SỐ 90 - THÁNG 4 NĂM 2021

 CON GIÁP THỨ MƯỜI BA

Ai đọc truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du ngoài nhân vật chính nàng Thúy Kiều, một nhân vật khác là Hoạn Thư cũng vang danh không kém, đến nỗi nhắc tên khiến người ta nhớ cái ghen sâu sắc của người vợ dành cho tình địch. Một lần đi ngang trước cửa vũ trường Bồng Lai, khi ghé qua thương xá Tam Đa tìm mua băng nhạc bỗng tôi vô tình nhìn thấy một phụ nữ ăn xin đầu lơ thơ khô héo gần trọc hết tóc, mặc chiếc áo cánh hở tay, chiếc quần ngắn ngủn để lộ thân thể gầy còm khẳng khiu. Tôi chỉ dám nhìn lướt nhanh gương mặt với chiếc mũi chỉ còn hai lỗ sâu hoắm, da mặt rúm ró, nhăn nhúm sứt sẹo không còn hình dạng dung nhan của người bình thường. Trước ngực người này mang tấm ảnh chân dung của một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp với mái tóc ngắn uốn quăn, đang kề vai cọ má mĩm cười cùng một người đàn ông trung niên. Trông thấy tấm hình khiến tôi nhớ lại câu chuyện nổi danh tường thuật trên báo chí làm rúng động xã hội hơn mười năm trước. Không cần giới thiệu lai lịch người trước mặt tôi vẫn biết đây là cô vũ nữ Cẩm Nhung, là nạn nhân bị vợ người đàn ông trong tấm hình chụp chung tạt acid trong cơn ghen. Cái ghen của Hoạn Thư trong truyện là cơn ghen diễn tả một cách nho nhã trong văn chương, tình địch là nàng Kiều không chịu nỗi đòn tra tấn tinh thần nên nửa đêm trốn đi khỏi nhà vợ chồng Thúc Sinh, so với đau đớn xấu xí bên ngoài của thể xác cô Cẫm Nhung hiện tại, đòn trừng phạt nào nặng nề hơn ?.

“Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen ?.
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình !!”.

Những năm sau này thời đại “bốn chấm không” facebook lên ngôi, có nhiều đoạn ghi lại từ phone tay được đưa lên mạng xã hội cho người xem tận mắt chứng kiến cảnh đánh ghen trong đó một đám đông đang đứng nhìn ba bốn người đàn bà chửi bới nắm tóc xâu xé quần áo một cô gái, thậm chí có người leo lên nhảy tưng tưng trước tấm kiếng trên nắp xe hơi, chận đường tình địch đang ngồi bên trong với chồng mình.

Mỗi thời điểm có những cách cư xử khác nhau, những chuyện xảy ra thậm chí đưa đến kết quả thương tâm thậm chí chết người khiến người ta không khỏi suy nghĩ và kết luận bằng cách tự hỏi người trong cuộc ai là kẻ bị tổn thất nhiều nhất !

Không biết từ lúc nào cái tên “Con giáp thứ mười ba” được in dấu, dán nhãn cho những cô gái hoặc phụ nữ chen vào đời sống hôn nhân của gia đình người khác. Có người vui ắt có kẻ buồn, người phá vỡ chiếm đoạt hạnh phúc người khác chưa hẳn là vui, cũng có người họ buồn tái tê rồi chép miệng than thầm đổ cho “số phận” chạy trời không khỏi nắng.

“Gẫm cho muôn sự tại trời. Trời kia đã bắt làm người có thân....
Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

oOo

Năm tôi lấy chồng bước chân về làm dâu, chị là người chị em bạn dâu đầu tiên duy nhất chính thức được cưới hỏi giống tôi trước đó bốn năm. Gia đình nhà chồng hơi ngạc nhiên vì sự trùng hợp của hai người con dâu, không những có cùng quê quán mặc dù không phải là bà con dòng họ, thời nay người ta gọi là đồng hương. Điểm giống nhau kế tiếp lại là cùng học chung trường trung học nổi tiếng ở Saigon, dĩ nhiên chị ra trường trước tôi và cả hai chúng tôi cũng đều là người ưa thích văn chương thi phú.  

Về nhà chồng điều khiến tôi sợ nhất là chuyện nấu ăn. Những ngày đầu có chị cùng làm dâu khiến tôi mừng như bắt được vàng, cả hai đều không có chồng bên cạnh bởi họ đang là lính xa nhà. Chị đã từng trong cảnh làm dâu trước tôi bốn năm nên nói :

– Kim mới về nên chưa biết nêm nếm thức ăn theo sở thích của nhà này khi nấu ăn như mình đâu.

Tôi trả lời :

– Em giao hẹn trước với chồng em rồi, lấy anh em phải được tiếp tục đi làm việc chứ không ở nhà. Em biết mỗi gia đình có cách thức nấu ăn khác nhau, khó thể vừa miệng. Em sợ lắm cảnh làm dâu giống trong quyển tiểu thuyết Đoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh. Chồng em nói thời buổi này với đồng lương lính nếu người vợ không đi làm thì làm sao sống thoải mái được. Trước khi lấy chồng sống trong gia đình em chỉ dọn dẹp, giặt giũ còn nấu nướng do bà chị ruột em phụ trách nên em rất dở về chuyện này.

Bây giờ ở nhà chồng tôi cũng sẽ như thế, vào bếp chỉ giúp rửa chén, nhặt rau. Vì vậy hai chúng tôi xem như rất hợp nhau khi cùng làm bếp, dịp này chị thủ thỉ kể tôi nghe nhiều chuyện của chị trong khi tôi đứng bên cạnh im lặng đứng nghe. Trước đó gần ngày cưới nghe chồng tôi phàn nàn chuyện người anh của mình đòi bỏ chị dâu. Anh nói sợ gia đình tôi biết sẽ không chịu cho anh cưới tôi. Câu “mua heo chọn nái cưới gái chọn giòng” không chỉ áp dụng riêng cho con gái mà ngay cả con trai đối với những gia đình theo nề nếp cổ giống như nhà tôi và nhà anh.

Cũng hơi lạ đáng lẽ trong hoàn cảnh chị phải chán nản, nước mắt ngắn dài buồn thê thảm. Đàng này sau mỗi câu chuyện kể chị đều cười vui giống như tôi là tri kỷ của chị từ lâu, giờ gặp lại được dịp thổ lộ. Mặc dù tôi cố tình tìm trong chị nét đau khổ nào đó nhưng tuyệt nhiên không thấy. Khi chị kể chuyện tôi có cảm tưởng chị đang trút bỏ một gánh nặng vô hình trong tâm tư đang đeo mang bấy lâu. Nét mặt vui vẻ lạc quan đến nỗi mẹ chồng nằm võng ngoài hiên gặp hai đứa dâu nói “mát mẻ” :

– Hai n

gười đứng trong bếp nói chuyện gì coi bộ hợp nhau vui dữ ha ?.

Tôi hết hồn may mà chúng tôi không ai nói gì động chạm đến những điều cấm kỵ thông thường của các nàng dâu.

Dần dà góp nhặt từ những câu chuyện chị kể tôi biết được ông anh chồng đang “già nhân ngãi non vợ chồng” với một bà chủ quán cafe ngoài miền Trung, gần hậu cứ binh chủng ông đang phục vụ với chức vụ là Bác sĩ quân y. Hai vợ chồng ở trong trại gia binh, chị với nghề nghiệp trình dược viên nên đi về Saigon và các thành phố thường xuyên. Chị nói :

– Khi khám phá ra anh ấy bị con “hồ ly” rù quyến. Mấy bà vợ trong trại gia binh kêu chị đi theo họ, chỉ cần có mặt chị thôi là đám đông họ sẽ “xử đẹp” con này. Một bà đang dạy môn lý hóa trường trung học thị xã nói “Bà Bác sĩ có cần tôi sẽ mang tặng bà một chai acid”.

Vài người vợ lính khác tố cáo mạnh hơn cho chị biết :

– Tui ở đây lâu tui biết con mẻ là me Mỹ bán bar ở đây mà, khi Mỹ rút đi con mẻ mới xáp qua lính Việt Nam. Chồng tui kể hôm kia ngồi uống cafe với mấy ông khác cũng là nha sĩ, dược sĩ, lúc đó không có chồng chị trong đám này, con mẻ rề rề xáp vô kế bên cạnh chồng tôi, tay khuấy ly nước của ảnh, chồng tui nói liền “chị có nhầm lẫn hay không, là tui chứ không phải ông ‘Dương’ đâu nghe chị”. Con mẻ quê quá đứng lên đi chỗ khác liền.

Dĩ nhiên trong chuyện vợ chồng khi một người đã rắp tâm phản bội thì có đủ lý lẽ, cách thức để chê bai người kia. Từ thuở sơ khai ông bà mình đã chẳng ví von như thế này sao :

“Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu đi.

Ca dao tục ngữ cũng có một đống thơ vè.

“Gió đưa bụi chuối sau hè. Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ.
Con thơ tay ẵm tay bồng, tay nào xách nước, tay nào vo cơm”

Nguyên do nặng nhất là anh đổ thừa chị không có con bởi lấy chồng bốn năm vẫn chưa nhúc nhích. Chị nói hai người đi khám nguyên nhân do anh chứ không phải chị. Dạo trước có ông thầy thuốc Bắc quen với gia đình chị cắt cho mấy thang thuốc cam đoan cho anh ấy uống xong là có kết quả, nhưng thời gian sau khi anh ấy uống cũng là lúc anh gặp “con giáp thứ mười ba” nên chỉ muốn có con với người kia thôi.

Chị còn tâm sự với tôi rất nhiều làm tôi hoang mang quá đỗi, tôi nói :

– Trời ơi, người anh như vậy ! Em sợ chồng em cũng giống thế thôi.

Chị đính chính :

– Chú ấy hiền lành hơn chồng chị nhiều, với lại đích nhắm là cái chức danh, địa vị Bác sĩ kìa. Con mẻ nói thích được mọi người cung kính gọi bằng “bà bác sĩ” thôi.

Điều xấu xa có thể gọi là đốn mạt nhất của người đàn ông một khi phản bội là vu khống chê bai vợ “mất trinh” với gia đình mình, khen đối thủ là còn con gái trinh nguyên. Trong khi cả hai anh chị quen nhau từ thời còn là sinh viên, là cặp đôi nhảy đầm ăn ý từng đoạt cúp trong trường đại học và anh đã từng hãnh diện về điều này.

Giọt nước cuối cùng tràn ly đổ tội cho chị có máu khùng điên bởi cứ lảm nhảm với chồng tối ngày. Ai cũng hiểu người vợ nào trong cơn ghen hờn cũng đều khóc lóc, chì chiết khiến người chồng thêm ghét bỏ không muốn gặp mặt.

Góp thêm tệ bạc đã vậy còn leo lẻo vu cáo chị kể xấu từng người trong gia đình để giành phần phải về mình. Dĩ nhiên chuyện giữa nàng dâu và gia đình chồng bao giờ cũng có mâu thuẫn, chỗ dựa duy nhất là chồng để người vợ tâm sự nhưng ác nghiệt thay yếu điểm đó đã trở thành tội lỗi được người chồng khai thác dẫn dắt người nghe :

– Nó nói xấu nhà mình là “ổ kiến lửa” đó má.
– Mỗi lần đi chơi chở nó rẽ về nhà nó nói “thôi rồi em lại trở về khám Chí Hòa” bởi tại nhà mình ở gần đường vô khám.
– Nó thách thức không cần mọi người trong gia đình chồng, chỉ cần có chồng thương là đủ.

Bởi vậy nhiều lần nghe má chồng tôi nói khơi khơi “Lấy chồng mà nói chỉ cần chồng, không cần gia đình thì sau này có chuyện xảy ra người ta không có bênh vực cho đâu”. Tôi biết ngụ ý dạy dỗ tôi nên ban đầu hai tai lùng bùng, sợ xanh mắt tôi phải giả vờ không nghe vì mãi làm việc nhà.

Nhưng má chồng tôi cũng có quan điểm cứng rắn, cho dù bênh vực con trai mình và bao che cho tội lỗi của nó đối với vợ. Bà vẫn thẳng thừng từ chối chuyện con yêu cầu bà đi cưới “Con giáp thứ mười ba” cho anh ta :

– Má đã cưới vợ cho con một lần rồi, đừng để bên sui gia người ta chê mình không biết điều.

Số tôi có phước đức ông bà để lại nhờ vào chuyện lùm xùm giữa hai vợ chồng chị với gia đình mà vợ chồng tôi rút kinh nghiệm được rất nhiều. Có chuyện bị oan ức, rầy rà tôi chỉ im lặng. Không bao giờ tôi hé răng nói nửa lời với bất cứ ai. Kể lại cho chồng nghe anh định phản ứng nhưng tôi van xin anh đừng làm tôi bị phiền toái và sẽ khiến anh mang tiếng nghe lời vợ. Những lúc ấy anh chỉ biết ôm tôi trong khi tôi cố nén nước mắt, không dám tâm sự nhiều với chồng. Hạnh phúc ít ỏi quá khi mỗi tuần chỉ gặp một lần nếu anh không có ca trực hay bị cắm trại.

Một buổi chiều đi làm về không thấy bóng dáng chị trong bếp, tôi không dám hỏi cố gắng loay hoay giúp má chồng làm cơm chiều.

Nghe mọi người nói với nhau, ban trưa chị được gia đình mình xin cho về nhà dưỡng bệnh “tâm thần” theo lời gán ghép của chồng. Cũng bởi chị là con gái út được cưng nhất nhà.

Vậy là tôi bắt đầu làm dâu một mình nhưng may mắn đã mang bầu được hơn sáu tháng nên được châm chước nhiều hơn chị. Miền Trung tình hình bắt đầu sôi động, nhiều người mua vé máy bay mang cả gia đình vào Saigon trước. Nghe tin từ người anh chồng “con giáp thứ mười ba” đang mang bầu sắp sinh, tôi không có cách nào báo cho chị biết, địa vị của chị đang lung lay bởi có đứa con là sợi dây cột chặt hai người.

Buổi chiều đi làm về vừa vào cổng nhà, tôi đã trông thấy chị khóc sướt mướt, nghe tiếng chị thanh minh phân bua với má chồng tôi :

– Là ảnh nói láo, ảnh đặt chuyện, con đâu có nói.

Tiếng má chồng tôi dằn xóc vì vướng cục thuốc xỉa đang ăn trầu :

– Cô có nói xấu tui không ? Nói xấu cả nhà này không ??

Chị vừa đi vừa khóc nức nở ra phía cổng. Tôi giả vờ ra đóng cổng đi như chạy không nói được lời nào với chị, chỉ kịp dúi vào tay mảnh giấy ghi được vài chữ “Em muốn gặp riêng chị, ghé chỗ em làm”. Chị mặc áo dài trắng có người bạn cũng áo trắng đang dừng xe xế trước cổng nhà chờ chị, chắc cả hai vừa đi học về. Bỗng tôi sực nhớ chị đâu có biết địa chỉ tôi làm nơi nào ! Cũng bằng không.

Không biết ông anh chồng điện thoại nói gì. Lại cũng là buổi chiều khi tôi đi làm về đã thấy “con giáp thứ mười ba” mang đứa con đến nhà chơi chắc từ buổi sáng. Cả nhà tíu tít, hai cô em chồng chuyền tay bồng đứa nhỏ, nưng nịu, cho thấy gia đình nhà chồng tôi đang “khát” cháu.

Tôi ngồi một góc nhìn sự xum xoe vui vẻ của mọi người bỗng thấy buồn muốn sa nước mắt giùm chị. “Con giáp thứ mười ba” có vẻ hả hê bởi kể từ nay được cho phép bước qua lằn ranh đạo đức cổ hủ, bế con về nhà nội có nghĩa mặc nhiên được công nhận là dâu con rồi.

Những ngày đầu của 30/4/75 đi kèm với nước mất là nhà tan. Chị bị chính thức mất chồng bởi “con giáp thứ mười ba” dù chưa tuyên bố đầu hàng, tôi vẫn không thấy chị trở về nhà. Ông anh chồng sau khi được học tập tại chỗ một tháng vẫn được lưu dụng làm việc cho bệnh viện tỉnh ngoài miền Trung. Theo nguyên tắc của chính quyền mới đặt ra chị phải học thêm một năm về chính trị, ra trường chị được phân công làm giáo viên lớp mười hai dạy môn văn ở quê nhà xứ sở gạo trắng nước trong.

Riêng tôi, mười ngày chờ đợi trôi qua, kéo dài được hơn ba tháng, tôi xin phép gia đình chồng bồng con về nhà bởi đã thất nghiệp. Hồi nhỏ tôi hay nghe ba mình nói câu “Thắng về nội, thối về ngoại” tôi đang trong tình trạng thua cuộc không chỉ riêng mình mà là của cả nước. Về nhà bám vào gia đình mình cũng vẫn hơn, cha mẹ lúc nào cũng dang tay đỡ đần con cái trong mọi tình huống, ai cũng vậy khi nói câu “Vì nó là con mình”.

Tôi không có diễm phúc thong dong như chị bởi một nách con nhỏ phải nuôi lẫn ông chồng bị bó chân trong trại cải tạo. Mưu sinh khó khăn, có lẽ lần này tôi và chị còn điểm cuối cùng giống nhau, rời nhà chồng trở về nương nhờ cha mẹ ruột.

Đang học lớp chính trị, có lần chị đạp xe ghé nhà hớn hở rủ tôi cùng đi vào trường Đại học sư phạm xem phim Chiến Tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy, chị nói :

– Mình biết Kim cũng thích văn chương giống mình nên đến rủ Kim đi xem.

Miệng cười nhưng lòng dạ héo hon, tôi đáp câu từ chối :

– Cảm ơn chị còn nhớ đến em, em bận giữ con rồi, tiếc thật.

Hàng tuần đi làm tôi nhờ gia đình bên ngoại giữ con giùm, ngày nghỉ thì phải lo chăm sóc con chẳng thể nào bắt mọi người trông con cho mình đi xem phim ! Mọi thú vui dù chỉ là tinh thần đối với tôi giờ đây bỗng trở thành xa xỉ. Bây giờ không còn đối thủ “con giáp thứ mười ba” công khai mang hai đứa con đầu, một đứa lai Mỹ mắt xanh, da trắng, một đứa lai Đại Hàn mắt một mí, cùng hai đứa con có với ông anh chồng chính thức về ghé nhà chồng chơi. Năm đó chồng tôi đang trong trại cải tạo, tình cờ tôi ghé nhà cho biết mới nhận được giấy thăm nuôi, thấy mọi người quây quần vui vẻ hạnh phúc tôi bỗng thấy buồn cho riêng mình. Xem như không có mặt, chỉ chào ba mẹ chồng rồi bỏ ra về, cả hai vợ chồng “con giáp thứ mười ba” căm hận chuyện này đến bây giờ. Mang mặc cảm giựt chồng nên ở đâu cũng rêu rao mình là vợ chính thức nếu có dịp cho dù biết mỗi người trong thâm tâm họ không hề nhìn nhận mình. Hai người chị chồng của tôi khi được anh, em trai trịnh trọng giới thiệu chị dâu, họ lãnh đạm nói :

– Tui không biết ai hết, tui chỉ biết có một người tên Lan mà thôi

Bởi họ đã có chồng và sợ mình bị rơi vào hoàn cảnh giống chị này, nên dĩ nhiên phải ghét “con giáp thứ mười ba”.
Tôi nhớ mãi câu nói của má chồng khuyên tôi sau hôm đầu tiên gặp “con giáp thứ mười ba” đến nhà :

– Hai người ngồi hai đầu không ai nói với ai lời nào, đừng để người ta nghĩ mình là dâu có cưới hỏi khinh thường người ta.

Tôi chỉ im lặng nhưng tối về tôi nói với chồng :

– Họ không mở miệng nói chuyện, mắc mớ gì em phải xum xoe kiếm chuyện nói với họ. Má nói vậy em không cãi, nhưng đừng khuyên em đánh đồng với họ vị trí dâu con.

Sau ngày chồng tôi được thả về một tháng, người của nơi anh ta làm việc đến nhà tìm mới biết tin cả gia đình ông sáu người đã đi vượt biên, đồng thời người chị bên Canada cũng cho biết đã xin bảo lãnh thêm cho những người này giống như ba má chồng tôi dạo trước.

Trái đất tròn sau khi vượt biên người chị em bạn dâu kém may mắn của tôi được nhận định cư ở một đất nước nằm phía Nam quả địa cầu. Chị đã lập gia đình và có hai con. Bay về vùng đất phía Bắc chị tìm ghé thăm má chồng tôi được người chị chồng bảo lãnh đang sống chung nhà. Bà ôm chị, cả hai khóc nức nở. Có lẽ thâm tâm bà hiện tại đã so sánh, hiểu được giá trị giữa hai người là vợ của con trai bà. Chị là một con dâu hiền hậu có học thức và đạo đức làm người.

oOo

Từ cổ chí kim “Con giáp thứ mười ba” bao giờ cũng bị lên án và ghét bỏ. Mấy ai hiểu được tâm tư hoàn cảnh mỗi người. Có những người vì danh vọng, địa vị, tiền bạc cố tình giành giật phá hoại gia cang người khác. Cũng có người bị lường gạt tình cảm, âm thầm ngậm đắng nuốt cay đến nỗi thi hào Nguyễn Du là bậc đại trượng phu cũng phải than van giùm trong Văn chiêu hồn.

– “Đau đớn thay phận đàn bà. Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”

Số kiếp người chị ruột bên cạnh tôi dường như đã được gói gọn trong hai câu này rồi. Từ một cô thiếu nữ hiền lành, giỏi giang được nhiều chàng trai ngấp nghé nhưng trước tình yêu vẫn ngây thơ, nhìn đời, nhìn người bằng đôi mắt đơn giản. Chị tôi tình cờ quen một anh chàng là lính đóng tại Saigon bởi cứ lẽo đẽo theo sau chị mỗi khi tan trường. Thời gian đủ để cho người con gái từ chỗ có cảm tình bước nhẹ vào yêu đương chỉ trong gang tấc. Những gì về anh này chị chỉ biết qua lời kể rằng : “anh còn một người anh và cô em gái cả hai đều có gia đình riêng và anh không còn cha mẹ.” Ghé nhà chơi được hơn một năm thì ngày tang thương cả nước ập đến, là sĩ quan cấp bậc Trung úy anh bị tập trung cải tạo. Vào trại gửi thư về anh cho biết khi khai lý lịch anh ghi tên chị là vợ, từ đây xem như là lời đính ước cuộc tình của hai người, ván đã đóng thuyền. Ba má tôi tội nghiệp cho rằng bây giờ những người lính như chồng tôi, như người yêu chị phải được trân trọng, yêu thương bởi hoàn cảnh họ không còn gì cả. Vì vậy mỗi lần nhận được giấy thăm nuôi tuy là người yêu mà chị còn lo lắng, sửa soạn thực phẩm theo yêu cầu của anh này còn hơn cả những người vợ đức hạnh đảm đương.

Trước ngày anh này được thả về một tháng, bỗng nhiên phòng tổ chức nơi chị làm việc gọi lên để khiển trách chị. Họ cho biết lý do có một phụ nữ đến xưng là vợ chính thức đã có với anh hai người con. Trời đất bỗng nhiên sụp đổ trước mắt chị. Rơi vào khoảng không bỗng nhiên chị trở thành “con giáp thứ mười ba”, chị giấu hết mọi người trong gia đình, kể cả tôi. Vì vậy, một mình loay hoay trong cơn rối mù, không nghĩ ra câu hỏi : “Tại sao gần bốn năm trời người vợ không hề tìm đến khiếu nại trong khi ai cũng biết những gia đình có người thân bị tập trung cải tạo đều phải tiếp tế lương thực, thuốc men cho họ. Có phải chị đang bị họ toan tính lợi dụng ? trong thời gian khó khăn về lương thực họ im lặng cứ để mọi chuyện xảy ra đùn đẩy việc thăm nuôi chồng mình cho chị”. Thêm một yếu tố khi anh này được cấp giấy ra trại trong đó ghi địa chỉ lại là về nhà gia đình tôi ở Saigon trong thời gian quản chế. Mọi chuyện anh ta dàn dựng ngay từ đầu. Chị sợ ba má tôi biết việc anh này lừa gạt chị nên không dám nói sự thật, gia đình họ có lẽ sau khi bàn bạc thống nhất với nhau. Anh này nhờ người anh và em gái ruột sống ở thị xã gần biên giới Kampuchea đến xin ba má tôi làm một lễ tuyên hôn đơn giản, để được chính thức chen vào hộ khẩu gia đình nhà tôi. Xã hội khắc nghiệt vào thời điểm sau năm năm khiến người ta dễ dãi trong đời sống, không còn bó buộc lễ nghi như xưa, ba má tôi cũng vậy.

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay !”. Đâu phải “con giáp thứ mười ba” nào cũng giành giật hưởng hạnh phúc vinh qua phú quý. Chị giống như “thân gầy liễu rũ trong thơ cổ” nhưng lại bị một đám dây leo chùm gởi đeo bám, cung cấp tiền bạc làm ra nuôi bản thân một người đàn ông lười biếng chưa đủ, còn phải gánh vác hai đứa con riêng bị người mẹ đùn đẩy lấy cớ giao về cho cha. Sau này tôi mới biết anh ta đòi mang con về nhà nuôi. Một lần nữa chị lại sợ ba má tôi biết đến nỗi kiếm được thêm bao nhiêu tiền chị phải gởi thuê một người bà con anh ta nuôi giùm, cả chục năm sau gia đình tôi mới biết nhờ người bà con tốt bụng này nói hết sự thật bởi giận hai đứa con anh ta lêu lỗng, chị xin việc cho đi làm thì lười biếng chỉ biết hẹn hò trai gái. Cuối cùng anh này phải trả về cho người mẹ dạy bởi chúng đã lớn. Dây leo chùm gởi chị vẫn phải mang cho đến khi qua đến Mỹ. Ban đầu má tôi không muốn chị rời gia đình, má tôi nói :

– Chị mày sang bên đó chỉ có một mình sẽ không ai chăm sóc, xứ lạ quê người nó không sống nổi đâu.

Tôi trấn tĩnh cho má an tâm :

– Con ở tỉnh bang bên cạnh chỉ cần hơn hai tiếng đồng hồ là con chạy ngay sang chị ấy mà.

Má tôi lo lắng như vậy không phải không có nguyên nhân. Ngày chị sinh đứa con độc nhất, hai chị em xin được gian nhà tập thể nên ở chung với nhau. Nửa đêm chị đau bụng chờ sinh, anh này chở chị đến bệnh viện bỏ đó rồi về nhà ngủ, tôi thấy vậy hỏi :

– Sao anh đi về, chị đâu rồi.
– Họ không cho vô, chỉ cho bả vô thôi.
– Không cho vô bên trong thì ngồi bên ngoài chờ cũng được đâu có ai cấm !

Sáng sớm hôm sau chúng tôi đi làm. Má tôi với linh tính của một người mẹ không biết làm cách nào bà biết chị tôi đang nằm bệnh viện Từ Dũ, bà đi khắp nơi tìm cuối cùng trông thấy chị tôi nằm khóc sưng mắt. Hai người chung một giường, chị nằm với con khùng bị người ta hãm hiếp cũng vào sinh con tại đây. Do nằm ngược đầu nên con bé cứ đạp vào đầu chị. Bà dúi tiền nói với y tá cho chị tôi nằm chỗ khác. Cô này kể với má tôi đêm qua chị sinh khó, mãi đứa bé vẫn không ra chị đuối hơi, bác sĩ định mổ nhưng ra tìm người nhà gọi không có ai. Với sức lực cuối cùng chị sinh đứa bé ra không có lấy cái áo, tấm tả quấn cho con bởi cái giỏ chị sắp đồ đạc đi sanh anh chồng đã xách luôn về nhà. Cô y tá phải xin đỡ cái áo thun cũ thay cho khăn để quấn con chị. Má tôi kêu trời khóc không rơi nổi hạt lệ già nua cám cảnh cho số phận bạc bẽo của chị. Tàn nhẫn hơn nữa là buổi trưa ngày chị sinh, chồng tôi về nhà gặp chồng của chị đang ngồi đánh mạt chược chơi với bạn bè.

Buổi chiều hai vợ chồng tôi đi thăm chị, đứng ở cửa chờ đến giờ cho vào, lần đầu tiên tôi mới hiểu câu :

“Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển mồ côi một mình”

Bởi lúc đó chính mắt trông thấy chiếc xe hồng thập tự đậu ở cửa sau, một chiếc băng ca đẩy lên, trên trùm chiếc drap trắng lấm tấm dính máu. Theo sau là một phụ nữ đứng tuổi gào khóc sướt mướt, tôi mới cảm nhận được chuyện nguy hiểm đến mất mạng khi sinh nở, là chuyện sống còn.

Lo sợ của má tôi không hề thừa thãi, sang quê người vẻn vẹn chỉ được năm năm, chị làm một ngày hai job trong khi anh chồng lấy cớ phải đi học. Chồng tôi nói :

– Qua đây năm mươi tuổi rồi còn đi học nỗi gì, kiếm công việc làm thêm song song với việc học phụ giúp với vợ.

Đã vậy có bao nhiêu tiền lại giấu diếm gửi về Việt Nam, chị khám phá gọi phone khóc đòi bỏ anh ta sang Canada ở với tôi. Dây leo chùm gởi vẫn đeo bám, rút rỉa cây liễu yếu ớt. Hầu hết người trong nước cứ tưởng sang xứ người dollar giống như lá vàng ngoài đường tha hồ hốt về. Cơn đột quỵ tại sở làm đã đánh gục chị tôi. Mỗi vài tuần, hàng tháng sang thăm chị, thỉnh thoảng tôi gặp bạn bè của chị. Họ rất tử tế và thương chị khi thấy người chồng tệ bạc. Má tôi tuổi già nua cũng vẫn gắng sang thăm, chăm sóc chị vài tháng. Em gái bên Đức cũng xin ở lại cả tháng thăm chị,

Đau đớn thương khi chị còn nằm đó, trí nhớ minh mẫn nhưng không ngồi dậy hay đi lại như người bình thường. Lần thứ hai má tôi sang với chị, anh ta trơ trẻn giới thiệu người mới là một phụ nữ cùng sống chung. Riêng tôi mỗi lần sang thăm chị là ở cả ngày từ sáng đến chiều cũng chỉ chăm sóc chị bằng cách cắt móng tay chân, nhúng nước nóng lau mặt, lau mình cho chị. Hình như công việc này chưa bao giờ chồng, con chị làm cho chị. Họ viện cớ đã có y tá trong nurshing home làm rồi. Vài ngày vào thăm nhìn sơ qua rồi đi. Có lần người bạn chị vào thăm nói với tôi :

– Tôi hỏi con chị ngày mother day có vào thăm mẹ không, nó nói có ! Nhưng tôi nhìn thấy người của chị dơ bẩn giống như tuần trước khi tôi vào thăm.

Chị có rất nhiều bạn bè sống cùng thành phố rất thương chị. Họ đi sang Pháp sang Ấn độ cũng đều xin phép lạ mang về cho chị và treo đầy trên tường trong phòng chị.

Ban trưa trước khi đi ăn với chồng tôi. Anh Kiên hàng xóm thân thiết nhỏ hơn tôi, ở cạnh nhà bên Việt Nam nhân dịp sang Mỹ, anh này tìm đến thăm chị. Tôi đứng bên giường bệnh nhìn anh ôm chị tôi khóc, chỉ nghe tiếng anh rên mà không thấy được nước mắt. Tay chị vỗ vỗ, vò đầu anh này chứng tỏ chị vẫn minh mẫn nhớ anh.

Trên đường trở về chồng tôi nói :

– Ban nãy em biết anh gặp ai không ? Chồng chị đi cùng người đàn bà vào chung nhà hàng với anh và anh Kiên hàng xóm. Bốn người ngồi cùng bàn, anh ghét quá không thèm nhìn mặt cũng như nói năng với người này.

Tôi nói với nghẹn ngào :

– Thật là một con người mặt trơ, trán bóng. Anh ta biết không còn dựa dẫm, sống tầm gửi vào chị của em bây giờ đáp vào người đàn bà khác. Phải tội nghiệp cho bà ta mới phải. Em chỉ buồn là chị em vẫn còn sống nằm đó chưa chi đã vội thay lòng.

Bỗng tôi cười khan nói như con điên :

– Vợ con anh ta còn sống mà anh ta vẫn ruồng bỏ huống gì chị của em bây giờ nằm một chỗ, sống mà như chết.

Cuối cùng nợ đời chị đã trả xong, chị im lặng ra đi bình thản không ai hay biết. Điều má tôi lo lắng trước kia đã thành sự thật. Tang ma của chị má đã dặn dò tôi lo toan cho chị trước khi má về lại quê nhà. Má bán đi một số vàng cộng lại các chị em đóng góp để lo cho chị một tang ma đầy đủ tươm tất kể cả vé máy bay cho chồng con chị về lại VN. Ngày ra đi với hình hài con người, ngày về chỉ là một bình tro.

oOo

 “Con giáp thứ mười ba” Đáng thương hay đáng trách. Riêng tôi chỉ biết nghĩ mọi sự việc xảy ra trên đời, trong cả hai trường hợp liên quan với chính tôi, đáng trách là người đàn ông trong cuộc. Nếu chỉ lên án một mình “Con giáp thứ mười ba” thật sự không công bằng. Có ai biết một cái tên mới để đặt cho người đàn ông trong cuộc, xin cho mọi người biết với.

Cỏ Biển
Tháng 4 /2021

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021