SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

Ma Sơ và Hải Tặc

Thuở đó chúng tôi đang trong thời kỳ quá độ học tập cải tạo mười ngày ăn, hoắc quá trời rồi, học đã sôi cơm nhưng chửa chín, nhất là sau khi học bài học chánh trị cuối cùng là bài Cái ưu việt của XHCN, thì chánh trị viên thông báo là sau bài này, chúng tôi hết lên lớp, anh ta hết lên bục giảng và hỏi chúng tôi có gì thắc mắc muốn hỏi, anh ta sẽ trả lời. Một người đứng lên hỏi:

- Thưa anh, chúng tôi thật sự thành tâm học tập để thành người công dân mới, thích hợp xã hội mới và rất là mong muốn sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Kính mong anh chỉ rõ cho chúng tôi biết cụ thể thế nào là học tập tốt, lao động tốt, theo đúng đường lối của Đảng và Nhà Nước để chúng tôi biết đường mà… nắm… và làm theo ngõ hầu đạt tới mục tiêu đó.

Chánh trị viên cười cởi mở, khen câu hỏi hay nhưng không thể trả lời ngay được, hẹn một ngày khác, phải về hỏi Trên mới trả lời được.

Mấy hôm sau có buổi lên lớp bất thường về đề tài… Để trả lời một câu hỏi… đó!

Vừa thấy anh trên bục giảng là một tràng pháo tay hoan hô, hồ hởi phấn khởi như đón tiếp một lãnh tụ đem đến tin mừng mong đợi, hết đợt vỗ tay này tới đợt vỗ tay khác, gần như bất tận, vì không thấy anh ta giơ tay lên ra dấu đủ rồi, ngưng vỗ, tưởng như gần được… về… mãn khóa, ra trường đến nơi. Anh ta cứ đứng trên bục giảng tươi cười đồng tình nhận lãnh một phần thưởng từ trên trời rơi xuống từ lúc đầu khóa tới giờ, chưa bao giờ được hoan hô như vậy, anh chẳng dại gì ra dấu ngưng, giữ im lặng, trật tự như trong lúc lên lớp trước đây. Phe ta, khí thế, có người đứng ra bắt nhịp bài ca… Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng… vừa hát, vừa vỗ tay như ăn mừng … Mãn Tù… vậy. Hội Trường vang động tiếng hát, tiếng vỗ tay, tiếng cười sau đó mới im lặng một cách tự giác, như dàn máy bị cúp điện, im phăng phắc nghe báo tin mừng. Lúc bấy giờ gương mặt hắn cũng thay đổi, từ tươi cười sang lạnh lùng, táo bón, như sắp lên lớp bài… Ngụy Quân là tay sai của Đế Quốc Mỹ vậy. Không khí hội trường cũng đổi khác, như dàn âm thanh bị tắt máy đột ngột , đang… Ồn… bỗng… Im !

Hắn còn câu giờ, đùa dai, hỏi đám đông … chắc các anh đang nôn nóng muốn nghe câu trả lời lắm phải không? Một tiếng … Phải… gần như hét lên cùng một lúc như sấm sét vang lên, muốn bể lòng ngực, tung mái hội trường cho hả lòng mong đợi.

- Vậy thì tôi không quanh co trả lời cho các anh nắm là… học tập tốt hay xấu, tiến bộ nhanh hay chậm, về sớm hay muộn tất cả đều… do các anh và tùy thuộc vào các anh!

Thế là bé cái lầm, có người tức tối nhắc lời ông Thiệu… Đừng nghe, hãy nhìn… biết vậy, sao có thằng lại dại dột hỏi làm chi câu mắc dịch đó làm tốn thêm một buổi lên lớp, ngồi đồng, vô bổ. Xóm nhà lá của chúng tôi bắt đầu… Bia Lên… khi nghe hắn lải nhải … cái căn cứ này, doanh trại này là của các anh dựng lên, cái vòng rào kẽm gai này cũng do chính tay các anh làm ra, chúng tôi cũng ở trong đây như các anh vậy. Nghe còn xoáy hơn các bài học chánh trị vừa qua. Tan lớp , mặt mày ai nấy không mừng cho cái lỗ tai được thoát nạn nhồi sọ, xóc óc, tẩy não  như những bữa học trước, người nào cũng trầm ngâm, khác hẳn lúc ban sáng, hớn hở cười nói với nhau, hí hửng sách cái ghế tùy thân lên hội trường nghe bí quyết về sớm như đi ăn Đám Cưới. Bây giờ mặt mày một đống, buồn thiu như mới dự  Đám Ma về.

Nhờ vậy mà Ngộ… học tài thi lý lịch… ngọai trừ có cái gan của Papillon, thấy mình học quá tiến bộ, cúp cua, trốn trại về sớm, thực hành lời trên nói… ngày ra trong tay ta! Còn không có cái gan đó thì học cái khôn của con chim mới vô lồng, ngưng, đừng nhìn trời cao lồng lộng mà lồng lộn vỗ cánh bay ra, tự do đâu không thấy, chỉ thấy đâm đầu vào thành lồng, rụng lông trầy mỏ, tự hành hạ thân xác, chẳng ích lợi gì. An phận tù đày chờ ngày… phóng thích, phóng sanh!.

Sau buổi lên lớp đó, phe ta đổi chiến thuật, coi… đời là đùa… thú đau thương, khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười, biến những ngày học tập mất tự do, không biết ngày ra thành những ngày vui chơi đời cải tạo.Thả ngửa, thả nổi cuộc đời như lục bình trôi sông cho nhẹ cái đầu. Chưa bản lãnh… quẳng gánh lo đi để vui sống… nhưng cũng biết thủ câu thơ… chẳng lẽ ta đây mãi thế này… trong lòng cho qua ngày, đọan tháng, tàn năm!   

Lý sự cùn vậy đó cũng đem lại sức sống bền bỉ, tập sống với ngày mai không thấy ngày mai, chớ không phải ngày mai trời lại sáng như sách vở nói. Lạc quan vẫn hơn bi quan, vậy mà mấy năm sau mới ngộ được chữ… buông… này qua trải nghiệm tù đày. Lúc đó cũng thấy đời là bể khổ thiệt nhưng hoàn toàn mù tịt Phật Pháp, Vô Thường chần dần trước mặt còn chưa thấy nói gì Vô Ngã, Duyên Khởi, Tánh Không. Biết được, Tùy Duyên Thuận Pháp mà sống thì cũng đỡ khổ hơn trong địa ngục trần gian đó. Cũng như biết được… Sinh Lão Bệnh Tử… chạy Trời không khỏi chết thì về già gần đất xa trời đỡ buồn hơn có ý tưởng mong muốn được … Trường Sanh Bất Tử… trong đầu.

Đời tù là những chuỗi ngày buồn, buồn nhất là những lần chuyển trại, đi mà không biết đi đâu, xe chở đến nơi mới biết mình tới đó. Một buổi chiều, ngồi chờ Molotova đến chở đi bên lề đường đất đỏ ngoài vòng rào trại. Ngổn ngang ruột rối tơ vò bên hành trang tù đày, lỉnh kỉnh nồi, niêu, xon, chảo, thùng sách nước, thùng tưới cây, tự làm, tự chế, bỏ đi không ai thèm lấy, nhưng lúc nào cũng đeo mang theo mỗi khi chuyển trại… buồn… thấy trăng lên, thả hồn theo… Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao… buồn hơn…  vì mình đâu vinh dự như người Chinh Phu trong câu thơ đó. Dù có là Lính thú bị đọa đày ra biên ải xa xăm trấn giữ non sông đi nữa vẫn còn hơn tù đày bại trận, thua làm giặc. Thơ với thẩn, mơ với mộng làm gì chỉ làm khổ cái đầu mà thôi, bèn trở về thực tại hiện tiền với lon cơm guigoz và con cá khô như những người chung quanh cho yên cái bụng .

Chuyến đi này hơi khác với những chuyến đi trước. Thọat đầu xe lăn bánh trên những con đường hai bên là nhà, rồi hai bên là đồng, nhưng sau cơn ngủ gà, ngủ gật, ngủ ngồi, mở mắt ra thì thấy… hai bên là rừng… lên đồi xuống dốc. Lâu lắm mới thấy lại cảnh thoáng đãng, bao la, trời cao đất lạ. Xưa, biển khơi, xanh biết một màu. Nay rừng thẳm, xanh ngắt một màu. Nhưng tâm trạng trái ngựợc hẳn nhau trước thiên nhiên hùng vĩ mênh mông vô tận. Một đàng hải hồ tự do vẫy vùng lướt sóng đến chân trời xa, một đàng rừng thẳm trùng điệp vây phủ tù đày không biết đường ra!

Ngồi trên xe lần này hoàn toàn không đoán được đi đâu, mù tịt như đám bụi đỏ mịt mù trước mắt, không biết đang chạy trên con đường mang tên gì hay mang số mấy, chỉ biết lên rừng và phân vân tự hỏi làm sao có thể sống được ở đây? Xe rẽ vào một con đường nhỏ, xuống xe theo vệ binh dẫn sâu vào trong trên con đường mòn, cũng băng qua con suối và cây cầu nhỏ đến khu rừng thưa mới dừng lại là biết câu trả lời liền. Tên chỉ huy mới giới thiệu … đây là nhà mới của các anh!

Nhờ mới phát quang, vài cây cao ngả nghiêng nên có một khoảng đất trống để tập họp ở dưới và một vũng trời nhỏ hẹp trên cao, màu xanh nước biển nhạt trang điểm vòm trời thấp xanh lá cây đậm như một cây dù cành lá khổng lồ che nắng mặt trời! Giã từ không gian thoáng đãng, không hàng rào kẽm gai vây quanh, chỉ cây rừng bao bọc muốn đi lúc nào cũng được nhưng khó trốn thoát, thiên nhiên cách trở, cây kín hơn kẽm! Đêm qua ngủ ngồi trên khách sạn di chuyển Ngàn Sao, đêm nay ngủ nằm trong khách sạn Không Sao, màn trời, chiếu đất, có Cắt Kè gọi nhau trên cao như gà rủ nhau gáy sáng. Chúng uốn lưỡi, đá lưỡi phát âm chữ Cắt Kè thật chuẩn, mồn một, rõ ràng! Cắt… cao, trong, sắc nét như dao bén. Kè… è, è, è … xuống, khàn, rè như loa bể. Chắc con Cắt Kè có tên Cắt Kè từ miệng nó mà ra. Con người chỉ cần nghe tiếng đặt tên, nghe sao đặc vậy là xong …như nó là... như chúng gọi nhau trong đêm trên cành cây là trung thực nhất!

Đêm đầu trong rừng tối hơn đêm ba mươi, tưởng từ đây mãi mãi không thấy sao, có chăng là … đom đóm… đâu ra chiều hôm thật nhiều trong bài ca của Nhạc Sĩ đại tài gốc Nhà Binh Nguyễn văn Đông mà thôi!

Thế mà chẳng bao lâu sau, trên cao, trời thấp xanh lá cây trở thành trời cao xanh da trời, đêm đến không những thấy sao sáng lấp lánh trên cao mà thấy cả nguyên chòm sao theo mùa nữa, lúc đó đang Xuân, chòm sao gáo, Đại Hùng Tinh, Tiểu Hùng Tinh dẫn đến sao Bắc Đẩu, Polaris, xuất hiện. Đom đóm bây giờ chỉ còn là những ánh chớp lập lòe mờ nhạt ở mép rừng so với sao đêm xa xôi. Cắt Kè… mất nước, dời đô… hết còn nghe tiếng chúng gọi nhau trên cành!

Dưới thấp, cánh rừng rậm rạp xanh thẫm trước mắt bị đốn ngả rạp, chờ khô, đốt, biến thành cánh đồng đen. Chờ mưa, gieo hạt, biến thành cánh đồng vàng, lúa trĩu hột. Khách sạn Không Sao, màn lá xanh, chiếu lá vàng thành khách sạn Ngàn Sao. Sống gần thiên nhiên mới thấy khác biệt giữa đêm ba mươi và đêm trăng rằm, mười lăm trăng tròn, mười sáu tròn trăng, mới thấy quý ánh trăng soi đường đi và đêm nay trăng sáng quá anh ơi là tuyệt vời trần thế, không còn gì đẹp bằng. Bàn tay tù làm nên tất cả, với sức người rừng rú cũng thành nhà, láng trại rộng rãi, vật liệu đều từ rừng ra, cột kèo là cây rừng, mái tranh, vách nứa, dây mây, ở giữa có hội trường lớn, bên hông còn có sân đá banh có khuôn thành cho thủ môn giữ đàng hoàng. Khánh thành, khai trương, cầu thủ tù khen sân rừng đá êm hơn sân ruộng gồ ghề, nhưng một mùa đá đúng một trận rồi thôi vì thiếu… banh!

Năm đó mưa thuận gió hòa, được mùa, tay liềm thu họach, gánh lúa đầy kho. Sau đó cũng tổ chức ăn mừng tập thể, có rượu thịt nhờ đem lúa ngô trao đổi với đồng bào Thượng lấy rượu và heo. Một tổ 30 người được một lít. Rượu được chia đều ra ba mươi chén, mùi như rượu đế, vừa đúng một ngụm, rất mạnh, cay nồng xé miệng nhưng không ai chê, ngay người chưa bao giờ nếm nước mắt quê hương lần nào cũng nhấp cho đến cạn chén. Lai rai, mặt đỏ, chớ chưa đủ say. Rượu vào, lời ra, nghe phong phanh sắp chuyển trại, bèn đem ra bàn đề… về… chớ còn đi đâu nữa? Tịệc này là tiệc… Mãn Tù… Học tập tốt rồi, lao động tốt rồi, ngày về trong tay ta, chút men nồng làm mơ ước dâng cao, ba mươi mái đầu sạn đều cùng nhìn một hướng như nhau, say men tốt nghiệp. Không biết rượu nhìn hay mình nhìn nhưng dầu sao đi nữa cũng có một ngày vui trong lòng.

Trong thời gian này cũng nếm được thịt nai rừng. Một con nai đói, mò đến luống bắp kiếm ăn, một người làm gần đó phát hiện la lớn… Nai, Nai… chỉ có thế thôi mà cả khu rừng náo động. Nai đói gặp tù đói đang vun gốc, làm cỏ quanh đó bỏ nhiệm sở tham gia cuộc săn nai theo chiến thuật… biển người! Nai hốt hoảng bỏ chạy, thay vì chạy vào rừng lại chạy trên đồng trống, chạy tới đâu tiếng la hét vang dậy đến đó. Con nai chạy trước, chỉ có tiếng… nai nai, đâu đâu, đó đó… theo sau chớ đâu ai có sức chạy đua với nai, hay cao lắm chỉ quăng cây cuốc theo cầu may khi thấy nai chạy ngang qua gần đó, thế mà cũng không thoát. Con nai xấu số, mất định hướng rừng, chạy đâu cũng đụng người, không thấy cây, sau cùng lại chạy về hướng trại và đâm đầu xuống suối. Đang lồng lộn loay hoay vùng vẫy nhảy phóng tìm đường lên thì một người với cái rựa cán dài trên tay nhảy xuống vung hai tay nhắm ngay chân nai mà phang như đang đốn cây, chặt nứa, hết chân này đến chân kia, cứ thấy chân là chém. Con vật đáng thương khụy xuống, ráng ngốc đầu khỏi mặt nước rống lên tiếng đau thương thảm thiết vang động một vùng. Tim tôi nhói đau khi chứng kiến cảnh đốn chân đó. Hình ảnh đẹp, thơ mộng, hiền hòa, êm tai … Con nai vang ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô… vẫn còn ngự trị trong lòng! Sau đó vệ binh tới với cây AK 47 trên tay, những tiếng đạn chát chúa vang lên, tiếng súng im, tiếng rống im, trả lại tỉnh lặng cho rừng, tiếng súng, tiếng rống đều kinh khiếp, đinh tai nhức óc như nhau. Một dòng máu đỏ tươi từ đầu tuông ra thành vòi chảy theo dòng suối trong. Con vật được giải thoát, tôi quay đầu bỏ đi ngay không muốn nhìn thêm nữa. Cảnh máu đổ chân rơi kết thúc, con nai không còn sợ hãi, không biết đớn đau là gì nữa, mừng cho nó thoát khổ chớ không phải mừng vì sắp có thịt ăn. Trưa đó mỗi người được chia một miếng thịt nhỏ bằng hai ngón tay. Không biết được phần nào trên thân xác con nai, củi rừng tha hồ mà hầm, bữa cháo nai bất ngờ hôm đó không gì ngon hơn, chỉ thấy kéo dài hơn thường lệ vì… nhai… thịt nai… dai ơi là dai! Nhai mệt nghỉ, mỏi miệng, đàn hồi, bật lên như nhai cục cao xu, vô vị, nhạt nhách, nhưng không chịu… nhả… ráng nhai nuốt để có protein trong người. Mấy tháng nay không có con heo nào của bộ đội nuôi bị… mắc dịch! Ở Long Khánh, buổi chiều hậu cần mới phát thịt heo, ban đêm đang ngủ say trong mùng bị dựng đầu thức dậy nhận công lãnh thịt heo… “đột xuất”… lúc đó mới vỡ lẽ … có thêm con nữa bị trúng gió! Trước đó cũng có miếng thịt heo bằng hai ngón tay đầy những chấm màu trắng nhỏ như hột gạo, nhớ  xưa học tiểu học lớp ba, lớp tư, môn Vệ Sinh Cách Trí gọi thịt này là thịt heo gạo trong bài sán sơ mít bây giờ mới thấy tận mắt. Muốn ngừa bệnh này thì đừng ăn thịt heo gạo, thế mà không chịu quăng đi, đem hỏi bác sĩ tù gần đó cho chắc ăn… bác sĩ, ăn thịt này có sao không, bác sĩ trả lời ngắn gọn… anh sợ không dám ăn thì cho tôi đi. Bác sĩ còn nói vậy bèn đem về lấy dao đi rừng phát quang bầm nát những hột gạo thành hột tấm cho hết thấy gạo rồi bỏ vô nồi hầm với cơm, ăn xong không ai bị sán sơ mít cũng hay, chắc nhờ củi rừng hầm lâu, trứng sán chết hết.   

Sau đó không lâu cùng cũng cuốn gói lên đường, để lại láng trại mùa màn ngô khoai cho người đến sau, không biết là ai. Lần di chuyển này khởi hành vào ban ngày chớ không phải chiều tối như những lần trước, hành trang tù đầy không dám bỏ lại thứ nào. Xe lăn bánh, cứ nghĩ trong đầu chuyến đi lần này là đi từ… tối ra sáng… hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai, yên chí lớn sẽ rời rừng về phố, từ giã con đường đất đỏ bụi mù hai bên là rừng trở về con đường nhựa đen bằng phẳng, êm ái, hai bên là đồng, rồi tới hai bên là nhà, thấy lại ánh sáng văn minh cột đèn, cột điện, cột trụ đá trắng ghi lại từng đọan đường cây số đi qua. Chưa kịp nghĩ tới câu ca… mình về thành phố đây rồi… thì xe dừng lại. Tưởng để tài xế nghỉ mệt, nào ngờ… tới nơi! Xuống xe thấy con đường mòn cạnh đó trong mắt là biết ngay con đường này mới là con đường … Tù… ta đi chớ không phải con đường nhựa đen mộng tưởng trong đầu. Đi sâu vào trong, nghe suối róc rách, thấy khu rừng thưa là biết nơi… đóng tù! Thế là trở lại từ đầu, tắt đèn làm lại. Chuyến di chuyển này không phải chuyển trại như những lần trước mà là chuyển rừng. Từ rừng gần biên giới, Bù Gia Mập, chỉ cách Kampuchea mười lăm cây số vô rừng sâu trong nội địa, Bù Đăng. Cũng nhờ vậy mà tôi… an phận tù đày… vì hết mơ mộng làm Papillon, muốn đi không bíết đi đâu, muốn làm loài thú đi hoang không phải dễ, chắc cũng như con nai rừng. Trong thời gian ở Bù Gia Mập có vài vụ trốn trại, toàn là những người trói  gà không chặt, học thức cao, Kỹ Sư, Bác Sĩ, trong đó có bác sĩ Nguyễn Hữu Ân, cùng tổ từ lúc trình diện ở Petrus Ký, rất thân và rất tốt với tôi, nhất là trong lúc ốm đau. Đi solo, quá can đảm, đến bây giờ hỏi lại bác sĩ Trần Xuân Ninh, cũng không thấy anh ở bên này, cũng như lúc còn ở Việt Nam, hai người biết nhau ngoài đời trước đó vì là đồng nghiệp với nhau, đều từng du học Âu Mỹ, chắc bỏ mạng trong rừng sâu. Cũng như Nguyễn Cư, Fifth Battalion Commander khóa 4 tôi, cùng trường Petrus Ký, cùng trại tù ở Long Khánh, sau di chuyển đi rừng Cà Tum, sát biên giới Kampuchea, đi nguyên nhóm, tính làm  Papillon nhưng không thành mà thành… Kinh Kha! Cũng may, tôi không có tên trong danh sách đi Cà Tum chuyến đó. Họ là những con người Bất Khuất, xin ngả mũ cúi đầu khâm phục. Có mưu đồ trốn trại, làm Papillon mới biết lòng dạ nát tan cỡ nào, chưa đi đã thấy… chết trong lòng một ít… rồi! Ở Bù Gia Mập tôi có tham gia một cuộc trốn trại qua biên giới do Trần văn Trung K22 NT cầm đầu. Trong đêm ra đi, trước đó có một cuộc điểm danh bất thường gần nửa đêm sau buổi điểm danh thường lệ. Sau đó ra lệnh mọi người phải lên giường, có đi vệ sinh phải mang theo đèn gió và đi hai người. Tôi đánh hơi chuyện không lành nên nói Trung ngưng binh đêm nay. Đang ngủ say thì bị đánh thức ra điểm danh bất thường giữa đêm lần nữa. Đọc tới tên Trần Văn Trung nhiều lần không thấy trả lời, ông già Gương nằm sát bên trả lời … chắc nó ngủ quên, mới thấy nó đây, để tôi vô đánh thức nó dậy. Khỏi cần vô, tôi cũng biết giờ này Trung đang trong rừng chớ không phải trong mùng. Ông già Gương chưa kịp ra báo cáo thì những ánh đèn pin xé nát màn đêm ở mép rừng đi ra. Trung và hai người nữa bị bắt. Hai người kia, một là Kiến Trúc Sư Trương Hồng Yên, một là Bác Sĩ, nếu không có buổi điểm danh bất thường đó thì tôi cũng có trong đó, hai người này là… Hải Quân… cũng là dân trói gà không chặt. Bây giờ nhìn lại… bị bắt… là may. Trốn trại đường rừng biết bao cạm bẫy… qua biên giới không ăn đạn, mã tấu của Khờ Me Xanh, Khờ Me Đỏ… thì cũng… không gì mà ăn… chết đói trong rừng thẳm, rừng sâu. Nhờ vậy mà mới đây tôi liên lạc được bằng email với Trần văn Trung bên Germany. Nếu Nguyễn Cư bị bắt và bị bắn trọng thương như Hùng Sữa Khóa 1 OCS mình chắc cũng ở bên này họp khóa rồi. Thôi thì tạm chấp nhận tin là có… Số Phận… để giải thich chuyện… Hên Sui May Rủi… của một kiếp người… Hay không bằng Hên… Trúng Số với Tới Số, biết đâu mà mò, đôi giày còn có số nói chi con người! Nếu biết bên ngoài có vượt biên bằng đường biển thì chắc chắn không ai chịu vượt biên bằng đường bộ, nhất là dân Hải Quân! Trong rừng mù tịt tin tức bên ngoài, cả năm trời không nhận được thư nhà nói gì quà, như đang ở bên kia bức màn sắt. Những người trốn trại như vừa kể, ra ngoài không có… Tài Công… thì cũng có … Tài Chánh… đóng vàng ra đi như biết bao nhiêu người khác, chưa nói HO sau này!

Đêm đầu trong khách sạn Không Sao, màn lá xanh, chiếu lá vàng lần này, không được ngủ nằm mà ngủ đứng. Tấm bạt trải lưng thành mái che mưa, không nghe được tiếng Cắt Kè gọi nhau trong đêm mà nghe tiếng mưa đêm lộp độp trên đầu, thấm thía… Mưa rừng ơi mưa rừng…hơn bao giờ hết!

Được làm vua thua làm giặc, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Ở tù là vậy, đói ăn rau, đau khắc phục, địa ngục là thế… biết rồi, nói mãi… chuyện rác rưới, chỉ thêm buồn thôi. Trong tận cùng bằng số của những khổ đau đó mà biết… biến rác thành hoa…  thì hay biết mấy. Đi vác củi từ rừng cao su về ở Long Khánh, oằn ọai với cây củi khô cứng cấn xương trên vai, đau thấu trời xanh đất đỏ, trên con đường dài nắng cháy, ngang qua phố chợ có lắm người xem hai bên. Nhờ…khổ đau, đắng cay, tủi nhục đó mới có… chất liệu… để làm thơ tặng vợ hiền… hay hết ý, hay không chỗ nào chê hết! Phiền não sinh Bồ Đề là vậy. Sau đó bài thơ được phổ nhạc trong tù, không biết tác giả là ai, ngay tựa đề bài thơ cũng không rõ là gì, chỉ nghe nhớ lại và cho đại cái tên là… Bài thơ vác củi.

Thơ viết cho em từ chốn này
Không còn hương lửa ấm men say
Em ơi cá chậu chim lồng ấy
Ai oán cho thân phận bẽ bàng

Chưa dặn dò xong anh đã đi
Để em mòn mỏi tội tình gì
Bao năm chinh chiến ta gần gũi
Nay đã thanh bình lại biệt ly

Kiên nhẫn nha em gắng đợi chờ
Anh về em sẽ hết bơ vơ
Bến xưa sẽ gặp con đò cũ
Tàu lại về ga ta có đôi

Trời hỡi làm chi quá phũ phàng
Định mệnh con người sao đắng cay
Tôi đi vác củi ngoài sương gió
Ai oán cho thân phận đọa đày

Vợ tôi như thiếu phụ bên song
Vờ gánh hàng rong để tìm chồng
Chờ đoàn vác củi đi ngang ấy
Lệ ướt rèm mi ai thấu chăng.

Cũng như Nguyễn Trung Cang, nhạc sĩ nhạc trẻ tài hoa, sáng tác bài… Còn Yêu Em Mãi… rất hay trong tù, nếu không trải nghiệm những cảm xúc khổ đau tột cùng đó thì không tài nào sáng tác được một bản nhạc rất có hồn để đời, tặng vợ và tặng đời tuyệt vời như thế. Từng trải tù đày mà ôm đàn hát bản này rất phê, rất xoáy, tim nhức nhối, mắt… đổ lệ!

Không tài hoa làm thơ, phổ nhạc, biến rác thành hoa, nhưng chúng tôi cũng tiến bộ vượt bực, ngộ… đời là đùa…  biến những đêm tù nhớ tự do thành những tối… xi nê… mê ly, hấp dẫn cũng  là chuyện đáng nói! Sáng kiến này phát xuất từ Toàn, con Hiệp Sĩ Mù, Trung Tá, Giám Đốc trường Người Mù ở đường Nguyễn duy Dương, cũng tù ở một nơi nào đó như Toàn. Thấy anh em buồn rầu sầu khổ, tản mác mỗi người một nơi, bó gối nhìn xa xăm về phương trời xa thẳm sau phiên họp tổ, Toàn bèn đề nghị chiếu phim, cho anh em coi hát bóng  giải trí trên sạp chớ không phải trong rạp. Nói là làm, đêm đầu gom bi những thằng thích phi thuốc lào, chụm đầu chung quanh lon than hồng điếu đóm chờ ống điếu cầy… đi khách… xong, tới phiên mình, khói thuốc, tình tù, ấm cúng, ấm lòng. Ở ngoài… nhớ nhà châm điếu thuốc… vô sạp hát này thì ngược lại… châm thuốc quên nhớ nhà!

Đêm khai trương đúng tối Thứ Bẩy, chiếu phim… Le Jour le plus long … không bằng hình mà bằng lời do chính Toàn kể lại. Toàn thuộc gia đình con nhà giàu, học trường Tây nên sinh ngữ Anh Pháp đều giỏi như nhau, như Nguyễn trọng Lộc khóa 1 OCS nhà mình. Toàn họat bát, vui vẻ nói… tao coi mấy phim này không cần coi phụ đề Việt Ngữ mà nghe trực tiếp tài tử nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của họ, hay hơn nhiều, có đọan nào tiếu lâm cười trước thiên hạ vì nghe hiểu liền, còn đọc hiểu chậm hơn một chút. Chiếu xong còn bàn đề, phim chiến tranh trắng đen thuộc loại hay nhứt thế giới, tài tử gạo cội nổi tiếng đóng, nhiều người tham gia, đọat hai giải Oscar. Đêm đầu không đông, không ngồi chật sạp nhưng có nhiều người… coi cọp… nằm nghe ké, không chụm lại quanh lon than hồng nhưng sau đó cũng góp ý, bàn đề, bổ túc thêm chi tiết tiếu lâm chiến trường được  đạo diễn  đưa lên phim … một chiến sĩ dựa lưng vào tường, chỉ đồng đội ngồi kế bên để ý người  lính chiến đối diện, đầu gục sang một bên, mắt nhắm nghiền, chết…  ngồi, đôi bốt đờ sô trên đôi chân duổi thẳng mang… ngược, đi ra trận rồi sang bên kia thế giới chắc cũng không biết mình mang giày… trái! Có người nhớ nhạc đệm của phim và ca… Nous irons aux Coeur du Monde… người khác hưởng ứng húyt sáo, đờn miệng theo ca khúc quân hành… Chiến Thắng, tạm quên Chiến Binh… Chiến Bại… hiện tại! Đêm đầu coi phim … Le jour le plus long… thấy đêm buồn qua mau, đêm tù chóng tàn. Trùng hợp khá hay, ngày dài chiến trận, đêm ngắn trong tù, giải trí có lý!

Qua đêm sau, vừa xong phiên họp tổ là hú nhau gầy sòng ci nê, điếu đóm, điếu cẩy, than hồng sẵn sàng, chiếu phim chọn lọc, yêu cầu … Bonnie and Clyde. Tôi nhớ không lầm thì phim này được trình chiếu ở rạp Rex Sài Gòn đúng dịp Noel 1970. Phim trắng đen, sống động, cũng súng đạn nổ tung màn bạc từ đầu đến cuối nhưng không phải loại phim chiến tranh mà là phim cướp giựt. Đặc biệt khác thường trong phim này là cả rạp ồn ào, náo nhiệt không phải chỉ riêng vì âm thanh nhạc đệm, súng nổ trong phim mà còn thêm tiếng phụ họa la ó của khán giả như nhắc tuồng làm không khí hồi hộp sống động vui nhộn cộng hưởng thêm lên. Họ và ngay cả Toàn và tôi không đứng về phía công lực công lý bảo vệ an ninh trật tự xã hội mà nghiêng về phe găng tơ tội phạm cướp của, giết người, cướp nhà băng, phá làng phá xóm mới nực cười. Dưới mắt khán giả bọn cướp là một đôi tình nhân dễ thương, hay một đôi cướp tài tử, ngu ngơ, khù khờ, không chuyên nghiệp, tay mơ, cướp biết làm thơ đăng báo…

So one day they’ll go down together
They’ll bury them side by side
To few it’ll be grief
To the law a relief
But it’s death for Bonnie and Clyde.

Thọat đầu phim có vẻ lãng mạn, hài hước, cái hay của đôi cướp này trên phim ảnh là chiếm được cảm tình khán giả. Khi vụ cướp không thành, cảnh sát sắp tới mà một người còn kẹt chưa kịp chạy ra xe đồng bọn đang chờ ở ngoài cửa thì khán giả bên dưới bồn chồn xôn xao đốc thúc báo động dùm… lẹ lên, mau lên, Cảnh Sát tới kìa…  làm như tài tử Mỹ nghe được tiếng Việt vậy, rồi cả rạp đồng tình vỗ tay khi họ trốn thoát với bịch tiền cướp được trong tay. Khởi đầu cướp tiệm bán buôn nhỏ, cây xăng dọc đường, kiếm tiền xài chơi, không vũ trang, sau leo thang, kéo thêm đồng bọn băng đảng làm ăn lớn chơi súng cướp nhà băng. Tay nhúng chàm, đi sâu vào tội ác, bắn chết chủ nhà băng, nổ súng vào bất cứ ai dám đứng ra chống lại chúng trên đường thoát thân kể cả nhân viên công lực, gây chết chóc thiệt hại nhân mạng cho nhiều Cảnh Sát. Vậy mà cảm tình khán giả không thay đổi cứ hồi hộp lo sợ cho cặp cướp này bị bắt hay bị bắn. Kết cuộc, the end, là cảnh phục kích đẫm máu của lực lượng Cảnh Sát hùng hậu, đôi tình nhân tan xác không phải súng ngắn vài viên mà nguyên băng đạn của nhiều họng súng dài, chết thảm thương làm khán giả tan nát lòng không ngờ kết thúc kinh hoàng khốc liệt như vậy. Xót thương và tội cho Bonnie and Clyde hơn là bao sinh mạng Cảnh Sát đã bị bắn gục vì đôi cướp này. Ra về còn trách phim không có hậu, trước vui, sau buồn, sao không kết thức theo lối Happy Ending để có Mery Christmas và Happy New Year thì hay biết mấy. Sau đó cũng bàn đề sau khi chiếu phim, được sự góp ý của nhiều người, mới biết phim có hai giải Oscar, có doanh thu cao trong và ngoài nước Mỹ, không phải chuyện hư cấu mà là chuyện thật ở ngoài đời xảy ra bên nước Mỹ. Lần đầu tiên đem kỹ thuật pháo vào phim trường, cài pháo và thuốc màu vào áo diễn viên, tài tử, khi hành động cho pháo nổ phối hợp súng bắn làm người trúng đạn như tan da nát thịt, máu đổ thịt rơi, chết thê thảm. Cái áo jacket của Clyde mặc trong hôm bị phục kích còn giữ trưng bày trong bảo tàng viện, đầy những vết đạn bắn thủng xuyên qua, không biết bao nhiêu là lỗ, chứng tỏ những họng súng căm thù của Cảnh Sát dành cho Bonnie and Clyde trong phim ảnh và lẩn ngoài đời thế nào! Thọat đầu phim bị lên án là cổ xúy cho bạo lực phim ảnh, đứng về phía ác hơn là thiện, thiên về cái tình của ăn cướp hơn là cái lý của lính kín. Nhưng sau đó cũng có người khen là một đột phá điện ảnh, một sáng tạo táo bạo trong phim ảnh, đi đường mới chớ không đi đường mòn và nhất là được sự đồng tình yêu chuộng của khán giả bốn phương, trong lẫn ngoài nước Mỹ nên đổi ý phán… Như vậy mới là làm phim! Còn tôi lúc đó mới ở Mỹ về, nhớ Mỹ, thấy ở Mỹ sao cái gì cũng hay, ngay ăn cướp cũng thấy… dễ thương luôn! Nhớ lại kỷ niệm đầu đời thần tiên ở lứa tuổi đôi mươi, đẹp như mơ…  Hải Ngọai Thương Ca, Join the Navy See The World, Quân Trường OCS New Port Rhode Island thân thương, New York, San Francisco, California Dreaming!

Sạp hát ngày càng đông, thành công thấy rõ. Những buổi chiếu kế đó, có thêm máy mới, Tường, Pilot Chinook, kể chuyện cũng có duyên, làm cho phim chiếu thêm phong phú, phim Mỹ, Pháp đủ lọai, những phim hay nổi tiếng trình chiếu ở mấy rạp lớn, nhỏ Saigòn bấy giờ. Cao bồi Dzango, Cléopâtre, Un peu de Soleil dans l’eaux froide… vv, vv… nhưng lại không chíếu được một phim Việt nào.

Một phim hay nữa đến bây giờ không quên là phim… L‘ Adventure du Poseidon… thời đó, Pháp đi rồi mà ảnh hưởng văn hóa vẫn còn, tuy phim Mỹ nhưng tên Phim lại mang  tiếng Pháp treo quảng cáo ngoài rạp. Phim thuộc loại hàng hải, xảy ra ngoài biển khơi. Một du thuyền gặp sóng thần đánh lật úp… upside down… không chìm hẳn mà lơ lửng, đưa lưng trồi lên mặt nước. Đây là chuyến ra khơi cuối cùng của con tàu định mệnh trước khi cho về hưu, vào scrapyard. Tàu không chở hàng, Thuyền Trưởng lo ngại độ an toàn nhưng chủ tàu ra lệnh cứ chạy full speed vì tiết kiệm tiền chở đồ dằn… taking on ballast… cho tàu ổn định, cân bằng trên dưới. Những người ở thượng tầng kiến trúc con tàu, đài chỉ huy, hành khách hạng sang, có tiền nhiều ở tầng trên cao thì bây giờ ngược lại chìm sâu xuống phía dưới nên cơ hội sống sót hầu như không có, chết chìm ngay lúc ban đầu. Chỉ có hành khách ở tầng dưới thấp chưa chết ngay vì nước chưa vào kip, còn nhiều không khí để thở nhưng muốn thoát thân, thì phải tìm đường lên cao nghĩa là phải leo ngược để đi xuống sâu đến tận đáy tàu mới mong được bên ngoài phát hiện cứu thoát.

Con tàu lật úp, mọi sự đảo ngược, trần tàu bây giờ nằm dưới chân, là đường đi. Còn hành lang, cầu thang trên cao thành trần, ceiling, không đi được, chỉ để ngắm, tìm đường lên đáy tàu là chuyện gian nan. Nhưng không động não, đứng tim bằng con tàu lơ lửng, đáy tàu sẽ trồi lên nhưng không biết phần nào sẽ nổi lên khỏi mặt nước… mũi hay lái… để đi về hướng đó mới là chuyện… Sanh Tử! Thiên Đàng, Địa Ngục hai bên là đây, là chuyện sống chết chớ không phải chuyện lâu mau, nhanh chậm, buồn vui, được làm vua thua làm giặc thường tình. Lúc bấy giờ những hành khách tập trung trong phòng đi dạo và phòng ăn chờ đón mừng Năm Mới, New Year Eve, có hai chọn lựa. Một là đi về hướng mũi chỉ đeo mang cái mỏ neo mà thôi nên có vẻ nhẹ, đi về hướng đó có nhiều cơ hội sống sót hơn. Hai là ngược lại, đi về hướng lái, có cái máy khổng lồ nặng nề ở phía sau để đẩy chân vịt, nghe có vẻ trái tai, nghịch lý, nặng sao trồi lên cao hơn nhẹ. Thấy vậy không phải vậy, lập luận rằng tuy lái có máy khổng lồ nhưng vì vậy mà phải có hầm lớn rộng để chứa nó và ngoài ra còn có nhiều người làm việc ở đó nên chiếm nhiều khoang, nhiều không gian, nhiều không khí hơn, nhờ vậy mà nhẹ hơn mũi. Và ý kiến này là của một cậu bé nhỏ tuổi đi với chị để thăm cha mẹ ở Ethen, thích đọc sách tìm hiểu về kiến trúc tàu bè, có lần viếng thăm phòng máy đưa ra khi thấy người lớn bàn luận tranh cãi thuyết phục nhau. Bâng khuâng đứng giữa hai chọn lựa, mũi chịu sào hay lái chịu đòn? Chọn hướng nào cũng thấy đường đi, hành lang, cầu thang nằm úp ngược trên cao, chỉ có thằn lằn, người nhện, người dơi, batman, spiderman  mới bám đi được trên đó. Đến phần biểu quyết, ai chọn mũi đứng qua bên này, ai chọn lái đứng qua bên kia, đa số chọn mũi, chỉ một nhóm nhỏ chọn lái. Ngay chính người làm việc trên tàu, Quản Lý, cũng khuyên nên chờ, không nên đi về phía lái. Đã vậy sau khi phân chia chọn lựa xong xuôi đâu đấy rồi thì có vài toán lạ đi ngang qua, có toán rất đông, đi thành đoàn dài trong vội vã, im lặng và quả quyết về hướng mũi. Thế là trong nhóm chọn lái, có người lung lạc tinh thần, đổi ý, đòi chuyển sang mũi, nội bộ lại ồn ào tranh cãi. Nếu tôi mà lỡ trong đám hành khách này chắc cũng đứng bên phía chọn mũi vì đích thân chứng kiến vụ tàu lật úp lửng lờ, lơ lửng mặt nước này rồi nhưng là kinh nghiệm tàu nhỏ, tàu chiến. Lúc đó làm Sĩ Quan Trưởng Toán 6 chiếc PBR hộ tống một LCM chở đầy đạn và dòng một Ponton dầu tiếp tế cho đơn vị bạn ở Bến Kéo Tây Ninh trong đêm tối trên sông Vàm Cỏ Đông. Khi vừa qua Lương Hòa thì bị phục kích, mắt thấy rõ ràng, một cụm lửa bằng trái bắp từ bờ bay ra, chiếc PBR ngay trước mặt trúng trái B40 đó sau lái… Cháy… lửa bùng lên dữ dội, vội vàng báo cáo về phòng Hành Quân, ngắn gọn, bị phục kích, một chiếc bi bắn cháy. Nhả combinet, ngưng nói  thì một cụm lửa kế tiếp bay ra cũng ngay mục tiêu đó, ngọn lửa trong mắt biến mất ngay tức khắc, trong tít tắc nó… Chìm… bởi vậy mới chữa lửa nhanh chớp nhoáng như vậy. Bèn bấm ống liên hợp hét trong tiếng đạn giao tranh… nó chìm rồi… làm phòng Hành Quân ngơ ngẩn, SQ  Hành Quân phải dành máy của thằng em gằn giọng hỏi… Anh bình tĩnh báo cáo lại cho tôi rõ... phút trước cháy, chưa đầy ba mươi giây sau chìm, thế là thế nào, tôi không hiểu gì cả, bây giờ anh xác nhận cho tôi rõ… nó cháy hay nó chìm? Tôi ngắn gọn nó chìm, bởi vậy mới tắt nhanh như vậy, bây giờ chỉ còn thấy mấy cái đầu đen của mấy thằng em đang loi ngoi dưới nước vẫy tay cầu cứu. Vớt xong thì phát hiện con cá chìm không chìm hẳn mà lơ lửng, cái mũi ngốc lên mặt nước. Với trải nghiệm đó mà gặp chuyện này thì đem ra ứng dụng liền, chọn mũi là cái chắc.  Giờ phút chia tay còn thê thảm hơn… ở , đi… trong ngày 30/04/75. Là bíết xa nghìn trùng, là từ đây mãi mãi không thấy nhau, một cuộc chia ly đầy nuớc mắt, tan nát lòng. Hướng này đi về cõi sống, hướng kia đi vào cõi chết, không biết hướng nào, mũi hay lái, phải chia tay ngay để chạy đua với thời gian và nước biển đang dâng lên từ dưới như con quái vật khổng lồ biến hóa hình thù, khoang rộng ào ạt tràn vô, khe hẹp luồn lách lọt vào mới khiếp sợ, thấy nó là hốt hoảng như bị quỷ ám.

Cuối phim là hình ảnh con tàu lật úp nổi trên mặt biển, chân vịt nhô lên cao, tàu nhỏ tiếp cứu chung quanh, một số người trên lưng con tàu chìm lắng nghe tiếng động, tiếng đập vọng lên bên dưới, máy hàn xì kế bên sẵn sàng phá lườn tàu để cứu người bên trong. Thế là nhóm chọn lái tồn tại, sống sót nhưng không còn được bao nhiêu, một số bị rơi rớt dọc đường, không vượt qua thử thách gian nan, lặn, lội, leo, trèo quá khắc nghiệt này. Phải nín thở lội lặn qua hành lang dài ngập nước để đến cầu thang cuối dãy mò đường lên hầm máy bên trên. Sau cùng người cầm đầu toán này là một nhà lãnh đạo tinh thần, một Cha nhà thờ, phải hi sinh tánh mạng mình, chết để người khác sống. Một chọn lựa đau lòng, nhức tim hơn chọn lựa mũi lái ban đầu. Khôn chết, dại chết, biết sống, những người chọn lái, binh đúng đường, quyết định vận mạng mình theo hiểu biết lý trí chính mình chớ không phải theo đám đông, Nhưng muốn được vậy không phải dễ, phải bản lĩnh, thường thì thấy người ta làm vậy mình làm theo, chết chùm đỡ khổ hơn chết lẻ tẻ, chết cô đơn một mình.

Sau đó cũng bàn đề, phim thuộc lọai hư cấu, không phải chuyện thiệt xảy ra ngoài đời như Le Jour le plus long hay Bonnie and Clyde nhưng cũng là một phim hay. Tối nằm bắt tay lên trán so sánh,  thấy… chọn lựa… ở, đi… của mình trong ngày đổi đời 30/04/75 không nhằm nhò thấm tháp gì với chọn lựa … mũi, lái… của những người trên con tàu lật úp, upside  down này. Và nếu mình là người trong cuộc thì cũng binh lủng, binh sai một lần nữa, thua luôn hai trận, trong bờ lẫn ngoài khơi. Đau nhất là Thuyền Trưởng, biết tàu không ổn định an toàn vì không chở hàng và không chở bì dằn để giữ cân bằng nhưng vẫn nghe lời chủ lái tàu ra khơi với full speed. Chuyện ngoài khơi đối diện phong ba bão tố mà quyết định tối hậu không trong tay chuyên nghiệp Hàng Hải Lái Tàu mà tùy thuộc vào tay chuyên môn Thương Mại… Lái Buôn! Khi gặp bão Thuyền Trưởng có điện thọai liên lạc với Chủ Tàu xin trì hoãn chuyển qua hướng khác tránh tâm bão nhưng không được, còn nhận chỉ thị bằng mọi giá phải về bến theo đúng hạn định, chịu thua sức mạnh đồng tiền, đành ra lệnh cho máy tiến full. Đến khi nghe lookout  báo cáo thấy Sóng Thần như một bức tường nước cao khổng lồ chắn ngang trước mặt thì quá muộn chỉ còn kịp báo tín hiệu May Day rồi đi vào lòng đại dương mang theo nỗi uất hận và sinh mạng cả thủy thủ đoàn cùng biết bao hành khách vô tội dưới sự lèo lái, lãnh đạo chỉ huy của mình. Khôn chết, dại chết, biết cũng chết luôn! Thôi con còn nói chi con. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Còn một phim nữa được nhiều người đề nghị nhưng chủ sạp không chịu chiếu không hiểu vì phim dài quá, hai máy không nhớ nổi hay vì sợ vi phạm nội quy trại, chiếu phim phản động, đó là phim Đốc Tơ Jivago. Có người khuyến khích cứ chiếu đi, nhớ không hết, quên đọan nào thì có máy chầu rìa chiếu phụ nhưng chủ sạp sợ làm tự kiểm, nhất là sập sạp, không dám đụng chạm tới cái nôi xã hội loài người của bác sĩ Jivago đang sống. Nhưng cái lo lớn sau đó của chủ sạp là hết phim Âu Mỹ để chiếu. Ngoài đời, rạp một tháng trời mới đổi phim mới, trong đây, sạp hát mỗi ngày một phim, sao chịu nổi với ngày dài tháng rộng trong tù. Rồi ngày đó cũng tới sau khi tối hôm trước chiếu phim trẻ em… Tarzan cứu đoàn thám hiểm… nhưng hôm sau chủ sạp tỉnh bơ, vẫn điếu đóm, lon than hồng bày ra như thường lệ, khi vào cuộc chủ sạp Toàn mới báo… hôm nay chiếu phim… Em Bé Hà Nội… còn bồi thêm… xem xong phải làm Thu Họach rồi cười nói… chớ sao nữa, trước đây xem phim này làm sao thì bây giờ làm vậy!

Trong này thỉnh thoảng cũng cho coi cinema giải trí. Có khi chiều đến, ăn cơm xong, mỗi người sách cái ghế tùy thân đi cả mấy cây số tập trung ở bãi trống nhập với trại khác coi hát bóng do xe chiếu phim lưu động chiếu trên màn vải trắng căng giữa sân. Phim đầu tiên là … Em Bé Hà Nội… khi ổn định vào phim là lấy đường nhắm… mắt… ngủ! Xem xong tưởng bái bai Em Bé Hà Nội nào ngờ qua ngày hôm sau tổ trưởng đi họp về báo phải làm thu họach, sau đó còn ngồi đồng thảo luận. Xem cinema không giải trí mà còn động não thêm. Từ đó đi coi hát bóng tự nhiên tỉnh ngủ, mất đi cái thú ngủ gật. Nghe chiếu Em Bé Hà Nội sợ quá Trần văn Trung Khóa 22 HQ Nha Trang tình nguyện nhảy vô chiếu phim Tàu, không phải phim đã chiếu ở rạp, mà là chuyện tiểu thuyết Tàu. Ai nấy đều mừng rỡ nói, xem phim này xem mút chỉ, một kho phim, không lo thiếu, hết kiếm hiệp đến chưởng…vv… Trung kể chuyện rất có duyên, lôi cuốn, thích thú nhất là phim dài lê thê như phim tập truyền hình, liên tục mai tiếp, ngưng ngay lúc sắp đến phần hấp dẫn. Tôi không rành truyện Tàu, chưa bao giờ đọc một cuốn truyện nào, đến bây giờ cũng không nhớ chuyện Trung đang kể có tên là gì như Anh Hùng Xạ Điêu, Như Lai Thần Chưởng hay Cô gái Đồ Long… vv… nhưng nhớ tên một nhân vật trong đó là Quách Đại Lộ. Bạn tù say mê coi phim, đêm chiếu không đủ tranh thủ chiếu ngày. Chiếu ban đêm đã đành, không nói làm gì còn sáng tạo lao động, cho giải trí luôn ban ngày, vừa làm vừa coi mới đã, mới đúng là vui chơi đời cải tạo. Đi làm rẫy, lên luống trồng lan, tổ trưởng chia cho Trung ở giữa cầm cây cuốc đứng đó lấy có kể chuyện, hai bên là hai toán cuốc đất lên luống, toán lom khom lượm cỏ trồng lan, phân chia lao động khoa học hợp lý để tù nhà ta giải trí, co cụm gần nhau nghe Trung kể. Người đứng xa cứ la… lớn lên… chỉ nghe tiếng cuốc chớ không nghe được tiếng nói, buộc máy chiếu phải mở tối đa volume, làm máy… mau nóng. Người đòi nghỉ mệt “giải nao thuốc nào”  trước tiên lại là Trung, than mỏi miêng khó “khắc phục” hơn mỏi tay, mỏi chân. Tổ trưởng cũng bận rộn nhắc nhở hai đầu cứ chụm gần nhau, không giữ khoảng cách làm luống uốn khúc như con rắn, hai luống đất như hai đường thẳng cong cong chớ không phải song song. Đi cắt tranh thì khoanh vùng thành vòng tròn, cho Trung làm tâm điểm, bán kính du di, xa  gần tùy thuộc tần số phát thanh mạnh yếu, thuận gió hay ngược gió. Lúc đó Quách Đại Lộ đang theo đám Sơn Đông Mãi Võ biểu diễn võ thuật kiếm ăn, bày màn nấu bánh tiêu dầu chau quẩy không xài đũa gắp mà dùng  tay không thọc vào chảo dầu sôi bốc bánh tiêu, dầu chau quẩy ra mà không bị bỏng. Khán giả bu lại mua ủng hộ rất nhiều, chiên không kịp bán. Thừa thắng xông lên, hôm sau Quách Đại Lộ biểu diễn màn nằm bàn đinh… luyện lưng. Mọi người đang chú ý nghe thì bỗng nhiên tiếng… úi cha… phát ra thật lớn rồi im luôn. Chờ hoài không nghe kể tiếp bèn tiếu lâm với nhau … tẩu hỏa nhập ma, chắc Quách Đại Lộ bị tổ trác, gồng chưa cương cứng tới mức tối đa như… Công Gù… bị đinh nhọn đâm lủng lưng nên mới la lớn như vậy chớ gì rồi cùng cười ồ lên quên đi mệt nhọc dưới ánh mặt trời. Thấy máy sụp quá lâu chưa chịu chiếu lại, cả đám mới ngưng tay liềm đến gần xem chuyện gì xảy ra thì thấy Trung ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, hai tay buông suôi, mặt xanh lè, liềm nằm trên đất. Tưởng thằng con mê kể, cầm liềm không cắt tranh mà cắt tay nhưng quan sát lại… bàn tay vẫn còn nguyên năm ngón… không có ngón nào rơi xuống cỏ tranh. Hỏi chuyện gì xảy ra, thằng con cũng không trả lời được mà đưa mắt nhìn vào cái hang, là khe hở lớn dưới đất trước mặt. Nhìn kỹ thì thấy một cặp càng to tướng như càng cua đồng màu đen đang lấp ló dưới đó. Thì ra trong lúc mải mê kể chuyện Trung quơ  phải con bò cạp đất và bị nó chích nọc độc vào tay, đau buốt thét lớn rồi im luôn. Con người to lớn mà bị con bò cạp nhỏ bé bằng ngón tay cái chích là tê liệt toàn thân, như người ốm nặng, không thuốc giảm đau, chỉ có thuốc lào nhưng hết hơi, kéo một bi cũng không nổi đành uống thuốc… khắc phục!

Chiều tối, sau họp tổ, sạp đông người, thằng con chỉ nằm rên chớ không ngồi dậy kể chuyện tù nghe, khói thuốc mịt mù, tiếng điếu cày liên tục, nghe điếc tai. Chưa hết một bộ phim mà gặp trục trặc kỹ thuật nhân sự nên khán giả cũng ấm ức trong lòng, bên cạnh đó nghe hoài quen tai, xem hoài quen mắt, thành ghiền nên cứ ngồi đồng không chịu tan hàng tự thắng. Động lòng, một máy mới nhập cuộc chơi, nhưng trước khi chiếu cũng rào trước đón sau mở lời… bây giờ không có Chó thì tạm thời bắt Mèo ăn cứt… không chiếu phim Tây, không chiếu phim Tàu mà chiếu phim… Tao... được không? Tụi bay muốn coi thì tao chiếu. Nắng hạn gặp mưa rào, buồn ngủ gặp chiếu manh, cả sạp mừng rỡ vỗ tay hoan hô. Máy chiếu đó là Thành, bây giờ chỉ nhớ tên quên họ, cũng là dân Hải Quân, nhưng không OCS, không Nha Trang mà là Lưu Đày. Chuyện phim Thành chiếu giới thiệu có tên là… Chuyện Tình Tao… tự biên tự diễn!

Sau khi kéo một bi thuốc lào, mắt mơ màng, thả hồn theo khói thuốc nhớ lại tình mình bây giờ như mây trên cao… Thành mở máy chiếu… Lúc đó vào dịp cuối năm, đơn vị có tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ và kết giao được với một Tu Viện. Đơn vị của Thành là một Duyên Đoàn, tôi không nhớ tên gì, đóng gần Vũng Tàu. Sáng sớm hôm đó Thành là Sĩ Quan Trưởng Toán có nhiệm vụ dắt đoàn lòng tong Yabuta ghe cây sáu chiếc ra căn cứ Hải Quân  Vũng Tàu bốc phái đoàn từ Sài Gòn ra chở về đơn vị đóng gần đó tôi không biết ở đâu. Trường kết nghĩa là một trường đạo, Nữ Sinh Trung Học. Trưởng toán nữ sinh lên ghe Thành là một Ma Sơ. Nữ sinh lên trước, Thành để việc đó cho mấy thằng em lo, Ma Sơ là người lên ghe sau cùng thì việc này của ông thày lo, đích thân Thành ra bên thành ghe đưa tay cho Sơ vịn leo lên và dìu đến chỗ an toàn vì ghe chòng chành tháo dây rời bến. Đến Duyên Đoàn có Chỉ Huy Trưởng và tất cả Sĩ Quan đơn vị ra tận cầu tàu đón rước vào trong, Thành không tham dự vì là Sĩ Quan trực dưới nước ngày hôm đó. Chiều đến, phái đoàn ra về, Thành có nhiệm vụ đưa họ trở về lại Vũng Tàu. Toán lên ghe vẫn như cũ, ai đi ghe nào thì về ghe nấy. Khi tới nơi, cũng như buổi sáng, nữ sinh xuống trước, Ma Sơ sau cùng, trước khi chia tay Thành nói với Sơ bằng cả con tim chân chánh chưa bao giờ biết đến nói dối… tôi nghĩ đây là một Hạnh Ngộ của Thiên Chúa Trên Trời đã đưa Sơ lên Chiến Đĩnh này hôm nay và là một phép mầu cho riêng tôi được nói với Sơ những lời này, thành thật mang ơn Chúa và cám ơn Sơ. Tôi cầu mong Ơn Trên  sẽ cho tôi gặp lại Sơ. Trước khi chia tay từ giã, Sơ có thể cho tôi biết tên và địa chỉ của Sơ để liên lạc sau này khi có dịp. Đây là một nguồn vui lớn Sơ ban cho tôi nhân dip Xuân này, tôi mong Sơ mở lòng Bác Ái, không nỡ lòng nào chối từ ước nguyện này của tôi. Sơ cảm động chú ý nghe và lấy giấy bút viết những gì thằng con thỉnh nguyện. Sau khi nhận xong Lá Bùa thằng con không quên nhảy xuống ghe trước đưa tay cho Sơ nắm để đi xuống cho an toàn. Hơi ấm bàn tay Sơ đã ngấm vào tim chàng không hiểu từ lúc nào, chắc có lẽ từ cái thuở ban đầu nắm tay ấy… nên từ đó anh buồn…  tim đổi tông, bản nhạc ruột Hoa Biển trong lòng cho xuống, đưa… Em Hiền Như Ma Sơ lên…Top of the pop! Rồi còn thẩn thờ thơ thẩn tập làm thơ tình. Hết nghêu ngao… đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa…Đến ngâm nga…  Sơ ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì với nhau? Hình bóng của Sơ in đậm vào tim chàng, không tài nào xóa nhòa đi được. Nhạn đã bay qua rồi mà hồ lại cứ muốn lưu giữ mãi hình bóng in trong đó khi bay ngang!  

Được phép về Sài Gòn là ngày hôm sau Thành theo Lá Bùa đi tìm Sơ. Đến nơi là một tu viện trên đường Trần Bình Trọng, xây cất từ thời Pháp, phía sau trường học thương yêu của tôi là Petrus Ký, cũng có từ thời Pháp. Tu Viện thuộc loại tường cao cổng kín, phải trình diện nói lý do cho người gác cổng nơi phòng nhỏ, chờ người giữ cổng vào báo có được tiếp không, rồi được dắt vào phòng khách bên trong. Không khí thật nghiêm trang, ngột ngạt, khó thở, thằng con ngồi chờ mà như nghe được tiếng thình thịch đập lọan xà ngầu của trái tim hồi hộp trong lòng ngực mình. Người đầu tiên đựợc gặp là Mẹ Bề Trên mà Thành đã gặp hôm ra đón rước. Mẹ Bề Trên đi thẳng vào đề nói sơ qua Nội Quy luật lệ nghiêm khắc Tu Viên, chỉ cho tiếp thân nhân ruột thịt vào ngày giờ ấn định, còn người ngoài phải xin phép  trước, cho biết sau chớ không phải bất thường đột ngột tự tiện như hôm nay, nhưng với Thành thì Mẹ thông cảm đời lính tráng bất thường nên cũng bất thường du di chấp thuận, nhưng chỉ một lần này thôi. Nói xong, truyền lệnh cho người sai bảo đi theo kế bên lên phòng  gọi Sơ xuống. Mẹ Bề Trên cho phép được gặp nửa tiếng đồng hồ rồi bỏ đi không dặn dò gì thêm. Tuy quá bất ngờ, không định trước, xuống tới nơi mới biết người muốn gặp mình là ai chớ không có chuyện ngược lại, mình muốn ai tới gặp. Nhạn bay ngang hồ, bóng in xuống nước, qua rồi qua luôn, không có ý để lại bóng mình dưới nước, và cũng không nghĩ nước sẽ lưu giữ lại hình bóng mình dưới hồ. Thế mà chuyện đó lại xảy ra hôm nay… hồ tìm đến nhạn! Sơ không dám lộ vẻ mừng vui trước mặt Mẹ Bề Trên nhưng lòng như mở hội, không thua gì tù cải tạo được… thăm nuôi…  gặp mặt người thân sau năm tháng dài xa cách! Hai người bỡ ngỡ trao nhau ánh nhìn, như đã quen nhau từ muôn kiếp trước, nói với nhau bằng mắt nhiều hơn bằng lời, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Nhất là Thành, gặp Sơ như gặp lại nửa hồn thương đau kia của đời mình. Bên Sơ như lên Thiên Đàng, thấy Sơ là an vui tự tại tự nhiên tới, tận hưởng giây phút gần nhau cho thỏa lòng thương nhớ từ thuở gặp gỡ ban đầu trên cầu tàu tới giờ. Chết lặng nhìn, ngắm, đắm đuối chiêm ngưỡng… Em Hiền Như Ma Sơ… bằng hình hài trong mắt, chớ không phải hình bóng trong tim. Không khí thật tĩnh lặng, trong sáng, trong lành, thánh thiện, giây phút hiện tại, bây giờ và nơi đây sao mầu nhiệm quá, đẹp tuyệt vời. Hai người như lạc vào thiên thai, không nói gì nhau nhiều mà hai con tim như hòa chung một nhịp đập. Thỉnh thoảng  Mẹ Bề Trên cũng lảng vảng đâu đây, không thấy dáng người nhưng nghe tiếng nói lớn cố tình báo ngầm cho hai đứa biết Mẹ cũng không xa, đừng vượt quá giới hạn cho phép mặc dù hai người ngồi đối diện nhau trên cái bàn tiếp tân dài rộng. Phút giây thần tiên qua mau, chớp nhoáng đã đến lúc trở về trần thế, Mẹ Bề Trên cũng đến đúng giờ, Thành vội vàng đứng lên nói hết những lời trên mây ca tụng lòng rộng lượng bác ái cao cả của Mẹ đã ban bố ba mươi phút vàng ngọc này, không quên hai tay dâng gói quà nhỏ nhẹ bên ngoài nhưng không nhẹ bên trong để tỏ lòng biết ơn Mẹ. Qùa lót đường đi trước, miệng xin xỏ theo sau…  Mẹ cho con đến thăm Tu Viện một lần nữa trước khi hết phép về đơn vị và được Mẹ Bề Trên gật đầu chấp thuận. Trước khi về không quên ra bãi cỏ bên ngoài có tượng Chúa trên cao, chấp tay cúi đầu van xin… con quỳ lạy Chúa trên Trời, sao cho con lấy được người con thương rồi mới bước ra khỏi cổng.

Còn Sơ thì trước khi về phòng cũng phải trình những gì đã nhận từ tay người ngoài cho Mẹ Bề Trên biết. Sơ đi tu mà cũng khôn như Thành đi tù, không thành thật khai báo, chỉ mở quà cho Mẹ xem có gì trong đấy, chớ đâu dại gì mở thơ ra cho Mẹ biết viết gì trong đây.

Ra về lòng thanh thản, bên Sơ ta có phút êm đềm, không nói gì nhiều, mà nói chi cho thừa vì… đã nói trong thơ tay trao tay… chui… cho Sơ hết rồi … tiếng nói của con tim chân chánh không bao giờ biết đến nói dối… yêu đời hải hồ và yêu… Sơ! Tình Thư Lính Biển cũng hấp dẫn không thua gì Tình Thư Của Lính. Có điều khác biệt là Tình Thư Của Lính của Nhật Trường chinh phục triệu triệu con tim người thường, còn Tình Thư Lính Biển chỉ để chinh phục một con tim duy nhất… Em Hiền Như Ma Sơ… mà thôi!

Thành là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa ở trên Trời, có Sơ trong Tim mình và … của mình… nên mới liều mạng bạo gan coi trời bằng vung chui vào hang… Đá…  dự tranh, dành lại tim Sơ với Chúa. Trứng chọi đá. Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, vạn đèo cũng qua. Yêu Sơ còn thêm mấy biển để bơi nữa. Đường vào yêu Sơ có trăm lần vui có triệu lần buồn! Thế mà thằng con không nản chí sờn lòng, tìm đường gai gốc mà đi!

Chuyến về phép đó, ngược lại với tất cả chuyến đi phép đã qua trong đời lính của Thành là kỳ về này trong lòng sao thấy thời gian qua quá chậm, mong mau hết phép để đến ngày được gặp Sơ! Rồi ngày đó cũng đến, quà cáp là bơm nho ngọai chỉ có tại mấy ki ốt trái cây ở cửa Tây chợ Bến Thành mà thôi, dân có tiền mới dám đến đó mua. Không quên kèm theo bó Hoa Huệ to đẹp kính dâng Chúa cho vẹn toàn trên dưới, Mẹ Bề Trên ở dưới thế và Thượng Đế ở trên trời. Phần của Mẹ thì lần này được dâng lúc tới chớ không phải về như lần đầu. Tuy vậy cũng chỉ ba mươi phút mà thôi. Bên nhau ngày vui chỉ ngồi đối diện nói chuyện với nhau chớ không có chuyện tung tăng… nắm tay anh em cười khẽ nói…  như Bên Nhau Ngày Vui của nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác cho ca sĩ Thanh Mai hát. Thế mà vẫn vui như thường vì có sự trao đổi thư xanh… chui… hai chiều, hai bên đều có thư từ trao đổi cho nhau chớ không phải một chiều như lần đầu chỉ có thơ Thành cho Sơ. Rồi nửa giờ phù du cũng hết, Mẹ đến đúng giờ. Trước khi từ giã cũng bổn cũ  soạn lại… xin phép Mẹ trước lần sau được đến thăm Tu Viện khi có phép. Phải có hai phép mới được gặp Sơ, phép sau châm hơn nhiều, tùy thuộc… lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… chớ không tùy thuộc… xin thời gian qua mau như ở đơn vị. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, Mẹ ngắn gọn phán… Cũng được, nhưng chỉ một lần mà thôi, chớ không phải hai như lần này. Có còn hơn không, thằng con vui vẻ ra về. Vui nhất là lá thơ chưa đọc trong túi đang nóng lòng muốn biết viết gì trong đó, Vừa ra khỏi cổng là rồ ga chạy tìm quán vắng kêu ly cà phê mở thơ ra đọc. Mọi người đang hồi hộp nín thở lắng tai nghe, ngưng kéo thuốc lào sợ ồn ào nghe không rõ, nóng lòng muốn biết trong đó nói gì thì thằng con… mai tiếp… như phim tập truyền hình đến phần hấp dẫn nhất thì ngắt phim. Qua hôm sau vào phim Thành mới kể thơ Sơ không phải là một trang thư xanh Sơ viết cho anh mà là nhiều trang thơ dài viết hai mặt giấy đọc mệt nghỉ.

Trong đây Kinh Thánh đọc hoài
Bỗng đâu đọc được thơ ngoài cũng vui
Đôi đời đôi ngã Đông Tây
Biển Khơi, Tu Viện, cá sông chim lồng
Sơ ơi Sơ biết không Sơ
Gần mực thì thấy… Chàng gần Chúa xa!

Nghe đến đây mới biết Thành chui vào được Hang Đá rồi, còn chuyện muốn làm Thạch Sanh đem Sơ ra là chuyện lấp biển vá trời. Ai nấy đều thấy đây là một cuốn phim tình cảm lâm ly bi đát hấp dẫn mới lạ không thua gì chuyện tình Romeo and Juliet bên trời Tây, hay chuyện tình Lan và Điệp bên trời Đông. Có sự đối xứng rất hay giữa Chuyện tình Tao và chuyện tình Lan và Điệp là bên này… Ni Cô nhà Chùa, bên kia Ma Sơ nhà Thờ, bên nào cũng dạy… Tu là cõi phúc, Tinh là giây oan. Thành tuyệt đối không tiết lộ trong thơ hai người nói gì với nhau. Tình Chúa, tình bác ái cao cả bao la hay tình Ta, tình lứa đôi trai gái hẹp hòi. Cũng như không nói tới Sơ xấu đẹp thế nào chỉ biết… Em Hiền Như Ma Sơ trong bản nhạc của Phạm Duy mà thôi!    

Rồi chuyến phép thứ hai cũng thuận buồn xuôi gió. Trước khi về cũng xin phép khi có phép đơn vị, phải đủ hai phép này mới được hội ngộ Sơ, như chuyện tình… Ngưu Lang Chức Nữ… mấy tháng mới đuợc gặp nhau nửa giờ!

Con đường tình ta đi cứ thế mà đi, đến kỳ phép thứ ba cứ theo đường xưa lối cũ  mà đến nhưng chưa thành đường mòn nên mới tới phòng gác cổng thì được báo ngồi đây chờ, chớ không dẫn thẳng vào phòng tiếp tân như lần trước, chừng nào trong đó sẵn sàng mới được đi vô. Kể đến đây thì… mai tiếp! Nghe đến mai tiếp là biết có chuyện, nhưng không đoán được chuyện gì xảy ra, chỉ bàn đề với nhau…  nhất chưa quá tam mà, với lại Phép Mầu còn nhiều lo gì mai tiếp, phim tập sẽ còn mai tiếp dài dài chưa vô đoạn giữa sợ gì hết phim. Qua hôm sau, Thành kể, ngồi chờ rất lâu mới được mời vô một cách trịnh trong, tới phòng tiếp tân thì Mẹ Bề Trên đã ngồi trước ở đó, nơi ghế chủ tọa đầu bàn, Thành ngồi một bên, người phụ tá Mẹ một bên. Gương Mặt Mẹ nghiêm nghị như Bà Tổng Giám Thị lúc đến trường trễ học. An tọa xong, Mẹ vô thẳng vào đề là Mẹ biết hết mọi điều xảy ra khi Ma Sơ… Xưng Tội… với Mẹ. Đây là một vi phạm nghiêm trọng Nội Quy Tu Viện không thể nào chấp nhận được. Bởi vậy yêu cầu Thành chấm dứt chuyện phiêu lưu tình cảm từ đây và buông tha Sơ trong thời kỳ tu học, hiến dâng tim mình cho Chúa. Đeo đuổi chuyện tình vô vọng này chỉ làm khổ hai người mà thôi, nhất là Sơ đang bị kỷ luật… Tu Kín… sám hối tội lỗi trong phòng một mình, không được tiếp xúc với ai, kể cả người thân ruột thịt. Nói xong không cho Thành nói lời nào và ra lệnh người phụ tá áp tải Thành ra khỏi cổng. Thế là cuộc tình tan, thằng con như sét đánh ngang đầu, ôm trái tim rướm máu về đơn vị, vì lúc đó chỉ gặp nhau một lần nên đợi gần cuối phép mới đến Tu Viện gặp Sơ. Con tim có tiếng nói mà lý trí không thể nào khuyên bảo nó được, khổ thì khổ, yêu thì cứ yêu. Kỳ phép kế, thằng con như ngựa quen đường cũ  cũng tìm đến Tu Viện nhưng đóng đô ở quán hàng cà phê đối diện Tu Viện, bên kia đường… điều nghiên! Thấy một xe cơ hữu Tu Viện ra vô chở người trong đó là lấy xe bám theo, đợi lúc tài xế một mình, đến ngọai giao làm quen và nhờ vả chuyển giao lá thơ này cho Sơ. Chưa kịp nói sẽ hậu tạ biết ơn, Tài xế trả lời liền, chuyện này cả Tu Viện biết rồi và nghề tài xế cùng công việc sửa chữa bảo trì Tu Viện là cái cần câu cơm nuôi gia đình nên bị từ chối ngay. Kể đến đây lại tưởng cuộc tình đứt chấu, thằng con bỏ cuộc nào ngờ lại… mai tiếp… mặc dù chưa hết giờ. Qua hôm sau, nôn nóng, vừa dứt họp tổ là nói giỡn nhau, thu xếp điếu đóm, than hồng cho nhanh để coi phim… Ma Sơ và Hải Tặc… từ đó… Chuyện Tình Tao… bị xóa tên, phim tập đổi tên, do khán giả đặt, chớ không phải do tác giả. Nhờ vậy mà tác phẩm này mang tên… Ma Sơ Và Hải Tặc… là thế.

Vào chuyện Thành kể như ma đưa lối quỷ dẫn đướng, sáng thức dậy lấy xe ra khỏi nhà không định  đi đâu nhưng chạy một hồi là đến quán cà phê đối diện Tu Viện… trồng cây si! Ngày nào cũng vậy làm cô chủ quán tưởng công an chìm đang làm việc theo dõi ai đó. Đến ngày cuối hết phép ngày mai về đơn vị cũng đến cầu may không biết cái may ở đâu đến thì… may thiệt. Dọc theo bức tường dài, ngoài cái cổng chính xe cộ ra vào còn cái cổng phụ nhỏ cách đó khá xa, một người lom khom mở cửa nhận hàng. Thành vội vàng đến gần thì thấy người đó lom khom vì tật nguyền, môi ngậm điếu thuốc rê, chột một mắt và có cái… lưng gù. Không bỏ cơ hội bằng vàng, Thành trở về quán nói cô chủ gói hết dĩa bánh in, bánh bông lan trên bàn chưa đụng thứ nào, thêm gói Captan và bịch cà phê đá rồi băng qua đường đem dâng tặng thằng Gù, đợi nó nhận quà xong mới nhờ vả nó làm một chuyện “nhẹ và mỏng” là gới lá thư này cho Sơ. Cụm từ “nhẹ và mỏng” là của Thành, thấy hay hay, tiếu lâm thỉnh thoảng tôi đem ra xài cho vui. Thành dặn thêm, ngày mai đi xa, mấy tháng nữa mới về lại Sàigòn, có thơ Sơ thì giữ dùm, mấy tháng sau mới tới nhận, không quên dặn thêm phải giữ bí mật, tuyệt đối không để người thứ ba biết. Thằng Gù vui vẻ nhận quà và nhận lời nhờ cậy, trước khi từ giã ông thày còn móc túi lấy tiền lì xì cho thằng em mới kết nghĩa, vị cứu tinh cuộc tình mình. Vừa kể xong tới đó là cả đám bàn đề… trời ơi đã Ma Sơ Và Hải Tặc nghe nhức nhối con tim rồi bây giờ còn thêm Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà của Victor Hugo vô trong đó nữa, sao có chuyện trùng hợp đặc biệt hiếm có này vậy, có hư cấu không ông, Thành chỉ cười trừ… mai tiếp!                

Mấy tháng sau, được phép, qua ngày hôm sau chạy đi… thăm câu… mình giăng mấy tháng nay thế nào. Thằng Gù tuy một mắt nhưng thấy ông thầy là nhận ra ngay vội vàng vô lấy chiến lợi phẩm ra nộp. Thành mừng quá, còn hơn bắt được vàng, nhận sấp thơ liền móc túi lấy tiền dúi vào túi thằng em sau đó về quán nói cô chủ gói quà có đủ cà phê, thuốc lá như lần trước để thưởng vị ân nhân cứu tinh cuộc tình mình rồi rồ ga về nhà đọc thơ… ráp pen… như lãnh lương ráp pen khi lên lon vậy . Từ đó trở đi mối tình Ngưu Lang Chức Nữ mấy tháng mới được gặp nhau nửa giờ… xuống cấp… trở thành mối tình… Hàm Thụ…  tìm bạn bốn phương trao đổi tâm tình nhau bằng thơ tín, nhưng cũng mấy tháng mới nhận thư một lần và Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà là con chim Ô Thước bắc cầu tri âm. Cứ thế, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà chiếm một vị thế quan trong trong mối tình… kín… này, tuy không phải là bạn tri kỷ nhưng nhờ nó mà Thành tri âm được với người mình yêu nên quý nó vô cùng, có gì lạ ngon cũng lái xe qua chia xẻ với nó. Thơ không phải một lá mà nhiều lá viết theo lối… Nhật Ký Tu Hành… như thằng con viết Nhật Ký Hải Hành lúc ra khơi vậy!

Vậy mà… tình cũng không yên… không hiểu Cao Bồi Gặp Nạn hay Trời Bất Dung Gian, nói tới đây thì… mai tiếp! Khán giả lại bàn đề… con tim thằng Gù Tu Viện coi bộ không lớn bằng trái tim Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, nó dừng lại ở chỗ yêu quà, yêu ông thầy cho nó ăn chớ không dám đèo bồng yêu ai khác như Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà dám… Chết Vì Yêu… để bảo vệ người nó yêu! Nhưng chỉ bàn được tới đó, hoàn toàn mù tịt không tài nào đoán mò được chuyện gì sẽ xảy ra như nó đã xảy ra từ đầu tới giờ mỗi khi… mai tiếp… như chuyện… Ngàn Lẻ Một Đêm… vậy!

Sau nhiều chuyến phép, trời yên bể lặng, như tàu ra khơi rồi về bến thì chuyến phép đó, ngừng xe trước cổng nhỏ không thấy Thằng Gù ra nộp thư như thường lệ, hỏi ra thì nó không còn ở đó, không phải bị đuổi vì làm bậy mà không còn trên đời này nữa, thằng Gù Tu Viện cũng bị khai tử, cho chết như Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà, làm câu chuyện thêm lâm ly bi đát. Kể đến đây gương mặt Thành sầu khổ, nửa hồn thương đau, như chính nghe người thương yêu ruột thịt mình qua đời vậy, than thân trách phận…

Đời con đã khổ nhiều rồi
Chúa ơi sao nở lấy đi thằng Gù
Nó là nguồn sống của con
Chúa ơi con khổ quá nhiều vì yêu.
Bụng làm dạ chịu con ơi.
Sao con dại dột yêu Ma (Sơ) nhà thờ!

Thế mà những ngày còn lại và kỳ phép sau nữa Thành cũng đến quán cà phê đóng đô, ngóng qua Tu Viện nhưng chưa tìm được đòn phép nào để nối lại tình mình bây giờ như lục bình trôi sông. Khối ung thư yêu, tương tư tình sầu đang vào giai đọan cuối hết thuốc chữa, thằng con tiều tụy từ thể xác đến tinh thần. Tình cuồng si, ta yêu em lầm lỡ. Em Hiền Như Ma Sơ không còn ở vị thế number one của top of the pop, cho xuống và đưa Lời Thề Của Loài Hoa Trắng của Hoàng thi Thơ lên hàng đầu… lúc nào cũng ngêu ngao… Anh không còn yêu ai, nếu anh không còn yêu Sơ, anh không là riêng ai nếu anh không là riêng Sơ… như câu kinh nhật tụng! Người ta yêu mà không được đáp lại, tình một chiều đau khổ đã đành, còn mối tình Thành là tình hai chiều, yêu và được yêu mà cũng nhạy cảm cấm đoán mới đau.

Ngày nào cũng đến quán đóng đô trồng cây si nhưng chỉ ngóng ra ngoài, ít ngóng vô trong ngắm cô hàng cà phê. Thỉnh thoảng lại mặc bộ quân phục quan hai tầu thủy hải hồ đó đây phong trần lênh đênh trên biển cả làm cô chủ quán động lòng… má hồng điểm trang hơn bình thường với ai. Có lúc thấy Thành từ sáng tới chìều đến khi quán đóng cửa chỉ gọi cà phê, thuốc lá với thêm bình trà, cái gạt tàn thuốc đầy tràn, suốt ngày không ăn uống gì làm cô chủ phải nói với mẹ ra nói với Thành, sao thấy cậu ngồi đây từ sáng tới chiều không ăn gì, ngày nào cũng vậy, bệnh chết. Nói xong đi vô, con gái đi ra với dĩa cơm, nói… cơm nhà, có gì mời ăn đó. Cả đám nghe tới đây bàn đề… chắc chuyện tình Ma Sơ Và Hải Tặc chấm dứt chuyển sang chuyện tình… Cô Hàng Cà Phê… thay chốt… như trong chuyện Kìều… không lấy được Thúy Kiều thì lấy Thúy Vân cũng được, có sao đâu, chớ tội gì mà buồn rầu sầu khổ đọa đày thân xác như vậy, không Hoa Huệ thì có Hoa Sen thế vào, giản dị thế thôi. Ai cũng nghĩ như thế, Trong bài ca Cô Hàng Cà Phê thì đoạn kết có câu… cô mang thuốc đến cho chàng…  còn ở đây cô đem cơm đến cho chàng, quá tình rồi phải không? Ăn vào là dính ngay, như cá cắn câu biết đâu mà gỡ liền. Thành chỉ cười trừ… mai tiếp. Qua hôm sau Thành kể ăn hết dĩa cơm, rất ngon rồi về đơn vị và từ đó không bao giờ trở lại cái quán cà phê có cô chủ quán tốt bụng, trồng cây si bên kia đường nữa.

Họa Vô Đơn Chí, Phúc Bất Trùng Lai, thấy vậy không phải vậy. When The Going Gets Tough The Tough Get Going… Rồi trong một cuộc hành quân phối hợp với bộ binh đổ bộ lên Cù Lao Dung thì chiếc Soái Đĩnh Yabuta có Thành trên đó bị trúng một trái B40 khi mới ủi bãi đổ quân. Địa danh này tôi quá quen khi biệt phái về HĐ 3 đóng ở Long Phú, trên đường ra cửa Trần Đề thì Cù Lao Dung nằm bên tay trái khi gần tới biển. Thành bị trọng thương, được trực thăng đáp xuống tản thương tại chỗ sau khi phản công, dọn bãi an toàn cho con chim sắt trên cao xà xuống chở về một Quân Y Viện ở Vũng Tàu. Nơi đây bác sĩ Việt phát hiện có miểng đạn B40 trong đầu phải mổ mới lấy ra được nhưng bệnh viện Việt không đủ phương tiện mổ đầu nên chuyển qua bệnh viện dã chiến Mỹ nhờ mổ dùm. Ca mổ thành công nhưng có điều lạ, không thể hiểu là bệnh nhân Việt này bất hơp tác, không chịu uống thuốc nói gì ăn. Bệnh nhân chỉ muốn chết chớ không muốn sống. Mỗi lần nghe… Sir, Sir… bác sĩ, y tá Mỹ vội vàng chạy đến trả lời liền… yes Sir, can I help you, are you OK, what can I do for you, sir… họ rất lịch sự, thằng con mở mắt ra ú ớ tiếng Việt rồi nhắm nghiền mắt lại, đến giờ uống thuốc cũng nhất định không chịu uống . Tưởng bệnh nhân không hiểu tiếng Anh, kéo dài tình trạng này sẽ lâm nguy không phải vì ca mổ thất bại mà vì bệnh nhân không chịu uống thuốc. Bệnh viện Mỹ đánh công điện trình bày sự việc lạ đời này về Quân Y Viện Việt đã gởi bệnh nhân này tới. Nơi đây chuyển điện tín về đơn vị. Chỉ Huy Trưởng nhận công điện thân chinh đến bệnh viện dã chiến Mỹ liền. Đến nơi bác sĩ, y tá Mỹ dắt đến giường bệnh thì nghe Thành mê sảng, ú ớ… Sơ, Sơ… y tá Mỹ trả lời liền… yes Sir, I’m here, you’re OK? Thành mở mắt ra không thấy người trong mơ liền lảm nhảm… không phải Sơ của tôi rồi nhắm mắt lại ú ớ tiếp… nhớ quá Sơ ơi, Trời ơi, khổ quá, Sơ ơi nhớ quá  … nghe nhiêu đó, CHT… Ngộ liền… xổ tiếng Anh… I see, I see, I know what’s the matter with him now… rồi good bye, see you tomorrow và ra xe đi liền chớ không giải thích gì thêm cho Bác Sĩ và Y Tá Mỹ biết… Sơ này là Sơ Pháp… Soeur… chớ không phải Sơ Mỹ… Sir! Sáng sớm hôm sau đến bệnh viện dã chiến là Mẹ Bề Trên và Ma sơ. Đến bên giường bệnh nghe Thành mê sảng quơ tay gọi Sơ, Sơ là Sơ nắm tay liền, thằng con mở mắt ra thấy Ma Sơ bằng xương bằng thịt hiện ra trước mắt mình như một Bà Tiên, hơi ấm bàn tay Sơ truyền qua như lần đầu được nắm còn hơn được tiếp máu, truyền nước biển, nắm chặt tay Sơ đặt lên tim mình, nước mắt tuôn trào, Sơ cũng không ngăn được xúc động, lệ tự nhiên tuông theo luôn, lăn trên má. Ai nấy đều cảm động không cầm được nước mắt, ngay chính Mẹ Bề Trên, lòng Mẹ lúc đó … bao la như biển Thái Bình… khi thấy hai người tay trong tay ngay trước mắt mình. Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở là thế! Đợi giây phút đứng tim xúc động lắng dịu, CHT nói với Y Tá Mỹ đem thuốc đến giao cho Sơ để Sơ lo chuyện này. Sơ như một Y Tá diệu hiền, một bà tiên giáng thế, một vị cứu tinh đời mình, Thành ngoan ngoãn nghe lời Sơ uống thuốc, uống sữa. Trong đôi mắt Thành, Sơ là tất cả, là nguồn vui, là hạnh phúc, và hơn thế nữa là… nguồn sống, lẽ sống đời chàng. Mảnh đạn thù trong đầu chỉ là vết thương ngoài da, Sơ đã mổ khối tương tư, tình sầu, cục bú ung thư yêu tích lũy bấy lâu nay trong đầu Thành còn độc hại hơn miểng đạn B40. Đến lúc đó Thành vẫn chập chờn đầu óc, mình đang sống trong mộng hay thực, sao chuyện này lại xảy ra, có Mẹ Bề Trên, có Ma Sơ, có CHT, bên giường, mầu nhiệm quá, không thể tưởng tượng được… Bất Khả Tư Nghì!

Đợi thằng con hồi tỉnh hẳn, tay cũng chưa chịu buông tay Sơ như con trẻ cần Mẹ hiền khi ốm đau bệnh tật. Trước khi từ giã ra về Mẹ Bề Trên mới mở lời… cho phép Ma Sơ ở lại bệnh viện chăm sóc Thành đến khi xuất viện. Mọi sự sau đó hạ hồi phân giải. Thằng con chỉ nhỏ lệ đôi mắt chớ không nói được gì hơn, buông tay Sơ, chắp hai tay búp sen lên ngực lạy Mẹ tỏ lòng biết ơn tấm lòng đại bác cao cả của Mẹ ban bố cho đôi tim dại khờ, chỉ biết yêu thôi, chả biết gì!

Thế là bên nhau ngày vui mới thật sự bắt đầu từ lúc gặp nhau lần đầu tới giờ, được công khai chớ  không lén lút, vụng trộm như bấy lâu nay. Trong cái họa có cái phúc là vậy, tưởng xui thành hên, không nhờ trái B40 ác nghiệp súyt giết chết đời chàng thì dễ dầu gi được bên Sơ, tình mình hồi sinh, như chết đi sống lại. Thằng con lúc bấy giờ tin… Có Chúa Trên Trời… hơn bao giờ hết… Hạnh Nguyện của Thiên Chúa mà Thành đã nói với Ma Sơ khi còn trên chiếc Chiến Đĩnh Yabuta trước khi từ giã nơi cầu tàu là đây. Chuyện Bất Khả Tư Nghì, không thể nào tưởng được được, cuộc tình bế tắt, vô phương cứu chữa, bỗng nhiên gương vỡ lại lành, chuyện này chỉ có sự sắp đặt của Thượng Đế mà thôi.

Bên nhau ngày vui, Thành nói với Sơ mong sao vết thương chậm lành, not get well soon, để thời gian bên nhau kéo dài càng lâu càng tốt, rất sợ phải sống xa Sơ. Sơ chỉ nắm tay, mỉm cười … Em hiền như Ma Sơ, vết thương ta bốn mùa, trái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu… là đây! Chàng sợ vết thương bốn mùa trong trái tim bệnh họan, chớ đâu ngán miểng đạn B40 trong đầu, chỉ là vết đau ngoài da mà thôi!

Khổ nổi, bên Sơ vết thương lại mau chóng lành dù là mổ đầu mới chết, ngày vui qua mau, ngày qua quá nhanh ngược với trước kia mong mau hết phép để tới ngày được gặp Sơ, ngày qua quá chậm. Gần Sơ thời giờ như thể tên bay, mới đó đã hết những ngày thần tiên ở Thiên Đường, phải trở về trần đời. Ngày xuất viện chính CHT cùng tài xế đến bệnh viện đưa Thành và Sơ về lại Tu Viện. Trong zép lùn với Anh Cả đơn vị Thành cho là vị cứu tinh Tình Mình chớ đâu biết rằng CHT đâu rảnh đâu để làm chuyện ruồi bu đó, sở dĩ CHT phải rời bệnh viện trở về Sài Gòn ngay ngày hôm đó đến Tu Viện cầu viện Mẹ Bề Trên là để cứu đời thằng em sắp chết vì yêu… Ma (Sơ)… nhà thờ chớ không phải vì đạn thù trong đầu. Phải đem câu dân gian nói… cứu sống một mạng người còn hơn xây mười ngôi… Chùa… để thuyết phục Mẹ… cho Thành gặp Sơ, cho lửa gần rơm trong hoàn cảnh thương tâm đó. Đến nơi, thả Thành và Sơ xuống là đi ngay. Khi vô trong thì Cha Mẹ Sơ ở quê lên chờ sẵn trong phòng  tiếp tân. An tọa đâu đấy, Mẹ Bề Trên nói… Tu Viện và Gia Đình Sơ chấp nhận mối tình này nhưng chỉ yêu cầu hai người tuân theo ý nguyện của gia đình Sơ là để Sơ tiếp tục theo khóa tu này cho đến ngày mãn khóa, cũng không xa vì ngày đó sắp đến. Đến lúc đó hoàn toàn do Sơ quyết định… hiến dâng tim mình, đời mình cho Chúa hay cho Chàng… the decision is yours!  Buổi họp kết thúc trong tốt đẹp, hai bên đều vui vẻ chấp nhận điều kiện này. Riêng Thành được đặc ân là kể từ nay được coi như người nhà Sơ, được phép đến Tu Viện theo tiêu chuẩn người nhà theo quy định Tu Viện. Trước khi rời Tu Viện thằng con cũng không quên ra trước tượng Chúa bên ngoài quỳ xuống cỏ chắp tay lạy Chúa cho giống câu ca… con quỳ lạy Chúa trên Trời sao cho con lấy được người con yêu! Ra khỏi cổng, thèm ly cà phê, nhưng Thành không dám ghé quán cà phê bên kia đường, tội nghiệp cô chủ quán, sợ lây bệnh yêu cho nàng… cô mang cơm đến cho chàng, chỉ mong cô nàng … chưa biết yêu… khổ lắm nên không dám qua gặp!

Thuyền tình sau đó như giang hành trên sông, hải hành trên biển êm, thuận gió, thuận nước. Thời gian trôi qua bình thường, không nhanh, không  chậm, ngày mãn khóa Tu Học của Sơ gần kề, có ngày ra, không giống như những ngày Tù Học của Thành, mút chỉ. Rồi ngày đó cũng đến, kỳ về phép này Sơ sẽ cho biết quyết định mình, Thành úp mở, năm mươi, năm mươi, theo Chúa hay theo Chàng hoàn  toàn do tiếng nói của tim nàng! Kể đến đây… mai tiếp. Thế là Ma Sơ và Hải Tặc lại sống động trở lại, chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây? Ra bãi, giờ “giải nao thuốc nào” đố nhau … Chúa và Chàng , bên nào chiếm được tim Sơ. Đa số thấy Chàng  gần ngay trên mặt đất lợi thế hơn Chúa xa tít tận trên Trời. Mèo mù đớp cá ráng như Thằng Cuội với Chị Hằng trên cung Trăng, trên đó chỉ hai người với nhau, Chị Hằng không lấy thằng Cuội thì lấy ai? Sau cùng đi đến kết luận là Thạch Sanh sẽ lấy được Công Chúa vì dám chui vào hang đá mang Công Chúa ra như trong chuyện cổ tích thần thọai. Có người chắc ăn như bắp phán… còn ai trồng khoai đất này nữa… miệng lưỡi thằng Thành, ngọt như đường cát, mát như đường phèn, tụi mình Trong Tù còn chết mê chết mệt với cái đường lưỡi của nó cả tháng nay nói gì Em Hiền Ma Sơ trong Tu Viện… rồi cùng cười với nhau giải trí thoải mái!  Đó chỉ là bàn đề, tối nay mới biết chọn lựa của Ma Sơ, tình Thành đi về đâu, không tài nào đoán mò… đúng… được như bấy lâu nay từ đầu đến giờ, toàn bất ngờ xảy ra như chuyện hư cấu! Nhưng ai cũng nghĩ trời yên, biển lặng, cuộc tình đã qua đi những ngày sóng lớn. Hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai. Happy Ending!

Tập cuối, ai nấy đều nôn nóng, vừa ngưng họp tổ là mở cửa sạp liền. Lúc nào cũng vậy, bắt đầu chiếu là Thành phi một bi thuốc lào, thả hồn theo khói thuốc rồi mới tiếp… Đến ngày Ma Sơ nói quyết định lòng mình là hiến thân mình cho Chúa hay cho Chàng trước mặt Mẹ Bề Trên và Cha Mẹ ruột  mình thì có một ngày phỏng tay trên xảy ra trước đó không lâu… ai nấy hồi hộp lắng tai nghe coi ngày đó là ngày gì thì Thành chậm rãi từ từ nói… Đó là ngày… Phỏng Gíai… Gỉai Phóng… rồi cười trừ … bây giờ tao đang trong đây như tụi mày mấy năm nay… đời tao tao còn không biết sẽ ra sao nói gì… Tình Tao… rồi đưa hai tay lên trời ngắn gọn phán… Banh! Thì ra thuyền tình Ma Sơ và Hải Tặc không phải gặp Sóng Thường mà là… Sóng Thần Tsunami! Tôi tức tối bật miệng, có bao nhiêu đó, sao mày không kể luôn đêm qua mà mai tiếp qua hôm sau làm gì, làm tụi tao động não phi lý. Thành nhanh nhẹn đáp trả liền…

- Việt, Việt, nếu tao biết tháng sau về thì tao sẽ kể theo lối tháng sau về, cho kết thúc sớm. Câu chuyện này tao tính chỉ để kể cho mười ngày ăn, bây giờ hoắc cả trăm lần cái mười ngày ăn đó rồi mà cũng chưa về nên tao phải ráng câu giờ kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó. Tao chỉ kể chuyện này mỗi khi chuyển trại mà thôi, có người lạ nghe mới kể được, đây là lần kể thứ năm, sau năm lần đổi trại rồi cười nhìn Công Gù, OC4, nói… năm hai kẹt một, năm lần chuyển trại mà không thoát khỏi nó, nó cứ theo tao hoài, cùng khối lẫn cùng tổ, lần nào kể cũng có nó ngồi nghe, không hiểu nó ghiền chuyện hay ghiền thuốc lào.

Có người hỏi Công Gù, sau năm lần nghe chuyện có thấy gì khác lạ không ? Công trả lời liền, cốt chuyện vẫn như vậy nhưng… mai tiếp… nghề nghiệp hơn, phim tập ngắt như phim tập truyền hình và kỳ này câu chuyện dài hơn… một ngày… đó là ngày hôm nay!

Sau đó Thành có kể về lại Tu Viện thăm dò thì Mẹ Bề Trên ra đi, Ma Sơ ở lại và về quê với cha mẹ ở Vĩnh Long, nhưng Thành không bao giờ đến thăm. Cuộc tình tan, thằng con thất tình đợt hai nhưng bình thản, không buồn rầu sầu khổ như đợt một .

Đắm tàu, trên bè đào thoát, đói khát, lạnh lẽo, sóng dữ, tử thần, thân còn lo không xong, lúc đó chỉ mong được tàu vớt hay trôi dạt vào bất kỳ hải đảo nào cũng được để sống chớ đâu dám đèo bồng ao ước có người yêu bên cạnh để… ôm!

Ma Sơ Hải Tặc dông dài
Mua vui cũng được nhiều hồi kẻng canh.

24/10/2020
Hoàng Quốc Việt.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020