SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

Nguyễn Khuyến, nhìn-những-mùa-thu-đi… (*)

Cao Vị Khanh

-Thơ của kẻ sĩ ở cuối cuộc phong trần-

Đã có thời tôi làm nghề dạy học. Nói dạy học là nghề sao nghe ra có vẻ cay đắng thế nào, kiểu như mấy ông lái đò… đưa khách qua sông rồi khách bỏ đi luôn, quên cả ngoái lại.  Đúng ra chuyện làm thầy của tôi cũng không đến nỗi bẽ bàng như vậy. Dẫu có chút đỉnh hục hặc lúc mới khởi đầu nhưng rồi đâu vào đó. Có thể nói là khá suôn sẻ nữa. Và dẫu không quá mươi năm vẫn để lại trong tôi nhiều dư vị ngọt ngào hơn là đắng chát. Cái đám em út đó dẫu vì nạn nước phải lưu lạc tứ phương vẫn giữ nguyên cái nghĩa thầy trò rất mực là… thầy trò. Đôi khi vẫn gợi lại trong tôi những hình ảnh hết sức dễ chịu khi đời tôi đã quá sức khó chịu vì sức nặng trì trì của ngày tháng, vì những oán hờn trầm tích từ cuộc đổi đời cũ vẫn không tan, vì những hy vọng cho một cuộc đổi đời mới ở quê nhà càng lúc càng trở nên vô vọng… Vâng, tại vậy đó, đôi khi một tách cà-phê, một bữa rượu mời mọc ân cần của một người học trò cũ gặp lại tình cờ giữa một độ đường lữ thứ, đôi khi chỉ một lời thăm hỏi sức khỏe văng vẳng từ một đường dây viễn liên nào đó, bỗng làm vui lại một khuya hôm trằn trọc… Vâng người già hay sống với kỷ niệm, vui hay buồn, đắng cay hay ngọt ngào… Những ngày đã qua! Những chuyện đã qua!

Cái không gian hẹp té giữa bốn bức tường trường lớp vậy mà không thiếu chuyện để nhớ. Coi vậy mà cái thế giới bít bùng đó không hẳn phẳng lờ và suôn sẻ như mấy trang sách quốc-văn-giáo-khoa-thư. Dẫu vậy, vẫn vui nhiều hơn buồn, vẫn ân tình ân nghĩa hơn cái trường đời mênh mông ở bên ngoài cửa lớp. Bởi vậy mà lắm lúc lại nhớ vơ nhớ vẩn, hay nhớ có tuồng có tích, thì vẫn là nhớ… nhớ thuở làm thầy dạy… văn chương cho đám học trò đã hết nhỏ mà còn chưa lớn.

Mùa cuối thu rồi mà không biết vương vấn ra sao lại cứ dùng dằng không chịu cuốn theo gió mà đi, cứ lẩn tha lẩn thẩn rắc lá ngày này qua ngày khác. Lá rơi phủ vai bức tượng trắng sau nhà, lấp đầy chiếc hồ cá nhỏ, rồi che khuất cả lối ra vào. Cái người rỗi việc nhất là tôi, lại có việc làm… tiễn mùa thu đi bằng cách quơ tay hốt từng bựng lá vàng, gom thành đống vào những góc khuất, đợi cơn tuyết đầu mùa ủ kín, lấp cho quên vết mùa thu cũ. Chuyện chẳng có gì mà rồi sinh chuyện. Có hôm ra sân, trời không nắng không mưa, chỉ hiu hiu gió. Thứ gió mùa thu, nhẹ như hơi thở người tình đã có lần đi vội qua đời mình mà không có dịp ngó lại, thổi gờn gợn lên cánh tay trần chút hơi lạnh đâu đâu. Bãi cỏ chỉ mới úa, mấy luống hoa cũng chỉ mới vừa rũ cánh dẫu chưa phai màu. Khổ nỗi, phải chi rụng thì cứ rụng, lằng nhằng chi đến lê thê lếch thếch mà xui chi cho lại nhớ thương. Mà nhớ gì thương chi cũng chẳng biết. Chỉ biết sao như có tơ giăng ngang mắt, chằng giữa tim làm mỗi bóng mây qua sao có gì vướng víu, mỗi cuối ngày đi sao có gì nấn nuối… Khổ nỗi chẳng biết tơ nhện ấy gút mắt từ đâu nữa.

Vậy rồi trong cái không khí váng vất nửa hư nửa thật, nửa ấm nửa lạnh, nửa xưa nửa nay, có bữa nghỉ tay, chợt ngẩng lên nhìn trời, thấy trời xanh biêng biếc, chẳng một gợn mây, lòng chợt phân vân rồi dưng không nhớ đến một người, một người đã xa, xa lắm, xa như cái dòng lịch sử mịt mù đã cuốn trôi đi tất cả.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

À, Nguyễn Khuyến, danh sĩ giữa khi thế nước tới hồi mạt vận cuối thế kỷ 19, cuộc đời đã được phanh phui không sót một cái chắc lưỡi trong mấy bộ văn học sử được đem giảng dạy trong các trường trung học ở miền Nam thuở nọ. Tôi cũng vậy, do theo nghiệp vận tôi cũng đã nhiều phen lên lớp giở giọng ngùi ngùi kể lể phê phán khen chê… Mà điều, thú thật, ở cái tuổi mới vừa chín tới, tôi nói mà lắm lúc ngần ngại. Rằng thì là ái quốc tiêu cực, rằng thì là phúng thích mơ hồ, … giọng thơ thiếu khí phách ngang tàng của kẻ sĩ giữa cơn đọa lạc v.v… và v.v… Ờ mà có thể đòi hỏi nhiều hơn nữa không? Những kẻ sĩ ở cuối cuộc phong trần! Thử nghĩ lại, miền Nam, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975!!!

……….. Nguyễn Khuyến, sống cái tuổi trẻ của mình trong sự chộn rộn của lịch sử. Đến tuổi 50- ngũ thập nhi tri thiên mạng, người Pháp coi như thực sự chiếm trọn Việt Nam, dù dưới bất cứ danh hiệu mỹ miều nào. Triều Nguyễn chỉ còn là cái bóng của chính mình. Nhợt nhạt, lao đao, quờ quạng… giữa sóng gió dữ dằn của thời cuộc. Thân phận của những người đã vinh danh nhờ vào cái trật tự phong kiến đó, rồi cũng sẽ và phải lao đao, nhợt nhạt… theo cái khung mình đã dang tay chống đỡ và cũng đã che chở lại cho mình. Dĩ nhiên không phải không có người dang thân ra gánh vác, nhưng rồi cũng chỉ như đem trứng chọi đá. Còn ngoài ra, chỉ có cái lối phản kháng tiêu cực là thịnh hành. Không xoay chuyển được thời thế thì… rũ áo từ quan, về nhà đuổi-gà-cho-vợ. Nói mà không có ý mỉa mai. Chỉ là để… ngậm ngùi.

Nhưng nếu không làm vậy, thì sẽ làm gì?

Tay chân thì… trói gà không chặt.

Đầu óc thì ngoài cái mớ chữ nghĩa chép đầy trong mấy bộ tứ thư ngũ kinh chi hồ giả dã cũ đâu từ cái thời… không còn chỗ nào để cũ nữa.

Đám bạch quỷ” thì ngoài súng mút-cơ-tông, lại còn có thêm tàu bọc sắt chạy bằng hơi nước phun khói mịt mù…

Ngóng vô triều thì triều cũng đang ngóng cổ, ngóng mấy ông con trời phía bắc cũng đang ôm đầu chạy có cờ…

Vậy thì, còn ngõ nào để chờ đợi, để trông cậy hay để vung tay phất cờ…

Vâng, tình hình cuối thế kỷ 19 của xứ Đại Nam ta là như vậy. Có gì khang khác hay giông giống tình trạng của miền Nam Việt Nam những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư năm một chín bảy lăm… Tôi, và những người trang lứa trên dưới ba mươi, chúng ta đã sống thế nào, nghĩ thế nào, làm gì…? Lo lắng! Nghĩ ngợi! Lăng xăng! Lính quýnh! Ngó tới ngó lui rồi ngó lại mình? Ngó lại mình? Rồi sao? Rồi sao nữa? Rồi không ra sao hết! Hay là rồi nhão nhẹt như cục bột thấm nước…

Bốn mươi mấy năm sau cơn thất tán, đọc lại mấy bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, rồi sao buồn quá đỗi, nhìn ngược lại đời ông, nhìn ngược lại đời mình… Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Thử nghĩ đến mùa thu ở một vùng đất phía bắc Việt Nam. Mà thật ra ở đâu đó cũng vậy. Vì ở đâu đó mà nếu còn trên mặt đất này cũng đều không vui. Tại vốn dĩ mùa thu đã được gán cho cái tánh buồn. Nắng buồn ít. Mưa buồn nhiều. Mà không nắng không mưa cũng buồn, không nhiều thì ít. Vậy rồi, trong một ngôi làng nhỏ, một buổi sáng, một buổi trưa hay một buổi chiều, một người đàn ông đã luống tuổi, dù chưa cỗi như gốc đa đầu làng nhưng cũng đủ già để xóm giềng vị nể, nhất là kể ra cũng đã hàng danh phận, sống thu mình, lặng lẽ như chiếc bóng của chính mình. Tuổi trẻ, dù có chút lận đận, ông cũng đỗ đầu ba kỳ thi cả nước, làm quan dẫu không tột đỉnh cũng bậc phụ mẫu chi dân, lại giữa chốn yên hoa cũng là tay phong lưu rất mực. Khoan nghĩ về đời sống xã hội mà nhớ về cõi riêng tư, góc cạnh thể hiện rõ nhất cho cá tính. Nội mấy câu lục bát nôm na đã thấy rõ bản tính người tài tử. Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua. Rồi đến lúc người bạn-hiền đó xuôi tay nhắm mắt, lại kêu lên Bác Dương thôi đã thôi rồi. Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. Rõ là kẻ chí tình rất mực. Lại nữa, bài hát nói nghe đùa hoa giỡn nguyệt mà lộ rõ như mực đen trên giấy trắng cái bản chất nòi tình của bậc văn-chương-nết-đất. Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Mới ngày nào chửa biết cái chi chi. Mười lăm năm thắm thoát có ra gì. Chợt ngoảnh lại đã tới kỳ tơ liễu. Ấy là chưa nhắc đến mấy câu mưỡu đầu đọc lại mà muốn… giựt mình (**). Hãy nghĩ tới trong thời mà nền đạo đức cổ truyền như là cái gông siết cổ, một bậc văn nhân (trí thức) có tiếng như ông mà xổ thơ trai gái lả lướt như tay phóng đãng bất cần đời, thì so ra có thua gì Đỗ-Mục-mười-năm-tỉnh-mộng Dương-châu!

Vậy mà ông vẫn làm tròn cái vị trí xã hội của mình. Sách vở còn ca tụng.

12 tuổi đã thuộc kinh sử, 14 tuổi văn lý đã thông, 15 tuổi đỗ đầu kỳ hạch tỉnh… Chánh sự mẫn cảm, thanh liêm, lại tỏ ra có tài thao lược trong nhiều vụ tiểu phỉ. Một lần dâng sớ xin về hưu nhưng vua Tự Đức không ưng, triệu về kinh làm Sử quán Toản tu… Rồi được cử giữ Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên… Năm 1884, sau khi vua Tự Đức băng hà, triều đình ký hòa ước Patenôtre, công nhận cho Pháp bảo hộ Bắc và Trung kỳ. Năm sau, Nguyễn Khuyến lấy cớ đau mắt xin về hưu (***)

Dọc theo sự nghiệp quan trường đó, sự nghiệp văn chương cũng chẳng thua kém chi ai. Mọi thể loại, mọi đề tài đều có lượt vung tay phóng bút.

Nói vậy, để thương cảm thêm cho một kiếp tài-tình-thiên-cổ-lụy. Dĩ nhiên, đời xa người khuất, không ai đem phân tâm học mà giãi bày. Tuy nhiên, dù không trăm phần, cũng không đến nỗi lạc nẻo. Con người đó, với bổn phận trách nhiệm đeo đai, bằng cách này cách khác, vẫn sống cái phần hồn chân thực nhất của họ, bên cạnh vai trò mà xã hội đã áp đặt.  Nghĩ vậy rồi, làm sao mà không cảm mộ. Họ sống đời riêng của họ song song với đời chung của thiên hạ. Họ sầu cái sầu riêng họ mà họ còn sầu cái sầu chung của thế nhân. Họ đau những mất mát tư riêng mà còn đau thêm nỗi hờn vong quốc. Thử nghĩ đến tình cảnh một người mang nỗi buồn lũy thừa theo cấp số nhân…

Một ngày mùa thu, người đàn ông đó, thả bộ loanh quanh mấy cái ngõ trúc vắng hoe, hoặc lơ đãng thả dây câu xuống mặt hồ lặng ngắt hay nhắp chút rượu chiều khi ngày sắp hết…  hay làm bất cứ một chuyện gì đó, mà có cần chuyện gì là chuyện gì, khi tới lúc đời đã vuột ngoài tầm tay, khi mọi vui buồn oán hận đã là cố sự, nhất là khi quê hương có đó mà như không có đó… người đàn ông đó, ông ta làm mà như chỉ để làm, làm mà như không để chờ kết quả.

Vậy rồi… có khi ông phóng bút làm thơ.

Văn sử không cho biết chính xác Nguyễn Khuyến viết ba bài thơ Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh lúc nào trong số thơ văn ông để lại. Điều chắc nhất là thơ làm vào một mùa thu nào đó trong suốt những mùa thu đã đi qua đời ông.

Rồi… cũng lại một ngày mùa thu, thứ mùa thu bất biến của trăm năm trước hay trăm năm sau, từ một cõi xa tít ở bên này biển Thái Bình không ngớt sóng dữ, trời có có cao xanh hay trời nặng trĩu sương mù… thì cũng vẫn cùng một tâm cảnh. Trong cái rưng rưng của đất trời, dưng không rồi nhớ lại mấy bài thơ cũ. Dưng không rồi lại thấy băn khoăn. Băn khoăn, thứ xúc cảm nhẹ như có như không, một thứ chuyển động mơ hồ y như chiếc lá rụng xuống mặt nước làm gợn chút sóng lăn tăn rồi… lặn mất. Dẫu vậy, vẫn băn khoăn…

Có thật, từ nhiều năm trước, khi còn đứng trên bục giảng để giải thích, phê bình, khen ngợi, chê bai… những bài thơ xưa đó cho đám em nhỏ, lòng trắng trinh như mấy tờ giấy học trò, có lúc đã nói như vậy, đã khen như vậy, đã chê như vậy… ! Mà thiệt ra, ở cái lứa tuổi đôi mươi đó, đã hiểu gì, đã cảm ra sao… mà nói không ngại ngùng, mà giảng với dạy thứ văn chương của những người trăm năm trước. Thứ văn học giáo khoa, đóng khung trong mớ giáo điều sư phạm có nói ra được hết – mà có quyền nói ra hết, những thứ tâm động sâu đến khôn dò của lòng người. Tuổi thanh niên loạn lạc những năm 70 của thế kỷ 20 hiểu được gì cõi lòng rất đỗi nhiễu nhương của những bậc vãng niên những năm 30, 40  của thế kỷ 19? !!!!

Thơ vốn dĩ là của riêng người làm kể cả thơ làm để tặng. Người đó, lúc đó, chữ có nghĩa lúc đó, ngay lúc đó. Người đọc thơ, đã trễ đi một tích tắc… có còn là chữ và nghĩa của lúc thơ… bất chợt hiện ra. Người làm thơ là làm thơ cho họ với xúc cảm của riêng họ. Người đọc thơ là đọc thơ cho mình với hỉ nộ ái ố lạc dục của riêng mình. Hôm nay không còn là ngày hôm trước, ngày hôm sau nữa, năm mười năm… trăm năm sau đã lạc dấu biệt mù… Trời đất bên ngoài, vũ trụ trong ta có bao giờ thường trụ. Lấy gì làm mốc để biểu là hiểu đúng, để xỉ xỏ này nọ nọ kia .Thích thì rủ rỉ tâm tình. Không thích thì nín. Vậy thôi.

Cho nên… ngày tháng này, ở đoạn cuối một cuộc phong trần, lòng không khỏi ngậm ngùi khi bất chợt nhớ ông, nhớ nếp sống sau khi treo ấn từ quan, lui về quê cũ, lưu vong ngay trên chính quê hương mình, với những giằng co giữa chống đối và thỏa hiệp, giữa ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ và sự bất lực của văn nhân, giữa nết tài hoa của bậc phong lưu và nếp đạm bạc của kẻ ẩn cư… từ đó… ngày tháng qua, tuổi tác rụng dần theo những mùa thu thay lá.

Đọc lại thơ, lần này là đọc lại cho mình, sau bao nhiêu vật vã với tang thương. Đọc lại… để hồn truồi theo cảm xúc của người xưa, để vui với, buồn vì, hận theo với người đã trăm năm khuất bóng… rồi thấy xót xa mà thương ơi một tấm lòng vốn mẫn cảm với đời, với người…  kể cả rưng rưng với từng nhịp mùa rơi mỗi độ thu đến rồi thu đi…

Thử lần lượt đọc lại thêm một lần ba bài thơ thu cũ…

Thu điếu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo,
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Thu ẩm

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ dăm ba chén đã say nhè.


Thu vịnh

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào

Đọc thôi, đọc bằng cái giọng bình thường nhất, nhỏ nhẹ nhất … để thấy cái trong veo của một tấm lòng trong suốt. Đã hết những vọng động của tuổi trẻ, những mắc míu của đời sống mà rồi sao như vẫn còn vướng vít những dư âm của lịch sử buồn. Dẫu vậy, thơ nhẹ như mây. Mây thì trôi nổi, bềnh bồng. Vô sở trụ.

Thường, thơ làm theo lối Đường thi phải đúng phép tắc. Vị trí của từng câu, từng chữ, nghĩa lý đối đãi khít khao như đổ khuôn. Luật lệ rạch ròi như đinh đóng cột. Lại thêm điển tích với lại điển cố cứ khệnh khạng như bộ dáng hát bội… làm bài thơ rồi nặng nề từ hình thức tới nội dung. Thơ thu của ông, dẫu cũng bảy chữ tám câu như bao giờ, lại thoát ra được cái câu nệ thường tình của thi pháp cổ điển. Thứ bố cục khít rim với phân nhiệm chặt chẽ, nào mở nào thực nào luận rồi kết, nhất nhất không được sai chạy. Rồi chữ đối chữ, nghĩa đối nghĩa… như những rào cản giữ ghịt hồn thi nhân lại bên nây bờ mộng tưởng, con đường sáo mòn cứ o ép riết lấy mà đi… Kể cả chữ – phương tiện để làm thơ, cũng phải được chọn lọc, gò gẫm, trau tria… sao cho không thường, sao cho cao sang, sao cho phảng phất thứ hơi hướm của một thuở Đường thi Tống từ đã đi vào huyền sử!

Vậy mà thơ thu của Nguyễn Khuyến, dù không phá lề mà sao như vượt thoát khỏi luật. Cái hay ở đó mà cái khéo cũng từ đó. Ồ mà không, không phải khéo. Khéo là cố công, là tỉ mỉ. Đằng này, thơ tự nhiên như nước suối róc rách từ nguồn chảy ra, chảy ra léo lách qua bờ bụi, len lỏi qua vách đá, tự nhiên, uyển chuyển… Chảy thong dong, nhẹ nhàng… không cần gió đẩy gió đưa cũng chẳng cần phải chèo chống mỏi mê. Chảy như nước thì… chảy. Thơ… như thơ.

Vần eo là loại vần… rất… trặc trẹo – mà ông gieo nhẹ như hơi gió thổi liêu xiêu (veo, teo, vèo, teo, đèo …). Những câu thơ toàn bằng chữ Việt thuần nôm. Thứ chữ mà đã có thời người ta ghét bỏ vì cho rằng… nôm na là cha mách qué ! Người có học – hay coi như có học – suốt thời lịch triều gần như tránh né. Vậy mà một người từng ba lần đỗ đầu cả xứ với thứ chữ được coi là thông thái, lại phóng tay làm thơ… bằng thứ chữ bị coi là quê mùa. Nội chút đó thôi đủ để cảm phục thêm tấm lòng quan hoài của bậc danh sĩ vốn nặng lòng với quê hương làng xóm. Mà làm thiệt hay. Vừa tự thoát ra cái mặc cảm tự tôn của người hay chữ, vừa biểu lộ một phong cách ung dung tự tại của kẻ sĩ cuối đời, phủi tay xóa sạch mọi phiền toái của cái xã hội đang hồi lộn lạo.

Đọc suốt bài Thu điếu kể chuyện đi câu cá, mà có thấy đâu chuyện cá ăn câu. Với giọng thơ nhẹ nhàng, thanh thoát và mang mang chút thiền vị, chỉ nhận ra được cái phong thái ung dung, tự tại của một kẻ biết ta biết người, thả thuyền câu chỉ là cái cớ, để trám cái trống không của một ngày coi như đã dư thừa. Thời gian của chuyện đi câu là thời gian bất động. Ngồi câu là dang tay níu đứng lại thời gian, là ngồi tịnh giữa dòng dời đang cuộn chảy, là cách thế thoát ra những vọng động của lịch sử. Là ta tìm lại chính ta sau tầng tầng dâu bể.

Sực nhớ đến Liễu Tông Nguyên, đời Đường, cũng đã có lần gieo mình giữa mênh mông thiên địa. Thiên sơn điểu phi tuyệt. Vạn kính nhân tung diệt. Cô chu thôi lạp ông. Độc điếu hàn giang tuyết. Một thuyền, một bóng, một dòng sông. Không một vết chim đến tuyệt cùng. Chẳng một vết chân ngoài vạn lý. Ngồi câu, người với tuyết mênh mông !

Có phải không, ngồi câu là ngồi lại với chính ta, là ta tìm lại ta giữa hỗn mang của trời đất, giữa hỗn loạn của lịch sử, giữa hỗn độn của lòng người.

Mà có tìm được hay không lại là chuyện khác. Chuyện cần là lách mình ra khỏi những vọng động của đời thực để thế sự rồi mơ hồ như vọng âm của tiếng cá quẩy động ở đâu đâu.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo!

Rồi lại khi đối ẩm với … mùa thu !

Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe

Vẫn cái giọng thơ nhẹ nhàng, giản dị tới độ bình dị, chữ nghĩa rặt nôm làm nghe ra thân thuộc dù đời xa đã xa hằng bao thế hệ. Bởi vậy, đọc thơ rồi sao thấy cùng một nỗi cảm hoài.

Ba cái thứ chữ dân gian, thứ ngôn ngữ nói, nghe ra thì dễ dãi hết sức mà đưa vào thơ làm rõ thêm ra cái cảnh trí nhà quê thân thuộc – năm gian nhà nhỏ thấp le te, ngõ tối đêm sâu, đóm lập lòe –  hình quen cảnh thuộc làm như đâu mới hôm qua hôm kia còn chạy nhảy lúp xúp trên những bờ đê nứt nẻ, còn núp cột đình coi cọp tuồng San hậu, còn lăng xăng qua lại mấy nhịp cầu tre lắt lẻo… thứ thân thuộc giờ chỉ còn trong tưởng vọng dưng không làm dậy lên từng nỗi xót xa. Xóm vắng, năm ba gian nhà lá thấp chủm, lượn lờ vạt khói cơm chiều và con trăng sớm nhỏ nhẹ dọi xuống lòng ao hẹp… Quê mình đó chăng? Bao lâu rồi chưa thấy lại! Ông Nguyễn ơi, có phải hình ảnh một xóm làng đìu hiu từ cơn nạn nước làm ông chảy nước mắt dù ông còn nán lại quê ông. Và tôi, kẻ xa quê cũng vì nạn nước, giữa hồi chạng vạng làm sao còn thấy kịp lại quê nhà!

Thơ đọc lên nghe thì dễ dãi mà lại sắc mắc như giấu đâu gai góc làm xước máu mấy con tim cứ hay hoài vọng cố hương… Có phải tại chính cái trơn lùi của chữ nghĩa vốn quen miệng tới ngọt xớt của tiếng nói câu chào làm người ta thấy gần gũi, thân thiết rồi… cảm. Thơ đó chăng? Hóa ra tìm chi chữ cao kỳ, nghĩa bí hiểm… cho mệt.

Lại nữa, khi không giữa lúc lòng đang rười rượi mớ hình xưa bóng cũ, lại bày rượu ra mà độc ẩm. Uống rượu với thu thì có khác chi là… uống rượu một mình.

Rượu. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ bán cú đa. Âu Dương Tu.

Rượu. Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu. Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu. Lý Bạch.

Rượu rót ra là để cùng san sớt. Rượu một mình là miếng đắng trộn miếng cay. Đắng cay không vì men rượu. Đắng cay vì thiếu người đối ẩm.

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

Đến một lúc rồi ngó quanh ngó quất, dẫu cũng người qua kẻ lại mà lấy ai để san sẻ chút vị nồng. Lọc lừa sau bao nhiêu dâu bể thăng trầm, lắm khi rồi chỉ còn lại ta-với-ta. Cái nhóm chữ này coi vậy mà sau rốt rồi không thiếu người san sẻ. Ly rượu chiều chưa cạn. Lòng đã lạnh đầu hôm. Ngửa cổ nốc ngụm chót. Rượu đắng, lệ khôn cầm.

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Đọc mà nghe thương quá. Rượu một mình. Y như mình đối bóng. Thứ bóng ngồi đó mà nín khe. Phải chi ông Dương còn bên để san chút rượu sớt chút lòng hẳn là rượu có nồng cũng chỉ làm tiếng cười thêm hào sảng. Đằng này, rượu một mình, nói chi tới dăm ba chén, rượu mới bốc mùi thôi, đã bao nhiêu rộn ràng quá vãng đủ làm chao đảo một hiện tại cô đơn. Độ dăm ba chén đã say nhè. Lời thật hay chỉ là lời tự biếm. Lời tự biếm hay cũng chính là lời tự thú nhận về sự bất lực của mình trước những đổi thay của thời thế cũng như của chính thân phận mình. Buồn ơi, chào mi!

Mùa thu của Nguyễn Khuyến đẹp như bức tranh thủy mặc. Phong vị tiêu sái dễ làm người thoát tục. Lúc nào trời cũng xanh ngắt, cao vời vợi. Chấm phá đôi ba nét thiệt nhẹ, mơ hồ làm trời nước bỗng lung linh. Trời thu xanh ngắt mấy từng cao. Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ. Song thưa để lọt bóng trăng vào. Cái đẹp mong manh như dễ vỡ, dễ xui lòng người chiêm nghiệm đến cõi vô thường. Từ đó bỏ quên thực tại như một cố gắng vượt thoát. Nhưng khổ nỗi, muốn là một chuyện mà lòng người trăm nỗi là dây tơ chằng chịt, giữ khịt người ta lại với hiện tại, thứ hiện tại thất quốc vong thân. Mãi mãi vẫn là tâm trạng của kẻ thua cuộc. Trời xanh cao vút, lất phất vài nhánh trúc đẩy đưa như ngoắc gọi con trăng chèn qua mấy chấn song thưa vào làm bạn. Tâm cảnh đã không vui thì cái đẹp càng gợi ra cái buồn. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái. Một tiếng trên không ngỗng nước nào. Thấy hoa năm nay sao lại nhớ hoa năm ngoái? Luyến tiếc gì chăng? Mà sao lại hoa-năm-ngoái? Tiếng chim kêu chiều lạc lõng có phải là biểu hiện cho tình cảnh bơ vơ của người dân mất nước. Chim lạc bầy có biết tổ đâu mà về! Ngỗng-nước-nào? Có phải rồi bỗng nhớ Đỗ Phủ! Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ. Cô chu nhất hệ cố viên tâm. Ông ở quê mà hồn ông ở đâu? Có phải như ông Đỗ! Hai lần cúc nở, bao nhiêu lệ. Một chiếc thuyền neo, mấy khóa sầu. Có phải nước mất, người ta dẫu sống trên quê mà hồn đã viễn xứ. Lại nữa, giữa nạn chung, còn bao nhiêu nạn riêng. Những thúc ép bó buộc của một cuộc đổi đời tàn tệ. Sử chép lại như sau:

… Người Pháp sau khi dẹp yên giặc giã tìm cách thu phục nhân tâm, mua chuộc các sĩ phu có danh vọng trước, nên có ủy cho Hoàng Cao Khải rồi Vũ văn Báo nhiều lần mời ông ra làm quan. Nhưng ông nhứt định khước từ. Tuy nhiên để Pháp khỏi ngờ, để cho những ngày già được yên ổn, ông vẫn phải nhận sự thăm hỏi của phe hợp tác, và cho con là phó bảng Nguyễn Hoan ra nhận một chức quan nhỏ với Tân Trào… (**)

Khổ thân người vốn đã bỏ đi lánh đời. Nhưng đời có chịu bỏ người đâu. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Dẫu vậy, bằng mọi cách, dù không tích cực, ông vẫn mặc nhiên xác nhận tư cách kẻ sĩ, khi đời loạn lạc. Cứ tưởng đến hoàn cảnh của cá trong chậu chim trong lồng mà thương. Cứ nghĩ đến Nguyễn Du hơn nửa thế kỷ trước trong cảnh thay ngôi đổi chúa. Một phen thay đổi sơn hà. Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu. Nghĩ thêm chút nữa đến người miền Nam sau cơn vỡ trận bẽ bàng cuối tháng ba năm đó. Người dốt nát đã khổ. Người có chữ càng khổ thêm mấy lần vì cái đầu vốn hay nghĩ ngợi. Mà càng nghĩ ngợi thì càng thêm bế tắc. Lúng ta lúng túng …

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Đọc lên hai câu chót mà cảm thán đến chạnh lòng. Làm sao nói hết được thứ mặc cảm của kẻ sĩ lỡ thời. Biết trách nhiệm đó, biết bổn phận đó. Nhưng biết rồi làm sao. Nhập cuộc thì không đủ sức. Đứng nép ra bên lề khi thế sự cứ cuồn cuộn thì y như trốn chạy. Làm sao? Làm sao! Nghĩ thẹn với Đào Uyên Minh, người viết bài Qui khứ lai từ như một tuyên ngôn phủ nhận hết mọi liên hệ với cuộc đời chẳng qua cũng chỉ là một cách né tránh, khi không thể trực diện với vấn nạn của một kẻ sĩ khi nước mất nhà tan. Chỉ là vì khó ăn khó nói với đời. Mà nhất là vì khó ăn khó nói với chính mình, khi chính mình đã biết câu trả lời phải là… một sự dấn thân tích cực, ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Phong cách Lão Trang có phải chỉ là những biện hộ lấp liếm đến tội nghiệp. Biết vậy, nhưng rồi giữa những thúc bách của lịch sử và hạn chế của thân thế, ông đã chọn cho mình lối xuất xử ít tệ hại nhất. Bên cạnh miếng mồi nhử đỉnh chung, bất hợp tác cũng đã là thái độ liêm sỉ tối thiểu của một văn nhân. Đã không ít kẻ còn làm ngược lại!
Nhưng rồi, thử đặt lại câu hỏi, người về ở ẩn khi nước mất vào tay ngoại bang, kể cả lọt vào tay kẻ đồng chủng mà không đồng tình, rồi có yên lòng sống nốt quãng đời còn lại. Hay rồi vẫn là những ray rứt, những băn khoăn, những đêm sâu thắc thẻo …

Những bài thơ thu của Nguyễn Khuyến rốt lại chỉ là những thầm thì với chính mình, như một cách xoa dịu thứ mặc cảm bỏ cuộc, trốn chạy… của một kẻ vốn đã có danh phận với đời. Hơn nữa, như một cách gá bạn để chia bớt lẻ loi!

Hồi đó, lúc còn trên bục giảng, mình có nghĩ ra được vậy không?

Lời tự vấn hẳn là lời tự trách!!!

Uống rượu, câu cá, vịnh thơ, họa thơ… hay gì đi nữa cũng chỉ là để lấp đầy cái khoảng trống khủng khiếp bày ra hằng giờ hằng phút trước mặt người tự thấy mình đã thành… vô ích. Kẻ bị xô ra – hay tự ý – đứng bên lề khi dòng đời cứ lạnh lùng xoay trở đến vô thủy vô chung có phải là kẻ đã bị lưu đày – hay tự lưu đày – vào cái xó riêng. Ở đó, rất đỗi một mình, lặng lẽ đón từng ngày đến, đưa từng mùa đi, những mùa thu của đời mình.

Đến một lúc, mặc những mùa thu đến rồi đi, có còn ai… đưa tiễn!

Cao Vị Khanh


(*) tựa bài nhạc của Trịnh Công Sơn
(**) Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già

(***) Việt Nam văn học sử giảng ước tân biên- Phạm Thế Ngũ
———

Ngoài lề-

Lẽ ra chắc cũng đã đủ cho mớ cảm hoài bất chợt. Nhưng rồi sao thấy như thiêu thiếu khi chưa xuýt xoa thêm chút xíu về tài hoa thơ phú của ông. Thật ra sách vở mấy đời đã nói gần như không sót chút nào. Chỉ có điều vốn là người miền Nam rặt nòi lục tỉnh, khoái cái lối nói nôm na mà ỡm ờ kiểu như hôm-qua-qua-nói-qua-qua-mà-qua-hổng-qua… vậy mà mới nhớm lại mấy câu thơ cũ trên môi, cả mùa-thu-Nguyễn-Khuyến như đã hiu hắt trong đầu, tiếng-thu-Nguyễn-Khuyến đã xao xác trong tai. Thử vẽ vời hai câu thực của bài Thu điếu, Sóng biếc theo làn hơi gợn tí đã muốn kêu lên… “giời ơi sao mà tuyệt thế!” Mà quả tình tuyệt thiệt… Làn hơi gợn tí. Gợn tí thôi, tí thôi. Miền Nam nói “chút hà”. Người Bắc nói “tí thôi”. Đặt vô đây đúng boong cái chỗ của chữ. Sóng có gợn mà như không gợn. Chỉ gợn tí thôi. Chút sóng li ti làm mặt ao tưởng là phẳng lì mà vốn là động đậy. Y như cái ảo giác ngược lại khi nhìn nắng giữa trưa hè thấy nắng lung linh mà thật ra nắng có nhúc nhích gì đâu. Ông cho ta cái cảm tưởng như ông làm thơ mà gượng nhẹ từng chữ, làm như sợ chữ… đau. Ông xài chữ mà như rón rén chọn chữ. Sóng có gợn mà gợn chút xíu thôi hà. Mà điều “chút xíu” cùng nghĩa mà lại không cùng âm sắc với “tí”. Chữ “tí” vừa làm hẹp không gian, thu ngắn thời gian lẫn gây tác động tâm lý làm mường tượng chuyện có có không không. Tĩnh mà Động. Giả sử làm gan sửa lại… sóng biếc theo làn hơi gợn… chút. Dĩ nhiên nghĩa vẫn y nguyên, có sai chạy gì đâu. Mà điều, nghe rồi làm như hơi thu nằng nặng, trời thu đùng đục, sóng thu lợn cợn, bước thu đi thành ra trì trệ làm tình thu mất đi cái vẻ thanh thoát tự ban đầu. Rồi đến chuyện ba cái lá vàng. Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Đến mùa rơi thì lá rụng. Lá rụng là chuyện của lá, mà đưa đẩy là chuyện của gió. Lá thả mình ra khỏi cành thì gió sẽ hứng lấy mà đưa đi. Ào ào đưa đi hay se sẽ đưa đi. Gió se sẽ đưa đi mà rồi lá rơi cái… “vèo” cũng nghĩa y như gió se sẽ đưa đi mà rồi lá rơi… cái một. Nhưng mà rơi cái “vèo” làm cho tiếng rơi nghe sắc lẻm, dứt khoát, quyết liệt… không sót lại chút dư thanh… càng làm nghe ra cái điệu hấp tấp vội vàng của bước thời gian đang chuyển. Người trong cuộc rồi tự thấy mình vô nghĩa, có đó mà không đó. Nhất ông ! Ông Tam Nguyên Yên Đổ làm thơ theo tiếng địa phương ngay chỗ này nghe ra quả tình là đắc địa. Chữ và nghĩa và âm thanh đúng chỗ đúng độ làm ý thơ lồ lộ, lồ lộ mà mông lung khiến người đọc như té vào… khoảng không… êm ru. Động mà Tĩnh.

Tưởng vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà là vậy. Động-Tĩnh Tĩnh-Động thành vô định. Có-Không Không-Có hóa phù du. Tuyệt!

Mùa thu của Nguyễn Khuyến là mùa thu của kẻ ẩn cư, của người đã xa tục lụy nên mọi chuyển động dường như cũng nhịp theo nhịp đập của con tim đã tới hồi đổi nhịp… lửng lơ.

cvk

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020