SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

Huế, Trói Chân Những Cơn Mưa Buồn

Sinh ra ở Huế
sinh ra
sinh ra
sinh ra làm gì ở Huế
những cơn mưa cuồng thâm nặng lòng đất
những cơn mưa thượng nguồn đổ ập xuống
tràn trề bụng mẹ
sinh ra hài nhi bập bềnh
nôi sông bập bềnh...

Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà nhìn Huế những cơn mưa dầm. Những cơn mưa rả rích ngày này qua tháng nọ. Những cơn mưa cuồng kéo theo mùa lũ. Những cơn mưa vô địch không tiền khoáng hậu của Hồ Đình Nghiêm. Những cơn mưa đêm Trịnh Công Sơn bó chân ngồi nghe dòng nước cuốn trôi. Và những cuộc tình... con thuyền giấy thả trôi... về phương trời mơ mộng nào... Về đi thôi tuổi nhỏ của em, của tôi, và của bạn bè thân thiết một thời nào...

Nhiều người đã viết về Trịnh Công Sơn (TCS). Tôi lại bắt đầu viết về TCS. Rất đúng nghĩa, anh là một trong những mấu chốt vô cùng quan trọng của thời kỳ dầu sôi lửa bỏng. Một thời kỳ trộn lẫn mộng mơ lãng mạn - sợ hãi âu lo - thương đau hạnh phúc - tuyệt vọng và kỳ vọng. Hơn thế nữa, anh là nhân vật cuốn hút, trì kéo, dính líu rất nhiều đến cuộc đời tạm gọi là có chút sinh hoạt văn nghệ của tôi. Tôi bắt đầu viết về TCS. Từ Huế.

Huế thập niên 60, TCS hợp cùng Đinh Cường, Trịnh Cung (trước có bút danh là Thương Nguyệt), Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường...thành một băng văn nghệ trẻ rất có thế giá, hiện sinh, à la mode. Họ ăn bận theo lối Tây, pha một chút Parisien trên áo dạ cổ lọ, đội mũ nồi, ngậm pipe, khăn quàng cổ hoa hòe, thong thả dạo chơi dưới trời xám gây gây lạnh phố Huế. Đinh Cường, Trịnh Cung đem những nét mới mẻ tây phương vào hội họa. Ngô Kha có tập thơ Hoa Cô Độc và sau đó là Ngụ Ngôn Của Người Đãng Trí với ngôn ngữ tân kỳ (anh suốt một đời đuổi bắt thơ nhưng hình như không được đãi ngộ xứng với tài năng!). Tôi không nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường có trước tác gì đặc sắc thời đó, nhưng anh cùng Ngô Kha là những giáo sư triết có tiếng ở học đường bậc trung học. Nhắc thêm Huế còn có Đỗ Long Vân thâm trầm, trí thức. Và Bửu Ý uyên bác, giỏi ngoại ngữ, nhưng không thuộc nòi chải chuốt. Anh Ý thuộc type ăn bận đường hoàng, cổ điển. Huế của những năm trai trẻ ngồi cà phê Lạc Sơn, ghế cao cẳng, khói thuốc mù trời, Ruby hai đồng ba điếu. Lửa mồi là sợi dây dừa cháy thường trực, thò đầu ra khỏi miệng lon.

Khăn quàng cổ của C
điểm hoa màu than tím sẫm
trông điệu đàng bắt mắt
chiếc tẩu gỗ ngời lên nước bóng
bạn thân yêu,
khum bàn tay che giùm ngọn gió
đốm hồng đốt cháy thảo hương
thở tràn trề
thở mù sương, sớm mai Huế

Bằng hữu có thâm tình như lâu năm quán chợ những chiếc ghế cao cẳng đong đưa thời trai sợi thừng bò quanh miệng tách cà phê đen ý nghĩ hồng linh hồn ơi trói buộc như sông và dịu dàng kỹ nữ

Chỉ riêng mình TCS làm nhạc. Lời nhạc của anh thoạt đầu cũng mang hơi hướm lãng mạn cổ điển chung chung trong những ca khúc như Ướt Mi, Thương Một Người... ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi... Kỳ diệu thay, sang đến Lời Buồn Thánh, Diễm Xưa... ca từ đã hoàn toàn lột xác. Ngôn ngữ nhạc, hay thơ? trở nên trừu tượng, siêu hình và rất mới mẻ so với những ca khúc được viết thời bấy giờ. Bọn trẻ tụi tôi vẫn hằng ư ử ca...dài tay em mấy thuở mắt xanh xao... mà không hiểu (cần chi hiểu!) tác giả muốn nói điều gì. Chỉ hát. Và nghe thấm đượm một điều gì thật lạ lùng, sâu hút, gợi nhớ ở một nơi chốn nào thật xa xăm, như thời hồng hoang tiền sử. Những câu ca như gió ơi gió ơi bay lên - để bụi đường cay lòng mắt; gót chân đôi khi đã mềm - gọi buồn cho mình nhớ tên (Chiều Một Mình Qua Phố) mấy chục năm sau hát lại nghe vẫn còn hay, ngập tràn ý tưởng. Hình ảnh tuy quen thuộc, mà cách diễn tả hết sức thơ. Nói theo ngôn ngữ trần trụi ở quê nhà bây giờ là lời ca TCS rất “ấn tượng”. Bọn trẻ chúng tôi bắt đầu chìm ngợp trong ấn tượng mơ hồ và lãng đãng đó: Ấn Tượng Trịnh Công Sơn!

Bọn tôi hồi đó nhỏ hơn một lứa, rất ngưỡng phục mấy ông anh văn nghệ này. Các chàng trai mới lớn Liêm-Toại- Sơn-Kỳ-Tuấn-Sum... cũng tập tành ăn diện, đi đứng, suy nghĩ theo lối Tây và lốt Tây thời thượng. Bọn tôi nhìn về TCS và bằng hữu của anh như một hình tượng, một điểm mốc của thời trai trẻ. Ngoài nhóm TCS, Huế còn rộ lên với biết bao kỳ hoa dị thảo trong khu vườn nghệ thuật. Nào là Võ Ngọc Trác một mình mình biết một mình mình hay, bí ẩn với thơ Thượng Thẩm. Nào là thơ Thế Viên, Châu Liêm (Nguyễn Xuân Thiệp), Diên Nghị v. v. mỗi người một vẻ. Các tay văn nghệ trẻ hơn cũng bắt đầu nhập cuộc. Điểm diện có Lê Khắc Cầm, Trần Hữu Thục (Trần Doãn Nho), Huỳnh Hữu Ủy, Hồ Minh Dũng, Lê Bá Lăng, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Thái Ngọc San, Tần Hoài Dạ Vũ...khởi viết và dần dà khởi sắc trên các tờ Văn, Văn Học, Bách Khoa v. v. Đấy là chưa kể xiết lực lượng những cây bút trẻ dọc miền trung từ Quảng Nam Đà Nẵng vô Tam Kỳ Quảng Ngãi, Qui Nhơn Bình Định, Phan Thiết Phan Rang... chao ôi là đông đảo núi rừng văn nghệ.

Nói hơi cải lương một tí: Tôi sinh ra đời giữa mùa ly loạn. Cái thời mà mạ gánh hai đầu hai đứa - chạy tả tơi ầm ầm lửa đạn. Cho nên to đầu đi học chậm phải khai sụt tuổi. Tôi học tiểu học Lý Thường Kiệt với Ngô Vương Toại. Một thằng Bắc Kỳ, một thằng Huế vậy mà thân nhau mới lạ. Toại và tôi đeo nhau như hình với bóng từ học vỡ lòng lên tới trung học đệ nhất cấp (Bán Công), rồi đệ nhị cấp (Quốc Học), rồi Văn Khoa Saigon và Cao Học Chính Trị Kinh Doanh. Chuyện này sẽ nói dài dòng sau.

Nhóm nhỏ tụi tôi khởi nghiệp văn nghệ (rất hạn hẹp, nội bộ) từ trường Trung Học Bán Công Huế. Tôi còn nhớ chơi thân với nhau có Ngô Vương Toại, Hoàng Ngọc Tuấn, Võ Thành Tân, Thân Trọng Mẫn, Lê Viết Võ, Dương Phước Duy, Huỳnh Ân, Hoàng Xuân Sơn...Chúng tôi tập tành viết văn qua những bài luận văn trường ốc với sự hướng dẫn của GS Hoàng Long Hải (là nhà văn Tuệ Chương, hiện ngụ ở Mass.). Thầy Hải giảng bài hay, lạ, rất mới. Ngoài ra còn có cô Hoàng Dạ Thảo, đẹp quý phái, mà hình như đứa học trò nào cũng mê cô (Hoàng Ngọc Tuấn có thố lộ mối tình đầu với cô giáo qua một thiên truyện nào đó về sau). Cô Dạ Thảo cũng phụ trách Việt văn (không biết giờ này cô ở đâu?) (*). Hai vị này đã mớm cho chúng tôi cái hay ho văn vẻ, cái đẹp của văn chương nghệ thuật vào những tâm hồn thơ dại. Phải nói là Bán Công đệ nhất cấp có “tứ nhân bang” Toại-Tân-Tuấn- Sơn thay phiên nhau đứng đầu Việt văn, thường xuyên có bài luận văn xuất sắc được lên máy phóng thanh đọc cho toàn trường nghe. Oai ghê gớm chưa? Trường Bán Công thời bấy giờ là một trong những thí điểm xuất sắc của nền giáo dục mới. Đa số giảng viên là những người tài ba trẻ tuổi, cộng thêm kinh nghiệm của những bậc thầy cao niên khả kính; trường Bán Công đã thu hút một lượng học sinh đáng kể của thành phố Huế. Trường có một thư viện lớn với đầy đủ sách giáo khoa và giải trí (bọn tôi vào thư viện ít khi mượn sách học mà mượn toàn truyện Tàu nào là Tây Du, Tam Quốc Chí, Chung Vô Diệm v.v. làm cho vị quản thủ thư viện thường nhăn mặt chau mày và hạn chế số sách cho mượn). Ngoài ra, Bán Công còn có một phòng thí nghiệm khang trang với đầy đủ dụng cụ máy móc khoa học. Bọn tôi hồi đó tuy học đệ nhất cấp nhưng cũng có những giờ thực nghiệm riêng cho những môn Lý/Hóa/Vạn Vật: mấy cô mấy cậu được khoác áo blouse trắng ngồi trước kính hiển vi nom như những nhà khoa học tương lai! Nhớ có thầy Hồng Quang Anh đẹp trai (râu quai nón) dạy lý hóa và hướng dẫn thí nghiệm. Nhớ quý thầy Lâm Toại, Nguyễn Cửu Triệp, Tôn Thất Đát, Cao Xuân Duẫn, cô Hoa dạy Anh Văn. . .; ai cũng tận tình dạy dỗ và thương quý học trò mình. Nhớ những đòn roi mây và cú bạt tai xính vính của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hai lúc nào cũng mong uốn nắn bọn học trò phá phách quỷ quái vào đường khuôn phép. Hãnh diện thay, một thời được làm học trò trường Bán Công Huế!

Mặc dù đã đọc Tự Lực Văn Đoàn, đã có nhấm nháp qua Sáng Tạo, Hiện Đại... nhưng cả bọn trẻ chúng tôi chưa có tay nào thấm nhuần để dấn thân vào con đường viết văn làm thơ thực thụ. Công trình đầu tiên của bọn tôi là một tờ báo chép tay thuộc về lãnh vực... nghệ thuật thứ bảy ! Cả bọn mê xi-nê như điếu đổ. Mấy rạp chiếu bóng Morin (Nguyễn Văn Yến), Tân Tân, Châu Tinh, Gia Hội... đều nhẵn mặt. Không xin được người lớn dắt vào rạp coi cọp thì ít lắm cũng lận lưng một tờ “pờ rồ gam” làm “cô-lếch-xông” (than ôi tuổi nhỏ tiền đâu mà ham chi ba cái đồ xa xỉ?!). Bởi rứa, lúc Hoàng Ngọc Tuấn - một con ma xi-nê ngoại hạng - đề xướng làm tờ Xi-Nê-Ma-Xì-Cốp thì cả bọn đều hoan nghênh, lăn xả vào chia nhau mỗi đứa một việc. Tha hồ mà bàn luận chuyện phim, tài tử, màn ảnh trắng đen, tếch-ních-cu-lơ... Âu cũng là một công trình nghệ thuật đáng xiển dương cho tuổi trẻ ham vui. Sau này có đứa làm thơ, viết văn làm báo là do những cơ duyên khác, tuy tất cả đều khởi đầu bằng cái mốc dễ thương ấy. Trùng trùng duyên khởi...

Trở lại với TCS. Từ sau Diễm Xưa, anh đã là một hiện tượng độc đáo trong làng âm nhạc. Anh tiếp tục nổi tiếng với những công trình sáng tác liên tục, lớn lao khác; về sau. Giao tình văn nghệ giữa anh và tôi có nhiều điểm vượt quá mức bình thường. Ngoài tình bạn, có thêm tình thân thuộc gia đình theo một nghĩa nào đó. Ở vào thời kỳ của những lòng nhiệt thành yêu nước, thân phụ anh và ba tôi là hai người bạn tâm giao và tâm đắc; có cùng sở thích và chí hướng. Ba tôi không may mất sớm. Tôi nghe thuật lại mỗi kỳ tới ngày húy nhật ba tôi, bác Thanh (ba anh TCS) đều bày chén bát cúng giỗ và ngồi nói chuyện với âm hồn: đối thoại giữa người còn sống và kẻ đã khuất. Thật là cảm động. Sau này, dù qua bao biến động, tôi vẫn luôn nghĩ tới anh TCS như một người bạn thiết, một người anh trong tình thân tộc đậm đà.

TCS dáng người nhỏ nhắn. Da ngăm ngăm. Trán cao, tóc bềnh bồng rất nghệ sĩ. Anh có đôi mắt sáng hơi ánh lên sự mệt mỏi sau làn kính cận đồi mồi tròn, dày, mỗi khi gỡ kính. Miệng rộng, mũi nở là những nét tướng tốt nơi đàn ông. Đặc biệt anh có hai bàn tay với những ngón dài tháp bút tuyệt đẹp, không thua những bàn tay đẹp của nữ lưu. Anh ăn bận không chải chuốt lắm, nhưng rất có “gu”, thẳng thớm. Đôi lúc có vẻ lãng tử. Nhưng không có vẻ chi là “bụi”, lếch thếch như hồi ký của một người bạn anh đã tả (có thể là có một sự thay đổi chăng? Tôi không tin như thế!). Thời nhỏ, tôi ít lui tới nhà anh TCS. Hai gia đình ở hai phố cách biệt. Ở Huế mà cách sông cách đò thì cũng khó đi lại. Phương chi nhà anh có cơ sở thương mại (buôn bán xe đạp, xe gắn máy) nên rất bận rộn. Người Huế rất ngại quấy rầy công chuyện buôn bán làm ăn. Về sau, khi đã lui tới thân thuộc với gia đình anh ở ngôi nhà xinh xắn đường Nguyễn Trường Tộ - Huế; các em gái của TCS thường gọi tôi là “anh Sơn nhỏ” để phân biệt với “anh Sơn lớn”. Phải thế không Thúy-Tâm-Ngân-Diệu- Trinh?

Đôi khi anh ngỡ mình là gió
gió tình cờ trở lại nhà em
gió đến rất thầm sau khung cửa
đón các em về buổi học tan
Nhớ Huế êm đềm mưa nghiêng sợi thương màu áo dạ phố đông sang buổi sáng em cười mắt ngái ngủ đêm qua lạnh qúa giữa mưa phùn !

Một vài đoạn thơ tôi viết cho Huế, những ngày vui chơi thơ mộng ở Nguyễn Trường Tộ. Và Huế đã có một thời dễ thương như thế!

Thân phụ anh TCS cũng qua đời khá sớm. Trong nhà TCS là ông anh cả, rất có uy quyền với các em. Anh nói điều gì ra là mấy người em đều răm rắp nghe theo, dù ngưòi em kế chỉ kém anh đôi ba tuổi. Đối với anh em trong nhà, anh rất thân thiết, nhưng vẫn giữ phần nghiêm nghị. Đối với bạn bè, anh cư xử hòa nhã, ăn nói nhỏ nhẹ, đôi khi nhuốm mùi triết lý (anh học ban Triết, tú tài Pháp); bao giờ cũng giữ một mức tương kính vừa phải: không kiêu mà cũng không bạc quá. Đối với bọn tôi, ngay cả Hoàng Xuân Giang em tôi, bao giờ anh cũng xem, và trân trọng giới thiệu như những người bạn, dù anh lớn tuổi hơn. Tính tình anh Sơn có hơi nhút nhát, cầu an (đó có phải là sự lựa chọn ở lại quê nhà như một cách thế ứng xử dựa vào bản năng, tính tình sau 75?), trong lúc tôi theo triết lý ba phải, cầu lành cầu toàn, sợ nể mất lòng người khác. Vậy, ở điểm tương đồng mầu nhiệm nào chúng tôi đã giữ được từ buổi ban đầu cho đến mãi về sau, khi anh từ miền cao nguyên xuống Sàigòn (sau một thời gian bôn ba); và bọn tôi phiêu giạt từ miền trung vào, gặp nhau ở một điểm hội tụ kỳ thú, bất ngờ như một tặng phẩm của đời không hề được báo trước: Quán Văn!

Hoàng Xuân Sơn


(*) Theo một tập san mới nhất (tháng 3-2013) của nhóm Quốc Học/Đồng Khánh tại San José, cô Hoàng Dạ Thảo và phu quân là ông Hồ Đăng Lễ hiện cư ngụ tại thủ phủ Sacramento của tiểu bang California-Hoa Kỳ.

(Trích Cũng Cần Có Nhau, phóng bút của Hoàng Xuân Sơn, nxb Nhân Ảnh, 2013)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020