SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

ĐẤT LÀNH

Lúc tôi và nhỏ Diệp làm chung nhận quyết định chuyển công tác sang công ty khác cũng thuộc quản lý của Sở, chị Yến Nga cùng làm chung phòng Cung tiêu hồi công ty mới được thành lập nói với tôi giọng an ủi :

– “Đất cũ đãi người mới”, không muốn cũng không được Mỹ Kim qua bên đó có khi khá hơn bên này.

Tôi nói với giọng chua chát :

– Thì chuyện vắt chanh bỏ vỏ là thường tình mà chị.

Thời gian tôi bị trù dập hạ tầng công tác kéo dài cả năm, cho đến khi cả hội đồng kiểm kê xác nhận bạch hóa mọi nghi ngờ, chị nói với mọi người :

– Mỹ Kim nó mà muốn tham ô là từ cái thời mọi thứ nhà nước tịch thu từ các cơ sở kinh doanh đổ về không có giấy tờ kìa. Bây giờ một tay nó phân loại, đánh số, lập thẻ báo cáo số liệu đâu ra đó cho trên này quản lý chính xác và dễ dàng, nó đâu điên làm chuyện dại dột.

Tôi còn nghe đồn trong cuộc họp chi bộ, ông già Ái, đảng viên làm trưởng đoàn còn phát biểu sau khi kết thúc đợt kiểm kê :

– Cô ta đâu có làm sai điều gì, các đồng chí làm thế là thiếu tin tưởng quần chúng.

Chỉ có riêng tôi mới biết tại sao với lý do rất nhỏ khi bị trách cứ chuyện lần đó đi về trước giờ nghỉ, lấy cớ không được về sớm bù cho những hôm tôi phải về rất trễ do phải ở lại nhận hàng công ty. Vùng vằng tôi quăng trả tất cả chìa khóa cho phòng không chịu tiếp tục công việc đã đảm nhận gần chục năm. Sau khi cả hội đồng kiểm kê xong “ngồi chơi xơi nước”  vài tháng, tôi mới dè dặt đưa đơn xác nhận không giữ bất kỳ công tác quan trọng nào làm ảnh hưởng đến cơ quan để xin phòng tổ chức ký vào. Người bạn làm trong phòng hành chánh chắc cũng có kinh nghiệm nộp hồ sơ xin giấy hứa nghỉ việc nói với tôi :

– Ai cấm bà ghi thêm câu gì đó sau khi ổng ký.

Giống như con hưu được vẽ đường bỏ chạy, mang về lá đơn sau khi phòng tổ chức duyệt trên đó có chừa một khoảng trống tôi điền vào thêm một dòng: “khi được nhà nước cho phép xuất cảnh”. Bởi vì hồi ấy đâu có cơ quan nào chịu ký giấy cho phép công nhân viên nào nghỉ việc vì lý do sẽ đi nước ngoài ngoại trừ phải tự ý bỏ việc.

Số phận của những người dân Saigon sau tháng 4/75 hình như ai cũng hiểu mọi người đang nghĩ gì, muốn làm gì nhưng không ai nói ra bởi đều ngầm cảm thông lẫn nhau khi đang sống cảnh “cá chậu chim lồng”. Tất cả thể hiện rất rõ từ ngày rộ lên phong trào vượt biên kéo dài cho đến khi có những tờ giấy bảo lãnh từ nước ngoài gởi về xin cho thân nhân trong nước ra đi theo chương trình đoàn tụ trong vòng trật tự. Nghĩa là được leo lên máy bay đi công khai không cần trốn tránh. Chương trình đưa ra là thế nhưng để nộp đầy đủ tất cả giấy tờ để xin được đi đâu có dễ dàng, nhất là với cơ chế quan liêu số một của nhà nước. Phải bổ túc đủ thứ giấy tờ qua nhiều cửa ải, đối diện với những khuôn mặt đằng đằng sát khí giống như người ra đi là một lũ phản động, ra đi là chống đối chế độ hiện tại và thời gian chờ đợi kết quả không biết đến khi nào. Kinh nghiệm cho nhiều lần vượt biên của bao nhiêu người, ra đi và thất bại trở về đã bị mất nhà cửa, tiền bạc vì vậy tôi phải cố đeo bám công việc với hình thức tôi vẫn là công nhân viên biên chế của cơ quan nhà nước, tránh những con mắt dõi theo gây khó dễ của địa phương bởi chồng tôi chỉ được tạm trú trong thời gian âm thầm chờ đợi ngày được ra đi.

oOo

Là người mới trên đất cũ, buổi sáng tôi vào rất sớm. Trong lúc đứng chờ trình giấy chuyển công tác tình cờ gặp ngay chị Thu tôi có biết trước kia năm sáu năm khi chị được Hội trí thức yêu nước phân công về tại xí nghiệp, vậy là ở đất này tôi lại gặp người quen. Nhờ có chị ruột tôi quen với vợ tay Phó Giám Đốc sản xuất nên Phòng tổ chức sau khi xem bằng cấp được đào tạo, tay trưởng phòng kế toán tình cờ có mặt nói:

– Bằng cấp này giống của em quá.

Thế là ông Đoàn Phó giám đốc phòng tổ chức nói :

– Cho về phòng của cậu thay thế cô Thu nằng nặc xin nghỉ việc vì sắp xuất cảnh.

Tôi nghĩ thầm “tôi cũng chờ xuất cảnh đây” nhưng ở đây là người mới không ai biết chút gì về tôi nên hóa ra lại có cơ hội ẩn thân.

Đúng như chị Nga nói “đất cũ đãi người mới”, công việc an nhàn một tháng tôi cứ tà tà lãnh lương làm công việc của kế toán, mỗi tháng hai lần làm lương, nửa tháng đầu tạm ứng cuối tháng thanh toán dựa theo số liệu sản phẩm từng công nhân sản xuất do thống kê các phân xưởng gởi về.

Thấy tôi nhanh nhẹn lại biết đánh máy, ngồi bàn bên kia sát cửa ra vào Thanh Tâm, trưởng phòng kế toán nói với ông Đoàn khi ông qua đứng gần. :

– Chú thấy phòng của cháu mọi người làm việc đều tay chưa ?
– Vậy thì cho cô Mỹ Kim thêm việc tính toán giá thành đi, việc này chưa có ai chịu làm kể cả người cũ, nói rằng khó quá. Tính toán làm sao cho có lời mà sản phẩm giá cả lại hợp lý.

Tôi muốn từ chối cũng không được bởi trong phòng tất cả sáu người chỉ có Thanh Tâm và tôi biết đánh máy. Nếu đảm trách tính giá thành phải lập các biểu mẫu, thống kê các con số gom những chi tiết đánh máy nhiều trang làm thành một hồ sơ cho từng sản phẩm. Mà công ty có hàng chục, hàng trăm sản phẩm, chúng chỉ cần khác nhau hay thêm bớt một chi tiết là giá cả đã khác nhau rồi. Cái khó là phải giải trình tại sao hình thành giá cả như thế, đồng thời phải phân bổ thế nào khi sản phẩm phải cỏng thêm toàn bộ các chi phí quản lý hành chánh.

Miệt mài mấy tháng trời tôi mới hoàn thành xong, ôm tập hồ sơ cho phái đoàn công ty đi xin duyệt giá. Thời điểm trùng hợp chủ trương nhà nước phát động chính sách Giá, Lương, Tiền. Sở chủ quản bắt công ty tôi làm thí điểm. Cuối cùng cũng xong xuôi bằng một bữa ăn trưa tại nhà hàng nổi tiếng do công ty “chiêu đãi” cho toàn bộ những người tham dự.

Con người ai cũng có số “giày dép cũng còn có số”. Câu nói không biết của ai nhưng được phổ biến khắp nơi vào thời điểm này để giải thích hay an ủi cho từng hoàn cảnh. Tôi tưởng mình được trở lại cảnh an nhàn như trước, dè đâu trong buổi họp phòng cuối tuần, Thanh Tâm nói trong phòng cần một người kiêm thêm công việc Kế toán thanh toán vì nhỏ Liên Tử sắp nghỉ hộ sản. Suốt cả tuần nhỏ này theo năn nỉ tôi đảm nhận công việc giùm nó bởi những người khác đều từ chối, ai cũng cho rằng mình rất bận. Bà mập thủ quỹ thì không được rồi vì vi phạm nguyên tắc không thể ký tên tự viết phiếu và tự chi tiền. Mọi cặp mắt đổ dồn vào tôi, tôi giãy nảy :

– Thôi chị không biết viết phiếu chi đâu, nghe em than cứ bị Giám đốc hạch sách, viết phiếu không rõ lý do, chi tiết ghi rườm rà, đọc không hiểu được ý diễn tả điều gì, lần nào vào trình ký cũng bị ổng rầy. Thôi cho chị xin hai chữ bình an.

Liên Tử cứ năn nỉ, ỉ ôi khiến cả phòng phải xúm vào nói giúp nó đến nỗi Thanh Tâm phải lên tiếng :

– Em nghĩ là chị làm được, em có con mắt nhìn người lắm.
– Trời ơi, chị thấy nhỏ Liên Tử nói suốt ngày bận rộn vì phải chép hết ngày này qua ngày khác cái sổ công nợ, chép lại liên tục hàng tháng, ngày nào cũng ngồi dính trên ghế, tay cứ cầm cây viết hết tám tiếng chỉ trừ giờ ăn trưa, chị không ngồi được như vậy đâu.

Mọi người ùa vào nói :

– Không lẽ chị không giúp để nó an lòng đi sanh cho mẹ tròn con vuông sao ?

Cuối cùng tôi cũng nhận lời khi thấy con nhỏ nặng nhọc ngồi một chỗ đến nỗi hai chân sưng phù. Bàn giao sổ sách rất đơn giản chỉ có tập phiếu chi, quyển sổ ghi chép chi thu hàng ngày và sổ công nợ. Lật qua cuốn sổ này tôi thấy con nhỏ viết lại tất cả công nợ của từng cá nhân hàng tháng. Mỗi tháng gạch một hàng và viết lại từ đầu. Nhìn sơ qua tôi nói với nó :

– Sao em chép lại mỗi tháng chi cho cực vậy? Em hệ thống từng tên người còn nợ, dán hoặc cắt để ghi tên người đó trên đầu trang, muốn tìm người đó chỉ cần lật ngay trang vở tên họ, ghi thêm hay trừ bớt công nợ của họ là em có ngay số tồn hàng tháng. Em tập hợp tất cả những người có tên trong sổ này theo cách như vậy là có ngay tổng số công nợ cũng như cá nhân từng người một cách dễ dàng.

Liên Tử phản đối ngay :

– Không được đâu em đã thử làm nhiều cách rồi, em làm công việc này hơn mười năm, không có cách nào hơn đâu.

Tôi im lặng nghĩ, công nợ chỉ vài chục người tài khoản thanh toán còn hoạt động, số còn lại là công nợ khó đòi con số nằm im một chỗ không thêm cũng không bớt vậy mà hàng tháng cong lưng chép lại tài khoản này cho thấy không có chút sáng kiến hoặc ý muốn thay đổi.

Bắt tay vào việc làm thêm này, bản tính nhanh nhẹn, các hóa đơn phiếu xin thanh toán ai đưa đến tôi viết ngay dễ dàng với lời lẽ tóm tắt, đúng mục đích của người xin thanh toán. Hơn hai tháng làm thêm tôi chưa hề bị Giám đốc bắt bẻ hay phê bình lời văn ghi trên phiếu.

Chỉ cần một tháng đầu tôi khám phá ra chiêu trò tại sao ai cũng gọi Liên Tử là “cô Mai”, bởi vì nhỏ này hay hẹn “ngày mai” chứ không bao giờ viết phiếu xin thanh toán cho họ được lĩnh tiền ngay, mỗi khi thấy Thủ quỹ mang tiền từ ngân hàng về bởi “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Vì tôi không “đến hẹn lại lên” như “cô Mai” nên ai cũng có cảm tình, có lần một con nhỏ thống kê xưởng mang quà đến giúi dưới bàn làm việc tôi mới hiểu rằng công việc này có quy luật ngầm. Ai muốn nhanh chóng được viết phiếu để lãnh tiền phải biết điều với kế toán thanh toán. Dĩ nhiên tôi mặt lạnh từ chối ngay món quà khiến con nhỏ có vẻ ngỡ ngàng.

Chưa hết thời gian hai tháng Liên Tử sồng sộc chạy vào đòi đi làm trở lại. Tôi vui vẻ bàn giao các thứ, nhưng thái độ nhỏ này thay đổi khác hẳn. Mỗi khi thấy Thanh Tâm vào phòng là Liên Tử cao giọng nói to :

– Sao chị làm như vầy, tất cả là chị làm sai hết.

Tôi không hiểu mình đã làm sai chuyện gì khi Liên Tử cầm cuốn phiếu chi xòe ra. Nếu tôi viết sai thì bốn người ký tên trên lệnh chi, tôi là người đầu tiên viết phiếu, kế đến là trưởng phòng Thanh Tâm, Giám đốc ký duyệt là người thứ ba và cuối cùng là thủ quỹ ký chi tiền chẳng lẽ tôi viết sai mà không ai biết.

Lần kế tiếp thấy Thanh Tâm vừa bước vào Liên Tử lại cao giọng hạch hỏi tôi?:

– Tại sao chị không chép sổ công nợ, hai tháng qua chị chép có nửa tháng, chị làm trật hết.

Bực mình tôi trả lời :

– Tôi chỉ làm giùm cho Liên Tử thôi, tôi làm nhiều thứ chứ không có rảnh ngồi chép lại việc đó.

Tôi thấy lần nào Minh Tâm cũng im lặng không để ý lời phàn nàn của Liên Tử về tôi.

Lòng không vui nên tôi qua phòng Kế Hoạch tâm sự với chị Hoa là người lớn tuổi nhất, tôi phân bua :

– Em thấy em giúp người nhưng lại bị trả oán, từ ngày Liên Tử trở lại làm việc cứ moi móc nói em làm sai, làm không đúng tất cả công việc của nó.

Chị Hoa cười nói :

– Tại em không biết nguyên nhân thôi, bên ngoài nghe râm ran là bên tổ chức đang bàn bạc sẽ chuyển giao cho em thay thế phần kế toán thanh toán vì ai cũng thấy em giải quyết công việc nhanh gọn hơn Liên Tử.

Ngộ ra vấn đề tôi lại hiểu thêm vì các hóa đơn của những người xin thanh toán ai đưa tờ nào tôi viết ngay phiếu chi không để tồn đọng cả xấp như Liên Tử, có lần tôi nghe họ năn nỉ, Liên Tử trả lời là phải đợi theo thứ tự và giơ ra cả xấp hóa đơn của những người đến trước, cô này nêu khó khăn làm như rất công tâm nhưng mục đích chỉ để vòi vĩnh họ phải biết điều và hối lộ nó dưới mọi hình thức.

Tôi lại càng thất vọng ngao ngán thêm vì nghe đâu Liên Tử năm ngoái mới kết hôn với một người trước kia là sĩ quan VNCH đã từng đi tù cải tạo, vậy mà bây giờ tệ quá dẫm đạp vào vết xe cửa quyền của đám cán bộ cộng sản, hành xử bằng thủ đoạn giống hệt họ.

Thời gian này có nhiều biến động, Thanh Tâm ít đến công ty và cuối cùng nghe tin trưởng phòng kế toán bỏ việc ra ngoài thành lập tổ hợp riêng với vài anh chị em trong công ty sau khi nắm hết đầu mối giao dịch xin được các hợp đồng xuất khẩu nhiều sản phẩm ra nước ngoài.

Không khí trong phòng không còn thân thiện vui vẻ như mấy năm đầu khi tôi mới chuyển về, người đối với người bằng mặt nhưng không bằng lòng. Bên cạnh số anh chị em bung ra làm ngoài như Thanh Tâm, số còn lại có vài người đến tuổi về hưu kể cả Phó giám đốc tổ chức. Câu nói từ xưa vẫn phù hợp đến bây giờ “Đất nước không thể một ngày không có vua chúa”. Trưởng phòng kế toán mới được bổ nhiệm về là một người nữ còn trẽ, đến công ty nhận nhiệm vụ Kế toán trưởng với bộ quân phục của bộ đội đầy đủ quân hàm nghe đâu được “phục viên” làm dân sự.

Tôi không có ác cảm hay thành kiến nhưng biết mình thuộc tần số nào và sẽ không còn dễ thở như trước vì một loạt thay đổi hệ thống đầu não bắt đầu từ Giám đốc, phó giám đốc và kế toán sau chuyện tranh giành quyền lực.

oOo

 “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao...” Giống như lời khuyên của cụ Trạng Trình “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”.

Tôi xin chuyển về làm kế toán phân xưởng 6 tận Thủ Đức. Ở đây một mình một cõi, chỉ hơi khó khăn chuyện di chuyển phải dậy sớm hơn ra xa lộ Saigon chờ chuyến xe đưa rước công nhân của công ty.

Gần mười ba năm mới đi lại con đường này, ký ức đưa tôi trở về thời kỳ là một cô nữ sinh lớp mười một. Nhỏ bạn học nhờ tôi lái xe Honda chở nó lên khu rừng cấm ở Thủ Đức Dĩ An ăn lễ khao quân của bồ nó là lính sư đoàn Thủy quân lục chiến. Lần đầu tiên tôi một mình dám lái xe đi khỏi Saigon chở nó theo với sự chỉ dẫn rất thành thạo :

– Từ chợ Thủ Đức đi thẳng theo con đường lộ ngang qua quán Con Gà quay, đến ngã ba bên phải là khu rừng cao su, rẻ bên trái là con đường đất đỏ rải sỏi là đường tắt đi ngang xa lộ Đại Hàn vào các căn cứ dưỡng quân của sư đoàn TQLC/VNCH.

Lần này xe đưa rước của công ty chở tôi đi theo con đường nhựa bên ngoài, qua hết vạt rừng cao su nhà dân lưa thưa chạy dài, bên tay phải thỉnh thoảng có vài căn nhà hoang bị đập phá trơ khung bởi chủ nhân đã đi kinh tế mới. Vùng đất bên trái đa phần cây mọc hoang lúp xúp. Không còn những căn cứ cũ ngày xưa bởi khi đó chúng chỉ là những dãy nhà nằm rất sâu, đi ngoài đường nhựa sẽ không nhìn thấy được.

Một gian nhà xưởng to rộng nhô lên nằm trơ trọi chạy dọc theo miếng đất bên phải sâu tận bên trong, tôi tưởng là đến nơi nhưng té ra không phải, một chị công nhân nói :

– Đó là xưởng đúc trụ điện.

Chạy tiếp một đỗi, ngang qua đám ruộng khô trũng, sau lưng là khu rừng cao su chạy dài xanh mướt rậm rì sâu tận bên trong. Bên cạnh nằm sát đường lộ che chắn bởi hàng rào xi măng cao quá đầu người cả thước là căn biệt thự hai tầng thật to nhô cao lên trên mảnh đất. Một cây thông ba lá mọc thật cao hơn nóc biệt thự chĩa ngọn lên trời, đứng xa xa tận ngoài lộ cũng thấy rõ.

Xe băng qua hai cánh cổng sắt mở rộng, trong khi công nhân lục tục rời xe đi vào hai dãy nhà xưởng nằm phía sau tôi lững thững đi lên bực tam cấp bên trái vào gian chính ngôi biệt thự. Từ sảnh chính nhìn xuống qua lan can chắn ngang qua mảnh sân rộng là chiếc hồ nước cạn khô hai mặt sát tường rào, còn lại một bên chạy dọc theo lối vào ngăn cách bằng dãy rào thấp xây hình trụ.

Biệt thự xây cất theo lối Âu Á, chia làm ba gian lớn mặt trước tỏa qua hai bên là những bậc tam cấp dẫn xuống sân có thể đi vòng ra phía trước, băng qua các bồn hoa giờ chỉ còn trơ trụi đất khô. Bên trái có một hồ bơi lát gạch men xanh cạn khô lá cây rải rác. Cạnh cổng ra vào sát bên trái là gian nhà bảo vệ, tiếp nối theo một dãy nhà chỉ có mái hiên có lẽ trước kia dùng để đậu xe hơi.

Nhớ lại những câu thơ của Bà Huyện nói về Thăng long thành hoài cổ. Tâm trạng tôi bây giờ chắc cũng giống bà hồi xưa.

.... “ Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Tuy căn biệt thự mười mấy năm không được chăm sóc vì “cha chung không ai khóc”. Nhưng vẫn toát lên vẻ bề thế huy hoàng một thời xa xưa cũ tuy rằng phía sau những gian nhà phụ đã bị phá hủy gần hết. Mảnh đất rộng của biệt thự phía sau tiếp giáp khu vườn cao su sau này tôi mới biết nó chạy dài tận xa lộ Đại Hàn.

Có lần tôi hỏi gốc tích chủ nhân ngôi biệt thự chắc là của ông lớn nào đó trong quan chức, người dân sống bên cạnh trả lời ;

– Nhà này đâu phải của ông lớn ông bé gì. Là của ông Huỳnh Sô chủ nhà máy đúc trụ điện. Hồi mới “giải phóng” biệt thự bị bộ đội tiếp quản, trời ơi bọn họ phá tanh bành nên thành ra như vậy đó chứ.

Ở đây thời gian rảnh rỗi của tôi xem như vô tận, công việc theo dõi sản xuất trực tiếp đã có hai vị Trưởng và Phó xưởng, có đầy đủ ban bệ hành chánh nhưng gọn nhẹ chỉ có một người cho mỗi việc. Cũng giống như vậy, ở đây tôi đảm nhiệm công việc của một phòng kế toán thu nhỏ, chỉ huy là tôi, lính cũng là tôi. Kế toán trưởng là tôi, thủ quỹ cũng là tôi nốt. Câu “Đất lành chim đậu” đang áp dụng đúng nhất. Chưa bao giờ tôi thấy thảnh thơi kể từ khi bắt đầu làm việc cho guồng máy nhà nước mười mấy năm nay. Mỗi tuần tôi chỉ cần về công ty một lần cuối tuần họp về nghiệp vụ.

Bây giờ tôi mới khám phá, từ căn biệt thự đi bộ một quãng không xa lắm, qua những gian nhà nhỏ dọc theo hai bên ra đến ngã tư giáp xa lộ, đi thẳng là đường đi Dĩ An. Ở đây lần đầu tiên tôi nếm mùi vị nổi tiếng của nem Thủ Đức. Buổi trưa nổi hứng tôi rủ nhỏ thống kê đi lang thang vòng quanh khu xóm vòng về ăn tô bún với nem Thủ Đức. Tình cờ một lần con nhỏ tâm sự ba em hồi xưa đi lính cấp bậc Sỉ quan VNCH, nhà em ở cư xá Lữ gia. Những lúc rảnh quá tôi lại la cà xuống khu sản xuất tán gẫu chút ít về trời mưa trời gió, tôi nói giọng bâng quơ :

– Mùa này “tháng ba bà già đi biển”.

Bỗng nhiên một nữ công nhân tâm sự với tôi :

– Em có người anh chết trên đường đi vượt biên, nghe người ta kể lại anh của em bị bọn cướp đập đầu ném xuống biển vì là tài công bỏ chạy không chịu ngưng thuyền.

Xúc động khiến tôi hỏi thêm :

– Anh của em đi lính Hải quân khóa mấy Nha Trang ?
– Anh ấy không có học ở Nha Trang, anh của em học bên Mỹ gọi là Ô xê gì gì đó.
– Có phải là OCS.
– Chắc là vậy, sao chị biết ?
– Chị có người bà con cũng học bên Mỹ nên biết, mà anh em tên là gì vậy ?
– Anh ấy tên Thành.

Tôi im lặng về hỏi chồng tôi :

– Anh có quen người bạn nào tên Thành cùng học OCS với anh không ?
– Có đó anh này học khóa 2 tên Nguyễn Quốc Thành.

Khi nghe tôi thuật lại lời em gái anh này, anh thảng thốt kêu lên :

– Thành chết rồi sao ?

Tôi thấy chuyện tôi xin chuyển về đây đi làm xa Saigon không còn là việc dại dột như những người khác nghĩ. Trạm dừng chân nơi đây tôi có những người ít ra cũng cùng tần số, tất cả đều giống nhau chờ đợi đi một nơi xa tìm đến miền đất lành.

Cỏ Biển
Mùa Thu 2020

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020