SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 29

Mariam

“Xin chia buồn,” Rasheed nói với cô gái, vừa đưa tay đón chén cơm nấu với thịt và đậu Mariam đưa, mắt không nhìn Mariam. “Tôi biết hai em rất thân nhau. Lúc nào cũng đi với nhau, ngay từ hồi còn bé. Những gì đã xẩy ra, thật là kinh khủng. Có quá nhiều thanh niên A Phú Hãn đang chết như thế này.”

Mắt vẫn nhìn Laila, Rasheed nóng nảy ra dấu tay cho Mariam đưa cho cái khăn ăn.

Bao nhiêu năm nay, Mariam vẫn thường quan sát Rasheed mỗi khi y ăn, những cơ bắp hai bên thái dương y giặt giặt, một tay y vắt cơm thành từng cục nhỏ, lưng bàn tay kia quẹt dầu mỡ và những hột cơm dính nơi khóe miệng. Bao nhiêu năm nay, y đã ăn mà không hề nhìn lên, không hề nói chuyện, một sự im lặng lên án, như lời tuyên án đang được ban ra chỉ lâu lâu bị gián đoạn bởi một tiếng càu nhàu trách móc, một cái chặc lưỡi chê, một lệnh cộc lốc đòi thêm bánh mì hay thêm nước.

Thế mà bây giờ Rasheed ăn bằng muỗng. Dùng khăn ăn. Nói xin khi biểu đưa nước. Và nói chuyện, nói  một cách hăng hái và không ngừng.

“Theo tôi, Mỹ trang bị vũ khí cho Hekmatyar là không đúng người. CIA đã giao cho hắn biết bao nhiêu súng hồi thập niên 80 để đánh Liên Xô. Liên Xô rút hết rồi mà hắn ta vẫn còn giữ súng ống, và bây giờ quay ra giết người dân vô tội, như cha mẹ của em. Thế mà hắn ta gọi đó là thánh chiến cho Hồi giáo. Thật là một trò hề! Thánh chiến có dính dáng gì đến việc giết đàn bà con nít? Ðáng lý CIA nên vũ trang cho chỉ huy trưởng Massoud mới đúng.”

Không nhướng mà chân mày của Mariam cũng dựng lên. Chỉ huy trưởng Massoud? Trong đầu Mariam còn văng vẳng những lời giận dữ của Rasheed chỉ trích lên án Massoud là kẻ phản bội và một tên cộng sản. Vậy mà bây giờ, tất nhiên rồi, vì Massoud là người gốc Tajik. Giống như Laila vậy.

“Ông ta là người biết điều, một người A Phú Hãn khả kính. Một người thực tâm muốn tìm giải pháp hòa bình.”

Rasheed nhún vai, thở dài.

“Nào phải những người ở bên Mỹ họ quan tâm gì đâu. Việc người gốc Pashtuns và Hazaras, gốc Tajiks và Uzbeks chém giết lẫn nhau, thì quan trọng gì đối với họ. Có bao nhiêu người Mỹ phân biệt được người gốc này với người gốc kia? Tôi nói, đừng nên trông chờ sự giúp đỡ của họ.  Bây giờ Liên Xô đã tan rã, họ không cần mình nữa. Mình phải tự liệu thôi. Ðối với người Mỹ, nước A Phú Hãn chỉ là một kenarab, một cái hố phân. Nói xin lỗi, nhưng đó là sự thật. Em nghĩ sao, Laila thân mến?”

Cô gái lẩm bẩm điều gì đó trong miệng, không nghe được, và đẩy miếng thịt vòng vòng trong chén cơm.

Rasheed gục gật đầu một cách tư lự, làm như cô gái vừa nói điều khôn ngoan nhất y chưa từng nghe. Mariam đã phải quay mặt đi.

“Em biết không, ba em, Chúa che chở cho ông ấy, ba em và tôi hồi trước hay tranh luận với nhau như thế này. Hồi em chưa ra đời, tất nhiên. Chúng tôi bàn luận hoài về chính trị. Về sách vở nữa. Có phải thế không Mariam? Nhớ không?

Mariam làm như chăm chú uống nước.

“Dù sao chăng nữa, tôi hy vọng tôi không làm em chán khi nói tới mấy chuyện chính trị này.”

Lúc sau, Mariam đang trong nhà bếp, rửa dĩa trong nước sà bông, bỗng thấy bụng thắt lại. Không hẳn vì những lời Rasheed nói, những lời dối trá trắng trợn, sự đồng cảm giả tạo, hay vì y không còn thượng tay hạ chân với Mariam nữa kể từ khi y moi cô gái ra từ đống gạch vụn. Mà vì cái cách giả dối của y. Như một màn kịch. Một sự cố gắng xảo quyệt của y để làm động lòng và gây ấn tượng. Ðể quyến rũ.

Và đột nhiên Mariam vỡ lẽ ra những điều nàng nghi ngờ đã trúng. Nàng chợt hiểu mình đang chứng kiến không gì khác hơn một cuộc tán tỉnh, và nổi kinh sợ như cú đánh bất ngờ đập vô một bên đầu nàng.

Cuối cùng, vận hết sức bình sinh, Mariam đi tới phòng Rasheed. Y đốt điếu thuốc và nói, “Sao không?”

Mariam biết ngay mình đã thua. Trước đó, nàng nửa chờ đợi, nửa hy vọng là Rasheed sẽ chối hết, sẽ làm bộ ngạc nhiên hay thậm chí có thể làm bộ tức giận nữa, về những điều nàng muốn ám chỉ. Nếu như thế thì nàng sẽ ở tay trên, nàng sẽ làm được cho Rasheed xấu hổ. Nhưng Rasheed bình tĩnh thừa nhận, thái độ ừ-rồi-sao của y đã khiến Mariam mất hết can đảm.

“Ngồi đi,” Rasheed bảo. Y đang nằm trên giường, xoay lưng vô tường, đôi chân mập và dài xoạc trên nệm. “Ngồi xuống đi trước khi té xỉu đập bể đầu.”

Mariam có cảm giác người nàng rơi ịch xuống cái ghế xếp đặt cạnh giường Rasheed.

“Ðưa cái gạt tàn,” y nói.

Mariam ngoan ngoãn làm theo.

Rasheed giờ đây chắc đã 60 hay hơn – dù Mariam, và ngay chính cả Rasheed, không biết tuổi chính xác của y. Tóc Rasheed đã bạc hết, tuy nhiên vẫn còn dày và cứng như xưa. Mí mắt và da cổ của y giờ đã xệ và nhăn nheo. Hai má cũng xệ hơn trước. Buổi sáng, người y hơi khòm. Tuy nhiên vai y vẫn rộng, ngực vẫn dày, hai bàn tay vẫn mạnh, cái bụng phệ vẫn đi trước mỗi khi y bước vô phòng.

Nói chung, Mariam nghĩ Rasheed đã già đi nhưng còn khá hơn nàng nhiều.

“Minh cần phải hợp thức hóa tình trạng này,” Rasheed nói, vừa giữ cái gạt tàn trên bụng cho thăng bằng. Môi y chu lại, vẻ chế giễu. “Người ta sẽ bàn tán. Một người đàn bà trẻ chưa chồng mà sống trong nhà này, mất danh dự lắm. Mang tiếng tôi. Mang tiếng cô ấy. Và cả em nữa đó, nói cho biết.”

“Mười tám năm,” Mariam nói. Em chưa bao giờ xin anh điều gì. Không một điều gì. Giờ em xin anh.”

Rasheed hít một hơi thuốc và thở ra chầm chậm. ”Cô ta không thể ở đây khơi khơi như vậy, nếu đó là điều em muốn nói. Tôi không thể tiếp tục cung cấp cho cô ta cơm ăn, áo mặc và chỗ ở. Tôi không phải là hội Hồng Thập Tự.”

“Nhưng làm như vầy?”
“Thì đã sao? Thì sao? Em nghĩ cô ta còn nhỏ quá hả?  Cô ta mười bốn tuổi rồi. Nhỏ nhít gì. Hồi đó em mười lăm, không nhớ sao? Má tôi mười bốn lúc sanh tôi, mười ba lúc bà lấy chồng.”

“Em… Em không muốn như thế,” Mariam nói mà cảm thấy tê điếng vì bất lực và khinh miệt.

“Không phải quyết định của em, mà của tôi và cô ấy.”

“Em lớn tuổi rồi.”

“Cô ấy thì trẻ quá, em thì già quá. Nói tàm phào.”

“Em lớn tuổi rồi, anh không thể đối xử với em như thế,” Mariam nói, tay nắm áo chặt đến run lên. “Sau bao nhiêu năm chung sống, để bây giờ anh vợ lớn vợ bé.”
“Thôi đừng bi kịch quá. Em biết đó là chuyện bình thường thôi. Bạn tôi có người hai, ba, bốn bà vợ. Ba em cũng ba vợ. Vả lại, cái chuyện tôi sẽ làm, hầu hết những người đàn ông tôi quen chắc chắn họ đã làm từ lâu rồi. Em cũng biết đó là sự thật.”

“Em không đồng ý.”

Rasheed cười buồn khi nghe Mariam nói điều này.

“Có một cách khác,” y bảo, một gót chân chai sạn gãi gót chân kia. “Cô ta có thể ra khỏi nhà này. Tôi sẽ không cản cô ta. Có điều tôi nghĩ cô ta sẽ không đi được bao xa đâu. Không có ăn, không có uống, không có một đồng dính túi, đạn bay tứ phía. Em nghĩ cô ta sống sót được bao nhiêu ngày trước khi bị bắt cóc, bị hãm hiếp, hay bị cắt cổ ném xuống cái mương nào đó bên đường? Hay bị cả ba?”

Rasheed ho và sửa lại cái gối dựa lưng.

“Ðường xá ngoài kia không tha một ai hết đâu, Mariam, tin tôi đi. Bọn đánh hơi và bọn cướp ở mỗi góc đường. Cơ hội thoát thân của cô ta không bao nhiêu đâu. Nhưng cứ cho là cô ta nhờ một phép lạ nào đó mà đến được Peshawar. Rồi sao? Em có tưởng tượng được những trại đó như thế nào không?

Y nhìn Mariam đăm đăm từ sau màn khói thuốc.

“Người ta sống dưới những miếng cát-tông phế thải. Bệnh lao, kiết lỵ, đói, tội phạm. Ðó là chưa tới mùa đông nhé. Rồi đến mùa lạnh tê cóng. Viêm phổi. Người ta thành cột nước đá hết. Những trại đó trở thành nghĩa địa đông lạnh.”

“Tất nhiên,” y xoay bàn tay làm một cử động cợt đùa, “cô ta có thể đến những nhà chứa ở Peshawar để ở cho ấm. Nghe nói ở đó lúc này làm ăn khá lắm. Một người đẹp như cô ấy hẳn sẽ kiếm được một gia tài nhỏ, em nghĩ đúng không?”

Rasheed đặt cái gạt tàn lên đầu giường và xoay hai chân qua một bên giường.

“Nghe này,” bây giờ y nói bằng giọng hòa hoãn hơn của kẻ chiến thắng. “Tôi biết em sẽ không vừa ý chuyện này. Tôi không hẳn trách em. Tuy nhiên đây là giải pháp tốt nhất. Rồi em sẽ thấy. Em cứ nghĩ như vầy đi. Tôi cho em một người giúp việc nhà và cho cô ta một chỗ trú. Một gia đình và một người chồng. Thời đại này, đàn bà cần có một người chồng. Bộ em không thấy bao nhiêu đàn bà góa ngủ ngoài đường đó sao? Họ dám giết người để có được cơ hội may mắn này. Trên thực tế, đây là… ừ, tôi có thể nói đây là một việc làm hết sức từ thiện của tôi.”

Y mỉm cười.
“Theo tôi, thì tôi xứng đáng được nhận huy chương.”

Ðêm đó, trong bóng tối, Mariam kể cho cô gái nghe.
Một lúc thật lâu, cô gái không nói gì.

“Ông ta muốn có câu trả lời trễ nhất sáng mai,” Mariam nói.
“Ông ta có thể có ngay bây giờ,” cô gái nói. “Câu trả lời của em là đồng ý.”          

Chương 30

Laila

Ngày hôm sau, Laila không ra khỏi giường. Buổi sáng lúc Rasheed thò đầu vô phòng nói đi hớt tóc, Laila còn nằm trùm mền. Laila vẫn còn nằm trên giường lúc Rasheed trở về vào buổi chiều, khoe tóc mới cắt, bộ đồ vét cũ màu xanh có sọc màu kem mới mua, và chiếc nhẫn cưới y mới mua cho Laila.

Rasheed đến ngồi bên cạnh Laila trên giường và làm một màn biểu diễn từ từ tháo nơ, mở hộp  và nhẹ tay nhấc chiếc nhẫn ra. Y tiết lộ là y đã đổi chiếc nhẫn cưới cũ của Mariam để lấy chiếc này.

“Nó chẳng màng đâu. Tin anh đi. Nó còn không biết nữa là.”

Laila xích tuốt ra xa. Nó nghe tiếng Mariam ủi đồ xèo xèo dưới nhà.

“Nó có đeo bao giờ đâu,” Rasheed bảo.

“Tôi không muốn,” Laila yếu ớt nói. “Không muốn như vậy. Ông đem trả lại đi.”

“Trả lại?” Vẻ mất kiên nhẫn thoáng qua trên mặt Rasheed nhưng biến mất ngay. Y mỉm cười. “Anh phải thêm tiền nữa đó – khá nhiều đấy. Chiếc nhẫn này đẹp hơn, vàng 22 ca-ra đó. Thấy nặng không?  Nào, em sờ đi. Không à? Y đóng hộp lại. “Vậy bông nhé? Ðẹp lắm đó. Em thích bông không? Em thích bông gì nhất? Cúc? Tu-líp? Tử đinh hương?  Không muốn bông sao? Thôi được. Anh cũng thấy không cần thiết. Chỉ nghĩ… À, anh quen một người thợ may ở khu Deh-Mazang. Anh nghĩ ngày mai có thể đưa em tới đó, đo may cho em một cái áo dài đàng hoàng.”

Laila lắc đầu. Rasheed nhướn mày.

“Tôi chỉ muốn càng sớm – “ Laila bắt đầu.

Rasheed đặt bàn tay lên cổ Laila. Laila không khỏi nhăn mặt và co rút người lại. Bàn tay của y chạm vô chẳng khác nào như Laila mặc cái áo lạnh bằng len cũ, ướt và nhột nhạt khó chịu mà không có áo lót.

“Sao?”
“Tôi chỉ muốn càng xong sớm càng tốt.”

Miệng Rasheed há hốc rồi toe thành nụ cười đầy răng vàng khè. “Háo hức à,” y nói.

Trước hôm gã Abdul Sharif đến, Laila đã quyết định sẽ rời bỏ nơi đây để đi Pakistan. Ngay cả sau ngày Abdul Sharif đem tin đến, Laila vẫn nghĩ mình sẽ ra đi. Ðến một nơi nào đó thật xa. Lánh xa thành phố này, nơi mỗi góc phố là một cái bẫy, mỗi con hẻm như có con ma giấu trong hộp đồ chơi, chỉ chờ mở nắp là bật lò xo nhẩy tới chụp nó. Nó đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro.

Nhưng rồi bỗng nhiên không còn lựa chọn ra đi được nữa. Không đi được nữa, bởi những cơn uạ mửa hàng ngày bây giờ, bởi cảm giác ngực căng mới mẻ này. Và giữa tất cả những sự hổn loạn đó, Laila cũng nhận ra được mình đã mất một kỳ kinh nguyệt.

Laila hình dung mình ở trại tỵ nạn, một khu đất với hàng ngàn tấm bạt nhựa buột vô những cột tạm bợ phần phật trong gió lạnh buốt. Bên trong một trong những căn lều tạm bợ đó, Laila thấy hài nhi con mình, con của Tariq, nằm thoi thóp, má hóp, da lốm đốm xanh xao. Laila hình dung thân thể tý hon của em bé được những người xa lạ tắm rồi quấn vô tấm vải liệm đen thui thả xuống cái lỗ đào trên miếng đất nhỏ lộng gió, dưới cái nhìn đầy thất vọng của lũ kên kên.

Làm sao Laila có thể chạy trốn được nữa?

Laila đau khổ điểm qua những người trong cuộc đời nó. Anh Ahmad và anh Noor, đã chết. Nhỏ Hasina, đi mất. Giti, chết. Má, chết. Ba, chết. Bây giờ đến Tariq …

Nhưng huyền diệu thay, một cái gì đó thuộc về cuộc đời trước của nó vẫn còn tồn tại, một liên kết cuối cùng còn sót lại với con người cũ của nó trước khi nó trở nên tột cùng cô đơn. Trong nó, một phần của Tariq vẫn còn sống, đôi tay tí hon đang mọc dần, hai bàn tay trong suốt đang lớn dần. Làm sao nó có thể hủy hoại điều duy nhất còn sót lại của Tariq, của cuộc đời cũ của nó?

Nó quyết định thật nhanh. Sáu tuần lễ đã trôi qua kể từ khi nó với Tariq gần nhau. Ðể lâu hơn, Rasheed sẽ nghi ngờ.

Laila biết điều nó đang làm là xấu xa. Xấu xa, không thành thật và đáng hổ thẹn. Và thật là không phải với Mariam. Tuy nhiên dù hài nhi trong bụng nó chỉ lớn không hơn trái dâu tằm, Laila cũng đã hiểu người mẹ phải hy sinh như thế nào. Ðức hạnh chỉ mới là điều hy sinh đầu tiên.

Laila đặt bàn tay lên bụng. Và nhắm mắt lại.

Laila chỉ còn nhớ một cách rời rạc buổi lễ lặng lẽ ngày hôm đó. Những đường sọc màu kem của bộ đồ vét của Rasheed. Mùi keo xịt tóc nồng nặc của y. Vết cắt nhỏ cạo râu ngay trên trái yết hầu của y. Những chỗ chai trên các ngón tay vàng ếch thuốc lá của Rasheed khi y đeo nhẫn vô tay nó. Cây viết. Không ra mực. Phải tìm cây viết khác. Tờ hợp đồng. Lúc ký tên, tay y chắc, tay  nó run. Những lời cầu nguyện. Qua gương, nó nhận ra Rasheed đã tỉa lông mày của y.

Và, đâu đó trong căn phòng, ánh mắt cùa Mariam luôn theo dõi và phản đối, khiến không khí ngột ngạt. Dù cố gắng hết sức, Laila cũng không dám nhìn thẳng vào đôi mắt đăm đăm của người đàn bà lớn tuổi hơn mình.

Nằm dưới lớp mền lạnh lẽo của Rasheed đêm đó, Laila nhìn theo y đóng màn cửa sổ. Nó đã run cầm cập cả trước khi ngón tay y lần mở nút áo của nó và giật mạnh dây rút quần của nó. Y bị kích động mạnh. Mấy ngón tay của y vụng về mãi mới cởi được áo và thắt lưng của y.

Laila nhìn rõ bộ ngực xệ của y, cái rún lồi với mạch máu xanh nhỏ ở ngay giữa, những đám lông dày bạc trên ngực, vai và cánh tay trên của y. Laila cảm thấy đôi mắt của Rasheed lần mò trên khắp cơ thể của nó.

“Trời ơi, chắc tôi yêu em rồi,” y nói.

Răng đánh bò cạp, Laila yêu cầu y tắt đèn.

Lát sau, khi biết chắc Rasheed đã ngủ, Laila lặng lẽ đưa tay xuống dưới nệm rút con dao nó đã dấu sẵn ở đó. Nó dùng dao đâm vô ngón tay trỏ của mình. Rồi nó dở mền lên, cho máu từ ngón tay nhỏ xuống trên khăn trải giường, chỗ hai người vừa nằm.                     

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020