SỐ 88 - THÁNG 10 NĂM 2020

 


Trúc Hà
thu 2020

“Động tác cuối cùng: Thư giãn. Mỗi người lấy hai phao que, một để gác chân, một choàng dưới vai và hai tay. Thả nổi người, không cần cử động, chỉ hít thở đều đặn và thư giãn. Thư giãn, thư giãn, thư giãn. Để tôi thay bản nhạc khác.”

Tiếng cô huấn luyện viên nhẹ nhàng khoan thai. Mọi người bơi vào bờ hồ tắm, lấy hai cái phao dài như cái que rồi bơi ra giữa hồ tìm một chỗ cho mình.

Từ khi về hưu, tôi sống cuộc đời “tự do de luxe”. Không còn căng thẳng tinh thần, không còn những hạn chót phải chạy theo hoài hoài, những trường hợp khó khăn phải giải quyết dài dài. Chỉ còn nhàn rỗi, tự do làm những việc mình thích, thức khuya dậy trễ tùy ý. Trong lúc người ta đang đi làm thì mình đi chơi, đi thể thao, đi bơi lội  để “trả thù đời” bù lại những năm tháng cực lực đi cầy. Nghĩ, phải biết trước thì đã nghĩ sớm hơn nữa rồi. Nghĩ, không hiểu sao có người than thì giờ thừa thải, bị cách ly xã hội, nhàm chán, buồn và cô đơn sau khi về hưu. Tôi thì không. Ngoài trừ những ngày phải giữ cháu chỉ có thể dẫn cháu đi bộ dạo chơi, còn thì ngày tôi đi tập thể dục dụng cụ, ngày đi bơi, ngày đi tập thể dục dưới nước. Ngày nào chương trình nấy. Thể dục dưới nước rất thích vì những động tác nhịp nhàng theo điệu nhạc và cô hướng dẫn viên tâm lý luôn để loại nhạc thích họp với nhóm ”senior” chúng tôi.

Hôm nay là buổi tập thể dục dưới nước đầu tiên của tôi và đây là động tác cuối cùng của buổi tập. Mấy tháng nay nạn dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, dồn dập tin tức về số người nhiễm bệnh, số người tử vong vì bệnh, những khó khăn về mặt xã hội và kinh tế, những giới hạn trong việc đi lại, trong việc làm, v.v.. Toàn những tin xấu khiến mọi người như ngày càng xa lìa niềm vui và hạnh phúc. Sau mấy tháng bị giới hạn vì nạn dịch, hôm nay thoải mái làm sao được đi bơi lại, mặc dù có phải ghi tên trước mới được tham dự và số người đến cũng không nhiều.

Khi tiếng nhạc cất lên thì tôi cũng vừa làm xong động tác ngửa người nằm trên nước, dưới chân và dưới vai có hai que phao đỡ cả thân mình nổi trên mặt nước. Tư thế lý tưởng để thư giãn vì người nhẹ bồng bềnh trên nước.

Mà bản nhạc gì sao nghe quen quá… Giọng hát nồng ấm, thiết tha, âm điệu du dương, trầm bổng, dịu dàng… Lặng đi cả phút… rồi bổng nhiên ký ức vỡ oà, tim dâng tràn xúc động. Bỗng thấy mình nhẹ tênh, bay bổng, bềnh bồng trên nước, vượt không gian, vượt cả thời gian, quay về nửa thế kỷ trước. Nhịp tim bồi hồi, náo nức trong nổi thẹn thùng, e ấp, rụt rè của tuổi 16. Nửa thế kỷ rồi mà bài hát đầu đời năm 16 tuổi, bài Unchained Melody, vẫn còn mê hoặc.

Oh, my love, my darling/ I've hungered for your touch/ A long, lonely time
Time goes by so slowly/ And time can do so much/ Are you still mine?
I need your love/ I need your love/ God speed your love to me
Lonely rivers flow/ To the sea, to the sea/ To the open arms of the sea
Lonely rivers sigh/ "Wait for me, wait for me"/ I'll be coming home, wait for me.

Năm 16 tuổi, lần đầu tiên tôi được phép đi “bal”. Bal do con trai của ông thầy dạy kèm toán tổ chức, cho nên ba tôi tin tưởng, cho đi. Thời đó quan niệm của bậc cha mẹ là “nam nữ thọ thọ bất tương thân”, mặc dù tôi theo học trường tây nhưng ba tôi rất khó, không cho giao du với con trai, không cho đi chơi quá 9 giờ đêm. Những cây đèn lưu thông xanh-đỏ-vàng sáng trong đêm tối là “trái cấm” đối với tôi khiến tim rộn ràng náo nức mỗi khi nhìn thấy. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn giữ cảm giác rộn ràng ấy mỗi khi ban đêm ra đường nhìn thấy đèn màu lấp lánh.

Những người tham dự bal đó phần đông là bạn bè quen biết vì học cùng trường hay là bạn bè của bạn. Hôm đó lần đầu tiên tôi được mời nhảy, và bản nhạc đầu tiên tôi nhảy chính là bản Unchained Melody. Anh chàng mời nhảy là bạn của bạn tôi, rất giống Romeo trong phim Romeo and Juliet, bản 1968 do Olivia Hussey và Leonard Whiting đóng. Tôi nhút nhát mà có lẽ anh chàng còn nhút nhát hơn, nên chỉ mời tôi có một bản, và cả đêm đó anh chàng cũng nhảy có một bản đó thôi. Cái gì lần đầu cũng để lại nhiều ấn tượng, bản nhạc này cũng vậy, cho đến tận bây giờ.

Tôi nằm yên trên mặt nước, lòng tràn ngập niềm vui vô cớ, ngạc nhiên sao chỉ một bản nhạc mà đem lại cho mình vô vàn xúc cảm và niềm hạnh phúc thênh thang chói lòa như thế. Anh chàng giống Romeo kia đã biến mất từ lâu – hình như đã đi Mỹ du học sau buổi gặp gỡ trong bal đó - cả cái tên tôi cũng không còn nhớ, vậy mà chỉ một điệu nhạc cũng làm sống dậy cả một thời mộng mơ. Lâu quá rồi sao vẫn còn nhớ, hay chỉ là tưởng tượng. Cảm giác hư hư thực thực bồng bềnh trên mặt nước. Như ánh trăng soi mình trong ao nước, bóng trăng có đó nhưng tay nào bắt được, trăng và bóng trăng cái nào có thật cái nào không, hay đều là vô thường.

Chợt nhận ra rằng bản nhạc đầu tiên khi bước vào đời, bước vào tuổi mộng mơ nay cũng là bản nhạc đầu tiên khi về hưu, chấm dứt đoạn đời làm việc. Cái vòng tròn đã khép lại, nó khép lại hay đi tiếp vì nó không có kết thúc. Mọi sự đều kết nối, mọi sự vẫn tiếp tục.

Khung trời kỷ niệm thời trung học mộng mơ chợt hiện về qua bản nhạc của tuổi học trò. Thấy như mình trở lại ngày xưa… lòng bỗng đầy tràn hạnh phúc một cách thật dễ dàng. Nhớ hồi nhỏ sao dễ vui, dễ mừng, dễ sung sướng; chỉ một món đồ chơi, một cái bánh, một chầu xi-nê cũng đủ vui. Càng lớn càng khó tìm thấy niềm vui và hạnh phúc; căn nhà nhỏ, chiếc xe tầm thường không làm hài lòng. Bây giờ cuối đời, trở lại dễ như ngày còn bé, một bản nhạc xưa cũng đủ khiến lòng bay bổng. Vòng tròn khép lại, điểm cuối ráp với điểm đầu. Vòng đời lại tiếp.

Nạn dịch COVID-19 là một đại nạn cho thế giới nhưng cũng làm cho mình ý thức được cái gì quan trọng nhất, cái gì thuộc về giá trị căn bản (intrinsic value) và cái gì chỉ có giá trị phụ, chỉ là công cụ (instrumental value) dẫn đến giá trị căn bản như Aristotle từ ngàn xưa đã phân định. Những gì quan trọng nhất trong cuộc đời, phải chăng đó là sức khỏe, là hạnh phúc, là gia đình, là bạn hữu, là tình cảm chân thật, nào phải là tiền tài hay danh vọng suốt đời mình chạy theo.

Tôi rời buổi tập, lòng đầy hạnh phúc mình vẫn còn mạnh khỏe sáng suốt, vẫn còn có đôi, vẫn còn những kỷ niệm đẹp để hồi tưởng và còn một tương lai để hướng đến. Tuổi nào cũng đáng quý, cũng có những điều hay đẹp để mình chiêm ngưỡng và thưởng thức, miễn mình tỉnh thức. Tự nhủ lòng đừng quên chia sẻ hạnh phúc của mình với gia đình và bằng hữu.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2020