SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

NGUYỄN LINH KHIẾU VỚI PHỒN SINH, TA MỘT MÌNH Ở LẠI ĐỂ DÒNG SÔNG TRÔI ĐI

TS. Mai Liên Giang

Đồng hành với các nhà thơ đương đại như Hoàng Hưng, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn, Nguyễn Trọng Hoàn... Nguyễn Linh Khiếu đã tạo được dấu ấn riêng từ quá trình đi tìm thế giới tự thân. Lặng nhìn qua ô cửa sổ cuộc đời, nhà thơ đối thoại với mình, lạnh hơn cả sương tuyết! Kẻ độc hành, cô đơn, một mình ở lại với đời, với người, trong thơ, không ai khác đó chính là anh, trước biến chuyển khôn lường của vũ trụ.
Từ Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000) Sa hồng (2018), Beijing - Lá phong vàng (2018), đến Phồn sinh (2018), có thể thấy một chân dung Nguyễn Linh Khiếu khá bí ẩn, luôn buồn lặng trước bộn bề của cuộc sống. Dù có những lúc thấy mọi người có tranh cãi sôi nổi, bao lần, nhiều chuyện, cả những vấn đề liên quan đến đổi mới nghệ thuật, cũng không thấy anh nói gì. Với anh Tranh cãi với những người không biết thì thật ngốc nghếch bởi Những thân cành khô kia làm sao chứng minh được đó là anh đào (Anh đào), [1, tr.37]. Anh vẫn ở đó, im lặng, hiện hữu với nỗi cô đơn, hoang hoải giữa cõi người. Đêm phương Bắc thăm thẳm trong suốt. Có thể nghe được tiếng thì thào của xa xưa. Bỗng dưng hoang mang hoảng hốt vô cùng (Trăng non) [1, tr. 27]; Nhìn cây run lên giữa đêm đông băng giá Beijing lòng mình bỗng dưng chùng xuống. Sự sống bị vùi dập giữa đêm đen băng giá (Gió đêm) [1, tr. 28]. Một mình, với anh là hạnh trắng, là triết luận về quan niệm đắc thời và thất thế chỉ là tích tắc trong cuộc đời mỗi con người. Vinh và nhục chỉ là chớp mắt trong nhân gian. Điều căn bản trong tâm thức nhà thơ là phải luôn giữ được phẩm hạnh bản nguyên của mình, dù hoàn cảnh thế nào mình vẫn cứ là mình. Như có lúc anh từng mơ ước nếu ta có một quốc gia/ trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh/ người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng/ thiên đường hoa hạnh của thi nhân (thiên đường hoa hạnh) [2, tr 11]; ta một mình trong cơn mưa nhiệt đới mỡ màu thánh thiện/ ta một mình trú ẩn dưới trắng ngần hao hạnh giữa cơn dông (hạnh trắng), [2, tr 56]; một mình lang thang ngổn ngang hoang phế/ một mình sừng sững cột sắt chiều vàng/ hoa cỏ thì thào giai điệu phồn sinh (Cột sắt New Delhi- Sa hồng) [2, tr 76]...

Nhưng đến Phồn sinh thì khác, nhà thơ lặng lẽ đối thoại, theo cách riêng của thơ, không cùng chung con đường với bất cứ ai! Một mình, ngẫm, hạnh phúc, đau khổ, được mất, những tổn thương, những biến cố bất ngờ, những quy luật phi lý không thay đổi được...càng cô đơn! Khi con người thật sự “tự do” về bản thể của mình, khi những rào cản về mặt tư tưởng đã được gỡ bỏ, nhà thơ thỏa sức kiến tạo thế giới nghệ thuật riêng. Phồn sinh là kiểu hình thức mới của Cái Tôi bản thể Linh Khiếu soi ngắm thế giới từ bên trong mình. Anh đã từ một góc nhìn riêng, đồng hành với các nhà thơ thế hệ 5x trong quá trình nỗ lực cách tân nghệ thuật để tạo dựng một nền thơ Việt Nam hiện đại.

Thơ, với Nguyễn Linh Khiếu hình như ban đầu chỉ là kiểu nhật ký truyền thống ghi lại cảm xúc lúc cô đơn. Nhưng càng về sau, nhà thơ càng thấy không thể viết lại hết những cảm xúc chợt đến bằng một hình thức thơ gò bó. Linh Khiếu đột phá thể thơ, kết cấu, chuyển hóa ngôn từ “phồn sinh” theo nhiều cách khác để diễn tả tình yêu, nỗi cô đơn của tha nhân, của chính mình. Một mình, tự nguyện ở lại với lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc nhưng luôn tìm cách đổi mới hình thức thơ, hướng đến không gian trong trẻo như loài hoa hạnh trắng. Có lẽ đây cũng là một trong những khởi nguồn cho phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu. Những biến chuyển mới của thời hiện đại đáp ứng được nhu cầu vật chất nói chung, nhưng không phải giá trị nào của cuộc sống mới cũng phù hợp với văn hóa người Việt. Những khập khễnh, lệch chuẩn luôn tiềm ẩn những bất đồng. Nếu không giải quyết được những mâu thuẫn cuộc sống diễn ra hàng ngày, con người phải chấp nhận cô đơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà thơ lựa chọn cách một mình, lặng lẽ bước vào hành trình định giá lại giá trị văn hóa lịch sử ngàn năm châu Thổ.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã thống kê 287 lần tác giả dùng từ ta là (ta – Linh – Muslim)/136 lần dùng từ phồn sinh với nhiều ý nghĩa khác nhau. Với tâm thức ta - một mình, độc hành trên con đường sáng tạo, không có nhu cầu được khen chê, Nguyễn Linh Khiếu đã tạo nên một kiểu thơ không giống ai. Một mình ta đơn độc giữa thế giới náo nhiệt, đối diện với không cùng vũ trụ, Nguyễn Linh Khiếu mang phong cách của nhà thơ thời đại, của triết gia thời kỳ biến đổi. Phồn sinh vì thế có bàn về tự do, về dân chủ, về sự thật, về tinh thần giải phóng, về cội nguồn, về một dân tộc quật cường...nhưng một mình ở lại - ta là ai?

... là con cái của dân tộc quật cường  dân tộc hiên ngang bất khuất [3-110]
... là đứa con của dân tộc kiêu hãnh dưới mặt trời nhiệt đới [3-114]
... là đứa con của châu thổ Sông Hồng [3-123]

Ta soi vào khuôn mặt người để đối diện với cả loài người, ta soi vào khuôn mặt người để ta đối diện với cả thế giới. Trong thế giới này, con người, dù màu da có khác nhau, chính kiến có khác nhau nhưng vẫn cần phải luôn nương tựa vào nhau để sống. Con người là con người thế giới lớp lớp kế tiếp nhau, là nhân quả của nhau khăng khít trong kiếp luân hồi. Có khi nào ta - một mình soi vào khuôn mặt người để ta đối diện với chính mình, để đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao ta có mặt ở hiện tại, trong cõi phù sinh? Ta – khi một mình mới hiểu sâu về nguồn cội, ta sinh ra ở đâu, như thế nào?

ta sinh  ra nơi cửa mở sông Hồng
nước rực đỏ cuồn cuộn dâng trào hùng tráng những bến bờ
nước phơi phới phập phồng cồn cào sinh lực [3-136]
soi vào khuôn mặt ai ta khám phá ra khuôn mặt Linh
...

khám phá ra bản chất đời sống phương Đông thung dung an nhiên tự tại của các hiền nhân quân tử của các tao nhân mặc khách của các tài tử thi nhân của các bậc lão làng trưởng họ thâm trầm phơ phơ tóc râu đại thọ [3-163]
Cũng có khi một mình ta đơn độc giữa hành trình đi tìm chân dung nàng thơ theo một cách riêng. Con đường độc hành bao gian nan khó lường trước. Có khi nhà thơ một mình nhập thân vào loài vật tuân theo quy luật 12 con giáp theo quan niệm của người phương Đông: Từ Tí, Sửu, Dần...Hợi. Nhưng 12 con vẫn chưa đủ, một mình ta còn có thể ở lại với chú chim hải âu bé nhỏ, là chú vịt tài hoa, là chú cá nhỏ nòng đong cân cấn, là con tôm ngúng nguẩy, là thủy tức loài sinh vật nhỏ nhoi nhút nhát, là con giun cần mẫn, là con sâu yếu ớt và mềm nhũn, là cái kiến bé nhỏ lầm lũi, là con ruồi bay rối rít, là con muỗi với đời sống vô cùng ngắn ngủi, là con giòi nhung nhúc trong đống phân trâu, là con dế mèn võ sĩ, là con cánh cam xanh biếc, là con bọ hung đen thui bóng lộn bẩn thỉu hiện hình của Lý Thông gian ác...Là những con không hề xuất hiện trong lục thập hoa giáp nhưng đều có số phận riêng của nó, lận đận...như số phận bao người tự quàng vào mình thành kẻ làm thơ.

Một mình, nhập thân vào con vật vẫn không nói hết, nhà thơ còn hóa nỗi cô đơn vào thiên nhiên. Đó là khi một mình ta như tia nắng mặt trời tưới nguồn sống xuống khắp thế gian, khi là ngọn gió tự do bay dài rộng hay bạt ngàn bay mênh mông bát ngát, khi là cái cây lúc lỉu quả vàng, khi là ngọn cỏ bao giờ cũng xanh mướt, khi là cây nấm bất ngờ rơi từ trời rơi xuống, khi ta là dòng nước trong vắt chảy đầm đìa, khi ta là hạt phù sa cuồn cuộn trôi nổi trên sông Hồng. Nhưng một mình, thật lạ, không gì hơn vẫn mang cảm giác rợn ngợp, khi đã là con người phập phù trong vũ trụ.

khi ta là con người
khi ta là bất cứ cái gì

chẳng hiểu sao trong vũ trụ bao la này bao giờ ta cũng là một cái gì đó nhưng bao giờ ta cũng không phải là nó [3-54]. Phồn sinh nói còn về vấn đề đối thoại và hòa hợp giữa phụ nữ với đàn ông. Phụ nữ với anh như que kem, mát lạnh và hấp dẫn, chứa bao điều vĩ đại. cơ thể phụ nữ chính là bí mật vĩ đại nhất của thế giới này [3- tr. 301]. trong thế giới này không có hành vi nào tuyệt vời bằng cưỡi lên lưng nhau cưỡi lên bụng nhau cắn đuôi nhau quấn quanh nhau không có hành vi nào tuyệt vời bằng hành vi đạp mái nhảy đực [3-tr.307]. Nhiều phát ngôn về phụ nữ nhẹ nhàng, trân trọng, chan chứa yêu thương, nhưng cũng có những lúc dữ dội:

đàn ông là thần dược của đàn bà
đàn bà là thần dược của đàn ông
đàn ông bao giờ cũng là bã thuốc của đàn bà
đàn bà bao giờ cũng là vực thẳm chôn sống tất cả đàn  ông [3-396]

nơi nào nhiều đàn bà đẹp đàn ông ở đó bao giờ cũng là chó má trau bò ruồi nhặng giun dế giòi bọ ma quỷ [3- 362]

Phồn sinh còn bàn về sự thông minh của con người, về chiến tranh, đao phủ thời hiện đại, về thiện ác, về đạo đức học, mỹ học, khoa học, triết học, văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, chính trị, tôn giáo...theo cách nhìn của người làm nghệ thuật. sự thông minh và vĩ đại của những con người hiện đại đang hàng ngày hàng giờ đưa nhân loại đến tự hủy diệt mình có phải trong triệu triệu năm vẫn xoay của trái đất nhân loại vẫn loanh quanh một vòng tuần hoàn tột đỉnh  giầu sang sung sướng đó cũng là khởi điểm con đường tất yếu tuyệt diệt nhân loại đã trải qua nhiều lần được sinh ra và nhiều lần tự mình hủy diệt [3-247]

ta chợt hiểu ra đã hàng ngàn năm nhân loại xưng danh con người nhưng nhân loại vẫn luôn hiện nguyên hình một loài thú dữ [3-267]
trên thế giới này chưa có loài dã thú nào ác hơn hơn loài thú tên người [3-270]
hạnh phúc bao giờ cũng giống nhau nhưng các xứ sở khác nhau các dân tộc các xã hội khác nhau rất khác nhau về hạnh phúc
hạnh phúc chỉ là một nhưng cái kiểu hạnh phúc của mỗi con người mỗi dân tộc mỗi nền văn hóa lại khác nhau
hạnh phúc chỉ là một nhưng mỗi người lại có  một hạnh phúc
không có hạnh phúc chung cho tất cả mọi người [3-295]
ở đâu trên thế gian này cũng vang lừng khúc ca tinh cha huyết mẹ
chẳng có gì hùng vĩ hơn cha
chẳng có gì diệu kỳ hơn huyết mẹ [3-315]...

Và trong thời khắc chọn một mình ở lại, anh đã phải thốt lên:
hỡi con người hãy kính trọng tôn vinh nhau đúng như con người [3, tr 320]

Phồn sinh còn nói về quy luật tự nhiên, ghi nhận, đồng thuận với quy luật tự nhiên. Thừa nhận tự nhiên tồn tại vĩnh hằng trong không gian và thời gian đời người. Câu thơ quy luật của tự nhiên là quy luật vô cùng tiết kiệm [3-331] được nhắc lại nhiều lần đầy ẩn ý:

con người buồn cười thật
thế giới này có nghĩ gì đâu
cái gì có là có cái gì không là không
cái gì có là không cái gì không là có
ngay cả không và có cũng chỉ là cảm giác của ta [3-tr.332]
quy luật tự nhiên muôn đời là tiết kiệm [3-tr.336]
quy luật tự nhiên muôn đời là tiết kiệm [3-tr 341]

Con người trong phồn sinh là con người cá thể soi mình vào xã hội, vào cái ngoài mình để nhận diện đúng mình. Con người với nỗi cô đơn bản thể luôn biết cách tự nhận diện mình trước các giá trị phổ quát của nhân loại để khẳng định rõ hơn về mình, ý thức về giới hạn của mình và nỗ lực vượt lên giới hạn.

mỗi chúng ta chỉ có năm mươi phần trăm để tồn tại trên đời
còn năm mươi phần trăm kia là thuộc về người khác [3-341]

Phồn sinh ẩn chứa năng lượng của thế giới reo gọi, những năng lượng tương đồng trong chính con người khi đối diện với bản thân mình. Đó cũng là thông điệp của một triết gia trong hành trình luận giải sự vô thường của thế giới, sự hiện sinh của cõi người, sự tồn tại của mọi sinh linh.  

sự thông thái bao giờ cũng là kẻ thù của đám đông [3- tr.368]
ta chỉ là một triết gia nửa đời nửa đạo
một thi nhân nửa tỉnh nửa mê
một nam nhi nửa đàn ông nửa đàn bà một con đực nửa già nửa non [3- tr.392]

Trong hành trình dằng dặc cô đơn ấy, nhà thơ trở về bản thể của chính “ta”. Phồn sinh như thế đã được viết bằng cảm xúc, bằng hơi thở, bằng nước mắt và cả máu. Phồn sinh còn mang hơi thở dung dị của cuộc sống, gần với sự bắt đầu của  châu thổ Sông Hồng. Nhà thơ, nếu là nhà thơ chân chính thì muôn đời, vẫn còn luôn ở đó, sông Hồng vẫn cứ trôi! Và anh vẫn một mình, cô đơn ở lại trong ngôi nhà ngôn ngữ hữu thể!

ta đã viết bản trường ca phồn sinh bằng chính sinh mệnh của mình
bản trường ca phồn sinh đã viết ta bằng chính thiên mệnh của ta
không viết bản trường ca phồn sinh nghĩa là ta không hề sinh ra trên mặt đất
viết bản trường ca phồn sinh rồi không biết ta sẽ sống trong thời đại của ta thế nào [3-tr.709]
đi đâu rồi cũng trở về nơi mình ra đi
trở về nơi mảnh đất cửa biển ven sông quê cha đất tổ [3- tr. 622]
đi đâu rồi cũng trở về ngôi nhà của mình [3- tr.137]
hạnh phúc biết bao nếu những người còn là con người [3- tr.673].

Một mình ở lại, suy tư, đặt lại đề vấn đề truyền giống, sinh sản, giao hoan, hôn phối, đàn ông, đàn bà... tất thảy. Thơ Nguyễn Linh Khiếu không chỉ có khả năng truyền lực sống theo nghĩa giống nòi (sinh sản đó là giá trị của mọi giá trị)[3- tr. 679], mà còn ăp ắp năng lượng tinh thần, tính nhân văn, chuyển tải nhiều thông điệp về đạo làm người trong xã hội...Phồn sinh còn là sự cố tình sắp xếp các kiểu ngôn từ theo cách mạch đồng hiện cảm xúc. Các cấp độ từ đứng cạnh nhau ở nhiều dạng thái: khó hiểu – dễ hiểu; đơn nghĩa – đa nghĩa, sang trọng – bình dân; có học vấn – không học; có khả năng sống – hiện hữu của sự chết...Hình như ngay lúc cầm bút, tác giả không có nhu cầu được người đọc hiểu mình. Phồn sinh vì thế đã “thật thà” giúp nhà thơ ghi lại cảm xúc, giải tỏa ẩn ức, giải phóng năng lượng ngôn từ chất chứa bao lâu, bao năm chưa nói ra được với mình. Đây cũng là những dòng tự thuật tâm trạng nhất, không ngại, không sợ, là chính mình trong phồn sinh tư tưởng. Một mình ở lại, vắng vẻ, chót vót trên đỉnh đồi tư duy. Một mình tự thay đổi các dạng thế: đứng đầu, bơi lên trên, lặn xuống đáy, bay trên, tắm dưới, ngồi nhìn từ xa, lại gần... để cảm nhận sự biến ảo diệu kì của thế giới ngôn từ. Dòng sông ấy không còn là châu thổ mà đã hóa sông thơ, dòng phồn sinh trong cảm xúc của thi sĩ đa tài. Không cần đức tin vào một tôn giáo duy nhất, không cần nhà thờ, không cần không gian cầu nguyện linh thiêng của giáo đường nhưng Linh Khiếu đã như là một vị giáo chủ truyền “đạo đời” phồn sinh lạ, quyến rũ. Thơ anh vì vậy có khi mộc mạc, giản đơn, có khi phức tạp, du dương như tiếng hót của một loài chim lạ. Là loài chim không cần tên tuổi trong vũ trụ bao la, hiếm khi phô trương thân hình, chỉ hiện diện khi cất lên tiếng hót trong trẻo. Xét về mặt ngôn từ, thơ anh vừa có sự sáng tạo, vừa có sự hủy diệt ngôn từ vì khả năng sản sinh từ mới trùng điệp. Lối tư duy triết học hiện sinh, vừa thừa nhận cái ngẫu nhiên và tất nhiên, vừa là sinh mệnh vừa là thiên mệnh, vừa tốt tươi, trẻ trung, ngây thơ, vừa khô héo, xù xì, từng trải... đều có trong thơ Nguyễn Linh Khiếu. Cũng như đã có lúc anh tự nhận mình là con của nhiệt đới gió mùa, của mặt trời quanh năm đỏ tươi nồng nàn bỏng cháy, là đứa con của trung tâm mưa giông bão tố, con của vành đai động đất sóng thần đất núi lửa...nhưng hơn tất cả, xem ra tự hào nhất với ông vẫn là ta – một mình trong vị trí người con trai lịch lãm ở lại với châu thổ sông Hồng luôn cồn cào rạo rực giàn dụa phù sa.

Thơ Nguyễn Linh Khiếu đã “khoe sắc” từ những điều giản dị. Không tô vẽ rực rỡ, nhưng không chấp nhận kiểu thơ thiếu dụng ý của kỹ xảo của hình thức ngôn từ, cũng không chủ ý chuyển tải đạo đức nặng nề như thơ truyền thống mà nhẹ nhàng đưa đến cho người đọc những ngẫm ngợi sâu xa về lẽ đời, về triết lý sống. Đọc thơ anh vì thế phải ngẫm “ngẫm mà xanh”. Bởi thơ Nguyễn Linh Khiếu trước hết là nhật ký của cảm xúc tâm hồn, cồn lên nỗi nhớ và nhớ, đồng vọng về quá khứ với khao khát yêu thương và hướng đến tương lai với những hành vi sống đẹp. Lược bớt hoàn toàn hình thức câu thơ truyền thống ở cách ngắt dòng, không sử dụng dấu câu, Phồn sinh buộc người đọc phải theo dõi liên tục mạch cảm xúc của tác giả đôi lúc đến mệt mỏi, muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên phồn sinh có nhiều chương, nhiều câu thơ mang tính hài hòa về âm điệu khá rõ nên luôn tạo hứng thú cho người đọc cùng đồng hành sáng tạo với nhà thơ trên hành trình đến với chân trời châu thổ. Nhà thơ đã tận hiến, mê say, nâng niu từng khoảnh khắc sống, từng phút giây có mặt trong hiện tại. Những chuyến đi, những buổi gặp gỡ ân tình sâu nặng, cũng như những khoảnh khắc gặp gỡ ngắn ngủi vì công việc, vì hoàn cảnh, vì nhiều lí do, anh đều trân trọng, nâng niu như những báu vật. Đó là phong cách riêng của thơ cũng như trong cuộc sống của Nguyễn Linh Khiếu. Những điều bình dị trong cuộc sống được anh làm mới thêm trong thơ bằng trái tim nhạy cảm của thi sĩ. Giản dị cũng là phần thiết yếu tạo nên con người anh, nuôi dưỡng cuộc sống hiện tại của anh trong tình thân ái, chan hòa với mọi người. Thơ Nguyễn Linh Khiếu có nói đến nhiều chủ đề khác như tình người, tình yêu, lẽ sống, tồn tại của xã hội, sự biến dịch của vũ trụ, hiện tồn của không thời gian…, nhưng đọng lại trong lòng người đọc là lời cảm ơn tình nghĩa của tác giả đến tất cả những người luôn yêu quý mình, hiện hữu bên mình, và cảm ơn cả những người khác mình, chưa thích mình, “lúc hiện hữu, lúc không”. Với anh, hiện hữu của tất cả họ đều luôn quan trọng, luôn có trong ký ức của anh để giúp anh hiểu, anh lớn thêm, để làm một con người đúng nghĩa. Dù những kỷ niệm có làm anh hạnh phúc hay đớn đau cả tâm hồn lẫn thể xác thì đó cũng là những phần thiết yếu cho anh có những bài học sống trải quý giá trong cuộc đời. Dù đã có lúc cô đơn đến cùng cực, không sẻ chia được đến phải lặng im, nhưng lặng im của anh là kiểu lặng im cồn cào đáy biển để chuẩn bị cho những đợt sóng dữ dội, sự “lên men” của thơ. Con người sống trong đời là vì khao khát điều gì đó chưa làm xong. Sẽ hết lí do để sống nếu không còn biết khao khát! Thơ anh giúp người đọc hiểu rõ trong tận cùng nỗi cô đơn khắc khoải, con người vẫn phải biết cách sẻ chia để được bình yên, được sống tận hiến, sống có nghĩa với cuộc đời. Tôi chợt nhơ câu thơ của Nguyễn Trọng Hoàn, (không biết vô tình hay hữu ý) như là tâm giao với Nguyễn Linh Khiếu Người ta khổ là do không cháy được/ Dù cháy vì vui hay cháy vì buồn! (Hình như). Phồn sinh cũng không phải là lời than thở khao khát giành quyền sống như thơ ca Việt Nam truyền thống một thời, mà là sự tự nhận thức bản thể tự cô đơn. Đó là nỗi cô đơn một mình đối diện, gắn liền với thân phận, luôn trăn trở với khát vọng sống, khát vọng giao cảm trong thế giới của chủ thể trữ tình. Cuối cùng, đọng lại với người đọc vẫn là màu sắc triết luận đa chiều trong thơ, nỗi niềm khắc khoải của thi sỹ về phận người cô đơn trước vũ trụ vần vũ, như có lần anh đã từng ngẫm ngợi: Trong cuộc sống, không phải tất cả ra đi là sẽ hết, có những lúc ra đi nhưng không có gì biến mất. Tiếng chim thiêng đâu đó vẫn vang vọng ngàn năm luôn thôi thúc các thi nhân. Đôi khi chỉ mình ta và hoa mưa vời vợi biển trời (mưa rơi dọc Cam Ranh) [2, tr 40].


[1]. Beijing - Lá phong vàng, (tùy văn) Nxb Hội Nhà văn, 2018
[2]. Sa hồng, (thơ và trường ca) Nxb Hội Nhà văn, 2018
[3]. Phồn sinh, (Trường ca), Nxb Hội Nhà văn, 2018

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021