SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

Nhật ký rời

Nguyễn Thị Việt Hồ

1.

Tôi đang nghĩ gì? Không nghĩ gì cả! Chỉ thấy trống trơn trong từng ý nghĩ, trong cái đầu luôn đầy ắp từng con chữ mà nhiều lúc muốn thoát ra sao khó vô biên.

Những buổi chiều nơi đây có khi vắng lặng đến không ngờ. Tôi thèm được ra đường đi loanh quanh đâu đó như thuở tóc còn xanh, lòng còn ngổn ngang những hoài vọng sân si song cái đầu vẫn còn tỉnh táo lại cười khẩy một cách nhạo báng "..xưa rồi Diễm ơi.." Chết tiệt thật!.

Khi bạn sống trong một khung cảnh mà nó làm gợi nhớ đến ít nhiều xưa cũ, thật sự bạn dễ lạc lòng lắm đó, không thì bạn cũng ưa lẩn tha lẩn thẩn với mấy điều trời ơi đất hỡi, những hoa hèn cỏ mọn... Vậy mà có khi chúng làm bạn se thắt cả lòng chứ chẳng chơi.

Để giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi vẫn còn mới mẻ là chuyện không khó song cũng không dễ.

Bạn biết không? Tôi vẫn sẽ yêu và nhớ một cây như Phượng Vỹ chẳng hạn, vì nó nở hoa đỏ rực gợi nhớ những mùa hè xưa cũ.Rồi cái quán ven đường, nơi đó người ta bán đủ món ăn chơi cho cái bọn học trò thuở ấy, sau nữa là cánh đồng lúa trải dài từ con đường đi lên thành cổ Diên Khánh, mà hồi ấy, những chuyến xe lam hay xe thổ mộ luôn là niềm thích thú được ngồi lên và thấy con đường sao mà xa thăm thẳm, cứ như là Con Đường Cái Quan (*) vậy.

Thời tuổi trẻ thấy cái gì cũng xa, cũng lớn, song lại hăm hở luôn muốn lên đường khám phá.

Giờ tuổi già thấy chỗ lớn đã không còn lớn, chỗ xa lại gần hoặc không còn xa mấy nữa, song cuộc đời lại bó rọ, quẩn quanh tới lui một chỗ. (Thiệt là bi kịch..hic..)

Bởi vậy nên tôi cứ phải xa lạ với mấy bức tường, mấy cái lan can có những tấm lưới bao quanh, nơi những căn hộ cao tầng, cho dù tôi đã sống ở đó cũng khá lâu, vì tôi chắc rằng những bức tường, cái lan can hay cái bãi đậu xe ấy chẳng có gì để nhớ, để kể. Còn cái cây, cái quán ven đường hay cánh đồng lúa thì có. Có chắc luôn nếu bạn sinh ra trong thành phố ấy, cái thành phố cho dù đã xa lạ trong trí tưởng những người ở xa song những câu chuyện thì vẫn còn đọng lại trong ký ức không xóa được. Có chăng, chỉ nhạt nhòa đi thôi.

Tôi sống hơn nửa đời ở Sài Gòn, và rồi chuyển qua một vùng vẫn còn "nửa thành thị, nửa thôn quê, nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông..." (**) Tôi hẳn, hay nghĩ vậy cho đời bớt nhạt.

Nhớ những ngày mới sang, tôi hay đạp xe đi vòng vòng trên những con đường, mà tôi thấy sao nó giống y bong mấy con đường nơi xóm cũ. Có hôm, trong lúc đạp xe, tôi gần như ngẩn người khi bắt gặp hình ảnh một bà cụ ngồi vén áo phơi tấm lưng già lốm đốm vết đồi mồi, cạnh bà là con mèo đang lim dim ngái ngủ.

Con đường tôi đạp xe qua hay có những chị bán rau hoặc trái cây từ trong đất và nhà của họ. Có hôm tôi mua một ký chanh mới hái còn cả lá lẫn cành.Cầm nhánh chanh, tôi hít lấy mùi thơm của lá và tôi biết nó được trồng từ đâu? Từ một cái nhà hay cái chòi thì đúng hơn. Đó...đó... Chị bán chanh đưa tay chỉ cái vườn xa xa, nơi có đám cây cối lẫn trong đám cỏ... và rồi chúng tôi nói về mấy cây chanh, miếng đất và căn nhà chòi của chị.

Buổi sáng, khi cắt chanh uống mật ong thì trái chanh của tôi nó đã có một câu chuyện. Nó không như những trái chanh tôi mua trong siêu thị, bóng loáng sạch sẽ tinh tươm chứ không bụi cỏ dính vào, cũng không cành cọ lua tua, nhưng đằng sau nó vẫn là một câu chuyện, một mối quan hệ, mà tôi thấy mình được cho hơn là được nhận.

Tất cả chúng ta rồi dần dà sẽ trở thành xa lạ. Hay chỉ còn là một người tiêu thụ đúng nghĩa trong một xã hội thực dụng. Nơi ấy, có thể Bạn và Tôi đều trở nên nghèo dần đi những cảm xúc, và buồn bã vì ở trên một quê hương xa lạ, nơi mọi thứ đã đánh mất đi câu chuyện của mình.

2017

2.

Cô cứ ngồi nguyên thế suốt buổi sáng ngắm đường ngắm phố, và để cho những chuyển động của phố xá ùa vào đầy mình.
Cô tự biết rằng mình đã già."Ngựa già đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương.." (TCS) Cả một đời đã trôi qua. Phải! Thời gian đã trôi qua nhanh đến khiếp đảm. Và giờ đến lượt cô ngồi trên chiếc ghế đã bạc màu thời gian như cô vậy, nhìn O cháu tung tăng bơi lội trong làn nước tràn ngập ánh nắng mặt trời.

Cô đã có hạnh phúc hay không? Cô gẫm lại tất cả những năm tháng ấy. Làm sao để cân lượng hay đong đếm được một đời người, đầy niềm vui và nỗi sầu kế tiếp nhau? Cô đã mất những người thân thương như cha cô, anh trai, mệ ngoại, và giờ là mẹ cô. Cô đã nếm trải những buồn đau ấy. Nhưng cô vẫn còn hai O gái và một O nhỏ xíu xiu bên mình.Liệu điều đó có đủ để bù lại sự thiếu vắng và mất mát tuổi hoa niên.

Cô thấy cái thời đó sao mà xa thẳm, như là một cuộc đời khác vậy. Cô đã bỏ bao năm để gầy dựng lên thế giới cho người thân, chứ không phải cho cô. Ngày và Đêm. Những cuộc đời được gầy dựng một cách từ từ, kiên nhẫn, với sự bền bỉ và hỷ xả quên mình... và cuối cùng, khi nó đã đứng vững thì cô lùi lại, dấu mình vào sự trống rỗng. Một cái gì đó đã vỡ? Cô còn có thể nói chi nữa?

Cô không biết mình được nặn bằng chất gì? Song cô đã rắn rỏi, đã kiên trì, mà không hề muốn thế, cũng không hề nghĩ tới. Cái đó gần như ngoài tầm kiểm soát của cô. Có cái gì đó bên trong cô, bám trụ và đứng vững. Vâng ! Cô tự bám trụ đỡ ngay chính mình. Dù sao, cô cũng đã từng hạnh phúc và mệt nhoài. Hạnh phúc của cô dường như nảy sinh từ những mệt nhoài đó. Có vẻ đôi khi khả năng tự bám trụ để đứng vững với bản thân chúng ta là không có giới hạn?

Khu vực quanh bờ biển nơi đây cô biết rõ từng ngọn ngách, nay chỉ còn gói gọn trong hoài niệm, cũng như những hồi ức về những gì cô đã trải qua nơi đây. Ký ức đã bóp méo khung cảnh hiện tại. Và mỗi hình ảnh mới giờ đây đã trở thành một bức tranh hỗn độn.

Này những tòa nhà cao ngất ngưởng như thi đua cùng nhau. Những cụm bê tông và kính màu che khuất hết cả tầm nhìn ra biển trời xanh ngắt xưa nay như cô đã từng biết. Nó phô trương kệch cỡm như một bức tranh toàn cảnh gớm ghiếc và để lại trong cô những chán ghét phiền não.

Trong âm thầm, cô muốn nhanh chóng rời bỏ vùng đất từng được xem là quê nhà, bỏ lại cái quá khứ thơ trẻ đầy rủi ro bất trắc. Nơi mà các chị em cô vẫn an phận dưới những táng lá phủ lên ngôi nhà, lên cuộc đời họ.

Trong một khoảnh khắc chua cay, cô thầm nghĩ: "hiện thực bên ngoài suy cho cùng, cũng không hẳn là ở bên ngoài, vì thật sự khi bên trong nó đã rỗng tuột"

J.Steinbeck từng viết trong cuốn Tôi, Charley & hành trình nước Mỹ của ông:

"...Thị trấn của tôi đã phát triển và thay đổi. Và cùng với nó là những người bạn của tôi. Giờ đây khi trở lại, tôi đã thay đổi với bạn bè, giống như thị trấn đã đổi thay với tôi. Tôi đã bóp méo bức tranh về họ, làm vẩn đục những ký ức của họ. Lúc tôi đi khỏi nơi đó cũng là lúc tôi chết. Do đó nó đã trở thành cố định và không thể đổi thay trong tôi..."

Tom Wolfe đã nói đúng,
"Bạn không thể về lại nhà vì nhà đã ngưng tồn tại, chỉ còn đọng lại trong những xó xỉnh của ký ức mà thôi"

Vậy thì, cô không thể về, để tìm lại một thành phố chỉ còn trong trí tưởng của những ngày xa xưa.

(Những ngày cuối tháng 5 ở Nhatrang)

3.

Cô độc là cảm giác như khi đứng ở cửa một con sông lớn vào một chiều mưa nhìn dòng nước trôi ra biển. Bạn có khi nào làm thế chưa? Đứng hay ngồi ở cửa một con sông lớn nhìn dòng nước để nghĩ về cái hữu hạn của kiếp người.

Tôi luôn mê mẩn những dòng nước, những sông, những suối và luôn thấy mình ở trong ấy. Cảm giác có khi choáng ngợp, song có khi nó làm tôi buồn vô hạn hơn bất kỳ thứ gì khác. Nó giống như khi bạn đang ngồi trên một chuyến tàu đêm băng qua những làng mạc, thôn xóm, rồi bắt gặp ánh đèn leo lét bên khung cửa một ngôi nhà còn sáng, rồi thoáng chốc nó lại chìm sâu vào đêm tối rồi biến mất, nghe thoảng như tiếng thở dài của làn gió vừa vụt qua. Nhưng cái khoảnh khắc chỉ trong chừng "sát na" ấy, nó cũng đủ làm bạn ấm lòng, cho dù màn đêm vẫn là những tiếp nối không ngừng trong chuyến hành trình đơn độc.

Tôi luôn có cảm giác kỳ lạ là không hề có khoảng cách giữa chính mình với cây cối, sông suối, núi non... Điều này không thể tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi phải có sự trau luyện, mà người ta không thể trau luyện các thứ như thế. Song tôi lại hay có những tách biệt với một số người trong đám đông đang hiện hữu quanh tôi. Không phải tôi cố tình tách biệt hay xa lánh họ, nhưng giống như con nước ngoài sông đôi khi hay có những dòng rẽ ngang bất tử mà không báo trước, cũng không hẹn không chờ. Nó cứ thế rẽ ngang, rẽ dọc, xoay xở tới lui, rồi khi gặp một dòng khác, nó tự động lách ngang và cứ thế trôi mãi, không dừng lại được.

Chúng ta đi, đi mãi và hy vọng sẽ tìm thấy con người thực mà mình đã đánh mất đâu đó trên đường. Song có biết đâu rằng ta chẳng hề mất, nó vẫn hiện hữu đâu đó nơi góc sâu thẳm được gọi là ký ức.

Những lúc lang thang một mình ở một nơi như thế, ngắm nhìn dòng nước đang lặng lờ trôi, hơn ai hết, tôi hiểu mình đang thong dong như thế nào? Và tôi không hề phiêu bạt như người người vẫn nghĩ.

Trong cuộc đời đôi khi với ta, nó thật giống như những đường hội tụ ảo, với những chân trời mơ ước đã mất. Thế nên, ta dệt lại những kết nối, cố biến chúng thành những gặp gỡ mà nếu may mắn, sẽ trở nên vững chắc hơn, giống như dòng nước khi hòa vào một dòng khác để cùng trôi về một hướng.

Phải rồi, những dòng nước, những sông suối không chỉ đơn thuần là nơi ẩn náu cho những người lu bu, mà còn là khoảng đời còn lại của kẻ mang hai cuộc đời trong một thân xác chẳng giao nhau tí nào.

Và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn với đầy đủ những nốt thăng trầm, buồn vui trong cõi tạm này, như đã từng vốn thế.

Tháng 1, 2021
(trích từ Sẽ Có Một Nơi Như Thế của Tôi)

Nguyễn Thị Việt Hồ


(*) Con Đường Cái Quan, một bài trường ca của NS Phạm Duy
(**) mượn câu trong Bài Bán Ca của Lý Mật Am.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021