SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

 Chuyện đời sau tháng tư

Một con bé từ chung cư tập thể chạy ra nhìn quanh quất ngoài đường, bỗng nó nhảy như con choi choi quay vào cửa rối rít gọi:

– Mẹ ơi, mẹ ơi. Nhanh lên nhanh lên!

Một người đàn bà quần ống thấp ống cao khuôn mặt với hai má hóp, hom hem khắc khổ ùa ra theo hổn hển thở nhìn theo ngón tay con bé chỉ:

– Bố kìa, bố ngồi chung với con mụ mặc áo hoa trên chiếc xích lô đấy.

Lập tức người phụ nữ vừa chạy vừa với tay theo chiếc xích lô đàng xa kêu lên:

– Anh ơi, ới anh ơi!

Con bé với cái đuôi tóc còi cọc buộc lủng lẳng đuôi ngựa sau lưng cũng chạy bám theo mẹ kêu to:

– Bố ơi, bố ơi.

Mặc sức cho cả hai chạy theo kêu gọi, chiếc xích lô thong thả tiến về phía trước thoáng chốc mất hút theo ngả rẽ xa tít chẳng quan tâm gì phía sau.

Người phụ nữ thất vọng lê từng bước trở lại, đứa con gái lằng nhằng phụng phịu theo mẹ đi ngang qua bậc thềm tôi đang ngồi, tức khắc không khó để tôi nhận ra ngay bà vợ của ông Trinh, từ ngoài Bắc vừa chuyển công tác vào với chồng được vài tuần ngụ trên tầng lầu hai trong khu tập thể.

Sau 30/4/75 hầu hết cán bộ tập kết ra Bắc 1954 được chính quyền Cộng sản điều động trở về Nam nhận công việc tiếp quản các cơ sở do bộ đội chiếm đóng giao lại. Thời gian đầu họ kiểm soát rất chặt chẽ, chỉ những cán bộ có quyết định thuyên chuyển mới được phép theo đoàn vào Nam. Đa số đàn ông vào trước, vợ con nhanh nhất cũng phải nửa năm sau, khi toàn bộ gia đình trả lại nhà cho cơ quan để nhận giấy xin chuyển việc đi theo chồng, sau khi cắt hộ khẩu, sổ gạo và nhu yếu phẩm mang theo để nhập vào nơi ở mới. Hồi này đàn bà con gái lấy được ông chồng đang công tác tại miền Nam họ rất hãnh diện. Tương tự hơn chục năm sau cô nào hân hạnh lọt mắt xanh anh chàng Việt kiều thì “tương lai quá khứ” (Ngôn ngữ sáng tạo của cậu hai Quờn nhân vật trong tác phẩm Đò dọc của tác giả Bình Nguyên Lộc ).

Nhưng chưa đầy năm kể từ khi đội du kích mang danh Mặt trận giải phóng Miền Nam bị giải tán, sát nhập để “Bắc Nam sum họp một nhà” thành một khối do Hà nội lãnh đạo. Dân miền Bắc tự do ồ ạt ào vào như cơn lũ. Họ di chuyển cả làng từ nhiều vùng núi cao khỉ ho cò gáy đầy sỏi đá, tràn ngập khắp miền đất phương Nam màu mỡ qua chương trình di dân đi kinh tế mới.

Tôi hỏi một chị cán bộ người Bắc:

– Tại sao các chị thích lấy chồng miền Nam.
– Ối giời ơi, mày không biết chứ nghe các ông Miền Nam tập kết kể “dưới sông cá lội hàng đàn chỉ việc thò tay bắt, trên đồng thì lúa chín không kịp gặt. Đêm nằm ngủ trong rừng đước nghe cá tôm lao xao ngoài sông đến nỗi ngủ không được”. Sướng làm sao chả bù ở Bắc đất hẹp người đông cộng thêm bão lũ, bởi vậy Bác phải an ủi mọi người cố đánh thắng giặc Mỹ sỏi đá sẽ thành cơm.

Một chị cán bộ khác là người miền Nam nói:

– Chúng tao thì quan niệm cứ người miền Nam mới đồng ý lấy nhau để khi “giải phóng thành công” thì vắt chân chạy về cho nhanh cả vợ lẫn chồng cùng một lúc.

Hình như hầu hết dân miền Nam tập kết ai ai cũng mong mỏi trở về xứ sở “gạo trắng nước trong” khi họ trót nghe lời đảng. Ra đến nơi sống lâu mới biết đang ăn bánh vẽ của chế độ Cộng Sản, hai năm trở về hóa thành hai mươi năm. Cho dù bây giờ nhà nước ra sức đề cao chủ nghĩa cộng sản “bách chiến bách thắng”, bọn tư bản đang giãy chết chúng đang trên đà tàn lụi. Xã hội sẽ thay đổi những hào nhoáng còn sót lại của tàn dư Mỹ ngụy kể cả con người đang tồn tại nơi đây. Rốt cuộc ai cũng nhận ra những đã phá nền móng cũ, biện hộ tuyên truyền cho chế độ mới cũng chỉ giống như kiến bò vòng quanh miệng chén.

 Thí dụ điển hình cả nhà ông Trinh là một, thời gian đầu ông vào Nam ở một mình. Trước hết ông về quê thăm lại bà con gia đình, bạn bè, làng xóm. Những ngày mới thay ngôi đổi chủ ai cũng tưởng cứ hễ mang đôi dép râu, đội nón cối là có quyền năng bởi vậy có một số ít xum xoe nghĩ rằng có thể theo đóm ăn tàn. Ngày trước có những người dựa thế lính tráng, sĩ quan VNCH, bây giờ thấy họ hết thời nên số này quay lưng tìm lại tình cũ ngày xưa trước khi người tình đi tập kết. Dẫu sao trong nhà có bóng dáng nón cối dép râu mới cảm thấy hãnh diện với hàng xóm chung quanh, đang là mốt thời thượng bấy giờ.

Ngày bà vợ ông Trinh vào đến nơi ông này đã “nối lại tình xưa” với người yêu cũ một thời gian.

Cả đám công nhân chờ việc ngồi tập trung tán gẫu trước cơ quan đối diện nhà tập thể. Đa số là người trẻ trên dưới đôi mươi, một cô gái trong tổ do ông Trinh làm tổ trưởng kể:

– Nhà tui ở gần nhà “bồ cũ” của ông Trinh chứ đâu xa. Có điều tui ở trong hẻm bà này ngoài đường mặt tiền, hai căn nhà lầu lớn lắm, một căn làm tiệm may căn kia bây giờ đóng cửa. Ông chồng nghe lời vợ trấn thủ trên lầu ít khi dám xuống nhà dưới bởi trước kia có chút liên quan lính tráng đã bị học tập ba ngày. Bả sợ “cách mạng” tịch thu bớt căn nhà nên gặp lại ông Trinh bả dựa tiếng là gia đình có công với cách mạng cho địa phương đỡ “dòm ngó”. Dĩ nhiên bà ấy cũng nuôi nấng đãi đằng, sắm sửa may quần áo mới cho ông này cởi lốt.

Bây giờ tôi mới hiểu:

– Hèn gì tui trông ông này sáng sủa, bảnh bao, trắng trẻo, mập mạp khác với những tay cán bộ khác môi thâm, răng vẩu. Hôm ngồi họp tổ nghe ổng kể ổng đi bơi ở nhà văn hóa Lao động, tiền thân “xẹt Tây” hồi xưa, tui nghe hơi hám giống như mấy ông Tây tư bản chơi thể thao “xì po” thứ thiệt. Chắc ngày xưa ổng là dân có học hay đi Tây về giống ông Phó giám đốc xí nghiệp mình.

Một đứa khác thắc mắc:

– Sao tui thấy đa số mấy ông tập kết về ở trong cái chung cư tập thể này đâu có ai làm lớn, chỉ là cán bộ làng nhàng, trưởng phó phòng là cao.

Người khác cao giọng cười mỉa:

– Bà ngây thơ quá cấp lớn có chức vụ cao phải nhiều tuổi đảng ở nhà riêng, thậm chí trong mấy cái biệt thự vắng chủ bỏ chạy đi Mỹ chứ đâu có ở mấy cái phòng nhỏ tẹo trong khách sạn của lính Mỹ hồi xưa như thế này.

oOo

 Buổi sáng đạp xe đi làm ngang qua ngã tư Duy Tân bây giờ đổi tên Phạm Ngọc Thạch. Con đường này có tòa nhà Trung Tâm sinh hoạt thanh niên của Saigon trào trước, giờ trở thành Nhà văn hóa thanh niên thành phố, nghe tiếng loa trong đó vang lên bài hát “Thành phố mười mùa hoa. Hoa mười mùa mới nở” Hoa gì mà già ngắt, sượng trân đến mười năm mới được nở. Vậy mà người người cũng đã sống hết mười năm, thầm thì lời bài hát cũ “Hãy cố quên đi mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua!”.

Hôm nay là ngày tôi “bị” chuyển việc qua một công ty mới sau một thời gian bị trù dập tả tơi, nếu không có bà chị tôi dựa vào thế lực người khác từ cấp cao hơn cứu tôi về nơi này để tôi ẩn thân chờ giấy tờ đến ngày được phép xuất cảnh.

Tôi đến chỗ làm mới rất sớm, hình như chỉ có tôi và bà bảo vệ. Đứng lang thang ngoài hành lang chờ đợi bỗng thấy một chị xuất hiện ở đầu cầu thang, chị đi đến gần thấy mặt chị tôi reo lên:

– Chị Trân Châu, phải là chị không ?

Chị cười hỏi:

– Kim đi đâu đây ?
– Em có quyết định chuyển công tác về đây, còn chị làm ở nơi này từ bao giờ?

Tôi hỏi thế vì nhiều năm trước tuy làm chung nhưng tôi không thuộc nhân sự của xí nghiệp chị đang làm. Tôi là quân số của công ty chủ quản, vì ra vào chung một nơi nên tôi cũng sinh hoạt giờ giấc làm việc giống như các chị em khác. Duy nhất hàng tuần cán bộ công nhân ở xí nghiệp họp mỗi cuối tuần nơi này, lúc đó tôi lại về công ty họp phòng báo cáo và nhận thông báo.

Tôi còn nhớ khi tôi được lệnh về công ty để sát nhập vào hệ thống mới của Phòng Vật tư chị vẫn còn ở đó. Do vậy tôi không biết chị rời xí nghiệp cũ lúc nào.

Cứ tưởng về công ty mới sẽ không có ai quen dè đâu rằng có chị nên rất mừng. Chị là người Huế hiền lành ăn nói nhỏ nhẹ. Run rủi thế nào tôi lại được chỉ định về phòng kế toán cùng phòng với chị. Khi tay trưởng phòng dẫn tôi vào giới thiệu cho cả phòng, anh này nói:

– Chị Châu, bây giờ an tâm rồi nhé, đã có người thay thế cho chị đây.

Ngồi đối diện chị giải thích với tôi:

– Chị có xuất cảnh đi Mỹ, đang chờ đợi được xếp lịch bay.
– Em nghe nói chờ đến ngày có lịch bay sớm lắm cũng vài tháng.
– Chị muốn nghỉ trước để có thì giờ đi học Anh Văn.

Tôi suýt buột miệng nói nhưng ghìm lại được. “Em thì khác, gia đình em không dư dả, em phải đi làm cho đến khi chắc chắn biết ngày sẽ bay, em mới nghỉ”.

Suy tính của tôi không khác với thực tế hoàn cảnh, tôi phải đợi gần hai năm sau mới được gọi lên phỏng vấn đi khám sức khỏe. Vẫn chưa hết ba tháng sau phải đi chụp phổi lại cả hai mẹ con. Phải gần sáu tháng nữa hồ sơ sức khỏe mới hoàn tất và chờ lịch bay cho biết ngày đi. Một thời gian vì có trục trặc giữa đại diện Cao ủy và chính quyền nên việc giải quyết các hồ sơ xin xuất cảnh bị đóng băng, giờ mới có thỏa thuận bắt đầu trở lại. Thế nên từ khi chị xin nghỉ phải gần hai năm sau mới được lên máy bay.

Vì vậy tôi cũng phải lăn lóc ở nơi đây một thời gian dài. “Đất cũ đãi người mới” Câu nói an ủi của chị Yến Lan ngày tôi bắt đầu đến nhận công tác nơi công ty này cho thấy chị nói đúng. Phòng kế toán toàn bộ là người còn trẻ xấp xỉ trên dưới ba mươi sống và sinh đẻ ở miền Nam nên sinh hoạt thoải mái miễn làm hết công việc đáp ứng đầy đủ khả năng nghiệp vụ. Trưởng phòng của tôi cũng vậy là thanh niên sau năm 75 chỉ mới là cậu thanh niên hai mươi. Một điều hiếm thấy ở những xí nghiệp, công ty khác. Hầu hết dàn chỉ huy ở đây là cán bộ người miền Nam, chỉ riêng hai bà trưởng phòng hành chánh và bí thư chi bộ nắm công đoàn là người gốc Bắc nhưng có chồng người Nam tập kết. Dường như có một hố sâu vô hình bất thành văn cho người ta thấy rõ có sự tranh chấp Bắc Nam giữa các cán bộ Cộng Sản, sự tranh giành quyền lực ngấm ngầm chưa có ngày kết thúc.

 Là người mới nhưng không ngờ chỉ cần nửa năm tôi đã biết hết “thượng vàng hạ cám” nơi đây. Từ chuyện thâm cung bí sử của Giám đốc và hai phó giám đốc của công ty, cho đến đời tư hoàn cảnh của từng nhân viên. Dĩ nhiên do tiếp xúc thành thân quen được chính tác giả tâm sự với tôi cũng có. Điển hình là chị Hồng có chồng đi vượt biên năm 79 với hai con. Chị đang mòn mỏi chờ chồng gởi gấy bảo lãnh đoàn tụ cho ba mẹ con còn lại. Ngay như bà bảo vệ ngồi ở cửa cũng hỏi ron ren tôi:

– Cô có thân nhân ở Mỹ không vậy ?

Dĩ nhiên tôi nói dối là không có. Bà hãnh diện tỏ vẻ tiếc nuối nhưng mục đích ngầm khoe:

– Vậy hả, nhìn quần áo cô mặc giống như có người nước ngoài tiếp tế. Tui tính mình hẹn gặp nhau tại Mỹ, tôi có con gái đang ở bên đó.

Bây giờ mục đích “tối thượng” của đám tàn dư còn lại chỉ là chờ ngày đi Mỹ.

Những câu chuyện kể tiếp do hai “bà tám” trong phòng kế toán tranh nhau cho tôi biết tất cả “cộm cán” nổi bật khi có dịp, bởi họ không thể nói cho ai nghe vì các nhân vật và sự kiện trong chuyện tất cả người cũ ở đây đều biết rành.

Đầu tiên là ông Giám đốc khi tôi thắc mắc tại sao ông này luôn luôn đeo kính râm, nhỏ Thúy “mắt mèo” cũng có giấy bảo lãnh của bà chị bên Mỹ nói:

– Tại chị không biết thôi, ổng bị “chột” một con mắt từ ngoài Bắc. Nguyên do thực hư không rõ nhưng người ta đồn hồi ngoài ấy khi làm chủ nhiệm hợp tác xã tiểu thủ công do “chim” vợ người ta bị chồng họ đánh lòi con mắt. Con mắt chột là con mắt giả cứ trô trố nên ông ta phải đeo kính râm che lại cho có vẻ bí ẩn.

Công ty được tiếp quản từ chủ cũ có giấy di dân đi nước ngoài. Thiết kế các phòng làm việc được xây dựng theo kiểu tư bản nên rất lịch sự. Ngay đầu cầu thang là phòng giám đốc cửa luôn luôn mở ra để xem nhân viên nào đi trễ về sớm. Kế tiếp là phòng hành chánh cánh tay đắc lực của giám đốc, phòng kế toán nằm cạnh phòng phó giám đốc trong đó hai ông phó ngồi chung. Một ông chuyên trách về sản xuất, ông kia về tổ chức nhân sự. Các phòng đều có cửa đóng theo chế độ “bí mật phòng”. Đối diện dài theo hành lang các phòng là cái quầy thấp hơn đầu người. Trong đó có bàn làm việc của bộ phận kế hoạch, vật tư và kỹ thuật. Nhân viên ngồi chung nhau theo nhóm. Hầu hết nhà ở gần nên buổi trưa về họ nhà ăn cơm, còn cánh thanh niên độc thân đóng đô tán gẫu ở quán nước trước công ty.

Giờ cơm trưa theo lệ thường mỗi phòng đều đóng cửa kín mít, phòng của tôi chỉ còn lại hai người bởi nhỏ Bạch Tuyết mang gối sang “nghỉ trưa” cùng một Phó giám đốc. Trong khi ông kia về nhà ăn cơm với vợ, nghe nói ông này sợ vợ lắm mặc dù cũng thòm thèm khi nhìn ông kia, muốn ở lại ăn thêm “Phở” nhưng không dám. Bọn tôi mang cơm đem theo ra ăn xong, dẹp sổ sách leo lên bàn nằm nghỉ. Chuyện thâm cung từ đây tuôn như suối bởi nghĩ rằng có bổn phận phải kể cho người mới là tôi biết mọi thứ đang ẩn chứa trong lòng chứng tỏ mình thông thạo mọi chuyện nếu không thì ấm ức lắm.

Bình thường khi phòng giám đốc đóng cửa người ta biết ông đang nghỉ trưa với sự chăm sóc của nữ y tá cơ quan. Chỉ khi nào ông đi họp với cấp trên vắng mặt phòng mới được mở cửa. Nhỏ Liên Tử thành thạo kể về tính “háo sắc” ông này bởi nó vô làm lâu nhất hơn chục năm rồi, nó tỉ tê:

– Ở đây nữ nhân viên trẻ có chút nhan sắc đều không thoát khỏi tay ông ta. Tương lai mất việc ghi trong lý lịch trả về địa phương là nỗi sợ hãi, cộng thêm xấu hổ nên không ai dám phản kháng. Được mỗi cái ông ta tạo điều kiện giới thiệu cho chuyển đi cơ quan khác dễ dàng cũng là cách bịt miệng, chùi mép.

Tôi nằm ngửa mặt nhìn trần nhà, nghi ngờ:

– Có chuyện đó sao ? Tôi nghĩ cán bộ nào cũng đều học tập tư tưởng đạo đức cách mạng sống trong sạch như Bác Hồ dạy chứ.
– Nếu nói ra không ai tin còn bị vạ miệng chỉ thiệt thân thôi. Chị không thấy trước bàn làm việc của ổng có bức tượng gỗ “Ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng” sao ?

Như để minh chứng cho là mình nói thật, nhỏ này kể thêm:

– Là em nè, em là người cứng cỏi nhất, lần nào mang giấy tờ vào ký ổng cũng dụ khị em. “Em lấy mấy thằng trai trẻ được gì nào? Tiền lương của nó được bao nhiêu? Em cần bao nhiêu tiền anh cũng cho em hết, kể cả tình anh cũng có dư”. Trời ạ! Ổng lớn hơn em gần hai mươi tuổi, mọi người đều gọi ổng bằng chú! Ổng không hề biết rằng trước khi mấy chị kia ra đi đều bí mật kể cho em biết chuyện giữa ổng và họ, còn nói em ráng đề phòng. Dạo trước ổng ghen với Minh Hoàng trưởng phòng mình cho đến khi Hoàng lấy vợ ổng mới thôi gay gắt.

Sợ tôi chưa tin, con nhỏ kể thêm:

– Hồi em quen với chồng em bây giờ em cũng không ngờ ổng theo dõi em. Ổng biết cả lý lịch chồng em nên hung hăng: “Em quen thằng ‘ngụy’ từ bao giờ. Hôm qua em với nó giờ ra về đạp xe đi sóng đôi tình tứ quá hé”. Nhưng chồng em sau khi đi tù cải tạo năm năm về có công ăn việc làm đàng hoàng, với lại bây giờ cả chục năm rồi em đâu còn sợ chuyện bắt đi kinh tế mới nữa đâu. Em mới nói với ổng rằng em quen chồng em hồi còn đi học, em mới vào đại học năm đầu còn ảnh thì học hàm thụ. Anh để ý em khi có dịp về trường lấy bài, tụi em bị mất liên lạc mới gặp lại sau này thôi, ảnh vẫn chưa vợ còn em chưa chồng đến với nhau có gì sai ?

Tôi lặng người nằm mãi vẫn chưa ngủ được bèn nói:

– Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật!

Liên tử kể tiếp:

– Trước đám cưới em mười ngày, vào gởi thiệp thông báo và xin nghỉ phép, ổng ngồi trợn mắt cuối cùng nói. “Thôi chuẩn bị hồ sơ thanh toán đi công tác với tôi ngày mai ở Đà Lạt.”
Em về phòng muốn xỉu nói với Minh Hoàng “Ổng kêu chị ngày mai đi công tác Đà Lạt với ổng Hoàng ơi” Không khí trong phòng đang vui khi nhận thiệp cưới của em bỗng chùng xuống. Hoàng nhìn em như suy nghĩ rồi quyết định “Chị trao hồ sơ cho em, ngày mai em đi thay chị”. Thở phào nhẹ nhõm nhưng trong lòng đã có quyết định thà rằng em tự nghỉ việc chứ quyết không đi theo lời ổng.

Vậy là chuyện xảy ra trước khi tôi vào công ty. Tôi nhớ mình vô làm hai ngày thấy mọi người trong phòng rủ nhau chiều tối đi đám cưới. Chị Trân Châu và Thúy “mắt mèo” buổi trưa trốn đi tham dự đám rước dâu đến đầu giờ chiều mới trở về làm việc.

Có lẽ kể từ ngày Thanh Hoàng “phá đám”, giám đốc cay cú nên trù dập cả phòng tơi tả, bắt bẻ đủ thứ chuyện ngay cả chuyện họp phòng cuối tuần, nhưng công nhận tay Hoàng nắm phòng kế toán rất bản lãnh dám đứng mũi chịu sào vì trong phòng toàn là dân thuộc loại “nguyễn thị” chỉ có mình hắn là nam nhi.

Đối phó với tình hình, gần cuối giờ chiều thứ bảy, Hoàng kêu mọi người đóng cửa phòng treo bảng họp bên ngoài, Hoàng bảo tôi:

– “Chị viết đại một biên bản họp “khống” đề phòng ổng bắt mình nộp cho ổng”.

Gì chứ viết biên bản là nghề của tôi, mọi người ngồi tại nơi làm việc của mình tự do muốn làm gì cũng được. Bỗng nhiên cửa phòng bật mở ra, Giám đốc đứng sừng sững ở cửa nhìn vào hừ một tiếng trong cổ họng cười nhạt nhấn mạnh “Họp phòng” rồi quay đi. Đóng cửa lại cả đám nhìn nhau phá lên cười khúc khích khi Hoàng đã tiên đoán như thánh phán.

Cuối năm lên cơ quan chủ quản nộp bản duyệt xét kế hoạch, trở về tay trưởng phòng thông báo tình hình mới. Sẽ có đoàn thanh tra xuống công ty điều tra cụ thể và làm việc với các nhân viên về sai phạm nguyên tắc kế toán trầm trọng của Giám đốc theo đơn tố cáo, cộng thêm tội “hủ hóa” mất tư cách đạo đức cán bộ. Ban đầu ai cũng tưởng do người trong nội bộ làm việc này, nhưng thật ra vì ông ăn “Phở” tận Vũng Tàu, kết quả có thêm đứa bé con sáu tháng tuổi. Đầu giây mối nhợ là do mỗi tuần ông xử dụng chiếc xe Volga màu đen, hiệu xe chỉ có cấp bậc thứ, bộ trưởng mới được phép xử dụng. Sở dĩ ông có được là nhờ hàng “đối lưu” bán sang Liên xô (một kiểu mua bán giữa hai bên định giá trị bằng hàng hóa trao đổi theo thỏa thuận)

Từ chiếc xe, địa phương tìm đến để có phương án bảo vệ viên chức cao cấp, dè đâu khi đến xác minh lại không phải vậy. Nơi đây báo cáo về phòng tổ chức sở chủ quản thành phố nên sự việc bung bét ra. Nghe vậy mọi người nói ông này thế lực mạnh lắm, nhiều lần đã đẩy văng làm khốn đốn biết bao cán bộ khác dám tố cáo ông ta với các cấp.

Tôi nói với cả phòng:

– Hoàng nói đúng ông ta nhờ có thế lực nên không ai làm gì được ông. Có thể cá nhân tôi hoặc Hoàng hay anh này, chị kia không làm nổi nhưng tôi tin cuối cùng cũng sẽ có một người khác đứng lên đủ mạnh mẽ chống lại thế lực của ổng.

Hoàng rùn vai lắc đầu,

– Biết đến bao giờ.

Vậy mà ngày ấy cũng đến, dù thế nào trước khi chết con thú cũng phải dẫy dụa chứ không thể nằm im. Chạy khắp các cửa nhưng xui cho ông này đang là thời điểm “Những việc cần làm ngay” do lãnh đạo nhà nước đang phát động vì vậy không ai dám che giấu. Để dẹp yên dư luận đành “giơ cao đánh khẽ”, giáng chức hạ tầng công tác chuyển đi nơi khác cho làm phó giám đốc một xí nghiệp nhỏ, xem như ngồi chơi xơi nước.

Không lâu chỉ hai tháng sau tin ông chết làm mọi người sửng sốt. Vì đâu nên nỗi! Có người nghĩ là chỉ nói đùa. Cuối cùng chuyện cũng được tiết lộ và kể lại rành mạch:

“Người phụ nữ có con với ông này là vợ của một “đồng chí” trẻ hơn ông nhiều tuổi. Hai vợ chồng có bốn đứa con nhỏ, người chồng là thương binh cụt mất một chân. Cùng một bạn thân có thú vui đi săn giống ông, cả hai rủ nhau cuối tuần vào khu rừng sát biên giới trước kia là mật khu. Người chồng thương binh vốn là nông dân ở đây nên được cấp đất khai phá khu rừng bạt ngàn, sau chiến tranh còn đầy thú hoang sinh sống. Những chuyến đi săn hào hứng ai nấy đều say mê, mang chiến lợi phẩm ghé nhà anh nông dân địa phương thưởng thức các đặc sản tươi nguyên. Riêng ông ban đầu đi săn thú rừng dần dần mục đích của ông chuyển sang săn người. Ai bảo anh chàng nông dân “đồng chí” được phục viên có cô vợ trẻ không kém chồng. Ở chốn rừng hoang mà da dẻ trắng trẻo xinh đẹp không kém gái thành thị mặc dù đã sinh bốn đứa con. Rất ít người phụ nữ được trời cho càng sinh nhiều con lại càng trẻ đẹp. Thật không may tổ ấm ông xây dựng tận miền biển không tồn tại được lâu do cô này khai với công an địa phương ông là chồng của cô khi họ đến tìm hiểu. Nguyên nhân này làm ông bị kỷ luật nên đâm ra chán cô. Không còn nguồn cung cấp tài chính, tìm mãi nhưng ông lánh mặt, thất vọng cô ôm đứa con mang đến nhà giao cho vợ ông.

Nhỏ Liên tử nói:

– Hèn gì em đạp xe đi làm ngang nhà ổng, em thấy bà vợ bồng đứa nhỏ chưa biết đi mặt mày giống hệt thằng con trai lớn của ổng. Rốt cuộc chỉ có bà vợ nhận hậu quả của ông gieo.

Sau cái chết công an cho biết, ông bị bắn bởi một phát đạn của súng săn ở cự ly rất gần, viên đạn trổ từ nách trúng ngay tim. Qua lời khai của người bạn cùng đi vào rừng, do say mê theo dõi con thú, hai người bị thất lạc nên ông này trở ra chiếc xe jeep mượn của tỉnh đội ngồi chờ cùng tài xế, mãi đến sâm sẩm tối vẫn không thấy tăm hơi người kia. Chiếc xe quay về nghỉ đêm đợi sáng xin thêm người đi vào rừng tìm. Cuối cùng trông thấy ông này nằm úp mặt chết gần bờ suối trong tư thế thợ săn đang rình mồi.

Có người kể dạo trước một ông thầy bói đoán số ông sẽ chết đói, chết bụi chết bờ. Đương thời ông cười khẩy không tin giờ thì ứng nghiệm. Quả báo đến rất nhanh ngay tức thì mặc dù nhiều người cho rằng chỉ là sự trùng hợp tình cờ.
Kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra đã xác định. Thủ phạm là người bạn cùng đi săn với ông, người này khai rằng động cơ giết nạn nhân là để trả thù cho người cháu bị ông này đoạt vợ khiến gia đình tan nát. Do hối hận đã dẫn nạn nhân ghé nhà giới thiệu cháu mình, cùng là đồng chí với nhau không ngờ lại bị ngay cả đồng chí mình phản bội. Ngạn ngữ có câu “Gieo gió sẽ gặt bão”, đây không phải là tàn dư của đế quốc để lại mà là quy luật của đời sống tâm linh ở bất cứ chế độ nào, tiếc thay người Cộng sản họ phủ nhận.

 Chưa đầy mười lăm năm miền Nam tiên phong đi vào thời mở cửa rất sớm, cơ quan nào cũng trưng bảng hợp tác với nước ngoài qua chữ EX cuối cùng như Gidimex, Fidimex, Cholomex....v..v. Tư bản không phải giãy chết mà là hồi sinh trở lại mạnh mẽ, nhà hàng, vũ trường rầm rộ mở lại những Discotex đầy nhóc bầy trai gái sinh sau bảy mươi lăm nhảy nhót. Không còn chữ “múa đôi” thay cho từ ngữ khiêu vũ. Chủ nghĩa Mác lê giờ đổi màu thành “Cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa” một trăm phần ngàn của chế độ tư bản. Nếu còn đổ thừa cho tàn dư của Mỹ ngụy trong xã hội là không biết thẹn và tự vả vào mồm.

Nhớ thời gian sau mười năm tôi gặp lại ông Trinh giờ đã về hưu, tôi hỏi:

– Sao chú không cho đứa con gái chú đi hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa giống như mấy gia đình trong nhà tập thể? Tiêu chuẩn được dành cho con cháu cán bộ.

Ông vênh mặt nói với tôi:

– Đi làm gì, đi ở đợ để trả nợ hả ? Lương lãnh ra nhà nước trừ hết chỉ còn lại chút ít đủ sống để làm việc, đi làm gì ?.

Cũng đúng thật, đi vài năm trở về đứa nào cũng đóng thùng mang về hàng hóa của phe xã hội chủ nghĩa gồm một đống dây lò xo bếp điện, mấy thứ lỉnh kỉnh, một cái bàn ủi điện, cái quạt bé xíu kiểu con cóc. Thậm chí gỡ luôn cây sắt inox máng khăn của nhà tắm luôn cả cái vòi nước. Nhà tập thể xứ người trước khi nhóm đi hợp tác lao động về nước bị họ gỡ các trang thiết bị sạch sẽ, bởi “cha chung không ai khóc”. Một số khác. vào những ngày nghỉ vơ vét sắp hàng cả ngày mới mua được chục vỉ thuốc cảm, năm bảy mét vải bông. Hàng mấy năm trời tích lũy để mang về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Mọi người đánh giá qua thùng hàng mang về, đi hợp tác nước nào là tiền lương còn lại được khá hơn. Đầu tiên là Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, hạng bét là Liên Xô.

Chẳng bù với thùng hàng của những người di tản vượt biên sang Mỹ, Úc gởi về chất lượng ngất trời nuôi sống một gia đình cả năm, họ sống huy hoàng nhờ tàn dư Mỹ ngụy.

Đi họp tổ, công an địa phương cán bộ phường cảnh báo, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại (không còn dùng từ Mỹ Ngụy nữa) xảy ra rất nhiều, quanh mấy cái nhà hàng mở ra, hàng đoàn xe du lịch năm mươi chỗ ngồi đổ khách xuống nườm nượp toàn là các “xì thẩu” bụng phệ. Những đứa con gái xúng xính với chiếc “xường xám” xẻ gần đến nách đứng sắp hàng đón khách. Nhà hàng chỉ có khách từ trưa đến nửa đêm, vài cô gái ngồi tán gẫu chờ mở cửa để thay quần áo, trang điểm. Một cô gái hỏi bạn:

– Đêm qua thấy mày được khách chiếu cố hơi nhiều, kiếm được khá không.
– Khá cái mẹ gì, cho có mấy đồng bạc lẻ mà mò mẫm làm sút quần, sút áo người ta hết trơn.

Tuần sau báo chí khui ra nhà hàng này là nơi cung cấp cấp gái cho khách du lịch “vui vẻ” ở biển Vũng Tàu.

Còn chưa hết, dư âm những việc cần làm ngay là động lực khiến khó che giấu dư luận báo chí. Vụ ăn chơi “Đường Sơn Quán” tọa lạc trong khu rừng cao su Thủ Đức được bảo kê, bao che bởi một trưởng phòng hình sự nổi tiếng của công an thành phố.

Mười bảy năm sau trước ngày tôi ra đi, khu tập thể đồm rùm beng con gái ông Trinh đang làm “gái gọi” hạng sang, bởi tối tối được xe hơi cá mập mười sáu chỗ chở về, trên xe chen chúc đám con gái trạc tuổi nhau đang í ới cười đùa. Con bé ngày xưa chạy rông sau lưng lúc lắc cái đuôi tóc như đuôi ngựa.

Buổi trưa bà Bắc bán giải khát ở cửa ra vào nói bông lông khi thấy một anh chàng ngồi quán bà uống trái dừa tươi.

– Anh này ngồi chờ tìm con Hương.

Nhà tập thể muốn vào phải báo qua bàn bảo vệ ở cửa. Ban nãy có ông Việt kiều Nhật đến thăm Hương đang ở trên đó nên họ không cho vào sợ đụng độ. Họ xui một đứa con nít chạy ra nói với anh Việt kiều Đức rằng cô Hương không có nhà.

Năm ngoái gia đình ông Trinh lễ mễ dọn nhà về quê, nhưng con gái ông thì ở lại. Mấy lần sau thấy ông mua dụng cụ làm vườn mang về quê nào ống nước, máy bơm. Hỏi thăm ông nói về quê cũ làm vườn và lập trang trại.

Sau khi anh Việt kiều Đức đi bà Bắc cười đểu:

– Bên ấy hiếm con gái lắm sao, mấy anh việt kiều về đây tìm vợ tưởng thế nào té ra lại lấy “gái gọi”.

Nhưng phải công nhận con ông Trinh hơi “bị đẹp” lại ăn nói như mía lùi. Ông không cho đi hợp tác lao động là phải, nhưng lấy việt kiều chắc chắn ông không cấm cản. Kết quả cuối cùng cô này “chấm” anh việt kiều Nhật, không biết là phước hay họa cho anh ta.

oOo

 Chuyện đời hơn bốn mươi năm, nhiều người bỏ nước ra đi từ năm bảy lăm, từ những năm bảy chín của phong trào vượt biên cho đến đầu năm chín mươi khởi động chương trình HO được đi Mỹ của các gia đình sĩ quan VNCH. Một số đi hơi lâu muốn về lại xứ sở tìm chút tàn dư xưa cũ nhưng đều thất vọng. Nhiều người đứng trước ngôi nhà cũ của mình vẫn không nhận ra! Người Saigon của miền Nam không còn nữa, tìm mãi lâu lắm mới nghe lại giọng nói trong trẻo, chơn chất thật thà không pha tạp âm hay từ ngữ mới. Một lần có việc đi tận cùng mũi Cà Mau cũng vẫn nghe tràn ngập âm thanh giọng nói miền Bắc. Tôi hỏi một người:

– Anh ở tận Thanh Hóa lại vào đây xa nơi chôn nhau cắt rốn, bộ không thương nhớ sao? Vì sao anh chọn nơi này ở lại đây lập nghiệp.

Anh ta thành thật trả lời:

– Sau khi rời quân ngũ, không có gì làm ngoài ấy nhà lại gánh thêm một miệng ăn tôi bèn lang thang khắp nơi đi lần vào Nam, đến nơi này nhìn họ sung sướng làm ăn dễ quá. Trông thấy họ đổ cả rá cơm trắng ăn thừa xuống ao nuôi cá là tôi biết xứ sở này giàu, chả bù miền Bắc của tôi ngày mưa bão phải lặn xuống nước cắt từng gốc rạ cứu lúa. Có năm đói quá phải ăn cám cầm hơi!

Chỉ tay vào ngôi nhà đúc lát đá hoa bóng lộn nằm ven bờ rạch sát đường lộ:

– Cơ ngơi này tôi tạo nên đến giờ chưa đầy hai mươi năm, phía sau nhà tôi be bờ quây lưới nuôi cá sấu. Năm đầu tôi về quê cưới vợ dẫn vào và sinh hai con trai đứa học nghề, đứa kia sắp vào đại học.

Tôi hỏi:

– Bên cạnh việc nuôi cá sấu anh có làm thêm gì nữa không ? Không có ruộng vườn anh làm gì mưu sinh hàng ngày.
– Cái ăn thì thiếu gì, vợ tôi đi buôn rau ở chợ, cá tôm đi lưới bắt hoặc mua. Còn lại, chúng tôi đi bán nước.

Tôi tròn mắt, miệng lập lại:

– Bán nước?
– Vâng, việc rất đơn giản. Chúng tôi có chiếc ghe cũng tầm cỡ, neo đàng sau nhà này. Cứ vài ngày lại dong máy ra khơi bơm đầy một ghe nước biển rồi lại chạy vào mang bán cho các bà bán cá ngoài chợ và các nhà hàng đặc sản trong thị xã. Họ dùng nuôi sống cá tôm bán cho khách, làm các món ăn trong nhà hàng bảo đảm lúc nào cũng phải tươi ngon, nên hai ngày phải thay nước trong các bể nuôi một lần bằng nước biển.

Tôi gật gù:

– Không nghề nào dễ dàng bằng nghề bán nước. Của không vốn nên lúc nào cũng lãi to. Cả hai thứ nghĩa đen và nghĩa bóng.

Câu hát nghe vang theo làn sóng: “Nghe nói Cà Mau xa lắm ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới..... Người Cà Mau dễ thương vô cùng.”

Hy vọng vùng đất lành chim đậu, mưu sinh dễ dàng sẽ thuần hóa những con người khi trước trót nghe theo lời dạy mị dân của chủ nghĩa Cộng sản thâm thù đấu tranh giai cấp. Mong rằng nơi này họ trở thành người dễ thương như lời bài hát.  

Cỏ Biển
Xuân 2021

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021