SỐ 87 - THÁNG 7 NĂM 2020

 

Thời “cấm phòng”, đọc lại khúc ngâm Cung Oán của Nguyễn Gia Thiều

Cao Vị Khanh

11064821_cung oan 1

Đâu phải tới bây giờ mới có chuyện cấm cung, cấm phòng… cấm cản người ta gặp nhau, gần gũi nhau, tay bắt mặt mừng, hay sít sao hơn tới nỗi quàng vai… ôm eo ếch.

Lâu rồi, lâu lắm rồi, vẫn có cái kiểu sống lẻ loi, -hay bị sống lẻ loi một mình, rất một mình, dù người ta sanh ra là để sống với, sống cùng… sống bầy đàn dù có lộn xộn như một bầy vịt hãn.

Tôi biết những người sống lẻ loi. Lệ là những viên đá xanh. Tim rũ rượi. (Thanh Tâm Tuyền)

Hôm rồi, lẩn quẩn trong nhà riết cũng ngứa tay ngứa chân mà ngoài trời thì mùa đang nhấp nhỏm sang xuân, ngó thấy bụi phủ mờ trên mấy cái giá sách bị bỏ quên từ lúc “chú gù”  lên ngôi bá chủ, tủi thân giùm cho mớ sách vở ố vàng, tôi đi tìm cây chổi lông gà…

Rồi, quen thói dòm mấy cái gáy sách…

Rồi thấy lại tập sách cũ…

Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều.

Ờ thì ra, lâu lắm rồi, lâu rồi, đã có người than oán cái chuyện cách ly, biệt lập, cô phòng… dẫu chưa có cô-vít.

Trải vách quế, gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng (CONK, câu 1-2)

Từ dòng đầu, hiện cảnh đã là một cái gì buồn hết nói. Vách phòng thì trét quế bôi tiêu bít bùng, mùa thì hẳn đã là thu với cái loại gió thổi không thổi mà lại cứ phều phào như có điều gì trăng trối, lá thì lính qua lính quýnh rụng như sợ bị bỏ lại không theo kịp bước mùa đi. Mặt trời coi bộ mệt đừ, chỉ he hé nổi chút ánh sáng như hà tiện từng sợi nắng. Đã vậy, sương, thứ sương mỏng dánh như vạt áo the trắng ai bỏ quên mà cứ lướt thướt trên mặt đất như ghẹo thêm sầu. Lại nữa, lâu lâu rồi thắt thẻo tiếng chim thiên di lạc bầy hớt hải bay ngang, kêu như trách móc… Vậy đó, rõ ràng mùa thu là cái mùa vốn dĩ trời cho buồn kiểu như em-là-con-gái-trời-bắt…. xấu. Buồn tới nỗi như đã nói, ngay cả gió cũng… buồn. Phải chi thổi thì ra thổi, mà không thổi thì… nín. Đằng này vừa thổi lại vừa nín, nên mùa thu là cái mùa lấp la lấp lửng, không động không tĩnh, không nóng không lạnh, không vui không buồn hay đúng ra cái-thứ-gì-không-ra-gì vẫn thường lại làm người ta… buồn chết bỏ. Ôi mùa thu, em-nhớ-cho-mùa-thu-đã-chết-rồi kiểu như ông Apollinaire đã nói rồi ông Phạm Duy bồi theo. Khổ nổi, mùa thu không có chết – chết là hết chuyện rồi, còn cái gì mà nói nữa. Mùa thu không có chết. Mùa thu vẫn sống, sống lay lắt, sống lê mê, sống lặng lẽ, sống mà như chết hay chết mà như sống. Sống để làm buồn cho những người bị cướp mất lẽ sống.

Trải vách quế, gió vàng hiu hắt…

Mà tại sao lại nói là gió… vàng. Mặc kệ cái lối giải thích theo ngũ hành của mấy ông đồ xưa. Gió là do không khí quậy mà nên nỗi. Mà hễ là không khí thì làm gì có màu sắc. Đã không màu thì làm gì có vàng hay đỏ. Thật ra, màu sắc ở đây, giữa cảnh thu, khi không gian bị niêm phong, thời gian bị trì kéo và thân xác bị tù túng, sắc màu không còn là độc quyền của thiên nhiên. Màu sắc đã trở thành màu sắc của tâm thức. Gió vàng là gió đang thổi qua những tấm lòng héo úa.

Thử tưởng đến một bữa, lệnh từ trên chín bệ truyền xuống… cho đày vào lãnh cung.

Thử tưởng đến xuân thì đang độ, má còn hồng đào, tóc còn mun huyền, tay chân mình mẩy còn mọng nước như trái non đang độ… mà nhận cái lệnh như trời giáng đó …

Thử tưởng đến, cả một sức sống đang hồi sung mãn, rồi bỗng chốc bị đày vào cái chỗ mà bốn vách tường trét quế kín mít, quanh đi quẩn lại chỉ còn vài ả thị tỳ, vài chú hoạn quan nói năng eo éo! Ngày rồi qua ngày, tuổi tác theo mùa màng rụng xuống như cái đám lá vàng tất tả ngoài vườn thượng uyển. Hồi đó, vậy gọi là… cấm cung.

Nhớ vậy rồi, thấy thương ơi là thương cho cái phần số hẩm hiu tù túng giữa bốn vách phòng, vách nhà, vách chung cư, vách cao ốc… của những kẻ lỡ sống trong thời… đại dịch !

Và càng thương hơn những người sống lẻ loi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi người ta sanh ra là để sống cùng, sống với… Tôi biết những người sống lẻ loi. Lệ là những viên đá xanh. Tim rũ rượi. (Thanh Tâm Tuyền)

Trải vách quế, gió vàng hiu hắt…

Vâng, đã có lúc có những người con gái, có những người đàn bà, chẳng tội tình gì ngoài cái tội trời cho… đẹp –đẹp đến nỗi mà bóng gương (chỉ mới) lấp ló trong mành mà cỏ cây (đã) cũng muốn nổi tình mây mưa (CONK, câu 15-16). Đọc lại tới đây thiệt tình mà nói là phải cúi đầu bái phục ông Nguyễn của tôi. Ngay lúc mà văn học chỉ được coi như một thứ phương tiện để truyền bá đạo lý – văn dĩ tải đạo – mà dám làm một câu thơ tình trắng trợn quá mạng như vậy thì phải nói là con cháu đời sau nếu không tung hô là sư phụ thì biết còn để vào đâu mà bái phục nữa. Khi mà dục tình còn bị coi là điều cấm kỵ, chỉ dám nhét giấu dưới mấy tầng ẩn ức mà ông nói huỵch tẹt ra ngon ơ. Mà còn lại nói thành thơ nữa chớ. Bóng gương lấp ló trong mành. Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. Nhất ông, ông Nguyễn ơi! Rồi sẵn đà ông phóng bút lả lướt như xiêm y sút xổ mà gợi ý gợi tình không thua gì rồng lộn thấy đầu không thấy đuôi. Nệm hồng thúy thơm tho mùi xạ. Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh. Mây mưa mấy giọt chung tình. Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn (CONK, câu 145-148). Mấy giọt chung tình. Kể chuyện phòng the mà như tả cảnh trăng thanh gió mát thì thiệt là… kim cổ kỳ quan! Tôi biết nói vòng vo có thể làm lệch lạc bài vở mà không nói thì thấy ấm ức làm sao cho cái giống nòi tình thiên cổ lụy. Bởi vậy dù tác phẩm đã được nhắc tới nhắc lui, khen chê đủ điều từ hơn mấy trăm năm nay, sao còn muốn lôi ra đọc lại, đọc lại rồi lại muốn dông dài …

Ờ thì nói trở lại về những đóa hồng nhan mệnh bạc đó, nàng đẹp tới vậy mà rồi khi không bị tống vào chỗ thâm cung tẻ lạnh để nghe hoài gió thổi ngọn vàng phai. Nhất là cái chuyện bị cách ly với hết mọi thứ bên ngoài thành vách của cấm cung, bỏ trời bỏ đất, bỏ lại hết cái nhịp sống miên man của dòng đời bất-xả-trú-dạ.

Chuyện đầu đuôi thế này.

Con gái nhà ai không biết, tuy nhiên như đã nói, nàng đẹp lắm. Đẹp tới nỗi

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa (CONK, câu 17-18)

Dĩ nhiên đây chỉ là lối miêu tả có tính cách thậm xưng của người xưa, chớ chim với cá thì ăn nhằm gì với nhan với sắc. Còn tài năng thì thôi khỏi nói. Đàn ca múa hát thơ phú gì cũng trùm thiên hạ. Kể cả mấy chuyện nhậu nhẹt nàng cũng chẳng thua ai. Cờ tiên rượu thánh ai đương. Lưu Linh Đế Thích là làng tri âm (CONK, câu 23-24). Chỗ này chắc phải dè dặt chút đỉnh, chớ đàn bà con gái mà rượu chè be bét thì coi sao đặng. Tuy nhiên, ông bà mình hồi xưa, theo cái học cổ đầy điển tích của mấy ông-con-trời nên cũng thường hay quá tay chút chút… Cũng hổng sao, trí tưởng tượng của con người không ai đánh thuế nên cứ việc thả giàn…

Đẹp, thượng hạng! Tài, ngoại hạng! Bởi vậy cho nên nỗi. Dẫu vậy, thế nhân cũng chẳng nên thắc mắc làm gì. Cái lập thuyết tài-mệnh-tương-đố vốn dĩ là lối giải thích chắc ăn nhất cho những cuộc sống chung không lấy gì làm hòa bình giữa con người và cuộc đời của chính họ.  Một ông Nguyễn khác cũng đã có lần lên tiếng cảnh báo… trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Bởi vậy đời nàng cũng giống như bao má hồng khác… Đã má hồng thì có lúc sẽ lấm lem!

Tài sắc quá nên được (bị) tiến cung. Khổ nỗi, con đường tiến cung là con đường độc đạo, có vô không có ra. Bởi vậy, cũng giống như bao nhiêu cung phi mỹ nữ khác, hàng trăm (?), hàng ngàn (?) sau khi được (bị) tiến cung rồi là coi như đổ lúc lắc xí-ngầu, được thua lắm lúc chỉ nhờ mấy cái lá dâu nhử mồi chú dê kéo xe vua (!). Rất có thể… được vua yêu chúa vì, hạnh phúc cực điểm như ông Nguyễn đã cực tả bằng hai câu thơ phải coi là tả chân cực tuyệt mà lại bóng gió đến cực khéo. Cái đêm hôm ấy đêm gì. Bóng dương lồng bóng trà mi chập chùng (CONK, câu 135-136)

Vậy mà rồi theo lệ, mọi thứ vỡ tan như bong bóng nước. Hạnh phúc cũng y như trúng số độc đắc. Có ai mà trúng độc đắc được hai lần!  Vậy rồi nàng bị bỏ quên, quên lửng đằng sau mấy cái vòm cửa thâm u của thâm cung thăm thẳm…

Mặc dù vốn đã nghiệm ra lẽ vô thường của cuộc đời từ hồi còn con gái, hổng thua gì quý vị tu tiên tu phật

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ khi khu,
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh
Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Dắt díu người lên cạn mà chơi.
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
. (CONK, câu 69-76)

Nhưng rồi, y như thế nhân lục lục thường thường, hiểu thì hiểu vậy mà điều dễ gì bước chệch ra khỏi cái vòng tục lụy. Chính điều này đã làm cho người-nhân- vật trở thành người-đời-thực. Nàng hiểu thông mọi vẻ huyền vi nhưng nàng vẫn sống như mọi người trần mắt thịt với đầy đủ vui buồn ham muốn… Hay chỗ đó mà khoái trá cũng chỗ đó. Khỏi có màn lên mặt dạy đời. Hãy nghe nàng kể lể…

Từ lần được quân vương chiếu cố, tưởng như là cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô, ai dè chẳng mấy lúc nàng bị thất sủng vì thói nghịch ngợm của trẻ-tạo-hóa, hay chỉ là vì cái thói trêu hoa giỡn nguyệt của mấy ông vua già vua trẻ được cung phụng thừa mứa, để đến nỗi phải phó mặc long thể cho mấy con dê kéo long xa mỗi bận nhập cung cấm, xe dê ghé đâu vui đó, bất kể.

Từ đó, nàng vò võ chờ đợi, ngày tháng qua, xuân thì theo bóng câu qua cửa sổ. Đời buồn như giọt nắng vàng. Từ đó, cấm phòng. Từ đó, cô đơn.

Thử nghĩ coi, một người con gái-một người đàn bà-một người nào đó giữa lúc xuân tình còn nguyên nồng độ như rượu cồn 90 chữ, với đủ thứ hồn và xác, đủ cả lục dục thất tình, bỗng dưng một hôm nào tự dưng bị cắt đứt hết mọi dây mơ rễ má, cách lìa hết mọi thân sơ, kẻ thương người ghét, biệt lập với hết mọi chuyển động chung quanh… Tự dưng rồi mình thấy mình trơ trọi như chưa từng có mặt.

Trong cung quế âm thầm chiếc bóng
Đêm năm canh trông ngóng lần lần (CONK, câu 209-210)
……………….
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi (CONK, câu 215-216)
………………..
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt, thềm ngà sương reo (CONK, câu 219-220)

Cung quế, phòng tiêu, thâm khuê… toàn là những tên gọi mà từ âm vọng đến hình tượng đều mang vẻ quạnh quẽ tự thân. Đó là thứ không gian khép kín, biệt lập. Một thứ nhà giam được xây theo kiểu lầu vàng gác ngọc. Mà thật ra, mọi thứ nhà giam dẫu xây bằng đá tảng hay được lót với ngọc ngà cũng chỉ là vật chất, có đáng gì khi đem so với thứ xiềng xích trong tinh thần. Chính cái cảm giác bị bỏ rơi, bị xua đuổi, bị quên lãng, bị ruồng rẫy… mới là hình phạt cấm cố ghê gớm nhất.

Ngày sáu khắc tin mong nhạn lắng
Năm canh đêm lặng tiếng chuông rền.
Lạnh lùng thay giấc cô miên,
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.
Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại sầu với hoa.
Buồn vì nỗi lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ.
Hoa nầy bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng.
Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn nầy ai dễ giết nhau
Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa! (CONK, câu 225-240)

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

8 chữ thôi đủ để giải thích cái cảm giác cô đơn, cô độc, cô lập, cô liêu, cô lẻ, cô tịch, cô quạnh… cũng như cái hệ lụy lạc lõng, lạc loài… lẻ loi, lẻ muộn… của con người. Cái buồn không là sắt thép nên giết người không máu me. Cái buồn sát nhân rất lặng lẽ.

Thử coi, người đẹp làm gì khi từng ngày vò võ mình ên trong cõi cấm vắng hoe. Đêm thao thức. Ngày biếng nhác. Ra vô trông ngóng. Đi tới đi lui trong cái khoảng trống dù giới hạn giữa bốn vách phòng mà hổng chừng trống đến mênh mông. Nhất là kinh nghiệm của sự chung đụng giữa người và người đã hun đúc thành hiện sinh của nàng, đã và sẽ là một phản biện cùng cực cho cái hiện tại lẻ loi. Nàng đẹp vì có sự so sánh với người xấu. Tài vì có sự so bì với kẻ dở. Tự tin vì có người chiều chuộng v.v… và v.v… Rõ ràng nàng chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của người khác. Vậy rồi, đang tay cắt ngang sự liên lạc chằng chịt đó, hỏi làm sao không ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng rồi ngẩn ngơ, ngẩn ngơ rồi ngờ nghệch… rồi hốt hoảng, rồi bơ vơ, mất tự chủ. Phản ứng đầu tiên và cuối cùng là loay hoay tìm chỗ dựa. Hiện tại trống trơn thì quay lại quá khứ. Nhưng khổ thay, càng cố lấp đầy khoảng trống hiện tại bằng cách vói tìm lại hạnh phúc của quá khứ, cố gắng đó rốt ra chỉ làm tăng thêm, rõ thêm, nặng thêm độ nghịch đảo của nỗi vui và niềm buồn. Quá khứ, kỷ niệm rồi ra có phải chỉ là phát súng ân huệ cho người muốn quên.

Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ
Cành liễu mành bẻ thuở đương tơ.
Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà
Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu in (CONK, câu 253-256)

Đọc thơ mà nghe chữ nghĩa cồn cào trong dạ!

Khi trận gió lung lay cành bích
Nghe rì rầm tiếng mách ngoài xa
Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra
Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn (CONK, câu 269-2720)

Còn hình ảnh nào đẹp và buồn hơn. Một người chờ đợi một người mà biết rằng người được chờ trăm phần đã hết chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần không đến. Vậy mà vẫn chờ vẫn đợi, rồi chỉ mới mơ hồ phong phanh bán tín bán nghi mà đã quơ quào sắp sửa để chờ. Mà sửa soạn cái chi ? – Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn! Có cần phải tán thán thêm không. Mà lời nào bình cho nổi. Thơ đẹp như… thơ mà buồn như chính nỗi buồn tự tại!

Thử tưởng đến nỗi thất vọng khi ngả ngửa ra rằng mình đã tưởng lầm. Rồi bôi son khô phấn mốc. Rồi dẹp xiêm y đã tưa chỉ lợt màu… Vâng thử tưởng thêm… Tưởng thêm…

Sự so sánh giữa cái đang mất và cái đã có thường là bước đầu cho một cuộc tuột dốc của lý trí. Sẽ đến một lúc, người ta buông xuôi…

Như một hệ quả tất yếu, khi bị biệt lập người ta như con tàu bị mất phương hướng, mất điểm tựa thì lấy gì xác nhận điểm đứng của mình.  Người ta trở nên bơ vơ, lạc lõng… lắm khi đến nỗi mất cả tự chủ! Hậu quả lắm khi đưa đến chỗ tận cùng. Tự tử, như một thách thức với định mạng, từ chối sức ép của cô đơn. Sau khi đã quơ quào, bốc hốt bất kể, níu vói bất cứ giả định nào ngay cả một niềm tin vớ vẩn nhất.

Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa (CONK, câu 355-356)

Não nùng hông, thứ hy vọng tội nghiệp khi mọi lối thoát đã bị bít kín. Cùng đường, người ta có thể bấu víu vào bất kỳ một hy vọng nào, kể cả dù biết đó là… ảo vọng !

Xét cho cùng, cảm giác cô đơn, cô độc vốn dĩ là bản chất của mọi sinh vật từ khi chui ra khỏi bụng mẹ. Nhưng rồi cái thế giới chung quanh với hết mọi phiền nhiễu của nó đến một lúc trở thành điều kiện cần thiết cho sự nẩy nở toàn vẹn của con người. Cần thiết (với tất cả sự nghịch lý của sự cần thiết , trong ý nghĩa tha nhân chính là phản diện của chính mình) đến độ đã có lần ông J.P. Sartre phải la lên L’enfer, c’est les autres. Hay như Albert Camus cũng đã lắm phen thắc thẻo rằng… thì… là… người ta chỉ là những người khách-lạ đến với đời giữa trùng trùng ngộ nhận. Khổ nỗi, cho dù là địa ngục hay khách lạ, nhưng rồi trong sự chung đụng với ngoại thể riết rồi người ta tự thấy dính líu (gắn liền) với thế giới chung quanh lúc nào không hay. Dĩ nhiên không phải không có những trường hợp ngoại lệ. Đời không thiếu những kẻ không tìm ra được chỗ nương thân giữa đồng loại. Từ đó là một sự chống đối nhau thường trực giữa cá nhân và ý thức hợp quần. Nhưng thôi, chuyện đó để dành cho mấy ông triết gia mấy nhà xã hội học cãi cọ. Ở đây chỉ nhắc chuyện… thường thường.

Sự liên hệ giữa người và người nghĩa là giữa người với đám đông có lúc khít khao tới nỗi con người rốt lại chỉ là phản ảnh của đám đông. Người ta sống, ăn nói, múa may… theo cái khuôn mà đám đông đã vạch ra. Đám đông, tha nhân… là ai vậy mà rốt lại là nguồn cơn của mọi hiện sinh, trở thành khuôn đúc cho mọi hình nhân có mặt trên đời. Người ta không còn là mình nữa. Người ta chỉ là biểu hiện của đám đông vây quanh. Mọi múa may, giận hờn yêu ghét là yêu ghét giận hờn múa may theo mẫu mực của số đông. Con người rồi ra chỉ là một con múa rối dưới mấy ngón tay điều khiển của một thứ quyền lực vô hình được tạo nên bởi đám đông vốn được gọi là xã hội. Cũng y như cái phán xét mà Nguyễn Gia Thiều đã ngậm ngùi chắc lưỡi cái quay búng sẵn trên trời (CONK, câu 92 ). Mọi sự đã được định sẵn hết kiểu như một vở tuồng mà tuồng tích và đào kép đều có vai trò nhất định, liên hệ chặt chẽ với nhau để đi tới một kết cuộc nhất định, không chút sai chạy. Bởi vậy, mà sống là sống với, sống cùng, sống bởi, sống vì… Mức độ liên hệ thì tùy theo vai vế, nhưng gì thì gì vẫn là một sự liền lạc chặt chẽ như kiểu bứt mây thì động rừng vậy đó. Dính líu với nhau khít rim như vậy mà rồi bỗng dưng bị cắt đứt hết mọi liên hệ, biệt lập với hết mọi cái quen biết, ngay cả với cái biết mà không quen…  sẽ làm người ta cảm thấy bất an. Cảm giác bất an như đã nói vốn là trạng thái hồn nhiên nhất của mọi loài sinh vật kể cả loài người. Chẳng vậy mà hài nhi mới vừa lọt lòng mẹ chỉ có khóc mà không cười. Hình ảnh mà ông Nguyễn đã vẽ vời từ cuối thế kỷ 18 làm thấy ra mà muốn rụng rời, gần 200 năm sau, bức tranh Le Cri của Edvard Munch có phải là biểu hiện tuyệt đối của cơn sợ hãi tiên thiên.

Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra  (CONK, câu 56-57 )

Bưng đầu. Tiếng khóc bưng đầu. Hình ảnh đập vào mắt. Âm thanh xoáy vào tai. Bưng đầu. Còn biểu tượng nào tuyệt vời hơn để biểu hiện cái cảm giác bất an vì trần truồng, trống trải, trơ trụi… của đứa nhỏ vừa chui ra khỏi cái cửa ải hẹp dí đã nhào ngay vào một khoảng trống mênh mông và xa lạ… mênh mông và xa lạ tới nỗi dẫu nhắm híp hai con mắt mà vẫn hãi hùng khi biết mình vừa lọt vào vòng trần thế, cõi lạ mà nó chưa bao giờ biết đến. Có thể chuyện đó được hiểu như là hậu quả của sự thay đổi quá đột ngột cái môi trường sống từ lúc tượng hình. Thêm chút nữa, có phải vì nó chưa có chút kinh nghiệm nào hết, từ cảm giác đến ý thức về nơi chốn mới đến. Mọi thứ, cụ thể hay trừu tượng, hình thù màu sắc mùi vị… chưa từng thấy qua, chưa từng nếm qua, chưa từng vui chưa từng buồn… Vậy đó làm sao mà nó không sợ hãi, không hoảng hốt, không… bưng đầu mà khóc! Cái thế giới chung quanh đó, nhốn nháo những hình thù lạ lẫm, rổn rảng những âm thanh chói tai, lộn lạo màu sắc như bức tranh của một họa sĩ bất tài, lại hăng hắc mùi vị xào nấu của một đầu bếp vụng về… làm sao nó không hoảng vía.

Tiếng-khóc-chào-đời. Thói thường người ta hay nói vậy. Nhưng, tại sao nó không cười để người ta nói tiếng-cười-chào-đời nghe nó rôm rả hơn và hợp lý hợp tình hơn?

Mà thôi, chuyện vậy thì hay vậy.

Đứa bé sơ sinh khóc từ khi có cái vụ gọi là sinh con đẻ cháu. Nó khóc từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, sáng trưa chiều tối tới khuya lơ khuya lắc… hễ chui ra là khóc. Không khóc thì bà mụ vỗ cho mấy phát mà khóc. Người ta biểu là khóc cho nở phổi. Nhưng mà há miệng cười rổn rảng phổi cũng phồng to?

Vậy thì khóc chắc cũng có nguyên do.

Mà không khóc sao được. Chỗ nó vừa nhào đầu vô y như là sân khấu cải lương, thay phông đổi cảnh liền liền, mới đó muôn hồng ngàn tía rồi bỗng không tàn rữa tiêu điều, dẫu có khi vui hết nói mà không thiếu lúc buồn chết bỏ…

Chưa biết, chưa quen, chưa có lần nào đụng chạm, rờ mó, sờ soạng… hay cảm giác nóng lạnh hay cảm xúc buồn vui. Chung quanh, hoàn toàn là một thế giới lạ lùng, lạ lùng đến quái đản… Đứa trẻ sơ sinh khóc, khóc vì cảm giác bất an, bất an vì không từng quen thuộc…

Vậy rồi, mỗi lúc mỗi lớn lên, chung đụng cọ xát với những thực thể quanh quanh, hít thở ngửi nếm mùi vị trần gian kể cả thứ mùi tân toan, … nó sẽ quen dần, quen dần… tới lúc trần gian trở thành trần trụi vì không còn gì bị che đậy sau cái quá trình thu nhận từng trải của nó. Nó sẽ nhận ra người quen kẻ lạ cho dù là lạ và không quen. Nó sẽ trở thành một phần tử của cái tổng thể loanh quanh nó, quen mắt quen tay, quen thuộc đến độ lắm khi trở thành một chỗ dựa tinh thần, hơn nữa như một thứ nón-bảo-hiểm hay dùng ở quê tôi, đội mà xe hàng tông thì cũng đi đoong nhưng dẫu vậy có cái gì xiềng quanh cái đầu thành quen, rồi tự nhiên cảm thấy an toàn-trên-xa-lộ ! Cái vốn liếng thu nhận bằng mắt thấy tai nghe mũi ngửi miệng nếm tay sờ, kể cả bằng những sợi dây thần kinh nhỏ xíu chạy lăng quăng trong cái đầu của nó… Cái cảm giác bất an sẽ dần biến mất thay vào đó là sự yên tâm vô thức. Cả tới khi vào một lúc nào đó, nó bỏ nhà bỏ cửa bỏ quê bỏ cha bỏ mẹ mà đi xa, xa tới một cõi chưa từng, dẫu lúng túng, nó cũng đủ sức để đương đầu với những lạ lẫm. Hẳn vì nó đã được cọ xát với thế nhân tới độ dạn dầy, kiểu như thân xác đã được miễn nhiễm với mấy con vi-rút đã có lần bị nhiễm qua… Tới một mức độ nào đó, nó được bảo vệ dù một cách vô thức bằng sự quen thuộc, quen mắt, quen tai, quen biết, hay ngay cả biết mà không quen… ở giữa một thế giới người và người. Sự liên hệ đối đãi đó trở nên cần thiết như mọi nhu cầu sinh lý khác của con người để sinh tồn.

Nhưng rồi cũng chính từ đó, chính từ sự quen thuộc đối đãi đó, lỡ khi đời ngược ngạo, người ta lắm lúc không khác gì cô cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, bị biệt lập chốn cấm cung, trơ trọi một mình, mất dần cảm thức an toàn, sẽ cảm thấy cần bầy bạn biết bao nhiêu, dẫu bầy bạn chỉ là người trần mắt thịt sau khi đã vói níu một cách vô vọng cõi tiên cõi phật… mà rồi xa quá có dễ tìm ra đâu !

Nghĩ vậy rồi để cảm thương bà cung phi, nàng cung nữ… hay bất cứ ai, có lần bị đày vào trong cái mê cung mênh mông kiểu như cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng mà Hạng Võ đốt ba tháng lửa cháy hoài không tắt!?

Xếp sách lại, lòng ràn rụa thâm ân mà người xưa đã để lại. Người thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ… kể cả có lần là tu sĩ, vốn con vua cháu chúa, ra vào chốn quyền môn như cơm bữa, ăn trên ngồi trước dù hẳn cũng đã lắm phen chìm nổi chốn quan trường sao lại có tấm lòng mẫn cảm đến vậy. Ông viết Cung Oán vì hẳn do thân thế đã không ít lần được nhìn thấy chốn thâm cung, chỗ nhốt những nô-lệ-tình-dục… nên đem lòng cảm thán. Nhưng từ chỗ xúc động mà đem viết thành thơ hẳn cũng đã trải qua một quá trình không kém phần lắt léo. Tìm sâu hiểu rộng hơn nữa hẳn phải nhờ ông Freud chăng?

Chỉ thấy là ông Nguyễn tài hoa lắm. Ông viết Cung Oán với giọng điệu ngậm ngùi và văn từ hoa lệ, phảng phất hồn thi ca trầm thống của Đường Thi Tống Từ. Dẫu vậy, đọc lên vẫn nghe ra hơi mát rượi của ngôn ngữ ảo diệu, pha trộn điển tích cao kỳ với lời ăn tiếng nói dân gian nên nghe ra vừa tinh lọc vừa gần gũi. Chữ nghĩa vừa trân trọng vừa thân mật như ngón tay đỡ đần người đọc đi vào cõi thơ riêng. Chẳng bõ thứ ngôn-ngữ-đương-đại (?!) lục cục lòn hòn trúc tra trúc trắc đang hoành hành ở bên kia biển lớn Thái Bình mà sóng gió liên miên. Đề tài dẫu cũ kỹ, nhưng dưới nét bút lãng lướt phá chấp của một tay-chơi-điệu-đàng, ông phá vỡ cái biên giới cũ mèm của những cấm kỵ đạo đức, đưa người đọc bay cao, rắp ranh tới biên giới của lý tưởng tự do sáng tạo. Trong toàn ngâm khúc, đã nhiều hơn một lần nhắc tới chuyện rúc rích rục rịch của những ẩn ức dục tình bị đè nén. Hơn nữa, có khi còn phóng bút tới cấm địa chính trí của thời phong kiến. Dang tay muốn dứt tơ hồng, Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra (CONK, câu 243-244). Ý thức phản kháng dù chỉ manh nha trong đầu vẫn là một cấm kỵ tuyệt đối của ý thức hệ phong kiến. Có phải dù là sản phẩm của chế độ, ông thường rất băn khoăn… ! Hay là với tâm thức đó, tài hoa đó… con người đó làm sao khép họ vào khuôn khổ! Sách xưa chép lại… ông rõ là một tay phong lưu rất mực – nói theo ngôn ngữ bây giờ thì cũng là tay ăn chơi có hạng. Đã vậy thì có gì là lạ khi thơ văn bay bổng khôn cùng. Vấn đề là dù thích dật lạc, sao khi tỉnh rượu lúc tàn canh lại có những ý nghĩ trần tục và cùng lúc siêu thoát đến vậy. Nhưng mà vậy mới hay, mới đẹp, mới thực, mới đúng điệu… thi nhân. Sống thực, viết thực điều mình sống, điều mình nghĩ có phải cũng là một thứ tự-do-đầu-tiên-và-cuối-cùng của con người như Krishnamurti đã nói. Hổng nghe Đỗ Mục tự thú sao… Thập niên nhất giác Dương Châu mộng. Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh. Tiếng tăm chốn lầu xanh? Sá gì! Miễn đã sống thực, sống hết mình, viết thực, viết hết tình… cũng đã đáng lưu danh thiên cổ.

Mấy trăm năm qua rồi, người làm thơ như bóng hạc vụt ngang, một lần mà rây rớt lại đời bao nhiêu là tâm ý. Có mấy người được đời chiều đãi lại đem lòng nghĩ tới những phận người bị đời bạc đãi. Có mấy người chịu nghe ra tiếng khóc thầm sau tiếng cười vui. Và có ai, chịu phóng con mắt thấu thị qua tầng tầng ảo hóa để vẽ vời bức tranh vân cẩu, để nhắc nhở một điều rất đơn giản là… sự đời coi vậy mà không phải vậy!!! Lại nữa còn phóng bút tài hoa để nhắc nhở thêm rằng… người ta sống là sống với, sống cùng, sống cho, sống vì…

Bao giờ còn những cấm cung, cấm địa, cấm cửa, cấm cản… ngày ấy lòng người còn xiêu lạc.

Mà nói đâu cho xa, có cần gì tới cung cấm trong cái thời xa lắc xa lơ đó, giữa đời thực này, giữa ngay cái thế giới người lúc nhúc người này, chẳng may có lần cô bạn của cô đơn là cô-vít lỡ chân ghé lại, không nhiều thì ít, bỗng nghe vang rân tiếng kêu rên vì bị cách ly, cách biệt, cách núi, cách sông, cách đường, cách ngõ…

Sợ, không sợ gì bằng sợ cô đơn khi bị cô … lan với lại cô … lây!

Cao Vị Khanh

– Lại nữa, nhớ cái lúc hồi đó, sách vở giáo khoa hay trách cứ sao ông mớm vào miệng cô cung nữ non xèo những lời quá tiên, quá phật, quá cao siêu, nghe ra gượng gạo thế nào. Ờ, có cao siêu thiệt nhưng ai cấm… tuổi trẻ tài cao. Hơn nữa, người làm thơ, người sáng tạo… thơ thẩn vẽ vời đục đẽo, trước hết và sau cùng là cho chính họ, – ngoại trừ cái số viết mướn hồi ký cho mấy ông trọc phú hay vẽ biểu ngữ tuyên truyền cho mấy cái đảng… mắc dịch! – Ai biểu người ngoài thấy sang bắt quàng làm họ rồi trách móc, rồi than phiền! Lãng nhách !!!

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020