SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

Nghe Buồn Ghé Môi Sầu

(Trịnh Công Sơn - Chiều Một Mình Qua Phố)

Cuộc đời như môi hôn nồng nàn. Có khi là một bờ môi tẻ lạnh. Như ở đâu xa, Thanh Tâm Tuyền thơ đã viết: Ôi môi em, môi em mật đắng... ôi ai như em móng sắc thương đau!

Những vết xước trên da người. Những lớp sóng phế hưng bầm dập. Ôi dù thế nào chúng ta cũng đã có nhau. Vẫn cần có nhau.

Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau . Xin người biết đau !

Ước mơ là thế! Tâm nguyện là thế! Của anh, của em, của chúng ta từ sau cuộc phân ly Quán Văn, mỗi người mỗi ngã. Toại và tôi xong Văn Khoa, đi dạy học một thời gian, rồi cũng lại gặp nhau ở môi trường công chức cần mẫn. Tôi phục vụ ở Bộ Giao Thông và Bưu Điện khoảng 1970. Toại trở thành ký giả của Việt Nam Thông Tấn Xã trước, làm báo, viết báo; và sau đó làm việc cho Phủ Tổng Uỷ Dân Vận Chiêu Hồi, về sau trở thành Bộ Dân Vận Chiêu Hồi (DVCH). Đây là thời kỳ Hoàng Đức Nhã, cháu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu du học trở về nước; được giao phó nắm cơ quan này trong ý hướng nâng cấp nền thông tin quốc nội/quốc ngoại và trẻ trung hóa cán bộ chính quyền. Lục tục có những người du học tốt nghiệp ở nước ngoài về nắm các chức vụ then chốt như Hà Xuân Trừng, Trần Khánh Vân, Trần Văn Khởi, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Dương Hiển v.v. Các khuôn mặt sinh hoạt quen thuộc cũ của CPS, Văn Khoa... cũng vào phục vụ cơ quan TU/DVCH như Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Đỗ Tăng Bí... Bùi Bảo Trúc, Hồng Khắc Lê Minh, Nguyễn Viết Tân v.v.

Bùi Bảo Trúc làm Phát Ngôn Viên Chính Phủ. Tôi chuyên trách về báo chí cho Bộ GT và BĐ, hàng ngày được đi họp báo lấy tin tức tình hình thời sự chính trị tại Bộ Thông Tin (trước)và Dân Vận Chiêu Hồi (sau này). Bọn tôi lại được hội tụ với nhau. Nói cho ngay, làm công chức thời VNCH cũng mang cái truyền thống khá lè phè từ thời Tây để lại: ăn mần thảnh thơi và còn được quyền nghỉ ngơi giấc trưa! Do đó bọn tôi có thì giờ tiếp tục la cà quán xá, cà phê cà pháo, hoặc cùng ăn trưa với nhau. Khi thì ở khu Nhà Thờ Đức Bà/Bưu Điện. Khi thì bún ốc bánh tôm ở khu Eden. Hoặc kéo nhau đi chén Bà Cả Đọi ở ngõ hẻm đường Nguyễn Huệ.

Tưởng cũng nên nhắc như một điểm son của bộ DVCH là chiến dịch Đường Việt Nam khai màn khoảng 1972 mục đích kêu gọi (chiêu dụ?) sinh viên du học trở về thăm quê hương bằng những chuyến hành hương từ bắc chí nam lãnh thổ VNCH. Thăm lại người xưa cảnh cũ, những dấu tích, thảm họa chiến tranh, chứng kiến những cuộc sống vẫn mang dáng dấp an lành dưới sự kiểm soát của chính quyền miền nam VN; cho dù chiến sự đã lan tràn khắp mọi nơi. Chiến dịch này do các khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt CPS, Quán Văn từ trước phát động: Nguyễn Ngọc Bích, Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến, Ngô Vương Toại v.v. Về phía tham gia có nhà báo Đinh Quang Anh Thái của tờ Người Việt ở Cali hiện nay, thi sĩ Bắc Phong (Toronto) chủ trương trang nhà Sáng Tạo...

Trong khoảng thời gian này cũng có một buổi hội ngộ giữa hai tên tuổi âm nhạc lớn là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn tại tư gia của anh Nguyễn Ngọc Bích (lúc bấy giờ là Cục Phó Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc bộ dân Vận Chiêu Hồi). Buổi gặp gỡ diễn ra trong tình văn nghệ thân tình và tương kính, hiện diện gần như toàn bộ sậu Quán Văn, thêm Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang và ban Trầm Ca cùng một vài du ca viên khác. Hai dòng nhạc Phạm Duy và TCS đều mang âm hưởng thẩm thấu rộng lớn, cho dù trước một thiểu số người thưởng ngoạn hay lan rộng ra ngoài công chúng.

Trước khoảng thời gian bọn tôi làm cán bộ nhà nước, cũng có vài sự kiện và kỷ niệm đáng ghi nhớ:

Không rõ do cơ duyên nào (chắc là do bàn tay của Diệu Thủ Thư Sinh Đỗ Ngọc Yến móc nối), một số anh em ta bấn lên vì lệnh tổng động viên, đã kéo nhau đầu quân cho Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn ở Vũng Tàu như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Nguyễn Mai (Hội Hoạ Sĩ Trẻ), Vũ Văn Linh, Phát (Bạn Đường), Trần Hiếu Lai, Nguyễn Văn Thục (tự Thục Đen)... Ngã đường này là một ngõ quẹo tạm thời không đi thẳng vào quân trường. Nơi mà chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến nhiều vị thanh niên đổ mồ hôi xanh máu mặt! Khoác Áo Màu Đen như có thời Phạm Duy đã viết:

Khoác áo màu đen mặc màu dân tộc
Đất nước lầm than gặp thời khó khăn
Màu đen màu tối ám - Vùng lên để chiến thắng
Dẹp tan màu son màu phấn điếm đàng . . .

Bố nhạc sĩ tài danh này làm nhạc tuyên truyền cũng tới lắm (nghề của chàng!). Trước đó, ta cũng đã từng nghe lời ca nhiễm đầy chất thơ của Phạm Đình Chương dù viết cổ động cho nhiệm vụ quân dịch: Anh đi chiến dịch xa vời - Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than...

Dịp này, ban Trầm Ca Quang - Châu - Thảo cũng có ghé thăm Trung Tâm XDNT, hát hò một lúc nhưng không trụ lại dài lâu. Toại và tôi tuy không khoác áo màu đen nhưng lại chung lưng đấu cật với tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu (em vợ, cùng là phụ tá đại tá Nguyễn Bé nguyên Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện CB/XDNT Chí Linh/Vũng Tàu) (1) làm tờ báo Xây Dựng cho Trung Tâm được dăm ba số. Dù là một ký mục gia giả hiệu, tôi lại có duyên nhúng tay vào tờ báo thứ nhì khá buồn cười và tréo cẳng ngỗng: Lần này là do Nguyễn Hữu Đống (NHĐ), lúc bấy giờ đang đóng vai binh nhì ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ. Kiến trúc sư NHĐ thực hiện công trình Vườn Tao Ngộ và là cố vấn (?!) hay quân sư cho Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm 3 lúc này là Trung tá Nguyễn Phu. Ký giả Nguyễn Hoàng Đoan (2) và tôi nằm trong biên tập chủ lực của tờ Ngưỡng Cửa. Không hiểu quý vị này mưu đồ chuyện gì: muốn văn chương hóa quân sự hay tạo dựng một giềng mối nào đó cho thời hậu chiến quốc?
(chính quyền bất lực, nhũng lạm. Đất nước, lòng người phân tán. Phải chăng lòng nghi kỵ, tình trạng sứ quân đã khơi mào cho những thảm họa đưa đến cuộc bể dâu tan hoang tháng tư năm 75?).

Bọn tôi rời xa Chí Linh rồi trở lại nơi này một lần với cương vị học viên trong chương trình Cán Bộ Hóa Công Chức của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khoảng 1971. Chương trình này cũng chỉ là một trong những phương án vá víu của thời cao điểm chiến tranh quốc/cộng, không đưa đến một hiệu lực nào cụ thể như chương trình Quân Sự Hóa Học Đường trưóc đó. Cái vui là được gặp lại bạn bè cũ đã bám trụ Chí Linh. Lần này, hỡi ơi, cũng vẫn chơi nhiều hơn học (có gì đâu mà học!). Và rồi cũng qua một đoạn đường “chiến binh” khác...

Sau khi Quán Văn treo “ miễn chiến bài ”, Trịnh Công Sơn trở về Huế tu tập, đắm mình trong những sáng tác mới: kết quả là 2 tập nhạc đồ sộ Kinh Việt Nam (KVN) và Ta Phải Thấy Mặt Trời (TPTMT) ra đời.

Mùa hè đỏ lửa 72, ba chị em tôi Thủy/Sơn/Giang về Huế lo đám táng cho người bác ruột Hoàng Xuân Vịnh (sống một mình, không gia đình; thân thích). Giang và tôi có dịp hát song ca những ca khúc của Lê Uyên&Phương cho một số bằng hữu mới cũ ở nhà TCS, rất được tán thưởng và hưởng ứng (anh em ruột thịt ca chung, duo thường chất giọng rất hợp và hài hòa). Giang trở về nhiệm sở ở Sàigòn sớm. Tôi còn nấn ná ở lại Huế. Và được dịp tập dợt ca chung (có thu lại vào tape nhạc lớn) một số ca khúc trong KVN và TPTMT với TCS và chị Hà Thanh, một nữ ca sĩ tài danh xứ Huế. Chị Hà (tên thật của chị Hà Thanh là Lục Hà) vẫn mang giọng ca trong trẻo nhẹ nhàng như hơi thở, mảnh như tơ trời dạo nào. Ấy thế mà khi hòa chung vào dòng nhạc mạnh TCS vẫn không bị lấn lướt chút nào, tuy bay bỗng nhưng vẫn hòa điệu. Tuyệt trần! Phải nói là giọng ca Hà Thanh quá hay trong những ca khúc như Sao Mắt Mẹ Chưa Vui, Những Giọt Máu Trổ Bông . . .

Những giọt máu đến ngày trổ bông
Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng cười
Nở trên tay chị xuân xanh ngời.
Nở trong tim mẹ đồng lúa mới, vườn cải tươi . . .
Nở ra yêu thương làm mát nụ cười.
Cho ta về đựng xây đất mới - cho chim về ngồi hát quanh đây . . .

Bao nhiêu năm rồi không gặp lại chị Hà Thanh, mới đây được xem một video clip của Trung Tâm Thúy Nga, được nghe chị hát Hoa Xuân. Cũng vẫn giọng ca tươi mát và luyến láy thần kỳ ấy. Cũng vẫn dáng dấp e ấp thanh cao vô cùng Huế ấy của một người nữ đã bước vào tuổi thất thập: quả là biết gìn vàng giữ ngọc và được thấm nhuần biết bao ân phước ưu ái của đất trời. Mừng cho chị xiết bao!

Tiếc rằng không có giọng chị Hà Thanh trong băng nhạc chính thức KVN&TPTMT mà TCS đã quyết định cho thu thanh và phát hành cùng năm 1972. Băng nhạc này được ghi âm tại phòng thu Pat Lâm ở Chợ Lớn với các tiếng hát Trịnh Công Sơn/Hoàng Xuân Sơn (nam) và Vân Hòa/Vân Quỳnh/ Vân Khanh (nữ) (3). Các giọng ca này của các ái nữ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước&ca sĩ Minh Trang cũng thanh tao và hài hòa không kém. Tape nhạc KVN&TPTMT này qua bao biến cố tưởng chừng thất lạc, mới đây, các bạn trẻ Trần Lệ Thủy, Phạm Tri Vũ v.v đã cất công truy tầm lại được và lưu giữ trên trang Tưởng Nhớ TCS, www.saigonline.com (quý vị nào muốn nghe xin lên mạng nghe thử. Có cả nhạc thu từ hồi Quán Văn).

Để phổ biến những ca khúc trong KVN&TPTMT, anh TCS đã tập hợp được một số giọng ca khá mạnh, hát tương đối vững: Nam có Trịnh Công Sơn, Hoàng Thi Thao, Miên Đức Thắng, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Xuân Sơn... Nữ có các chị trong Ca Đoàn Trùng Dương: Tường Vân, Cúc, Hoa..., trình diễn trước đám đông ở các thính đường đại học, nguyện đường cũng gây được sự chú ý của giới thưởng ngoạn, mặc dù là ca khúc đấu tranh. Giai đoạn này hay có các bạn Vĩnh Lữ, Phạm Nhuận, Nguyễn Thế Phồn, Trần Quốc Bảo (con của Thẩm Phán Trần Thúc Linh)... tháp tùng đi lưu diễn. Cũng khá đông, vui.

Thú thật với lòng mình, tôi vẫn thích TCS hơn ở tình ca, những bài ca thân phận, hoặc Ca Khúc Da Vàng. Trong KVN và TPTMT, lời ca mạnh bạo hơn, kích động hơn - tập nhạc với phụ bản và minh họa của Bửu Chỉ (4) có kẽm gai, có xiềng xích, có nạng gỗ... - thêm vào những nhóm chữ Hòa bình/Thống nhất/Dựng cờ/Xếp vũ khí v.v. nom và nghe khá sắc máu, gây gây thế nào ấy! (có phải Người Con Gái Việt Nam Da Vàng đã bắt đầu trổ đốm da cam? Hay chất độc đã phả vào biến thái lòng người? Hay có sự áp đặt hù dọa, chỉ đạo ngấm ngầm nào vào sáng tác?!).

Nhưng dù gì, vì bạn mình, vì một ma lực nào đó, vẫn cứ hát. Bởi thế mà có sự hiện diện của bộ ba Giang-Sơn-Toại hòa nhập vào các dòng du ca hát những bài ca tranh đấu của TCS. Những năm 72,73 Toại và tôi lại tiếp tục đeo đuổi sự nghiệp học vấn tại Ban Cao Học Quản Trị Kinh Doanh và Báo Chí, trước ở trên lầu nhà sách Xuân Thu, sau dọn về thương xá Tax. Toại theo Báo Chí. Tôi chọn Kinh Doanh. Lại có những ngày giờ rảnh rỗi hết cours lang thang bát phố, vào ra quán hàng. Có anh chàng cùng nhóm học chịu-chơi- chịu-chi Nguyễn Nghi Quân (đã khuất). Và vui mừng nhất là gặp lại người bạn ấu thời Nguyễn Xuân Sử tâm-bồ-tát, hào phóng, luôn hết mình vì bạn, chưa hề có một lời kêu ca than vãn; vẫn một đời bươn chải vì nợ áo cơm.

Thời gian này, hình như cả bọn chúng tôi lần lượt trước sau tiểu,đại đăng khoa đầy đủ trọn vẹn. Tương lai chừng như mở ra một cảnh đời sáng lạng. Mà rồi có thỏa hết điều tâm nguyện chăng? Chỉ có trời mới biết thời gian xoay chuyển tới đâu!

Hoàng Xuân Sơn
(Cũng Cần Có Nhau, Phóng bút, Hoàng Xuân Sơn, NXB Nhân Ảnh, 2013)


(1) Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu hiện cư ngụ ở Úc Đại Lợi.

(2) Đức lang quân hiện tại của nữ ca sĩ Khánh Ly.

(3) Toàn bộ nhân sự này có xuất hiện trong cuốn phim Đất Khổ do Hà Thúc Cần đạo diễn (khởi sự quay vào năm 1970, hoàn tất 1973). Phim này do Trịnh Công Sơn đóng vai chính với Vân Quỳnh (về sau là bà Hà Thúc Cần). Phụ diễn còn có thêm Lưu Nguyễn Đạt, Hoàng Xuân Giang, Miên Đức Thắng . . . Phim bị chính quyền miền nam VN cấm chiếu. Chỉ được trình chiếu tại Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 11 năm 1996 trong Liên Hoan Phim Á Mỹ 1996 (theo Đinh Từ Bích Thúy, giám đốc của Liên Hoan Phim này, lượt thuật lại trên www.damau.org).

(4) Bửu Chỉ sau Mậu Thân đi theo phía bên kia. Mất ngày 14 tháng 12 năm 2002 vì bạo bệnh.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021