SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

Một Paris ân tình

Thi Vũ

Ống điếu bị dập, sáng dậy bỗng thèm thuốc, vớ bao giấy trống không. Đêm qua nói nhăng nhện chuyện đời với vài người tới thăm, hút toe hết mấy bao. Vói tay cầm chiếc áo trấn thủ choàng lên mình định ra cà phê tìm vài giọt đắng đen lót lòng. Sờ tay vào túi chỉ còn mấy chục centimes. Nhịn vậy. Chờ hoài một người thân ghé qua, chờ hoài một người tiền ghé tới... mới có thể lên đường cứu nước... cà-phê.

Nhớ Phạm Công Thiện. Mình thua hắn chỗ này. Hắn luôn cháy túi, nhưng luôn có cách để đủng đỉnh ra cà phê đều đều, uống rượu đều đều, hút thuốc đều đều. Hắn giỏi tạo những tình trạng khẩn cấp bắt tứ phương cung phụng. Còn mình ngồi phờ từ khi nắng rớt tới lúc chiều rụng sương, ngồi nhìn nổ mặt trời, tung toé những hàng sao trên vũng tối, vẫn chẳng thấy ai qua. Có phải vì vậy mà trong tập thơ Hoa Nắng xuất bản ở Saigon mình đã viết: «Ngày dài, đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn…?» Chắc không phải vậy. Lẽ nào lại hiu quạnh tồi thế?

Nắng đã tới thềm ngoài, căn tòa soạn chưa có ai. Lá trúc che nửa mặt cửa sổ. Gió rập rình đưa những chiếc lá non như thuyền con thoăn thoắt trên bãi trời. Giờ này bên nhà lại có người rời bến đáp ra đi ? Những lá mắt xa xôi vừa vén bóng đêm, chớp chớp nhớ tới một cuộc tình? Cạnh khóm trúc còn cây mộc lan, lá to bản chao nghiêng mỗi bận bầy sẻ rún bay, như câu hát nào xa đung đưa xanh. Và chùm mận màu bồ quân ửng chín. Quê nhà, quê nhà, quê nhà. Đâu cũng thấy toàn quê nhà. Mình là quê nhà đang tỉnh thức, hay quê nhà đang thức tỉnh trong mình?

Nhũng chiếc hoa dẻ trắng hồng rụng đầy mặt vườn Luxembourg. Buổi sáng chưa có ai, cảm giác rất thượng đế. Tất cả trong veo, quấn quýt thân tình và an lạc. Khí trời mỏng, hơi sương phả vào mặt từng lóng tay mát lạnh, đâu đó chút hương thoảng phù vào khứu giác mùi da tiền kiếp. Giờ này còn ngủ là dại. Chân bước trên thảm hoa dẻ trắng hồng mảnh khảnh, lòng thấy tàn bạo. Phải rón chân tìm những mẩu đất trống, bước đi cẩn thận sao cho khỏi trang bằng nghiến nát cánh trắng vào lòng đất. Đất nước xa xôi âm ỉ thoáng biến, thân mình nhẹ lâng, tâm trí đặt vào từng bước nơi vườn địa đàng. Sống trọn vẹn cho mỗi đóa hoa rơi, cho mỗi hạt cát, cho con đường hiện tại. Con đường đang bưng bổng thân xác và ý nghĩ mình. Hiện tại bồng bềnh ra đi về những hiện tại tràn đầy ý nghĩa qua hơi thở. Sau lưng vườn Luxembourg là điện Panthéon, nơi chôn dấu hình hài những vĩ nhân nước Pháp. Bỗng nhớ Trúc Chi Tôn Thát Kỳ thường hay dí dỏm kiểu các Mệ. Vườn Luxembourg, điện Panthéon... thuộc xóm La-tinh, khu Sinh viên đại học Sorbonne. Một quãng đời ăn học, người sinh viên quy tụ nơi xóm này. Ở đó họ sôi kinh nấu sử, họ bỏ  những ngày ngồi quán cà-phê, hay hôn nồng màu da trắng lộng vàng hương tóc trên ghế đá công viên. Sau đó lấy mảnh bằng về nước làm những ông quan đạo mạo. Tôn Thất Kỳ thường chế diễu mấy anh sinh viên con ông cháu cha đi Tây chơi bời là hạng «tốt nghiệp» Panthéon. Kỳ nói với giọng tuyệt Huê' «xọt-ti» Panthéon (sorti Panthéon) giống như người ta nói «sorti Central, sorti Polytechnique, sorti Sorbonne...» (tốt nghiệp Cao đẳng, Bách Khoa, hay tốt nghiệp Sorbonne...).

Từ quán trọ ở xóm La-tinh băng qua vườn Lu­xembourg đầy hoa hương thơm phức, đầy những phướn lá lục biếc như lụa non bâng khuâng trên chéo nắng đầu ngày. Ra Montparnasse vào quán cà phê Coupole. Buổi sáng còn im môi ngái ngủ. Hồn ngày là trang giấy trống. Chọn một tờ nhật báo dành cho khách trên quầy, đến ngã lưng vào ghế dựa nhung màu rượu vang, lướt mắt xem thế giới đang biến chuyển thế nào qua những dòng tin. Ngày có tiền, gọi một tách crème (cà phê sữa) và một croissant, thứ bánh trăng khuyết vàng mọng, bột rời và xốp, thứ bánh thánh dành cho kẻ ngoại đạo, bỏ vào mồm là tan ngay trên thớ lưỡi, để lại vị béo tê và ngọt gợi. Ngày không tiền gọi một tách crème và tự hào mình là người quân tử sống theo điệu «tri túc hà thời túc». Ớ Paris gọi «café au lait» không ai hiểu. Gọi crème nhưng đừng tưởng là cờ-rem-cây ở Việt Nam, thì mới mong có tách cà phê sữa.

Quán cà phê ở Paris là một thế giới trong thế giới. Khách thập phương bỏ tiền bỏ bạc, bỏ vợ con, du lịch tới đây hưởng một trong những thứ muôn vàn đất Pháp là Quán Cà phê. Nơi hò hẹn của trai gái, của kẻ ở ẩn, kẻ làm cách mạng. Hầu như tất cả những cuộc cách mạng, đảo chánh trong thế giới Á Phi đều khởi từ không khí nhộn nhàng, thân tình mà xa lạ, biệt lập mà hoà đồng quanh vài chén cà phê ở Paris — trung tâm chính trị quốc tế. Kẻ giàu người nghèo không phân, với tách cà phê một quan rưỡi ta có thể giữ riêng một ghế bàn, ngồi ì suốt ngày, đọc báo, đọc sách, làm thơ, viết truyện, hôn hít người tình, hay mơ mộng, nhìn quanh những mái tóc vàng, làn môi ửng, những cô đầm nhí nhảnh cười xoáy vào tim ta bao nỗi rạo rực và bình an. Ở Nữu Ước, Luân Đôn, Tokyo hay Berlin, Munich... dù có tiền không mua được không khí này. Nơi các thành phố nọ, ta vừa tọp xong cốc rượu, chén trà, tách cà phê, người bồi bàn sẽ xấn tới, bằng lời hay bằng mắt gã hất hàm hỏi khách dùng chi thêm. Có nghĩa là : lẹ lên, uống xong đi chỗ khác chơi, đừng la cà, để chỗ cho khách mới! Paris không thế. Người bồi bàn để ta yên thân suốt buổi, làm như ta là Thượng đế đang sáng tạo 7 ngày và họ chẳng dám tham dự. Chờ gọi mới tới, chờ sai mới bưng thức uống, tuyệt nhiên gã quên mất ta nơi góc nhỏ hồn nhiên. Dường như ta đang chinh phục lại đất nước mình, thế giới mình trên từng chiếc ghế, góc bàn, khoảng trống ở quán Cà-phê Paris. Với người vượt biển, quán cà-phê Paris còn là biển lộng của trùng khơi. Vào đây nghe tiếng hát phát ra từ hòm nhạc trả bằng xu, tiếng lách cách của bàn «tilt», tiếng nói tiếng cười đủ sắc da, rồi nhìn lớp người tấp nập vào ra qua làn khói âm ỉ mù tơi... ta có cảm tưởng bị xô đẩy bồng bềnh trên nghìn vạn đợt sóng âm thanh và hình bóng. Khác chăng, sự xô đẩy này không du ta vào cơn chết chóc, mà bồng đi, mang tới những chân trời ảo vọng mênh mang. Ai bảo ảo vọng không là thực tại ? Đuổi bắt mãi ảo vọng của suy tư hay mộng mị tới tận bờ góc lân hư, tự nhiên ta đối mặt với thực tại kinh hồn như một giấc sống. Quán Cà-phê Paris với những kẻ không nhà, không tình yêu, sống vô gia cư thác vô địa táng như chúng ta, nó là biển lộng khởi thủy cho cuộc quay về Nguồn cội. Cho ta thấy mặt người, dạy ta sờ mó ý thức, rồi cuối cuộc ngồi ỳ mệt mỏi kia ta bỗng búng người đứng dậy, ra đi về một hành trình hứa hẹn cuối chân mây.

Với người khách tới từ phương Nam như ta, thì chén cà phê sữa, khúc bánh mì tây phết bơ hay mẩu croissant trăng khuyết coi như nhạt nhẽo thế nào. Sao bằng Cơm Hến Cồn, Phở Lạc Sơn ở Huế, Cà phê Tùng Đà-lạt, Phở Gia Long ở Sàigòn?

Thế nhưng người Hoa đã lấp bằng chỗ trống cho Paris. Họ vừa dựng lên Chợ-lớn hơn năm nay tại Paris quận 13. Vào tới cửa ô Ivry hay Choisy, ta ngỡ như về lại quê nhà. Người người da vàng tấp nập. Cửa hiệu thoáng lên mùi vị trái cây, rau thơm nhiệt đới, hàng hoa, màu sắc ngổn ngang. Những năm xưa, khi muốn giải thích cho bạn bè ngoại quốc thế nào là chất vàng óng quyện răng thơm phức của múi mít, thế nào là màu da trắng mịn nhỏ giọt ngọt ngào tê lưỡi của trái măng cụt, hay mùi hương lưu luyến sầu riêng... chúng ta khó tìm ra chữ Pháp tương đương. Để phải nói lên như nói với chính mình cô đơn bất khả, chia sớt bằng hình chữ nghèo nàn bất lực: «ngon lắm» hay «tuyệt vời». Nay ta có thể dẫn họ ra khu Maubert ở Paris quận 5, khu Chợ-lớn quận 13 chỉ cho họ xem trái mít, trái sầu riêng, giỏ măng cụt.

Ở khu mười ba, người Trung Hoa mở những tiệm Hũ tiếu vào lúc 9 giờ sáng. Ta có thể ra đó ăn sáng, uống cà phê đá... ngậm ngùi gọi nhau bưng mẩu đất sống, với bao thói quen đó chở về Việt Nam.

Nhưng Paris nào chỉ có miếng ăn, hoa quả. Đó đây, Paris còn chút thân tình kỳ lạ. Paris đang mớm gợi, đang dung dưỡng một sự hình thành, đang vầy tụ những mảnh tình chia phân. Nỗi đơn độc hãi hùng được thoa dịu. Đêm buồn hay trưa vắng ta đóng chặt cửa phòng, nện giầy hậm hực lên thang gác, bước chân xuồng phố là gặp ngay trùng trùng người Việt. Ngồi ở quán cà phê vùng Maubert, nhìn những cụ già tóc quấn trần, xách giỏ đi chợ, áo dài bay lả tả sau mỗi lần xe cộ vút qua, nghe tiếng Việt gọi nhau ơi ới, giọng sắt và the thé, tiếng chửi thề đệm giọng. Lòng ta như có nỗi êm ái nào của trạng huống chưa hoàn toàn mất mát. Đang còn. Đang còn một điểm khởi.

Sự trạng chia rẽ, phân hóa, đưa tới mạ lỵ, chửi bới nhau của người Việt cũng là «dân tộc tính» chăng. Thử nghĩ, chúng ta lễ độ, im lặng vói nhau, sống cạnh nhau như khối đá chen chúc, hẳn sẽ bình lặng và buồn bả biết bao? Ăn cắp của nhau một con gà, rồi cấm nhau ra hàng giậu vỗ quần chửi từ tháng này sang tháng khác, kêu từ ông cha đến ông tổ ngũ đại ra hành hạ trên thót ngôn ngữ... cuộc đời sẽ tẻ lạnh biết bao! Suy ra cái sự chửi nhau, là ưu tư gọi tên nhau xem người hàng xóm có còn đó không ? Ông bà, anh chị... phải mãi mãi còn đó trong tư thế phản ứng nhé, để khi chúng ta ra quân là tập họp dưới cờ. Chửi nhau, phân hóa nhau cũng là thứ ngụy trang của những mật khu du kích. Địch nó không biết người chủ súy là ai, nhóm đầu não ở đâu, nó hả hê khinh thường đối thủ... thế là nó tự đào mồ chôn nó. Chửi nhau mà kêu lới tam đại ngũ đại, là ý thức phanh nguồn đấy chứ. Cứ thế phui lên là gặp nhau trong tay Vua Hùng, hội nhau với tổ tiên đất nước. Cho nên, ngồi ở quán cà phê Le Métro vùng Maubert Chợ Bến Thành, hay các quán Hũ tiếu ở Chợ-lớn khu Mười Ba, nghe thiên hạ chửi thề, dằn vặt nhau, ta bỗng tìm ra sự êm ái cùa một đất nước còn người. Khác với thứ lễ độ không hồn và dửng dưng của loại Việt kiều mốc meo lếch thếch tây-không-ra- tây-việt-không-ra-việt, hay mặt mày quan trọng của bọn cán bộ Đảng mở miệng chỉ «biết làm cách mạng và giải phóng dân tộc».

Phải thấy được sự phân xé kia như ranh giới của những mật khu đã mật ước. Phải nghe được các lời mạ lỵ, chửi bới kia như ca dao, như dân ca, thì mới thấy cái bát nháo trùng trùng nọ là sự tạc tượng sắp thành.

Chẳng cần lái xe hàng trăm dặm để thấy mặt nhau rồi vội vã ra về đi «lao động» hôm sau như đời sống ở Mỹ, chẳng sợ xuống đường ban đêm sẽ bị bọn xì ke cướp dựt đánh vỡ sọ, hay chìm trong nỗi buồn dài trên chập chùng đồng mù trắng tuyết hơn hoang sa bên Gia-nã-đại. Về Paris, tôi sống những ngày êm ả, thân tình. Nỗi eo sèo vật chất so ra nhỏ bên cạnh niềm vui hội họp của những mặt người cùng giống trên đường phố hay trong sinh hoạt. Bước ba bước là cụng đầu nhau. Quan hệ lắm chứ. Còn hơn là mình chửi thề, mà người ngoại quốc không hiểu lại cười đáp lễ. Còn hơn là mình tự đập đầu vào tường cho tung toé những mẩu sống và hình bóng ngày xưa, rồi đâu sẽ vào đó khi tiếng đồng hồ đánh thức gọi dậy đi làm «mọi» cho người.

Buổi sáng đang lên. Cơn mưa đêm trước vừa đổi áo lẳng vào trong nắng. Những hình ảnh và ý nghĩ của Paris chồm lên cuồn cuộn vào giờ thiếu cà phê, tôi bỗng thương Trần Hoài Thư vô hạn. Bức thư anh viết từ Châu Mỹ, mới tới hôm qua, mang những dòng ray rức, buồn tênh nhưng hồn nhiên và chịu đựng:

«Tôi đã dời nhà về đây đã 10 ngày. Lý do không thể sống tại vùng Maryland, tức là Washington D.C. Ở đó người Việt Nam hầu như xa cách, chỉ biết có xâu xé, phẫn hận, và chạy theo đời sống Mỹ. Mấy tháng ở đó tôi phải khố tâm chẳng những về mặt tinh thần mà cả vật chất, nên cũng nh hưởng phần nào trong việc viết lách. Cuối cùng, đường cùng là chọn về thành phố này, một thành phố80% là người Mỹ da đen. Riêng khu tôi ở, đa số là người Việt mới qua, cùng người Lào, Cao Miên. Họ cơ cực, vất vả, không biết tiếng Anh, nhưng tình của họ còn nồng đượm gấp ngàn lần bọn chạy trước.

«Tôi đã nhận một vài sQuê Mẹ. Tôi rất bức rức khi không thể giúp đỡ gì đnuôi Quê Mẹ. Ở đây, hết tiền không biết xin ai. Chúng tôi lãnh trợ cấp, phải tính từng xu xe bus. Hiện tại nhà không có tủ lạnh và phone. Tuy nhiên, được ngồi để viết là một điều hạnh phúc lắm rồi.

« trại tập trung, tôi vẫn lấy câu thơ của anh: «Ngày dài, đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn »... để an ủi cho chính mình và ngay cả bây giờ nữa. Tôi yêu thơ anh ghê gớm. Thơ anh tràn đầy Đông Phương. Nhưng tôi biết anh đau khổ, bởi anh đã xuống núi. Anh không thể làm ngơ trước đồng bào, dân tộc.

«Tôi ở trại tập trung 34 tháng. Ra trại đi bán cà-rem để sinh nhai. Một người thấy vậy cho đi không. Ngỡ là cách biệt vợ con. Nhưng cũng may, vợ con cũng chèo xuồng qua do lòng tốt ca người quen. Thực buồn cười, hai vợ chổng chúng lôi không có ly một chỉ vàng, nhưng cũng ktrước người sau đến Mỹ!

«Tôi ở Bidong 9 tháng. Ngày tàu l’Ile de Lumière nhneo, cả đảo khóc. Nghe tin anh thắng kiện Minute, tôi rất kiêu hãnh và chia vui. Tôi đang sưu tập lại tập truyện để gửi v anh. Chắc chắn là anh sẽ bằng lòng...».

Nói gì với Trần Hoài Thư đây, nêu không là trích bài thơ xưa trong tập Hoa Nắng mà tôi đã để cho An Tiêm tái bản ở Saigon, dùng ánh mắt gửi đi, và nhờ tâm tư làm cánh đưa về nơi Thư ở :

« Bin xanh xa vời vi,
« mênh mông buồm gọi nhớ nhung về.
« Nắng đẹp chảy đầy đôi mắt biếc,
« Tiếc người xa không gần,
đ nói chút niềm trời rộng rãi. »

Tự nhiên tôi thấy thiếu can đảm để khuyên Thư: «Khăn gói về Paris quây quần với nhau mà sống đi! Đây đang là trận tuyến quyết định, đây đang là sự khởi đầu, đây là chốn kín ẩn tình Người. Đây là dòng nước chở ta về thượng lưu Quê hương ».

Thi Vũ
Paris, tháng 8.1980

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020