SỐ 89 - XUÂN TÂN SỬU - THÁNG 1 NĂM 2021

VÀI SUY NGHĨ VỀ TUYỂN TẬP THƠ:
NỐI HAI ĐẦU THẾ KỶ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở NGA

Trước đây gần hai chục năm, tôi có được đọc tuyển tập thơ của người Việt ở Hoa Kỳ, và gần đây là: Thơ người Việt ở Đức, cùng tuyển tập: Nối Hai Đầu Thế Kỷ của người Việt ở CHLB Nga. Mỗi tuyển tập đều có những đặc điểm, tính đặc trưng riêng biệt. Có lẽ, do hoàn cảnh xã hội, tư tưởng của tác giả, cũng như biên tập khác nhau chăng? Nên mỗi tuyển tập đều cho tôi những cảm xúc khác nhau.

Cũng từ điều kiện lịch sử, xã hội ấy, dẫn đến tác giả tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ, dường như phần lớn là các nhà thơ tên tuổi, trí thức, sinh viên, công nhân lao động cùng xuất thân từ miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, ta có thể thấy, xuyên suốt 600 trang thơ của 132 tác giả hầu như đều né tránh những vấn đề gai góc có tính thời sự xã hội, và thân phận của đất nước, con người. Có chăng chỉ lọt được vào tuyển tập chỉ vài ba bài của Nguyễn Đình Tâm, Trần Văn Thi hay Trần Mạnh Hảo. Thiếu vắng cái khoản này, có lẽ cũng tại bởi chủ biên, nhà thơ Châu Hồng Thủy. Dù ông đã sinh sống học tập, và làm việc ở Nga rất lâu rồi, song vẫn không thoát ra khỏi sự ràng buộc, tiêu chí, định hướng của cái Hội nhà văn ở trong nước chăng? Bởi, trong ban tuyển chọn, ngoài Nguyễn Huy Hoàng, ta thấy còn có cả Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn ở trong nước hiện nay. Theo tôi được biết, còn một số tác giả đã và đang sinh sống ở Nga có những bài thơ rất hay về đề tài xã hội và thân phận của con người không được tuyển chọn vào thi tập.  Có lẽ, cái hạn chế cùng một tiếng gáy, một chất giọng này, làm cho tuyển tập hơi bị đơn điệu.

Bên cạnh những nhược điểm đó, song ta có thể thấy, Nối Hai Đầu Thế Kỷ là thi tập dày dặn, lực lượng viết hùng hậu, quy tụ được những nhà thơ, trí thức tên tuổi tài năng, chuyên nghiệp, lời thơ trau chuốt, mang tính nghệ thuật cao.  Thật vậy, Con tàu thời gian của Châu Hồng Thủy là một bài thơ như vậy. Nó là một trong những bài thơ hay nhất trong tuyển tập này. Với hình ảnh so sánh ẩn dụ, Châu Hồng Thủy đã mượn sân ga con tàu để vẽ ra cái vòng sinh tử của con người. Lời thơ tuy dân dã, mộc mạc, song làm cho người đọc chợt nhận ra cái hữu hạn của cuộc sống, cùng sự tiếc nuối trong cái nghiệt ngã của thời gian. Cảm ơn nhà thơ tài hoa Châu Hồng Thủy đã cho (hồn) tôi một khoảng lặng khi đọc bài thơ này:

“Ta lên tàu ở nhà ga Hộ Sinh
Những tiếng oa oa đầu tiên tựa hồi còi xuất phát
Người cầm lái vô hình, con tàu đi dích dắc
Theo đường ray định mệnh của riêng mình.
                      
Địa điểm tháng năm và giờ phút khởi hành
Giấy khai sinh của ta thành chiếc vé
Ta đã qua 40 ga Quá khứ
Còn bao nhiêu ở phía trước Tương lai?...“

Tình yêu nước Nga, và nỗi nhớ đất Việt quê hương là đề tài xuyên suốt thi tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ. Nó như sợi dây nối đôi bờ Nga Việt vậy. Nếu nỗi bâng khuâng khi phải tạm biệt nước Nga của Nguyễn Đình Chiến được trộn vào cảnh vật, thiên nhiên với lời thơ tuyệt đẹp: “Đàn sếu sắp về nam có phải/ Mặt hồ dâng sương khói quá êm đềm/ Con đường vắng bao giờ ta trở lại/ Mùi lá sồi đã dậy dưới sương đêm“, thì trong cùng hoàn cảnh, tâm trạng ấy, nhà thơ Thụy Anh đã ủ tình yêu, nỗi nhớ thương vào trong đêm, vào giấc mơ của riêng mình: "Trăm ngàn lần mà chưa hết nôn nao/ Bao rung động vẫn vẹn nguyên tươi mới/ Tình yêu này muốn mà không thể nói/ Chỉ trái tim trong giấc ngủ vẫn rộn ràng". Người trở về bùi ngùi day dứt. Người ở lại vẫn còn đó, một nước Nga mờ ảo, tuyệt đẹp đọng lại hồn thơ. Chiều Riazan, một bài thơ ngũ ngôn điển hình như vậy của Trần Đăng Khoa. Lời thơ nhẹ nhàng, giàu nhạc tính mang mang hồn cổ phong ấy, làm cho người đọc không khỏi bùi ngùi, xúc động:

“Bóng chiều đi êm ru
Trên những tầng tháp cổ
Có gì đang xôn xao
Trong khu vườn lặng gió
Thấp thoáng căn nhà gỗ
Nương hồn nước Nga xưa
Dòng sông trôi mộng mị…“

Khi Trần Đăng Khoa đi vào Chiều Riazan, thì hồn thơ Nguyễn Bùi Vợi trở về nơi quê nhà. Tình yêu, nỗi nhớ ấy tan vào khói lam chiều, hay tan vào trong em. Sự liên cảm (không chỉ ở trong thơ) của Nguyễn Bùi Vợi bình an, đẹp như nét vẽ trong bức tranh chiều vậy:

“…Anh ngồi viết. Chắc em đang nhóm bếp
Nên câu thơ thoảng vị khói quê nhà
Ghi đôi điều hôm anh về, em đọc
Mình gặp mình trong một chuyến đi xa…“
 (Viết cho em từ Matxcova)

Trở lại với dòng sông Nhêva, dường như Vân Long bồi hồi và tiếc nuối. Bởi, anh bây giờ đâu phải của ngày xưa nữa. Nhìn nước trôi chợt làm Vân Long nhớ về dòng sông cũ, một cảm xúc để thi sĩ viết nên Gợi Nhớ. Tuy không phải là bài thơ hay của Vân Long, cũng như trong tuyển tập, song nó điển hình về nỗi buồn trong cái đổi thay, mất mát của đất nước và con người: “Anh đâu còn là anh thuở ấy/ Nước Nga này đâu phải nước Nga xưa/ Dòng Nheva trôi, nước không trở lại/ Câu thơ bao rạo rực với sương mờ.. “. Cùng trong hoàn cảnh, tâm trạng ấy, nhưng dường như nhà thơ Phạm Quốc Ca không hề tiếc nuối, nhưng có một chút hoang mang, tự vấn. Vì vậy đọc Matxcova mùa xuân 1990 làm cho tôi nhớ đến tâm trạng của mình, cũng như toàn cảnh của nước Đức khi bức tường Berlin sụp đổ. Có thể nói, đây là bài thơ tự sự, với những hình ảnh như một câu hỏi tu từ, thuộc nhóm bài hay và toàn bích nhất của tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ: 

“…Đây năm tháng đổi thay, đổ vỡ
Đủ màu da tôi gặp ở Hồng trường
Dòng người viếng uốn một hình dấu hỏi
Lê-nin còn là chân lý soi gương?...“

Đến với Phạm Công Trứ thì cái ảm đạm, bi quan về đất nước và con người đã đi đến tận cùng. Thủy Mặc là một bài thơ, hay là một bức tranh được nhà thơ Phạm Công Trứ vẽ ra, cho người đọc một cảm giác chờn chờn, rợn rợn. Đây là bài thơ lục bát duy nhất viết về tâm trạng, hình ảnh bi thương, hiện thực nhất trong một tuyển tập có đến hơn 400 bài:

“Tuyết rơi trắng rợn chân trời
Trên cành cây cụt quạ ngồi rỉa lông
Con tàu trôi giữa mênh mông
Thấy tuyết, thấy quạ, mà không thấy người“

Sau Cơn Bão của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Tâm, nếu thoảng qua, người đọc ngỡ đó là bài thơ về thiên nhiên, cùng tâm trạng của con người sau cơn bão. Nhưng dừng lại một giây phút thôi, ta sẽ thấy được tư tưởng mang tính thời sự, xã hội của thi nhân. Thật vậy, với thi pháp nghệ thuật hoán dụ, Nguyễn Đình Tâm đã mượn hiện tượng thiên nhiên để bóc trần sự dối trá, và lưu manh của chế độ xã hội và con người. Bài thơ này được viết vào năm 1989, khi thi sĩ đang sinh sống ở Nga, chứng kiến cơn bão mùa thu quật đổ bức tường Berlin, và sự sụp đổ hoàn toàn CNCS ở châu Âu và Nga-Xô. Từ ngữ mộc mạc, đơn giản, song có thể nói, Sau Cơn Bão là một trong những bài thơ hay, và cho tôi nhiều cảm xúc nhất trong tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ:

“Đã tan hoang vườn tược, mái tranh
Sau cơn bão chẳng còn tin được gió
Dù một đời – hát ru cùng cây cỏ
Dù một thời – nâng bổng cánh diều bay.“

Vẫn chất giọng khi thì bi tráng sắc lạnh, lúc thì ấm nồng như xé ruột xé gan hồn người. Đọc Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc của Trần Mạnh Hảo làm tôi nhớ đến những: Tổ Quốc Của Tình Yêu, Đất Nước Hình Tia Chớp, Mặt Trời Trong Lòng Đất…của ông. Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc được Trần Mạnh Hảo viết vào cuối năm 1988, khi ông đang tu luyện gì đó ở Moskau. Một bài thơ về thân phận đất nước và con người được bật ra từ nỗi đau, nỗi xót thương quằn quại trong lòng người thi sĩ. Bài thơ nào cũng vậy, ngoài giọng điệu, chất trữ tình, cái hình ảnh ẩn dụ, liên tưởng làm nên hồn vía đặc trưng riêng biệt Trần Mạnh Hảo: “Người cày xới bằng xương suờn lấy máu mình gieo hạt/ Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu.“. Thành thật mà nói, đọc mảng thơ viết về thân phận đất nước và con người của Trần Mạnh Hảo luôn cho tôi cảm giác chờn chờn, rợn rợn, trong nỗi xót thương đến tận cùng. Nếu được phép chọn vương miện cho tuyển tập, có lẽ Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc là bài thơ buộc tôi phải nghĩ đến:

“…Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận neo người vào bóng Trường Sơn
Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn
Ngoài một lối vượt đá ngầm, dông bão?
Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo
Tổ Quốc tôi nằm ở đâu
Trên mùa gặt địa cầu?
Người cày xới bằng xương suờn lấy máu mình gieo hạt
Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu.
Loa Thành ơi, ai lường gạt Mỵ Châu?
Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc
Tổ Quốc tôi đau mà không dám khóc
Hoa cau cười nhoè nhoẹt áo nàng Bân...“

Dường như tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ chưa (hay không) chú trọng khai thác, tuyển chọn thơ ca về thân phận của những công nhân hợp tác lao động. Một thành phần phong phú, đông đảo nhất ở Nga. Bởi, đọc tuyển tập đến mấy lần, (vậy mà trên 400 bài, hình như) tôi chỉ tìm được bài thơ duy nhất về thân phận: Cô thợ may của Trần Văn Thi. Và cũng thật may mắn, Cô thợ may là bài thơ khá hay và rất chân thực. Tình yêu cha mẹ, gia đình, quê hương bao trùm lên sự hy sinh, vất vả, và gian nan của người công nhân hợp tác. Có lẽ, đặc điểm này của họ không chỉ ở Nga, mà ở Đức ở Tiệp cũng vậy, nó đi vào trong thơ làm cho cho người đọc phải giật mình, xót xa. Đọc bài thơ này, chợt tôi liên tưởng đến câu thơ thật xúc động của Châu Hồng Thủy. Không phải là công nhân hợp tác lao động, nhưng có lẽ khi viết những câu thơ này, Châu Hồng Thủy có cùng tâm trạng với Trần Văn Thi chăng?: "Tay úp mặt thầm thì trong gió tuyết/ Xin ngàn lần tạ lỗi mẹ Quê hương". Nếu ta đã đọc tuyển tập Thơ Người Việt Ở Đức, thì chắc chắn khi đọc Cô Thợ may của Trần Văn Thi sẽ giảm đi cái sự bất ngờ. Và cái xót xa, đồng cảm (của người đọc) cũng xoa dịu đi phần nào cái gian nan, cay cực ấy:

“…Có nhiều đêm bão tuyết mịt mùng
Ngồi trong xưởng gió lùa không đủ ấm
Nghĩ còn hơn những nơi bụi bặm
Chỗ sợi tơ máy chạy buốt đầu.

Viết thư về chẳng nỡ kể khổ đâu
Thương mẹ buồn, xót cảnh mình cay cực
Chiếc bóng lẻ loi đêm hôm khuya khoắt
Chốn đồng sâu lặn lội một thân cò.

Bốn năm trời… bao nỗi sầu lo
Niềm vui thoảng như hơi gió thổi
Đời xuất khẩu bập bềnh con nước nổi
Bốn phía mênh mông…  đâu là những bến bờ?...“

Có thể nói, người Việt ở Nga là một cộng đồng lớn, và có từ rất sớm. Nơi đó là chiếc nôi đào tạo ra nhiều các công nhân, trí thức, kể cả các văn nhân, nghệ sĩ cho đất Việt. Cùng với sự phát triển của cộng đồng, Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ở Nga ra đời là điều thiết yếu. Hội qui tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi, tài năng, và cũng là nơi ươm ủ cho nhiều cây viết mới ở mọi lãnh vực ngành nghề. Nhà thơ Châu Hồng Thủy là Chủ tịch hội hiện nay. Anh là nhà thơ tài hoa, và thẳng thắn. Nhận được tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ do anh gửi tặng trước đây mấy năm, lần lữa mãi đến hôm nay, tôi mới viết được mấy dòng cảm nhận. Đây là những suy nghĩ chủ quan của cá nhân của tôi, có thể là không đúng. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, nó không ngoài mục đích cho những tuyển tập sau của người Việt ở Nga đa dạng, phong phú hơn.  

Leipzig ngày 25- 12- 2020
Đỗ Trường

 

Những bài thơ hay trong tuyển tập Nối Hai Đầu Thế Kỷ

Con Tàu Thời Gian
       (Châu Hồng Thủy)

Ta lên tàu ở nhà ga Hộ Sinh
Những tiếng oa oa đầu tiên tựa hồi còi xuất phát
Người cầm lái vô hình, con tàu đi dích dắc
Theo đường ray định mệnh của riêng mình.
                      
Địa điểm tháng năm và giờ phút khởi hành
Giấy khai sinh của ta thành chiếc vé
Ta đã qua 40 ga Quá khứ
Còn bao nhiêu ở phía trước Tương lai?
            
Chỉ bậc tiên tri mới biết được  mà thôi
Đâu bến đỗ cuối cùng, đâu phút giây kết thúc
Khi mái tóc đã nhuốm màu gió tuyết
Ta mơ về ga cũ tuổi Hai mươi
                      
Cuộc đời ta không có vé khứ hồi
Tàu thời gian đi lạnh lùng, nghiệt ngã…
                              (Châu Hồng Thủy)

 

Đêm phương Bắc nhớ về Tổ Quốc
             (Trần Mạnh Hảo)

Mộ màu trắng rợn người dân tộc tôi chưa biết
Đang đối chọi gắt gao với màu than đêm
Nỗi nhớ tôi xin nhập vào bão tuyết
Bay qua nước Nga, vượt Trung Hoa gió bấc
Mưa phùn đêm nay có thổi rát mặt Người
Tổ Quốc ơi.

Nửa nước tôi giờ này cuốn trong rơm rạ
Biển dạ dày cồn sóng Thái Bình Dương
Tiếng mọt nghiến đêm kéo nhà đói võng
Từ đỉnh cao tập bước xuống đời thường
Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng
Số phận neo người vào bóng Trường Sơn

Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn
Ngoài một lối vượt đá ngầm, dông bão?
Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo
Tổ Quốc tôi nằm ở đâu
Trên mùa gặt địa cầu?
Người cày xới bằng xương suờn lấy máu mình gieo hạt
Nứt nẻ vết chân cò, chân vạc toạc đồng sâu.

Loa Thành ơi, ai lường gạt Mỵ Châu?
Dấu lông ngỗng tình xưa còn trắng tóc
Tổ Quốc tôi đau mà không dám khóc
Hoa cau cười nhoè nhoẹt áo nàng Bân.

Đâu nỗi nhớ nhà đứt ruột Huyền Trân
Đâu Tồ Quốc của nàng Kiều Kim Trọng?
Thế giới này quá rộng
Nhưng nỗi nhớ thương chỉ một chỗ đi về
Chỉ nơi mẹ mò cua bùn lạnh cóng
Lửa đói lòng dìm bóng mẹ vào đêm
Chỉ một chỗ em qua đò vịn sóng
Trăng xoà tay dừa ngóng móng chân thềm.

Đêm ai hát tôi nghe qua nửa vòng trái đất
Đêm tro bếp quê hương mầm lửa mạ hoen màu
Nghe gió bấc gọi mặt trời xa khuất
Tổ Quốc, xin Người đánh thức cả niềm đau.
                          (Trần Mạnh Hảo)

 

Chiều Riazan
(Trần Đăng Khoa)

Bóng chiều đi êm ru
Trên những tầng tháp cổ
Có gì đang xôn xao
Trong khu vườn lặng gió
 Thấp thoáng căn nhà gỗ
Nương hồn nước Nga xưa
Dòng song trôi mộng mị
Chết đuối trong sương mờ...
..Chiều như người mộng du
Đi về đâu chẳng biết
Lẽ nào nước Nga còn
Mà Xécgây lại chết..."
      (Trần Đăng Khoa)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021