SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 

Quê nhà ở đâu

Ngô Thụy Chương

mùi rau, hương cỏ chiều qua
thót mình...
chợt hỏi quê nhà ở đâu?
(thơ Doãn Quốc Vinh)

Có một lúc nào đó bỗng dưng chúng ta chợt nhận ra đã hơn 40 năm sống xa quê hương. 40 năm dù chưa đủ dài so với chiều dài trang sử Việt, nhưng hơn 40 năm sống nơi xứ người, một vùng đất tưởng như tạm dung đã dần dần trở thành miền đất hứa. Người Việt khắp nơi đã và đang gieo mầm sống nơi đây cho mình và các thế hệ sau.

Cuộc hải hành vạn lý của những thuyền nhân Việt Nam đã trở thành lịch sử. Cuộc hành trình đầy sóng gió nguy hiểm đó là một ấn tích muôn đời cho người Việt, một biểu tượng của tự do và như một lời tuyên bố khẳng định đến toàn thế gìới: “Chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng sản bạo tàn”.

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ta vẫn có thể kể mãi những câu chuyện thuyền nhân thương tâm và đầy nước mắt. Nhưng thời gian trôi nhanh, ký ức như dừng lại, bóng dáng quê nhà từ từ phai nhạt và hình ảnh cuộc sống hiện tại như con đường dẫn đến căn nhà thân yêu hay khu vườn nhỏ sau nhà, là những hình ảnh hiện rõ nhất. Ðối với chúng ta, quê hương vẫn là giải đất hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương. Những điệu ru câu hò, ngôi trường cũ thân yêu, giòng sông hiền hòa uốn khúc nơi quê nhà vẫn là những hình ảnh muôn đời trong tâm khảm. Nhưng Paris, London, California, Amsterdam có thể là những địa danh gần gũi hơn. Những buổi họp mặt vui nhộn của đại hội OCS khắp nơi như tại California, Washington DC, Houston, Seattle, Boston, Montreal, Atlanta, Hawaii v.v. lại là những kỷ niệm đáng nhớ và thật gần.

Chim có tổ, người có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn

Ai sinh ra đều có một quê hương. Dù sống bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta vẫn luôn nhớ về đất mẹ, về nguồn gốc của mình. Người Việt Nam lại có truyền thống kính nhớ tổ tiên. Dù sống xa quê hương chúng ta vẫn biết giữ gìn phong tục, tập quán quê nhà, thêm vào đó lại chịu khó học hỏi cái hay của xứ người để thích ứng với cuộc sống mới. Những ngày lễ Tết được tổ chức hàng năm, những tập quán hay được giữ gìn, sẽ là những truyền thống tốt đẹp để truyền giao cho các thế hệ nối tiếp. Ðược như vậy, dù các thế hệ sau dù sống nơi xứ người, vẫn tìm thấy bóng dáng quê hương.

Làm sao quên được nồi bánh chưng chờ đón giao thừa, tiếng pháo đì đùng đón mừng xuân mới và cả gia đình xum họp để chúc thọ ông bà, cha mẹ vào ngày đầu năm. Làm sao quên được những kỷ niệm của thời thơ ấu, của tuổi học trò, của mối tình đầu và những tháng ngày vui tươi hạnh phúc bên người thân yêu. Tất cả những kỷ niệm ấy được gói ghém mang theo trên bước đường tìm tự do, như mớ hành trang vỏn vẹn của những người Việt tha hương. Những kỷ niệm ấy mãi mãi theo chân chúng ta trên mọi nẻo đường.

Dù thời gian có biến đồi, dù cuộc sống nơi đây có an bình và đầy đủ vật chất, tình yêu quê hương vẫn luôn rạt rào trong ta. Niềm tin về một quê hương đổi mới, về một nước Việt Nam thực sự công bình, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm con người vẫn là những động lực thúc đẩy bao người tiếp tục tranh đấu cho một Việt Nam tự do và nhân bản. Bên cạnh đó, qua cuôc sống hiện tại với những bận rộn hàng ngày, chúng ta cũng đang hội nhập vào đời sống của quê hương thứ hai. Trên bước đường hội nhập vào quê hương mới, thì lời nhắn nhủ của một vị lãnh đạo tinh thần trên toàn thế giới trong dịp viếng thăm trại tỵ nạn Thái Lan vào tháng 5 năm 1984 chắc cũng đáng cho ta suy ngẫm:

“Các bạn đừng bao giờ quên bản sắc dân tộc của mình, như một con người tự do được quyền có một chỗ đứng trong thế giới này. Các bạn đừng bao giờ đánh mất cá tính dân tộc của mình. Hãy giữ vững nguồn gốc và nền văn hóa của riêng bạn, vì thế giới có thể học được rất nhiều từ bạn và với bản tính đặc thù đó bạn sẽ được mọi người kính trọng.”

Ngô Thụy Chương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020