Được chủ tàu nuôi thì sống "đế vương", vượt biên bất thành, chưa có tổ chức nào cần thì " thất nghiệp" đói meo.

1979, khi tôi về Saigon thì ra đi bán chính thức chấm dứt. Đi "chui" thì giá đầu người rẻ hơn, chừng 3 tới 5 cây. Thuyền trưởng thì dĩ nhiên đi miễn phí và được mang theo một người. Đi trên những ghe thuyền nhỏ, mong manh và thập phần nguy hiểm ngoài biển khơi. Thế mà vẫn có hàng triệu người đi tìm cái sống mỏng manh trên con đường có thể bị chôn vùi ngoài biển đen.

Sau nầy, hội Hồng Thập Tự Quốc Tế ước tính, chỉ 2/3 số người vượt biên được đến bến bờ bình yên. Hơn 1/3 người làm mồi cho cá. Lênh đênh trên biển khơi hàng tháng, đói khát phải ăn cả thịt đồng loại để sống còn, hoặc bị hải tặc đập chết, hãm hiếp và làm nô lệ cho chúng mãn đời. Còn nỗi thống khổ nào hơn hở trời.

Trước giờ tạm biệt chị Lan để cùng Diễm lên xe ra đi chuyến ghe khởi hành từ Phan Thiết thì nhận tin bị bể. Âu cũng là chữ duyên không gặp với gia đình chị Lan.

Chủ tàu nuôi vài tuần chờ...  nhưng rồi cuối cùng họ tan hàng. Tôi đành khăn gói về nhà chị Lan tạm trú, cũng vẫn xài giấy tờ giả.

Thời gian mà thiên hạ đua nhau rời bỏ quê hương sau cuộc đổi đời, đã hình thành không ít tệ nạn lường gạt. Nào là tổ chức vượt biên dỏm, thâu tiền bạc từ khách nhưng rồi lại đích thân báo công an để cướp tiền của khách. Sĩ Quan Hải Quân thứ thiệt còn độc thân lúc nầy có giá vô cùng (so với bọn giả dạng HQ chỉ để được ra đi rồi phó mặc cho trời đất). Gia đình nào cũng muốn nuôi SQ Hải Quân ngụy, mấy cô không tiền chi trả chủ tàu chỉ còn cách dâng hiến cho thuyền trưởng (tài công) để ra đi chùa khá nhiều.

Ông chú họ giới thiệu tôi với chủ tàu nhà bên cạnh đang chuẩn bị cho chuyến khởi hành từ Long Xuyên. Tôi nhận lời làm thuyền trưởng và dạy anh văn cho 2 bé gái mỗi tháng được $50. Hình như $50.00 thời buổi gạo châu củi quế nầy cũng khá. Tuy nhiên có bao giờ được lãnh trọn $50 để phụ tiền gạo cho cho gia đình chú thím. Gần 2 tuần là ông Thái thủ thỉ bà chủ tàu ứng trước. Hai chục đủ hai chú cháu 2 xị rượu thuốc, 4 điếu thuốc lá Lucky và đĩa ốc hoặc tôm khô, củ kiệu.


Nhà thơ Bùi Giáng và tôi trong lồng chợ TMG.

Một đôi lúc lang thang, chưa biết về mô, chỉ muốn vào lại trại tập trung để khỏi bận tâm bữa ăn, chỗ ở. Lại được sống gần gũi, chia xẻ cảnh đời bất hanh với bạn bè đồng cảnh ngộ.

Một hôm tôi đến thăm thằng bạn học CVA ngày nào. Hai đứa đang ngồi ôn chuyện "ngày xưa Hoàng Thị" chia nhau điếu thuốc lá Vàm Cỏ. Đ. ào tới như cơn gió lốc

- Mừng quá được gặp lại Sang, có cả T. nữa. Tụi nầy đang tổ chức chuyến vượt biên, cần tìm tài công. Không biết kiếm Sang nơi nào. Ghé Nguyễn Hoàng, nhưng hàng xóm cho biết gia đình đã dời
- Trời, đang mừng, tưởng Đ. nhớ Sang đi kiếm chứ.
- Ừ thì cũng có nhớ, nhưng thời buổi nầy, vượt biên mới là chuyện lớn.Toàn là người nhà và bạn bè quen biết. Thuyền bè, dầu nhớt, bãi xuất phát coi như xong, chỉ kiếm thêm khách để nhẹ bớt chi phí. Thời nầy SQ Hải Quân giả dạng nhiều như tôm tươi.

Sang bằng lòng đi với tụi nầy nhe. Sang có gia đình thì mang theo không tón tiền.

- Còn mê Đ. thấy mồ mà dợ con gì. Thế nào, “đã có chồng chưa, được mấy con"
- “Ra ngoài thiếp hãy còn son, về nhà thiếp đà 5 con...”

Tôi nham nhở,

- Gái năm con, nôm như mới một lửa. Đ còn đẹp quá mà.
- Ok, mình là bạn. Nếu T. kiếm thêm được khách giá 3 cây một đầu người, kiếm được 2, T. được đi chùa.
- Ngày mai Sang đi với Đ. đến gia đình, họ chịu chi 4 cây, nhưng với điều kiện mình phải chứng minh người hướng dẫn thuyền là S.Q Hải Quân thứ thiêt. Sang còn giữ hình ảnh, bằng cấp ra trường ?

Tôi liến thoắng

- Chuyện nhỏ. Sang vẫn một mình chờ Đ. Ê, gia đình có con gái đẹp không ? Nếu không, Đ. phải lo cho tui trọn đời nơi xứ người đó nghen ?
- Thôi cho Đ. nhờ, ông đi Mỹ về trốn mất biệt mà nhớ với nhung. Sang dám nuôi thêm 5 nhóc của Đ. không.
- Ok, Mai gặp Đ. tại nhà. Bà chủ tính tiền dùm, nhớ lấy thêm cho gói Vàm Cỏ. (Dạo nầy tôi đâm ra bựa bởi cuộc đổi đời)

Hai thằng về nhà có chuyện tán gẫu thâu đêm về Đ.

- Đ.M., đàn bà thay đổi cực kỳ lẹ.
- Nhớ ngày xưa, Đ. yểu điệu, thục nữ dường nào, mà chừ thì …ôi buồn 5 phút. Chỉ được cái là tướng còn ngon cơm.
- Chừ mà tao cứ để bàn tay ngay đùi của Đ. như thuở nào. Không biết "tiến nhanh, tiến mạnh" lên thêm chừng một gan rưỡi bàn tay. Dám cũng bị Đ. tán cho bợp tai y chang như thằng Cuội bị chị Hằng mắng ngu dại đến độ cứ để ỳ bàn tay 5 ngón chỗ lỗ rốn cả hơn nửa tiếng đồng hồ không nhúc nhích. Chỉ một gang tay đi xuống mà bàn tay thì ướt đẫm mồ hôi.
- Mà nè, làm sao biết được, bạn ta!

Tôi, hình như đánh hơi được chuyến đi nầy có cái gì đó không thật nên không xin phép chị Lan mang theo Diễm.

Thời buổi nầy lường gạt nhau giữa người và người vì miếng cơm manh áo xảy ra hằng hà. Tôi lắc đầu và không dám nghĩ tới “Đ. của tôi ngày nào” có thể ở trong số người nầy. Tổ chức vượt biên dỏm để thâu tiền khách và rồi đích thân đi báo CA biên phòng để hòng gạt khách có lý do, khỏi phải hòan tiền lại, hoặc chỉ trả lại chút đỉnh gọi là (y như bị bể thiệt) chờ gạt chuyến khác.

Ôi đời ! Thời mạt pháp, sống "vô tư". Con người có thể giết nhau vì củ sắn, củ khoai. Không thiếu gia đình tán gia bại sản cho những chuyến vượt biên không thành, đó là chưa kể bị tù tội.

Thuyền trưởng thì không những được ưu đãi mà còn khó bị tóm, bởi lúc nào cũng chờ tất cả xong xuôi, an toàn, mới cùng chủ tàu ra thuyền sau cùng, then ready to go.

Một thoáng thất vọng, không được vồn vã, ân cần khi Đ. đón T và tôi ở bến xe Trà Vinh khi không thấy có được thêm vị khách nào đã xác định thêm về chuyến đi không thật.

Chờ trời sụp tối, Đ. bảo tụi nầy chuẩn bị ra bãi.

- Mấy con Đ. và gia đình không theo nhóm mình ra điểm hẹn?
- Đ. cho tui nhóc theo gia đình Nội ra "cá mập" trước rồi đón Sang.

Trời sụp tối, có thằng nhóc trờ tới nhỏ to với Đ. vài câu và dông vội vã.

Đ. cho biết đã bị bể ngoài bãi xuất phát. CA đang truy lùng. Bởi đã đánh hơi dàn cảnh nên chi hai thằng tôi cũng không mấy sợ. Tà tà quay về hướng chợ lai rai vài xị, kiếm sạp vải ngủ qua đêm.

Bye Đ. từ đây.

Cuộc đời tôi, cũng như vài lần trước, cứ hễ gần bế tắc là tự dưng có một đưa đẩy mầu nhiệm dẫn dắt cho một hanh thông.

Về lại Saigon lang thang ghé thăm gia đình người bạn HQ cùng khóa thì được bà chị H. cho biết có một tổ chức đang cần gấp tài công sau khi khám phá thuyền trưởng dỏm. Gặp chủ tàu Cao Đạt, cũng là dân Ngụy Quyền. Tất cả là gia đình, bạn bè hùn hạp chung sức cùng nhau ra đi. Thuyền bè, dầu nhớt, bãi xuất phát, tất cả done, chỉ còn chờ người hướng dẫn.

Tôi nhận lời, kiểm soát hải bàn, hải đồ. Chúng tôi sẽ xuất phát từ cửa Cần Giờ, đi Indonesia để tránh hải tặc Thái Lan.

Bởi là thuyền trưởng mà ra đi một mình nên tôi được ông chủ tàu Cao Đạt cho một cây vàng ba số 9 làm vốn phòng thân.

Nhậu nhẹt, trang trải chút ít nợ nần, giữ chiếc nhẫn hai chỉ phòng thân. Hai chỉ mang về Bà Quẹo giao cho Vinh trao lại Bà Ngoại và dặn dò Vinh là chỉ được báo cho gia đình biết Cậu ra đi nếu 5 ngày sau không thấy Cậu lên nhà.

Không ngờ chuyến ra đi có phần vội vã mà lại thành công.

Cũng vì chuyến đi quá vội vã và có vẻ hơi phiêu lưu, mạo hiểm nên chi tôi không có thời giờ quyết định mang theo Diễm.

Ngồi trên chiếc xích lô ngang qua nhà chị Lan đến nhà ông chủ tàu khu An Đông, chỉ muốn dừng lại xin Chị Lan cho Diễm đi mà rồi cuối cùng đành thôi.

Âu cũng là chữ DUYÊN không có

Saigon ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi, là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là muôn kiếp chia xa
(Nam Lộc)

Lê Minh Sang

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020