SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

Mùa Nh

Trúc Hà

Sáu giờ sáng trời còn tối, trên sân ga đã nhấp nhô khách đi làm sớm. Mọi người đứng co ro, hai tay dấu trong túi áo hay trong găng tay, hơi thở khói sương. Trên xe lửa mọi người cũng không bớt co ro, ít ai cởi áo choàng, nhiều người vẫn còn giữ tay trong túi áo trong lúc nhắm mắt cố ngủ tiếp. Mùa này phải chín giờ trời mới hừng sáng, khác với mùa hè giờ này đã sáng hẳn.

Trong sương sớm, chiếc xe lửa là vệt sáng dài ngoằn ngoèo lao đi trong bóng tối. Hai bên đường, những đồng cỏ mênh mông nuôi bò và cừu và những ruộng khoai, ruộng rau hay ruộng hoa vào mùa xuân, mùa hạ. Xa xa, những nông trại leo lét ánh đèn. Hôm nào thật lạnh, những mảnh ruộng khô cứng như đá sẽ điểm những đóm tuyết giống như đôi chân mày bạc hay chòm râu bạc của ông già Nô-en. Lâu lâu, xe lửa chạy xuyên qua một ngôi làng, đi giữa khu nhà dân cư, sát mé vườn trước hay vườn sau nhà dân. Mùa này, nhiều nhà kéo dây đèn thắp sáng khắp vườn cho nên nhìn thấy hết phong cảnh trong đó. Phần lớn là cây cỏ, bông hoa nhưng đôi khi cũng thấy những tượng Phật đặt nơi cửa nhà hay nơi cổng vườn. Hình như ở đây, tượng Phật được xem như vật trang trí chứ không phải hình tượng để thờ nơi chốn trang nghiêm.

Ba mươi phút sau, xe lửa đến ga Amsterdam. Trời vẫn chưa sáng. Trong nhà ga trung tâm Amsterdam, nhạc Giáng sinh vang lừng, ánh đèn tỏa sáng khắp nơi. Nhìn lên trần và khắp chung quanh, đâu đâu cũng giăng dây kim tuyến, ngôi sao và vòng hoa Giáng sinh tuyệt đẹp. Nơi tiền sảnh và hậu sảnh, khắp nơi trong ba dãy hành lang song song dẫn lên sáu thềm ga nơi xe lửa của mười một đường rầy ghé vào, đâu đâu cũng sáng rực những cây thông trang trí lộng lẫy, kết đèn hoa rực rỡ. Nơi hậu sảnh của nhà ga, hai bức vách tường là màn ảnh chiếu phim phong cảnh thành phố Amsterdam vào mùa đông. Khách vãng lai nếu không quá vội sẽ dừng chân đôi phút xem phim vì bị lôi cuốn bởi hình ảnh những cây cầu kết đèn  rực rỡ bắc qua trăm rạch chằng chịt trong thành phố. Nơi tiền sảnh của nhà ga, tiếng dương cầm thánh thót kéo chân khách “yêu đàn… cho đời say trong tiếng tơ”. Mùa này cây đàn dương cầm mang bảng “Play me” được khách đợi tàu luân phiên chơi nên tiếng đàn không ngừng khoan thai réo rắt, tạo nên bầu không khí tao nhã đặc trưng của một xã hội văn minh tiên tiến, thanh bình và thịnh vượng. Thành phố Amsterdam vào mùa Giáng sinh quả lộng lẫy và thơ mộng. Nhà ga trung tâm xây dựng vào cuối thế kỷ 19 là một trong những kiến trúc cổ, đẹp và đặc thù của thành phố.

Bốn mùa xuân hạ thu đông, mỗi ngày tôi đều đi chuyến xe lửa giờ này và chuyển đổi xe ở nhà ga trung tâm Amsterdam. Vài phút ngắn ngủi đợi tàu cũng đủ để hưởng không khí Giáng sinh nơi đây, thấy ấm lòng và nôn nao mái ấm gia đình, đồng thời cũng gợi nhớ những ngày cuối năm ở Việt Nam trước 1975.

Mùa Giáng sinh ở Việt Nam, trời cũng mau tối và se se lạnh. Không khí tưng bừng khi các nhà thờ bắt đầu treo đèn ngôi sao và dây đèn ngũ sắc, và các hang đá bắt đầu được dựng lên. Hồi nhỏ tôi học mẫu giáo trường Nhà thờ Cha Tam, nhà lại ở gần đó nên đêm Giáng sinh thế nào cũng được đi đến đó để chiêm ngưỡng những hang đá tuyệt đẹp, những chiếc đèn ngôi sao thật to lấp lánh khắp nơi. Dòng người cứ tuôn vào sân nhà thờ, người đi như đi hội, không khí thần tiên.

Khi tôi vào trường tiểu học Ecole Française de Cholon, mùa Giáng sinh cũng không kém sôi nổi. Ngày nào, cuối giờ học cũng được dạy hát những bản nhạc Giáng sinh. Những bản nhạc đưa các học sinh nhi đồng vào một thế giới mới lạ có mùa đông cỏ cây trụi lá,  chỉ còn cây thông chúa tể rừng xanh treo lủng lẳng kẹo và đồ chơi, có tuyết trắng và hang đá nơi Chúa hài nhi ra đời trong đêm thánh. Ngày nào cả lớp cũng mong đến cuối buổi học để được ưỡn ngực, cao cổ hát theo nhịp của thầy cô. Thông lệ của trường là phụ huynh tặng quà cho thầy cô trước khi nghỉ lễ. Năm nào tôi cũng hồi hộp không biết cha tôi có mua món quà tặng thầy cô không. Các thầy cô cũng lịch sự tặng quà Nô-en cho mỗi học sinh, những quyển sách truyện nhi đồng nho nhỏ làm náo nức lòng, những quyển sách đầu đời khó quên.

Các tiệm quần áo, tiệm bánh, nhà hàng cũng tấp nập vào mùa này. Mỗi năm một lần, vào dịp lễ Giáng sinh, chị em tôi được ăn “đồ tây” và uống rượu champagne vào bữa ăn “réveillon” nửa đêm 24 tháng 12. Năm nào cha tôi cũng đặt mua một con gà tây đút lò ở nhà hàng Café La Gare đường Tản Đà Chợ Lớn, bánh “bûche de Noël” và bánh “pâté chaud” ở tiệm bánh Trần Thượng trên đường Trần Hưng Đạo, khu Chợ Quán gần chợ Nancy. Có thèm ăn, đói bụng hay buồn ngủ cũng đợi phải đúng 12 giờ đêm mới được ăn. Cả nhà quây quần bên nhau, thưởng thức bữa ăn tây và rượu champagne duy nhất trong năm.

Trường học đóng cửa từ Nô-en đến sau Tết tây nên học trò được nghỉ hai tuần ở nhà.  Hai tuần lễ thoải mái, được tha hồ đọc sách từ sáng tới tối, được đi đến nhà bạn chơi. Có hôm tôi đến nhà bạn ở đường Thành Thái; đường vừa tráng nhựa, vào buổi trưa nắng gắt nhựa đường chảy ra, đôi guốc tôi đi bị dính xuống đường mất một chiếc. Đến mùa Nô-en lại nhớ tới những kỷ niệm này.

Năm nay, 2020, Giáng Sinh đến với nhiều thay đổi. Nạn dịch COVID-19 vẫn còn đó, mọi sự đi lại, giao tiếp, ăn uống, giải trí, du lịch đều bị giới hạn. Mọi người tự tìm cho mình một cách riêng để chào đón Giáng sinh. Hết rồi những dạ tiệc cuối năm, những bữa ăn đặt truớc ở nhà hàng, những đại hội âm nhạc, hòa nhạc, vũ nhạc cuối năm. Hết rồi những chuyến du lịch mừng hưởng năm mới ở một chân trời xa lạ. Hết rồi những “réveillon” đông đủ gia đình quây quần bên nhau, ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu cùng nâng ly và trao nhau những món quà trong tiếng cười vang.

Với tôi, mùa đông năm nay cũng không còn những sân ga lạnh, những chuyến xe lửa sớm tinh mơ, những ánh đèn leo lét trên cánh đồng. Không còn những phút giây êm ả dạo chân trong nhà ga Amsterdam, lạc bước tìm tiếng dương cầm, tai mắt ngập tràn âm thanh và hình ảnh một mùa Giáng sinh an lành, tươi đẹp đang chờ đón. Tuy nhiên, hơn ngày nào hết, với tôi Giáng sinh vĩnh viễn là một kỷ niệm nhớ đời.. vì lẽ cha tôi mất vào ngày 24 tháng 12 dương lịch.

Năm nào cũng vậy, gần đến Giáng sinh là lòng quay quắt trong nỗi nhớ cha. Người cha thương con, quý con hơn hết trên đời. Người cha chỉ muốn cho con hưởng tất cả những gì hay đẹp nhất. Người cha nghĩ đến tương lai của con ngay từ khi còn bé và luôn cố gắng song hành cùng con trên mỗi đoạn đường đời. Thông thường mỗi mùa, mỗi dịp, mỗi giai đoạn trong cuộc sống, người ta chỉ nhớ đến một điều, một việc hay một người nào đó. Với tôi, tất cả mọi mùa, mọi lúc, mọi kỷ niệm đều gợi nhớ đến cha. Từ lúc tôi chưa đi học, cha đã âm thầm chuẩn bị trường nào tốt nhất để tôi vào. Tôi gần sáu tuổi, cha dẫn đi thi vấn đáp để được vào trường đó. Cha cẩn thận dạy mấy câu tiếng Pháp để tôi chào đáp ông hiệu trưởng, dạy khi ông hỏi về toán trừ toán cộng thì phải để hai bàn tay ra sau lưng rồi dùng mấy ngón tay để đếm. Tôi lên trung học, nhiều bạn, cha thương con nên rất quý bạn của con; đi nghĩ hè tôi xin cha cho đứa bạn thân đi theo, cha thuận ngay không do dự. Mùa thi cha nhắc con uống thuốc dầu cá, nhắc mẹ nấu canh bí đỏ và chưng óc heo cho con ăn thường xuyên để bổ óc.

Nghe Barbra Streisand hát “Papa can you hear me?” (Cha ơi có nghe con hát?), tôi càng thắm thía nổi cô đơn của mình khi mất đi tình thương bất diệt cha đã dành cho tôi. Những lời trong bài hát đó khác chi những lời tôi nói với cha.

“May the light of this flickering candle/Illuminate the night the way/Your spirit illuminates my soul…
Looking at the skies I seem to see/A million eyes which ones are yours?...

The night is so much darker/The wind is so much colder/The world I see is so much bigger/Now that I'm alone…
I remember everything you taught me/Every book I've ever read/Can all the words in all the books/Help me to face what lies ahead?
The trees are so much taller/And I feel so much smaller/The moon is twice as lonely/And the stars are half as bright
Papa, how I love you/Papa, how I need you/Papa, how I miss you …”

Cầu xin ánh sáng của ngọn nến lung linh này/Soi rọi màn đêm như/Tấm lòng cha đã soi sáng tâm hồn con…
Nhìn bầu trời dường như con thấy /Hàng triệu đôi mắt, mắt nào của cha?...
Đêm vô vàn tối hơn/Gió vô vàn lạnh hơn/Thế giới vô vàn lớn hơn/Giờ con một mình…
Con nhớ tất cả những gì cha đã dạy con/Tất cả những cuốn sách con đã từng đọc/Tất cả chữ nghiã trong sách/Có giúp con đối mặt với những gì phía trước?
Cây cao hơn quá đỗi/Và con thấy mình nhỏ bé hơn nhiều/Trăng cô đơn bội phần/Còn các vì sao chỉ sáng bằng nửa.
Cha ơi, con thương cha biết bao/Cha ơi, con cần cha biết bao/Cha ơi, con nhớ cha biết bao…

Mỗi ngày hai bận tôi không còn đáp chuyến xe lửa đi qua thành phố Amsterdam. Không khí mùa Giáng sinh vui tươi, an bình cũng không còn nữa vì đại dịch COVID-19. Tôi cũng không còn cha; cha đã ra đi vĩnh viễn một ngày trước Giáng sinh. Bây giờ, Giáng sinh không còn như xưa, vĩnh viễn không còn như xưa nữa.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021